CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang.

Thứ Bảy Tuần 25 TN1


Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Bảy Tuần 25 TN1

Bài đọc: Zec 2:5-9, 14-15a; Lk 9:43b-45

1/ Bài đọc I: 5 Rồi tôi lại ngước mắt nhìn và thấy một thị kiến. Đây, có một người, tay cầm dây đo.
6 Tôi hỏi người ấy: "Ông đi đâu? " Người ấy trả lời: "Đi đo Giê-ru-sa-lem xem thành ấy rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu."
7 Và đây, vị thần sứ từng nói với tôi tiến ra và một thần sứ khác tiến lại đón vị thần sứ ấy.
8 Vị trước bảo vị sau: "Hãy chạy đi nói với người thanh niên kia rằng: Giê-ru-sa-lem phải là một thành rộng mở, sẽ có vô số người và súc vật đến cư ngụ ở đó.
9 Phần Ta, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, Ta sẽ là tường luỹ bằng lửa bao quanh nó, và Ta sẽ là vinh quang ở giữa nó."
14 "Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi,
- sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.

15 Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng ĐỨC CHÚA:
Chúng sẽ thành dân thánh của Ta,
và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi."
Bấy giờ, (các) người sẽ nhận biết rằng
ĐỨC CHÚA các đạo binh đã phái tôi đến với (các) người.


2/ Phúc Âm: 43 Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.
44 "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời."
45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang.

Nếu chúng ta nhìn lại cuộc đời mình sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta sẽ biết thế nào là sống nhờ hy vọng: nước mất, nhà tan, tù đày mà không biết có ngày được thả, vượt biển mà biết có thể chết bỏ mình trên biển khơi, những ngày khổ cực trong các trại tị nạn mà không biết bao giờ mới được định cư, khi đã được định cư lại bắt đầu làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng. Chúng ta chấp nhận tất cả với hy vọng cuộc đời mình sẽ tốt đẹp hơn sau khi đã vượt qua tất cả những gian khổ này. Giờ đây, ngồi suy xét lại, chúng ta nhận ra: quả thật, thành công trong cuộc đời chỉ dành cho những ai biết kiên trì vượt qua mọi gian khổ.
Các Bài Đọc hôm nay dạy con người hãy can đảm đương đầu với gian khổ và tìm cách khắc phục chúng. Trong Bài Đọc I, con cái Israel không có can đảm xây dựng lại Đền Thờ ngay sau khi hồi hương, vì họ còn phải đương đầu với biết bao gian khổ của cuộc sống để làm lại từ đầu. Tiên-tri Zechariah khuyến khích họ hãy mạnh dạn vượt qua gian khổ để xây dựng lại Đền Thờ để Thiên Chúa ở giữa họ; và hãy hy vọng vào những huy hoàng của thành thánh Jerusalem trong tương lai. Trong Phúc Âm, các môn đệ sợ không dám hỏi lại Chúa Giêsu về lời báo trước Cuộc Thương Khó, vì các ông sợ và không dám đương đầu với gian khổ. Chúa Giêsu muốn hướng lòng các ông về sự phục sinh vinh hiển trong tương lai.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thị kiến của tiên-tri Zechariah về Jerusalem

Lịch sử đàng sau thị kiến của tiên-tri Zechariah là thời gian sau Thời Lưu Đày, việc tái thiết Đền Thờ, và xây dựng lại quê hương. Giống như tiên-tri Haggai, Zechariah nhận ra sự quan trọng của việc tái thiết Đền Thờ Tại Jerusalem: Con cái Israel không thể sống mà không có Đền Thờ, vì đó là nơi Thiên Chúa hiện diện với họ, như Ngài đã hứa từ thời Xuất Hành. Lời hứa của Thiên Chúa sẽ bảo vệ dân được tiếp tục thi hành, cho đến ngày Đấng Thiên Sai ra đời.

1.1/ Jerusalem sẽ trở nên một thành lớn: Vào năm 587 BC, Jerusalem đã bị quân thù san phẳng: từ tường thành vây quanh tới chính Đền Thờ. Khi con cái Israel được các vua Ba-tư cho về hồi hương để tái thiết Đền Thờ, họ cảm thấy ngao ngán vì công trình đòi hỏi nhiều thời gian và hy sinh; trong khi họ chưa ổn định cuộc sống. Thị kiến của tiên-tri Zechariah hôm nay có mục đích cung cấp cho con cái Israel có hy vọng và nghị lực để xây dựng Đền Thờ: Jerusalem sẽ trở nên một thành lớn.
Zechariah tường thuật: "Tôi lại ngước mắt nhìn và thấy một thị kiến. Đây, có một người, tay cầm dây đo. Tôi hỏi người ấy: "Ông đi đâu?" Người ấy trả lời: "Đi đo Jerusalem xem thành ấy rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu." Và đây, vị thần sứ từng nói với tôi tiến ra và một thần sứ khác tiến lại đón vị thần sứ ấy. Vị trước bảo vị sau: "Hãy chạy đi nói với người thanh niên kia rằng: Jerusalem phải là một thành rộng mở, sẽ có vô số người và súc vật đến cư ngụ ở đó.""

1.2/ Chính Thiên Chúa sẽ ở giữa và bảo vệ Jerusalem: Tường thành rất quan trọng cho thành thánh Jerusalem và Đền Thờ, vì nó ngăn cản sự xâm nhập của quân thù chung quanh. Còn tường thành là có an ninh; khi tường thành bị sụp đổ, thành và Đền Thờ cũng bị sụp đổ theo. Người Do-thái không chỉ xây dựng lại Đền Thờ, họ còn phải xây dựng cả tường thành chung quanh để bảo đảm an ninh cho Đền Thờ và dân chúng sống trong thành.
Tiên-tri Zechariah liên tưởng đến sự bảo vệ của Thiên Chúa trong biến cố Xuất Hành qua cột mây và cột lửa. Ông nói cho dân ý muốn của Thiên Chúa: "Phần Ta, sấm ngôn của Đức Chúa, Ta sẽ là tường luỹ bằng lửa bao quanh nó, và Ta sẽ là vinh quang ở giữa nó."

1.3/ Dân tộc trên khắp địa cầu sẽ tuôn về Jerusalem: Cho tới thời gian sau Lưu Đày, Jerusalem vẫn được coi hoàn toàn là của dân tộc Do-thái. Nhiều sấm ngôn của các tiên-tri trước và sau lưu đày nói về sự bành trướng của Jerusalem tới các Dân Ngoại; chứ không còn giới hạn cho người Do-thái nữa. Sấm ngôn của tiên tri Zechariah là một ví dụ điển hình, khi ông nói: "Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa. Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi." Jerusalem là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở với con người. Dân Ngoại tuôn đến Jerusalem, vì họ cùng tin tưởng vào Thiên Chúa của dân tộc Do-thái.

2/ Phúc Âm: Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.

Trình thuật ngắn của Luca hôm nay là lần báo Cuộc Thương Khó thứ hai của Chúa Giêsu cho các môn đệ sau khi Ngài Biến Hình trên núi và chữa một cậu bé bị quỉ ám mà các môn đệ không chữa nổi.

2.1/ Chúa Giêsu phải chịu đau khổ: Sau khi đã trục xuất quỉ khỏi cậu bé, Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đệ: "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời." Chúa cho các môn đệ thấy vinh quang và uy quyền của Ngài là để cho các môn đệ có nghị lực để vượt qua gian khổ trong Cuộc Thương Khó sắp tới. Chúa lo lắng cho các ông, vì Chúa biết nếu không có hy vọng nâng đỡ, các ông sẽ dễ dàng bỏ cuộc khi nhìn thấy Chúa phải trải qua các gian khổ của Cuộc Thương Khó và cái chết của Ngài trên Thập Giá.

2.2/ Con người không dễ chấp nhận con đường đau khổ.
(1) Các môn đệ không hiểu lời Chúa Giêsu nói: "Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa." Các môn đệ cũng giống như nhiều người chúng ta không hiểu: Tại sao một Thiên Chúa vinh quang, có uy quyền trên cả quỉ thần và mọi bệnh tật, không chọn con đường mà họ đang mong muốn là dùng uy quyền và sức mạnh; mà lại chọn con đường gian khổ để cứu chuộc con người!
(2) Các môn đệ không dám hỏi lại Người về lời ấy: Các ông không dám hỏi vì các ông sợ phải đương đầu với sự thật mà các ông không muốn chấp nhận. Các ông muốn Chúa Giêsu theo sự khôn ngoan và cách thức cứu độ của các ông; chứ các ông không muốn theo sự khôn ngoan và đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Điều này được dẫn chứng bằng thái độ của Phêrô, khi ông dẫn Chúa Giêsu ra một nơi và khuyên Chúa: "Chớ gì những sự đó đừng xảy ra cho Thầy" (Mt 16:22).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức Kitô muốn chúng ta phải bỏ ý riêng mình và đi qua con đường đau khổ thì mới xứng đáng trở thành những môn đệ của Ngài.
- Chúng ta phải kiên nhẫn vượt gian khổ hiện tại, thì mới xứng đáng hưởng được vinh quang mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta sau này.
- Gian khổ chúng ta đang chịu đựng bây giờ không thể sánh được với vinh quang mà Đức Kitô đã mưu cầu cho chúng ta. Vì thế, hãy xin Thiên Chúa cho chúng ta sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ trong cuộc đời.

Không có nhận xét nào: