VRNs (07.05.2014) -Sài Gòn- Theo Vatican- Các Kitô hữu không làm chứng cho đức tin sẽ trở nên cằn cỗi. Đây là nội dung trọng tâm trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô vào lễ sáng tại nguyện đường Santa Marta hôm qua, thứ 3, 06.05. ĐTC lấy gợi hứng từ cuộc tử đạo của Thánh Stêphanô được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ (x.Cv 7,51-8,1). Ngài nói rằng Giáo Hội “không phải là một học viện tôn giáo” nhưng là những người theo Chúa Giêsu. Bằng cách này, Giáo Hội mang hai nghĩa ” trổ sinh hoa trái và là mẹ”.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha diễn giải con đường đưa đến cái chết của vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội. Một cái chết là bản sao của Chúa Kitô. Thánh nhân cũng như Chúa Giêsu, đã đụng phải “sự ganh ghét của các nhà lãnh đạo Do Thái. Họ cố loại bỏ thánh nhân. Họ đã tạo chứng giả tố cáo ông và xử tử ngay lập tức.
Đức Thánh Cha nói, như Chúa Giêsu, thánh Stêphanô lên án những kẻ bắt bớ mình rằng, họ đang chống lại Thánh Thần. Họ là những người đầy “lo lắng và bất an trong tâm hồn.” Những người này, mang “hận thù” trong tâm hồn. Đó là lý do tại sao, khi nghe những lời của Stêphanô, họ đã rất giận dữ. Ma quỷ gieo hận thù này trong lòng họ. Ma quỷ cũng đã từng thù ghét Chúa Kitô như vậy.
Ma quỷ kẻ đã làm những gì hắn muốn với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn bây giờ cũng một cách như thế với Stêphanô. Cuộc chiến đấu giữa Thiên Chúa và ma quỷ được thấy rõ nơi cuộc tử đạo. Chúa Giêsu cũng đã từng nói với các môn đệ rằng họ phải vui mừng khi vì Ngài mà bị bách hại. Bị bách hại, chịu tử đạo vì Chúa là một trong Tám Mối Phúc Thật.
Từ “Tử đạo” “Martyrdom” nguyên ngữ bằng tiếng Hy Lạp có nghĩa là “chứng nhân.” Và như vậy chúng ta có thể nói rằng đối với Kitô hữu, con đường bước theo Chúa Kitô để làm chứng cho Ngài, những chứng nhân này kết thúc cuộc sống bằng việc hy sinh mạng sống của mình. Chúng ta không thể hiểu được một Kitô hữu mà không là chứng nhân. Chúng ta không phải là một thứ “tôn giáo” của những ý tưởng, của thần học, làm những việc tốt, giữ những điều răn. Không, chúng ta là người theo Chúa Giêsu Kitô và làm chứng, những người muốn làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô và việc làm chứng này được đánh đổi bằng sự sống của chính chúng ta.
Về cái chết của Stêphanô, như chúng ta đọc trong sách Công Vụ các Tông Đồ, đã manh nha một cuộc bắt bớ nghiêm trọng chống lại Giáo Hội tại Giêrusalem. Họ bị ma quỷ tác động để làm điều này và do đó các Kitô hữu phải bỏ chạy đến các miền của Judea và Samaria. Cuộc đàn áp này giúp cho Tin Mừng được lan rộng. Đến bất cứ nơi đâu, các chứng nhân đều giải thích và làm chứng về Chúa Giêsu và đó cũng là “nhiệm vụ của Giáo Hội” đã được khởi sự. Nhiều người được trở lại khi nghe những lời rao giảng của các chứng nhân. Một trong các Giáo Phụ Giáo Hội giải thích điều này khi nói: “Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các Kitô hữu”. Bằng việc làm chứng của mình, các chứng nhân rao giảng đức tin.
Trong cuộc sống hàng ngày hôm nay, các chứng nhân trong những khó khăn và ngay cả trong bách hại và cái chết luôn luôn trổ sinh hoa trái. Giáo Hội là hoa trái và mẹ vì Giáo Hội là chứng nhân cho Chúa Giêsu Kitô. Khi Giáo Hội co cụm trên chính mình, khi Giáo hội chỉ nghĩ về mình lúc đó chỉ còn là “học viện tôn giáo”, với rất nhiều ý tưởng tuyệt vời, với nhiều ngôi thánh đường tráng lệ, với nhiều bảo tàng hoành tráng, với nhiều tác phẩm tuyệt đẹp khác nhưng không phải là chứng nhân và do đó nó sẽ trở nên cằn cỗi. Người Kitô hữu cũng vậy! Các Kitô hữu không làm chứng sẽ trở nên cằn cỗi, không đưa vào cuộc sống điều đã nhận được từ Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Stêphanô đã được tràn đầy Chúa Thánh Thần và chúng ta không thể làm chứng mà không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta. Đức Thánh Cha khuyên những người hiện diện rằng: trong những thời điểm khó khăn khi mà chúng ta phải lựa chọn con đường công chính, khi mà chúng ta phải nói “không” với rất nhiều cám dỗ, lúc đó cần cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và Ngài làm sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để đi con đường của chứng nhân.
Hôm nay, tôi mời gọi anh chị em suy tư về hai biểu tượng này: thánh Stêphanô tử đạo và các Kitô hữu bỏ chạy khắp nơi vì cuộc bách hại, để chúng ta đặt câu hỏi: Tôi trở nên chứng nhân như thế nào? Tôi có phải là một Kitô hữu làm chứng cho Chúa Giêsu hay đơn giản chỉ là một thành viên trong một tổ chức của giáo hội? Tôi có trở sinh hoa trái vì tôi là một chứng nhân không hay cằn cỗi vì không thể để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong ơn gọi Kitô hữu?
Hoàng Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét