CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Tin Công giáo, ngày 17.5.2013

VRNs (17.5.2013) – Sài gòn -  1. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp các phong trào giáo dân
Vào thứ Bảy và Chủ Nhật, ngày 18 và 19.5.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp lãnh đạo và các thành viên của nhiều phong trào giáo dân khác nhau. Cuộc gặp này là cách để ghi nhận những đóng góp của các phong trào này đối với Giáo hội và cuộc gặp này cũng nằm trong chương trình của Năm Đức Tin. Đã có khoảng 120.000 vé tham dự vào ngày lễ Lễ Ngũ Tuần (lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) do Đức Thánh Cha chủ sự đã được phát ra.
Cha Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm hóa cho biết: “Chúng tôi chọn ngày lễ Ngũ Tuần để làm nổi bật sự hiện diện của tất cả các phong trào, các cộng đoàn mới, các hiệp hội giáo dân và vai trò của các giáo hội địa phương khác nhau có mặt trong Giáo hội. Đây là những dấu hiệu phản ánh sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh hướng dẫn công việc rao giảng Tin Mừng trong Giáo hội của Ngài.”
Vào cuối tuần này sẽ có hơn 150 phong trào khác nhau trên khắp thế giới tập trung tại Roma. Trong số đó, sẽ có phong trào Công giáo tiến hành, cộng đoàn Hiệp thông và giải phóng, phong trào Focolare, Cộng đoàn thánh Egidio và Con đường tân tòng và nhiều nhiều phong trào khác được sinh ra ở Mỹ, Argentina, Brazil, Congo, Ấn Độ và Triniđa cũng sẽ có mặt trong ngày này.
Cha Rino Fisichella nói tiếp: “Sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến, chúng tôi sẽ khởi đầu buổi gặp gỡ bằng những lời cầu nguyện. Sau đó chúng tôi sẽ cử hành việc tôn kính Đức Mẹ và tiếp đó là đọc một bài Phúc  Âm.”
Ngày Chúa Nhật, dự kiến sẽ có hàng ngàn người tham dự tại quảng Trường Thánh Phêrô. Sẽ có một khu vực đặc biệt dành cho bệnh nhân. Cũng sẽ có một thông dịch viên dành cho người khiếm thính để mọi người có thể tham gia cách tích cự vào các nghi lễ.
2. Hãy cầu nguyện cho các linh mục, giám mục để chúng tôi trở nên những mục tử chứ không phải là sói
Theo Romereports, Đức Thánh Cha thường yêu cầu mọi người cầu nguyện cho ngài. Trong thánh lễ hôm thứ Tư vừa rồi, Đức Thánh Cha cũng ngỏ lời mọi người cầu nguyện cho các giám mục và các linh mục để họ trở nên những mục tử nhân lành. Đức Thánh Cha cũng cảnh báo các giám mục, linh mục về những tai hại nếu các ngài gắn liền mình với sự giầu có và nổi tiếng.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi đọc bản văn Kinh Thánh này, các bạn hãy cầu nguyện cho chúng tôi, các giám mục và các linh mục. Chúng tôi cần lời cầu nguyện để có thể trung thành với ơn gọi của chúng tôi. Để các ngài là những người có thể coi sóc đàn chiên của chúng ta. Để làm được điều này, trái tim các ngài phải luôn hướng theo đàn chiên của mình. Các bạn cũng cầu nguyện để Thiên Chúa gìn giữ chúng tôi khỏi những cám dỗ, bởi nếu chúng tôi đi theo con đường giầu có, nếu chúng tôi theo con đường hư không, chúng tôi sẽ trở thành những con sói chứ không phải là người chăn chiên.”
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha cũng tham chiếu từ thư thánh Phaolô và kêu gọi các Kitô hữu phải cảnh giác cũng như phải trở nên dụng cụ của Chúa Thánh Thần.
Đức Thánh Cha Phanxicô: Hãy cầu nguyện cho các giám mục, linh mục để họ trở thành những mục tử nhân lành. Ảnh google
3. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp bốn đại sứ mới: Trung tâm của chính sách kinh tế phải là đạo đức
Theo Romereports, sáng thứ Năm, 16.5.2013, tại hội trường Clementê của Vatican Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón bốn đại sứ mới tại Tòa Thánh. Bốn đại sứ của các nước Kyrgyzstan, Antigua và Barbuda, Luxembourg và Botswana.
Trong cuộc gặp ngắn ngủi với các đại sứ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về cuộc khủng hoảng kinh tế mà nhiều quốc gia đang gặp phải. Ngài giải thích rằng, một cuộc khủng hoảng đạo đức là nguyên nhân gây ra một nền kinh tế như hiện nay.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo tôi là xuất phát từ mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc. Chúng ta đã chấp nhận sức mạnh của tiền bạc trên bản thân và xã hội của chúng ta.”
Đức Thánh Cha giải thích rằng, tiền bạc đã trở thành một loại thần tượng, còn con người bị giảm xuống chỉ còn là một mặt hàng.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúng ta đã tạo ra những thần tượng mới. Sự thờ phượng con bò vàng xưa kia ngày nay mang một hình ảnh mới khi vô tâm sùng bái tiền bạc, các chế độ độc tài của nền kinh tế chưa lộ diện và thiếu mục tiêu nhân đạo.”
Vì vậy Đức Thánh Cha khuyến khích bốn đại sứ giúp các chính trị gia xây dựng một hệ thống kinh tế ổn định ơn trên đất nước của họ. Một hệ thống mà theo ngài có thể thúc đẩy những lợi ích chung.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp: “Về phần mình, Giáo hội luôn hoạt động cho sự phát triển không thể thiếu của con người. Trong ý nghĩa này, ngài nhắc lại rằng, lợi ích chung không nên được xem như một cái gì đó thêm vào hoặc một chương trình hoặc một đề án mang tính lý thuyết gắn liền với hoạt động chính trị.”
Được biết, hiện nay Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 179 quốc gia
4. Tỷ lệ phát triển Công giáo giữa Châu Á và Châu  Âu ngày một khác
Theo Ucan, Ở châu Á và châu Phi người Công giáo đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, theo số liệu do Vatican phát hành hôm 13-5, trong khi ở châu  Âu, châu Đại Dương các châu Mỹ lại không tăng, thậm chí còn giảm.
Số liệu thống kê còn cho thấy số người Công giáo ở châu Á tăng nhanh hơn dân số toàn cầu nhiều. Từ năm 2010-2011, khu vực này chứng kiến số người Công giáo tăng 2% so với 1,2% dân số toàn cầu. Ở châu Phi cũng ghi nhận những số liệu tương tự, trong khi ở những nơi còn lại trên thế giới tỷ lệ phát triển của người Công giáo giống với tỷ lệ phát triển dân số.
Các châu Mỹ vẫn là khu vực đông Công giáo nhất, chiếm gần phân nửa dân số toàn cầu.
Xu hướng phát triển của Giáo hội ở châu Á và châu Phi còn được phản ánh qua số linh mục và chủng sinh. Trong khi ở châu Âu giảm khoảng gần 10% trong thập niên qua, ở châu Phi số linh mục và chủng sinh tăng 39,5% từ năm 2000 và châu Á tăng 32%.
Xu hướng này có thể tăng nhanh trong những năm tới, đặc biệt là số ứng viên linh mục đang ngày càng hiếm ở châu  Âu và các châu Mỹ. Trong khi châu Á và châu Phi hiện nay chiếm gần 1 trong 4 linh mục tương lai trên thế giới, so với 1 trong 6 cách đây 10 năm.
Đối với nữ tu trong Giáo hội có xu hướng khác. Số nữ tu giảm đi khoảng gần 10% từ năm 2001, trong năm 2011 chỉ có 713.000 so với 792.000 cách đó 10 năm. Con số này giảm mạnh ở châu  Âu, châu Đại Dương và các châu Mỹ, nhưng cho dù số nữ tu ở châu Á và châu Phi tăng nhanh cũng không thể bù đắp xu hướng này.
 PV. VRNs

Không có nhận xét nào: