CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Truyền giáo và hội nhập


nguồn: http://www.chuacuuthe.com/2014/03/truyen-giao-va-hoi-nhap/

VRNs(11.3.2014) – Sài Gòn – Trong thời gọi là “Toàn Cầu Hóa” này thì việc hội nhập đối với các quốc gia và tôn giáo dù muốn hay không cũng không thể thoát ra được. Làm sao có thể không… hội, không… nhập, khi mà ngày nay với các phương tiện truyền thông như truyền hình, internet, con người có thể giao tiếp với nhau chỉ trong chớp mắt.
Một cái tin đánh bom khủng bố xảy ra tại một xó xỉnh, một góc phố nào đó nước Siria, nước Pakistan, cũng có thể được loan truyền đi ngay lập tức với đầy đủ âm thanh, hình ảnh một cách sống động: nhà cửa đổ nát, xác người máu me be bét kinh tởm v.v… Một sản phẩm vừa mới làm ra cũng được quảng cáo tiếp thị rầm rộ với giá cả, hình thức mẫu mã vô cùng hấp dẫn… Chỉ cần mở TV, lướt qua các kênh, người ta cũng có thể biết đến đủ mọi sự kiện xảy ra trên hành tinh…
Minh họa. Ảnh google
 Phải nhìn nhận là chưa có thời nào mà cái sự biết của con người lại nhanh, lại nhiều như bây giờ. Thế nhưng có thể nói, cũng chưa có thời nào mà nhân loại lại sống trong vòng u mê lầm lạc như hiện thời. Lý do bởi vì tất cả những cái gọi là… biết ấy, đã không làm cho con người hiểu được nhau hầu xích lại gần nhau hơn. Có hiểu nhau thì mới xích lại gần nhau, trái lại thì ngày càng xa cách.
Việc xích lại gần để hiểu nhau ấy chính là mục đích và ý nghĩa của hội nhập. Người ta có thể hô hào và cả nỗ lực hội nhập trong tất cả các lãnh vực kinh tế, chính trị hay tôn giáo. Thế nhưng sẽ chẳng bao giờ có thể hội, có thể nhập, nếu người ta vẫn chưa hiểu được nhau.
Cả đời lẫn đạo thì ý nghĩa của việc hội nhập, chẳng qua như đã nói, là để cho con người hiểu và chấp nhận được mình. Xét trên khía cạnh đời thì hội nhập kinh tế là làm sao để người ta chấp nhận, người ta thích thú với sản phẩm của mình. Còn trong lãnh vực ngoại giao mục đích cũng vậy, chỉ là để cho thiên hạ có thể chấp nhận đường lối chính sách của quốc gia mình v.v…
Với đạo xét ra cũng không khác. Nếu trong lãnh vực kinh tế tiếp thị, hội nhập là để người ta chấp nhận sản phẩm của mình thì trong tôn giáo, sản phẩm ấy chính là nội dung của việc truyền giáo.
Hiện nay việc truyền giáo của Giáo Hội đang có vấn đề nghĩa là không được chấp nhận. “Nhiều quốc gia trước đây có một đời sống Kitô phồn thịnh và có khả năng làm phát sinh những cộng đồng Đức Tin sống động, nay bị thử thách nặng nề, hay có khi bị biến đổi sâu xa vì những hiện tượng thờ ơ, tục hóa và vô thần. Đây đặc biệt là hoàn cảnh của các nước thuộc thế giới tân tiến. Tại các vùng khác trên thế giới, các truyền thống đạo đức và các tâm tình Công Giáo vẫn còn được bảo tồn sống động. Nhưng các gia sản thiêng liêng đó đang gặp nguy cơ bị tan biến dưới sức mạnh của nhiều trào lưu, trong đó có trào lưu tục hóa và sự lan tràn của các giáo phái ( sette )” ( Nguồn: GPXL.org, Đức Ông Đinh Đức Đạo, Truyền giáo và tân Phúc Âm Hóa ).
Tại các quốc gia Kitô giáo bên Âu Châu trước đây rất phồn thịnh thì nay lại đang tàn lụi. Còn tại các xứ truyền giáo như tại Á Châu, Phi Châu… thì cũng sẽ bị nguy cơ tục hóa làm cho tan biến… Để chống chọi với những nguy cơ ấy, Giáo Hội đang ra sức cổ võ việc hội nhập. Tuy nhiên việc ấy có thể đem lại kết quả hay không thì còn tùy thuộc nội dung của hội nhập. Theo thần học thì nội dung đó chính là Đức Tin: “Sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Đức Tin Kitô giáo cho tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa được xem là mối quan tâm hàng đầu.
Trong thực tế, sự quan tâm của Giáo Hội đối với tương quan này vẫn còn thiếu sót nhất định. Nội dung của Đức Tin Kitô giáo thường được diễn tả mang đậm dấu ấn của nền văn hóa La Hy, trong khi nhiều nền văn hóa khác lại bị lãng quên, chẳng hạn các nền văn hóa Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Đại Dương. Hậu quả là sứ mệnh của Giáo Hội không phát huy đầy đủ tác dụng, thậm chí, không sinh hoa kết trái ở nhiều nơi trên thế giới” ( Nguồn: Lamhong.org, Lm. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Bản chất và vai trò của Hội Nhập Văn Hóa ).
Cho rằng sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo Đức Tin Kitô giáo, điều ấy hoàn toàn không đúng. Lý do bởi vì đó không phải là sứ mạng được trao bởi Đức Kitô. Trước khi về Trời, Chúa Phục Sinh phán với các Tông Đồ: “Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu, còn ai không tin sẽ bị định tội” ( Mc 16, 15 – 16 ). Ở đây ta thấy rõ ràng là Chúa đã trao cho các Tông Đồ, cũng tức là cho Giáo Hội, sứ mạng rao giảng Tin Mừng chứ không phải như thần học nói là Đức Tin Kitô giáo.
Rao giảng Tin Mừng cố nhiên không phải là rao giảng Đức Tin Kitô giáo. Tin Mừng cần rao giảng ấy chính là Tin Mừng của Đức Kitô về Nước Trời mầu nhiệm nội tại, còn cái gọi là Đức Tin Kitô giáo là về Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa mà thuần túy đó chỉ là một thứ khái niệm triết học không hơn không kém. Chính bởi Thiên Chúa của thần học chỉ là khái niệm, thế nên cũng chẳng thể có cái gọi là Đức Tin Kitô giáo. Niềm tin trong tôn giáo được nâng lên thành một thứ đức hạnh, bởi vậy nó phải đặt trên một cơ sở vững chắc là Đấng Thiên Chúa Hằng Sống: “Đức Chúa Trời của Apraham, Đức Chúa Trời của Isaac và Đức Chúa Trời của Giacóp. Ấy Ngài chẳng phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết đâu, bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 – 38 ).
Tin sự hiện hữu của Thiên Chúa Hằng Sống, đây mới chính là niềm tin chân thật của Giáo Hội xưa nay. Tuy nhiên niềm tin ấy sẽ không thể được nếu không có mạc khải của Đức Kitô về Đấng Cha nội tại, bởi duy chỉ Ngài mới thấy biết về Đấng ấy: “Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy. Song Ta biết Ngài và cũng giữ Đạo Ngài” ( Ga 8, 55 – 56 ).
Sự thấy biết Chúa nói ở đây không phải là của giác quan nhưng là của trí tuệ vô phân biệt. Chỉ có sự thấy biết vô phân biệt ấy mới đem lại cho con người niềm vui giải thoát thật sự. Trái lại, người thế gian do nơi cái chấp phân biệt ( thấy biết bằng giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể ) mà đã hình thành nên một “Cái Tôi” ( bản ngã ) hoàn toàn khác biệt với người ( tha nhân ). Bao lâu còn khư khư ôm giữ lấy một “Cái Tôi” chỉ có trong ảo tưởng như thế thì không thể nói chi đến hội nhập. Tại sao ? Bởi chưng hội nhập trong tính chất sâu xa của nó chỉ có thể hiểu đó là việc quay vào với chính mình: Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Đức Chúa Trời được rao giảng và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào.
Chúa nói phải nỗ lực mà vào thì “vào” ở đây chỉ có thể là để “hội nhập” với Nước Trời ở nơi chính mình. Có hội nhập được với Nước Trời ở nơi mình thì mới thực hiện công việc hội nhập, tức truyền giáo cho mọi người được.
Trong suốt hai mươi thế kỷ qua, công cuộc truyền giáo của Giáo Hội đã gặt hái được biết bao thành quả lớn lao: Ơn Cứu Độ đã được đón nhận trên khắp các châu lục từ Âu sang Á, Mỹ Châu, Phi Châu v.v… Thành quả ấy do đâu nếu không phải là của những con người đã nhận ra chân lý Tin Mừng của Đức Kitô ? Các ngài đã thực hiện chân lý cho chính mình để rồi đem chân lý ấy đến cho muôn người bất kể gian lao nguy hiểm kể cả hy sinh tính mạng.
Sự hy sinh của những nhà truyền giáo hết thế hệ này đến thế hệ khác đã nói lên điều gì nếu chẳng phải là giá trị vô song của Tin Mừng ? Đem giá trị ấy đến cho các dân tộc, các xứ sở với đủ mọi thứ văn hóa, tín ngưỡng khác biệt, nếu các nhà truyền giáo ấy không xác tín chân lý cao cả ở nơi mình thì làm sao có thể dấn thân truyền giáo cách hăng say như vậy được ?
Để có thể nhiệt thành trong sứ mạng truyền giáo thì không thể không xác tín chân lý mà mình đã lãnh nhận. Thế nhưng điều ấy không có nghĩa có thể áp đặt chân lý lên người khác. Cha Đắc Lộ ( Alexandre de Rhodes ), một nhà truyền giáo kiệt xuất đã có lần nhắc nhở:
“Điều mà tôi không hài lòng hơn cả… đó là việc sau khi người ngoại trở lại, người ta bắt họ bỏ y phục nước họ… ít ra người ta phải hiểu rằng cái đó làm họ cực lòng lắm. Tôi không hiểu vì sao người ta lại đòi hỏi bắt buộc một điều mà Chúa không bao giờ đòi hỏi, một điều trái lại làm cản trở họ không muốn chịu phép rửa và do đó làm họ xa Nước Thiên Đàng. Riêng tôi ở vùng Trung Quốc tôi đã hết sức phản đối những ai muốn bắt người có đạo phải cắt tóc vắn. Ở đây đàn ông cũng như đàn bà đều để tóc dài… Tôi đã nói với những người ấy rằng Tin Lành Phúc Âm chỉ bắt buộc người theo Đạo tẩy trừ khỏi tâm trí họ những mê tín dị đoan chứ đâu có buộc cắt bỏ tóc dài” ( Nguồn: Lm. Nguyễn Hồng – Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam, Quyển I ).
Quần áo tóc tai kể cả ngôn ngữ là những thứ hình thức bên ngoài, không trở ngại chi cho việc tiếp nhận Tin Mừng. Trái lại cái làm trở ngại và bắt buộc phải tẩy trừ đó là những mối dị đoan mê tín. Lý do cần tẩy trừ là bởi nó hoàn toàn chống chỏi với Đạo Chúa là Đạo Đức Tin: “Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi, tức Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giêsu là Chúa và lòng ngươi tin Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 – 9 ).
Truyền giáo tức rao giảng Đạo Đức Tin nhưng cần nên nhớ Đức Tin ấy là tin sự hiện hữu của Thiên Chúa Đấng ở nơi mình. Tin Thiên Chúa ở nơi mình đó mới thật là lòng tin có cơ sở ( chánh tín ). Tuy nhiên để cho lòng tin ấy có thể nảy nở và phát huy, thì không thể không bước đi trên con đường hội nhập là chính Chúa Giesu Kitô: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Lời Chúa là lời chân thật, một khi Ngài đã khẳng định như thế thì phải đúng là như thế, có nghĩa không có một thứ văn hóa, triết học hay tôn giáo nào có thể dẫn đưa con người đến với Đấng Cha được. Chúa khẳng định như thế mục đích là để cho ta có thể vững tin mà theo Ngài. Tuy nhiên, sự vững tin ấy dù là ơn nhưng-không Chúa ban, nhưng nó cần phải được củng cố bởi việc làm và việc làm ấy tất cả cũng không ngoài giới răn yêu thương của Chúa. “Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại, Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 21 ).
Tình yêu chân thật không bao giờ chấp nhận sẻ chia, hơn nữa đó lại là Tình Yêu với Chúa Giêsu – Đấng Cứu Độ duy nhất của mình.
PHÙNG VĂN HOÁ, Trảng Bom 2.2014

Không có nhận xét nào: