CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 27/02 - 05/03/2014

 

1. Thứ Tư Lễ Tro

Hãy trở về với ta với tất cả tâm hồn của ngươi (Joel 2:12)

Lại một lần nữa, chúng ta bắt đầu Mùa Chay, một thời điểm Thiên Chúa dang rộng đôi tay chào đón ta trở về với Ngài. Trong mùa đầy hồng ân này, Giáo Hội tăng cường nhiều hoạt động mục vụ để mời gọi ta hãy lắng đọng tâm hồn, và để Thánh Thần Chúa hoạt động thanh tẩy tâm hồn ta, khi ta thống hối và quay về với Cha.

Tội lỗi làm ta buồn phiền và xấu hổ không chỉ vì chúng gây nên những đau khổ nhân sinh nhưng vì chúng còn tách biệt ta khỏi Thiên Chúa. Ðó là lý do tại sao sự thống hối là quan trọng. Sự thống hối thực sự không chỉ dừng lại ở cảm giác hối tiếc vì tội ta, nhưng còn phải bao gồm nhận thức rằng tội lỗi xúc phạm đến sự thánh thiện của Thiên Chúa; và một quyết định khẩn cầu Thiên Chúa giúp ta thay đổi hành vi của mình. Khi chúng ta khiêm nhường hạ mình xuống, chúng ta để cho Thánh Thần Chúa ban cho ta một quả tim mới và một tinh thần đúng đắn.

Thiên Chúa không muốn dừng lại ở việc tha thứ tội lỗi ta. Ngài còn muốn đổ đầy trên ta ơn lành của Ngài. Ngài muốn cả sự tha thứ lẫn sự biến đổi ta. Thật là vui mừng hơn nhiều trong khi nhận ra Cha trên trời yêu thương ta và đồng thời lại thấy quyền năng của Ngài đang thay đổi tâm hồn ta.

Trong ngày đầy hồng ân và thương xót này, chúng ta hãy thử suy niệm về mức độ kỳ vọng của chúng ta. Hôm nay đây, bạn hãy chọn lấy chỉ một điều nào đó bạn nghĩ rằng Chúa muốn chữa lành cho bạn. Ðó có thể là sự nóng giận, sự mất kiên nhẫn, sự thờ ơ cầu nguyện, lòng tham lam, hay một điều gì đó. Hãy lặng thinh để nghe Thánh Thần Chúa chỉ cho bạn nên bắt đầu từ đâu. Sau đó, hãy xin Thánh Thần Chúa giúp bạn đứng vững trong quyết tâm thay đổi điều này.

Mỗi ngày trong Mùa Chay này, bạn hãy nhắc nhở mình rằng bạn là một tạo vật mới trong Chúa Giêsu, và bạn không bao giờ còn bị ràng buộc bởi hành vi đó nữa. Hãy tin rằng khi bạn làm phần việc của bạn, Thiên Chúa sẽ tuôn đổ hồng ân và quyền năng trên bạn để giúp bạn chọn Ngài chứ không phải là tội lỗi. Trong khi Mùa Chay tiếp tục, bạn sẽ thấy mình thay đổi ngày càng nhiều nhờ hồng ân của Ðức Kitô.

"Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa cho con niềm vui được tha thứ. Con hướng về Ngài với tất cả tâm hồn con và đặt hy vọng của con nơi hồng ân biến đổi của Chúa".

2. Đức Thánh Cha nói: Những Kitô hữu sống bất nhất với niềm tin của mình đang gây ra tai tiếng

Trong thánh lễ sáng thứ Năm 27 tháng Hai, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng những Kitô hữu sống bất nhất với niềm tin của mình đang gây ra tai tiếng trước mặt người đời.

Nhắc lại bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha nhận xét: Chúng ta vừa nghe những gì Tông Đồ Giacôbê nói về những Kitô hữu sống không mạch lạc, những người tự hào là người Kitô hữu, nhưng đã bóc lột những người lao động của họ. Ngài nói: ‘Kìa, tiền lương mà bạn đã chặn lại từ những người thợ gặt đang gào lên. Tiếng khóc của những người thợ gặt đã thấu đến tai Chúa các đạo binh.’

Đức Thánh Cha nói:

Có những người nghe thấy điều này nghĩ rằng ‘cộng sản cũng đã từng nói về điều này’. Không, Thánh Tông Đồ Giacôbê cho biết đó là Lời của Chúa. Khi không có sự mạch lạc Kitô hữu, và khi bạn sống bất nhất như thế, bạn gây ra tai tiếng. Những Kitô hữu sống bất nhất với niềm tin của mình đang gây ra tai tiếng.

Thử tưởng tượng bạn đang đứng trước một người vô thần và người ấy nói với bạn là anh ta không tin vào Thiên Chúa, bạn có thể đọc cho anh ta nghe cả một thư viện, trong đó nói rằng Thiên Chúa hiện hữu và thậm chí đi xa hơn chứng minh rằng Thiên Chúa hiện hữu, anh ta có thể vẫn không có đức tin. Nhưng nếu trước người vô thần này, bạn sống mạch lạc đời sống một Kitô hữu, một cái gì đó sẽ bắt đầu hoạt động trong trái tim anh ta. Chính chứng tá hùng hồn của bạn mang lại sự thao thức trong con tim trên đó Chúa Thánh Thần hoạt động. Đó là một ân sủng mà tất cả chúng ta, toàn thể Giáo Hội phải cầu xin: "Lạy Chúa, xin cho chúng ta có thể sống nhất quán với đức tin của mình."

Chúng ta, tất cả đều là những người tội lỗi, nhưng chúng ta có khả năng cầu xin sự tha thứ. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi thứ tha cho chúng ta. Hãy có lòng khiêm tốn xin tha thứ: "Lạy Chúa, con đã sống bất nhất. Xin tha thứ cho con!” Hãy đứng dậy và đi tiếp cuộc sống với sự mạch lạc Kitô giáo, với chứng tá của một người tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô, cuả một người biết rằng mình là kẻ có tội, nhưng có can đảm để xin tha thứ khi mình phạm những sai lầm, và cuả một người lo sợ gây ra tai tiếng. Xin Chúa ban ân sủng này cho tất cả chúng ta.

3. Tuyên ngôn chống chiến tranh của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 25 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án chiến tranh.

Ngài đưa ra nhận xét rằng: “Chúng ta thấy chiến tranh trên báo chí mỗi ngày và chúng ta đọc mãi đến mức quen dần đi với chúng: số lượng các nạn nhân của chiến tranh chỉ còn là một con số trong những con số hàng ngày trôi qua trong đời chúng ta. Chúng ta tổ chức các buổi lễ để kỷ niệm một trăm năm của cuộc Đại Chiến và tất cả mọi người nổi gai óc trước con số hàng triệu người chết.

Nhưng ngày nay cũng lại xảy ra đúng như thế.”

Đức Thánh Cha Phanxicô buồn bã than thở:

“Thay cho một cuộc chiến tranh lớn là những cuộc chiến tranh nhỏ ở khắp mọi nơi. Khi chúng ta là còn là những trẻ con theo học các lớp giáo lý Chúa Nhật, chúng ta đã nói về câu chuyện của Cain và Abel, chúng ta không thể chấp nhận chuyện ai đó giết đi người anh em của chính mình. Nhưng hôm nay hàng triệu người bị giết chết bởi chính những người anh em của họ và chúng ta đang quen dần với chuyện đó. Có những trường hợp cả một dân tộc bị chia cắt, rồi người ta giết hại lẫn nhau vì một mảnh đất, vì hận thù chủng tộc, vì tham vọng.”

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Hãy nghĩ đến những trẻ em chết đói trong các trại tị nạn: Đó là những ‘thành quả’ của chiến tranh. Và sau đó hãy nghĩ đến những yến tiệc của những kẻ đang kiểm soát ngành công nghiệp vũ khí, những kẻ sản xuất vũ khí. Hãy so sánh những trẻ em bệnh tật, đói khát trong những trại tị nạn với các đại gia buôn bán vũ khí sang giàu, phè phỡn.

Và hãy nhớ rằng chiến tranh, hận thù, và những thái độ thù địch không phải là sản phẩm chúng ta mua trên thị trường: nhưng chúng đang ở ngay đây, trong trái tim của chúng ta. Thánh Giacôbê Tông Đồ đưa ra cho chúng tôi một lời khuyên đơn giản: ‘Hãy đến gần Thiên Chúa và Ngài sẽ đến gần anh em’ Nhưng tinh thần của chiến tranh, là điều lôi kéo chúng ta xa lìa Thiên Chúa, không ở đâu xa xôi: nó xuất phát ngay chính từ trái tim của chúng ta.”

Đức Thánh Cha kết luận:

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình cho nền hòa bình mà ngày nay dường như đã bị giản lược xuống chỉ còn là một từ ngữ không hơn. Chúng ta hãy làm theo lời khuyên của Thánh Giacôbê. ‘Hãy nhận rõ đau khổ của anh chị em’. Chúng ta hãy nhận chân những đau khổ mà chiến tranh gây ra trong các gia đình, trong chỗ chòm xóm với nhau, và ở khắp mọi nơi. Có bao nhiêu người trong chúng ta còn biết rơi lệ khi chúng ta đọc báo? Khi chúng ta thấy người ta chết trên truyền hình? Đây là những gì các Kitô hữu nên làm ngày hôm nay khi đối mặt với chiến tranh: chúng ta nên nhỏ lệ, chúng ta nên thương tiếc.”

4. Đức Thánh Cha nói: Khi hôn nhân đổ vỡ hãy chia sẻ nỗi đau của những người trong cuộc

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 28 tháng Hai, Đức Thánh Cha nói Kitô hữu nên giúp đỡ những ai đổ vỡ hôn nhân, nhưng đừng tham gia vào chuyện "biện bạch" về những tình huống của họ.

Suy tư trên bài Tin Mừng (Mc 10:1-12 ) kể lại câu chuyện gặp gỡ giữa Chúa Kitô với những người Biệt Phái về hôn nhân và ly hôn, Đức Thánh Cha nhận xét rằng những ngụy biện của người Pharisêu là một cái bẫy. Nhưng Chúa Giêsu ứng phó bằng cách đưa ra một, tầm nhìn đẹp hơn cao hơn của hôn nhân.

Đức Thánh Cha nói:

Như Chúa Cha đã kết hôn với dân Israel, Chúa Kitô kết hôn dân mình. Đây là câu chuyện tình yêu, đây là lịch sử của những kiệt tác của tạo hóa và trước con đường này, hình ảnh này của tình yêu, trò ngụy biện bị lật nhào thê thảm.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng khi một cuộc hôn nhân thất bại, tất cả mọi người nên "cảm thấy nỗi đau của sự thất bại". Ngài kêu gọi các tín hữu chúng ta hành động trong tình bác ái: "Đừng lên án. Hãy đồng hành với họ. Và đừng ngụy biện về tình hình của họ."

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của mình bằng cách nhấn mạnh mối quan hệ phu phụ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Ngài nói: "Người ta không thể hiểu được Chúa Kitô nếu không chấp nhận Giáo Hội, và không thể hiểu được Giáo Hội nếu không chấp nhận Chúa Kitô."

5. Chúa không bỏ chúng ta lang thang trên đường

Trong Thánh lễ sáng thứ Hai 24 tháng Hai tại Casa Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những suy tư của ngài trên câu chuyện liên quan đến bài Tin Mừng trong ngày Máccô đoạn 9 từ câu 14 đến 29 thuật lại việc Chúa chữa cho một đứa bé bị quỷ ám.

“Quỷ thét lên, lay đứa bé thật mạnh, rồi ra khỏi. Ðứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: ‘Nó chết rồi!’ Nhưng Ðức Giêsu cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên”.

Đức Thánh Cha giải thích rằng “Khi Chúa đến trong đám đông và chữa lành một người, Ngài không bao giờ bỏ mặc người đó một mình. Ngài không phải là một thuật sĩ, một phù thủy, một ‘người chữa lành’ bỏ mặc người ta để đi tiếp con đường của mình. Những ai được Người cứu giúp thì Người cứu giúp đến cùng, đưa họ đứng dậy, trở lại nơi chốn xứng hợp."

Nơi chốn xứng hợp của chúng ta, những người theo Chúa Giêsu là Giáo Hội, là nơi chào đón bất cứ ai xa cách Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói tiếp:

"Chúa Giêsu luôn luôn thôi thúc chúng ta trở về nhà, Ngài không muốn chúng ta lang thang một mình trên đường phố. Cũng giống như trong các dụ ngôn: Đồng xu bị mất cuối cùng trở về trong ví của người phụ nữ;và con chiên lạc được đưa trở lại cùng một chuồng với những con chiên khác."

Đức Thánh Cha kết luận rằng thật là vô lý khi nói mình yêu Chúa, nhưng lại từ chối Giáo Hội, vì sự cứu rỗi có nghĩa là quay trở về nhà của Chúa Giêsu là Giáo Hội.

6. Đức Thánh Cha nói: Xin Chúa ban cho chúng ta những linh mục, và nữ tu tự do không bị trói buộc bởi ngẫu tượng tiền bạc và quyền lực

Trong Thánh Lễ sáng Thứ Hai 3 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho ơn gọi, cho những người trẻ biết lắng nghe và nhận ra ơn gọi của Thiên Chúa để phục vụ.

Đức Thánh Cha nói:

Trái tim anh ta vẫn thao thức, vì Chúa Thánh Thần đẩy anh ta đến gần hơn với Chúa Giêsu và đi theo Người. Nhưng trái tim anh quá đầy và anh thiếu can đảm để loại bỏ những thứ làm đầy con tim mình. Cái mà anh ta lựa chọn là tiền. Tim anh đầy những tiền và tiền. Nhưng anh không phải là một tên trộm, hoặc một tên tội phạm: không, không đâu, anh là một người đàn ông tốt: chưa bao giờ ăn cắp, không bao giờ lừa dối ai. Anh kiếm được đồng tiền một cách trung thực nhưng trái tim anh đã bị giam cầm, nó đã được gắn liền với tiền bạc và anh mất tự do chọn lựa. Tất cả mọi thứ, tiền đã chọn cho anh ta.

Chúng ta phải cầu nguyện để trái tim của những người trẻ tuổi có thể vơi đi những quyền lợi và những tình cảm khác, để họ có thể trở thành tự do. Đây là lời cầu nguyện cho ơn gọi: ‘Lạy Chúa, xin gửi đến cho chúng con các linh mục và nữ tu, xin bảo vệ họ khỏi việc tôn thờ những ngẫu tượng của phù hoa, của tự hào, của quyền lực, của tiền bạc.’ Lời cầu nguyện này của chúng ta là để chuẩn bị cho những con tim có thể theo Chúa Giêsu gần gũi hơn.

Lạy Chúa, xin giúp đỡ những người trẻ để họ có thể được tự do, không nô lệ, để con tim của họ chỉ dành cho Ngài mà thôi, để tiếng gọi của Chúa có thể được lắng nghe và có thể sinh hoa kết quả. Đây là lời cầu nguyện cho ơn gọi. Chúng ta phải cầu nguyện rất nhiều. Nhưng chúng ta phải cẩn thận: thế giới này vẫn có những ơn gọi. Chúng ta phải giúp họ phát triển , để Chúa có thể đi vào con tim họ và ban cho họ niềm vui khôn tả và vinh quang của những người theo Chúa Giêsu một cách chặt chẽ.

Không có nhận xét nào: