VRNs (26.11.2013)
– Sài Gòn - Sau khi phạm Nguyên tội, tham vọng quyền lực gắn liền với
thân phận con người, đôi khi vì nó mà người ta bất chấp tất cả, kể cả
những thủ đoạn để đạt cho kỳ được. Tham vọng quyền lực kinh tế, quyền
lực chính trị không đáng sợ bằng tham vọng quyền lực tôn giáo.
Nếu nhìn vào thế giới đang bị chi phối
bởi quyền lực tôn giáo chắc có lẽ Thiên Chúa không chỉ bật khóc mà còn
nổi giận. Thiên Chúa nổi giận bởi không ít người hằng ngày vẫn quỳ gối
cầu nguyện, rao giảng chúc tụng tôn vinh Chúa, một tiếng lạy Chúa, hai
tiếng lạy Chúa mà vẫn không tránh khỏi đam mê quyền lực tôn giáo. Qua
miệng ngôn sứ Isaia có lần Thiên Chúa đã cảnh cáo: “Những kẻ này thờ
phượng Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta. Việc thờ phượng của
chúng thật vô ích; các bài học chúng dạy chẳng là gì cả, chỉ là những
giới luật của con người (x. Is 29,13). Thời nào cũng thế, trong Hội
thánh không ít những tín hữu phải mang lấy những thương tích bởi quyền
lực tôn giáo len lõi vào trong cung thái hành xử.
Đôi bạn trẻ lỡ ăn cơm trước kẻng vào gặp
vị linh mục chánh xứ để giải trình về hiện trạng của mình với thái độ
khẩn cầu mong được xót thương. Ngài giận dữ mắng như tát nước vào mặt,
sau đó ra điều kiện phải thế này, phải thế kia. Nhục nhã đau đớn cùng
với mặc cảm tội lỗi khiến anh chị dẫn nhau đi biệt xứ mấy năm, xa cha xa
Chúa cho đến khi có đến hai ba mặt con mới quay về hợp thức hóa hôn
phối. Một lời phán quyết gắt gao của linh mục hay một thừa tác viên có
chút quyền, thậm chí chỉ trích từ một sai phạm không đáng kể nào đó từ
phía nhà thờ, hay từ các chức sắc tôn giáo, hoặc sự vô tâm thờ ơ thiếu
ân cần khi giúp đỡ những Kitô hữu nghèo, ngại viếng thăm bệnh nhân,
thiếu sót trong việc cử hành nghi thức an táng… thường gây nên những tổn
thương khó chữa và tồn tại rất lâu trong tâm thức tín hữu hơn cả việc
bị người đời thế giới ruồng bỏ. Biết bao đôi lứa ly dị, ly thân, rối hôn
nhân nhiều trường hợp đồng tính luyến ái,… không tìm được sự ủi an,
nâng đỡ, cảm thông mà lại càng bất an hơn khi tìm đến với một số đấng
bậc trong Hội thánh, khiến họ đã quay lưng từ chối Thiên Chúa. Trong khi
Chúa Giêsu khiêm nhu hy sinh phục vụ, cúi mình kéo con người lên khỏi
vũng lầy tội lỗi, thì vẫn còn đó những tôi tớ lạm quyền gây phiền toái
không hợp lẽ. Không ít người trở thành những nạn nhân từng trải nghiệm
đớn đau về vấn nạn lạm dụng quyền lực tôn giáo, hành xử thiếu bác ái bao
dung trong khi họ mong chờ khao khát yêu thương.
Đọc lại những trang sử Hội Thánh, có
những lúc ảnh hưởng của quyền lực tôn giáo nằm trong tay dân Thiên Chúa
không thể che đậy được qua những cuộc viễn chinh hồng thập tự, chính
sách kỳ thị chủng tộc, lịch sử chiến tranh tôn giáo lâu dài và mãi cho
đến hôm nay.
Tin mừng có lẽ sẽ trở thành tin buồn khi
người ta sử dụng quyền lực để loan báo tin mừng. Giữa một thế giới biến
động không ngừng về kinh tế chính trị, sẽ không tránh khỏi cám dỗ lớn
nhất là sử dụng đức tin như một phương thức thi hành quyền bính trên
người khác, như thế là thay thiên luật bằng nhân luật để lãnh đạo điều
hành. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người ngày càng trở
nên xa lạ với cảm thức tôn giáo, xem tôn giáo như thể là thứ “buồn nôn”.
Tuy nhiên, như lời Tv: “Người giận trong
giây lát, nhưng yêu thương thương suốt cả đời” (Tv 30,5) Thiên Chúa
không nhìn thế giới với ánh mắt giận dữ, sầu buồn bởi Ngài là tình yêu,
là niềm vui, niềm hy vọng. Chính lòng nhân từ và thương xót vô biên của
Thiên Chúa vượt xa hơn nỗi buồn và sự giận dữ. Quyền lực tôn giáo nhắm
đến yêu thương, hy sinh và phục vụ thay vì dừng lại ở thống trị, áp
đặt sẽ làm nguôi lửa giận của Thiên Chúa.
“Sự vĩ đại không nằm trong tài sản,
quyền lực, danh vọng hay tiếng tăm. Nó được phát hiện trong lòng tốt, sự
nhún nhường, sự phụng sự và tính cách.” (William Arthur Ward)
Pv. VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét