CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Giáo lý hôn nhân 28.9.2015



Linh mục phụ trách lớp: GB. Lê Thanh Hải
Linh mục Phó xứ: Tôma Aquinô Phạm Phú Lộc

Giáo lý viên: Gioakim Phạm Văn Lượng

Học viên:
Catarina Trần Thị Kim Thơ.
Năm sinh: 1989
Giáo Xứ: Thiên Ân

Anphongsô Phan Huy An
Năm sinh: 1980
Giáo Xứ: Tân Thái Sơn

Buổi học ngày 28.9.2015
Bài bổ sung để hoàn tất chương trình theo qui định:
Hôn nhân Công giáo là một bí tích.











Bài 1: Hôn Nhân Công Giáo Là Một Bí Tích
Nguồn: http://giaoxutrieuphong.net/gl-du-bi-hon-nhan/bai-1-hon-nhan-cong-giao-la-mot-bi-tich

I. Nguồn gốc, ý nghĩa và bản chất hôn nhân
II. Hôn nhân tự nhiên
III. Hôn nhân Công giáo là một bí tích
IV. Mẫu mực hôn nhân Công giáo

A. Lời hướng dẫn
I. NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA VÀ BẢN CHẤT CỦA HÔN NHÂN
1. Nguồn gốc Hôn nhân
– Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân.
– Hôn nhân là sự sắp đặt khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa để thực hiện ý định yêu thương của Người giữa nhân loại: “Đấng tạo hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế bởi một hành vi nhân linh, trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc và có giá trị trước mặt xã hội nữa” (MV 48)
2. Ý nghĩa Hôn nhân:
– Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay” đã xác quyết: “Hôn nhân là cộng đồng sự sống và tình yêu, cộng đồng này được thiết lập nên bởi sự ưng thuận không thể rút lại được của hai người theo những luật lệ đặc biệt của tạo hóa (47-62)
Như vậy trong Hôn nhân có hai yếu tố căn bản:
– Bằng một hành vi có ý thức và tự do, hai người trao thân gởi phận và cam kết yêu thương tương trợ lẫn nhau.
– Hành vi đó được thực hiện theo luật lệ Thiên Chúa đã thiết lập.
3. Bản chất Hôn nhân:
– Hôn nhân là một giao ước nhờ đó người nam và người nữ làm thành một cộng đồng sống chung với nhau suốt đời; giao ước ấy, theo bản tính tự nhiên hướng tới thiện ích của hai vợ chồng và tới việc sinh sản và giáo dục con cái; giao ước hôn nhân giữa hai người đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy, được Chúa Kitô nâng lên địa vị một bí tích.
– Vì thế, giữa hai người đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy, không thể có giao ước hôn nhân thành sự mà không đương nhiên là bí tích (GL 1055).

II. HÔN NHÂN NHÌN THEO PHƯƠNG DIỆN TỰ NHIÊN.
1. Hôn nhân là gì ?
– Trong tiếng Hán Việt, “hôn nhân” là việc cưới vợ, gả chồng cho con cái. Định nghĩa như thế là vì ngày xưa việc cưới vợ gả chồng thường do sự sắp đặt của cha mẹ.
– Ngày nay, hôn nhân là việc của đôi nam nữ, tự nguyện kết hôn với nhau, để sống yêu thương nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha mẹ.
– Từ “Hôn phối” cũng có nghĩa như từ “hôn nhân” tức là sắp xếp cho đôi lứa thành vợ thành chồng.
2. Hôn nhân là chuyện tự nhiên.
a. Trong thế giới sinh vật có hiện tượng: đực – cái, trống – mái, nam – nữ (sinh vật gồm động vật, thực vật. Con người cũng là một sinh vật, nhưng là sinh vật cao cấp nhất trong các sinh vật)
b. Trong thế giới vật chất : có những loại vật chất được xem là mang tính dương hoặc tính âm và được phân loại theo giới tính : ông anh mặt trời, bà chị mặt trăng.
c. Trong thế giới nguyên tử: 1 dương điện tử ở giữa, 1 hoặc nhiều âm điện tử quay chung quanh.
d. Theo Triết học Á Đông: trời đất do hai nguyên tố Âm – Dương tạo nên. Âm Dương là đạo của trời đất, cương kỷ của vạn vật. (âm/dương thu hút vào nhau; còn âm/âm hoặc dương/dương thì đẩy xa nhau).
– Tuy nhiên khi nói đến giới tính người ta thường nghĩ tới thế giới sinh vật, từ cái nhụy đực, nhụy cái của cây bắp, đến việc lai giống các loại cây, đến việc kết hợp hài hòa giữa người nam và người nữ.
– Chính vì Thiên Chúa muốn con người và mọi loài sinh vật sinh sôi, nảy nở trên mặt đất. Thiên Chúa đã xếp đặt cho có đực – cái, trống – mái, nam –nữ có những cấu tạo khác nhau, có khuynh hướng thu hút lẫn nhau và bổ túc cho nhau. Vì thế, hôn nhân trước tiên la chuyện tự nhiên và xuất phát từ bản chất sinh vật của con người.
Xét về mặt cơ thể học : nam – nữ có những bộ phận thích hợp cho việc sống chung vợ chồng.
Xét về mặt tâm lý : có những khác biệt rõ ràng, khiến cho người nam và người nữ luôn tìm cách bổ túc cho nhau.
Trên bình diện hành động : người nam và người nữ có khả năng và cách thức hoạt động khác nhau. Vì thế, muốn đạt tới thành công, cần có sự phối hợp hành động giữa nam – nữ.
3. Loài người kết hôn có gì đặc biệt ?
Khác với loài vật, loài người có lý trí và tự do. Vì thế việc kết hôn của loài người cũng khác với loài vật.
– Nhờ có lý trí, con người hiểu được nguyên do, cách thức thể hiện và hậu quả của hôn nhân. Vì thế, cần đạt tới một lứa tuổi nào đó mới đủ trưởng thành để quyết định đi tới hôn nhân một cách sáng suốt, dứt khoát và với tinh thần trách nhiệm.
– Nhờ được tự do, con người có thể chọn lựa người bạn đời như lòng mình mong muốn. Việc lựa chọn này không chỉ dựa trên tình cảm mà còn dựa trên những tiêu chuẩn khách quan do lý trí đề ra. Chính sự tự do lựa chọn này làm tăng thêm trách nhiệm của người nam và người nữ trong việc kết hôn.
4. Khế ước hôn nhân
Hôn nhân của loài người là một khế ước được cam kết một cách ý thức và tự do giữa hai cá nhân bình đẳng, bình quyền và đồng trách nhiệm.
– Vì trước pháp luật, bất kể nam hay nữ đều có những quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Nam nữ được xem là bình đẳng và bình quyền, không phân biệt đối xử.
– Việc kết hôn được pháp luật công nhận qua khế ước hôn nhân. Khế ước này có nội dung rõ ràng: hai bên nam nữ công khai tuyên bố kết hôn và thề hứa giữ lòng chung thủy với nhau trong mọi tình huống và yêu thương nhau cho đến mãn đời.
– Luật hôn nhân đời, tức là hôn nhân dân sự, được áp dụng chung cho mọi công dân của một quốc gia. Cho dầu có tôn giáo hay không, mỗi công dân khi kết hôn cũng phải đăng ký kết hôn trước mặt cơ quan chính quyền hữu trách.
– Việc hôn nhân phải được công khai hoá, vì hôn nhân không chỉ liên quan đến đôi vợ chồng mà còn liên quan đến gia đình, Giáo Hội và xã hội. Do đó, Giáo Hội và xã hội có quyền đòi hỏi được thông báo, được góp ý kiến, được chứng kiến việc hôn nhân và được nhờ pháp luật can thiệp khi cần. Lợi ích của việc công khai hóa:
Giúp bảo vệ quyền lợi của các đương sự, ngăn ngừa kẻ khác xâm phạm hạnh phúc của mình.
Tạo điều kiện để xã hội can thiệp, khi các đương sự gây thiệt hại cho xã hội.
Vì tính cách xã hội và tầm quan trọng của hôn nhân, nên việc kết hôn phải được rao báo công khai và cần được ghi vào sổ sách, kèm theo chữ ký của người làm chứng.

III. HÔN NHÂN CÔNG GIÁO LÀ MỘT BÍ TÍCH.
1. Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Giêsu thiết lập và được trao lại cho Hội thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta.
2. Chúa Giêsu thiết lập bảy bí tích là: Rửa tội, Thêm sức, Giao hòa, Xức dầu bệnh nhân, Tư tế và hôn phối .
3. Những bí tích khai tâm Kitô giáo: Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh thể. Ba bí tích này đặt nền tảng cho ơn gọi chung của người môn đệ Đức Kitô, ơn gọi nên thánh và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho thế giới.
– Khi lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, chúng ta nhận được sự sống mới của Đức Kitô, nhưng sự sống này được chứa đựng: “Trong những bình sành” (2 Cr.4,7) và có thể bị tội lỗi làm suy giảm hoặc hủy diệt. Chúa Giêsu Kitô là thầy thuốc chữa lành linh hồn và thể xác chúng ta. Người muốn Hội thánh, nhờ quyền năng Thánh Thần tiếp tục công cuộc chữa lành và cứu độ. Đó là mục đích của hai bí tích chữa lành: Bí tích giao hòa và bí tích xức dầu bệnh nhân .
– Hai bí tích xây dựng cộng đoàn là bí tích Truyền chức và hôn phối được lập ra nhằm phần rỗi tha nhân. Tuy nhiên, khi phục vụ tha nhân, hai bí tích này cũng góp phần cứu rỗi bản thân. Hai bí tích này vừa trao ban một sứ mệnh đặc biệt trong Hội thánh, vừa xây dựng cộng đoàn dân Chúa.
4. Mỗi bí tích đều có một dấu hiệu bên ngoài (thường gọi là chất thể, cử chỉ và lời đọc). Nhờ đó, việc Thiên Chúa ban ơn được ta cảm nhận rõ ràng hơn do chính giác quan của mình. Nói cách khác, nhờ những dấu hiệu bên ngoài, bí tích bày tỏ cho ta ơn Chúa.
Ví dụ: Trong bí tích rửa tội, việc đổ nước trên đầu, cho ta dễ thấy Chúa thanh tẩy ta; trong bí tích xức dầu bệnh nhân, việc xức dầu cho ta dễ thấy Chúa thêm sức cho ta.
5. Ban ân sủng: các bí tích không những diễn tả ân sủng nhờ các dấu hiệu, mà còn thực sự làm phát sinh ân sủng. Khi Hội thánh cử hành bí tích, thì Chúa Giêsu hành động để ban ơn cứu chuộc cho ta.
Ví dụ: Bí tích rửa tội thực sự biến đổi ta nên con cái Chúa. Bí tích xức dầu bệnh nhân thực sự ban cho người lãnh nhận ơn an ủi và ơn sức mạnh.
6. Hôn nhân Công giáo là một bí tích.
– Khi hai người ngoài Công giáo kết hôn, họ thực sự thành vợ chồng theo luật tự nhiên như một giao kết. Thiên Chúa ban cho họ những ơn tự nhiên để họ chu toàn trách nhiệm làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ, nhưng hôn nhân của họ chưa có giá trị và ân sủng bí tích.
– Còn hôn nhân nơi người Công giáo, ngoài tính cách giao kết tự nhiên, hôn nhân của họ trở thành bí tích và mang lại ơn sủng cứu độ. Ơn sủng này nâng đỡ đôi bạn trong việc hoàn thành sứ mạng và bổn phận của mình trong đời sống vợ chồng vừa ở chiều kích tự nhiên vừa ở chiều kích siêu nhiên. Tuy nhiên đối với người Công giáo, việc kết hôn chỉ có giá trị trước mặt Thiên Chúa trong điều kiện này là họ kết hôn theo luật Hội thánh.
– Bí tích hôn nhân trước hết là một lễ nghi tôn giáo, được cử hành trang nghiêm trong bầu khí tôn giáo. Bí tích này được tổ chức công khai (trừ một vài trường hợp đặc biệt) thường tại nhà thờ, trong đó những người sắp kết hôn đóng vai trò chủ lễ, vị giáo sĩ chỉ đóng vai trò chứng hôn, bên cạnh 2 nhân chứng pháp lý (không phân biệt có đạo hay không, không phân biệt có bà con với cô dâu chú rể hay không) cùng các người thân và cộng đoàn dân Chúa có mặt để cùng cầu nguyện.
– Bí tích hôn nhân ban cho đôi bạn những ơn cần thiết trong đời sống hôn nhân và gia đình:
+ Ơn thánh hóa làm cho sức sống siêu nhiên nơi họ dồi dào hơn.
+ Ơn hiện sủng, để họ được trợ giúp khi thi hành công việc bổn phận hàng ngày.
Nhờ dòng suối ân sủng ấy, đôi bạn được nâng đỡ trong nỗ lực thánh hóa bản thân, trong trách vụ làm vợ chồng và làm cha mẹ.
Cộng đồng Vaticanô II: “vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một bí tích để chu toàn xứng đáng các bổn phận và phẩm giá trong bậc sống của họ. Nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần Đức tin, Đức cậy, Đức mến và ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và thánh hóa lẫn nhau; và bởi đó, họ cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa” (MV. 48b).

IV. MẪU MỰC CỦA HÔN NHÂN CÔNG GIÁO:
Mẫu mực của hôn nhân Công giáo là sự kết hợp mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội thánh.
Tình yêu trong hôn nhân phát xuất từ nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa và được tác thành theo gương kết hiệp của Chúa Kitô và Hội thánh.
1. Như xưa Thiên Chúa đã ký kết với Israel một giao ước tại núi Sinai theo giao ước này: Thiên Chúa nhận Israel làm dân riêng, còn Israel nhận Thiên Chúa là Chúa và phụng thờ Người hết tình (x. Xh 19 – 20). Đó là giao ước cũ.
2. Vào “thời sau hết”, Chúa Giêsu lập Hội thánh: Người ký kết với Hội thánh một giao ước mới trong Máu Người (x. Mt 26, 26 – 29) để mãi mãi yêu thương trung tín và hiến thân cho Hội thánh. Còn Hội thánh cũng phải mãi mãi yêu mến, trung tín và hiến thân cho Chúa Kitô như vậy .
3. Trong hôn nhân Công giáo, đôi bạn cũng phải noi gương Chúa Kitô và Hội thánh: biết yêu thương kết hiệp mật thiết với nhau bằng một mối tình bền vững không chia sẻ; sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của nhau và của con cái để giúp nhau thăng tiến về mọi phương diện. Có như thế, đôi bạn mới có thể đạt được mục đích hôn nhân là trọn đời yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, sinh sản và giáo dục con cái .
4. Tự sức loài người, vợ chồng có cố gắng mấy đi nữa, cũng không với tới bầu trời hạnh phúc được. Nhưng bí tích hôn nhân sẽ giúp họ đạt được ước nguyện cao vời ấy.
Kết luận:“Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5, 31-32)
===////===

B. BÀI HỌC:
03/ H. Ý nghĩa đích thực của hôn nhân Công giáo là gì ?
T. Hôn nhân Công Giáo là:
1. Một ơn gọi, một sứ mạng mà Thiên Chúa kêu mời đôi nam nữ đón nhận.
2. Một bí tích Chúa Giêsu đã lập để kết hợp hai người tín hữu một nam và một nữ thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội thánh, và ban ơn lành để họ sống xứng đáng ơn gọi của mình
3. Một giao ước mà đôi nam nữ thỏa thuận yêu thương nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ, hợp nhất với nhau chung xây hạnh phúc gia đình.
04/ H. Chúa Giêsu ban những ơn gì trong bí tích hôn nhân?
T. Chúa Giêsu ban nhiều ơn đặc biệt để thánh hóa đời sống vợ chồng và giúp đôi bạn chu toàn nghĩa vụ đối với bạn mình và đối với con cái .
05/ H. Chúa Giêsu dạy gì về bí tích hôn nhân?
T. Chúa Giêsu dạy những người đã kết bạn phải sống một vợ một chồng, không được lìa bỏ nhau và phải sống hòa thuận yêu thương nhau suốt đời .
06/ H. Bậc hôn nhân của các tín hữu rất cao trọng vì sao?
T. Vì bậc ấy là một trong những con đường giúp các tín hữu nên thánh, và tình yêu vợ chồng là tượng trưng cho tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội thánh .
07/ H. Mẫu mực của hôn nhân Công giáo là gì?
T. Mẫu mực của hôn nhân Công giáo là tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh .
08/ H. Tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh có những đặc điểm nào?
T. Tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh có những đặc điểm này:
– Sự kết hiệp phong phú giữa Chúa Kitô và Hội thánh
– Sự hiến thân trọn vẹn của Chúa Kitô cho Hội thánh
– Sự trung tín tuyệt đối của Chúa Kitô đối với Hội thánh.
09/ H. Trong hôn nhân Công Giáo, đôi bạn phải noi gương Chúa Kitô kết hợp với Hội Thánh như thế nào?
T. – Đôi bạn phải kết hợp mật thiết với nhau bằng một mối tình bền vững và không san sẻ
– Sẵn sàng hy sinh vì thiện ích của nhau và của con cái.
– Giúp nhau thăng tiến về mọi phương diện.
10/ H.Hôn nhân và gia đình có tầm quan trọng thế nào trong xã hội ?
T. Hôn nhân và gia đình là nguồn gốc, là nên tảng, là tế bào đầu tiên cung cấp công dân cho xã hội, gắn kết với xã hội một cách sống động và hữu cơ không thể tách rời.
11/ H. Hôn nhân và gia đình có tầm quan trọng thế nào trong Giáo Hội?
T. Hôn nhân và gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, cung cấp các Kitô hữu cho Giáo Hội, là trường học để Giáo Hội có thể hội nhập vào xã hội loài người và phục vụ cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa
12/ H. Bí tích hôn phối đem lại những hiệu quả nào?
T. Bí tích hôn phối liên kết đôi vợ chồng bằng một “dây hôn phối, không ai có quyền tháo gỡ, và ban cho họ ơn biết yêu nhau như Chúa Kitô yêu Giáo Hội, nhờ đó, họ sống trung thành và giúp nhau nên thánh trong đời sống vợ chồng, trong việc đón nhận và giáo dục con cái.
13/ H. Một gia đình Kitô hữu bắt đầu như thế nào?
T. Khi hai anh chị Ktô hữu yêu nhau và muốn kết bạn với nhau thành vợ chồng, họ xin Thiên Chúa và Hội thánh chứng nhận và chúc phúc cho tình yêu của họ. Họ đưa nhau đến nhà thờ, cùng với cha mẹ, họ hàng thân thuộc. Rồi trước mặt vị Linh mục (hoặc giám mục, hay phó tế) đại diện Hội thánh, trước mặt hai người làm chứng và cộng đoàn, họ cam kết nhận nhau làm vợ chồng và hứa chung thủy với nhau suốt đời. Đó là bí tích hôn phối (GH 35C ) .
Bí tích hôn phối làm cho vợ chồng thuộc về nhau mãi mãi và ban ơn cho họ chu toàn bổn phận đối với nhau và đối với con cái: sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái nên những người con Thiên Chúa, sống gương mẫu trong xã hội. Nếu một bên Công giáo và một bên không Công giáo sẽ khó hòa hợp, việc giáo dục đức tin cho con cái khó thực hiện .
Bí tích hôn phối khiến cho mọi người trong gia đình được nên thánh nhờ biết làm tròn bổn phận, sống yêu thương và làm việc Tông đồ (MV 47-52)
Lm Giuse Phạm Thanh Minh



Không có nhận xét nào: