Bài đọc: PVL (17/12/2013) –
Hôm nay, ngày đầu tiên bước vào những ngày đặc biệt, các bản văn đọc trong
Thánh lễ gồm: St 49,2. 8-10 tiên báo Chúa Giêsu với vương trượng, Người ngự
đến, muôn dân phải vâng phục (St 49,10).
và Tin Mừng Mt 1,1-17
trình bày Gia phả CGS.
Nếu đọc hoặc nghe lướt
qua thì Gia phả CGS chẳng để lại ấn tượng gì cho tôi mấy. Nhưng đọc với tâm
tình, tìm hiểu cặn kẻ từng nhân vật thì bản Gia phả này để lại cho tôi nhiều
suy nghĩ sâu sắc.
"Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ
Chúa Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô." (Mt 1, 16).
Bản Gia phả lội ngược
dòng đến Abraham, Tổ phụ dân Do-thái, dân
riêng của Thiên Chúa, chia làm ba giai đoạn: Từ
tổ phụ Abraham đến vua Đavít, là mười bốn đời; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở
Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười
bốn đời. So
chiếu với bản Gia phả khác trong Tin Mừng Nhất Lãm thì lên đến Adam (Lc 3,23-38).
Nhưng điều quan trọng tôi
hiểu là, trong Gia phả này có những người phụ nữ, có những vị vua cai trị dân,
có những cá nhân mà cuộc đời riêng tư của họ chẳng mấy trong sạch, tốt lành. Họ
là những gái điếm, những cô gái loại luân, những vị vua trị dân tàn bạo, không tính
người v.v… Nghĩa là Đấng Cứu Thế chấp nhận sinh ra bởi dòng tộc đầy tì vết bởi
tội nguyên tổ và tội riêng của họ. Chúa Giêsu đến, Người chấp nhận thân phận
con người yếu hèn ngoại trừ tội lỗi để cứu độ nhân loại vì yêu thương họ đến
cùng.
Thiên Chúa hiểu rõ con
người, khoan dung, yêu thương con người. Ngược lại con người lại bất khoan dung
với nhau, thậm chí ngay trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giao tiếp xã
hội. Họ loại trừ nhau vì quyền lợi, vì độc đoán và vì nhiều lý do bất chính
khác. Họ đòi hỏi người khác phải hoàn hảo, phải tuyệt vời, trong khi bản thân
họ, họ cho họ là người mẫu của đạo đức, của đối nhân xử thế, nhưng thực sự có
phải vậy không, hay họ chỉ là Pharisêu của thời hiện đại, sống giả hình, ngay
cả trong việc linh thánh. Tự vấn: Tôi có phải là một người trong số họ không?
Tôi phải xét mình, để mong rằng, đáng được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa
và tình thương cứu độ của Người.
Câu chuyện tôi nghe kể
tối hôm qua, trong buổi tĩnh tâm ngày đầu tiên dành cho giới trẻ với chủ đề:
NIỀM VUI VÀ HY VỌNG. Cha Phaolô Lưu
Quang Bảo Vinh kể rằng, những năm tháng ngài học phổ thông, những năm thập niên
80, Linh mục phải làm “tài xế dân biểu”, đạp xích lô, nữ tu thì bán hàng rong,
bán nước mía. Bên kia đường trước trường học của ngài, có xe nước mía của các
Soeurs, ngài khi hết giờ học, hay qua
phụ bán, ngài thấy vị sơ già ngày nào cũng bảo ngài, hãy gọi người đàn ông nằm
bên vệ đường vào hàng quán của sơ để tránh nắng, và sơ già đã tặng người đàn
ông này ly nước mía đặc biệt, mỗi lần tặng ly nước mía, sơ già lại khuyên ông,
con ơi, hãy về với vợ con của con đi. Ông này nghiện ma túy. Biết bao tháng trời, những ly nước mía, những lời
khuyên lơn của vị sơ già khiến người đàn ông này đủ sức đứng lên làm lại cuộc
đời. Ông nói, trong khi mọi người nguyền rủa xa lánh con, thì chỉ có sơ là yêu
thương, đùm bọc, đối xử tốt với con. Ông đã đứng lên thật, và cuộc đời ông đổi
mới từ ngày đó. Những ngày tháng sau, ông dẫn vợ con ông đến thăm vị sơ già với
lòng yêu mến tận đáy lòng. Ôi! Tình thương có thể cảm hóa con người như thế đó.
Thật tuyệt vời hơn nữa, TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA. Liệu pháp Kitô, liệu
pháp TÌNH THƯƠNG có thể chữa lành những căn bệnh quái ác như căn bệnh nghiện ma
túy là như vậy.
Lạy Chúa Giêsu, tình yêu
Chúa thật cao cả. Ngài là một Thiên Chúa trọn lành thánh thiện, nhưng chấp nhận
phận người yếu hèn tội lỗi để cứu độ loài người, cứu độ con. Xin giúp con sống
theo ý Chúa: Với Chúa, trọn lòng TIN – CẬY – MẾN; với tha nhân: KHIÊM TỐI –
KHOAN DUNG – ĐÓN NHẬN họ bất kể họ là loại người như thế nào. Amen.
1 nhận xét:
Chỉ có tình yêu đích thực mới làm thay đổi mọi con người.
Đăng nhận xét