CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất để lo liệu cho con người.

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chủ Nhật Lễ Ba Ngôi, Năm B

Bài đọc: Deut 4:32-34, 39-40; Rom 8:14-17; Mt 28:16-20.

1/ Bài đọc I32 Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng?
33 Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?
34 Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?
39 Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.
40 Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em." 

2/ Bài đọc II: 14 Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! "16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. 

3/ Phúc Âm16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất để lo liệu cho con người.

             Vua David, tác giả Thánh Vịnh 8, sau khi đã suy gẫm về tình yêu Thiên Chúa và sự bất xứng của con người, đã phải thốt lên: "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?" Không phải chỉ có một ngôi, mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã cùng cộng tác để lo liệu cho con người. Điều này nhắc nhở cho con người biết họ có địa vị cao quí trước Thiên Chúa; và họ phải biết sống làm sao cho xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa.
            Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho con người. Trong Bài Đọc I, ông Moses nhắc lại hai đặc quyền mà dân tộc Israel được hưởng: Thiên Chúa đã chọn họ làn dân riêng và ban Thập Giới cho họ. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu đặc quyền được làm con Thiên Chúa qua niềm tin vào Đức Kitô, và họ sẽ được thừa hưởng gia tài của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trước khi Ngài về trời: Các ông phải đi khắp nơi thu nhận môn đệ và dạy bảo họ tuân giữ những gì Ngài đã dạy dỗ các ông. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Chỉ có Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.

            Chúng ta phải hiểu tình yêu Chúa dành cho dân tộc Do-thái, trước khi chúng ta có thể hiểu tình yêu Thiên Chúa dành cho hết mọi người.

1.1/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho dân tộc Do-thái: Người Do-thái rất hãnh diện được Thiên Chúa chọn làm dân tộc riêng của Ngài từ muôn dân tộc trên thế giới. Họ cũng hãnh diện về Thập Giới, vì không một dân tộc nào được thần minh của họ thân hành hiện đến để ban Lề Luật cho. Trình thuật hôm nay nhắc nhở cách đại cương tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân tộc Do-thái:
            (1) Thiên Chúa tỏ mình cho dân tộc Israel: Sau khi đã vượt qua Biển Đỏ, Moses dẫn dân chúng vào trong sa mạc để được thử luyện bởi Thiên Chúa. Trước khi vào Đất Hứa, Ngài muốn ban cho dân Thập Giới; nhưng để tỏ uy quyền của Ngài cho dân biết kính sợ, Ngài đã làm cho cả ngọn núi cháy bừng như lửa, và Ngài nói chuyện với Moses từ đám lửa. Chứng kiến cảnh tượng này, dân Do-thái thất kinh vì mắt và tai họ không chịu đựng nổi uy quyền của Thiên Chúa. Họ xin Moses để Thiên Chúa nói với mình ông thôi, rồi ông sẽ nói với họ những gì Thiên Chúa muốn. Truyền thống Do-thái tin không một ai nhìn thấy Thiên Chúa hay thiên sứ mà còn sống, như ông Moses nhắc nhở cho dân chúng: "Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?"
            (2) Thiên Chúa chọn họ là dân riêng của Ngài: Ông Moses hỏi dân: "Có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?" Biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai-cập là biến cố đáng ghi nhớ, vì Thiên Chúa tỏ tình yêu và uy quyền của Ngài cho dân tộc Do-thái, để giải thoát họ khỏi ách nô lệ của người Ai-cập.

1.2/ Bổn phận của người Do-thái: Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel là một giao ước, được ký kết giữa hai bên: Thiên Chúa sẽ yêu thương, bảo vệ, và ban ơn cho họ; đổi lại, họ cũng phải chu toàn hai bổn phận sau:
            (1) Con người phải thờ phượng một mình Thiên Chúa: "Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa." Thờ bụt thần khác hay không thờ phượng Chúa trên hết mọi sự, là vi phạm giao ước với Thiên Chúa.
            (2) Con người phải tuân giữ các giới răn của Người: Ông Moses long trọng truyền lệnh cho dân: "Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em." Không tuân giữ Lề Luật, dù nhỏ mọn đến đâu chăng nữa, cũng vi phạm giao ước này.
            Từ một dân tộc Do-thái, tình yêu Thiên Chúa lan rộng đến mọi dân tộc khác, khi Đức Kitô xuất hiện. Từ nay, ơn được làm con Thiên Chúa và được sống muôn đời là của mọi người.

2/ Bài đọc II: Ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, người đó là con cái Thiên Chúa.

2.1/ Vai trò của Chúa Thánh Thần: Ngài soi sáng và hướng dẫn các tín hữu.
            Chúa Cha là Người ban Thánh Thần: khi Chúa Cha ban Thánh Thần của Người cho ai, kẻ đó là con cái Thiên Chúa, như Phaolô xác quyết: "Quả vậy, phàm ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa."
            Có nhiều thần khí khác nhau trong thế gian; nhưng chỉ có một Thánh Thần duy nhất. Thần khí mà con người sở hữu trước khi lãnh nhận Thánh Thần, là thần khí của nô lệ và sợ hãi; nhưng khi đã được lãnh nhận Thánh Thần, con người trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, và Thánh Thần thúc đẩy để con người có thể kêu lên hai tiếng "Abba! Cha ơi!" với Chúa Cha.
            Thánh Phaolô xác quyết: "Chính Thánh Thần cùng chứng thực với thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa." Khi chúng ta tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa (Rm 3:28, Jn 1:12). Chúng ta có một nhân chứng khác nữa là Thánh Thần; vì không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, mà không do Thánh Thần hướng dẫn (I Cor 12:3). Một lần nữa, chúng ta thấy niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa là công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa.

2.2/ Các Kitô hữu là những người thừa kế gia tài của Thiên Chúa:
            (1) Quyền làm con: Như đã nói trên, con người trở thành con cái Thiên Chúa là nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không nhờ bất cứ lý do nào khác (Jn 1:13).
            (2) Đồng thừa kế gia tài của Thiên Chúa với Đức Kitô: Thánh Phaolô lý luận: "Vậy đã là con, thì cũng là người thừa kế; mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô." Đây là một hồng ân vô cùng lớn lao mà Thiên Chúa ban cho con người: Tất cả những gì Thiên Chúa có, con người đều được hưởng; tất cả những gì Đức Kitô có, con người đều có; tất cả những gì Thánh Thần biết, con người đều có thể biết. Dĩ nhiên, để được hưởng hồng ân này, con người phải sống hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, và trung thành với nghĩa vụ làm con của mình.
            (3) Chung phần đau khổ, chung phần vinh quang: Khi đồng thừa kế gia sản với Đức Kitô, con người không chỉ chung phần vinh quang, nhưng cũng chung phần với những đau khổ Ngài chịu. Đau khổ Ngài đang chịu bây giờ là nơi thân thể của Ngài là Giáo Hội; mà Giáo Hội là tất cả các tín hữu, những chi thể của một thân thể. Điều này mở ra nhiều lộ trình mới để chúng ta có thể chung phần đau khổ với Đức Kitô:
            - Làm vơi đi đau khổ của anh chị em là làm vơi đi đau khổ cho Chúa;
            - Giúp anh chị em yêu thương Chúa và đừng phạm tội là làm vơi đi đau khổ của Chúa;
            - Chịu đựng gian khổ để đưa anh chị em về với Chúa là làm vơi đi đau khổ của Chúa ...

3/ Phúc Âm: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.

            Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

3.1/ Tiếng gọi truyền giáo: Các ông phải tiếp tục làm cho tất cả mọi người trở nên môn đệ của Chúa Ba Ngôi. Hai bổn phận quan trọng nhất các ông phải làm:
            (1) Làm Phép Rửa cho họ: Điều kiện để chịu Phép Rửa là tin vào Đức Kitô. Để một người tin vào Đức Kitô, cần có những người rao giảng Tin Mừng. Vì thế, bổn phận quan trọng hàng đầu của người môn đệ là rao giảng Tin Mừng trước khi con người có thể tin và chịu Phép Rửa để trở thành những người môn đệ mới của Chúa.
            (2) Dạy bảo họ tuân giữ các giới răn: Để chứng tỏ niềm tin, các tín hữu cần giữ các giới răn. Vì thế, bổn phận thứ hai của người môn đệ là tiếp tục dạy bảo để các tín hữu giữ các giới răn của Chúa. Khi giữ các giới răn, người tín hữu tiếp tục ở lại trong tình thương của Thiên Chúa.

3.2/ Lời hứa bảo đảm cho các môn đệ: Lúc nào họ cũng có Ba Ngôi Thiên Chúa ở với họ.
            (1) Chúa Giêsu đã được Chúa Cha trao toàn quyền trên trời cũng như dưới đất: Ngài có toàn quyền trên tất cả mọi biến cố xảy ra trên thế gian. Nếu chúng ta nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, chúng ta sẽ không sợ thua cuộc trước bất cứ một quyền lực nào của con người, thế gian, và quỉ thần. Điều này sẽ giúp chúng ta hăng hái trong việc rao giảng Tin Mừng.
            (2) Chúa Giêsu ở cùng các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Giêsu không vắng mặt trong cuộc đời các môn đệ sau khi Chúa về trời. Các môn đệ không những có Chúa Thánh Thần làm việc từ bên trong, để các ông hiểu thấu những gì Chúa Giêsu đã nói, và hướng dẫn để các ông am hiểu mọi sự thật. Các môn đệ còn có Chúa Giêsu trợ giúp và bảo vệ từ bên ngoài. Ngài thấy rõ mọi sự việc xảy ra cho các môn đệ, vì Ngài đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu những trợ giúp cần thiết cho các môn đệ. Điều gì, các môn đệ xin nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ không bao giờ từ chối (Jn 16:23-26). Nếu các môn đệ xác tín sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời, họ sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời, và kiên trung làm chứng cho Thiên Chúa.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            - Con người chúng ta có phẩm giá cao quí trước Thiên Chúa; vì thế, chúng ta phải luôn biết sống làm sao cho xứng với địa vị cao quí này.
            - Nếu chúng ta cùng chung phần đau khổ của Chúa Kitô, chúng ta cùng chung phần vinh quang với Ngài, và ngược lại.
            -  Tiếng gọi truyền giáo phải luôn thôi thúc chúng ta là những môn đệ của Chúa. Chúng ta đã làm gì để đáp lại lời mời gọi của Chúa?
            - Chúng ta phải luôn ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời. Ý thức này sẽ giúp chúng ta có sức mạnh chu toàn các bổn phận của người tín hữu. 

GX.ĐMHCG Viếng Chùa Minh Đạo và Chúc Mừng Lễ Phật Đản



Chúa Nhật 31/5/2015

Phái đoàn Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, Phường 9 – Quận 3 dẫn đầu là Cha Chánh Xứ Tôma Trần Quốc Hùng, kiêm Tu Viện Trưởng Dòng Chúa Cứu Thế Sài-gòn, đã đến thăm và Chúc Mừng Lễ Phật Đản Thầy Trụ Trì và Quí Thầy ở Chùa Minh Đạo nằm trên địa bàn Phường 9 lúc 15 giờ ngày 29/5/2015. Cùng đi có Cha Phêrô Đỗ Minh Trí, Ông Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ và các thành viên khác…
Buổi gặp gỡ, chúc mừng diễn ra trong tình thân mật. Trước khi ra về lúc 15 giờ 30, đoàn đã chụp hình lưu niệm với Vị Trụ Trì Chùa Minh Đạo.


Sau đây là một số hình ảnh được Chân Thiện Mỹ (Gioakim Phạm Văn Lượng ghi lại):






















CHÚA NHẬTLỄ CHÚA BA NGÔI (31/05/2015)



Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
            Ban Phụng Vụ
LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
CHÚA NHẬTLỄ CHÚA BA NGÔI (31/05/2015) 
 (Mt 28,16-20)

        Chủ Tế: (Tùy nghi) Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta  biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, một trong những mầu nhiệm quan trọng nền tảng của Ki-tô giáo. Qua Đức Giê-su Ki-tô, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được mặc khải cho loài người. Với niềm tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa cứu độ, chúng ta cùng dâng lên Cha lời cảm tạ và cầu xin sau đây:  

1/ Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng cho sự hiệp thông trong Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện xin Cha cho Đức Giáo Hoàng Phan xi cô, hàng Giám Mục, các Linh mục và mọi thành phần dân Chúa luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và cùng giúp cho nhiều người tin nhận và thờ phượng một Thiên Chúa chân thật.

Chúng con nguyện xin Cha!      

2/ “Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác”. Chúng ta cùng cầu xin Cha cho các nhà lãnh đạo và các dân tộc trên thế giới, luôn yêu mến và khao khát tìm kiếm chân lý qua việc tuân giữ mọi lề luật mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong lương tâm con người.

     Chúng con nguyện xin Cha!     

3/ “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Ki-tô hữu luôn xác tín sự hiện diện và đồng hành của Chúa Ki-tô trong hành trình đức tin, để có thêm lạc quan hy vọng và gặt hái được nhiều hoa trái trong sứ vụ loan báo nước trời.

Chúng con nguyện xin Cha!

4/ “Ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa”. Xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết vâng nghe và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, luôn quảng đại yêu thương và dấn thân phục vụ hết mọi người chung quanh.

Chúng con nguyện xin Cha!


Chủ Tế: (Tùy nghi) Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúc tụng Chúa đã thương tạo thành, cứu chuộc và thánh hóa chúng con trong Đức Ki-tô và nhờ Chúa Thánh Thần. Xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban ơn trợ giúp để chúng con luôn sống xứng đáng với tình yêu và ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin, nhờ Chúa Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN - CHÚA BA NGÔI



THÔNG BÁO
CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN
CHÚA BA NGÔI
31/5/2015
VPGX trân trọng thông báo:
1/ Chiều tối Chúa Nhật hôm nay 31.5.2015, có buổi họp phụ huynh các em đăng ký học      Lớp Giáo Lý Thêm Sức vào lúc 18 giờ 30. Địa điểm: Phòng Hiệp Nhất Lớn.
2/ Thứ Hai đầu tháng 01.6.2015, theo thông lệ có Thánh lễ tại Lễ Đài, cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, cách riêng quí Cha, quí Thầy và ông bà đang an nghỉ tại phòng        hài cốt.
3/ Thứ Ba 02/6/2015, trước Thánh lễ 18 giờ 00, có 30 phút học hỏi Tông Huấn GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
4/ Thứ Tư 03/6/2015, 15 giờ 00 Thánh lễ của Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
5/ Thứ Năm 04/6/2015, 18 giờ Thánh lễ Giới Gia trưởng và Hiền mẫu.
6/ Thứ Sáu 05/6/2015, 15 giờ Thánh lễ của Hội Lòng Chúa Thương Xót.
7/ Chúa Nhật 07/6/2015 Lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, và cũng là ngày chầu lượt của   Giáo Xứ, đồng thời sau Thánh lễ Thiếu nhi, có cuộc Rước Kiệu Thánh Thể chung quanh Nhà Thờ và Tu Viện.
8/ Thứ Bảy 13/6/2015, Giáo Xứ có tổ chức Hội Thảo Chuyên Đề Hậu Kết Hôn năm 2015     vào lúc 19 giờ.
o   Đề tài: Gia đình đối diện với vấn nạn thất nghiệp.
o   Thuyết trình viên: Thầy Tôma Aquinô Đào Nguyễn Cung Fa.
o   Địa điểm: Lầu 3 – Phòng 01 (sau Nhà Thờ).
9/ Tháng 6, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, vào lúc 16 giờ 30 từ Thứ Hai đến       Thứ Sáu, Giới Gia trưởng có tổ chức giờ kinh kính nhớ Thánh Tâm Chúa.
10/ Giáo Xứ sẽ mở lớp Giáo Lý Hôn Nhân Khóa 93, ghi danh kể từ 01/6/2015. Khai giảng ngày 05/07/2015 (Học vào ngày Chúa Nhật lúc 15 giờ 30).
Xin hỏi thể lệ và ghi danh tại Văn Phòng Giáo Xứ (trong giờ hành chánh – trừ Thứ Hai) và Văn Phòng Lớp Giáo Lý Hôn Nhân (buổi tối Phòng A0.1).
11/ Nhân dịp Hè 2015, Giáo Xứ sẽ tổ chức chuyến hành hương Đức Mẹ Măng Đen           tại Giáo Phận Kontum cho các em thanh thiếu niên tuổi từ 14 đến 17, thời gian từ ngày     7 đến 14/7/2015.
Chi phí: 1.300.000 đồng / người (bao gồm di chuyển, ăn ở).
Đăng ký: Từ ngày ra thông báo đến hết ngày 30/6/2015 tại Văn Phòng Giáo Xứ.
Xin quí cộng đoàn lưu tâm tham dự.
VPGX

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Hãy biết sống làm sao để sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa.

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Thứ Sáu Tuần 8 TN1, Năm Lẻ

Bài đọc: Sir 44:1, 9-13; Mk 11:11-26.

1/ Bài đọc I: 1 Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,
cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.
9 Có những người không còn ai nhớ nữa, họ qua đi như chẳng bao giờ có,
họ sinh ra mà như chẳng chào đời con cháu của họ cũng thế thôi!
10 Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh,
công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
11 Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con.
12 Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước;
nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.
13 Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.

2/ Phúc Âm: 11 Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.
12 Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói.
13 Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả.
14 Người lên tiếng bảo cây vả: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa! " Các môn đệ đã nghe Người nói thế.
15 Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu.
16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ.
17 Người giảng dạy và nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! "
18 Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người.
19 Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành.
20 Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ.
21 Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: "Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!"
22 Đức Giê-su nói với các ông: "Anh em hãy tin vào Thiên Chúa.
23 Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!,” mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý.
24 Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.
25 Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em.
26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em."

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết sống làm sao để sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng mọi sự trong vũ trụ là cho một mục đích, chẳng có gì gọi là ngẫu nhiên mà có hay không mang một mục đích nào cả. Ví dụ, tạo dựng cây cỏ cho bò ăn; khi bò lớn, bò trở thành thịt cho con người ăn hay để cày bừa; khi con người tăng trưởng, con người trở thành hữu ích cho tha nhân phần xác, hay rao giảng Tin Mừng để đưa con người về cho Thiên Chúa. Vật nào hay người nào không sinh hoa kết quả hay không đạt được mục đích sẽ bị Thiên Chúa loại ra ngoài để lấy chỗ cho vật khác hay người khác biết sinh lợi cho Ngài.
Các bài đọc hôm nay nhằm giúp con người hiểu thấu ơn gọi và mục đích của họ trong cuộc đời. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca so sánh giữa hai dòng dõi: Một bên là dòng dõi vô danh, chẳng để lại gì cho hậu thế, họ qua đi như chẳng bao giờ có mặt trong cuộc đời, và con cháu họ cũng sống cuộc đời vô nghĩa như họ vậy. Một bên là dòng dõi của những người công chính, họ biết sống theo mục đích mà Thiên Chúa đã tiền định cho họ, con cháu họ cũng biết noi gương sống cuộc đời công chính và ngay lành như họ; và cứ thế dòng dõi họ sẽ tồn tại đến muôn đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.

1.1/ Dòng tộc của những người vô danh: Mỗi người chúng ta đều được hưởng rất nhiều công ơn từ Thiên Chúa, quê hương, tổ tiên, cha mẹ, và những người đi trước. Bổn phận của chúng ta, sau khi đã được hưởng thụ công ơn, là phải tiếp tục cố gắng làm sao để trả những công ơn này. Vì chúng ta không có cơ hội để trả ơn trực tiếp cho Thiên Chúa, chúng ta phải trả cách gián tiếp bằng cách làm ơn cho những người đi sau, trong đó có anh em, con cái, và cháu chắt của chúng ta.
Nếu chúng ta sống vô trách nhiệm, chỉ biết nhận lãnh mà không biết trả ơn, Thiên Chúa, những người đi trước, và những người theo sau sẽ kết tội chúng ta. Con cái, cháu chắt chúng ta cũng sẽ chẳng ra gì, vì họ không được lãnh nhận điều gì tốt từ chúng ta. Tác giả Sách Huấn Ca mô tả người sống vô trách nhiệm và dòng dõi họ như sau: “Có những người không còn ai nhớ nữa, họ qua đi như chẳng bao giờ có, họ sinh ra mà như chẳng chào đời con cháu của họ cũng thế thôi!”

1.2/ Dòng tộc của các danh nhân: Nhưng nếu chúng ta biết sống đạo hạnh và trách nhiệm, công đức của các chúng ta sẽ không chìm vào quên lãng. Những gì chúng ta làm không những sinh ích lợi cho chúng ta, mà còn để lại một gia sản quí báu cho lũ cháu đàn con. Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đó. Nếu chúng ta biết giữ vững các điều giao ước và Lề Luật của Thiên Chúa và dạy dỗ con cháu biết làm như thế, dòng dõi của chúng ta sẽ giữ vững các điều giao ước và sống trung thành với Thiên Chúa. Vì thế, dòng dõi của chúng ta sẽ muôn đời tồn tại, và vinh quang của chúng ta sẽ chẳng phai mờ.

2/ Phúc Âm: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!"

2.1/ Ý nghĩa của hai trình thuật: Trình thuật “Cây vả bị chúc dữ” chỉ được tường thuật trong Marcô và Matthew, và là một trong những trình thuật khó cắt nghĩa nhất. Lý do vì hầu hết học giả đều chú trọng đến chi tiết mà Marcô tường thuật: “vì không phải là mùa vả.” Họ đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại tìm quả và chúc dữ cho cây vả khi chưa tới mùa?
Trong Tin Mừng, Marcô thỉnh thoảng dùng nghệ thuật viết văn được gọi là “đặt giữa hai” (Intercalation hay sandwiching): Mục đích của tác giả khi dùng nghệ thuật này là để làm nổi bật một ý nghĩa mà cả hai trình thuật đều nhắm tới. Ví dụ: trình thuật Chúa rao giảng với uy quyền chứ không giống như các kinh sư được tiếp nối bằng phép lạ Chúa chữa người bị quỉ ám (1:21-28), để nói lên Chúa Giêsu uy quyền trong lời nói cũng như trong hành động. Trình thuật Chúa chữa con gái người trưởng hội đường được đặt trước và sau phép lạ Chúa chữa người đàn bà bị loạn huyết lâu năm (5:21-43), để nêu bật niềm tin của ông trưởng hội đường và người đàn bà bị loạn huyết. Và trình thuật sai Nhóm Mười Hai đi rao giảng được đặt trước và sau cái chết của Gioan Tẩy Giả (6:7-30) để nói lên việc các ông sẽ bị truy tố khi thi hành sứ vụ của mình.
Và hôm nay, trình thuật “Chúa thanh tẩy Đền Thờ” được đặt giữa trình thuật “Cây vả bị chúc dữ.” Điều quan trọng là phải tìm ra đâu là chủ đề chung của cả hai trình thuật. Trong trình thuật “Cây vả bị chúc dữ,” điều Chúa nói với cây vả: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!" được thực hiện ngay hôm sau khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang qua cây vả. Điều gì Chúa nói sẽ thành sự, Chúa không quan tâm đến việc có đúng mùa hay không. Trong trình thuật “thanh tẩy Đền Thờ,” điều Chúa muốn nhấn mạnh: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!"
Cây vả hay Đền Thờ có lẽ được Chúa Giêsu ví với dân thành Jerusalem. Thiên Chúa chờ đợi họ thay đổi đã biết bao năm rồi, nhưng họ đã không sinh hoa kết quả gì cả. Một sự kiện lịch sử đáng chú ý là Đền Thờ Jerusalem bị phá hủy bình địa xảy ra chỉ ít lâu sau đó (vào năm 70 AC); và từ đó đến nay mọi dân tộc trên khắp địa cầu thờ phượng Chúa, không phải ở Jerusalem; nhưng trong thần khí và sự thật.

2.2/ Đạo không phải chỉ là những lễ nghi trong Đền Thờ. Điều quan trọng nhất của đạo là niềm tin vững mạnh của người tín hữu vào Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhấn mạnh điều này với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!” mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.”
Ngoài ra, tình yêu đối với Thiên Chúa được biểu lộ qua tình yêu dành cho tha nhân. Người dạy họ: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa đã tiền định cho mỗi người một mục đích và trao cho mỗi người một sứ vụ. Chúng ta hãy cố gắng hết sức để chu toàn sứ vụ Chúa trao phó và đạt được đích điểm Ngài đã tiền định.
- Nếu chúng ta không sinh lợi ích cho Thiên Chúa và cho tha nhân, Ngài sẽ chặt bỏ chúng ta mà vứt ra ngoài để lấy chỗ cho những người biết sinh lợi ích cho Ngài.
- Mỗi người chúng ta sống trong bậc gia đình đều được Thiên Chúa trao ban cho một số người con hay tín hữu để được huấn luyện. Chúng ta hãy chu toàn nhiệm vụ bằng cách giáo dục họ theo đường lối Thiên Chúa và chỉ đường cho họ tới với Ngài.


Đôi mắt đức tin sáng mãi



Chúa Giêsu đáp: "Được, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người. (Mc 10,52)


Lạy Chúa Giê-su, xin cho đôi mắt đức tin nơi tâm hồn con luôn sáng mãi. Amen.

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Sự quí trọng của con mắt.

Thứ Năm Tuần 8 TN1, Năm Lẻ

Bài đọc: Sir 42:15-25; Mk 10:46-52.

1/ Bài đọc I: 15 Tôi sẽ nhắc lại những công trình của Đức Chúa,
những điều mắt thấy, tôi sẽ kể lại. Do lời Đức Chúa mà có những công trình của Người.
16 Mặt trời toả sáng nhìn xuống muôn loài,
vinh quang Đức Chúa bao phủ công trình Người sáng tạo,
17 các thánh của Đức Chúa không tài nào kể lại mọi kỳ công của Người.
Đó là những kỳ công Đức Chúa toàn năng đã thực hiện
cho vũ trụ được bền vững (trước tôn nhan) vinh hiển của Người.
18 Người dò thấu vực thẳm và cõi lòng nhân thế,
hiểu rõ toan tính của con người,
vì Đấng Tối Cao am tường tất cả và đưa mắt nhìn các dấu hiệu thời gian.
19 Người công bố dĩ vãng và tương lai
và mặc khải dấu vết của những điều bí ẩn.
20 Không một ý nghĩ nào Người không thấu suốt,
chẳng một lời nào là bí ẩn đối với Người.
21 Người khôn ngoan sắp xếp những công trình vĩ đại,
vì Người hằng có từ đời đời đến muôn muôn thuở,
không cần thêm hay bớt điều gì và cũng chẳng cần ai làm cố vấn.
22 Mọi công trình của Người kỳ diệu biết bao!
Những gì thấy được chỉ như một ánh lửa.
23 Mọi vật ấy đều sống và tồn tại muôn đời
để đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết và tất cả đều vâng phục Người.
24 Tất cả đều có đôi, cái này đối cái kia;
Người không làm gì dang dở.
25 Vật này làm tôn vẻ đẹp của vật kia,
nhìn ngắm vinh quang của Người, ai mà chán được?

2/ Phúc Âm: 46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.
47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!"
48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!"
49 Đức Giê-su đứng lại và nói: "Gọi anh ta lại đây!" Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!"
50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.
51 Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."
52 Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quí trọng của con mắt.

Trong năm giác quan của con người, con mắt là quan năng cao trọng hơn cả; vì chúng cung cấp cho trí khôn những ảnh niệm để suy luận. Con mắt được dùng để nhìn và để đọc. Con người có thể dùng con mắt để nhìn thấy những kỳ công của Thiên Chúa tạo dựng, hay để đọc những gì hay mà người khác viết về Ngài. Con mắt luôn đi đôi với trí khôn suy luận. Con người có thể suy luận để biết có Thiên Chúa qua tất cả những gì con người nhìn thấy hay đọc được.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong sự quan trọng của con mắt. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca dùng con mắt để chiêm ngưỡng những kỳ công Thiên Chúa tạo dựng, và dùng trí khôn để suy niệm sự quan phòng của Thiên Chúa, trước khi ông có thể tường thuật lại những gì Ngài làm để cho thế hệ tương lai được biết. Trong Phúc Âm, anh mù Bartimê đã cảm nghiệm được sự đau khổ của việc mù lòa, nên khi biết Đức Kitô đi ngang qua, anh nhất định la to lên xin chữa lành, và Ngài đã cho anh nhìn thấy.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những điều mắt thấy, tôi sẽ kể lại.

1.1/ Sự tạo dựng tuyệt vời của Thiên Chúa: Rất nhiều tác giả của Kinh Thánh đã buộc tội con người khi họ có mắt nhìn mà vẫn không tin Thiên Chúa như tác giả của Thánh Vịnh, Isaiah, Job... Thánh Phaolô cáo buộc những người không tin như sau: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ” (Rom 1:18-22). Tác giả Sách Huấn Ca bày tỏ niềm tin tương tự: “Tôi sẽ nhắc lại những công trình của Đức Chúa, những điều mắt thấy, tôi sẽ kể lại. Do lời Đức Chúa mà có những công trình của Người.”

1.2/ Sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ cách tuyệt vời như thế, Ngài còn quan phòng mọi sự cách kỳ diệu hơn nữa. Tác giả liệt kê một số những điều quan sát thấy:
(1) Thiên Chúa biết tất cả mọi sự xảy ra trong trời đất, ngay cả những ý nghĩ sâu thẳm trong tâm hồn con người: “Người dò thấu vực thẳm và cõi lòng nhân thế, hiểu rõ toan tính của con người... Không một ý nghĩ nào Người không thấu suốt, chẳng một lời nào là bí ẩn đối với Người.”
(2) Thiên Chúa không những biết hiện tại, mà còn thấu suốt mọi dĩ vãng, tương lai: “Người công bố dĩ vãng và tương lai, và mặc khải dấu vết của những điều bí ẩn.” Vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều xảy ra trong hiện tại.
(3) Thiên Chúa quan phòng mọi sự cách khôn ngoan: Trong sự quan phòng, Ngài chẳng cần phải thay đổi điều chi cả, và cũng chẳng cần ai làm cố vấn cho Ngài. Thiên Chúa điều khiển mọi sự xảy ra trong vũ trụ, những gì con người có thể thấy hay hiểu và những gì con người không thể thấu hiểu. Tất cả mọi sự đều vâng phục Ngài. Tác giả cho chúng ta hai ví dụ về sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa: Thứ nhất, Thiên Chúa dựng nên các sinh vật đều có đôi để truyền sinh, để bổ túc cho nhau, và để giúp nhau tìm được niềm vui. Thứ hai, là sự hòa điệu nhịp nhàng của muôn vật trong vũ trụ: “Vật này làm tôn vẻ đẹp của vật kia, nhìn ngắm vinh quang của Người, ai mà chán được?”

2/ Phúc Âm: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."

2.1/ Niềm tin vững chắc của anh mù Bartimê: Trình thuật Marcô cho ta biết những đức tính của anh.
(1) Anh biết nhu cầu của mình: Mù lòa là sống trong tăm tối, nhìn đâu cũng toàn thấy một màu đen, đi đâu cũng phải có người dắt. Còn gì khổ hơn người suốt đời không nhìn thấy ánh sáng. Vì mù lòa nên anh không thể tự kiếm ăn, anh phải ăn xin vệ đường và chịu mọi người khinh bỉ. Mù lòa thể xác dẫn tới mù lòa trí tuệ và tinh thần, những mù lòa này còn khổ hơn vì phải sống trong sự giả trá sai lạc. Mù lòa thiêng liêng chỉ có thể được soi sáng bằng những sự thật đến từ Thiên Chúa. Chỉ có Ngài mới có thể cất đi mù lòa và soi sáng tâm hồn. Chúa Giêsu từng xác nhận: “Ta là ánh sáng thế gian... Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống.” Còn gì khổ hơn người suốt đời không biết sự thật, nhất là sự thật về đích điểm của cuộc đời. Anh biết mình cần được sáng mắt; vì thế khi được Chúa Giêsu hỏi: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Anh không chút ngần ngại trả lời: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."
(2) Anh biết người nào có thể chữa mình: Bartimê mù chứ không điếc, anh để ý nghe ngóng những gì người ta đồn thổi. Qua sự nghe ngóng, anh tin chỉ có Chúa Giêsu mới có thể chữa anh khỏi mù. Khi cơ hội gặp Chúa Giêsu đến, anh nhất định không chịu bỏ qua.
(3) Anh không để bất cứ một trở ngại nào ngăn cản mình đến với thầy thuốc: Khi Chúa Giêsu đi ngang qua, anh mù gọi Chúa hai lần, lần thứ hai to hơn lần thứ nhất dù đã bị đám đông ngăn cấm. Khi biết Chúa gọi mình, anh tung áo choàng, bỏ tất cả mọi của cải anh có, đứng phắt dậy và chạy đến với Ngài. Người đang sống trong mù lòa đường thiêng liêng cũng cần có thái độ tương tự như anh. Đừng bỏ lỡ cơ hội học hỏi về Chúa, vì biết đâu khi cơ hội đã qua, nó sẽ không bao giờ trở lại nữa.
(4) Anh là người biết ơn và trả ơn Thiên Chúa: Sau khi được chữa lành, anh không bỏ đi như 9 người phong hủi; anh tung tăng đi theo Chúa Giêsu, có lẽ để ca tụng tình thương của Ngài đã dành cho anh cho mọi người được biết.

2.2/ Lòng thương xót của Chúa Giêsu: Thiên Chúa không bao giờ từ chối con cái vững lòng trông cậy nơi Ngài. Chúa Giêsu ban ánh sáng cho người mù vì Ngài nhìn thấy khát vọng được có ánh sáng và niềm tin của anh. Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
Thiên Chúa chắc chắn không để những người muốn tìm hiểu về Ngài phải thất vọng. Ngài ban cho mọi người có rất nhiều cơ hội để học hỏi về Ngài và về Đức Kitô, qua việc gởi các sứ giả đến rao giảng Tin Mừng bên ngoài và gởi Thánh Thần làm việc bên trong tâm hồn con người. Ai thành tâm đi tìm Ngài, chắc chắn sẽ được Ngài cho gặp.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, chúng ta hãy biết dùng đôi mắt để nhận ra những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm và tin vào Ngài.
- Người mù phần xác đã khổ, người mù về tâm linh còn khổ hơn. Chúng ta đừng nhìn những gì Thiên Chúa tạo dựng cách thờ ơ, lãnh đạm; nhưng phải biết suy nghĩ để nhận ra Người đã tạo dựng nên chúng và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.


Tình thương vô bờ của Thiên Chúa và tình yêu toan tính của con người.

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 8 TN1, Năm Lẻ
 
Bài đọc: Sir 36:1, 4-5a, 10-17; Mk 10:32-45.

1/ Bài đọc I1 Lạy Thiên Chúa là Chúa Tể muôn loài,
xin dủ lòng thương và nhìn đến chúng con. Xin làm cho muôn dân sợ hãi Chúa.
4 để chúng nhận biết Ngài, như chúng con từng nhận biết xưa nay:
ngoài Ngài ra, lạy Đức Chúa, chẳng còn Thiên Chúa nào khác nữa.
5 Xin cho tái diễn những điềm thiêng và lại làm những dấu lạ khác.
10 Các chi tộc Gia-cóp, nguyện Chúa thương quy tụ cả về.
Xin thương trả lại phần gia sản như Chúa đã cho họ thuở ban đầu.
11 Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương Ít-ra-en
là đoàn dân đã từng mang danh Chúa, và được Ngài kể như con đầu lòng.
12 Xin thương thành Giê-ru-sa-lem của Chúa, là thánh đô, là nơi Ngài nghỉ.
13 Xin làm cho khắp cả Xi-on vang lời tường thuật những kỳ công của Chúa,
và làm cho thánh điện được rực rỡ ánh vinh quang của Ngài.
14 Xin làm chứng bênh vực những gì Ngài đã tạo dựng thuở ban đầu,
những lời sấm đã tuyên nhân danh Ngài, xin thực hiện.
15 Xin ân thưởng những ai vững chí trông đợi Ngài, để các ngôn sứ của Ngài được mọi người tin tưởng. 16Lạy Đức Chúa, xin nghe lời những kẻ kêu van như lời ông A-ha-ron cầu phúc cho dân Ngài. 17 Và mọi người trên mặt đất sẽ nhìn nhận Ngài là Đức Chúa, là Thiên Chúa muôn thuở muôn đời.

2/ Phúc Âm32 Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình:
33 "Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. 34 Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại."
35 Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây."
36 Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?"
37 Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang."
38 Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?"
39 Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được."
41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an.
42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; 44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. 45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương vô bờ của Thiên Chúa và tình yêu toan tính của con người.

Chúng ta không thể nào so sánh tình yêu vô biên của Thiên Chúa với tình yêu ích kỷ và hạn hẹp của con người. Thiên Chúa yêu thương và làm mọi sự cho con người hoàn toàn vô vị lợi, vì con người chẳng thêm thắt được cho Thiên Chúa điều gì dù nhỏ mọn. Trái lại, con người nhận được bao nhiêu hồng ân đến từ Thiên Chúa qua các biến cố tạo dựng, quan phòng, và cứu chuộc. Con người cần học hỏi để cảm nghiệm và xác tín vào tình yêu Thiên Chúa, để rồi đừng đòi hỏi bất cứ điều kiện gì nữa từ Thiên Chúa.
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta cảm nhận tình thương Thiên Chúa bằng cách so sánh tình yêu bao la của Thiên Chúa và tình yêu ích kỷ của con người. Trong bài đọc I, tuy Thiên Chúa đã chứng tỏ không biết bao lần tình yêu trung thành và tha thứ cho nhà Israel, họ vẫn có khuynh hướng xin Ngài tiếp tục tái diễn những tình yêu đó, để họ và các dân tộc nhận ra và tin tưởng vào Ngài. Trong Phúc Âm, trong khi Chúa Giêsu tiếp tục cuộc hành trình cuối cùng lên Jerusalem để chịu nộp, chịu đánh đập, và chịu chết trên Thập Giá cho con người; hai môn đệ Giacôbê và Gioan xin cho được ngồi hai bên với Chúa Giêsu trong vương quốc của Ngài. Điều này gây chia rẽ trong hàng ngũ các tông đồ, vì ai cũng muốn được như thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Mọi người trên mặt đất sẽ nhìn nhận Ngài là Đức Chúa muôn thuở muôn đời.

1.1/ Phải nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa: Trong lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa đã từng dủ lòng thương đến dân Ngài và đã từng làm cho các dân chung quanh phải kinh hồn sợ hãi uy danh của Ngài. Biến cố Xuất Hành và đưa dân vào Đất Hứa là một ví dụ chứng tỏ tình thương và uy quyền của Thiên Chúa. Qua biến cố này, người Do-thái phải không còn nghi ngờ gì về tình thương và uy quyền của Thiên Chúa. Biến cố Lưu Đày Babylon và cho dân trở về xây dựng lại Đền Thờ và xứ sở là một chứng tích khác cho tình thương tha thứ và uy quyền của Thiên Chúa.
Nhìn lại quá khứ, người Do-thái phải nhận ra tình yêu trung thành của Thiên Chúa. Ngài yêu thương họ với một tình yêu vô bờ bến dù họ chẳng có gì đáng yêu cả. Họ vẫn “xin cho tái diễn những điềm thiêng và lại làm những dấu lạ khác” để các thế hệ được nhận ra tình yêu của Ngài.

1.2/ Xin tình thương Thiên Chúa chảy tràn lan trên muôn người: Dân tộc Do-thái nhớ lại tình thương Thiên Chúa đã dành cho cha ông họ. Họ luyến tiếc thời huy hoàng của triều đại David, khi 12 chi tộc đoàn kết và bờ cõi quốc gia mở mang. Họ nhớ lại cảnh huy hoàng của Đền Thờ Jerusalem và sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ. Họ xin cho những điều này trở lại để họ lại được chứng kiến tình yêu Thiên Chúa.
Tuy thế, họ không thể cứ đòi buộc Thiên Chúa phải tỏ tình mãi mãi. Họ phải biết khi Thiên Chúa làm giao ước, Thiên Chúa hoàn toàn tự nguyện và làm vì lòng thương yêu họ; dân tộc Do-thái chẳng làm thêm được gì cho Ngài. Ngược lại, họ ngang nhiên xé bỏ giao ước, để rồi Thiên Chúa lại phải ký kết với họ một giao ước mới hoàn hảo hơn, giao ước này được thực hiện qua Đức Kitô và máu của Ngài. Dân tộc Do-thái và chúng ta chẳng có quyền đòi hỏi gì hơn nữa nơi Thiên Chúa. Ngược lại, chúng ta phải mở mắt để nhận ra những gì Thiên Chúa đã, đang, và sẽ làm, để cảm nghiệm được tình yêu sâu xa Thiên Chúa dành cho chúng ta. Sau đó, chúng ta phải biết đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng cách trung thành giữ các Luật truyền, và rao giảng tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, để họ cũng nhận ra tình yêu Thiên Chúa và tin tưởng nơi Ngài.

2/ Phúc Âm: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."

2.1/ Tình yêu tính toán của các tông đồ: Không giống như Matthew, người đặt lời yêu cầu nơi miệng của người mẹ; Marcô đặt lời thỉnh nguyện vào hai người con ông Zebedee là Giacôbê và Gioan. Họ đến gần Đức Giêsu và nói: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Chúng ta có thể nhận ra 3 điều từ cuộc đàm thoại của các ông với Chúa Giêsu và với nhau.
(1) Theo Chúa để được làm lớn: Hai ông muốn ngồi chỗ cao nhất, chỉ thua có Đức Kitô. Con người khi yêu thương ai luôn có những tính toán hơn thiệt, chứ ít có những ai muốn “mong ước điều tốt cho người khác” như định nghĩa đúng của tình yêu. Các tông đồ cũng chưa vượt qua tính ích kỷ nhỏ nhen này. Marcô không ngại phơi bày tính xấu của các tông đồ.
(2) Các ông sẵn sàng hy sinh dẫu chưa biết nguy hiểm sẽ xảy đến: Đức Giêsu bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giêsu bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được." Đây là điểm đáng khen của hai ông, vì có những người chỉ muốn vinh quang chứ không muốn hy sinh gian khổ.
(3) Tham vọng sinh ghen tức: Trình thuật kể: “Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan.” Các ông có thể nghĩ: Chỉ có hai chỗ nhất, mà hai anh em dành hết, bọn này sẽ ngồi đâu? Các ông hầu như không để ý một chút gì đến việc chia sẻ với Chúa Giêsu và biến cố trước mặt, mà chỉ để ý đến việc chia chỗ sau khi Chúa Giêsu đã chiến thắng vinh quang.

2.2/ Tình yêu hy hiến của Chúa Giêsu: Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu báo trước Cuộc Thương Khó của Ngài, và càng ngày càng chi tiết hơn (x/c Mk 8:31; 9:31; 10:33). Chúng ta có thể nhận ra 3 đặc điểm chính của tình yêu của Chúa Giêsu.
(1) Người lãnh đạo luôn dẫn đầu, chứ được sợ như những môn đệ. Người lãnh đạo phải biết chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ và căn dặn những điều cần thiết để các môn đệ biết cách ứng xử.
(2) Chúa dạy các ông bài học quan trọng của tình yêu: phục vụ. Chúa Giêsu chắc chắn cảm thấy buồn khi điều này xảy ra cho Ngài, và Ngài cũng biết nếu cứ để các ông hành xử theo tính con người, những dự tính tương lai của Ngài cho các ông sẽ tan tành mây khói. Vì thế, Ngài phải dạy cho các ông một bài học quan trọng: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.”
(3) Chúa Giêsu không chỉ dạy, Ngài làm gương cho các môn đệ. Chúa Giêsu áp dụng lời dạy vào chính Ngài: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." Ngài đang cất bước đi trước, sẵn sàng chấp nhận khổ giá để làm gương cho các tông đồ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần học hỏi để cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa.
- Bổn phận của chúng ta là nhận ra và đáp trả, chứ không thể tiếp tục đòi Thiên Chúa phải bày tỏ tình yêu; cũng đừng bao giờ đòi điều kiện với Ngài trước khi đáp trả.