CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Các nhân đức luân lý: Đức công bằng




Trước hết, chúng tôi xin trình bày nhng nhãn gii khác nhau v công bng qua vic phân tích t ng; kế đó chúng ta đi sâu vào bn tính ca đc công bng theo truyn thng luân lý Kitô giáo. Trong phn kết lun, chúng tôi xin góp vài ý kiến khi đi chiếu vi tư tưởng Đông phương c truyn.
I. Công bằng, công lý, công chính
Chúng ta thường hiểu đức công bằng (hay “công bình”) như là tương đương với danh từ justice trong tiếng  Anh và Pháp (và justitia trong tiếng latinh). Tuy nhiên, từ justitia thì rộng nghĩa hơn là “công bằng”, bởi vì đôi khi nó còn được dịch là công ly (thí dụ Hội đồng Công lý và Hoà bình – Justitia et Pax), và có lúc dịch là công chính, thí dụ như đoạn văn Phúc âm Matthêu 5,20: “Nếu sự công chính của anh em không hơn các người kinh sư và Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước trời. Trước đó (Mt 1,19) thánh Giuse được ca ngợi là “người công chính” (chứ không phải “công bằng”).
Ba lối dịch khác nhau phần nào tương ứng với ba quan niệm khác nhau về justitia: theo triết học hy lạp (công lý), theo kinh thánh (công chính) và theo thánh Tôma (đức công bằng)
A. CÔNG LÝ
Vũ-trụ-quan của người Hy-lạp giới hạn vào thế giới mà ta đang sống. Các triết gia cổ điển tìm cách xác định những mối tương quan giữa các vật thể sao cho mọi chuyển động được hài hoà, dù là vật thể vô tri (đất đá) hoặc các động vật (thảo mộc, động vật, con người). Vì thế không lạ gì mà trường phái Pythagoras vừa chú ý đến tóan học vừa nghiên cứu cả vật lý và luân lý: họ muốn khám phá những định luật chi phối các tương quan (tác dụng, phản ứng) của vạn vật; nếu mọi vật đều đi đúng đường thì trật tự của thế giới sẽ được bảo đảm.
Khi áp dụng vào xã hội loài người, mối tương quan giữa giữa các chủ thể được gọi là công lý: mỗi người cần giữ đúng vị trí của mình, thi hành những bổn phận của mình đối với người khác. Cả ông Platon lẫn ông Aristote đều đặt  justitia vào chóp đỉnh của các nhân đức, bởi vì nó thể hiện trật tự khách quan của vũ trụ. Trật tự này được hiểu về hai mặt: hướng nội và hướng ngoại. Hướng nội có nghĩa là trật tự ở ngay trong bản thân, làm sao cho các quan năng (chẳng hạn các đam mê dục vọng) hành động dưới sự kiểm sóat của lý trí. Hướng ngoại có nghĩa là trong tương quan với tha nhân, làm sao đừng xâm phạm quyền lợi của kẻ khác. Dựa theo tiêu chuẩn nào để ấn định tương quan đối với tha nhân? Câu trả lời không đơn giản gì. Ông Pythagoras (nhà tóan học) muốn xác định mối tương quan đó theo tiêu chuẩn tóan học (ba cọc ba đồng); đối lại, ông Aristote cho rằng không thể tính tóan cách máy móc, nhưng tương xứng với điều kiện của mỗi người.
Ông Cicero tiến thêm một bước nữa. Các triết gia Hy-lạp cố gắng xác định trật tự khách quan chi phối các tương quan giữa con người sống trong xã hội (công lý); mỗi người phải cố gắng thực hiện các nghĩa vụ đối với tha nhân. Tuy nhiên việc thi hành công lý đòi hỏi nơi mỗi người ý chí thi hành các nghĩa vụ đó nữa. Nói cách khác, biết được nghĩa vụ là một chuyện, thi hành nghĩa vụ là chuyện khác; nhất là phải tạo ra một “não trạng” biết tôn trọng nghĩa vụ thì mới gọi là “nhân đức”. Nếu tôi nợ ông láng giềng 100 đồng và tôi trả cho ông 100 đồng thì chỉ là thi hành  “công lý”, chứ đâu có đức độ gì! Muốn đáng gọi là “đức” thì cần phải có một yếu tố nội tâm nữa, nghĩa là ý chí muốn thi hành bổn phận của mình đối với tha nhân vì nhắm tới công ích[1]. Đó mới thật là  “đức công bằng”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn ở trong mối tương quan giữa con người với nhau, chứ chưa nói đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Chiều hướng này gặp thấy trong Kinh thánh.
B. CÔNG CHÍNH
Trong Kinh thánh, từ justitia được mở rộng đến nhiều viễn tượng mới, bởi vì nó bao hàm mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa cũng như nó liên hệ đến các nhân đức khác nữa.
1/ Con người với Thiên Chúa
Cựu ước nói nhiều đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa: mối tương quan này có thể tốt hay là xấu; vì thế con người hoặc là được đẹp lòng Chúa hay làm mất lòng Chúa. Từ ngữ justitia được sử dụng để đánh giá mối tương quan đó: người “công chính” là người trung thành với luật Chúa; người “bất chính” là kẻ khinh thường luật Chúa. Dĩ nhiên, luật Chúa cũng bao hàm những nghĩa vụ của con người đối với tha nhân nữa; vì thế, sự “công chính” cũng đòi hỏi tôn trọng những nghĩa vụ đối với tha nhân.
Tiếp tục đường hướng đó, Tân ước cũng áp dụng từ justitia trước tiên cho mối tương quan của con người với Thiên Chúa. Tuy nhiên, đức Giêsu đã nhấn mạnh đến “con tim” trong việc thi hành luật Chúa, chứ không dừng lại ở việc tuân giữ chiếu lệ. Mở đầu bài giảng trên núi, đức Giêsu đã chúc phúc cho kẻ đói khát sự công chính (Mt 5,6), khát khao làm theo ý Thiên Chúa và gắn bó với Ngài. Trái lại, đức Giêsu đã nhiều lần công kích thái độ giữ luật hình thức của nhóm Biệt phái, mà ngài chỉ trích là “giả hình”, không những bởi vì khi thi hành luật pháp để khoe khoang, nhưng nhất là khi thiếu tâm tình mến yêu.
Thánh Phaolô còn đi xa hơn. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, thánh tông đồ đọc lại tất cả lịch sử cứu độ từ nguyên thủy. Ngài thấy toàn thể nhân loại sống trong tình trạng tội lỗi do sự bất tuân của nguyên tổ Ađam. Nói khác đi, loài người sống trong tình trạng bất chính. Thế nhưng do tình thương vô biên, Thiên Chúa đã sai đức Kitô đến để hoà giải nhân loại với ngài. Nhờ vật, nhân loại lại được trở nên công chính (công chính hóa: justificatio): không những được thứ tha tội lỗi nhưng còn trở nên con cái Chúa.
2/ Thiên Chúa với con người
Con người được gọi là “công chính” bởi vì tuân giữ luật Chúa. Dĩ nhiên, Thiên Chúa cũng “công bằng”. Chúng ta quen hình dung Thiên Chúa “công bằng” theo nghĩa là “thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ”. Sự “công bằng của Thiên Chúa” thường được hiểu theo nghĩa là “công thẳng, nghiêm khắc”: không có kẻ gian ác nào thóat được sự trừng trị của ngài; không có tội nào, dù nhỏ bé đến đâu, mà không bị phạt! Thiên Chúa công bằng vô cùng (Chí công) cơ mà!
Tuy nhiên, đó là lối suy luận nông cạn của chúng ta. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa công bằng vô cùng nhưng đồng thời cũng lân tuất vô hạn. Ngay từ Cựu ước, Thiên Chúa đã được nhiều lần ca ngợi như là Đấng “chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Ngài không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103, 8-9). Sự “công bằng” của Thiên Chúa không phải là sự báo thù! Thiên Chúa công bằng bởi vì ngài yêu chuộng “công lý”: ngài bênh vực những kẻ bị áp bức, bị ức hiếp cách bất công. Không lạ gì mà ngài gần gũi với những tâm hồn nghèo khổ, cơ cực để bênh đỡ họ. Mặt khác, ngài thiết lập công lý không phải qua việc trả đũa báo thù, nhưng qua việc tha thứ và hóan cải con người tội lỗi. Như đã nói, thánh Phaolô trình bày tình trạng “bất chính” của toàn thể nhân loại kể từ tội của nguyên tổ khiến cho Thiên Chúa “thịnh nộ” (Rm 1,18). Thế nhưng ngài tỏ lộ sự công chính bằng cách ban cho ta sự xá tội nơi đức Kitô Giêsu (Rm 3,21). Nhờ đức Kitô, chúng ta được “công chính hóa” (trở nên công chính). Dù sao, ta đừng nên quên rằng theo Kinh thánh, Thiên Chúa được gọi là “công chính” bởi vì ngài trung tín với giao ước mà ngài tự ý thiết lập: dù con người có phản bội đi nữa, Thiên Chúa vẫn thi hành điều đã hứa (Sách GLCG số 1987 tt).
C. CÔNG BẰNG
Thần học Kitô giáo (đặc biệt nơi thánh Tôma Aquinô) đã kết hợp hai truyền thống nói trên (“công ly” theo nhãn giới Hy-La và “công chính” theo nhãn giới Kinh thánh) thành ra “đức công bằng”. Đức công bằng không những nhằm thể hiện trật tự xã hội nhưng còn kiện toàn ý chí con người biết tôn trọng các bổn phận đối với tha nhân và đối với Thiên Chúa. Chính vì lấy Chúa làm mẫu mực, cho nên đức công bằng thấm nhuần với đức “bác ái”, hoạ theo Thiên Chúa, Đấng cầm cân nảy mực công lý đồng thời cũng là Tình thương vô biên (Sách GLCG số 1807)
II. Đức công bằng
Đức công bằng được bàn trong mối tương quan xã hội, nhưng đồng thời nó cũng được lồng trong bối cảnh của bác ái nữa.
A. CÔNG BẰNG VÀ CÔNG LÝ
Dựa trên truyền thống tư tưởng Hy-La, thánh Tôma Aquinô đặt cốt yếu của đức công bằng  ở ý chí quyết tâm thi hành bổn phận đối với tha nhân. Những nghĩa vụ này không tùy thuộc vào cảm tình của ta nhưng dựa trên một trật tự khách thể, tức là nghĩa vụ mà mình buộc phải làm cho người khác chiếu theo ích chung.
Khi đi vào chi tiết của các nghĩa vụ này, ta thấy có nhiều cấp độ khác nhau, tạm quy về ba mối: giữa cá nhân với cá nhân; giữa xã hội với cá nhân; giữa cá nhân với xã hội.
1/ Sự công bằng trong mối tương quan giữa cá nhân với nhau được gọi là “giao hóan” hay “trao đổi” (aequitas in commutationibus). Điều này giả thiết rằng mỗi người vốn là sở hữu chủ của một số quyền lợi (chẳng hạn về sự sống, về danh dự, về tài sản). Vì thế ta phải tôn trọng những quyền lợi đó; nếu ta làm thiệt hại thì phải bồi thường; nếu ta vay mượn thì phải hoàn trả.
2/ Sự công bằng trong mối tương quan giữa xã hội đối với cá nhân được gọi là “phân phối” (distributiva). Người lãnh đạo cộng đồng có nghĩa vụ phân phối đồng đều các nghĩa vụ và quyền lợi giữa các phần tử theo tỉ lệ cân xứng, xét vì không phải tất cả mọi phần tử đều có khả năng và nhu cầu y như nhau. Không thể nào trao chức vụ điều khiển cho một anh dốt đặc, cũng như không thể bổ một thứ thuế đồng đều giữa nhà tỉ phú và anh nông phu. Thực không dễ gì bảo đảm được sự công bình tuyệt hảo trong lãnh vực này! Ngay từ trong gia đình, cha mẹ đã phải điên đầu khi phải phân phối cơm ăn áo mặc cho con cái rồi: đứa lớn thì ăn nhiều và làm nhiều hơn đứa nhỏ là chuyện dĩ nhiên; nhưng làm thế nào đi nữa cũng không thiếu sự phen bì ghen tị! Mở rộng ra chuyện làng chuyện nước, yếu tố bè phái, thiên vị lại càng xen lấn nhiều hơn nữa.
3/ Hình thức thứ ba của đức công bằng nhằm điều hành mối tương quan giữa các phần tử đối với xã hội mang tên là “pháp lý” (legalis) hay “xã hội” (socialis). (Xem GLCG số 1928; 2411) Thực ra, hình thức này mới được các Giáo hoàng thời cận đại nói đến vào thời buổi mà tổ chức xã hội ngày càng phức tạp hơn. Xã hội gồm một chuỗi chằng chịt những mối tương quan: giữa cá nhân với nhau, giữa các phần tử trong một đơn vị, giữa các đơn vị thuộc nhiều giai tầng (làng, xã, thành thị; gia đình, nghiệp đoàn, hiệp hội). Pháp luật phải làm thế nào để vừa bảo vệ quyền lợi của các cá nhân và đoàn thể ấy, lại vừa đảm bảo ích lợi chung của toàn thể xã hội nữa. Lịch sử cho thấy hai chủ trương cực đoan: một đàng là  cá nhân chủ nghĩa đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi xã hội (đúng hơn là quyền lợi của cá lớn áp đặt cá bé); đối lại xã hội chủ nghĩa đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi cá nhân đến nỗi bóp chẹt tự do của cá nhân. Giữa hai thái cực đó, có nhiều đường hướng dung hoà.
Các sách luân lý đều dành rất nhiều chương để bàn về các nghĩa vụ công bằng, cũng như những lỗi phạm đức công bằng. Người ta thường trách rằng mỗi khi xét mình xưng tội, các tín hữu chỉ dừng lại ở điều răn thứ sáu, chứ không chịu đi tiếp sang điều răn thứ bảy và các điều kế tiếp. Ta có thể lỗi công bằng qua trăm ngàn cách: không phải chỉ khi trộm cắp, mà cả khi làm thiệt hại đến danh dự của người khác, hoặc gian lận khi khai thuế, hoặc đút lót hối lộ, tham nhũng, vv. Rồi phải nói chi đến tội lừa gạt, dối trá?
Chỉ xin ghi nhận rằng ngày nay danh mục các nghĩa vụ công bằng càng ngày càng kéo dài. Thực vậy, nhân đức này không chỉ giới hạn đến các mối tương quan giữa các cá nhân, mà còn bao gồm các mối tương quan giữa các cá nhân với cộng đồng, cũng như mối liên hệ giữa các cộng đồng với nhau. Trước hiện tượng “toàn cầu hóa”, cần xét đến mối liên hệ giữa các nước giàu với các nước nghèo; giữa Bắc và Nam bán cầu (xem Giáo lý Hội thánh công giáo, số 2437-2442).
B. CÔNG BẰNG VÀ CÔNG CHÍNH
1/ Dựa theo truyền thống Kinh thánh, thánh Tôma Aquinô bao gồm trong đức công bằng cả những bổn phận của con người đối với Thiên Chúa nữa, được đặt tên là đức thờ phượng (religio), được Sách GLCG bàn ở số 2095-2109. Tuy nhiên, trong lãnh vực này, thánh Tôma chấp nhận rằng công bằng không có nghĩa là “ba cọc ba đồng”: chúng ta lãnh nhận nơi Thiên Chúa quá nhiều, từ ân huệ sự sống cho đến bao nhiêu ân huệ khác, làm sao đền đáp cho cân xứng được?
2/ Cũng trong bối cảnh của “ân nghĩa”, thánh Tôma nói đến những bổn phận chúng ta đối với cha mẹ: chúng ta mang “nợ” với các ngài, nhưng đâu có thể nào “thanh tóan” theo kiểu “có vay có  trả” được? Nhân đức điều hành mối trong tương quan giữa con cái đối với cha mẹ được gọi là hiếu thảo (pietas filialis: II-II, q.101), rất được quý trọng trong luân lý Khổng mạnh. Một cách tương tự như vậy, chúng ta phải tỏ lòng biết ơn (gratitudo: II-II, q.106) đối với những ai đã làm ơn cho ta.
3/ Thấm nhiễm tinh thần Phúc âm đặt trọng tâm của lề luật nơi “nghĩa vụ yêu thương”, thánh Tôma cho rằng tương quan đối với tha nhân không phải chỉ dựa trên nghĩa vụ “ba cọc ba đồng” nhưng còn “tình người” nữa. Thí dụ: không ai có quyền buộc tôi phải niềm nở nhã nhặn với họ cả, bởi vì tôi đâu có mắc nợ ai nụ cười? Thế nhưng để cho mối tương giao xã hội được tốt đẹp thì ta có nghĩa vụ đi bước trước, tựa như tục ngữ Việt Nam có câu: “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hiểu như vậy, thánh Tôma đã liệt kê vài nhân đức cần thiết cho cuộc sống xã hội và coi như cũng có liên hệ với đức công bằng. Chúng ta tạm gọi “những nhân đức nhân bản”. Nhân đức “nhân bản” (vertues humaines) có thể hiểu theo hai nghĩa:
- Có thể hiểu như  những nhân đức tự nhiên được gặp thấy nơi các nền văn hóa các dân tộc. Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu hãy biết quý trọng “hết những gì là chân thật, cao quý, chính trực, tinh tuyền đem lại danh thơm tiếng tốt” (Pl 4,8).
- Có thể hiểu như những nhân đức đượm thắm tình người, chẳng hạn như hào hiệp, bặt thiệp, tế nhị. Đây là những đức tính rất cần thiết cho các linh mục trong khi giao tiếp với cộng đồng, như ta đọc thấy nơi các văn kiện của Giáo hội[2]. Những nhân đức này cũng không thể nào thiếu để duy trì bầu khí hoà thuận trong các cộng đoàn tu sĩ, như văn kiện Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn (2/2/1994, số 27-28) đã lưu ý.
Dù sao, trong việc thực hành các nhân đức này, thánh Tôma Aquinô cũng lưu ý chúng ta về thái độ trung dung.
a) Đức chân thành (veritas, veracitas: II-II, q.109-113) được áp dụng trong nhiều lãnh vực khác nhau: lời nói (có sao nói vậy, nghĩ sao nói vậy), cũng như cử chỉ thái độ (xc GLCG 2475-2487). Đức chân thành nằm ở giữa hai thái cực: một đàng nó không cho phép ta nói dối giả hình, phô trương cái mà mình không có; nhưng đối lại, sống chân thành không có nghĩa là  trơ trẽn lộ liễu, nói toạc móng heo, vạch áo cho người xem lưng.
b) Trong cách giao tiếp với tha nhân, ta cần giữ đức thân tình (affabilitas: II-II, q.114), nhã nhặn, lịch thiệp. Nó vừa trái nghịch với tật cục cằn, ưa gây gỗ; nhưng cũng vừa trái nghịch với tật nịnh bợ, tâng bốc.
c) Trong việc giúp đỡ tha nhân bằng tài sản, ta cần tập đức rộng lượng (liberalitas),  không hà tiện bo bo giữ của, nhưng cũng không rơi vào thái cực đối nghịch là phung phí.
KẾT LUẬN
Như đã nói trên đây, trong bốn nhân đức “trụ” (khôn ngoan, công bằng, mạnh bạo, tiết độ), ông Plato đã đặt đức công bằng ở hàng đầu. Thế nhưng, thử hỏi: nếu đức công bằng quan trọng như vậy (nhất là đối với đời sống xã hội), thì tại sao lại không thấy nói đến trong các sách luân lý cổ truyền Đông phương? Các cụ nói đến “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” (hoặc: nhân, trí, dũng) chứ đâu có biết gì đến công bằng? Phải chăng, xã hội Đông phương không biết đến công bằng, vì thế mà xảy ra lắm chuyện bất công?
Có lẽ không hẳn thế đâu. Điều mà người Hy-La đặt tên là “công lý” (justice) thì có lẽ bên Trung hoa gọi là nghĩa.  Thực vậy, theo giáo sư Phùng hữu Lan, “nghĩa” là: việc phải, đường lối cư xử theo lẽ phải, điều phải làm, nhiệm vụ. Làm việc  “nghĩa” là làm việc vì thi hành bổn phận đối với người khác; đối lại với “lợi” khi làm việc chỉ vì lợi ích mình.  Hơn thế nữa, “nghĩa” còn đi kèm với “nhân”. Ông viết: “Ý niệm nghĩa thiên về hình thức, ý niệm nhân mới có tính chất cụ thể. Bản tính hình thức của bổn phận mọi người trong xã hội là cái ta phải làm; ta phải làm hết những bổn phận ấy. Nhưng bản tính thực chất của những bổn phận kia là thương người, tức là nhân[3].
Nghĩa với nhân (nhân nghĩa, nhân ngãi): thiết tưởng đó là hai khía cạnh bổ túc cũng tựa như “công lý” và “công chính”, “công bằng” và “bác ái” vậy.
[1]Iustitia est habitus animi, communi utilitati conservata, suam cuique tribuens dignitatem” (Cicero, De inventione). Một khái niệm tương tự như vậy của luật gia Ulpianus: “Perpetua et constans voluntas ius suum cuique tribuendi” (Digesta I,1,10).
[2]
Xc. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về tác vụ linh mục số 3;  Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, số 11. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn
Pastores dabo vobis số 43.
[3]
Phùng hữu Lan (Fung Yu-Lan),
Đại cương triết học sử Trung quốc. Bản dịch của Nguyễn văn Dương, Nhà xuất bản Thanh niên, Tp Hồ chí Minh 1998, trang 58.
Lm. Phan Tấn Thành, O.P.
Nguồn: Truyền thông Giáo Huấn Giáo Hội Công giáo
Bài liên quan:
  1. Tiểu luận Nhớ Nguồn – phần III: Đạo trong chương đầu của sách Trung Dung
  2. Những công trình mà Giáo hội Công giáo cống hiến cho nhân loại
  3. Tiểu luận Nhớ Nguồn – phần II: Đạo trong Lão học và trong Nho học
  4. Tiểu luận Nhớ Nguồn – phần I: Mối tình Non Nước và ý nghĩa thi ca
  5. Các nhân đức luân lý: Đức khôn ngoan
  6. Kitô giáo chống nền văn hóa băng hoại ngày nay
  7. Chủ nghĩa vô thần theo Công đồng Vatican II
  8. Bàng hoàng về tình người từ một vụ tai nạn
  9. Xây dựng xã hội công bằng theo học thuyết xã hội Công giáo
  10. Công bằng xã hội theo Kinh Thánh
  11. Tôi trở lại Công giáo
  12. Nhân phẩm và nhân quyền trong Học thuyết xã hội của Giáo Hội
  13. Phẩm giá con người: Nhân vị và nhân cách
  14. Phẩm giá con người: Nhân phẩm và nhân quyền
- See more at: http://www.lamhong.org/2011/11/19/cac-nhan-d%e1%bb%a9c-luan-ly-d%e1%bb%a9c-cong-b%e1%ba%b1ng/#sthash.hphijXaw.dpuf

Không có nhận xét nào: