Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13/12 -19/12/2013 - Phép lành và ơn Toàn Xá nhân Lễ Giáng Sinh - Những biến cố nổi bật trong năm qua
1. Phép lành và ơn Toàn Xá nhân Lễ Giáng Sinh.
Sáng thứ Tư 25 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đọc thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới. Sau khi đọc thông điệp, Đức Thánh Cha sẽ đọc công thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới theo dõi thông điệp của ngài qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu.
Điều kiện để được ơn toàn xá là các tín hữu cần giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện LUẬT định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
Xin quý vị và anh chị em đón xem phóng sự đặc biệt này. Bên cạnh đó, Lan Vy cũng xin lưu ý quý vị và anh chị em là VietCatholic sẽ có những phóng sự đặc biệt sau đây:
- Lễ Vọng Giáng Sinh tại Giêrusalem do Đức Thượng Phụ Fouad Twal cử hành tại chính ngay nơi ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng thế làm người.
- Lễ Vọng Giáng Sinh tại Vatican do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành.
- Lễ Giáng Sinh tại Giêrusalem với các hiệp sĩ trong đoàn hiệp sĩ quản thủ Thánh Mộ.
- Lễ Giáng Sinh tại Vatican, cùng với thông điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi dân thành Rôma và toàn thế giới.
2. Điểm qua những biến cố nổi bật trong 12 tháng qua.
Năm 2013 đang sắp trôi qua, một năm đầy những biến cố trọng đại và ngoại thường trong đời sống Giáo Hội Hoàn Vũ. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin điểm qua một số những biến cố nổi bật.
3. Đức Thánh Cha tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Năm 2012 kết thúc với một làn sóng khủng bố nhắm vào các Kitô hữu ở khắp nơi trên thế giới: từ Pakistan đến Iraq, Ai Cập và toàn vùng Trung Đông. Ngay cả ở các nước phương Tây cũng tồn tại một xu hướng muốn đẩy lùi tôn giáo vào chiều kích riêng tư cá nhân.
Chính vì thế, trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh sáng ngày mùng 7 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã mạnh mẽ lên tiếng bênh vực tự do tôn giáo cho các tín hữu Kitô. Ngài nói:
“Hòa bình thế giới và trong các xã hội cũng bị lâm nguy do những vi phạm tự do tôn giáo. Đôi khi đây là sự gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề đời sống xã hội; trong một số trường hợp khác, đó là thái độ bất bao dung hoặc bạo hành chống lại các tín hữu, các tổ chức tôn giáo, và những biểu tượng xác định căn tính tôn giáo. Cũng xảy ra tình trạng này là các tín hữu, đặc biệt là các Kitô hữu, bị cấm cản không được góp phần cho công ích qua các tổ chức giáo dục và từ thiện của họ. Để bảo vệ hữu hiệu việc thực thi tự do tôn giáo, điều thiết yếu là tôn trọng quyền phản kháng lương tâm.”
Hiện diện tại buổi tiếp kiến trong dinh Tông Tòa có đại diện của 179 quốc gia có quan hệ cấp đại sứ cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới. Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cũng là dịp để Đức Thánh Cha kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.
Sau khi điểm qua các điểm nóng trên thế giới như Đức Thánh Cha đã làm trong thông điệp Urbi et Orbi hôm 25 tháng 12, Đức Thánh Cha đã đưa ra một nhận xét quan trọng về thế giới Tây Phương.
Ngài nói:
“Đáng tiếc thay, tại Tây phương, người ta phải chứng kiến rất nhiều những mơ hồ về ý nghĩa các quyền con người và nghĩa vụ đi kèm. Các quyền thường được lẫn lộn với những biểu thị thái quá về sự tự quyết của con người. Con người tự tham chiếu mình, và không còn cởi mở đối với cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và với tha nhân; con người co cụm vào mình khi chỉ tìm cách thỏa mãn những nhu cầu riêng của mình. Sự bảo vệ quyền con người một cách chân chính phải xét toàn diện con người trong chiều kích cá nhân và cộng đoàn”.
4. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 quyết định thoái vị.
Sáng thứ Hai 11 tháng Hai vừa qua, tại Điện Tông Tòa của Vatican đã diễn ra Công Nghị Hồng Y bàn về án phong Thánh cho ba vị Thánh mới.
Khoảng quá 11 giờ sáng, sau khi Công Nghị quyết định rằng lễ phong Thánh cho ba vị Thánh mới của Giáo Hội sẽ được cử hành vào ngày 12 tháng 5 tới đây, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bất ngờ công bố quyết định thoái vị của ngài. Quyết định này gây ngỡ ngàng cho các vị Hồng Y có mặt trong Công Nghị và sau đó cho toàn thế giới.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đọc một bản văn bằng tiếng La Tinh do ngài viết tay như sau:
Các Hiền Huynh thân mến,
Tôi đã triệu tập các Hiền Huynh đến Công Nghị này, không chỉ để bàn về ba án phong Thánh nhưng còn là để trao đổi với các Hiền Huynh một quyết định rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội. Sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo Hoàng. Tôi biết rằng sứ vụ này, do bản tính siêu nhiên của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, nhưng phải đi kèm với không ít những lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trước một thế giới với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình. Vì lý do này, và cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19 Tháng Tư năm 2005. Như thế, kể từ 20 giờ ngày 28 Tháng Hai năm 2013, Ngai Tòa Thánh Phêrô, sẽ được bỏ trống và một Mật Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập để bầu vị Giáo Hoàng bởi những vị có thẩm quyền.
Bầu không khí hân hoan và vui mừng trước biến cố Giáo Hội vừa có thêm ba vị Thánh mới đã trở nên ảm đạm, im lặng và ngỡ ngàng của các vị Hồng Y vì trong 600 năm vừa qua không có vị Giáo Hoàng nào thoái vị, Trước đó, cũng chỉ có hai trường hợp là Đức Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 12 thoái vị năm 1415 và Đức Giáo Hoàng Celestinô Đệ Ngũ vào tháng 12 năm 1294.
Lúc 4:55 chiều thứ Năm 28 tháng Hai, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã rời khỏi Vatican.
Lúc 20 giờ ngày thứ Năm 28 tháng Hai, đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ trú đóng tại Castel Gandolfo đã giải tán.
Triều đại Giáo Hoàng rạng ngời của Đức Bênêđíctô thứ 16 đã chấm dứt.
Giáo Hội chúng ta đã rơi vào tình trạng trống ngôi Giáo Hoàng.
Theo đúng các thủ tục kết thúc một triều Giáo Hoàng, "Chiếc Nhẫn Ngư Phủ" mà chúng ta thấy Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 thường đeo đã bị phá hủy cùng với dấu ấn triều đại giáo hoàng của ngài.
5. Mật Nghị bầu Tân Giáo Hoàng
Ngày thứ Sáu 1 tháng Ba là ngày đầu tiên Giáo Hội rơi vào tình trạng trống ngôi Giáo Hoàng
Buổi trưa ngày thứ Sáu 1 tháng Ba, tại Vatican đã diễn ra cuộc họp báo do cha Federico Lombardi Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh chủ toạ. Ngài cho biết là Đức Hồng Y Niên Trưởng Angelo Sodano đã gởi thư mời các vị Hồng Y đến Vatican để dự buổi họp chung tại Hội Trường mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lúc 9 giờ sáng ngày thứ Hai 4 tháng Ba. Vào thời điểm đó, Giáo Hội có 208 vị Hồng Y trong đó có 117 vị còn quyền bầu Giáo Hoàng. Tất cả 208 vị đều được mời tham dự buổi họp chung.
Sau một tuần họp chung tại Hội Trường mới của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, các Hồng Y cử tri đã bước vào Mật Nghị bầu Giáo Hoàng vào chiều thứ Ba 12 tháng Ba.
6. Giáo Hội có tân Giáo Hoàng
Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô, vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo, được bầu trong lần bỏ phiếu thứ 5 vào ngày 13 tháng Ba năm 2013, năm nay 76 tuổi và sẽ mừng sinh nhật thứ 77 vào tháng 12 tới đây. Ngài nguyên là Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám Mục Buenos Aires, Á Căn Đình, sinh ngày 17 tháng 12 1936.
Ngài sẽ đi vào lịch sử như là vị Giáo Hoàng đầu tiên được sinh ra ở châu Mỹ.
Khi kết quả bầu cử đã rõ ràng, Đức Hồng Y Jean Louis Tauran đã triệu tập vào phòng bầu cử: vị Thư ký của Hồng Y Đoàn và Chưởng nghi phụng vụ Tòa Thánh. Kế đó, Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y Đoàn đã hỏi: Ngài có chấp thuận việc ngài được bầu theo giáo luật làm Đức Giáo Hoàng không? Và, sau đó Đức Hồng Y Angelo Sodano đã hỏi về tông hiệu Giáo Hoàng. Sau đó, Chưởng nghi phụng vụ Tòa Thánh, hành xử như một công chứng viên và có hai Chưởng nghi khác được triệu tập thêm ngay lúc ấy, đã soạn thảo một văn bản xác nhận sự chấp nhận của tân Giáo Hoàng và tông hiệu của Ngài.
Các Hồng Y cử tri đã đến trước Đức Tân Giáo Hoàng để tỏ lòng kính trọng và vâng phục.
Tiến ra trước bao lơn thềm Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
Chào anh chị em thân mến,
Tất cả anh chị em cũng biết nghĩa vụ của Mật Viện là bầu ra một Giám Mục Rôma. Có vẻ như là các hiền huynh Hồng Y của tôi đã phải đi đến cùng trời cuối đất để tìm một vị như thế... kết cuộc là... Tôi cảm ơn anh chị em về sự đón tiếp nồng nhiệt đã đến từ cộng đoàn giáo phận Rôma.
Trước hết tôi xin anh chị em hiệp ý trong lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16 của chúng ta .. Tất cả chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện cho ngài, xin Chúa ban phép lành cho ngài và xin Đức Mẹ chở che ngài.
Và bây giờ chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình của Đức Giám Mục và dân chúng thuộc Giáo Hội Rôma, là Giáo Hội lãnh đạo trong đức ái tất cả các Giáo Hội trên thế giới, một cuộc hành trình của tình huynh đệ trong yêu thương, và tin cậy lẫn nhau. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho thế giới có được một cảm nhận to lớn về tình huynh đệ. Hy vọng của tôi là cuộc hành trình của Giáo Hội mà chúng ta bắt đầu ngày hôm nay, cùng với sự giúp đỡ của vị Hồng Y Giám Quản của tôi, đem lại hiệu quả cho việc truyền giáo tại thành phố xinh đẹp này.
Và giờ đây tôi sẽ ban phép lành cho anh chị em, nhưng trước hết tôi xin anh chị em điều này. Trước khi tôi ban phép lành cho anh chị em xin anh chị em cầu xin Chúa ban phép lành cho tôi – trong lời cầu nguyện của người dân cho vị Giám Mục của mình. Anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi trong im lặng.
Vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế thông báo rằng tất cả những ai nhận được phép lành, dù trực tiếp hay qua truyền hình, đài phát thanh hoặc bằng các phương tiện truyền thông mới đều nhận được ơn toàn xá theo các điều kiện quy định bởi Giáo Hội.
Vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế cũng đã cầu nguyện xin Thiên Chúa toàn năng đoái thương bảo vệ Đức Giáo Hoàng để ngài có thể hướng dẫn Giáo Hội trong nhiều năm tới, và xin Chúa ban hòa bình cho Giáo Hội Ngài trên toàn thế giới.
Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô đã ban phép lành Urbi et Orbi – Cho Rôma và toàn thế giới. Ngài nói:
Giờ đây tôi sẽ ban phép lành cho anh chị em và cho toàn thế giới, và cho tất cả các người nam nữ thiện chí.
Thưa các anh chị em, tôi thân ái chào anh chị em. Cảm ơn anh chị em đã chào đón tôi. Hãy cầu nguyện cho tôi và tôi sẽ sớm gặp lại anh chị em.
Ngày mai, tôi sẽ đi cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Mẹ bảo vệ Rôma.
Chúc anh chị em ngủ ngon!
7. Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô
Ngày 19 tháng Ba, trùng vào ngày Lễ Trọng Kính Thánh Giuse, tại Vatican đã diễn ra thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô với sự tham dự của 200 ngàn tín hữu cùng với đại diện chính quyền 132 quốc gia cũng như nhiều phái đoàn các Giáo Hội Kitô và liên tôn.
Trước thánh lễ, lúc 9 giờ 20 phút, Đức Thánh Cha đã xuống hầm dưới bàn thờ chính của Đền Thờ Thánh Phêrô và đến trước mộ của Thánh Tông Đồ Phêrô. Tại đây, cùng với 10 thủ lãnh các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương, trong đó có 4 vị Thượng Phụ Giáo Chủ, 4 vị Tổng Giám Mục trưởng, trong số này 4 vị là Hồng Y, ngài cầu nguyện và xông hương trên mộ Thánh Nhân.
Bên trái bàn thờ là 200 Giám Mục và 33 phái đoàn của các Giáo Hội Kitô anh em, đứng đầu là Đức Thượng Phụ Barthôlômêô đệ Nhất, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng được coi là vị thủ lãnh danh dự chung của toàn Chính Thống giáo. Các vị lãnh đạo các Giáo Hội Tin Lành, Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, và cả thầy Alois Loeser, tu viện trưởng tu viện Đại kết Taizé bên Pháp.
Cũng ở bên trái nhưng xuống phía trước bàn thờ là phái đoàn của các tôn giáo bạn, từ Do thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo, đạo Sikh, Jaina và Ấn Giáo. Sau đó là 1,200 linh mục và chủng sinh.
Bên hông phải bàn thờ là chỗ dành cho 132 phái đoàn chính thức của các nước, đứng đầu là Tổng thống Cộng hòa Italia, ông Giorgio Napolitano, Bà Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner của Argentina, 6 vị vua, 32 vị Tổng thống, 3 thái tử, phần còn lại là các thủ tướng chính phủ, phu nhân Tổng thống, hoặc Phó tổng thống.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay, cùng với lễ Thánh Giuse, chúng ta cử hành thánh lễ khởi đầu sứ vụ của tân Giám Mục Rôma, người Kế Vị Thánh Phêrô, cũng bao gồm một quyền bính nhất định. Cố nhiên Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho thánh Phêrô, nhưng đó là quyền bính gì? Sau ba câu Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô về tình yêu, có 3 lời mời gọi: hãy chăn các chiên con, hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo Hoàng, để thi hành quyền bính này, ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ ấy, việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá; Giáo Hoàng phải được linh hứng bởi sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, trung tín của thánh Giuse và như thánh nhân, ngài phải mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và đón nhận với lòng từ ái toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà thánh Mathêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, khát, ngoại kiều, những người trần trụi, đau yếu, tù đày (Xc Mt 25,31-46).
8. Vị Giáo Hoàng đầu tiên rửa chân cho phụ nữ ngày Thứ Năm Tuần Thánh
Đức Thánh Cha Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên rửa chân cho một phụ nữ trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh.
Lúc 5:30 chiều Thứ Năm Tuần Thánh 28 tháng Ba, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại nhà nguyện của nhà tù Casa del Marmo nơi giam giữ các trẻ vị thành niên phạm pháp tại Rôma.
Trong số 12 tù nhân được chọn để Đức Giáo Hoàng rửa chân, có 2 nữ tù nhân người Hồi Giáo. Đây là lần đầu tiên tại Vatican phụ nữ được chọn để Đức Giáo Hoàng rửa chân. Tuy nhiên, với Đức Giáo Hoàng đương nhiệm, khi còn là Hồng Y cai quản Tổng Giáo Phận Buenos Aires ở Á Căn Đình, Ngài đã từng rửa chân cho các tù nhân và phụ nữ trong nghi thức Thứ Năm tuần thánh.
Trong bài giảng ngắn gọn và ứng khẩu, Đức Thánh Cha nói với các tù nhân rằng tất cả mọi người, kể cả Giáo Hoàng, cần phải có tinh thần phục vụ người khác như Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là đấng cao cả mà đã nêu gương rửa chân cho người khác, thì chúng ta thiết yếu là phải có tinh thần phục vụ người khác.
9. Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Brazil
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm ngài trong sáng kiến về ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Brazil diễn ra từ 23 đến 28 tháng 7 đã thành công vượt quá lòng mong ước của nhiều người. Dưới đây là những con số chính thức do Ban Tổ Chức Ngày Giới Trẻ Thế giới tại Brazil đưa ra:
Mặc dù chỉ có 427,000 người hành hương đã đăng ký chính thức, lễ khai mạc ngày Giới Trẻ Thế giới hôm thứ ba, 23 Tháng Bảy, đã thu hút 600,000 người. Đến ngày thứ Sáu, số lượng khách hành hương tăng lên đến 2 triệu.
Đêm Canh Thức hôm thứ Bảy 27 tháng 7 với buổi cầu nguyện tại bãi biển Copacabana đã thu hút con số đáng kinh ngạc là 3.5 triệu người. Thánh Lễ Chúa Nhật là sự kiện lớn nhất, với 3.7 triệu người tham dự.
Gần nửa triệu người hành hương đến từ 175 quốc gia, và 60 phần trăm trong số họ ở độ tuổi từ 19 đến 35. Những nước có số lượng lớn nhất của người đăng ký tham dự là Brazil, Á Căn Đình, Mỹ, Chile và Ý.
Có hơn 7800 linh mục tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Các tín hữu nhận Thánh Thể hơn 4 triệu lần, trong các Thánh Lễ khác nhau trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.
10. Hơn 60 nhà thờ bị đốt phá tại Ai Cập.
Hôm 14 tháng 8, một ngày trước Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Giáo Hội tại Ai Cập đã phát đi lời kêu cứu khẩn cấp trước cơn cuồng nộ của người Hồi Giáo khi 23 nhà thờ bị đồng loạt tấn công và đốt phá ngay tại thủ đô Cairo.
Sáng thứ Hai 20 tháng 8, cha Rafic Greiche, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ai Cập, nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng rằng ít nhất 60 nhà thờ đã bị đốt phá trong đó có 14 nhà thờ Công Giáo, 1 nhà thờ Tin Lành, số còn lại thuộc Giáo Hội Chính Thống Coptic.
Trong một tháng trời sau đó, các nhà thờ Kitô Giáo hầu như phải tạm ngưng hoạt động để tránh bị đặt bom khủng bố.
11. Đức Thánh Cha tái thánh hiến thế giới cho Đức Mẹ Fatima
Trong khuôn khổ Ngày Thánh Mẫu trong Năm Đức Tin, và kỷ niệm đúng 96 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng tại Fatima, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành nghi thức tái thánh hiến thế giới cho Trái Tim Đức Mẹ vào chiều ngày thứ Bẩy 12 và sáng Chúa Nhật 13 tháng 10 tại quảng trường Thánh Phêrô.
Tượng Đức Mẹ Fatima đã được chở tới phi trường Fiumicino ở Roma chiều 12 tháng 10. Từ đây lúc 1 giờ rưỡi, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa đã đón rước và tháp tùng về Vatican trên một máy bay trực thăng tối tân của không quân Italia.
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là lúc máy bay trực thăng từ phi trường Fiumicino đang đáp xuống tu viện Mater Ecclesiae là nơi Đức Thánh Cha danh dự Bênêđíctô thứ 16 đang nghỉ hưu.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chào đón bức tượng và đi cùng với tượng vào nhà nguyện bên trong tu viện.
Ngài cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ cùng với Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella và Đức Tổng Giám Mục Octavio Ruiz Arenas, thư ký của Hội đồng Tòa Thánh Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa.
Bức tượng sau đó được rước đến nhà nguyện Casa Santa Marta, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô cư ngụ. Từ đó, bức tượng đã được đưa đến Quảng trường Thánh Phêrô, nơi hàng trăm ngàn người đang chờ đợi.
Lúc gần 4 giờ chiều, tượng Đức Mẹ Fatima đã được long trọng rước ra Quảng trường thánh Phêrô. Dẫn đường là Đức Tổng Giám Mục Fisichella và Tượng được 4 Vệ Binh Thụy Sĩ và Hiến Binh Vatican tháp tùng. Các tín hữu đã tụ tập tại đây từ hàng giờ trước đó. Họ đứng tràn ra tới giữa đại lộ Hòa Giải. Hiện diện cạnh lễ đài có hơn 30 Hồng Y và Giám Mục.
Tượng Đức Mẹ được rước qua các khu vực khác nhau ở Quảng trường để các tín hữu chào kính. Họ vẫy khăn tay màu trắng khi Tượng Đức Mẹ đi qua, theo như thói quen tại Fatima, trong khi đó ca đoàn hát bài Ave Maria.
Mở đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón thánh tượng bằng cách hôn chân Đức Mẹ.
Đứng cách tượng Đức Mẹ Fatima chỉ vài bước chân, Đức Giáo Hoàng, đã khuyến khích các Kitô hữu đừng xem việc Chúa Giêsu nhập thể như một biến cố đã lùi sâu vào quá khứ.
Đức Thánh Cha đưa ra những lời khích lệ sau:
"Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là dâng hiến cho Chúa trọn thân xác chúng ta với lòng khiêm nhu và can đảm của Đức Maria, để Chúa có thể tiếp tục ngự trong tâm hồn chúng ta."
Buổi canh thức chiều thứ Bẩy đã lôi cuốn khoảng 150,000 người từ 50 quốc gia.
Sau buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô, Tượng Đức Mẹ Fatima đã được trực thăng của không quân Italia chở đến Đền Thánh Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa, cách trung tâm Roma hơn 10 cây số. Tại đây có buổi đọc kinh Mân Côi được nối qua truyền hình với một số Trung tâm Thánh Mẫu tại 10 nước trên thế giới, trong đó có Lộ Đức, Nazareth, Lujan (Argentina), Guadalupe (Mêhicô), Nairobi (Kenya), Banneux (Bỉ), Czestochowa (Ba Lan), Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm (Washington, USA), Akia (Nhật Bản) và Vailankani (Ấn Độ), Aparecida (Brazil).
Sau đó là buổi canh thức cầu nguyện với sự tham dự của các tín hữu hành hương thuộc giáo phận Roma, cho đến bình minh.
Sáng Chúa Nhật trực thăng lại chở Thánh Tượng Đức Mẹ về Vatican. Tại đây từ lúc 9 giờ sáng. Tượng Đức Mẹ lại được rước qua các khu vực ở quảng trường Thánh Phêrô trước khi Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành thánh lễ và nghi thức Phó Thác thế giới cho Đức Mẹ. Hơn một ngàn linh mục đã đồng tế với Đức Thánh Cha.
Trong bài giảng Thánh Lễ, dựa vào các bài đọc của Chúa Nhật thứ 28 thường niên năm C, Đức Thánh Cha nêu bật tấm gương của Mẹ Maria để cho Chúa làm kinh ngạc, trung thành với Chúa và xác tín Chúa là sức mạnh của chúng ta.
Cuối thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cũng là trưởng ban tổ chức đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha.
Rồi Đức Thánh Cha tiến đến trước Tượng Đức Mẹ Fatima và đọc kinh phó thác:
“Lạy Đức Trinh Nữ Fatima diễm phúc, với lòng biết ơn được đổi mới vì sự hiện diện từ mẫu của Mẹ, chúng con hợp tiếng với tất cả mọi thế hệ đã chúc tụng Mẹ là người diễm phúc.
Nơi Mẹ chúng con ngợi khen những công trình bao la của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi, từ bi cúi mình trên nhân loại sầu muộn vì sự ác và tổn thương vì tội lỗi, để chữa lành và cứu vớt loài người!
Xin Mẹ vui lòng đón nhận hành động phó thác mà hôm nay, với lòng tin tưởng chúng con thực hiện trước ảnh tượng này của Mẹ mà chúng con rất quí mến.
Chúng con chắc chắn rằng mỗi người chúng con đều quí giá trước mắt Mẹ và không điều gì trong tâm hồn chúng con xa lạ đối với Mẹ. Chúng con để cái nhìn rất dịu dàng của Mẹ đi tới chúng con và đón nhận sự âu yếm an ủi qua nụ cười của Mẹ.
Xin Mẹ giữ gìn cuộc sống của chúng con trong vòng tay của Mẹ: xin chúc phúc và củng cố mọi ước muốn làm điều thiện; xin khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin, nâng đỡ và soi sáng đức cậy, khích động và linh hoạt đức ái; xin Mẹ hướng dẫn tất cả chúng con trên con đường thánh thiện.
Xin dạy chúng con tình yêu thương của Mẹ ưu tiên dành cho những người bé nhỏ nghèo hèn, những người bị loại trừ và đau khổ, các tội nhân và những người có tâm hồn lạc hướng, xin tập họp tất cả dưới sự che chở của Mẹ và giao phó tất cả cho Con Yêu Dấu của Mẹ là Chúa Giêsu của chúng con. Amen
12. Bế Mạc Năm Đức Tin
Năm Đức Tin do Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 công bố đã bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 năm 2012 và đã kết thúc vào ngày Chúa Nhật 24 tháng 11, Lễ Chúa Kitô Vua.
Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao Tông Huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Phúc Âm) cho một số đại diện các tầng lớp Dân Chúa.
Trong Năm Đức Tin, đã có hơn 8 triệu tín hữu đến hành hương và tuyên xưng đức tin tại Mộ Thánh Phêrô Tông Đồ. Đây chỉ là một dấu hiệu nhỏ bé trong bao nhiêu sáng kiến trên bình diện địa phương để cử hành Năm Đức Tin.
- Lúc 5 giờ kém 15 phút chiều thứ Năm 21 tháng 11, ngày cầu nguyện cho các đan sĩ chiêm niệm, Đức Thánh Cha đã cử hành kinh chiều với các nữ đan sĩ tại Đan viện Camaldolesi trên đồi Avventino ở Roma, là nơi có những vết tích đầu tiên về đời sống nữ đan tu ở Roma. Sau đó, ngài gặp riêng cộng đồng các nữ đan sĩ tại đây.
Tiếp đến chiều thứ Bẩy 23 tháng 11, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ khoảng 500 dự tòng tại đền thờ Thánh Phêrô. Họ thuộc 47 quốc tịch khác nhau. Ngài đón tiếp 35 dự tòng tại cửa Đền thờ và đặt cho họ những câu hỏi theo nghi thức truyền thống: tên con là gì? Con xin gì với Giáo Hội của Thiên Chúa? Đức tin mang lại cho con điều gì?
- Sau cùng là thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật 24-11 để bế mạc Năm Đức Tin.
Tại buổi lễ này, Đức Thánh Cha đã trao Tông Huấn “Niềm Vui Phúc Âm” như một quyết tâm mà Giáo Hội được yêu cầu đón nhận. Tin có nghĩa là chia sẻ cho tha nhân niềm vui được gặp gỡ với Chúa Kitô. Tông Huấn này của Đức Thánh Cha trở thành một sứ mạng được ủy thác cho mỗi tín hữu đã chịu phép rửa để họ trở thành người loan báo Tin Mừng.
Việc công bố chính thức Tông Huấn “Niềm Vui Phúc Âm” đã được trình bày sau đó trong cuộc họp báo lúc 12 giờ ngày thứ Ba, 26 tháng 11 tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.
Thông thường một tông huấn thường là bản tóm tắt các chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Cho nên, chúng ta thường nghe những cụm từ như Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng. Thực tế là vào năm 2012 đã có một cuộc họp của Thượng Hội Đồng dành cho việc tân phúc âm hóa. Tuy nhiên, tông huấn này không phải là Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hoá. Vào tháng Sáu vừa qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố rằng ngài sẽ đưa ra một tông huấn trong đó trình bày những suy tư của ngài về truyền giáo nói chung, trong khi đưa các chủ đề của Thượng Hội Đồng vào một "khuôn khổ rộng lớn hơn."
Nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/119674.htm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét