CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Giới trẻ Thánh Kinh Cầu Nguyện

Giới trẻ Thánh Kinh Cầu Nguyện được mời gọi để Chúa Thánh Thần nói lời của Ngài trong cuộc sống

01580-120x80VRNs (20.05.2013) - Sài Gòn – Theo thông lệ, vào Chúa Nhật thứ hai mỗi tháng lúc 8 giờ sáng, nhóm Giới trẻ Thánh Kinh Cầu Nguyện cùng nhau họp mặt và sinh hoạt tại Hội trường Anphong thuộc dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Buổi sinh hoạt đặc biệt lần này (tức vào ngày 19 tháng 5)  nhân Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đã có gần 150 người tham dự và đặc biệt hơn vì sự hiện diện của 5 tham dự viên không Công Giáo.
Một bạn trẻ thuộc phong trào cho biết, mục đích buổi sinh hoạt hôm nay nhằm “mở tung cánh cửa ra cho những người ngoại được biết Chúa, những người mà chưa bao giờ được nghe danh Chúa Giêsu. Mình sẽ mời họ tới để họ được nghe danh Chúa Giêsu”.
Để làm nổi bật mục đích đó, ngoài các hoạt động thường lệ như tôn vinh Chúa qua những bài thánh ca, làm chứng về quyền năng Chúa trong đời sống thường nhật. Chương trình còn có mục hỏi đáp thắc mắc giữa những người không Công Giáo với linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh DCCT, linh hướng nhóm  Giới trẻ Thánh Kinh Cầu Nguyện.
Các thắc mắc tập trung quanh vấn đề quan điểm của đức tin Công giáo đối với việc thờ cúng trong tín ngưỡng dân gian cũng như trong Phật giáo. Lê Thanh Cường, một dự tòng chia sẻ : bố mẹ anh sợ sau này sẽ không có ai lo việc thờ phụng nếu Cường theo đạo Công giáo.
Đưa ra 3 điểm, Cha Antôn giải thích việc thảo kính cha mẹ là luật buộc của Thiên Chúa đối với người Công giáo. Việc thảo kính này phải thực hành khi cha mẹ còn sống lẫn khi đã qua đời. Bên cạnh đó, mỗi khi tham dự thánh lễ, người Công giáo luôn cầu nguyện cho những người thân đã qua đời như ông bà, cha mẹ và anh chị em. Cuối cùng là những điểm tương đồng trong quan niệm dân gian với đức tin Công giáo về việc người chết sống lại tuy hình thức diễn tả có khác biệt.
Cũng có câu hỏi của một số anh chị em Công giáo liên quan đến việc giữ đạo đối với tình trạng hôn nhân khác đạo. Tiếp sau đó lúc 10giờ 30, cha Antôn Lê Ngọc Thanh cùng cộng đoàn dâng thánh lễ.
Trong bài giảng, cha Antôn cho rằng hình ảnh “lưỡi” là yếu tố chính trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Dẫn vào sự kiện xảy ra tại nơi cư ngụ của các Tông đồ, Ngài nói “Sự kiện xảy ra trong lễ Năm Mươi đúng là liên quan đến cái lưỡi. Các tông đồ không còn sợ, phải im lặng nữa, mà bắt đầu mở cửa ra và nói. Nói là hoạt động chính yếu của cái lưỡi. Nhưng không chỉ nói theo cách mình nghĩ, nói theo khả năng mình có, mà là Chúa Thánh Thần nói trên môi miệng mình để rồi ngài hoàn tất công trình cứu độ. Chính điều đó là biến cố thực sự khai sinh ra Giáo hội ngày hôm nay”.
Đưa ra những nghịch lý về việc con người có thể nói về sự “đau khổ và hận thù suốt” trong khi chỉ có thể nói về “bình an, hoan lac” trong đôi ba câu hay “điều xấu, chúng ta lại không sợ, chúng ta lại nói nhiều, còn điều tốt, chúng ta lại sợ, chúng ta không nói”. Cha Antôn nhận xét “Đó là dấu hiệu chúng ta chưa để cho Chúa Thánh Thần mở môi miệng chúng ta”.
Và Ngài mời gọi “ngày hôm nay chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta cái “lưỡi” của Chúa Thánh Thần. Để Ngài bắt đầu nói lời của Ngài trong cuộc đời của chúng ta, trong vòm miệng của chúng ta, để cho người khác nghe âm vang cứu độ!”
Được biết, mục đích của phong trào Canh Tân Đặc Sủng (hay còn gọi là Thánh Kinh Cầu Nguyện tại Việt Nam) nhằm cổ võ mọi cá nhân hoán cải, quay về với Chúa Giêsu, đón nhận Người là Đức Chúa. Cổ võ mọi cá nhân đón nhận quyền năng của Chúa Thánh Thần, đồng thời đón nhận và sử dụng các đặc sủng trong Giáo hội (kể cả người ngoài Phong trào). Cuối cùng là cổ võ các Kitô hữu tham dự các bí tích cách sung mãn, thực hiện việc truyền giáo trong quyền năng Chúa Thánh Thần. Phong trào thành lập năm 1978 và đã được Hội đồng Giáo hoàng đặc trách giáo dân công nhận.
PV.VRNs

Không có nhận xét nào: