Phải chăng tôi cũng như
bao nhiêu người khác, dễ thường than thân trách phận khi gặp phải SỰ ĐAU KHỔ trong
đời? Để răn dạy mình về Ý NGHĨA SỰ ĐAU KHỔ, tôi tìm đến Ông Gióp, một nhân vật
trong Kinh Thánh Cựu-Ước và thấy Ông vang tiếng ngợi khen Thiên Chúa trong sự
đau khổ tột cùng đời Ông: Ông mất tất cả tài sản, con cái và cả thân hình Ông
cũng bị giòi bọ rúc rỉa.
“Thân
trần truồng, sinh từ lòng mẹ
Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng
ĐỨC CHÚA đã ban cho
ĐỨC CHÚA lại lấy đi
Xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA !” (G. 1:21)
Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng
ĐỨC CHÚA đã ban cho
ĐỨC CHÚA lại lấy đi
Xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA !” (G. 1:21)
Nhìn vào xã hội hôm
nay, đãi cát tìm vàng, tôi cũng thấy có những con người vượt khó, vượt thử
thách nghiệt ngã, vượt qua số phận mà lạc quan yêu mình, yêu người, chu toàn bổn
phận, góp phần làm tươi đẹp cuộc sống. Câu chuyện sau đây là một minh chứng
hùng hồn.
Người phụ nữ cụt 2 chân tự nuôi con
khôn lớn
Dung đã
trải qua không biết bao nhiêu lần xét nghiệm và những cuộc phẫu thuật đau đớn
nhưng vẫn lạc quan, yêu cuộc sống và một mình nuôi đứa con thơ dại khôn lớn,
khỏe mạnh.
Tôi
dừng xe trước cổng nhà Dung và nghe thấy tiếng hai mẹ con nói chuyện, cười đùa
rất vui vẻ. Tiếng cười khúc khích của bé Bông giữa buổi chiều mùa hè vắng vẻ
cùng với tiếng chim hót líu lo làm cho bao kỷ niệm trong tôi chợt ùa về. Cũng
thời gian này cách đây 6 năm, tôi vẫn nhớ hôm đó vào buổi chiều, tôi vừa đi làm
về đến nhà thì nhận được tin Dung bị tai nạn. Vì quá bất ngờ nên tôi tim đau
nhói và đập liên hồi, từng giọt nước mắt nóng hổi cứ lăn trên má.
Tôi và Dung thân nhau từ hồi nhỏ. Năm 2007, Dung tốt
nghiệp trường Đại học Hàng Hải và vào làm tại Công ty đóng tàu Phà Rừng - Hải
Phòng. Làm ở đây được 3 tháng thì tai nạn bất ngờ xảy ra, lúc đó, Dung mới 25
tuổi với bao hoài bão, ước mơ.
Khi đang làm việc, do sơ xuất nên Dung bị ngã và ngất
lịm đi ngay trên đường ray của xe cẩu. Chiếc xe như một con quái vật khổng lồ,
hung dữ lao về phía Dung, nhưng may mắn thay có người bạn đồng nghiệp nhìn thấy
và cố gắng kéo Dung ra khỏi đường ray. Tuy nhiên, người bạn chỉ kịp kéo được
hết người, còn lại đôi chân thì chiếc xe đã lăn qua và nghiền nát.
Do xương quá vụn, nên bác sĩ bảo đôi chân của Dung
vĩnh viễn không còn nữa. Gia đình quá sốc khi biết tin này vì Dung chính là
niềm hy vọng, tự hào của cả nhà. Vì vết thương quá nặng, nên khi nhập viện,
trên người Dung mang rất nhiều thương tích. Dung đã phải trải qua nhiều lần
phẫu thuật và chịu rất nhiều đau đớn. Trong lúc bị tai nạn, Dung đang mang thai
được 2 tháng. Đó là kết quả của tình yêu giữa Dung và T.
T làm ở công ty xây dựng, nhà ở Thái Bình. Hai người
quen và yêu nhau được 4 năm và đang chuẩn bị làm đám cưới. Khi Dung bị tai nạn,
T chỉ đến thăm được hai lần và rồi không bao giờ quay lại nữa. Khi Dung sinh
con, T cũng không một lần đến thăm. Khi gia đình Dung gọi điện về nhà T, bố mẹ
T biết hoàn cảnh Dung như vậy nên từ chối và nói T đi làm xa không về nhà.
Trải qua không biết bao nhiêu lần xét nghiệm, những
cuộc phẫu thuật và phải tiêm những liều thuốc kháng sinh nặng vào cơ thể nên
Dung rất lo lắng không biết em bé sinh ra có sao không. Nhưng kỳ lạ thay, bé
Bông hoàn toàn khỏe mạnh, thông minh, xinh xắn như bao đứa trẻ khác. 2 mẹ con
được chăm sóc, nâng niu trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè. Ai cũng yêu
Bông vì bé rất ngoan, biết yêu thương mẹ. Bé Bông là niềm vui, là tinh thần của
cả gia đình Dung. Mọi người thường bảo trong cái rủi lại có cái may, đúng là
ông trời rất công bằng.
Có hôm tôi đến nhà Dung chơi và nghe thấy bé Bông hỏi
mẹ Dung: "Mẹ ơi, bố của con đâu", Dung trả lời: "Bố con đi làm
xa chưa về" và bé Bông lại hỏi tiếp: "Thế bao giờ bố con về hả mẹ,
sao bố con lâu về thế, mẹ bảo bố về chơi với con đi". Những câu hỏi dồn
dập của con khiến bạn tôi bối rối, không biết phải trả lời như thế nào. Dung
chỉ biết ôm con thật chặt như để tránh ánh mắt ngây thơ, trong sáng của con .
Tuy ở hoàn cảnh này nhưng Dung chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn về số phận hay
trách móc người yêu cũ. Lúc nào Dung cũng rất lạc quan, yêu cuộc sống. Thỉnh
thoảng tôi vẫn đến nhà Dung chơi. Được gặp Dung, tôi thấy mình yêu cuộc sống và
cố gắng sống tốt hơn.
Hiện nay, Dung phải đi chân giả. Nhớ những lần Dung
bắt đầu tập đi có biết bao bao nhiêu đau đớn và vất vả. Dung bám chặt lấy tay
tôi, mặt nhăn lại vì đau. Dung chỉ đi được mấy bước nhưng mồ hôi toát ra, đầu
gối đỏ au và rớm máu. Hiện Dung có thể đi lại bình thường nhưng chậm từng bước
một và cứ 2 năm Dung phải lên Hà Nội làm lại chân giả, chi phí tốn kém đến cả
mấy chục triệu đồng.
Do là người có nghị lực và không muốn phụ thuộc vào
gia đình nên Dung đã nhiều lần xin đi làm. Tuy nhiên vì sức khỏe không cho phép
nên Dung tự mở cửa hàng tại nhà bán quần áo và phụ kiện tại chợ Đằng Lâm, quận
Hải An, thành phố Hải Phòng. Dù thu nhập không cao nhưng đủ để 2 mẹ con sống
qua ngày. Bé Bông giờ đã 5 tuổi. Càng lớn, bé càng ngoan và biết yêu thương mẹ.
Hạnh
phúc luôn mỉm cười với những người có lòng vị tha, lạc quan với cuộc sống. Tôi
tin rằng Dung sẽ là người hạnh phúc vì bên cạnh bạn còn có gia đình, bạn bè.
Dung là người phụ nữ biết vượt lên số phận. Dù bị khuyết đôi chân nhưng với tôi
Dung vẫn là người hoàn hảo. Bạn luôn là tấm gương sáng để tôi và nhiều bạn trẻ
học tập.
Phạm
Thị Vân Anh
Lạy Chúa Giê-su và là
Thiên Chúa của con! Xin cho con thấu hiểu ý nghĩa của sự đau khổ, đặc biệt những
đau khổ trong đời con về thể lý cũng như tinh thần, qua đó, để con vui lòng chấp
nhận hầu đón nhận được ơn cứu độ Chúa dành cho con. Chúa đã chẳng phải chịu đau
khổ, chịu chết vì con, vì nhân loại sao? Đường Chúa đã đi, con cũng phải đi
thôi! Xin Chúa giúp con, và cũng xin Chúa giúp bao người khác cũng đang phải chịu
đau khổ mặt này mặt khác, giúp họ biết ngước mắt nhìn Trời, biết tin tưởng vào
Ông Trời để lạc quan trong đau khổ, để cười trong nước mắt, để hạnh phúc trong
nỗi đớn đau, mất mát. Amen.
PVL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét