Thứ Tư Tuần 19 TN1
- Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Thứ Tư Tuần 19 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Deut 34:1-12; Mt 18:15-20.
1/ Bài đọc I: 1 Từ đồng bằng Mô-áp, ông Mô-sê lên núi Nơ-vô, tới Pít-ga, đối diện với Giê-ri-khô, và ĐỨC CHÚA cho ông xem thấy tất cả miền đất: miền Ga-la-át cho đến Đan,2 tất cả Náp-ta-li, miền đất Ép-ra-im và Mơ-na-se, tất cả miền đất Giu-đa cho đến Biển Tây,3 miền Ne-ghép, vùng sông Gio-đan, thung lũng Giê-ri-khô là thành Chà Là, cho đến Xô-a.4 ĐỨC CHÚA phán với ông: "Đây là miền đất Ta đã thề hứa với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, khi nói: "Ta sẽ ban đất ấy cho dòng dõi ngươi. Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không được qua đó."5 Ông Mô-sê, tôi trung của ĐỨC CHÚA, qua đời tại đó, trong đất Mô-áp, theo lệnh ĐỨC CHÚA.6 Ông được mai táng trong thung lũng, ở miền đất Mô-áp, đối diện với Bết Pơ-o. Cho đến ngày hôm nay, không ai biết mộ ông ở đâu.7 Khi chết, ông Mô-sê thọ một trăm hai mươi tuổi, mắt không mờ, khí lực không giảm.8 Con cái Ít-ra-en khóc ông Mô-sê trong đồng bằng Mô-áp ba mươi ngày; rồi những ngày than khóc thọ tang ông Mô-sê chấm dứt.9 Ông Giô-suê, con ông Nun, đã được đầy thần khí khôn ngoan, vì ông Mô-sê đã đặt tay trên ông. Con cái Ít-ra-en nghe ông và làm như ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông Mô-sê.10 Trong Ít-ra-en, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Mô-sê, người mà ĐỨC CHÚA biết rõ, mặt giáp mặt.11 ĐỨC CHÚA đã sai ông thực hiện mọi điềm thiêng dấu lạ tại nước Ai-cập, phạt Pha-ra-ô cùng tất cả bề tôi và cả nước.12 Ông Mô-sê đã biểu dương tất cả sức mạnh bàn tay ông và gây tất cả nỗi kinh hoàng lớn lao trước mắt toàn thể Ít-ra-en.
2/ Phúc Âm: 15 "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.18 "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.
19 "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chiều kích cộng đoàn phải đặt trên chiều kích cá nhân.
Thiên Chúa không sống một mình, Ngài hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, với thiên thần, và với con người. Thiên Chúa có dư uy quyền để làm tất cả mọi sự; nhưng Ngài chọn để cộng tác với tất cả trong chương trình cứu độ của Ngài. Nếu Thiên Chúa chú trọng chiều kích cộng đoàn hơn chiều kích cá nhân, con người cũng phải làm như thế.
Các Bài Đọc hôm nay đều muốn nêu bật tính cộng đoàn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Đệ Nhị Luật nêu bật sự hy sinh và lãnh đạo của ông Moses trong việc đưa dân Chúa ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập và vào Đất Hứa. Moses đã hoàn tất sứ vụ Thiên Chúa trao và trước khi qua đời, ông đã chuyển giao sứ vụ cho ông Joshua như ý Thiên Chúa muốn, để đưa dân vào Đất Hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một số điều phải làm để bảo vệ và lãnh đạo cộng đoàn: sửa lỗi huynh đệ, quyền cầm buộc và tháo cởi, và những giờ cầu nguyện chung.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa gởi mỗi nhà lãnh đạo tới để hoàn tất một phần của chương trình cứu độ.
1.1/
Ông Moses hoàn tất trách nhiệm Thiên Chúa trao phó: Theo sự quan phòng
của Thiên Chúa: những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thực hiện; khi nào Ngài
sẽ thực hiện, không ai biết được thời gian. Lịch sử cứu độ là bằng
chứng của điều này. Ông Abraham không sống trên đời để nhìn thấy ngày
con cháu của ông "đông như sao trên trời và như cát dưới biển" như ngày
nay. Chúa Giêsu không sống trên dương gian đến ngày nhìn thấy Tin Mừng
lan ra đến tận cùng bờ cõi trái đất. Và trong trình thuật hôm nay, Moses
không sống để đưa con cái Israel vào miền đất mà Thiên Chúa hứa sẽ đem
dân vào khi ông đưa dân ra khỏi Ai-cập; mặc dù Thiên Chúa đã đem ông lên
núi Nebo để nhìn thấy trước vùng Đất Hứa này. Thiên Chúa dùng mỗi nhà
lãnh đạo trong một thời gian, để thực thi một phần Kế Hoạch Cứu Độ của
Ngài cho nhân loại.
1.2/
Con cái Israel nhìn lại cuộc đời ông Moses: Nước chảy đá mòn; để hoàn
tất sứ vụ Thiên Chúa trao, ông Moses đã phải hy sinh đời mình cho con
cái Israel đến hơi thở cuối cùng. Con cái Israel than khóc cái chết của
ông Moses một phần vì hối hận đã đối xử không tốt với ông khi ông đồng
hành với họ suốt 40 năm trong sa mạc, một phần vì thương tiếc cho ông đã
không sống để được hưởng kết quả mà ông đã vất vả thực hiện.
Ông
Moses phải là mẫu gương cho các nhà lãnh đạo tinh thần: Mục đích của
việc lãnh đạo là hoàn tất ý định của Thiên Chúa, chứ không phải để mưu
cầu lợi ích cho bản thân mình. Những điều họ làm cho dân chúng không
luôn được định giá và mang đến kết quả ngay, nhiều khi phải chờ đến lúc
tạm biệt ra đi hay lúc chết, dân chúng mới nhìn thấy và ghi ơn những gì
họ đã làm cho dân. Con cái Israel nhận ra tất cả những gì ông Moses đã
làm cho họ:
+
Ông Moses đã chuẩn bị cho họ có nhà lãnh đạo mới: "Ông Joshua, con ông
Nun, đã được đầy thần khí khôn ngoan, vì ông Moses đã đặt tay trên ông.
Con cái Israel nghe ông và làm như Đức Chúa đã truyền cho ông Moses." Sự
nối tiếp giữa Moses và Joshua có thể so sánh với sự nối tiếp sứ vụ tiên
tri giữa Elijah và Elisha. Việc đặt tay có ý muốn nói lên sự chuyển
thông thần khí (spirit); đồng thời với việc chuyển giao sứ vụ.
+
Ông Moses là ngôn sứ cao trọng nhất: "Trong Israel, không còn xuất hiện
một ngôn sứ nào như ông Moses, người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp
mặt." Có nhiều ngôn sứ trong lịch sử Israel; nhưng họ chỉ được nghe
tiếng của Thiên Chúa trong giấc mơ hay trong thị kiến, chỉ có ông Moses
được đàm đạo với Thiên Chúa mặt đối mặt mà không phải chết.
2/ Phúc Âm: Hiệp nhất trong cộng đoàn
2.1/
Cách sửa lỗi anh/chị/em: Sửa lỗi người khác là một việc rất tế nhị,
nhưng phải làm vì lợi ích của cộng đoàn. Để việc sửa lỗi có kết quả,
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải theo cẩn thận tiến trình như sau:
(1)
Giữa hai người mà thôi: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì
anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe
anh, thì anh đã chinh phục được người anh em." Hai điều Chúa muốn chúng
ta lưu ý: Thứ nhất, hầu hết chúng ta thường sửa lỗi đương sự trước mặt
người thứ ba. Làm như thế sẽ không có kết quả hay đưa đến kết quả ngược
lại điều chúng ta mong muốn, vì theo tâm lý chung, không ai muốn bị sửa
lỗi trước mặt người khác, nhất là người đó lại là người thân thiết với
đương sự. Thứ hai, mục đích của việc sửa lỗi là chinh phục đương sự,
không phải là để thỏa mãn tính nóng giận.
(2)
Sự thật được chứng minh bởi hai hay ba nhân chứng: "Còn nếu nó không
chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được
giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân." Đây là điều rất
khôn ngoan vì nó giúp cho cả hai tránh được cái nhìn chủ quan. Hầu hết
các tòa án trong mọi quốc gia đều dựa vào lời của hai hoặc ba nhân
chứng.
(3)
Can thiệp của cộng đoàn: "Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội
Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người
ngoại hay một người thu thuế." Cộng đoàn có thể là gia đình, đoàn thể,
dòng tu, hay Giáo Hội. Đây chỉ là giải pháp sau cùng để bảo vệ lợi ích
của cộng đoàn và tránh gương mù. Người ngoại hay người thu thuế là người
không biết hay coi thường Lề Luật của Thiên Chúa. Tuy vậy, vẫn phải tha
thứ khi họ biết ăn năn trở lại.
2.2/
Thiên Chúa hiện diện giữa cộng đoàn: Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận
việc Thiên Chúa cũng hiện diện trong cá nhân; nhưng sự hiện diện của
Ngài trong cộng đoàn có một thứ tự ưu tiên hơn. Chúa Giêsu đưa ra hai ví
dụ để chứng minh sự hiện diện của Thiên Chúa trong cộng đoàn:
(1)
Quyền cầm buộc và tháo cởi: "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm
buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em
tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy." Trước tiên,
quyền này áp dụng cho sự thật; chứ không cho sự sai lầm vì Thiên Chúa là
sự thật. Thứ hai, Chúa muốn nhắc nhở những tội nhân: tuy họ chưa thấy
những hậu quả xảy ra đời này, nhưng không có nghĩa họ có thể tránh được ở
đời sau. Sau cùng, Giáo Hội dùng quyền này cho Bí-tích Hòa Giải, để tội
nhân có thể làm lại cuộc đời.
(2)
Hiệp nhất trong lời cầu nguyện: "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới
đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha
Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại
nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ." Lời hứa này không có nghĩa
tất cả những gì con người cầu xin đều được Thiên Chúa chấp nhận. Để được
Thiên Chúa nhận lời, con người phải tránh những lời cầu xin ích kỷ hay
có hại cho người khác, mà là những lời đẹp lòng Thiên Chúa và sinh ích
cho tha nhân. Thứ đến, khi Thiên Chúa nhận lời, không có nghĩa người xin
sẽ được đúng điều mình mong muốn. Thiên Chúa biết điều tốt lành, Ngài
sẽ ban những gì tốt lành cho tương lai con người. Sau cùng, Chúa Giêsu
muốn nhấn mạnh việc hiện diện của Ngài ngay cả khi ít người, chứ không
phải chỉ những nơi có đông người tụ họp.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa không bao giờ muốn con người sống riêng lẻ. Ngài muốn con
người sống quây quần thành đoàn thể, và chúc lành cho các công việc của
cộng đoàn.
-
Mỗi khi có xung đột quyền lợi, chúng ta phải luôn luôn đặt quyền lợi
của cộng đoàn lên trên lợi ích của cá nhân trong việc lãnh đạo, sửa lỗi,
hay cầu nguyện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét