CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Giáo phận Vĩnh Long - Nhà thờ Giáo xứ Ba Châu


Nhà thờ Giáo xứ Ba Châu
Giáo hạt Bến Tre

Địa chỉ : Phú Tân,  Châu Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre  ( Bản đồ )
Chánh xứ : Linh mục P. Trương Tấn Lực
Tel
0753. 882. 236 – 0918 036 858
E-mail

Năm thành lập
 
Bổn Mạng
Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa (1/1)
Số giáo dân
2000
Giờ lễ
Chúa nhật     : 
Ngày thường :
Các nhà thờ lân cận :  
-  Tin tức sinh hoạt


Lược sử Giáo xứ Ba Châu
Lm P. Trương Tấn Lực - Cánh Đồng Truyền Giáo
I. VỊ TRÍ HÔM NAY:
Họ đạo Ba Châu nằm trên trục lộ giao thông chính, từ Bến Tre đi về Giồng Trôm và Ba Tri, cách TP. Bến Tre 12cs, ở về mạn Nam của TP. này. Địa bàn họ đạo năm trên hai xã là Châu Hòa (mạn Đông) và Lương Qưới (mạn Tây). Xã Lương Qưới có một khu chợ nổi tiếng là Chợ chanh, sát trục lộ 885, nhóm họp vào giờ nữa đêm. Gọi là Chợ Chanh, vì mặt hàng chính là trái chanh; họp chợ ban đêm để tiện cho việc chuyên chở sớm về TP. và các tỉnh khác, vì đây là chợ đầu mối.
Nghề nghiệp chính của người dân địa phương là làm vườn; tuy nhiên kinh tế vẫn chưa cao, vì dân số ngày càng “đẻ”, mà đất đai không hể “đẻ” thêm lên...Người giáo dân vùng này đến 75% sống bằng nghề làm vườn, nên chưa bảo đãm cái ăn cái mặc cho cuộc sống, chính vì ông bà tổ tiên của họ đã châm gốc rể tại đây...Đó chính là hình ảnh tiêu biểu biểu của một họ đạo vùng sâu Miền Tây Nam bộ.
II: GỐC TÍCH PHẦN 1: (ghi lại từ Nam Kỳ địa phận, năm 1920, trang 665..)
- Nhà thờ thứ 1: Có thể có một nhà nguyện bằng cây lá đầu tiên do Cha Phaolô Tuyết dựng lên. Cha Phaolô Tuyết là cha Phó của cha Gernot, cha sở Cái Mơn. Từ những năm 1867-1875 cha cai quản họ đạo Cái Bông với trách nhiệm là Phó biệt cư, nên ngụ tại Cái Bông (trích Monographie de Cái Bông). Có thể vào năm 1880, cha đã lên dựng ngôi nhà nguyện bằng lá cho Ba Châu. Hiện nay chúng ta không có những cứ liệu rõ ràng về việc này. Nam kỳ địa phận chỉ nói, cha Phaolô Tuyết đã lập họ đạo Ba Châu...
Một người giáo dân có công rất lớn trong việc thành lập họ đạo này là Thầy Sơn; cả gia đình Thầy ngụ tại Châu Thới, đã xin giử đạo tử tế. Sau này khi con cái lớn lên, đã qua định cư bên họ Chà Và; một người con gái của Thầy kết bạn, đã về Giồng Giá. Nhờ gia đình này, những người bà con của Thầy Sơn, còn bên lương lần hồi xin giử đạo, đã tăng con số lên đáng kể.
- Nhà thờ thứ 2: được dựng lên, thời cha Phêrô Nguyễn văn Nhậm cũng lợp bằng lá, mặt tiền xây gạch; bên tay trái có trường học do hai Dì Cái Mơn dạy. Sau nhà thờ là nhà cha sở (có vài người lớn nói lại: nền nhà thờ củ không phải là nền nhà thờ hiện nay, mà ở góc phải của nền nhà thờ hiện tại)..
Vào năm 1903, nơi đây được gọi là làng Châu Phú. Năm 1904, Ba Châu đã có 133 người công giáo; sau đó có rửa tội thêm 48 người nữa. Đến năm 1908, lại có 45 người được rửa tội. Đức Cha Mossard (Mão) về ban Bí tích Thêm sức năm 1909.
Vào những năm đó, ba làng này (Châu Phú, Châu Thới, Châu Hòa, đều có nhà thờ bằng lá; tuy nhiên, Châu Phú sinh hoạt mạnh và sung túc hơn, nên các cha thường đến ở đây. Cha Phêrô Nhậm cũng đã cất nhà cha sở. Nhà thờ dù còn lợp lá, nhưng vẫn khá tốt; tuy vậy cha vẫn ước ao xây lại nhà thờ; chưa chi, cha bị bệnh dịch tả, đã qua đời năm 1920.
- Nhà thờ thứ 3, cũng là nhà thờ hiện nay:
Khi Cha Phêrô Nguyễn Toàn Năng về nhậm họ Ba Châu (1932 – 1937), ngài phải lãnh nợ ngôi nhà thờ bị sập. Vì nhu cầu cấp bách, cha phải khởi sự công việc xây dựng ngay, dù rất vất vả; kinh phí rất eo hẹp, nên công việc xây dựng khá kéo dài. Tuy nhiên nhờ giáo dân đồng lao cộng khổ với cha, ngày 15/08/1936 (?) ngôi nhà thờ mới được khánh thành trong niềm phấn khởi của bao người. Đó chính là ngôi nhà thờ hiện tại mà chúng ta đang thấy đây, dù có ít nhiều sửa đổi qua thời gian...
III. GỐC TÍCH PHẦN 2: Các Linh mục qua các thời kỳ:
(Dựa vào sổ sách, nhất là sổ Rửa tội còn được lưu giữ). Chúng ta cũng nên lưu ý điều này: Địa sở Ba Châu từ khi thành lập cho đến 1975, gồm có cả họ đạo Giồng Trôm – Tân Thanh – Bình Khương nữa (xã Châu Bình).
- Cha Phaolô Tuyết: đã có công thành lập họ đạo Ba Châu lối năm 1880. Lúc đó cha ở đâu, với trách nhiệm là gì? Không rõ; chỉ biết khoảng năm 1867-1875, cha cai quản họ đạo Cái Bông, và ngụ tại Cái Bông. Chúng tôi chưa tìm ra được những tài liệu nào chắc chắn về những câu hỏi nêu trên; Nam Kỳ địa phận cũng không thấy đề cập đến. Có thể phỏng đoán, sau khi thời gian cai quản Cái Bông, ngài về nhậm họ Ba Châu chăng? Chúng tôi không rõ nốt... Rồi từ đó cho đến khi cha Nhậm về Ba Châu năm 1904, có cha nào khác nữa không? Hay lúc đó Ba Châu thuộc họ đạo nào, Cái Bông, Cái Mơn hay Bến Tre??? Nam kỳ địa phận không có đề cập...
- Từ 1904-1920: Cha Phêrô Nguyễn văn Nhậm, dựng nhà thờ lá, nhà thờ thứ 2 và nhà xứ. Ngài bị bệnh dịch tả và qua đời, được chôn cất tại đây...
- Từ 1920-1932: cha Thái (họ, tên thánh ?) tiếp nối công việc của vị tiền nhiệm, sửa sang trong ngoài, trồng nhiều cây sao, tạo bóng mát và cảnh quan cho nhà thờ.
- Từ 07.1932 - 07.1937: cha Phêrô Nguyễn Toàn Năng lảnh nợ ngôi nhà thờ bị sập. Nhờ sự cộng tác nhiệt tình của giáo dân, ngày 15.08.1936, ngôi nhà thờ mới được khánh thành như còn thấy hiện nay (năm 2010, sau 74 năm).
- 07.1937 – 01.1941: cha Phêrô nguyễn Linh Nhạn.
- 02.1941 – 11.1943: cha Vincentê Nguyễn Ngọc Thanh. Ngoài việc mục vụ, cha còn thích vẽ tranh ảnh đạo, trang trí chân tường, góc cột đủ màu sắc hình ảnh...
- 11.1943 – 07.1945: cha Bêneđitô Trương Thành Thắng. Cách sống đơn sơ và khôn ngoan của cha, được nhiều người mến mộ.
- 08.1945 – 02.1946: cha GBta Lê văn Gấm, đến nhận họ đạo trong lúc tình hình chính trị vô cùng kho khăn. Chỉ mấy tháng sau, ngày 18. 02. 1946, người ta giả danh mời cha đi xức dầu, họ đem cha đi âm thầm xử bắn, xác thả trôi sông. Sau đó giáo dân vớt lên đem về an táng trong khuông viên nhà thờ.
- 08.1946 – 02.1949: cha Bênêđitô trương Thành Thắng. Mấy tháng sau, cha Ben. Thắng mới được cử về nhậm Ba Châu lần thứ hai.
- 02.1949 – 02.1952: cha Giuse Nguyễn Văn Bạch đến Ba châu.
- 04.1952 – 06.1961: cha Phêrô Lê văn Ngộ. Cha rất thông thái; sở trường của cha là trị bệnh và dạy học. cha cho xây núi Đức Mẹ và dựng nhiều vỡ kịch đạo, vẫn còn được nhiều người lớn nhắc nhở.
- 07.1961 – 11.1971: cha Tađêô Võ văn Nam. Xây dựng dãy trường Tiểu học cạnh nhà thờ bên cánh trái; có 6 nữ tu Cái Mơn đến dạy, vừa văn hóa vừa giáo lý. Nơi đây là chiếc nôi đào tạo sơ cấp cho hầu hết Thiếu nhi trong thời kỳ này.
- 12. 1971 – 06.1982: cha Phêrô Nguyễn văn Vỡ. Ngài gặp nhiều khó khăn trong ngoài. Biến cố 1975, làm cho cha sở đã già thêm già yếu hơn, không chống nổi phong ba từ nhiều phía; nên đôi khi, ngài phải bỏ nhà xứ, tá túc ở nhà giáo dân.
- 01.1982 – 03.1982: cha Gioakim Dương văn Ngoan, được cử về làm phó cho cha già, cũng là để chuẩn bị thay cho cha già sau này, nhưng ngài gặp quá nhiều rắc rối, đành phải bỏ đi. Đến tháng 06, cha già cũng ra đi nốt...
- 06.1982 - 12.1989: họ đạo trống vắng mục tử, không có thánh lễ hàng ngày kể cả ngày chúa nhật. Nhà xứ trở thành nơi sản xuất Tiểu thủ công nghiệp chiếu cói và thảm chỉ sơ dừa. Giáo dân mất phương hướng, đức tin lung lay. Thảm trạng này kéo dài một thời gian rất lâu; đến năm 1987, cha Stanislas Bùi văn Lựu ở Giồng Trôm, mới được phép đến dâng lễ ngày chúa nhật và ban các Bí tích; tuy nhiên cha Năm Lựu không đến Ba Châu được, thì giáo dân đến với cha. Từ th 06.1982, cha vẫn lo lắng mục vụ tận tình cho Ba Châu, tại Giồng Trôm; chính bút tích sổ rửa tội nói lên rất rõ điều đó...
- 29.09.1989 - 12.2000: cha Antôn Nguyễn văn Lệ. Việc đầu tiên của cha phải làm là tái thiết lại cơ sở vật chất hư hại, xuống cấp trầm trọng: thay toàn bộ đòn tay, lợp lại mái nhà thờ, lát gạch men, đóng thêm bàn quì... ổn định sinh hoạt mục vụ họ đạo sau bao năm không người chăm sóc; nhờ thế sinh hoạt họ đạo từng bước được phục hồi và đi vào nề nếp.
- 12.2000 - 02.2006: cha Giacôbê Huỳnh văn Tươi, tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm; xây tháp chuông, sửa lại mặt tiền nhà thờ; các hội đoàn được tái lập, có cả đội lân và đội bóng chuyền làm sôi động sinh hoạt họ đạo...
- 02.2006 - 09.2010: cha Tôma Trần Quốc Hùng và hai cha Phó, DCCT. Các ngài vừa có trách nhiệm cả Giồng Trôm và Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Lamã nữa. Tại Ba Châu, cha Tôma Hùng cho xây lại Núi Đức Mẹ, lợp lại dãy trường học sau cơn bão Durian , di dời và tái thiết phần mộ hai cha Phêrô Nhậm và GBta Gấm như có hiện nay.
- 06.09.2010 - … …: cha Phaolô Trương Tấn Lực nhậm họ ngày 06. 09. 2010. Trong tháng 10, tháng 11, cha cho xây đài Thánh Cả Giuse trước nhà xứ, cán lại lập là xung quanh nhà thờ cho sạch sẻ và đẹp cảnh quan. Cha kêu gọi họ đạo hãy quan tâm đến người già, bệnh tật, kẻ liệt, nghèo khó, đem MTC hàng tuần cho họ – trợ cấp cho người già neo đơn, an ủi tuổi già của họ...
Đầu năm 2011, họ đạo đã sửa lại cung thánh mới; sơn phết lại trong ngoài nhà thờ, vừa để mừng Tân chức Lm Phanxicô Xavier Nguyễn Tấn Hạp, vừa làm hoan hỉ họ đạo. Sân trước nhà thờ cũng được trang hoàn với hoa kiểng đẹp đẻ cảnh quan...
IV. ĐẤT ĐAI NHÀ CHUNG:
Họ đạo Ba Châu đất ruộng, vườn khá nhiều, nhưng hôm nay, số đất ruộng này đều không còn nữa... Đất khuông viên nhà thờ, đã có Sổ đỏ, diện tích là 9720 m2.
Họ đạo còn một khu vực đất thánh cách nhà thờ, lối 400m về mạn Đông; diện tích có mồ mã là gần 4000m2, số còn lại đất trống chưa chôn gần 2620m2. Tuy nhiên trong pham vi đất đã chôn cất, vẫn còn những khoảng trống cho 4, hoặc 50 mộ nữa... Hiện nay, Đất Thánh toàn bộ đã có Sổ đỏ.
V. NHÌN HIỆN TẠI, HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI:
Ba Châu có bề dày lịch sử lối 130 năm. Con số giáo dân theo các cha sở trước ghi lại là 1800 người. Ba Châu hiện nay có một số Linh mục, Tu sĩ là con cái của họ đạo như:
- Cha GB Lê văn Gấm, mất 1946.
- Thầy Phó tế Carôlô Nguyễn văn Nhã, sinh 1952, mất 1991.
- Cha Carolô Đặng Đăng Nguyên, sinh 1977, Lm 2007.
- Thầy P.X. Nguyễn Tấn Hạp, chịu chức Phó tế ngày 08.12. 2010 vừa qua.
- Thầy Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, đang đi giúp tại nhà thờ Bến Tre.
- Thầy Phêrô Phạm Phúc Linh, dòng Phanxicô
- Và 14 chị em MTG Cái Mơn, D. Thánh Phaolô, Bác ái Vinh Sơn.
Với lịch sử 130 năm của họ đạo, 1800 giáo dân hiện nay, con số của các Linh mục, tu sĩ như trên, vẫn còn là khiêm tốn. Chúng ta hãy khẩn nài Lòng thương xót của Chủ Ruộng, hãy sai nhiều thợ gặt lành nghề đến...Phần chúng ta hãy tỏ hết từ tâm với ơn gọi Lm Tu sĩ, và công cuộc truyền giáo....
VI. HỌ BÌNH KHƯƠNG - HỌ CÙ LAO LÁ: (theo Nam Kỳ địa phận, 1920)
Năm 1907, tại Cù Lao Lá có một người công giáo tên Bếp Phúc, có đức tin mạnh, nhưng rối vợ chồng, lại hay rượu chè. Khi đã lớn tuổi, ông bèn nghỉ, nên lo tu thân, lo đi dạy đạo để mọi người biết Chúa, rồi chắc chắn Chúa cũng lo cho mình được no cơm; vì thế từ đó ông chỉ biết lo việc Chúa, lo dạy giáo lý đem nhiều người trở lại tại Cù Lao Lá và Bình Khương.
Lúc đó tại Bình Khương có một cái đình bỏ trống, ông muốn xin để làm nhà dạy giáo lý; nhưng vì chuyện đó mà sinh cải cọ, mất lòng. Cha Danvy, cha sở Bến Tre không đồng ý việc đó, và ngài bảo để ngài lo cho có nơi dạy khác cho ông. Bếp Phúc vâng lời. Sau này cha Danvy gặp Bếp Phúc đau nằm trong bệnh viện Bến Tre, đã tuyên xưng đức tin mạnh mẻ, ăn năn thống hối, và đã chết trong bình an.
Sau đó, nhiều thầy chủng viện tới dạy chầu nhưng tại Bình Khương. Năm 1910, Bình Khương có 53 người, có nhà nguyện nhỏ bằng lá và một trường học; một năm dạy các em một kỳ học chỉ 3 tháng mà thôi.
Phần họ đạo Cù Lao Lá, vì sát bên Bình Khương, nên được đề cập ở đây; tuy nhiên Cù Lao Lá lại thuộc về họ đạo Giồng Tre, huyện Bình Đại; trước năm 1938, Giồng Tre thuộc về Mỹ Tho; sau đó lại thuộc về giáo phận Vĩnh Long.
Ba Châu, 14. 12. 2010
Lm P. Trương Tấn Lực
................................
Lược sử Giáo xứ Ba Châu
Nguồn :  Trang Web GP Vĩnh Long
 
1- GỐC TÍCH : (viết theo tài liệu của Cha Danvy 1910)
Ba Châu là tên gọi tổng hợp ba địa danh : Châu Phú, Châu Thới, Châu Bình. Bây giờ Châu Phú và Châu Thới sát nhập lại, gọi là xã Châu Hòa; Châu Bình là một Xã riêng.
Từ năm 1880, tại ba nơi đều có Nhà Nguyện lợ lá.
Từ năm 1903, Cha Tuyết và Thầy Sơn lo vùng Châu Thới, Bình Khương : số tân tòng ngày một đông.
Năm 1909, Đức Cha Mão (Mossard) có đến ban Phép Thêm sức tại vùng này.
2- GHI ƠN QUÝ CHA :
Thời thế đổi thay, chiến tranh loạn lạc, sổ sách còn ghi nhận được như sau :
Từ năm 1910 - 1920 : Cha Phêrô Nguyễn văn Nhậm cất Nhà Thờ, dạy Giáo lý; Ngài lâm bệnh Dịch Tả qua đời và được chôn cất tại đây.

Từ năm 1920 - 1932 : Cha Thái tiếp nối công việc, sửa sang trong ngoài, trồng nhiều cây Sao để tạo bóng mát và cảnh đẹp.

Từ năm 1932 - 1934 : Cha Gioan Baotixita Nguyễn Linh Nhạn đến giúp Họ đạo trong vòng 2 năm.

Từ năm 1934 - 1936 : Cha Phêrô Nguyễn Toàn Năng được chuyển đến khi ngôi Nhà Thờ bị sập. Nhờ giáo dân đồng lao cộng tác, ngày 15 tháng 8 năm 1936 ngôi Nhà Thờ mới được khánh thành và còn đứng vững cho tới ngày nay.
Từ năm 1936 - 1942 : Cha Vincentê Nguyễn Ngọc Thanh được phái đến; ngoài việc Mục vụ, cha còn thích vẽ, tự tay trang trí chân tường góc cột đủ mầu sắc.
Từ năm 1942 - 1945 : Cha Benoýt Trương Thành Thắng nhận nhiệm sở. Cách sống khôn ngoan và đơn sơ của cha được nhiều người mến mộ.
Từ năm 1945 - 1946 : Cha Gioan Baotixita Lê văn Gấm đến nhận Họ trong lúc tình hình khó khăn nghiêm trọng, chẳng bao lâu sau vào ngày 18/2/1946 Cha bị bắt khi đi Xức Dầu và bị xử bắn; xác của cha bị thả trôi sông. Giáo dân vớt xác cha đem về an táng trong khuôn viên Nhà thờ.
Từ năm 1946 - 1948 : Cha Benoýt Trương Thành Thắng lại trở về làm Cha Sở lần thứ hai.
Từ năm 1948 - 1950 : Cha Giuse Nguyễn văn Bạch đến kiêm nhiệm.
Từ năm 1950 - 1961 : Cha Phêrô Lê văn Ngộ được sai đến. Cha rất thông thái; sở trường của cha là trị bệnh và dạy học; Cha cho xây Núi Đức Mẹ và dàn dựng nhiều vở kịch vẫn còn được nhiều người lớn tuổi nhắc tới.
Từ năm 1961 - 1971 : Cha Tađêô Võ văn Nam xây dựng dãy trường Tiểu học cạnh Nhà Thờ. Có 6 Nữ tu Mến Thánh Giá Cái Mơn đến dạy Văn hóa và Giáo lý : nơi đây là chiếc nôi đào tạo Sơ cấp cho hầu hết Thiếu nhi trong thời kỳ này.
Từ năm 1971-1981 : Cha Phêrô Nguyễn văn Vở gặp nhiều khó khăn trong ngoài. Biến cố Lịch sử 30/4/1975 càng làm cho cha sở già yếu không trụ nổi trước những cơn bão táp từ nhiều phía, có lúc cha phải bỏ Nhà Cha Sở ra sống nhờ nơi nhà giáo dân.
Từ năm 1981 - 1989 : Cha Gioakim Dương văn Ngoan được phái đến, nhưng cũng gặp quá nhiều rắc rối nên được ít tháng phải vội vã ra đi. Họ Đạo trống vắng Mục tử, không có Thánh Lễ, Nhà Xứ trở thành nơi sản xuất Tiểu thủ công nghiệp chiếu cói và thảm chỉ sơ dừa; đàn chiên tan tác, giáo dân mất phương hướng, đức tin mờ nhạt lung lay…
Thảm trạng này kéo dài một thời gian lâu, cha Stanislas Bùi văn Lựu ở Giồng Trôm mới được phép tới dâng Lễ ngày Chúa Nhật và ban các Bí Tích…
Từ năm 1989 - 12/2000 : Cha Antôn Nguyễn văn Lệ từ An Điền chuyển đến; việc đầu tiên của cha là phải tái thiết cơ sở vật chất hư hại do không người gìn giữ, thay toàn bộ đòn tay, lợp lại Mái Nhà Thờ, lót gạch men và đóng thêm bàn quỳ… rồi ổn định sinh hoạt Mục vụ sau bao năm không người lãnh đạo tinh than… Nhờ thế sinh hoạt Họ Đạo từng bước được phục hồi và đi vào nề nếp.
Từ năm 2000 - 2/2006 : Cha Giacôbê Nguyễn huỳnh Tươi về tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm; xây Tháp chuông mới và sửa mặt tiền Nhà Thờ. Các Hội đoàn được tái lập và khai sinh đội Múa Lân…
Từ năm 2006 - : Cha Thomas Trần Quốc Hùng xây dựng lại Núi Đức Mẹ và dãy Trường 5 lớp do thời gian và cơn Bão Durian làm sập..
.....................................
 
 


Hình ảnh nhà thờ Giáo xứ Ba Châu
Hình ảnh Thánh Lễ Thêm Sức và Thánh Hiến Bàn Thờ tại Họ đạo Ba Châu (2/8/2012)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hình ảnh bổ sung xin gởi về
giaoxugiaohovietnam@Yahoo.com 
 


Không có nhận xét nào: