Giàu và Nghèo trong sách Tin Mừng Luca
Lm. Nguyễn Công Đoan, SJ9/26/2013 |
|
Sách
Tin Mừng Luca có nhiều lời dạy và dụ ngôn về người giàu và người nghèo,
muốn hiểu bất cứ lời dạy hay dụ ngôn nào liên quan tới giàu và nghèo
trong sách này phải nhìn trong toàn bộ cuôn sách Tin Mừng này cũng như
trong toàn bộ Sách Thánh.
Trước hết là nhìn giáo huấn trong tương quan với người dạy là chính Chúa Giêsu : sinh làm người nghèo, ở giữa người nghèo. Đám đông bao quanh Chúa khi Chúa đi rao giảng chủ yếu là những người đến xin chữa bệnh “miễn phí” vì không có tiền hay đã hết tiền chạy thay chạy thuốc mà “tiền mất tật mang”. Chạy theo Chúa để nghe mà không có miếng bánh mì khô trong túi, có lần Chúa phải lo cho họ ăn! Nhưng cũng đừng quên là có những người giàu cũng đi theo Chúa. Anh em nhà Dê-bê-đê bỏ cha lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Chúa; chứng tỏ gia đình cũng khá giả trong giới đánh cá. Matthêu bỏ trạm thu thuế, mời bạn bè tới nhà ăn một bữa rồi đi theo Chúa. Một nhóm các bà nhà giàu ôm của cải đi theo mà giúp Chúa Giêsu và các môn đệ (Lc 8,1-3). Ông Da-kêu giám đốc sở thuế ở Giêrikhô, thành phố ngã tư giao thương quốc tế, chia nửa gia tài cho người nghèo. Ông Giuse Arimathê giàu và quyền thế, một mình đi gặp Philatô xin xác Chúa Giêsu và mai táng trong một ngôi mộ mới. Vậy thì chung quanh Chúa Giêsu có đủ hạng người, giàu và nghèo, tội lỗi và đạo đức. Trong cộng đoàn tín hữu ban đầu thì những người giàu có biến nhà mình thành “nhà thờ”, “nhà chung” để Hội Thánh tụ họp (x. Rôma, 16). Nhưng khi công bố sứ mạng ở Nadarét thì Chúa lại dùng đọan sach Isaia để cho thấy Chúa được sai đi công bố Tin Mừng cho người nghèo, chữa lành bệnh tật, giải thóat người bị áp bức và công bố Năm Hồng Ân của Thiên Chúa. Rồi khi công bố “Nước Thiên Chúa thuộc về ai”, thì Chúa lại đưa ra một chuỗi tương phản chói tai với bốn mối phúc và bốn cái khốn (6,20-26). Phúc cho anh em là những người nghèo <à Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu, vì Nước Thiên Chúa là của anh em vì các ngươi đã được phần an ủi rồi Trước hết sự đối chọi giữa “Phúc và khốn” là một lối văn quen thuộc trong Sách Thánh, từ Đệ Nhị Luật (28), sách Giôsue (8,30-35), các ngôn sứ, như Giêrêmia 17,5-11; thánh vịnh, như Tv 1. Trong Cựu Ước thì giàu sang là phúc lành của Thiên Chúa (Ap-ra-ham trong St 13); Gióp (1-2; 42,10-15). Nhưng cũng có những sự giàu có bất chính do bóc lột người nghèo, các ngôn sứ lớn tiếng tố cáo và công bố hậu quả, như Amos 2,6-18; 3,9-12. Vậy thì lời công bố “Phúc và khốn” của Chúa Giêsu không phải là mới lạ về hình thức. Nội dung thì mới vì liên quan tới Giáo Ước Mới, trong đó “phúc” không còn là một miền đất hay cải trần gian nhưng là Nước Thiên Chúa, sự sống đời đời. Sự thay đổi số phận không còn giới hạn trên mặt đất này như cách mạng Mác-xít hứa hẹn, lật đổ kẻ giàu sang quyền thế, trao quyền lực và giàu sang cho người nghèo. Thực tế của cách mạng Mác-xít ngày nay không cần phải mô tả nữa, vì nó ở trước mắt mọi người như “voi giữa chợ”. Giao Ước Xi-nai hứa hẹn một miền đất chảy sữa và mật (Đnl 4). Giao Ước Mới hứa hẹn Nước Thiên Chúa, sự sống đời đời. Vậy thì của cải trần gian có vai trò gì hay không? Tương quan giữa kẻ giàu người nghèo thế nào? Giàu sang còn là phúc lành hay không? Nghèo có còn “hèn” và “khổ” không? Nếu Nước Thiên Chúa là của người nghèo thì người giàu bị lọai hết hay sao? Xin mọi người an tâm. Chúa Giêsu không có gì chung với Các-Mác ngoài việc nhận ra cái sự thật hiển nhiên mà đứa con nít cũng biết: sự khác biệt giữa kẻ giàu người nghèo! Chúa Giêsu sẽ từ từ dạy cho người ta bíêt vai trò của mọi của cải trần gian trong tương quan với Nước Thiên Chúa, tương quan giữa kẻ giàu người nghèo. Phải kiên nhẫn theo Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường Chúa đi rao giảng. Chúa sẽ dùng những lời giáo huấn trực tiếp, dụ ngôn và những trường hợp cụ thể để đưa chúng ta vào con đường của Nước Thiên Chúa. Trong phạm vi bài này tôi chỉ đề cập chuỗi các dụ ngôn: - người phú hộ ngu ngốc (12,13-34) - khách nên mời (14,12-14) và khách được mời (14,15-24) à điều kiện để theo Chúa: từ bỏ. - người quản lý bất lương nhưng “khôn khéo” (16,1-13) - Ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khổ (16,19-31) Người thật việc thật minh họa: - Người thủ lãnh giàu có không theo Chúa : “ông buồn rầu bỏ đi, vì ông rất giàu” (18,18-23) - Các tông đồ (18,24-30) - Ông Da-kêu (19,1-10). 1- Người phú hộ ngu ngốc. Dụ ngôn này được Chúa đưa ra nhân dịp có ngừơi xin Chúa can thiệp vì ông anh không chịu chia gia tài. Chúa không nhận làm quan tòa chia gia tài, nhưng dùng cơ hội này để đánh thẳng vào gốc rễ của vấn đề là lòng tham (Các-Mác không giải quyết được cái gốc này). Anh phú hộ có tài làm ăn, nhưng lại bị Thiên Chúa gọi là “đồ ngu”! Muốn hiểu thì đọc thánh vịnh 14,1-2 và 53,1-2: “Kẻ ngu si tự nhủ: “ Làm chi có Chúa Trời”… Từ trời cao Chúa nhìn xuống loài người, xem ai là kẻ có lương tri, biết kiếm tìm Thiên Chúa”. Nếu đọc thánh vịnh 49,7-15 thì lời đánh giá cái ngu này còn thậm tệ hơn nhiều: “như thú vật”. Bám lấy những của cải mà chết không mang theo được thì quả là ngu (đem theo vào mộ còn tệ hại hơn, vì kẻ trộm sẽ đào mộ, lấy của và vất xác ra ngoài!). Đúng là “thả mồi bắt bóng”, như người đi trong sa mạc nóng bỏng, thấy bóng chiếc máy bay trên đầu, mừng quá, chạy theo để núp bóng… 2. Khách nên mời và khách được mời Nhân một bữa tiệc Chúa Giêsu được mời, sau khi điểm mặt khách được mời, Chúa khuyên nên mời những người không có gì để mời lại! Sau đó Chúa kể dụ ngôn khách được mời vào dự tiệc Nước Thiên Chúa: những người giàu có đều bận việc, từ chối. Chủ nhà nổi cơn thịnh nộ, cho đi mời những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt… vào cho đầy nhà và tuyên bố thẳng tay: “Những kẻ đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi”. Minh họa rõ ràng mối phúc và cái khốn thứ nhất. 3. Người quản lý bất lương nhưng khôn khéo Trong dụ ngôn này, nhân vật chính không phải là người giàu có, anh ta chỉ trông coi của cải của người khác. Ông chủ nghe người ta tố cáo rằng anh ta phung phí của cải nhà ông. Ông ra lệnh cho anh ta thanh tóan sổ sách và nghỉ việc. Anh ta dùng cơ hội cuối cùng này để chuẩn bị tương lai. Ông chủ (hay Chúa?) khen tên quản lý bất lương đã hành động khôn khéo. Chúa Giêsu rút bài học. “Con cái đời này khôn khéo đối với đồng lọai hơn con cái ánh sáng” Lời khen không có gì hàm hồ vì anh ta vẫn giữ nguyên tính cách bất lương. Và bài học có chuyển bình diện rõ ràng: con cái đời này và con cái ánh sáng. Cái khôn khéo của con cái đời này đối với đồng lọai, dù là bất lương, vẫn có thể là bài học cho con cái ánh sáng. Tên quản lý bất lương “mượn” của ông chủ lần này không phải để xài phí vô ích, nhưng để “mua lấy bạn bè” để khi mất chỗ ngồi thì có “bạn bè” đón về. Dụ ngôn người phú hộ ngu ngốc đã cho thấy của cải đi theo mạng sống. Mạng sống không thuộc về mình thì của cải cũng không thuộc về mình. Mạng sống là của Chúa cho mượn, Chúa đòi mạng sống thì của cải cũng tuột khỏi tay mình: “chết là mất hết” (x. Sách Giảng Viên 3-6). Vậy thì trước mặt Thiên Chúa, người giàu có chỉ là người “quản lý” của cải vật chất, trước sau cũng phải giao lại cho người khác. Của cải đời này luôn là “của người khác”. Triết lý Việt Nam cũng có câu: “Của đồng lần thiên hạ tiêu chung”. Nhưng cuộc sống lại là thời gian thực tập bằng của cải của người khác, nếu biết sử dụng “của cải của người khác” thì sẽ được giao “của mình”, “của chân thật”, “kho tàng trên trời”. Muốn có bạn hữu đón về khi “nghỉ việc” thì học ở tên quản lý bất lương, “mua lấy bạn bè”. Muốn có chỗ về khi mất chỗ ngồi thì dùng của cải đang trông coi mà mua lấy người nghèo làm bạn bè, vì Nước Thiên Chúa là của người nghèo. Thế là Chúa chỉ chỗ “rửa tiền” đấy! Cũng là chỗ đổi ngân phiếu lấy tiền mặt! đổi của người khác lấy của mình! Sau dụ ngôn người phú hộ ngu ngốc thì Chúa đã chỉ chỗ “chuyển tiền thẳng lên trời” : gởi người nghèo! (Lc 12,33-34). Ở đây Chúa lại chỉ cách để “rửa tiền”, để có bạn bè đón về nhà trên trời : vẫn là người nghèo! 4. Dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo. Ông phú hộ ngu ngốc (12,13-24) mới tính chuyện hưởng thụ thì đã bị đòi mạng. Ông phú hộ này thì đã hưởng thụ suốt đời: mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Ngay trước cổng nhà ông ta, có một con người nằm đó, mang số phận hoàn toàn trái ngược: mụn nhọt đầy mình, thèm được ăn những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm mụn nhọt của anh. Sự đối chọi thật là chói mắt: toàn lụa là gấm vóc ↔ mụn nhọt đầy mình bàn tiệc đầy tràn, rớt cả xuống đất ↔ thèm được ăn những thứ trên bàn ăn kia rớt xuống. ↔ chó đến liếm những gì “thừa” trên thân xác: mụn nhọt. Sự đảo lộn sau cái chết: (tôi xin phép dịch lại vài chữ sát bản Hy Lạp và sắp xếp đối chiếu để thấy rõ sự tương phản hơn) Ông nhà giàu cũng chết ↔ Người nghèo này chết Và được đem chôn được thiên thần đem vào lòng ông Ap-ra-ham Dưới âm phủ, chịu cực hình, ngước lên, thấy ông Ap-ra-ham tận đàng xa và thấy La-da-rô trong lòng ông ấy. Bấy giờ ông kêu lên: lạy tổ phụ Ap-ra-ham, xin thương xót con, sai La-da-rô nhúng ngón tay vào nước, đến nhỏ trên lưỡi con một giọt, vì con bị lửa này thiêu đốt khổ lắm! Ông Ap-ra-ham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: con đã nhận hết những sự tốt của con suốt đời con rồi và La-da-rô cũng vậy, những sự xấu ← Còn bây giờ → ↓ nơi đây nó được an ủi còn con thì chịu khổ. Hơn nữa giữa chúng ta và các con đã có một vực thẳm lớn đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó qua chúng ta đây cũng không được Sự đảo lộn không thể nào thay đổi nữa. Khỏang cách ngắn giữa bàn ăn với cổng nhà đã thành vực thẳm không thể vượt qua được nữa. Toàn bộ dụ ngôn không trực tiếp nói tại sao. Nhưng đọc lại mối phúc thứ nhất và cái khốn thứ nhất thì sẽ thấy đây là một bức tranh minh họa. Ông phú hộ suốt cuộc sống đã lãnh hết phần của mình, những cái tốt và đã hưởng một mình “La-da-rô cũng vậy” tức là suốt đời cũng nhận hết phần của mình, những cái xấu, và chịu một mình. Cái đảo lộn diễn ra bây giờ và không thay đổi, không chia với nhau được nữa. Lấy một thí dụ đời thường trong gia đình Việt Nam: mẹ cho hai đứa con nhỏ (một trai một gái) mỗi đứa một cái bánh ngọt. Đứa con trai “lủm” sạch ngay. Đứa con gái ăn một chút rồi để dành. Tới hồi đứa con gái lấy ra ăn, đứa con trai đòi ăn nữa. Đứa con gái không cho. Đứa con trai bù lu bù loa “méc” : “Má ơi, nó không cho con ăn”. Mẹ sẽ bảo: “Má cho mỗi đứa một cái, con ăn hết rồi, bây giờ em nó ăn phần của nó sao con lại đòi? Má biểu nhé, lần sau hai đứa “canh ty” ăn một cái, để dành một cái, lúc nào thèm thì chia nhau mà ăn nữa”! Vậy thì dụ ngôn tiếp tục dạy cách giải quyết vấn đề giàu và nghèo theo kiểu bà mẹ này dạy hai con. Nước Thiên Chúa là phần của người nghèo, của cải thế gian phần của người giàu, nếu người giàu chia phần của mình với người nghèo bây giờ thì khi tới phiên được hưởng, người nghèo sẽ chia Nước Thiên Chúa cho người giàu. Ông Da-kêu là người đã thực hành đúng như vậy khi giao ngay cho Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đây phân nửa gia tài của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đọat của ai cái gì, tôi xin đền gầp bốn!” Chúa Giêsu xác nhận: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến trong nhà này!” Dụ ngôn còn một cái đuôi. Ông nhà giàu xin Ap-ra-ham sai La-da-rô về báo cho anh em của ông ta để đừng rơi vào chỗ khổ như ông ta… Ap-ra-ham trả lời: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn sứ… Môsê và các Ngôn sứ mà chúng không nghe, thì người chết có sống lại, chúng cũng chẳng nghe đâu.” Vậy thì ở điểm này Chúa Giêsu nhận là Chúa cũng không nói điều gì mới đâu, Môsê và các Ngôn sứ cũng đã nói những điều ấy rồi. Nhưng Chúa Giêsu làm gương chung chia: “Người vốn dĩ giàu có, nhưng đã trở nên nghèo khó vì anh em, để nhờ cái khó nghèo của Người anh em được trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Chúa Giêsu đã chết và sống lại… thế mà kẻ không muốn nghe thì vẫn không nghe! Đời là thế đấy! Còn tôi thì sao? L.M. Nguyễn Công Đoan, S.J. Lễ thánh Matthêu Tông Đồ, 2013 |
Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013
Giàu và Nghèo trong sách Tin Mừng Luca
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét