CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Bản Tin Giáo Xứ Công Lý SỐ 14.A CHÚA NHẬT 8 Thường Niên Năm A 26-02-17




Lời Chúa : (33) Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. (Mt 6, 33)
Lời Chúa : Is 49,14-15; 1Cr 4,1-5; Mt 6, 24-34

ĐẶT THIÊN CHÚA VÀO CHỖ TỐI THƯỢNG
Văn Hào, SDB
Vào năm 1911, nước Anh đã cho hạ thủy con tầu Titanic, chiếc tầu hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Người ta quy tập những kỹ sư tài giỏi để thiết kế và trang bị con tầu với những vật dụng tối tân nhất để con tầu xứng đáng được mệnh danh là ‘Không thể chìm’ (unsinkable boat). Trên thành tầu, người ta treo một tấm bảng lớn với khẩu hiệu ngạo nghễ ‘There is no God’ (ở đây không có Thiên Chúa). Thế rồi, con tầu đã va vào một tảng băng ngầm và từ từ chìm sâu giữa lòng đại dương bao la trước con mắt kinh hoàng của gần hai ngàn du khách. Chỉ có vài trăm phụ nữ và trẻ em được cứu sống nhờ những chiếc thuyền cứu hộ. Toàn bộ số hành khách còn lại đã bị chôn sống giữa biển khơi mênh mông.
Biến cố về con tầu lịch sử này là một minh chứng cho chúng ta thấy rằng khi con người chối bỏ Thiên Chúa, họ đang đi đến chỗ hủy diệt.
Đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng (in primacy)
Bài Tin mừng hôm nay bắt đầu với lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa Giêsu : “Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Chúa đã mạnh mẽ và quyết liệt tuyên chiến với tiền bạc. Khi người ta thượng tôn tiền bạc, đặt của cải làm thước đo mọi giá trị, họ sẽ từ từ khai tử Thiên Chúa. Tiền bạc như một thứ ngẫu tượng cuốn hút tất cả mọi người không loại trừ ai. Khi con người chạy theo nó, tôn sùng nó, họ sẽ rơi vào tội thờ ngẫu tượng (idolatry) giống như dân Do Thái đã tôn thờ con bò vàng năm xưa.
Có lần Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh báo những nguy cơ làm xói mòn đức tin của các tín hữu và biến chúng ta trở thành những kẻ vô thần trong thực hành, đó là sống theo chủ nghĩa duy vật (materialism), sống theo chủ nghĩa hưởng thụ (consumerism) và sống theo chủ nghĩa tục hóa (secularism). Sống theo chủ nghĩa duy vật là phải làm sao kiếm được thật nhiều tiền bằng bất cứ giá nào, bất chấp những quy luật luân lý, và bóp nghẹt ngay cả tiếng nói của lương tâm. Nguy cơ này tấn công tất cả mọi người chúng ta, từ giáo dân đến các linh mục hay tu sỹ.
Cũng vậy, nếp sống hưởng thụ cũng là một hình thái của chủ nghĩa vô thần. Nhiều bạn trẻ thời nay vẫn hay đề cao khẩu hiệu ‘Cứ việc ăn cho đã, ngủ cho sướng, chơi bời cho thỏa thích’. Não trạng sống hưởng thụ như thế đang dần biến chúng ta trở thành những con người vô thần và từ từ gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, giống như khẩu hiệu người ta trưng ra trên con tầu Titanic năm xưa ‘Ở đây không có Thiên Chúa”.
Chủ nghĩa tục hóa là hệ quả của 2 lối sống trên. Khi sống hưởng thụ và đề cao tiền bạc, con người chẳng còn thiết tha đến việc cầu nguyện hướng về Thiên Chúa. Mọi sinh hoạt hằng ngày chỉ được phủ bao bằng một lớp vỏ thế tục mà thôi. Việc cầu nguyện từ từ trở nên lạc lõng và sẽ bị rơi dần vào quên lãng. Vì vậy, lời cảnh báo của Chúa Giêsu hôm nay không phải chỉ là một sự nhắc nhở, nhưng còn là một lời tuyên chiến mạnh mẽ, đặc biệt đối với những ai muốn trở thành môn đệ của Chúa một cách đích thực.
Đừng lo lắng về ngày mai

Khi chúng ta đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng, tâm hồn chúng ta sẽ tìm được sự an bình, bởi vì ‘Chúa là núi đá nơi con nương ẩn’ (Tv 94,16). Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ không phải là một vị thần khắc nghiệt ở tít trên cao, trái lại, Ngài là một người Cha nhân hậu và phủ bóng yêu thương trên tất cả, người tốt cũng như kẻ xấu. Chúa Giêsu còn dùng hai hình ảnh rất dung dị về những cánh chim trời và bông hoa ngoài đồng để nhắc cho chúng ta giáo huấn này.
Nhìn vào thực tế, ai cũng phải bươn chải để kiếm sống. Nhu cầu cơm áo gạo tiền là nhu cầu rất cụ thể hằng ngày. Từ chỗ cần tiền đến chỗ làm bất cứ điều gì để có tiền, chỉ cách nhau một bước chân.
Có lẽ nhiều người nghĩ rằng điều Chúa nói hôm nay – ‘Đừng lo lắng về ngày mai’ – chỉ là lý thuyết và không sát thực tế. Song, nếu đi sâu vào giáo huấn của Chúa dưới ánh sáng Thập giá, chúng ta mới có thể cảm thấu những chân lý sâu xa mà Chúa muốn diễn bày. “Hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người… Đừng lo lắng về ngày mai. Ngày nào có sự khốn khó của ngày đó”.

Tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, không phải là một thái độ ỷ lại trong biếng nhác, nhưng chính là tinh thần làm việc không mệt mỏi để kiếm tìm những giá trị trường tồn, chứ không phải hướng đến những của cải chóng qua. Thánh Augustinô đã nói: “Điều linh thánh nhất trong mọi điều linh thánh, là làm việc vì thiện ích các linh hồn. (Divinissimum divinorum est opere ad lucrum animarum).
Kết luận Trong tập sách ‘Lạy Chúa, tại sao Ngài vẫn thinh lặng’, Cha Giuse Đinh Thanh Bình, SDB có ghi lại cảm nghiệm của Ngài để chia sẻ với chúng ta. Tác giả viết:
“Vào năm 1986, khi nghe tin bố tôi qua đời, tâm hồn tôi chết lặng. Một người cha mà tôi hết lòng quý mến đã không còn nữa. Hai tháng sau, khi niềm đau chưa nguôi, tôi lại nhận được một hung tin khác như sét đánh ngang tai – Em trai tôi chết trong một tai nạn giao thông khủng khiếp.
Từ phương trời xa, tôi gào thét, vật vã trong đau đớn tột cùng. Đây là đứa em trai mà cả gia đình tôi đều thương yêu và đặt trọn niềm hy vọng. Cả một bầu trời như sụp đổ dưới chân tôi. Cho đến hôm nay, khi mẹ tôi nhắc đến bố và em trai tôi, bà vẫn khóc. Sau khi em tôi chết, tôi vào nhà thờ một mình lúc tan lễ, khi không còn một bóng người. Tôi đứng dưới chân Thánh giá và gào thét thật lớn : “Chúa ơi, sao Chúa gửi đến cho con những đau khổ lớn lao và dồn dập như vậy?”.
Đáp lại câu hỏi của tôi chỉ có một sự tĩnh lặng hoàn toàn. Trên thập giá, Chúa không nói gì, đôi mắt Chúa nhắm nghiền và đôi tay vẫn luôn giang rộng. Suốt 2000 năm qua, Chúa vẫn mãi lặng thinh như thế, nhưng qua sự im lặng ấy, tôi biết Chúa vẫn đang nói, đang trả lời cho câu hỏi của tôi”.
Tôi cảm nhận rằng Chúa vẫn luôn thương yêu tôi. Chúa luôn quan phòng che chở cho tôi. Tôi còn cao quý hơn những con chim sẻ hay những cánh hoa đồng nội. Chúa luôn mời gọi tôi hãy đặt Ngài vào chỗ tối thượng, và Chúa còn nói với tôi ngày hôm nay: “Đừng lo lắng về ngày mai… Ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy”.
Xin Chúa dạy con luôn biết tín thác, cho dù cuộc sống con có tràn ngập cay đắng hay bầm dập. Đừng lo lắng chi cả. Quả thật, ngày nào vẫn luôn có sự khốn khổ của ngày đó.
GIÁO LÝ :  Mục vụ gia đình: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân

§  Câu Giáo lý 351: H./ Khi một trong hai người phối ngẫu không phải là công giáo, cả hai phải làm gì?  T./ Khi người công giáo kết hôn với một người đã được rửa tội ngoài công giáo, thì cả hai cần có phép của thẩm quyền Hội Thánh; Còn khi kết hôn với người không được rửa tội, thì cả hai cần có phép chuẩn [345].

Cầu nguyện như phương thế tha thứ cho kẻ thù
ROMA. ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy cầu nguyện như phương thế thực thi lời Chúa Giêsu dạy phải tha thứ cho kẻ thù.
ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (Mt 5,38-48) trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy ”nên thánh như Cha các con trên trời là Đấng Thánh, và hãy tha thứ cầu nguyện cho những người bách hại các con”.
Ngài nói: ”Tôi đề nghị anh chị em hãy bắt đầu từ điều nhỏ. Tất cả chúng ta đều có kẻ thù; tất cả chúng ta đều biết người này người kia nói xấu mình, hoặc oán ghét mình... Tôi gợi ý với anh chị em: hãy dành một phút hướng về Chúa và nói: ”Người này người kia là con Chúa, xin Chúa thay lòng đổi dạ họ. Xin Chúa chúc lành cho họ”. Hành động này gọi là cầu nguyện cho những người không thích các con, cầu nguyện cho kẻ thù... Có lẽ oán hận vẫn còn trong chúng ta, nhưng chúng ta đang cố gắng đi theo con đường của Chúa là Đấng nhân lành, từ bi, thánh thiện, trọn hảo”.

MỞ MẮT RA BẠN MUỐN THẤY GÌ? Lm. Dân Chài


 Mấy thằng bạn ngồi chém gió với nhau:
Đứa đạo đức nói: - Tớ mở mắt ra là nhìn thẳng lên tường nơi có bàn thờ để tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã cho tớ ngủ một giấc ngủ an lành.
Đứa tích góp nói: - Tớ mở mắt ra là nhìn vào ngay cái két sắt ở bên giường, nó an toàn thì tớ cũng bình an.

 Đứa làm nghề tài xế: - Tớ mở mắt ra mà không thấy mình đang ngồi lái xe, hay không nằm trong bệnh viện là tớ mừng lắm rồi.
Đứa bị chột nói: - Tớ mở mắt ra mà nhìn được bằng cả 2 con mắt thì đó là phép lạ, là hạnh phúc mà tớ mong ước.
Tên trộm lành nói: - Tớ mở mắt ra mà thấy ông thánh Phê-rô cho qua cửa là niềm hy vọng lớn nhất đời tớ.


Thứ tư Lễ Tro: HÃY XÉ LÒNG TGM Ngô Quang Kiệt

Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Nghi thức này bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do Thái. Trong Cựu Ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do Thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.
 Cựu Ước nói nhiều đến tập tục này. Nhưng dễ nhớ nhất là truyện dân thành Ninivê. Ninivê là một thành phố lớn. Nhưng dân chúng ăn chơi truỵ lạc, phạm nhiều tội lỗi. Thiên Chúa muốn tiêu diệt thành này. Trước khi phạt, Chúa sai ngôn sứ Giona đến báo động. Ngh vị ngôn sứ này nói Chúa sắp trừng phạt, dân thành sợ hãi bảo nhau bỏ đàng ăn chơi tội lỗi, tha thiết ăn chay cầu nguyện, mặc áo vải thô, ngồi trên đống tro. Thấy dân chúng có lòng ăn năn sám hối, Chúa đã tha phạt cho thành.
 Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi. Tội nhân tự nhận mình không xứng đáng được kính trọng, chỉ xứng đáng với tro bụi nhơ bẩn, với áo rách tồi tàn, đáng bị khinh miệt, bị chà đạp như cát bụi bên đường.
 Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích. Cuộc đời giống như manh áo, hôm qua còn mới đẹp, hôm nay đã cũ kỹ xấu xí, hôm qua còn lành lặn, hôm nay đã sờn rách.
 Như thế, việc xức tro và xé áo có một nội dung ý nghĩa rất sâu xa. Nhưng với thời gian, do những cử hành máy móc, các việc này dần dần rơi vào thái độ hình thức bên ngoài. Người ta làm cho qua lần chiếu lệ, chẳng còn có ý thức thống hối. Chính vì thế, ngôn sứ Giôen đã kêu gọi dân chúng: “Hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2,12b-13a).

Nghi thức phải diễn tả tâm tình thì việc cử hành mới có ích lợi. Việc xức tro sẽ vô ích nếu trong lòng ta không dâng lên tâm tình sám hối. Việc xé áo sẽ trở thành giả dối nếu tâm hồn ta không tan nát vì hối hận tội lỗi.
 Xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn. Hãy xức tro vào tâm hồn cho tâm hồn xót xa đau đớn vì tội lỗi. Hãy xức tro vào thói kiêu căng để nó biết hạ mình xuống trong khiêm nhường bé nhỏ. Hãy xức tro vào thói phô trương để nó biết chìm vào âm thầm nghèo hàn. Hãy xức tro vào thói hận thù ghen ghét để nó đau đớn vì đã không biết yêu thương. Hãy xức tro vào những mối chia rẽ bất hoà để tẩy sạch vết thương, hàn gắn tình hiệp nhất. Hãy xức tro vào tính ích kỷ để nó biết mở ra chia sẻ. Hãy xức tro vào thói lười biếng để nó tỉnh thức chăm lo việc đạo đức. Xức tro như thế có khác gì xát muối vào lòng, sẽ gây nên đau đớn xót xa, nhưng sẽ tẩy rửa linh hồn nên trong trắng.
 Xé áo chẳng có ích lợi gì nếu ta không xé lòng ra. Lòng ta bấy lâu đã gắn bó với tội lỗi. Tội lỗi ăn sâu dính chặt hầu như trở thành một phần của tâm hồn. Muốn dứt lìa tội lỗi, phải xé nó ra.
Hãy xé lòng ra khỏi những đam mê dục vọng bất chính. Hãy xé lòng ra khỏi thói tham lam tiền bạc.
Hãy xé lòng ra khỏi thói nô lệ danh vọng chức quyền.
Hãy xé lòng ra khỏi thói ham mê ăn uống, rượu chè, cờ bạc.
Hãy xé lòng ra khỏi thói tự mãn tự tôn. Biết bao thứ đã trở thành thiết thân. Những quan hệ, những tiền bạc của cải, những chức tước danh vị, những thú ăn chơi, những tự ái, những giận hờn, tất cả đã gắn chặt vào đời ta. Giờ đây phải xé nó ra. Đau đớn lắm. Vết thương sẽ nặng lắm. Máu sẽ chảy nhiều lắm. Nhưng khi đã cắt bỏ được hết những ung nhọt độc hại, linh hồn sẽ nhẹ nhàng, trong sạch và lớn mạnh vì được đầy tràn ơn phúc và tình yêu của Chúa.
 Lạy Chúa, xin hãy ban thêm sức mạnh cho con, để mùa Chay năm nay con thực sự biết xức tro vào tâm hồn, biết xé tâm hồn trong đau đớn vì tội lỗi. Lạy Chúa, xin đổi mới tâm hồn con. Amen.

ĂN CHAY, KIÊNG THỊT TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO 
Linh mục. Đoàn Quang, CMC 
1. Xin cho biết Mục đích và Ý nghĩa việc ăn chay kiêng thịt trong GHCG: Ăn chay là hình thức đền tội của Cựu Ước và Tân Ước.       
Chúa Giêsu giữ chay 40 đêm ngày để làm gương cho các tín hữu.
Trong GHCG, ăn chay kiêng thịt có mục đích và ý nghĩa như sau:
    1/ Bỏ mình, hãm mình, hi sinh, đền tội, dẹp tính mê ăn uống, đó là một trong 7 mối tội đầu (Thứ 5 Kiêng bớt chớ mê ăn uống).  
    2/ Tỏ lòng Sám hối tội lỗi,  
    3/ Thông cảm Sự Thương khó của Chúa Kitô.      
Mỗi người chúng ta, chẳng ai là không phải đền tội, tội đầy đầu trong tư tưởng, lời nói, việc làm sai, thiếu sót bỏ  không làm việc tốt phải làm..."lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng".
Do đó, nếu Giáo hội không buộc ăn chay kiêng thịt, thì tự mình cũng nên tìm cách hãm mình đền tội cách nhẹ ở đời này, hơn là để đền tội "cách nặng" trong luyện ngục đời sau!
2. GHCG dạy ăn chay kiêng thịt bao nhiêu lần trong một năm?
     a-Giáo hội toàn cầu chọn các  Thứ Sáu quanh năm làm ngày đền tội (Gl khoản 1250), nhưng để tùy mỗi Giáo hội địa phương xác định ăn chay kiêng thịt, Hội đồng Giám mục được chọn hình thức khác thay thế.
    b-Giáo hội chỉ buộc các giáo dân toàn cầu ăn chay và kiêng thịt một năm  2 lần (Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh)(Gl 1251).
c-Cũng khoản 1251 này, Giáo hội dạy: " Vào các ngày thứ sáu , nếu không trùng với ngày lễ Trọng, thì phải kiêng thịt hay kiêng một thức ăn khác theo Hội đồng Giám mục đã qui định (Gl 1253)".
3. Mấy tuổi thì ăn chay, kiêng thịt?   
- 18 tuổi trọn tới hết 59 là tuổi ăn chay (Gl 1252).    
- 14 tuổi trọn (không nói kết thúc, nghĩa là trọn đời) là tuổi kiêng thịt.(Gl 1215)     
4. Cách ăn chay: Được ăn một bữa trưa no (nếu bữa trưa là bữa chính, thì bữa sáng và bữa chiều cũng được ăn ít hơn bữa trưa.
Phẩm và lượng đồ ăn tùy phong tục địa phương (Đức GH Phaolô VI, Tự Sắc về Đền tội Paenitemini ngày 17.2.1966).     
Nhưng trong ngày chay không được ăn vặt như kẹo, bánh v.v.
Cần để ý đến tinh thần hi sinh, hãm mình, khắc khổ, tự chế.            
5. Cách kiêng thịt:  Kiêng các thứ thịt loài vật máu nóng (loài có vú và chim) kể cả bộ lòng...
Nhưng được ăn trứng và các thứ biến chế từ sữa, được ăn những đồ gia vị, những thứ biến chế từ mỡ loài vật (Paenitemini 3,1).
Được ăn cháo lỏng có mùi thịt (meat gravy and sauces). (Catholic Alamnac 1989 Coi Abstinence).
6. Được tha giữ chay:    - Giáo hội không buộc người không thể giữ những luật buộc như ăn chay, kiêng thịt. Giáo hội tha chung cho những người sau: 
a/Những người vì sức khỏe, bệnh nhân...
b/Những người phải làm việc nặng nhọc,
c/Những người nghèo khó vẫn khổ sở vì đói,
d/Những người được cha xứ, Bề trên Dòng, Giám mục tha (Gl 1245)
7.Được tha kiêng thịt: a/ Tha chung Ngày Thứ Sáu gặp lễ Trọng (Gl 1251) (ví dụ lễ Thánh Cả Giuse trong mùa Chay 2010, nhưng nếu địa phương cứ giữ "kiêng thịt ", thì cứ theo địa phương.
    b/ Người vì sức khỏe, hay công việc nặng nhọc cần phải ăn thịt,
    c/ Người mà chủ nhà, chủ nhân, nhà thương không cho đồ ăn khác...
Ngoài ra, ai cần tha thì xin phép linh mục xứ, cộng đoàn nơi mình đang ở.
Sứ điệp Mùa Chay 2017 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Dưới đây là toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2017. Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An.
Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân.

Anh Chị Em thân mến,
Mùa Chay là một khởi đầu mới, là một con đường dẫn đến mục tiêu nhất định là lễ Phục Sinh, là chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết. Mùa Chay khẩn thiết kêu gọi chúng ta hoán cải. Kitô hữu được yêu cầu quay về với Thiên Chúa “với tất cả tâm hồn họ” (Joel 2:12), để từ khước việc hài lòng với những điều tầm thường và lớn lên trong tình bạn với Chúa. Chúa Giêsu là người bạn trung thành, là người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngay cả khi chúng ta phạm tội, Ngài kiên nhẫn chờ đợi sự trở lại của chúng ta; và qua sự trông đợi kiên nhẫn như thế, Chúa cho chúng ta thấy sự sẵn sàng tha thứ của Ngài (x Bài giảng, 08 tháng 1 năm 2016).
Mùa Chay là mùa thuận lợi cho việc đào sâu đời sống tinh thần của chúng ta qua các phương tiện thánh hóa mà Giáo Hội mang đến cho chúng ta như ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Cơ sở của tất cả những điều này là Lời Chúa, mà trong suốt mùa này, chúng ta được mời gọi lắng nghe và suy ngẫm sâu sắc hơn. Giờ đây tôi muốn suy tư trên dụ ngôn người đàn ông giàu có và ông Ladarô (Lc 16: 19-31). Chúng ta hãy để mình được linh hứng trong câu chuyện đầy ý nghĩa này, vì nó mang lại chìa khóa để hiểu những gì chúng ta cần phải làm để đạt được hạnh phúc chân thật và sự sống đời đời. Câu chuyện này khích lệ chúng ta hãy chân thành hoán cải.
Tha nhân là một hồng ân
Dụ ngôn bắt đầu bằng việc giới thiệu hai nhân vật chính. Người đàn ông nghèo được mô tả chi tiết hơn: ông đã thê thảm đến mức không còn sức để đứng dậy. Nằm trước cửa nhà người đàn ông giàu có, ông sống nhờ những mảnh bánh vụn rơi xuống từ bàn của người nhà giàu. Người ông đầy những vết lở lói và chó đến liếm các vết thương của ông (x. 20-21). Đây là một hình ảnh thật quá khổ đau; nó mô tả một con người bất hạnh và đáng thương.
Cảnh này thậm chí còn gây ấn tượng hơn nữa nếu chúng ta để ý rằng con người nghèo khổ này được gọi là Ladarô: một cái tên đầy hứa hẹn, Ladarô có nghĩa là “Thiên Chúa hộ trì”. Nhân vật này không phải là vô danh. Danh tính của ông được mô tả rõ ràng và ông xuất hiện như là một cá nhân với câu chuyện của mình. Trong khi ông hầu như là vô hình đối với người giàu có, chúng ta nhận ra ông như một ai đó quen thuộc. Ông trở thành một khuôn mặt, và như thế là một hồng ân, một kho tàng vô giá, một con người mà Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc, mặc dù tình hình cụ thể của ông không hơn gì một kẻ bị ruồng bỏ (x Bài giảng, ngày 08 Tháng 1 2016).
Ladarô dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Tương quan đúng đắn với con người bao gồm việc nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn. Ngay cả một người nghèo nơi cổng nhà của người giầu cũng không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi hoán cải và thay đổi cuộc sống. Dụ ngôn này trước hết mời gọi chúng ta mở cửa lòng mình cho tha nhân vì mỗi người đều là một hồng ân, dù cho người ấy là láng giềng của chúng ta hay một người ăn xin vô danh. Mùa chay là mùa thuận tiện để mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Mỗi người trong chúng ta gặp gỡ những người như thế mỗi ngày. Mỗi cuộc sống mà chúng ta gặp gỡ phải là một ân sủng đáng được đón nhận, tôn trọng và yêu thương. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự sống, nhất là khi sự sống ấy yếu ớt và mong manh. Nhưng để làm được như thế, chúng ta phải suy tư nghiêm chỉnh về những gì Phúc Âm nói với chúng ta về người giầu có.
Tội lỗi làm chúng ta đui mù 
Dụ ngôn mô tả không thương tiếc những điều ngược lại khi nói về người đàn ông giàu có (x v. 19). Không giống như anh Ladarô nghèo, ông không có một cái tên; ông chỉ đơn giản được gọi là “một người đàn ông giàu có”. Sự sang trọng của ông đã được nhìn thấy nơi chiếc áo choàng lộng lẫy và đắt tiền. Vải màu tím thậm chí còn quý hơn vàng và bạc, và do đó đã được dành cho các thần linh (Giêrêmia 10: 9) và các vị vua (x. Thủ Lãnh 8:26), trong khi vải len mịn được dành cho một nhân vật gần như là thánh thiêng. Người đàn ông rõ ràng phô trương về sự giàu có của mình, và có thói quen biểu diễn nó hàng ngày: “ông ngày ngày yến tiệc linh đình” (câu 19). Nơi ông, chúng ta có thể thoáng thấy sự băng hoại của tội lỗi, tiến triển qua ba giai đoạn kế tiếp nhau: yêu mến tiền của, phù hoa và tự hào (x Bài giảng, ngày 20 tháng 9 2013).
Thánh Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta rằng “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tim 6:10). Đây là nguyên nhân chính của tham nhũng và một nguồn mạch dẫn đến ghen tị, xung đột và nghi ngờ. Tiền bạc có thể thống trị chúng ta, thậm chí đến mức nó trở thành một thứ ngẫu tượng độc tài (cf. Evangelii Gaudium, 55). Thay vì là một khí cụ phục dịch chúng ta để làm điều thiện và thể hiện tình đoàn kết với người khác, tiền bạc có thể xiềng xích chúng ta và cả thế giới vào một thứ luận lý ích kỷ không còn chỗ cho tình yêu và gây trở ngại cho hòa bình.
Dụ ngôn sau đó cho thấy sự tham lam của người đàn ông giàu có làm cho ông ta ra hư không. Tính cách của ông ta được thể hiện qua dáng vẻ bề ngoài, nơi việc khoe khoang cho người khác thấy những gì ông có thể làm. Nhưng vẻ bề ngoài ấy chỉ che đậy một sự trống rỗng bên trong. Trong cuộc đời mình, ông chỉ là một tù nhân cho dáng vẻ bên ngoài, cho các khía cạnh hời hợt và phù du nhất của đời người (x. thượng dẫn., 62).
Bậc thấp nhất của sự suy thoái đạo đức này là niềm tự hào. Người đàn ông giàu có này ăn mặc như một vị vua và hành xử như một vị thần, mà quên rằng ông chỉ đơn thuần là một sinh linh hay chết. Đối với những người bị băng hoại vì mê mải sự giàu sang, không có gì tồn tại ở ngoài cái tôi của riêng họ. Những người xung quanh không có trong tầm mắt họ. Hậu quả của việc bo thiết với tiền bạc là một loại mù lòa. Người đàn ông giàu này không thấy những người nghèo, những người đang đói, đang bị thương, nằm ở cửa nhà mình.
Nhìn vào nhân vật này, chúng ta có thể hiểu tại sao Tin Mừng thẳng thừng lên án lòng yêu mến tiền của: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6:24).
Lời Chúa là một hồng ân
Trình thuật Phúc Âm về người đàn ông giàu có và anh Ladarô giúp chúng ta chuẩn bị tốt để tiến tới Lễ Phục Sinh. Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro mời gọi chúng ta đến với một kinh nghiệm khá tương tự như kinh nghiệm của người đàn ông giàu có. Khi linh mục đặt tro trên đầu chúng ta, ngài lặp lại những lời này: “Hãy nhớ rằng mình là tro bụi, một mai rồi sẽ trở về bụi tro”. Cuối cùng, cả người đàn ông giàu có và người nghèo đều qua đời, và phần quan trọng của dụ ngôn này nằm ở đoạn nói về những gì diễn ra ở thế giới bên kia. Hai nhân vật đột nhiên phát hiện ra rằng “chúng ta đã chẳng mang gì vào cõi đời này, thì cũng chẳng mang ra được gì” (1 Tm 6: 7).
Chúng ta cũng thấy những gì xảy ra ở thế giới bên kia. Ở đó người đàn ông giàu có nỉ non cùng Abraham, là người mà ông gọi là “cha” (Lc 16: 24,27), như một dấu chỉ cho thấy ông ta thuộc về dân Chúa. Chi tiết này làm cho cuộc sống của ông ta xem ra mâu thuẫn đến tột cùng, vì cho đến thời điểm này, chưa hề có chỗ nào đề cập về mối quan hệ của ông với Thiên Chúa. Trong thực tế, không có chỗ cho Thiên Chúa trong cuộc sống của ông. Thần minh duy nhất của ông là chính mình.
Người đàn ông giàu có chỉ nhận ra Ladarô giữa những đau khổ của thế giới bên kia. Ông muốn người đàn ông nghèo này làm giảm bớt đau khổ của mình bằng một giọt nước. Những gì ông van xin Ladarô cũng tương tự như những gì ông đã có thể làm nhưng không bao giờ làm. Abraham nói với ông: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.” (c. 25). Trong thế giới bên kia, một loại công lý đang được phục hồi và những điều bất hạnh trong cuộc đời được cân bằng bởi điều tốt lành.
Dụ ngôn tiếp tục với việc đưa ra một thông điệp cho tất cả các Kitô hữu. Người đàn ông giàu có xin Abraham gửi Ladarô về cảnh báo các anh em của mình, là những người vẫn còn sống trên dương thế. Nhưng Abraham trả lời: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (câu 29). Bác bỏ lời phản đối của người đàn ông giàu có, Abraham nói thêm: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (câu 31)..
Vấn đề thực sự người đàn ông giàu có vì thế được đặt lên hàng đầu. Cội rễ của tất cả căn bệnh của ông là sự thất bại không chú ý đến lời Thiên Chúa. Kết quả là, ông không còn yêu mến Thiên Chúa và càng ngày càng coi thường người láng giềng của mình. Lời Chúa sống động và mạnh mẽ, có khả năng chuyển đổi trái tim và dẫn chúng ta trở về với Chúa. Khi chúng ta đóng kín con tim chúng ta trước hồng ân Lời Chúa, chúng ta cũng đóng kín con tim của chúng ta trước ân sủng là các anh chị em của chúng ta.
Anh chị em thân mến, 
Mùa Chay là mùa thuận lợi cho việc đổi mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô, cho việc sống trong lời Ngài, trong các phép bí tích và nơi những người láng giềng của chúng ta. Chúa, là Đấng đã chiến thắng sự lừa dối của tên cám dỗ trong bốn mươi ngày trong sa mạc, chỉ cho chúng ta thấy con đường chúng ta phải đi. Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào một cuộc hành trình thực sự của hoán cải, qua đó chúng ta có thể tìm lại hồng ân lời Chúa, được thanh tẩy khỏi những tội lỗi làm mờ mắt chúng ta, và phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi những anh chị em cùng quẫn của chúng ta. Tôi khuyến khích tất cả các tín hữu thể hiện tinh thần đổi mới này bằng cách chia sẻ trong các Chiến dịch Mùa Chay được thúc đẩy bởi nhiều tổ chức Giáo Hội tại những miền khác nhau trên thế giới, và nhờ thế sẽ làm thuận lợi cho nền văn hóa gặp gỡ trong cùng một gia đình nhân loại của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để khi chia sẻ trong chiến thắng của Chúa Kitô, chúng ta có thể mở cửa lòng chúng ta đối với người yếu thế và người nghèo. Khi đó chúng ta sẽ có thể trải nghiệm và chia sẻ đầy đủ niềm vui Phục Sinh.
Từ Vatican, ngày 18 tháng 10 năm 2016
Lễ Thánh Luca Tông Đồ Thánh Sử
LŨ TRỘM VÀ CON LỪA
Có hai tên trộm đánh nhau vì con lừa mới lấy cắp được. Một kẻ muốn giữ nó lại, tên kia lại muốn bán nó đi. Hai bên lời qua tiếng lại mãi rồi xáp vào đánh nhau, thì có tên kẻ trộm thứ ba xuất hiện tự xưng là ông chủ của con lừa. Thế là con lừa giống như một mảnh đất đáng thương bị tranh giành bởi các vị hoàng tử của các nước. Món hàng giờ đây đã bị chia làm ba thay vì làm hai phần như lúc đầu. Rồi cuối cùng chẳng ai trong số họ lấy được trọn vẹn phần chia của mình, vì lại có tên kẻ trộm thứ tư xuất hiện và đòi chia phần.
Sống trên đời tranh giành với nhau cái, vốn không là của mình, chỉ là trò cười cho thiên hạ mà thôi.

TỰ LÀM NƯỚC RỬA CHÉN SẠCH không hóa chất
Tự làm nước rửa bát tại nhà là cách đơn giản để bát đĩa sạch bong kin kít nhưng vẫn lành tính vì không có bất kỳ hóa chất nào..
Nguyên liệu:
Bồ kết + sả cây + vỏ bưởi (vỏ cam, cỏ chanh)          
Cách làm:
Đầu tiên bồ kết rửa sạch để khô ráo nước, rồi nướng thơm lên.
Bước kế tiếp sả đập dập, cắt thành nhiều khúc.
Tiếp theo vỏ bưởi (cam,chanh) cắt thành miếng bằng 2 đốt ngón tay.
Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi, đổ nước ngập mặt nguyên liệu, đun cho đến khi các chất trong nguyên liệu tiết ra nước hết và phần nước sắc đặc lại.
Sau khi đun, đổ qua rây lọc để bỏ bã đi, đổ vào chai dùng dần.
Mỗi lần rửa bát, chỉ cần xả nước qua cho sạch dầu mỡ, sau đó dùng nước rửa bát tự làm vừa làm thấm vào mút rửa bát rồi rửa như bình thường rồi xả lại với nước. Bát đĩa được rửa bằng loại nước rửa bát này vừa thơm vừa sạch, rất lành tính vì không có bất kỳ hóa chất nào. Theo Kienthuc.net
Thứ Tư 1-3: Lễ tro xức tro - ĂN CHAY KIÊNG THỊT


NGUYỆT SAN BÁNH HẰNG SỐNG - SỐ THÁNG 2.2017


Ảnh có tính minh họa


Xin click chuột vào hàng chữ trên để đọc đầy đủ Nguyệt San - Có phần Suy Niệm + Cầu Nguyện trước Thánh Thể

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN “A” 26.2.2017 (Mt 6,24-34)


Chủ tế:(Tùy nghi)
Anh chị em thân mến!
Thiên Chúa là người cha nhân hậu, luôn yêu thương, chăm sóc con cái mình. Tin tưởng vào tình thương bao la và sự quan phòng kỳ diệu của Ngài, chúng ta tha thiết dâng lời nguyện xin:
1/ “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Chúng ta hợp lời cầu xin Cha cho Hội Thánh được an vui thờ phượng Cha, được tự do loan báo Tin Mừng tình thương cứu độ của Con Cha.
Xướng: Chúng con nguyện xin Cha!    Đáp: Xin Cha nhậm lời chúng con.
2  Chúng ta hợp lời cầu xin Cha cho các vị lãnh đạo các quốc gia luôn tôn trọng nhân phẩm và tự do lương tâm của người dân, nhất là tự do tôn giáo.
Xướng: Chúng con nguyện xin Cha!    Đáp: Xin Cha nhậm lời chúng con.
3/ “Hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa”. Chúng ta hợp lời cầu xin Cha cho mọi người tin vào tình yêu và sự quan phòng của Cha để được Cha chúc lành và được hưởng hạnh phúc bất diệt với Ngài.
Xướng: Chúng con nguyện xin Cha!    Đáp: Xin Cha nhậm lời chúng con.
4/ Thứ Tư 1/3/2017 Lễ Tro, chúng ta cùng ăn chay hãm mình, và bước vào mùa sám hối tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn, đổi mới đời sống để nên hoàn thiện như Cha trên trời. Chúng ta hiệp lời cầu xin Cha cho cộng đoàn Giáo Xứ chúng ta biết nỗ lực thực hiện những đòi hỏi quan trọng này.
Xướng: Chúng con nguyện xin Cha!    Đáp: Xin Cha nhậm lời chúng con.
Chủ tế:(Tùy nghi)
Lạy Cha là Thiên Chúa từ nhân, xin đoái thương lắng nghe lời chúng con khẩn cầu mà ban cho chúng con những ơn lành hồn xác như lòng mong ước. Nhờ Đức Giê-su Ki-tô,Con Cha, Chúa chúng con…Amen.

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

THÔNG BÁO CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN “A” 26/2/2017



VPGX trân trọng thông báo:
1/ Thứ Ba 28/2/2017: 18 giờ 00 có học hỏi Tông Huấn:
“NIỀM HOAN LẠC CỦA TÌNH YÊU GIA ĐÌNH”
Thuyết trình viên: Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông, Phó Giám Tỉnh DCCT.
Sau phần học hỏi có Thánh lễ.
2/ Thứ Tư 1/3/2017 Lễ Tro. Giữ chay và kiêng thịt.
    Chương trình lễ như sau:
-         5 giờ và 6 giờ      : Thánh l ti Nhà Th.
-         15 giờ                   : Thánh lễ Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
-         18 giờ và 20 giờ  : Thánh lễ tại Nhà Thờ.
Lưu ý: Các giờ lễ trên, Quí Cha có làm phép và xức tro cho Cộng đoàn.
3/ Thứ Năm 2/3/2017:
-         18 giờ : Thánh lễ Giới Gia trưởng và Hiền mẫu.
4/ Thứ Sáu 3/3/2017:
-         15 giờ : Thánh lễ Hội Lòng Chúa Thương Xót.

Xin quí Cộng đoàn tham dự.  
          VPGX

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Bản Tin Giáo Xứ Công Lý SỐ 13.A CHÚA NHẬT 7 Thường Niên Năm A 19-02-17





Lời Chúa : 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện." (Mt 5, 48)

Lời Chúa : Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU – Cố Lm Hồng Phúc
Thiên Chúa phán cùng Moisê rằng: “Ngươi hãy nói cho toàn thể Cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh, là Thiên Chúa của các ngươi”.
Thiên Chúa là Đấng siêu việt, là Đấng Thánh. Không có một tì ố, một vết nhơ, như dòng nước trong veo, bầu trời trong sáng tuyệt đẹp. Và Ngài bày tỏ quyền năng và vinh hiển khi Ngài tạo dựng, giải phóng cũng như khi Ngài sát phạt và tha thứ. Tiên tri Isaia như bị chết ngộp khi được cảm nghiệm sự thánh thiện Thiên Chúa trong đền thờ, và tiên tri Ôsê kêu lên: “Đấng Thánh đang ở giữa anh em”. (11, 9)
Thiên Chúa muốn cho chúng ta nên thánh, nghĩa là chúng ta phải rửa sạch vết nhơ của Lề luật bên ngoài mà phải thực thi đức công chính, vâng lời và yêu thương (Nhị luật 6, 4-9), một sự thánh thiện trong mọi bối cảnh sống trong gia đình cũng như ngoài xã hội. “Hãy nên thánh như Ta là Đấng Thánh, Thiên Chúa của các ngươi”.
Trong Đạo cũ, người Do thái thường tôn đền thờ, “Đền thờ của Thiên Chúa là Thánh. Ai xúc phạm tới Đền Thánh thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt người ấy”. Trong Đạo mới, Chúa Giêsu tự ví mình là Đền thờ hiện diện giữa loài người (Ga 1, 4; 2, 19). Thánh Phaolô trong bài đọc II, còn đi xa hơn nữa, Người nói Kitô hữu là đền thờ của Thiên Chúa, một đền thờ thiêng liêng, và Giáo hội cũng là Đền thờ do Chúa Giêsu xây dựng (1Cr 3, 10-17), trong đó người Do thái cũng như dân ngoại đều được mời vào như thành phần nhiệm thể Chúa. Đừng ai cho mình là khôn ngoan, là đồ đệ Phaolô, Kêpha hay Apollô, nhưng, “Anh em tất cả thuộc về Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa”.
Trên tất cả, Thiên Chúa là tình yêu. Chúa Giêsu đến để đem lại một tình yêu bác ái gạn lọc mọi dơ bẩn, mọi lớp vỏ bao quanh như tình máu mủ, dân tộc, gia đình, quốc gia, lễ giáo chật hẹp. Người xưa bảo: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, người ta xúc phạm mình mức nào, mình có quyền ăn miếng trả miếng, đối xử với họ như họ đã đối xử.
Còn Chúa, Chúa không dạy lấy sự dữ đối lại với sự dữ. Chúa dạy lấy sự lành đối với sự dữ và hơn thế phải làm sự lành hơn mức đòi hỏi: “Thầy bảo các con: đừng chống cự lại kẻ hung ác, trái lại, nếu ai vả má bên phải của các con hãy đưa má bên kia cho nó nữa… Ai xin, thì con hãy cho, ai muốn vay mượn, con đừng khước từ”. Chúa nói rằng đức bác ái không có biên giới, không phát xuất từ xác thịt mà từ một tâm hồn yêu mến Thiên Chúa, yêu mến đến từ bỏ mình, đến hy sinh.
Việc hy sinh lớn lao hơn cả là hy sinh tính tự ái của mình, là tha thứ cho kẻ làm nhục ta, là tha thứ cho kẻ thù. Xưa nay, chưa có một đạo giáo nào dạy tha thứ cho kẻ thù. Chúa phán: “Các con nghe dạy rằng: ngươi hãy yêu thương anh em ngươi và thù ghét kẻ làm hại ngươi. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương kẻ thù”.
Người Do thái quan niệm anh em là người đồng hương hay người cảm tình với đạo. Đối với Chúa Giêsu, anh em là tất cả, là người Samaritanô, là người ngoại bang, là người lạc đạo nữa (Lc 10, 29-37). Chúa biết trái tim con người có thể vượt tính tự ái, mở rộng trái tim và vòng tay để ôm ấp cả kẻ thù.
Chúa đã tha thứ cho kẻ giết mình, “Lạy Cha, xin tha cho chúng” (Lc 23, 34). Khó thật nhưng Chúa ban cho kẻ thật lòng xin ơn biết tha thứ.
Văn hào Henry Bordeaux kể: Ngày kia, một nhóm thợ thuyền 20 người được Đức Giáo Hoàng Piô XII đến thăm và trò chuyện thân mật.
Bỗng có một người thợ quỳ xuống và nói: “Thưa Đức Thánh Cha đây là cuốn sách con đọc điều dữ và đây là… con dao con muốn ám hại Đức Thánh Cha, con xin lỗi Ngài.” Đức Piô trả lời: “Con ơi, Chúa chúc lành cho con như cha” (Images romaines, plon, trang 279).
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương thù địch, làm lành cho kẻ ghét và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu khống chúng con…, để chúng con trọn lành như Cha trên trời.
GIÁO LÝ :  Mục vụ gia đình: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân
Câu Giáo lý 350: H./ Sự ưng thuận kết hôn cần thiết thế nào? 
T./ Sự ưng thuận kết hôn không thể thiếu và không thể thay thế,/ vì đó là yếu tố thiết yếu làm thành Bí tích Hôn Phối [344].

Tìm Hiểu Thuật Ngữ Kitô Giáo (1)   

Theo giáo lý, tín lý và giáo luật hiện hành của Giáo Hội thì Dân Chúa được khai sinh qua Phép Rửa Tội được mời gọi sống trong ba ơn gọi hay ba bậc sống khác nhau. Đó là bậc giáo sĩ, bậc tu sĩ và bậc giáo dân. Phân chia như vậy vì ơn gọi riêng biệt của từng người theo kế hoạch của Thiên Chúa chứ không có mục đích phân biệt địa vị cao thấp, hay giá trị hơn kém theo tiêu chuẩn người đời.
Giáo sĩ (clergy) Hàng giáo sĩ bao gồm những người được gọi để lãnh nhận 3 chức thánh: Phó tế, Linh mục và Giám mục.
Tu sĩ (religious) Bậc sống thứ hai là bậc tu trì. Đây là ơn gọi đặc biệt dành cho các tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên của Phúc Âm là khiết tịnh (chastity) khó nghèo (poverty) và vâng phục (obedience) trong một Dòng Tu hay Tu Hội được thành lập hợp pháp theo giáo luật. Đây là bậc sống thánh hiến (consecrated life) dành cho những người có ơn gọi sống những linh đạo (spirituality) hay đặc sủng (charism) đặc biệt của nhiều Dòng Tu hay Tu Hội khác nhau.
Thí dụ: Dòng Thuyết giáo (Order of Preachers , O.P) của Thánh Đa Minh chuyên về giảng thuyết. Dòng Tên (Society of Jesus, SJ) của Thánh Ignatius Loyola, thành lập năm 1534, với khẩu hiệu “Ad majorem Dei gloriam = Cho vinh danh lớn lao của Thiên Chúa” chuyên giảng dạy ở Đại Học và hoạt động trong giới trí thức, nhưng nay cũng tham gia làm mục vụ cùng với nhiều Dòng Tu khác để giúp các Địa Phận thiếu Linh mục Triều (Diocesan priests) coi sóc giáo xứ.
Các nam tu sĩ thuộc nhiều Dòng Tu hay Tu Hội, ngoài 3 lời khấn Dòng, còn có thể học và lãnh chức thánh để trở thành các giáo sĩ có chức Linh mục hay Giám mục Dòng (đã có nhiều Hồng Y và cả Giáo Hoàng thuộc các Dòng Tu). Như vậy một Linh mục có thể là một tu sĩ vì thuộc về một Dòng Tu hay Tu Hội. Thí dụ: các cha Đa-Minh, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Tên, Tu Hội Tân Hiến ... Nhưng một giáo sĩ (Phó tế, Linh mục Giáo Phận hay còn gọi là Linh mục Triều) thì không phải là tu sĩ vì không thuộc về một Dòng Tu hay Tu Hội nào, mà thuộc một Giám mục điạ phận.
Giáo dân (laity)
Theo định nghĩa trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium của Công Đồng Vaticanô II, thì “danh hiệu giáo dân (laity) được hiểu là tất cả những Kitô-hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận.” Nói rõ hơn, giáo dân là thành phần Kitô hữu đông đảo nhất không thuộc về hàng giáo sĩ hay tu sĩ, như nói ở trên; nhưng nhờ phép rửa tội “đã trở nên Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ. Họ là những người đang thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phần vụ riêng của mình.”
Như vậy, trách nhiệm và đối tượng phục vụ của hàng giáo sĩ chính là giáo dân, tức đoàn chiên mà Chúa Giêsu -Vị Mục Tử Nhân lành- đã trao phó nhiệm vụ chăn dắt cho các Tông Đồ xưa và nay cho những người kế tục sứ mạng này là các Giám Mục và Linh mục.
Tóm lại, tuy khác nhau về thứ bậc và trách nhiệm nhưng cả ba thành phần giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều chung sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho những người chưa nghe biết để tất cả đều được cứu độ như lòng Chúa mong muốn.

TIÊU DIỆT HẾT KẺ THÙ

Một vị vua của Trung Quốc nói với triều đình của mình rằng: “Khi nào ta chinh phục đất nước ấy, ta sẽ tiêu diệt hết kẻ thù”.
Chẳng bao lâu sau, ông đã toàn thắng trở về. Đình thần của ông đều chờ đợi một cuộc thảm sát đẫm máu. Họ mong cho kẻ thù phải bị phanh thây không còn một tên sống sót. Nhưng họ lại vô cùng sửng sốt khi thấy kẻ thù ngồi ăn uống với nhà vua, cười cười nói nói vui vẻ như kẻ thắng trận. Họ liền tâu nhà vua:
-Muôn tâu Thánh Thượng, trước khi xuất quân lâm trận, ngài đã tuyên bố là sẽ tiêu diệt kẻ thù cơ mà! Sao bây giờ…?
Hoàng đế ôn tồn cười nói: “Không phải ta đã tiêu diệt hết kẻ thù rồi sao? Những người ngồi đây không phải là bạn hữu của chúng ta sao?”
TRẢ THÙ
Một thanh niên trong làng bị lăng mạ cách thậm tệ. Anh vội vàng đến mục sư kể cho ông nghe và muốn đi trả thù ngay.
- Tốt hơn, con nên về nhà.
- Nhưng con bị nhục mạ.
- Vậy thì con càng nên về nhà ngay lúc này. Sự nhục mạ cũng giống như bùn.
- Đúng thế. Con sẽ làm sạch nó.
- Này con, có một điều con có thể học hỏi tốt ngay bây giờ và sau này: Bùn được gạt sạch dễ dàng khi nó khô.
Tin Fatima: ''Chị Lucia'' sắp được phong Chân Phước?

Biển Đức Phan Anh
Năm kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima sắp tới, liệu nhân vật lừng danh nhất và sống lâu nhất trong "3 đứa trẻ," là Sơ Lucia dos Santos, còn được gọi một cách thân ái là "Chị Lucia", sẽ có thể được phong Chân Phước chăng?
Đó rõ ràng là mục đích cuả các giới chức Công Giáo Bồ Đào Nha, Giáo Hội Bồ Đào Nha vừa công bố vào hôm thứ 2 rằng hàng ngàn văn bản đã được thu thập để làm chứng cho sự thánh thiện của Sơ Lucia.
Các tài liệu bao gồm hơn 15.000 bức thư, lời khai, và các tài liệu khác, sẽ được dùng để cổ động cho việc phong chân phước. Đức Giám Mục Virgilio Antunes cuả giaó phận Coimbra ghi nhận rằng, để kiếm chứng số tài liệu này, họ đã phải mất hơn tám năm , vì chúng bao gồm nhiều thư từ cá nhân và chứng từ cuả hơn 60 người.
Hồ sơ đã được trình bày trong một buổi lễ tại tu viện cuả Sơ Lucia ở Coimbra và sẽ được gửi đến Toà Thánh để xin chấp thuận cho việc tiến hành bước tiếp theo của tiến trình phong thánh. Vụ việc này sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét.
Nhắc lại vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, 2 anh em là Francisco và Jacinta Marto - 9 và 7 tuối - và người chị họ của mình là Lucia dos Santos, 10 tuổi, đã thả đàn cừu gặm cỏ ở gần làng Fatima cuả Bồ Đào Nha thì họ nhìn thấy cảnh tượng một người phụ nữ ăn mặc áo trắng tinh và cầm một chuỗi tràng hạt.
Sau cuộc xuất hiện đầu tiên đó, Đức Trinh Nữ Maria còn hiện ra với các trẻ vào những ngày 13 mỗi tháng từ tháng 5 cho đến tháng 10. Thông điệp cuả Đức Mẹ được tóm tắt là những lời kêu gọi hãy ăn năn, đền tạ và cầu nguyện.
Năm 1930, Giáo Hội Công Giáo tuyên bố sự siêu nhiên của các cuộc hiện ra và một ngôi đền thờ đã được dựng lên tại Fatima. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đến viếng thăm ngày 13-5-1967, và sau đó là các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Benedictô XVI.
Thánh Gioan Phaolô II đã có một lòng sùng kính đặc biệt mạnh mẽ với Đức Mẹ Fatima. Sau vụ ám sát năm 1981, Ngài tuyên bố sự sống của mình đã được cứu thoát nhờ sự can thiệp kỳ diệu của Đức Mẹ. Như là một dấu hiệu của lòng biết ơn, Ngài đã đặt viên đạn cuả vụ ám sát vào vương miện của Đức Mẹ. Trong dịp đó Ngài nói:
"Xin hãy cầu nguyện cho người anh em đã bắn tôi, người mà tôi đã chân thành tha thứ. Hiệp thông với Chúa Kitô, là một linh mục và cũng là nạn nhân, tôi xin dâng những đau khổ của tôi cho Giáo Hội và thế giới." 
Đức Thánh Cha Phanxicô đã có kế hoạch đến thăm Fatima trong tháng 5 để kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra.
Hai người em họ cuả Sơ Lucia, Francisco và Jacinta Marto, đã qua đời khi còn trẻ vì chứng viêm phổi và được phong chân phước vào năm 2000. Sơ Lucia qua đời năm 2005 lúc được 97 tuổi tại tu viện kín ở Coimbra.
BUỒM VÀ MÁI CHÈO

Chiếc thuyền đánh cá đang giương cánh buồm trắng của mình đi trên sông. Cánh buồm căng gió, đẩy con thuyền băng băng tiến về phía trước. Cánh buồm rất tự hào về những đóng góp của mình, nó nhìn xuống những mái chèo gỗ đang nằm im dưới mạn thuyền và nói rằng:
“Mái chèo thật là đồ lười biếng và vô dụng. Cả con thuyền tiến lên là nhờ vào sức của tớ, còn các cậu chỉ biết ngủ mà thôi”
Mái chèo chắng nói gì, hình như nó đang ngủ thật.
Một lúc sau, gió lặng, những người ngư dân gỡ dây buồm và hạ buồm xuống. Tiếp đó họ cầm lấy mái chèo khua nước, và đưa con thuyền tiến lên. Lúc này mái chèo mới lên tiếng “Bi giờ thì cậu đã hiểu chưa? Chỉ khi nào có gió thì cậu mới phát huy tác dụng thôi, còn chúng tôi thì vẫn có thể giúp con thuyền tiến lên trong mọi hoàn cảnh đấy!”
Lúc này, buồm đã hiểu ra và tự hứa sẽ cùng mái chèo đưa con thuyền tiến lên nhanh nhất.
Vị trưởng tàu dù rất bận rộn chỉ huy tàu, nhưng cũng nở một nụ cười mãn nguyện….
Lời bàn: Không ai là vô dụng cả. Tất cả trở nên hữu ích cho nhau.
              
ĂN CƠM MIỄN PHÍ

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Ông chủ nhà hàng ăn uống nọ đột nhiên có một suy nghĩ hết sức kỳ quặc, trước cửa hàng dán một tờ quảng cáo “ngày mai ăn cơm miễn phí.”
Tờ quảng cáo vừa dán lên thì qua ngày hôm sau bắt đầu, khách đến ăn mỗi ngày đều có tăng lên, té ra tâm lý của mọi người thấy rẻ mà đến. Nhưng ăn cơm xong thì ai cũng phải trả tiền rồi mới được ra khỏi cửa, lý do rất đơn giản: ngay mai thì chưa đến, nên hôm nay vẫn cứ phải trả tiền !

Hể việc gì có chữ “chùa” là người ta đến nhiều, như: ăn cơm chùa, coi hát chùa, v.v...bởi vì “chùa” có nghĩa là miễn phí, mà con người ta thì thích miễn phí, nhất là ăn miễn phí.  
Đời sống nội tâm của con người ta cũng có những việc miễn phí nhưng rất ít người tham dự:       
- Làm việc bác ái là làm công việc miễn phí, tự nguyện, nhưng nó lại làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, vậy mà có rất ít người tình nguyện làm việc bác ái. 
- Nói lời khuyến khích là làm việc miễn phí, tự nguyện, nhưng nó lại làm cho tình người thêm đậm đà, vậy mà có rất ít người biết nói lời khuyến khích.
- Phục vụ tha nhân là làm việc miễn phí, nhưng nó lại làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú và biết cảm thông hơn, vậy mà có rất ít người biết phục vụ người khác.
Đức Chúa Giê-su đã thiết lập các bí tích và hoàn toàn “miễn phí” cho người lãnh nhận, nhất là bí tích Thánh Thể và bí tích Giải Tội, và chỉ có một điều kiện duy nhất là đã giao hòa với Thiên Chúa và anh chị em. Nhưng lại có nhiều Ki-tô hữu không muốn đến lãnh nhận ân sủng miễn phí này, thật là uổng và đáng tiếc vô cùng.
Ở đời cái miễn phí nào cũng có cái giá của nó, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là hoàn toàn tự nguyện mà thôi.
CHA XỨ TÔI             Mai Nguyên Vũ
 Cha xứ tôi năm nay đã ngoài 40, nhưng người rất trẻ trung, đi đâu cũng diện quần Jean áo thun, chân xỏ đôi giầy mọi, trông rất bụi. Người phóng xe moto không nhanh bằng đám choai choai, nhưng thỉnh thoảng cũng được cảnh sát giao thông hỏi thăm.
Ngày đón cha về nhận xứ, mọi người tập trung đầy sân nhà thờ. Hội kèn, hội trống giăng hàng rất khí thế. Nhưng đợi hoài chẳng thấy cha đâu.
Người ta tụm năm tụm ba ngồi đấu láo. Một anh cao hứng hô giọng thật to: “Kèn, tống, nọng, noa thắp thẵn tong thân. Cụ lào sò đầu ra, phết niền”. (Tiếng Bùi Chu có nghĩa là: Kèn, trống,lọng, loa sắp sẵn trong sân, cụ nào thò đầu ra, phết liền).
Mọi người đang ôm bụng cười quằn quại thì người lù lù từ trong nhà xứ đi ra. Người chạy xe vòng lối sau vào, làm cả xứ tẽn tò te.
Những ngày nóng nực,cha đánh nguyên một cái quần tà lỏn, bơi bì bõm dưới hồ bơi công cộng. Đám thanh niên chỉ chỏ bảo nhau:
- Đm. Cha xứ hay sao ấy chúng mày ơi!
_ Mày nhìn gà hóa quạ. Cha xứ đ. Nào ở đây.
_ Nếu đúng thì sao? Mày bao tao một chầu cà phê. Ô kê?
Nói xong, nó phóng ùm xuống, biến mất trong làn nước xanh.Một lúc sau nó ngoi lên: "Đm. Đúng cụ rồi."
Chiều hôm ấy cha con tắm chung vui vẻ. Người chỉ nói một câu:
“Cái gì ngon và sạch thì bỏ vào miệng. Những thứ dơ bẩn như c,b,l từ nay đừng có đưa lên miệng nhé”. Từ hôm đó không đứa nào dám văng tục ra hồ bơi nữa.
Đám ma, đám cưới nào trong xứ cũng có mặt người. Biết cha thích văn nghệ, người ta hay mời cha lên hát mở màn. Bài tủ của người là “ Bài thánh ca đó còn nhớ không em?”
Các cụ già lắc đầu cười hóm hỉnh, còn đám trẻ khoái vô cùng.
Cha rất thích hoa và cây kiểng. Người dành hẳn một góc sân nhà xứ làm vườn hoa.
Có lần Đức Thầy về kinh lý, thấy cha trồng nhiều hoa, Đức Thầy nói, giọng ngái ngủ, rề rề như đánh toàn một dấu huyền lên cả câu:
_ Cha xứ chơi nhiều hoa thế này còn giờ đâu mà lo mục vụ!
_ Trình Đức Cha, hoa biết nói biết cười thì Đức Cha không cho chơi. Con còn mỗi thú vui này thôi ạ.
_ Ư, chơi cũng được, nhưng phải chu toàn nhiệm vụ trước đã.
Mấy ngày gần Tết, dù có bận thế nào, cha cũng dành vài buổi đi ngắm hoa mai. Người thường bảo: “ Hoa mai không đẹp bằng hoa hồng, hoa lan, đâu có hơn gì hoa cánh chuồn, nhưng Tết mà không có hoa mai thì chẳng ra Tết.”
Người thích vào mấy vườn mai, xem người ta hái lá mai, chui xuống mấy gốc mai già, khám phá mầm xuân đang cựa quậy trong từng nụ hoa, theo dõi chúng sưng lên từng ngày cho tới lúc khai hoa nở nhụy. Cha có cái thú hôn trộm những bông mai mới nở. Phải hôn trộm, hôn lén, vì đàn ông hôn một bông hoa đã thấy kỳ kỳ, cha xứ làm vậy người ta cười chết, nên ngó quanh ngó quẩn không thấy ai nhìn, người mới ghé sát mũi vào nhụy hoa, hít một hơi thật dài như muốn lùa cả trời xuân vào trong lồng ngực.
Năm nay, người mê nhất một chậu mai bon-sai. Gốc cây sần sùi, hang hốc, uốn éo bò xuống như dòng thác đang ào ào đổ từ đỉnh núi xuống thung lũng. Thiên hạ kháo nhau rằng nó mọc chênh vênh trên núi. Tuổi ít nhất cũng phải ngoài 50.
Sau một hồi mặc cả, người quyết định lấy với giá 15 triệu đồng . Cha ra xe mở cốp lấy tiền. Bỗng người đứng im thật lâu như cây trồng, mắt đau đáu nhìn sang bên kia đường. Một người đàn bà gầy sọm và rách rưới đang gò mình trên đống rác. Đống rác to xông lên bụi mù, bốc mùi tanh tưởi.
Chị ta cào cào, bới bới, nhặt từng tí sắt, ve chai và bọc nhựa. Bỗng, chị thét lên đau đớn. Bàn tay vọt máu đỏ tươi. Chị té nhào xuống đất, lồm cồm bò dậy, dở khăn che mặt, bịt lấy bàn tay, ngồi khóc nức nở. Có mấy người qua đường giúp chị cột lại vết thương.
Cha xứ nhận ra con chiên mình, một người nghèo nhất xứ. Người xúc động ghê gớm. Cha lên xe phóng khỏi vườn mai, chạy về nhưng không vào nhà xứ. Cha đi thẳng xuống cuối làng, qua cây cầu nhỏ, xuyên qua nghĩa địa, tới một xóm nghèo, quen gọi là xóm Tha ma. Sau ba bốn lần quẹo, người vô một căn lều làm toàn bằng tôn rách nát. Trong nhà có một ông ngơ ngơ nằm liệt trên ghế bố và hai em nhỏ. May quá, không có ai nhận ra cha xứ.
Người lấy bọc tiền, viết mấy chữ: “Cầu chúc gia đình một mùa xuân no ấm và một năm mới tràn đầy hồng ân Chúa. Một người anh em”. Cha đưa gói tiền và thư cho hai chị em rồi đi ra, miệng lẩm bẩm: “Phải vận động xây nhà cho người nghèo. Phải vận động xây nhà…”
Một làn gió xuân tươi mát bất chợt tràn về mơn trớn linh hồn cha. Một niềm vui thanh khiết len nhẹ vào từng tế bào. Một mùa xuân đẹp nhất đang về với cha. Không tiền tài danh vọng, không cần bánh chưng bánh tét hay rượu ngoại, cũng chẳng cần hoa mai hoa đào.
Trưa hôm đó người không sao ngủ được vì niềm vui cứ ngồn ngộn trong tim, y hệt hồi nhỏ háo hức đợi giao thừa bên gối mẹ.
Nụ cười rạng rỡ của hai đứa trẻ và người mẹ nghèo liên tục nở trong đầu cha. Chúm chím, he hé, run run mở từng cánh, từng cánh, rồi bung ra vàng rực đều khắp mọi nơi dưới nắng xuân rộn ràng. Đẹp, đẹp vô ngần, đẹp hơn gấp vạn lần những chùm hoa mai đang nở ngoài kia.
*****
Ngày ung thư trẻ em: Cha mẹ hãy nhớ 7 điều sau

Ngày 15/2 hàng năm được chọn là ngày ung thư trẻ em. Các chuyên gia cho biết, ung thư trẻ em không phải là hiếm gặp và bất cứ cha mẹ nào cũng cần tỉnh táo để cứu con sớm.
Sốc vì không nghĩ con mình bị ung thư  :
Chị Nguyễn Thị Viễn ở Hải Dương đang chăm sóc con tại khoa Nhi, Bệnh viên K trung ương. Chị vẫn chưa tin vào sự thật là con mình bị ung thư giai đoạn 3.
Chị Viễn tâm sự, con chị đang khỏe mạnh, cháu học lớp hai thì xuất hiện đau bụng, bụng rắn nhưng chị nghĩ con bị tiêu hóa nên không chăm sóc con.
Đến khi phát hiện ra thì bệnh của con đã ở giai đoạn muộn. Nhìn đứa con đang tuổi đến trường lại phải gắn bó với viện, chị Viễn không khỏi xót xa. Chị chia sẻ: “Có ai nghĩ bé thế mà con lại bị ung thư đâu”.
Bệnh nhi bị ung thư điều trị tại BV K cơ sở 3
Trường hợp của bé Bình Minh – Tuyên Quang, 20 tháng tuổi, bị ung thư phần mềm giai đoạn cuối. Cậu bé đã bị di căn lên phổi và đang nằm điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư ở trẻ em, các triệu chứng sớm theo nghiên cứu của thế giới, diễn ra trên 85% trẻ bị ung thư, như sau:
-Trẻ có khối u, sưng nề bất thường ở ổ bụng. Khi tắm cho con bố mẹ có thể sờ thấy khối u.
-Trẻ bị sốt kéo dài, điều trị kháng sinh không dứt, không tìm ra bệnh.
- Trẻ sụt cân, mệt mỏi.
- Trẻ chảy máu chân răng, xuất hiện vết bầm tím trên tay, chân.
- Trẻ có triệu chứng đau đầu buồn nôn, dấu hiệu của khối u ở não.
- Ở mắt trẻ có đốm trắng hay gọi mắt mèo dấu hiệu của ung thư võng mạc những đặc điểm này chỉ vô tình phát hiện đưa trẻ vào buồng tối thấy mất trẻ lóe lên, chụp ảnh có đèn flat.
- Trẻ khỏe nhưng có hạch mọc ở người.
Bố mẹ của cháu cho biết con bị ốm, đi khám ở tuyến dưới bác sĩ không phát hiện ra. Hết chẩn đoán sốt, rồi lại viêm phổi. Đến khi tìm ra được bệnh thì cháu đã ở giai đoạn 4.
Trường hợp của bé Nguyễn Mạnh Q. Thanh Trì, Hà Nội bị ung thư nguyên bào thần kinh với khối u to. Mẹ của cháu cho biết, lúc mới sinh cháu khỏe mạnh. Đến lúc hơn 4 tháng chị thấy bé đi tiểu ít, nước tiểu đục. Chị mua thuốc mát về cho con uống.
Lúc bé bị sốt cao không đỡ, chị cho bé vào Bệnh viện Nhi trung ương khám, bác sĩ chẩn đoán viêm tiết niệu. Nhưng cháu cứ sốt nằm cả tuần không hạ, bác sĩ gây mê cho đi chụp CT phát hiện khối u nguyên bào thần kinh ở phúc mạc nằm chèn động mạch chủ. Khối u có kích thước lên đến hơn 6 cm.
Không ít những bé vừa sinh ra đã bị ung thư. Các bác sĩ cho biết đó là bệnh ung thư phát triển từ trong bào thai và khi chào đời các bé đã phải vào viện để điều trị hóa chất.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện K, có những bé mới 3 – 4 tháng tuổi đã phát hiện ung thư và phải điều trị hóa chất. Không ít người nghĩ rằng bệnh ung thư chỉ xảy ra ở người lớn, các cháu còn bé chưa phơi nhiễm, làm sao có thể bị ung thư.
TS, BS Phạm Thị Việt Hương – Khoa Nhi, Bệnh viện K Hà Nội, cho biết, bệnh ung thư ở trẻ con chủ yếu do yếu tố đột biến gen, nhiễm sắc thể nên có những cháu vừa sinh ra đã mắc bệnh ung thư.
Nên điều trị sớm Theo BS Hương, ung thư trẻ em khác biệt hoàn toàn với ung thư người lớn. Cùng 1 lứa tuổi có thể mắc nhiều bệnh ung thư khác nhau, biểu hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Ung thư trẻ em mới mắc diễn biến nhanh, khi mới phát hiện ra có thể đã là giai đoạn muộn. Bệnh ung thư ở trẻ em còn khác với người lớn đặc điểm nữa là cùng một bệnh có nhiều triệu chứng khác nhau, mỗi cháu có biểu hiện khác nhau.
Chính vì thế, khi phát hiện ra bệnh ung thư, nhiều cháu đã ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, BS Hương chia sẻ, dù phát hiện ở giai đoạn muộn nhưng ưu điểm là bệnh ung thư ở trẻ em đa số là bệnh nhạy cảm với hóa chất nên việc điều trị mang lại hiệu quả tốt hơn so với người lớn.
BS Hương tâm sự, rất nhiều trường hợp khi phát hiện con bị ung thư họ đã lo sợ và không chữa cho con mà về nhà điều trị thuốc lá, thuốc dân gian. Điều này dẫn đến bệnh nặng hơn và cơ hội vàng chữa khỏi bệnh xa hơn.
Chính vì thế, bác sĩ Hương khuyên, với những gia đình không may mắn có con bị ung thư, khi phát hiện nên điều trị sớm để có cơ hội chữa khỏi.  Theo thống kê của Khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương, tỷ lệ chữa ung thư thành công hiện nay rất cao. Có những bệnh nhân sống khỏe không bệnh, đi học và lập gia đình.
Đối với ung thư nguyên bào võng mạc điều trị ở bệnh viện K, nhiều bệnh nhi đã sống không bệnh và bảo tồn được mắt, thị lực trên 5 năm đạt 68%. Các cháu đến khi còn sớm thường tỷ lệ thành công cao hơn.
Còn bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ung thư máu) ở trẻ em ở Việt Nam hiện nay tỉ lệ chữa khỏi đã đạt được trên 70%.
Đối với u lympho ác tính không Hodgkin, một dạng ung thư hệ thống tạo huyết, bệnh nhân có thể sống chung và sống thêm toàn bộ 68%, sống không bệnh đạt 64%.
Bệnh ung thư xương, theo tổng kết của Khoa Nhi Bệnh viện K, trẻ sống thêm không bệnh trên 5 năm đạt 85%.
****


Tòa Giám Mục Nha Trang:   CÁO PHÓ

Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám mục Giáo phận Nha Trang, đã được về cùng Chúa lúc 20g00, thứ Ba ngày 14 -02- 2017, tại Tòa Giám Mục Nha Trang,
 Hưởng thọ 86 tuổi, 58 năm Linh mục, 42 năm Giám mục
Thánh lễ an táng vào lúc 9g00 sáng thứ Bảy, ngày 18- 2- 2017 Tại TGM Nha Trang 22 Trần Phú, Nha Trang
CÁC NGÀY LỄ trong tuần:
- THỨ BA 21/02:  Th. Phê-rô Đa-mi-a-nô, giám mục, tiến sĩ HT
- THỨ TƯ  22/02:  Lập Tông Tòa Thánh Phê-rô
- THỨ NĂM  23/02: Th. Pô-li-cáp, giám mục, tử đạo