Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng
hoặc tải xuống
Thứ Bảy Tuần 19 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Eze 18:1-10, 13, 30-32;
Mt 19:13-15.
1/ Bài đọc I: 1 Có lời
ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng:
2 Sao các ngươi cứ truyền
cho nhau câu ngạn ngữ này trong khắp đất Ít-ra-en: Đời cha ăn nho xanh, đời con
phải ê răng.
3 Ta lấy mạng sống Ta mà thề
- sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng -, các ngươi sẽ không còn truyền cho
nhau câu ngạn ngữ đó trong Ít-ra-en nữa.
4 Này, mạng sống nào cũng
thuộc về Ta; mạng sống của cha cũng như mạng sống của con đều thuộc về Ta. Ai
phạm tội, kẻ ấy phải chết.
5 Người nào ăn ở công
chính, thi hành điều công minh chính trực,
6 không dự tiệc trên núi,
không ngước mắt nhìn các ngẫu tượng của nhà Ít-ra-en, không làm cho vợ người đồng
loại ra ô uế, không gần gũi phụ nữ đang thời kỳ ô uế,
7 không bóc lột ai, trả của
cầm cho người cầm của, không cướp của ai, cho kẻ đói bánh ăn, lấy áo che thân kẻ
mình trần,
8 không cho vay ăn lời,
không lấy lãi quá nặng, không nhúng tay vào chuyện bất công, xét xử công minh
giữa người với người,
9 sống theo những quy tắc của
Ta và tuân giữ các quyết định của Ta mà thể hiện lòng trung tín của mình, người
ấy mới là người công chính. Chắc chắn nó sẽ được sống - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA
là Chúa Thượng.
10 Nhưng nếu nó sinh ra một
đứa con hung dữ, khát máu, phạm một trong những tội trên,
13 cho vay ăn lời và lấy
lãi nặng, thì hỏi đứa con ấy có được sống không. Không! Kẻ nào làm tất cả những
điều ấy chắc chắn sẽ phải chết, máu nó sẽ đổ trên mình nó.
30 Vì thế, hỡi nhà
Ít-ra-en, Ta sẽ xét xử các ngươi: ai nấy theo đường lối của mình - sấm ngôn của
ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Hãy trở lại, hãy từ bỏ mọi tội phản nghịch của các
ngươi, chẳng còn chướng ngại nào làm các ngươi phạm tội nữa.
31 Hãy quẳng khỏi các ngươi
mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một
thần khí mới. Hỡi nhà Ít-ra-en, tại sao các ngươi lại muốn chết?
32 Quả thật, Ta không vui
thích gì về cái chết của kẻ phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Vậy
hãy trở lại và hãy sống.
2/ Phúc Âm: 13 Bấy giờ
người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện.
Các môn đệ la rầy chúng.
14 Nhưng Đức Giê-su nói:
"Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những
ai giống như chúng."
15 Người đặt tay trên
chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mỗi người phải
chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Theo thuyết Nhân Quả của nhà Phật
thì nhân nào quả đó: quả tốt nhân tốt, quả xấu nhân xấu hay “đời cha ăn mặn đời
con khát nước.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng nói một câu tương tự: xem quả biết
cây, cây xấu không thể sinh quả tốt, và ngược lại, cây tốt không thể sinh quả xấu.
Vì thế, nếu con cái tốt là bởi cha mẹ tốt và con cái xấu là do bởi cha mẹ xấu,
và cứ thế truyền đi hết thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu hiểu như thế, một khi
đã rơi vào vòng xấu là cứ xấu mãi và không có hy vọng gì thoát ra khỏi vòng xấu
xa này?
Trong bài đọc I, ngôn sứ Ezekiel
tường thuật Thiên Chúa lên án niềm tin này và Ngài truyền cho Israel không được
truyền bá niềm tin này nữa. Nguyên tắc trên (nhân quả) chỉ là nguyên nhân phụ
(secondary cause); nguyên nhân chính (primary cause) là tùy thuộc nơi con người
làm. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, mỗi người phải chịu trách nhiệm về các
hành động của mình; tuy nhiên, việc lành hay điều ác của một người cũng đều có ảnh
hưởng trên người khác. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu la rầy các môn đệ vì họ ngăn cản
các trẻ nhỏ không cho chúng đến với Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Trách nhiệm của mỗi
người về hành động mình làm.
Không phải chỉ ở Việt-Nam mới có
câu tục ngữ “Đời cha ăn mặn đời con khát nước,” người Do Thái cũng có câu tục
ngữ tương đương lan tràn trong dân chúng “Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê
răng.” Thiên Chúa cực lực phản đối niềm tin này khi Ngài nói: “Ta lấy mạng sống
Ta mà thề, các ngươi sẽ không còn truyền cho nhau câu ngạn ngữ đó trong Israel nữa.
Này, mạng sống nào cũng thuộc về Ta; mạng sống của cha cũng như mạng sống của
con đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết.” Mỗi cá nhân phải chịu trách
nhiệm về các hành vi của mình, chứ không được đổ tội cho ai cả.
Nguy hiểm của niềm tin: tội lỗi
và hình phạt truyền từ đời cha qua đời con là một khi đã lâm vào vòng dây chuyền
này sẽ không còn hy vọng gì nữa! Nhưng Thiên Chúa cho con người niềm hy vọng để
ra khỏi vòng này: Ngay từ đời cha, ông đã có thể ăn năn trở lại để được Chúa
xóa tội; nếu ông không ăn năn và hư mất, con ông vẫn có thể bỏ đường tội lỗi nếu
đã trót lâm vào. Tóm lại, theo kế họach tha thứ của của Thiên Chúa, sẽ chẳng
còn một chướng ngại nào cản trở sự trở lại của con người trừ sự cứng lòng của họ.
Lý do đơn giản Chúa đưa ra hôm nay: “Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết
của kẻ phải chết, nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống.”
2/ Phúc Âm: Nước Trời là của những
người giống như con trẻ?
Tại sao các môn đệ la rầy trẻ nhỏ?
Trẻ em thường ồn ào và chạy nhảy lung tung làm chia trí cuộc đàm thọai hay cần
được nghỉ ngơi của người lớn. Các môn đệ thấy Thầy mình bận rộn tối ngày, hết
giảng dạy rồi lại chữa bệnh, xuất hiện ở đâu cũng kéo theo một đám đông ồn ào
chen lấn, nên các ông có lý do để la rầy và ngăn cản không cho chúng đến. Hiểu
ý hướng tốt lành của họ nên Chúa Giêsu không trách các ông, Ngài chỉ nói: Cứ để
trẻ em đến với Thầy! Đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống
như chúng." Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
Qua bài học này, Chúa Giêsu dạy
cho những người lãnh đạo một bài học quan trọng để có thể đối đầu với đòi hỏi của
đám đông. Khi chọn xuất hiện nơi công cộng là chọn để cho đám đông đến với
mình, đừng khinh thường và trốn tránh họ vì sứ vụ và thành công của mình phần lớn
cũng liên quan tới họ. Có những người sau khi đã nổi tiếng tìm cách bảo vệ mình
và xa lánh đám đông nên họ cũng từ từ rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, Chúa cũng
không dạy dành hết thời giờ cho đám đông mà quên đi việc nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Chúa đã từng nhắc nhở các môn đệ: “Các con hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ
ngơi” (Mk 6:31); hay Chúa bảo các ông xuống thuyền và chèo qua bờ bên kia trong
khi Chúa giải tán đám đông đang muốn tuyên xưng Chúa làm vua cai trị họ (Mt
14:22). Và rất nhiều lần, Ngài đã bỏ đám đông và các môn đệ để lên núi cầu nguyện
một mình (Mt 14:23, Lk 9:18, Jn 6:15). Chúa biết cách làm chủ thời gian và xử
thế trong mọi trạng huống xảy ra cho Ngài.
Người lớn cần trở nên giống trẻ
về phương diện nào? Chắc chắn Chúa không đòi chúng ta trở nên trẻ nhỏ về mọi
phương diện vì chúng cũng có những điều cần phải học để trưởng thành hơn, nhưng
một số các đặc tính của trẻ rất cần cho mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên
Chúa như: (1) Trẻ thơ tuyệt đối tin tưởng nơi cha mẹ chứ không nơi chúng hay
người ngòai, chúng ta cũng phải tuyệt đối tin tưởng nơi Thiên Chúa chứ không
nơi bất cứ quyền lực nào khác, ngay cả chính mình.
(2) Cha mẹ dạy sao nghe vậy,
chúng chưa biết bướng bỉnh cãi lại; chúng ta cũng cần có thái độ như vậy khi tiếp
cận các giới răn của Chúa, đừng lý sự để tìm cách biện minh cho các hành động
sai trái của mình.
(3) Trẻ thơ cần gì xin đấy, hết
rồi lại xin thêm, chúng không biết tích trữ phòng hờ; Chúa cũng đòi chúng ta
như thế, lương thực này nào đủ cho ngày đó chứ không lo tích trữ cho cả một đời
trong khi biết bao người cần có của ăn hằng ngày.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi người phải chịu trách nhiệm
về các hành động và cuộc đời mình. Chúng ta đừng đổ tội cho tiền nhân cũng đừng
tùy thuộc vào công đức của hậu thế.
- Chúng ta cần có một niềm tin vững
vàng nơi Thiên Chúa như con trẻ tin vào cha mẹ chúng; đừng để những bon chen của
cuộc sống làm chúng ta mất đi niềm tin này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét