CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Tìm chất bản địa trong tác phẩm Anphong – Một hối nhân


http://www.chuacuuthe.com/2014/08/tim-chat-ban-dia-trong-tac-pham-anphong-mot-hoi-nhan/

VRNs (16.08.2014) – Sài Gòn – “Tôi chưa biết Cha Thánh Anphong là ai nên tôi đã đi tìm hiểu ngài là ai… Khi tôi đọc tác phẩm “Hồi ký mùa thu” tôi bị thu hút nơi Thánh nhân với phẩm chất của một hối nhân, và tôi nhìn thấy, chính tôi ở trong hối nhân ấy. Tôi tiếp tục đến nhà thờ để quan sát các hối nhân đến tòa giải tội… những hình ảnh của các hối nhân làm tôi vỡ òa những ý tưởng về Thánh Anphong. Điều này khiến tôi bị thôi thúc và tôi đã phác thảo tác phẩm Thánh Anphong – Một hối nhân”. Điêu khắc gia Xuân Hùng bày tỏ.
Điêu khắc gia Xuân Hùng đã chia sẻ tâm tình và ý nghĩa bức tượng Thánh Anphong – Một hối nhân cho gần 100 Quý cha, Quý thầy học viện cùng với Nhóm Giáo dân Thừa Sai DCCT trong buổi nói chuyện về Nghệ thuật Công giáo, tại hội trường Giêrađô, DCCT Sài Gòn, vào lúc 19 giờ, ngày 13.08 vừa qua.
Trong buổi nói chuyện, có sự hiện diện của cha Giám tỉnh DCCT Vinhsơn Phạm Trung Thành, cha Giám đốc Học viện Giuse Trịnh Ngọc Hiên, cha Bề trên Giuse Hồ Đắc Tâm và cha Antôn Lê Ngọc Thanh.
Ý tưởng để hình thành nên bức tượng “Thánh Anphong – Một hối nhân”, Điêu khắc gia Xuân Hùng cho biết: “Ai đã lập Dòng Chúa Cứu Thế? Lập Dòng như thế nào khiến cho Quý cha DCCT có một hào khí và tinh thần phục vụ người nghèo mạnh mẽ như vậy? Các ngài là những người thợ không bỏ phí thời gian… Tôi đã đi tìm hiểu. Và khi tôi đọc cuốn sách “Hồi ký mùa thu”, tôi bị ấn tượng bởi những câu nói của một thầy nói với Cha Thánh rằng “nếu cha không ngồi thẳng lên thì con sẽ cột cha vào chiếc xe lăn”, điều này tôi hình dung ra sự già yếu của Cha Thánh. Những câu nói của Cha Thánh như “cuộc đời tôi mở ra và tôi chỉ thấy đôi bàn chân và nền nhà”, “tôi không thể chấp nhận khi một hối nhân vào tòa giải tội rồi, bước ra mà không được gì”… Đây là những ý tưởng đã giúp tôi sáng tác ra bức tượng”.
Điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng đang giới thiệu tác phẩm
Điêu khắc gia Đoàn Xuân Hùng đang giới thiệu tác phẩm
“Khi chúng ta nói mình là ai thì mình đã biết mình là ai rồi. Khi chúng ta nói đến một hối nhân thì chính cha Thánh Anphong là một Hối nhân Đức Tin – Ngài đã truyền lại tinh thần đó cho những người khác. Cuộc đời của cha thánh luôn dành cho người nghèo, người bị bỏ rơi hơn cả và các Nhà Nguyện về đêm của ngài là một bằng chứng cụ thể. Chính vì vậy tôi đã phác thảo nên cha Thánh có đôi bàn chân của người lao động.” Điêu khắc gia Xuân Hùng chia sẻ tiếp.
Về kỹ thuật điêu khắc, ông Xuân Hùng đã chọn phong cách dân gian. Ông nói: “Tôi phác thảo bức tượng cha Thánh Anphong theo phong cách dân gian VN với các chi tiết mang tính cách biểu cảm. Tác phẩm được nung bằng cách nung hở của người Chăm và nung kín của người Kinh. Đất nung là một ngôn ngữ nghệ thuật mang tính văn hóa Việt và tâm hồn Việt.”
Qua tác phẩm Anphong – Một hối nhân, cha Giám Tỉnh chia sẻ hai điểm tỉnh ấn tượng: “Thứ nhất, tư thế của bức tượng là tư thế đang quỳ, với dáng người hơi khom về phía trước và gục đầu xuống mặt Chúa: Không chỉ diễn tả tình trạng tuổi già của thánh Anphong nhưng còn nói lên sự khiêm nhường thẳm sâu và sự đầu phục tuyệt đối của thánh nhân trước Lòng Thương Xót Chúa.
Thứ hai, kỹ thuật táp lửa trong khi nung làm cho bức tượng chuyển từ sắc độ tối ở phía dưới đế cho đến sáng ở phía trên: Nói lên tình trạng của một hối nhân từ trong bóng tối tội lỗi và thân phận yếu hèn của con người vươn lên ánh sáng và Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Cùng với tư thế quỳ cho người xem một cảm xúc mãnh liệt, muốn vươn lên để đụng chạm kinh nghiệm và đón nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không có một tư thế nào chắc chắn và hiệu quả hơn cho bằng tư thế quỳ xuống như một Hối Nhân”.
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành chia sẻ cảm nhận về tác phẩm
Thêm chú thích
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành chia sẻ cảm nhận về tác phẩm
Kế đến, thầy Giuse Trần Thành Trung – một kiến trúc sư trước khi vào Nhà Dòng, bộc lộc cảm xúc: “Bức tượng tạo cho tôi nhiều cảm xúc. Tất cả các bức tượng Thánh Anphong đều diễn tả ngài là một vị thánh với tất cả với những nét cao sang nhưng với bức tượng này, tôi cảm thấy cha thánh là một người bình dị và gần gũi. Tôi bị cuốn hút bởi chiều sâu của bức tượng này”.
Tu sĩ Giuse Trần Thành Trung - một kiến trúc sư, phát biểu suy nghĩ và đặt vấn đề với tác giả Xuân Hùng
Tu sĩ Giuse Trần Thành Trung – một kiến trúc sư, phát biểu suy nghĩ và đặt vấn đề với tác giả Xuân Hùng
Còn thầy Giuse Nguyễn Khánh Sơn chia sẻ niềm hạnh phúc: “Tôi không biết gì về nghệ thuật nhưng tôi rất thích nghệ thuật. Qua buổi trình bày này, tôi đã cảm thấu được một phần nào của nghệ thuật. Thánh Anphong là một vị thánh của thế kỷ Ánh Sáng (thế kỷ XVIII), nên tôi cảm thấy ngài ở rất xa, xa lắm nhưng qua bức tượng và qua những lời chia sẻ của nghệ sĩ, tôi cảm nhận được cha thánh là một người rất gần gũi với cuộc đời của tôi”.
Chuẩn bị kết thúc buổi nói chuyện, cha Antôn Lê Ngọc Thanh nhấn mạnh đến Giáo hội Công giáo VN chưa chú trọng đến Nghệ thuật Công giáo bản địa. Ngài nói: “Chủ yếu Nghệ thuật Công giáo của chúng ta bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật Phương Tây. Qua các tác phẩm chúng ta đang có đều minh họa và gợi ý từ và cho nền thần học Phương Tây. Thế nhưng, ở VN nói riêng và vùng Á Đông nói chung thì cho đến giờ phút này chưa có một nền thần học Á Đông thật mạnh mẽ, chỉ có một vài suy tư nhè nhẹ của Đại Hàn, Ấn Độ. Nếu chúng ta chỉ đón nhận Đức Tin bởi một nền văn hóa Phương Tây, thì có nguy cơ Đức Tin của Giáo Hội đến với người Việt đó là một cái phải mặc vào, phải mang lấy, phải trùm lên mà không xuất phát từ bên trong [mang đậm nét văn hóa Việt]. Nếu không dám khuyến khích đẩy mạnh những tác phẩm Công Giáo theo trường phái Dân gian VN thì chúng ta sẽ dừng lại, không thể suy tư thần học theo lối bản địa và tiếp tục tạo ra những khuôn Giáo lý đến với người VN là một cái áo trùm vào, chứ không phải một cái cây mọc lên từ đất. Và phải mất rất nhiều thời gian nữa, Giáo hội Công giáo mới được xem là phổ quát tại VN. Chúng ta sắp kỷ niệm 500 truyền giáo ở VN nhưng tỷ lệ người có đạo ở VN chỉ tròm trèm 7% dân số. Đây là điều đáng suy nghĩ”.
Cha An Thanh chia sẻ suy nghĩ trước lúc kết thúc buổi nói chuyện
Cha An Thanh chia sẻ suy nghĩ trước lúc kết thúc buổi nói chuyện
Trước đó, cha Giám tỉnh Vinhsơn Phạm Trung Thành trình bày đôi chút về khái niệm Nghệ thuật thánh và Nghệ thuật Công giáo. Ngài cho hay: “Qua Cựu ước cho thấy nghệ thuật thánh đã xuất hiện từ thời Tổ phụ Apraham khi ông đặt những viên đá để làm bàn thờ tế lễ thay cho Isaac – con ông. Nghệ thuật thánh là một sự sắp đặt lại âm thanh, màu sắc, không gian để thờ phượng Thiên Chúa. Mở rộng hơn là hình thái Nghệ thuật Công giáo như là các bức tranh, bức tượng… không phải để thờ phượng nhưng các tác phẩm này sẽ tạo cho con người một cảm xúc, giúp con người gặp gỡ Thiên Chúa và giúp cho con người cầu nguyện được nhiều hơn. Nghệ thuật thánh chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hoạt động trong nhà thờ”.
“Nghệ thuật đảm nhận vai trò ngôn sứ trong Hội Thánh và Hội Thánh trở thành bà mẹ, bà đỡ cho nghệ thuật, vì không có mẹ nuôi dưỡng thì nghệ thuật không phát triển, mà nghệ thuật phát triển sẽ dẫn dắt tư tưởng và giáo dục quần chúng. Thế nhưng, trong suốt thời gian vừa qua, Nghệ thuật Công giáo ở VN khá im ắng, những sáng tạo trong nghệ thuật đang còn tiềm ẩn chưa có cơ hội phát triển mạnh.” Cha Giám tỉnh ưu tư.
Sau đó, một số Quý thầy và giáo dân tham dự đã đặt một số câu hỏi xoay quanh nội dung là tại sao ông lại chọn đề tài Thánh Anphong – Một hối nhân để chia sẻ đề tài này? Với các nội dung câu hỏi thì Điêu khắc gia Xuân Hùng đã tường thuật lại quá trình ông đi tìm hiểu cuộc đời cha Thánh Anphong, cũng như ông bị cuốn hút bởi tình thương của ngài dành cho người nghèo từ tòa giải tội…
Điêu khắc gia Xuân Hùng cho biết thêm: “Trong tương lai tôi có dự định sáng tác các tác phẩm liên quan đến các vị thánh DCCT vì nơi mỗi vị nổi bật lên những phẩm hạnh đánh động tâm hồn tôi”.
Huyền Trang, VRNs

Không có nhận xét nào: