CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

LNGD Lễ Kết Thúc Năm Thánh GXĐMHCG



Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời




PVL (31/12/2013) – Hôm nay, ngày cuối năm dương lịch 2013, Giáo Hội bước vào ngày thứ bảy trong Tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh, và Lời Chúa trích Tin Mừng Ga 1,1-18 lại nói về một sự khởi đầu:
Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời: Ngôi Lời ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa.     (Ga 1,1)
Chính Chúa Giê-su là Ngôi Lời Thiên Chúa, Người là Khởi thủy và Cùng đích, là Alpha và Omega. Người tạo thành vũ trụ, vạn vật, trong đó có con người sa ngã phạm tội, và Người đã trở thành xác phàm để cứu độ họ. Người là Sự Sống, Sự Sáng, Sự Thật...

Lạy Chúa Giê-su Ngôi Lời nhập thể, Chúa đã đến thế gian nhưng thế gian đã chối từ, bách hại Chúa và những ai tin vào Ngài. Hôm nay, một lần nữa, con được vinh dự chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu của Chúa dành cho muôn dân thiên hạ, dành cho con, một tình yêu tuyệt đối. Xin giúp con ý thức đáp trả tình yêu của Ngài bằng cuộc sống chứng tá hôm nay trong vai trò, trách nhiệm và ơn gọi của con. Xin giúp con, lạy Chúa. Amen.

Những kẻ Phản-Kitô là những người từ chối tiếp nhận Đức Kitô.

Ngày 31 tháng 12, BNGS


Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Ngày 31 tháng 12, BNGS

Bài đọc: I Jn 2:18-21; Jn 1:1-18.

1/ Bài đọc I18 Hỡi anh em là những người con thơ bé,
đây là giờ cuối cùng.
Anh em đã nghe biết là tên Phản Ki-tô sẽ đến;
thế mà giờ đây nhiều tên Phản Ki-tô đã xuất hiện.
Do đó, chúng ta biết được rằng đây là giờ cuối cùng.

19 Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta,
nhưng không phải là người của chúng ta;
vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta.
Nhưng như thế mới rõ:
không phải ai ai cũng là người của chúng ta.

20 Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh,
và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết.

21 Tôi đã viết cho anh em,
không phải vì anh em không biết sự thật,
nhưng vì anh em biết sự thật,
và vì không có sự dối trá nào phát xuất từ sự thật.


2/ Phúc Âm1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.
10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.
11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. 15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: "Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi." 16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. 17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. 18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.




GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những kẻ Phản-Kitô là những người từ chối tiếp nhận Đức Kitô.

Đối diện với sự xuất hiện của Đức Kitô, con người buộc phải tỏ thái độ: tin hay không tin. Tùy thuộc vào thái độ này, con người tự chọn cho mình phải hư đi hay đạt tới cuộc sống đời đời. Thiên Chúa không cần phán xét con người, nhưng Ngài để cho con người tự phán xét lấy. Điều này đã rõ ràng trong Tin Mừng Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Jn 3:16-18).
Các bài đọc hôm nay xoay chung quanh việc từ chối tiếp nhận Đức Kitô. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan đề cập đến những kẻ Phản-Kitô và cuộc giao chiến cuối cùng của các Kitô hữu với những kẻ này. Trong Phúc Âm, Thánh Gioan tường thuật hai phản ứng của con người khi Ngôi Lời xuất hiện: (1) Có những kẻ từ chối tiếp nhận Người: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Jn 1:10-11). (2) Nhưng nếu ai tiếp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa (Jn 1:12).

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cuộc chiến cuối cùng với những kẻ Phản-Kitô

1.1/ Cuộc chiến với những kẻ Phản-Kitô:
(1) Giờ cuối cùng là khi nào? Có 2 ý kiến khác nhau:
- Thời gian trước Ngày Tận Thế: Từ thời các Tông-đồ, con người luôn cố gắng đóan xem khi nào Ngày Tận Thế xảy ra: Thánh Phaolô trong Thư gởi tín hữu Thessalonica I đã tiên đóan Ngày này sẽ xảy ra trong tương lai gần; nhưng sau đó, ngài đã xét lại sự tiên đóan này trong các Thư: Thessalonica II, chương 2; và Corintô I, chương 7.
- Thời gian từ lúc Đấng Cứu Thế đến cho tới Ngày Tận Thế: Đây là ý kiến được đa số công nhận hơn vì được Chúa Giêsu nói tới nhiều lần trong các Tin Mừng. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết: Ngày ấy chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng khi nào xảy ra không ai biết, trừ một mình Thiên Chúa Cha. Vì không ai biết khi nào Ngày đó xảy ra, nên mọi người phải luôn chuẩn bị.
(2) Ai là kẻ Phản-Kitô? Giới từ anti có 2 nghĩa trong tiếng Hy-Lạp: chống lại hay thay chỗ của. Vì thế từ Phản-Kitô cũng có 2 ý nghĩa:
- Kẻ chống lại Đức Kitô: những ai trực tiếp và đơn giản chống lại Ngài, chẳng hạn: các bè rối chống thiên tính hay nhân tính của Đức Kitô hay Con Thú trong Sách Khải Huyền.
- Kẻ muốn thay thế chỗ của Đức Kitô: những ai muốn thay thế chỗ của Đức Kitô cách gián tiếp và không minh bạch, chẳng hạn: thay vì chỉ cho mọi người tới với Chúa, họ lợi dụng những gì Chúa nói để chỉ vào mình hay từ từ đưa con người xa Chúa.

1.2/ Dấu để nhận ra kẻ Phản-Kitô:
(1) Là người ở giữa chúng ta: không phải là quỉ vương ra đời như nhiều người lầm tưởng. Thánh Gioan chỉ rõ: “Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta; vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ: không phải ai ai cũng là người của chúng ta.” Vì kẻ Phản-Kitô lẫn lộn trong cộng đồng, nên các tín hữu cần cẩn thận đề phòng, vì khó nhận ra họ.
(2) Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta nhận ra kẻ Phản-Kitô: “Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết. Tôi đã viết cho anh em, không phải vì anh em không biết sự thật, nhưng vì anh em biết sự thật, và vì không có sự dối trá nào phát xuất từ sự thật.” Chúa Thánh Thần là sự thật, chính Ngài sẽ giúp các tín hữu nhận ra ai là kẻ Phản-Kitô.

2/ Phúc Âm: Người ở giữa thế gian, nhưng thế gian lại không nhận biết Người.

2.1/ Ngôi Lời tỏ mình cho thế gian: Thánh Gioan nêu ra ít là 3 cách Ngôi Lời đã tỏ mình:
(1) Trong việc tạo dựng: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” Con người có thể nhận ra Thiên Chúa qua việc tạo dựng và quan phòng.
(2) Qua nhân chứng Gioan: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” Gioan Tẩy Giả là nhân chứng đã biết và đã chỉ cho dân chúng thấy khi Ngài xuất hiện: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Jn 1:29).
(3) Qua biến cố Nhập Thể: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” Các Tông-đồ đã nhìn thấy Ngôi Lời bằng xương thịt. Ngài đã ở giữa họ, đã dạy dỗ, và đã làm bao phép lạ để chứng tỏ uy quyền của Ngài. Thánh-sử Gioan làm chứng cho chúng ta, những người không có kinh nghiệm nhìn thấy Chúa, trong cả Phúc Âm và Thư của ngài.

2.2/ Phản ứng của con người: Có 2 phản ứng chính:
(1) Từ chối và không tin Ngài: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” Có những người không nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa qua việc tạo dựng. Họ cũng chẳng nhận ra Thiên Chúa qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Sau cùng, họ cũng chẳng tin vào lời các người làm chứng cho Thiên Chúa. Thời của Chúa cũng như thời nay, vẫn có những hạng người này.
(2) Tiếp nhận và tin vào Ngài: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải tin vào Đức Kitô để được làm con Thiên Chúa và để đạt được cuộc sống đời đời.
- Con người tự phán xét lấy mình trong việc lựa chọn tin hay không tin vào Đức Kitô.
- Chúng ta phải cẩn thận đề phòng những kẻ Phản-Kitô: những người từ chối Đức Kitô, những người mạo nhận danh nghĩa của Ngài, và những người muốn thay Ngài bằng những điều khác.

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Tôi cũng được lớn lên, vững mạnh, khôn ngoan và ân nghĩa cùng Chúa.




 PVL (30/12/2013) – Hôm nay, Ngày VI trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Giáo Hội công bố Lời Chúa trích trong 1 Ga 2,12-17 và Tin Mừng Lc 2,36-40. Tôi chọn câu Lời Chúa sau đây để suy niệm:
 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. (Lc 2,40)
Qua lời của ngôn sứ An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se, ngày mong chờ Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem đã đến khi bà trông thấy Hài Nhi Giê-su được dâng vào Đền Thánh.
Với thân phận người nhận loài người làm cha, làm mẹ, Hài Nhi Giê-su cũng được ẵm bồng, nuôi dưỡng, dạy dỗ bảo ban bởi Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giuse. Theo Lời Chúa, Người càng lớn lên, càng vững mạnh, càng khôn ngoan và được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Sự phát triển về nhân bản, về tâm linh của Hài Nhi Giê-su là bước đầu chuẩn bị cho sứ vụ loan báo Tin Mừng mang ơn cứu độ đến cho nhân loại sau này.
Tôi muốn lặp lại một số từ trọng tâm:
LỚN LÊN – VỮNG MẠNH – KHÔN NGOAN – ÂN NGHĨA CÙNG THIÊN CHÚA.
Sự phát triển này như tôi đã nói trên, không chỉ là vấn đề nhân bản mà còn là vấn đề tâm linh, tinh thần. Nhân bản để LÀM NGƯỜI, và tâm linh để làm THIÊN CHÚA.
Ứng vào Ki-tô hữu, vào con người tội lỗi yếu hèn của tôi, thì tôi cũng cần được những đức tính ấy để LÀM NGƯỜI cho ra NGƯỜI mang hình ảnh Thiên Chúa, không trở thành CON sống theo bản năng thú tính. Và quan trọng hơn, Ki-tô hữu về tâm linh không phải để làm CHÚA mà là BIẾT TÔN THỜ, KÍNH SỢ THIÊN CHÚA là Đấng tạo thành và cứu độ nhân loại, trong đó có tôi. Muốn được thế, tôi phải có THẦN KHÍ THIÊN CHÚA PHÙ TRỢ. SỰ LỚN LÊN, VỮNG MẠNH, KHÔN NGOAN VÀ ÂN NGHĨA CÙNG THIÊN CHÚA NƠI TÔI phải có tính thần linh chứ không chỉ mang tính tự nhiên.
Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng, Ngài được Cha Mẹ trần thế chuyên tâm nuôi dạy theo ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa hầu chuẩn bị cho công cuộc cứu độ nhân loại sau này, xin giúp con cũng được nhờ ơn Chúa giúp mà trưởng thành trong tình yêu Chúa, KÍNH CHÚA, YÊU NGƯỜI như ý Chúa muốn hầu góp phần cho công trình cứu độ của Chúa được thành toàn nơi con và muôn người. Amen.

Gx. Đức Mẹ HCG: Ngày Họp Mặt Muôn Dân




VRNs (29.12.2013) – Sài Gòn – Hơn 100 người, trong đó có khoảng 50 anh chị em lương dân đã tới tham dự ngày Họp Mặt Muôn Dân vào hôm qua, thứ Bảy, 28.12, tại Gx. Đức Mẹ HCG Sài Gòn.
Ngày Họp Mặt Muôn Dân là ngày đầu trong bốn ngày Đại Hội nhân dịp kết thúc Năm Thánh Kỷ Niệm của Gx. Đức Mẹ HCG và Tu viện DCCT Sài Gòn. Ngày này dành cho lương dân, những người thuộc tôn giáo bạn trong khu vực Giáo xứ và một số người đang học các lớp dự tòng tại Giáo xứ. Ngoài ra, bổi Họp Mặt cũng có một số giáo dân là những người đã đồng hành, tiếp xúc với anh chị em lương dân, những người thuộc tôn giáo bạn và đưa đưa những người này tới buổi Họp Mặt.
Ngày Họp Mặt Muôn Dân cũng nằm trong những hoạt động trong thời gian Gx. Đức Mẹ HCG sống định hướng truyền giáo. Cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Bề trên Tu viện DCCT Sài Gòn kiêm chánh xứ Gx. Đức Mẹ HCG cho biết: “Ngày 27.5.2012, chúng tôi đã thúc đẩy bà con giáo dân sống định hướng truyền giáo. Mỗi gia đình kết thân với một gia đình lương dân: cầu nguyện cho họ, lui tới với họ, quan tâm đến họ. Quy hướng tất cả mọi hoạt động trong đời sống để cầu nguyện cho họ được ơn nhận biết Chúa”. “Trong năm vừa qua, cũng đã có buổi gặp gỡ anh chị em lương dân tại các nhà nguyện Xóm giáo, hay tại nhà thờ Giáo xứ để chia sẻ, giải thích cho bà con lương dân một số vấn nạn họ thắc mắc về người Công giáo, cầu nguyện cho những người qua đời của người lương dân và chia sẻ về niềm tin kẻ chết sống lại của người Công giáo”.
Ngày Họp Mặt hôm qua bắt đầu vào lúc 10 giờ. Cha Antôn Lê Ngọc Thanh, DCCT là người phụ trách hướng dẫn, chia sẻ chính. Ngoài ra còn có một số bạn trẻ trong nhóm Thánh Kinh Cầu Nguyện và các bà thuộc hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phụ trách sinh hoạt, âm thanh, ẩm thực.
Mở đầu buổi Họp Mặt, cha Antôn Thanh giải thích cho mọi người biết thế nào là Năm Thánh, lịch sử ra đời của Năm Thánh và Năm Thánh có ý nghĩa như thế nào để mọi người hiểu tại sao có buổi Họp Mặt diễn ra trong Năm Thánh của Giáo xứ và Tu viện. Sau đó hơn 100 người được chia thành 10 nhóm để có thể làm quen, chia sẻ theo các đề tài Ban tổ chức đã đưa ra.

Các bà hội con Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phụ trách tiếp đón và lo ẩm thực cho ngày Gặp Mặt Muôn Dân


Lấy thẻ tham dự tại Văn phòng Giáo xứ


Toàn cảnh Hội trường lầu 4 nhà Mục vụ Giáo xứ trong ngày Gặp Mặt
Điểm nhấn trong ngày Họp Mặt là Đề dẫn: “Tình trạng suy thoái đạo đức ở Việt Nam do tôn giáo không được coi trọng” do cha Antôn Thanh hướng dẫn, diễn ra vào lúc 13 giờ 30. Sau đó các nhóm chia sẻ với câu hỏi: “Tại sao giới trẻ ngày nay không quan tâm nhiều đến tôn giáo?”
Liên quan đến tình trạng suy thoái đạo đức của con người nói chung và tại Việt Nam nói riêng, cha Antôn đi từ Kinh Thánh để cho thấy: “Hành động chạy trốn thần linh đưa tới hậu quả là con người chống đối nhau, đổ tội cho nhau. Khi chạy trốn thần linh, chạy trốn Thiên Chúa thì con người không có khả năng làm chủ, không có khả năng chịu trách nhiệm về những việc mình làm.” Ngài cũng đưa ra khẳng định rằng: “Nơi nào không còn ý thức về tâm linh, nơi đó không còn sự sống con người đích thực nữa”. Do đó “nếu không có đời sống tâm linh thì không có cách nào ngăn tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức”.
Kết luận cho phần này, cha Antôn Thanh nói rằng: Người dân Việt đã phải sống trong một xã hội với chủ trương vô thần gần 39 năm nay, nên chủ trương vô thần này đã ăn sâu vào nhiều người, kể cả những người đang theo một tôn giáo. Do đó “đôi khi ta không nói mình vô thần, nhưng lại hành động như người vô thần”. Và “nếu chúng ta muốn đời sống của  mình, những người Công giáo, Phật giáo hay thờ ông bà tổ tiên, chúng ta muốn sống tốt, muốn được hạnh phúc thì phải sống tôn giáo của mình cho tốt.”
Trong phần chia sẻ về câu hỏi: Tại sao giới trẻ ngày nay không quan tâm nhiều đến tôn giáo. Các ý kiến đưa ra được đúc kết vào ba ý chính: (1) Gia đình không có nền tảng đời sống tôn giáo tốt, không được học hỏi, không thực hành đời sống tôn giáo (2) Do chính sách xã hội: những người theo một tôn giáo nào đó đều rất khó để tiến thân, phân biệt đối xử với người theo tôn giáo, một xã hội tuyên truyền rằng tôn giáo là xấu, tôn giáo là lạc hậu…(3) Do xã hội hóa với những công nghệ hiện đại ra đời, các bạn trẻ bị lôi cuốn theo các trào lưu tương đối hóa mọi sự …
Vào lúc 16 giờ 15 có Tĩnh tâm với chủ đề: Thiền, cầu nguyện và Mẹ. Phần này đề cao việc cầu nguyện để từ bỏ những lo lắng, những sợ hãi trong cuộc đời, đặc biệt là cầu nguyện nguyện để có thể tha thứ được cho người khác để không còn thù hận trong lòng.

Các tham dự viên được chia thành các nhóm nhỏ để làm quen và chia sẻ theo các chủ đề


Tham dự viên chia sẻ và đặt câu hỏi


Những người tham dự không phải là Công giáo đa phần là anh chị em thuộc Phật giáo hoặc chưa theo một tôn giáo nào nhất định


Cha Giuse Hồ Đắc Tâm ngỏ lời với anh chị em lương dân sau phần trao đổi, chia sẻ tại Hội trường
Trước khi hưởng thức chương trình văn nghệ, những người dự ngày Họp Mặt Muôn Dân đã tham dự thánh lễ đồng tế tại nhà thờ vào lúc 18 giờ 30. Thánh lễ do cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT chủ tế và giảng lễ.
Nhiều lần trong thánh lễ, cha Vinhsơn Thành cám ơn vì sự hiện diện của những anh chị em lương dân đã đến trong ngày Họp Mặt và tham dự thánh lễ với cộng đoàn. Cha Vinhsơn nói rằng: “Các linh mục, tu sĩ DCCT và cộng đoàn rất vui mừng vì sự hiện diện của anh chị em không phải là Công giáo đã đến đây. Cổng nhà thờ, các cánh cửa nhà thờ và tấm lòng của chúng tôi luôn rộng mở để đón tiếp anh chị em.”
Tham dự ngày Họp Mặt Muôn Dân, ông Vũ Văn Tựu, năm nay 65 tuổi có nhà trong khu vực Xóm 1 Gx. Đức Mẹ HCG cho biết: “Tôi không phải là người Công giáo, nhưng tôi và gia đình có mối liên hệ gần gũi với đạo Công giáo. Trước năm 1975, tôi đã học trong trường Công giáo và hấp thụ nhiều điều tốt đẹp từ Đạo. Hiện tại trong gia đình tôi cũng có những đứa con theo đạo Công giáo nữa. Do đó hôm nay tôi tới đây để tham dự ngày gặp mặt này.” Khi nói về vai trò của tôn giáo trong xã hội, ông Tựu cho rằng: “Để loại trừ cái ác, để cho đạo đức xã hội khỏi xuống cấp thì phải cho các tôn giáo tham gia vào giáo dục. Điều đó là bắt buộc!”
Anh Minh Triết, 49 tuổi, một tín đồ Phật giáo đang làm việc tại Sài Gòn tới tham dự ngày Gặp Mặt nói rằng: “Qua một người quen, mình biết hôm nay có buổi họp mặt này nên mình tới tham dự. Tôi luôn mong muốn mọi tôn giáo được sống hòa đồng với nhau, tôn trọng nhau. Mình có thời gian thì tìm hiểu những điều tốt đẹp trong đạo của nhau.”
Một bạn trẻ trong nhóm Thánh Kinh Cầu nguyện phục vụ trong ngày Họp Mặt cho biết: “Mình là người Công giáo thì mình biết đức tin của mình như thế nào, nhưng mình không biết những người ngoài Công giáo họ suy nghĩ như thế nào. Qua những gì những người không phải là Công giáo thắc mắc thì mình biết họ đang suy nghĩ như thế nào. Sau khi nghe giả thích, một số người tỏ ra có thiện cảm với Đạo nên cũng thấy thích thích. Tôi tin rằng, mặc dù họ không theo Đạo nhưng họ sống theo lương tâm của mình thì thấy cũng là điều quý rồi.”
Ngày Họp Mặt Muôn Dân kết thúc với chương trình văn nghệ do các cấp đào tạo DCCT cùng với một số sinh viên thuộc lưu xá của dòng Đức Bà, Nữ Tử Bác Ái và một số sinh viên Jarai thực hiện. Chương trình văn nghệ bắt đầu lúc 19 giờ 45 và kết thúc vào lúc 22 giờ.

Tiết mục hợp ca do các em Đệ tử DCCT thực hiện


Tiết mục song ca và múa phụ họa do sinh viên thuộc lưu xá của một dòng tu nữ  trình diễn


Tiết mục hợp ca của các sinh viên Jarai
 PV.VRNs