Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật III Mùa Chay B – Ga 2,13-25
Thứ Tư – 4/3/2015
XIN
ƠN THÁNH THẦN
Trong
tâm tình hướng về Mùa Chay Thánh, mùa cầu nguyện, ăn chay, làm việc lành phúc
đức, sám hối trở về với Chúa, kính mời cộng đoàn hiệp ý xin Chúa Thánh Thần ngự
đến giúp chúng ta tham dự giờ suy tôn Lời Chúa chiều nay thật sốt sắng.
(Cộng đoàn hát:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…)
GỢI
Ý TÌM HIỂU TIN MỪNG Ga 2,13-25.
A. LỜI MỞ ĐẦU
Kính
thưa cộng đoàn!
Giáo Hội sẽ
công bố Tin Mừng Ga 2,13-25 vào Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm B với chủ đề:
ĐỨC GIÊ-SU TẨY UẾ ĐỀN THỜ GIÊ-RU-SA-LEM
B. TÌM HIỂU CHI TIẾT DƯỚI HÌNH THỨC SUY NIỆM
Trước và sau
mỗi suy niệm, mời cộng đoàn hát:
Con xin trở về,
về với Chúa là Cha. Con xin trở về, tội đời xin sám hối. Con xin trở về, về với
Chúa là Cha. Con xin trở về, tội đời xin giả từ. (Cung D, phần
ĐK bài Trên Con Đường Trở Về - Sách “Hát
Cộng đồng” trang 53, số 048).
Suy Niệm 1: ĐỪNG BIẾN NHÀ CHA TÔI THÀNH NƠI BUÔN
BÁN (Ga 2,16)
Mở
đầu trình thuật, tác giả Tin Mừng Gioan cho biết, gần đến lễ Vượt Qua, lễ kỷ
niệm biến cố Thiên Chúa đã can thiệp để giải thoát dân Do-thái khỏi ách nô lệ
Ai cập (Xh 11,5; 12,12.29t), Đức Giê-su hành hương lên Giê-ru-sa-lem và đến Đền
Thờ. Đây là lễ đầu tiên trong ba lễ Vượt
Qua mà Đức Giê-su tham dự được Tin Mừng Gioan nhắc đến (x. 6,4; 11,55). Lễ Vượt
Qua cũng là dịp người Do-thái lên Giê-ru-sa-lem để thực hiện các cử hành phụng
tự đặc biệt. Đền Thờ là trung tâm tôn giáo và là trái tim của cả dân tộc
Do-thái (Mc 11,17). Dân chúng cần có các tư tế để dâng lễ vật của mình, và Đền
Thờ là nơi tập trung những của lễ dâng cúng của cộng đoàn. Vì thế, Đền Thờ là
đầu mối tranh chấp cho những ai có nhiều tham vọng (x. Edr 4,1; 2 Mcb 1,13; 2
Mcb 4,7). Các ngôn sứ đã từng khiển trách những vụ lạm dụng tôn giáo như thế,
và Da-ca-ri-a đã tiên báo ngày mà Đền Thờ sẽ được tẩy uế. Điều này, Chúa Giê-su
sẽ làm theo cách riêng của mình (Dcr 14,21).
Chúng ta cùng đọc lại Ga 2,14-16 để thấy phản
ứng gay gắt của Đức Giê-su khi Người bênh vực vinh quang Cha của mình...
14Người thấy trong
Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.
15 Người
liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền
Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế
của họ.
16 Người nói
với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến
nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."
Quả
thật, theo cách nói của Tin Mừng Gioan, đây không còn là Đền Thờ nữa mà là một
cái chợ. Thực ra, Đền Thờ có ba gian. Nơi buôn bán là gian tiền đường, gian
này, người ngoại có thể đi lại. Còn hai gian nữa là gian Cung Thánh và gian
Cung Cực Thánh. Chúng ta thử hình dung một phiên chợ náo nhiệt: Cảnh tượng
chung quanh Đền Thờ ồn ào một cách quá đáng, tiếng người nói với tiếng chiên,
cừu, bò kêu rống trộn với mùi hôi tanh làm nơi thờ phượng Thiên Chúa mất vẻ uy
nghiêm. Tin Mừng Nhất Lãm còn nói mạnh hơn khi ví Đền Thờ là hang trộm cướp.
(Thinh lặng 1’)
Đừng biến nhà
Cha tôi thành nơi buôn bán (Ga 2,16).
Như vậy, Đền
Thờ, nhà thờ phượng có chủ là Thiên Chúa Cha. Nhà ấy của Cha đang bị giới tư tế
Đền Thờ làm ô uế, mang đủ thứ dơ bẩn, ồn ào, tục lụy vì họ nghĩ họ là chủ cho
nên muốn làm gì cũng được. Đức Giê-su đã cho họ thấy “Ông Chủ thật”, đồng thời,
Người cũng cho biết Người là con của Ông Chủ Đền Thờ ấy, và hôm nay, thay mặt
Cha, đến quét dọn cho sạch. Qua Cựu-Ước, người
ta được biết Thiên Chúa đã quét dọn tức phá hủy Đền Thờ Giê-ru-sa-lem
như thế nào. Dân Do-thái sống buông theo tội lỗi trong khi dùng Đền Thờ như là
nơi an toàn để kinh kệ, dâng lễ tế cho Thiên Chúa coi như làm Thiên Chúa no
thỏa và… mọi sự sẽ ổn! Họ đã lầm!
Cũng thế, nhân
loại đang đem mọi thứ ô uế, tội lỗi, tục lụy vào ngôi nhà của Thiên Chúa là thế
giới này, nơi Người trao cho con người ở và quản lý, nhưng tội lỗi của nhân loại
đã đến lúc tràn bờ. Người ta còn nhớ đã có một lần Thiên Chúa ra tay quét sạch
thế giới tội lỗi bởi lụt Đại Hồng Thủy thời Ông Nô-ê. Điều ấy đã được ghi trong
Sách Sáng Thế - Chương 6. Phải chăng ngày nay, Thiên Chúa cũng có một nhận định
đau buồn như thời ấy! Và phải chăng, Người lại sắp ra tay lần nữa quét dọn ngôi
nhà của Người?
Hát: Con xin
trở về, về với Chúa là Cha. Con xin trở về, tội đời xin sám hối. Con xin trở
về, về với Chúa là Cha. Con xin trở về, tội đời xin giả từ.
Suy Niệm 2: CÁC ÔNG CỨ PHÁ HỦY ĐỀN THỜ NÀY ĐI; NỘI
BA NGÀY, TÔI SẼ XÂY DỰNG LẠI (Ga 2,19)
Phản ứng gay
gắt của Đức Giê-su về việc tẩy uế Đền Thờ đã dẫn đến cuộc tranh luận giữa Người
với người Do-thái, thực tế là với giới tư tế, quản lý Đền Thờ vì việc tẩy uế
này đã đụng chạm đến quyền lợi kinh tế của họ. Qua đó chúng ta thấy được phản
ứng của họ, những kẻ chỉ thích tìm dấu lạ mà chẳng có lòng tin vào Chúa Giê-su
là Đấng được Cha sai đến.
Chúng ta cùng nhau đọc lại Ga 2,18-21.
18 Người
Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là
ông có quyền làm như thế? "
19 Đức
Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây
dựng lại."
20 Người
Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà
nội trong ba ngày ông xây lại được sao? "
21 Nhưng Đền
Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.
Người Do-thái
đã xin một dấu lạ để chứng tỏ Đức Giê-su có quyền làm như thế. Việc Đức Giê-su
tẩy uế Đền Thờ đã là một dấu lạ, nhưng họ không hiểu. Và họ càng không hiểu khi
Người nói về việc phá hủy Đền Thờ và xây dựng lại trong ba ngày. Thật sự, họ
chỉ hiểu theo nghĩa đen, nghĩa mặt chữ mà không thể nào hiểu nghĩa bóng, nghĩa
sâu kín bên dưới mặt chữ. Origênê, một nhà chú giải, giải thích như sau: “Đức
Giê-su đã làm một dấu lạ khi tẩy uế Đền Thờ. Việc tẩy uế ấy là một biểu tượng
về việc người ta không được tiếp tục phụng tự bằng các tế lễ vật chất nữa.”
Quả thế, việc tẩy uế Đền Thờ, xua đuổi những súc vật được dùng để tế lễ ra khỏi
Đền Thờ là dấu hàm ý bãi bỏ và thay thế hệ thống phụng tự tôn giáo cũ Do-thái
giáo bằng một phụng tự mới mà Đức Giê-su là trung tâm: Một Đền Thờ mới thay thế
Đền Thờ cũ ở đây chính là thân thể phục sinh của Người. Và lễ phẩm cũng chính
là thân thể Người đã được hiến tế trên đồi Can-vê qua cuộc Khổ nạn Thập giá.
Ngay cả các môn đệ lúc ấy cũng không tài nào hiểu. “Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói
điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.” (Ga 2,22). (Thinh
lặng 1’)
Đền Thờ phải
được phá đi là Đền Thờ chứa chấp những ngẫu tượng, là cõi lòng chưa được cứu
độ: ngẫu tượng dị đoan, mê tín, gắn liền với sai lầm và dối trá, ngẫu tượng hận
thù, hưởng thụ, tiền tài, tự mãn. Người ta thờ sắc đẹp, thờ thân xác, thờ tình
yêu, thờ danh vọng, thờ lạc thú v.v… Nhất là ngẫu tượng “cái tôi” của mình, là
cái bản ngã chưa được biến đổi thành con người mới, còn chất chứa, nuôi dưỡng
đủ thứ đam mê của nó. Các ngôn sứ trong suốt lịch sử Cựu-Ước, cũng như Đức
Giê-su, đã không ngừng đấu tranh đả phá ngẫu tượng dưới mọi hình thức, vì khi
tôn thờ ngẫu tượng, con người tự tha hóa, đánh mất chính mình. (Phỏng theo N.S
Lâm, Lời Chúa CN3B Chay).
Phải dựng lại
Đền Thờ mới… “nơi biết bao người anh chị em mà con người xác thể cùng cuộc đời
họ không còn là Đền Thờ Thiên Chúa nữa (2Cr 6.16) vì tội lỗi ngập đầy, vì phẩm
giá bị tước đoạt, vì lương tri bị nhận chìm, vì áp bức đã giựt sập” (TGM. Oscar
Rômêrô). “Phải xây dựng lại những ngôi đền thờ ấy bằng cả nỗ lực thiêng liêng
lẫn nỗ lực giáo dục, kinh tế, xã hội và chính trị nữa. Công việc ấy không thể
xa lạ đối với môn đệ của Đấng Phục Sinh.” (LM. Nguyễn Khảm).
Hát: Con xin
trở về, về với Chúa là Cha. Con xin trở về, tội đời xin sám hối. Con xin trở
về, về với Chúa là Cha. Con xin trở về, tội đời xin giả từ.
GỢI Ý ÁP DỤNG
Đền
thờ là thân mình Đức Giê-su, nơi duy nhất Thiên Chúa hiện diện. Đây là tư tưởng
của tác giả Tin Mừng Gioan chúng ta vừa tìm hiểu, suy niệm. Ngoài ra, có ba
luồng tư tưởng khác khi nói về Đền Thờ kỳ diệu này.
Một:
Đền Thờ là mỗi cá nhân Ki-tô hữu (1Cr 6.19)
Hai:
Đền Thờ là Hội Thánh (Ep 2,19-21l 1O 2,5l 4,17l 1Cr 3,16),
Ba:
Đền Thờ ở trên trời. (theo truyền thống khải huyền).
Vậy,
chỉ xin nêu lên hai áp dụng:
Áp dụng 1: Đền thờ là thân mình Đức
Giê-su, nơi duy nhất Thiên Chúa hiện diện. Điều ấy có nghĩa là, để gặp gỡ chính
Thiên Chúa, mỗi người chúng ta phải đi vào trong thân mình Chúa Giê-su phục
sinh với lòng tin và mến. Đến nhà thờ bằng gỗ đá mà không có sự đi vào thân
mình Chúa Ki-tô phục sinh, không có sự kết hiệp thân tình với Người thì không
thể nào gặp được Thiên Chúa!? Thực tế tại Đền ĐMHCG này, nhiều Ki-tô hữu tham
dự Thánh lễ Chúa Nhật nhưng lại đứng thật xa bên kia đường ngoài vòng rào, hoặc
nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ không dành trọn một tiếng cho Chúa, nhưng
lại dùng thời gian đi lễ để tâm sự, chuyện trò với nhau, để bắt mánh làm ăn nhờ
ĐTDĐ thông minh nối mạng v.v…
Áp dụng 2: Thân xác mỗi người Ki-tô
hữu là Đền Thờ Thiên Chúa ngự. Thực tế nhiều người mang danh Ki-tô hữu nhưng
lại không có Chúa. Nhân dịp Mùa Chay Thánh, chúng ta được mời gọi tự vấn lương
tâm mình để xem còn vướng mắc ngẫu tượng nào mà tha thiết nguyện xin Chúa
Giê-su tẩy uế linh hồn và thân xác chúng ta để mỗi người chúng ta sống thân mật
với Chúa trong những ngày Mùa Chay còn lại và đặc biệt hơn, mừng Đại Lễ Phục
Sinh sắp tới thật sốt sắng hầu sinh ơn
ích cho phần rỗi linh hồn mình.
CÂU
LỜI CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1.
Đức Giê-su liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi
Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn
ghế của họ. (Ga 2,15).
2.
Đức Giê-su nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây,
đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán (Ga 2,16).
3.
Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây
dựng lại.” (Ga 2,19).
3
LỜI NGUYỆN
1. Đền thờ là thân
mình Đức Giê-su, nơi duy nhất Thiên Chúa hiện diện. Xin cho chúng con biết thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự,
và dứt khoát không làm tôi hai chủ, không thờ ngẫu tượng, tà thần mà chỉ thờ
phượng một mình Thiên Chúa mà thôi. Chúng con cầu xin Chúa.
2. Thân xác mỗi
Ki-tô hữu là Đền Thờ Thiên Chúa ngự. Xin cho chúng con ý thức điều đó và sẵn
sàng mở lòng ra đón Chúa đến quét dọn mỗi ngày, đặc biệt qua bí tích giải tội để
hồn xác chúng con sạch trong, để chúng con xứng đáng làm người, làm con Chúa. Chúng
con cầu xin Chúa.
3. Do kì thị
tôn giáo, nhiều Nhà Thờ đây đó trên thế giới đã bị đốt cháy, bị tàn phá, nhiều
Ki-tô hữu đã bị giết chết, bị bách hại. Xin cho Giáo Hội được bình an, vượt qua
bao thử thách, khó khăn của thời đại hôm nay. Chúng con cầu xin Chúa.
Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh
Gioa-kim Phạm Văn Lượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét