CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

ĐỨC GIÊ-SU HIỂN DUNG



Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm A – Mt 17,1-9
Thứ Tư – 12/03/2014
LỜI NGUYỆN MỞ ĐẦU
Ôi lạy Thiên Chúa, Đấng ngự trị trong sự hiển dung vinh quang của Chúa Kitô, Chúa chúng con, Chúa đã xác nhận những mầu nhiệm đức tin bởi sự chứng tá của Lề Luật và của các ngôn sứ và Chúa đã tiên ứng một cách đáng ngưỡng mộ qua việc xác định nhận chúng con làm con cái Chúa. Nguyện xin cho chúng con biết lắng nghe Lời của Con Yêu Dấu của Chúa để chúng con có thể trở nên đồng thừa tự với đời sống trường sinh của Người.  Xin Chúa Thánh Thần ngự đến giúp chúng con tham dự giờ suy tôn Lời Chúa chiều nay thật sốt sắng.
 (Cộng đoàn hát: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…)
GỢI Ý TÌM HIỂU TIN MỪNG Mt 17,1-9.
A.   LỜI MỞ ĐẦU
Kính thưa cộng đoàn!
Giáo Hội sẽ công bố Tin Mừng Mt 17,1-9 vào Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm A với chủ đề:
ĐỨC GIÊ-SU HIỂN DUNG
B.    TÌM HIỂU CHI TIẾT
Trình thuật mở đầu với việc Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và ông Gioan là em ông Gia-cô-bê đi theo mình, Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.
Theo lối diễn tả của Thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ga-lát thì ba tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan là những “cột trụ” của Giáo Hội. Các ông sẽ là những nhân chứng chính, có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho muôn dân nước.
Như các ông Mô-sê và ông Ê-li-a đã được Thiên Chúa dẫn tới núi thánh để trở thành chứng nhân của vinh quang Thiên Chúa (Xh 33,18-23);l 1 V 19,9-13), thì các ông cũng được Chúa Giê-su dẫn lên núi, và tại đó, Chúa Giê-su đã biểu lộ vinh quang của Người cho họ. Như ông Mô-sê và ông Ê-li-a, hai chứng nhân của Cựu-Ước, đã thoát khỏi cái chết hủy diệt theo một cách nào đó (Đnl 34,6; 2 V 2,11), Chúa Giê-su cũng vậy, sau khi loan báo cuộc thương khó và cái chết, Người cho các tông đồ nếm trước sự phục sinh của Người.
Khi Chúa Giê-su hiển dung, Người đã cho thấy rằng, trật tự hiện nay của thế giới không phải là vĩnh viễn. Lúc này thì bức màn đã hé mở: Chớ chi các tông đồ hiểu được rằng Con Người, danh hiệu mà Chúa Giê-su dùng để tự xưng mình, đang tiến gần tới giờ phục sinh của Người. Ít lâu sau, đồng hương của Người sẽ treo Người lên thập giá. Cũng vậy, không bao lâu nữa, Chúa Cha sẽ ban cho Người vinh quang đang chờ đợi Người.
Những chi tiết, những hình ảnh: Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, đám mây bao phủ các ông là những dấu hiệu cho ta thoáng thấy điều gì đó về mầu nhiệm Chúa Giê-su: Ngày Người trỗi dậy từ cõi chết, toàn hữu thể Người sẽ được biến đổi, hóa thành sáng láng và tràn đầy sức mạnh thần linh, để rồi, đến lượt mình, Người ban dư đầy “mọi sự cho mọi người”.
Trở lại trình thuật, chúng ta cần biết ý nghĩa sự hiện diện của ông Mô-sê và ông Ê-li-a:
Mô-sê tượng trưng cho các Sách Lề Luật vì Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua Mô-sê. Ông được coi là nền tảng của Lề Luật, và biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn vẹn, hoàn hảo.
Ê-li-a tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ. Tiên-tri Ê-li-a được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì những lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, và biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự hoàn hảo của các lời tiên-tri về Đấng Thiên Sai.
Vậy, họ đàm luận với nhau về điều gì? Căn cứ vào những lời thắc mắc của các tông-đồ bên dưới, chúng ta có thể xác tín, chủ đề của cuộc đàm đạo là: biến cố Thương Khó, Sự Chết, và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Trình thuật của Lu-ca nói rõ chủ đề của cuộc đàm đạo là biến cố từ biệt sắp xảy ra tại Giê-ru-sa-lem (Lc 9,30-31). Như thế, cả hai: Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Người.
Lệnh truyền của Thiên Chúa Cha: Đây là lần thứ hai Chúa Cha làm chứng cho Đức Kitô là Người Con Một yêu dấu của Ngài; lần đầu xảy ra khi Chúa Giêsu được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa tại sông Jordan.
"Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người"  là một lệnh  truyền tối quan trọng cho các môn đệ của Đức Kitô. Đối với các tông-đồ, Thiên Chúa muốn các ông phải vâng nghe những gì Đức Kitô đang mặc khải cho các ông, dù những điều này không phải những gì các ông muốn về Đấng Thiên Sai; nhưng lại là kế hoạch của Thiên Chúa.
Kết thúc trình thuật, Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.
Chúng ta có thể đặt vấn nạn, vì sao Đức Giê-su lại cấm như thế?
Lời giải đáp có thể …
Một là: Đức Giê-su muốn tránh mọi xáo động có tính cách cơn sốt chính trị quốc gia trong dân chúng: Họ muốn tôn Người làm vua phàm trần.
Hai là: Thánh Giê-rô-ni-mô giảng giải: Các tông đồ được xem một thị kiến như một dấu lạ bởi trời mà Ký lục và biệt phái vẫn thường đòi Đức Giê-su cho họ mà không được (PL 26.122). Chẳng những họ không được thấy mà còn không được nghe thuật lại nữa, vì Đức Giê-su cấm các tông đồ không được nói cho ai hay.
Tóm lại,việc Đức Giê-su biến hình trên núi dọi sáng vào hành trình lên Giê-ru-sa-lem để mầu nhiệm Vượt Qua của Người được ứng nghiệm; đó là Cuộc Thương Khó, Sự Chết và Sự Phục Sinh của Con Thiên Chúa (Mt 16,21).  Người biết các môn đệ của Người không thể nào hiểu con đường mà Thầy chí  thánh của họ đang bước đi, do vậy, Người đã hé mở cho họ thấy vinh quang huyền diệu của Người, tức là hé mở cho họ thấy sự phục sinh vinh quang trong một giây lát như kết quả, như phần thưởng, và đòi hỏi họ phải vâng nghe lời Người dạy.
GỢI Ý SUY GẪM VÀ THỰC HÀNH
1/ Có bao giờ tôi  đã tự hỏi Chúa Kitô là Đấng như thế nào chưa? Sự hình dung của tôi về căn tính của Chúa Giêsu có tương ứng với những gì đã được công bố trong việc Chúa Hiển Dung không?
2/ Lời công bố về Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa có ý nghĩa gì trong đời sống của tôi?
3/ Chúa Giêsu không thể nào được thấu hiểu nếu không có mầu nhiệm Phục Sinh, nghĩa là sự Sống Lại sau khi Người chịu Thương Khó để bước vào cái Chết nhục hình thập giá.  Mầu nhiệm này có ý nghĩa gì đối với tôi?  Tôi  sống với ý nghĩa ấy hằng ngày như thế nào?
4/ Chúa Nhật I Mùa Chay đã vang lên lời mời gọi của Giáo Hội: Sống tinh thần Mùa Chay 40 ngày là ĂN CHAY – BÁC ÁI – CẦU NGUYỆN. Đó là ba cột trụ của Mùa Chay Thánh. Tôi đã ý thức và thực hiện như thế nào, không phải chỉ một ngày, một tuần nhưng là suốt 40 ngày đêm ròng rã để cùng vào hoang địa với Đức Giê-su trước khi Người thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ muôn dân.
LỜI CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1/ Người biến hình trước mặt các ông:  mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết (Mt 17,2)
2/ Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây bao phủ các ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng:  “Đây là Con Ta Yêu Dấu; rất đẹp lòng Ta.  Cá ngươi hãy nghe lời Người.” (Mt 17,5).
3/ Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng:  “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại.” (Mt 17,9).
LỜI NGUYỆN
1/ Con tìm kiếm Nhan Thánh Chúa, Ôi lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy Thánh Nhan Người.
CHÚA là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên,
vui đi nào, ngàn muôn hải đảo!
Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là công minh chính trực.
(Thánh Vịnh 97)
2/ Con tìm kiếm Nhan Thánh Chúa, Ôi lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy Thánh Nhan Người.

Núi tan chảy như sáp,
khi diện kiến Thánh Nhan vị Chúa Tể hoàn cầu.
Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực,
hết mọi dân được thấy vinh quang Người.
Chính bởi vì Ngài, muôn lạy CHÚA,
là Đấng Cao Cả trên khắp địa cầu,
Ngài trổi vượt chư thần hết thảy.
(Thánh Vịnh 97)
3/ Lạy Chúa Chí Ái, chúng con cùng vui mừng hoan hỷ,
Và chúng con tiến tới ngắm nhìn trong vẻ đẹp của Người
Lên núi và lên đồi
Đến nơi có dòng nước tinh khiết tuôn chảy,
Và tiến xa hơn, vào sâu trong ngàn.
(Ý cầu nguyện của Thánh Gioan Thánh Giá, Khúc Linh Ca, 36)  
4/ “Chúng con tiến tới mà ngắm nhìn vẻ đẹp của Người”. Điều này có nghĩa là:  Chúng con phải hành động để bằng vào hoạt động yêu thương, chúng con có thể đạt được hình ảnh của mình trong vẻ đẹp của Người trong cuộc sống đời đời.  Nói một cách khác, vẻ đẹp của Chúa sẽ là vẻ đẹp của chúng con; và do đó, chúng con sẽ ngắm nhìn nhau trong vẻ đẹp vinh quang của Chúa.
(Ý cầu nguyện của Thánh Gioan Thánh Giá, Khúc Linh Ca, 36/5)
Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh
Gioa-kim Phạm Văn Lượng








Không có nhận xét nào: