Lễ Kinh Thánh Laurensô TĐ
- Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Lễ Kinh Thánh Laurensô TĐ
Bài đọc: II Cor 9:6-10; Jn 12:24-26.
1/ Bài đọc I: 6 Tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều.
7 Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.
8 Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện,
9 theo như lời đã chép: Kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm phúc; đức công chính của Người tồn tại muôn đời.
10 Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào.
2/ Phúc Âm: 24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.
26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cho đi là nguyên tắc sống của cuộc đời.
Nhiều người nghĩ muốn giầu có hạnh phúc phải biết cách đầu cơ tích trữ, để tiền vào như nước và tiền ra nhỏ giọt. Theo cách đầu tư khôn ngoan, họ phải làm sao để mua vào với giá rẻ như bèo, và bán ra với giá cắt cổ. Ngược lại, Chúa Giêsu dạy: nếu muốn sống sung mãn hạnh phúc phải phục vụ hết mình và luôn rộng lượng cho đi, vì "ai có sẽ được cho thêm, và ai không có, ngay cả cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi." Phó-tế Lawrense là thủ quỹ của giáo-triều Rôma, và được nghĩ là người nắm hết tài sản của Giáo Hội. Khi bị thẩm vấn và bắt trao hết tài sản của Giáo Hội cho hoàng-đế Valerian, ông xin ba ngày để kiểm kê tài sản. Ngày thứ ba, ông dẫn tới cho hoàng đế một đám đông giáo hữu nghèo và nói với hoàng-đế: Đây là tài sản của Giáo Hội; nếu hoàng-đế muốn, xin trao lại cho hoàng-đế.
Các Bài Đọc hôm nay muốn chứng minh nguyên tắc sống này cho mọi người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Corintô hãy rộng lượng và vui vẻ giúp đỡ cho Giáo Hội Mẹ tại Jerusalem, vì Thiên Chúa sẽ rộng lượng cho lại họ cách dư đầy. Khi rộng lượng cho đi, họ cũng đang xây dựng cho họ kho tàng vĩnh cửu đời sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn nêu bật một nguyên lý bất di dịch của cuộc sống: nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.
1.1/ Định luật của trời đất: Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Corintô một định luật phổ quát: "gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều." Thánh nhân muốn nói khi con người càng cho đi bao nhiêu, họ sẽ được nhận lại càng nhiều bấy nhiêu. Điều này có thể áp dụng cho mọi lãnh vực của cuộc sống; ví dụ, khi một học sinh bỏ nhiều thời giờ và nỗ lực cho việc học hành, anh sẽ hiểu biết nhiều hơn và thu lượm nhiều kết quả trên đường học vấn. Tương tự như thế cho việc chăn giữ đoàn chiên: nếu cha mẹ hay các mục tử biết dành nhiều thời giờ để giáo dục và chăm sóc con cái hay giáo dân, đàn chiên sẽ mạnh khỏe và tốt lành, gia đình cũng như giáo xứ sẽ tiến triển tốt đẹp; nhưng nếu cha mẹ và các mục tử không dành thời giờ để dạy dỗ và săn sóc con cái hay giáo dân, làm sao đàn chiên, gia đình, hay giáo xứ có thể phát triển được?
Của cho không quí trọng bằng cách cho. Vì Thiên Chúa thấu suốt mọi tư tưởng, thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải tập luyện những điều này khi họ cho đi: "Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương."
(1) Cho đi cách vô vị lợi: Khi cho, đừng tính toán xem người khác sẽ cho lại mình điều gì, như câu tục ngữ Việt-nam: "hòn đất ném đi, hòn chì ném lại." Chắc chắn Thiên Chúa và tha nhân sẽ không để mình phải thiệt hại, nhưng mong muốn điều này không phải là lý do để khuyến khích con người cho đi. Những lý do chính giúp con người cho đi: Thứ nhất, vì mình đã nhận quá nhiều từ Thiên Chúa và tha nhân, nhất là những người mình không thể trả ơn được như Thiên Chúa và những người quá cố; vì thế, mình phải làm ơn cho con cái của Ngài và cho thế hệ mai sau. Thứ hai, tất cả là của Thiên Chúa, con người chỉ là quản lý; nhiệm vụ của quản lý là phân phát cho đúng thời đúng buổi, chứ không phải để hoang phí hay đào lỗ để chôn của. Sau cùng, cho đi là cách xây dựng cộng đồng: nếu tất cả mọi người đều biết hăng hái cho đi, hòa bình sẽ ngự trị trên trái đất và Nước Chúa sẽ trị đến ngay từ đời này.
(2) Cho đi cách vui vẻ, không cho đi cách miễn cưỡng: Nhiều người cho đi vì họ cảm thấy bắt buộc phải cho; ví dụ, khi một người có địa vị đến xin, họ phải cho cách miễn cưỡng vì sợ bị mang tiếng là keo kiệt. Người cho đi cách vui vẻ là người sau khi đã nhận ra nhu cầu và thấy mình có khả năng để đóng góp, họ vui vẻ góp phần vào việc giúp đỡ tha nhân.
(3) Không hối hận khi đã cho đi: Người rộng lượng không hối tiếc khi cho đi, họ có thể chấp nhận hy sinh thiếu thốn để tha nhân được sống. Người keo kiệt, tính toán sẽ tiếc nuối những gì mình đã cho đi. Nếu không chịu tập luyện, họ sẽ để cho tính ích kỷ thống trị, và sẽ không cho đi lần tới.
1.2/ Thiên Chúa là Đấng ban phát muôn ơn lành: Thánh Phaolô nêu lên một số lý do chính để giúp con người biết rộng lượng cho đi:
(1) Thiên Chúa tốt lành: Ngài ban cho con người không những đủ để sinh sống, mà còn dư thừa để làm việc thiện.
(2) Ngài yêu mến kẻ có lòng thương xót tha nhân: Tất cả tha nhân đều là con cái Thiên Chúa; vì thế, làm cho tha nhân là làm cho Thiên Chúa. Lòng thương xót, yêu mến, và giúp đỡ tha nhân làm con người trở nên giống Thiên Chúa hơn tất cả điều khác.
(3) Thiên Chúa muốn con người cộng tác vào sự quan phòng của Ngài: Thánh Phaolô diễn tả như sau: "Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào." Thiên Chúa có thể ban ơn lành trực tiếp đến tất cả mọi người; nhưng nếu làm như thế, con người chẳng có ơn ích gì trước mặt Ngài. Vì thế, Ngài ban qua chúng ta, để xem chúng ta có biết cách xử dụng để phát triển nhân đức và xây dựng cuộc sống vĩnh cửu cho chúng ta sau này hay không. Chúng ta đừng quên tiêu chuẩn phán xét của Thiên Chúa là hòan toàn dựa vào những gì chúng ta làm cho tha nhân (x/c Mt 25).
2/ Phúc Âm: Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất.
2.1/ Định luật của Thiên Chúa trong đời sống sinh vật: Chúa dạy các môn đệ: "Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác." Không một sinh vật nào không qua tiến trình này; nếu sinh vật nào từ chối không tham dự định luật này, nó sẽ chẳng những không sinh sôi nẩy nở, mà còn mục rữa và chết cách cô độc.
2.2/ Định luật của Thiên Chúa trong đời sống con người: Định luật trên chẳng những đúng với thiên nhiên mà còn đúng trong đời sống con người. Chúa dạy: "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời."
Định luật này phải mở mắt cho những con người ích kỷ, những người chỉ biết tôn thờ chủ nghĩa cá nhân và vun quén cho mình. Thứ nhất, họ phải biết Thiên Chúa có mắt và vẫn đang theo dõi những việc làm của họ; họ không thể chỉ biết tận hưởng những ơn lành của Thiên Chúa mà từ chối không phục vụ và chia sẻ cho tha nhân. Dù họ có thể qua mặt Ngài trong cuộc sống đời này, họ vẫn phải đối diện với Ngài và tha nhân trong Ngày Phán Xét. Thứ hai, tha nhân không phải là những người ngu dại, họ chỉ có thể lợi dụng ít lần, nhưng không thể lợi dụng tha nhân suốt đời; người ích kỷ là người tự khai trừ mình ra khỏi đời sống của cộng đoàn. Nếu những người ích kỷ chịu khó suy xét: nếu ai cũng ích kỷ như mình, làm sao có mình và có những thứ cho mình hưởng thụ?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải xác tín Thiên Chúa có uy quyền trên tất cả cuộc sống của con người: Ngài không những ban cho chúng ta đủ của ăn để sinh sống, mà còn dư thừa để làm việc phúc đức.
- Chúng ta chỉ là những người quản lý những ơn lành của Thiên Chúa, và Ngài muốn chúng ta hãy luôn rộng lượng cho đi; tại sao chúng ta lại muốn giữ lại?
- Khi cho đi, chúng ta làm theo ý Thiên Chúa, được Người yêu thương, được tha nhân quí mến, và xây dựng cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Tại sao chúng ta cần ích kỷ giữ lại để rồi phải chịu trách nhiệm với Thiên Chúa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét