Lời Chúa : (33) Trước hết hãy tìm kiếm
Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ
thêm cho. (Mt 6, 33)
Lời Chúa : Is 49,14-15; 1Cr 4,1-5; Mt
6, 24-34
ĐẶT THIÊN CHÚA VÀO CHỖ TỐI THƯỢNG
Văn Hào, SDB
Vào năm 1911, nước Anh đã cho hạ thủy
con tầu Titanic, chiếc tầu hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Người ta quy tập
những kỹ sư tài giỏi để thiết kế và trang bị con tầu với những vật dụng tối tân
nhất để con tầu xứng đáng được mệnh danh là ‘Không thể chìm’ (unsinkable boat).
Trên thành tầu, người ta treo một tấm bảng lớn với khẩu hiệu ngạo nghễ ‘There
is no God’ (ở đây không có Thiên Chúa). Thế rồi, con tầu đã va vào một tảng
băng ngầm và từ từ chìm sâu giữa lòng đại dương bao la trước con mắt kinh hoàng
của gần hai ngàn du khách. Chỉ có vài trăm phụ nữ và trẻ em được cứu sống nhờ
những chiếc thuyền cứu hộ. Toàn bộ số hành khách còn lại đã bị chôn sống giữa
biển khơi mênh mông.
Biến cố về con tầu lịch sử này là một
minh chứng cho chúng ta thấy rằng khi con người chối bỏ Thiên Chúa, họ đang đi
đến chỗ hủy diệt.
Đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng (in
primacy)
Bài Tin mừng hôm nay bắt đầu với lời
cảnh báo nghiêm khắc của Chúa Giêsu : “Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa,
vừa làm tôi tiền của được”. Chúa đã mạnh mẽ và quyết liệt tuyên chiến với tiền
bạc. Khi người ta thượng tôn tiền bạc, đặt của cải làm thước đo mọi giá trị, họ
sẽ từ từ khai tử Thiên Chúa. Tiền bạc như một thứ ngẫu tượng cuốn hút tất cả
mọi người không loại trừ ai. Khi con người chạy theo nó, tôn sùng nó, họ sẽ rơi
vào tội thờ ngẫu tượng (idolatry) giống như dân Do Thái đã tôn thờ con bò vàng
năm xưa.
Có lần Đức Thánh Giáo hoàng Gioan
Phaolô II đã cảnh báo những nguy cơ làm xói mòn đức tin của các tín hữu và biến
chúng ta trở thành những kẻ vô thần trong thực hành, đó là sống theo chủ nghĩa
duy vật (materialism), sống theo chủ nghĩa hưởng thụ (consumerism) và sống theo
chủ nghĩa tục hóa (secularism). Sống theo chủ nghĩa duy vật là phải làm sao kiếm
được thật nhiều tiền bằng bất cứ giá nào, bất chấp những quy luật luân lý, và
bóp nghẹt ngay cả tiếng nói của lương tâm. Nguy cơ này tấn công tất cả mọi
người chúng ta, từ giáo dân đến các linh mục hay tu sỹ.
Cũng vậy, nếp sống hưởng thụ cũng là
một hình thái của chủ nghĩa vô thần. Nhiều bạn trẻ thời nay vẫn hay đề cao khẩu
hiệu ‘Cứ việc ăn cho đã, ngủ cho sướng, chơi bời cho thỏa thích’. Não trạng
sống hưởng thụ như thế đang dần biến chúng ta trở thành những con người vô thần
và từ từ gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, giống như khẩu hiệu người ta
trưng ra trên con tầu Titanic năm xưa ‘Ở đây không có Thiên Chúa”.
Chủ nghĩa tục hóa là hệ quả của 2 lối
sống trên. Khi sống hưởng thụ và đề cao tiền bạc, con người chẳng còn thiết tha
đến việc cầu nguyện hướng về Thiên Chúa. Mọi sinh hoạt hằng ngày chỉ được phủ
bao bằng một lớp vỏ thế tục mà thôi. Việc cầu nguyện từ từ trở nên lạc lõng và
sẽ bị rơi dần vào quên lãng. Vì vậy, lời cảnh báo của Chúa Giêsu hôm nay không
phải chỉ là một sự nhắc nhở, nhưng còn là một lời tuyên chiến mạnh mẽ, đặc biệt
đối với những ai muốn trở thành môn đệ của Chúa một cách đích thực.
Đừng lo lắng về ngày mai
Khi chúng ta đặt Thiên Chúa vào chỗ
tối thượng, tâm hồn chúng ta sẽ tìm được sự an bình, bởi vì ‘Chúa là núi đá nơi
con nương ẩn’ (Tv 94,16). Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ không phải là một
vị thần khắc nghiệt ở tít trên cao, trái lại, Ngài là một người Cha nhân hậu và
phủ bóng yêu thương trên tất cả, người tốt cũng như kẻ xấu. Chúa Giêsu còn dùng
hai hình ảnh rất dung dị về những cánh chim trời và bông hoa ngoài đồng để nhắc
cho chúng ta giáo huấn này.
Nhìn vào thực tế, ai cũng phải bươn
chải để kiếm sống. Nhu cầu cơm áo gạo tiền là nhu cầu rất cụ thể hằng ngày. Từ
chỗ cần tiền đến chỗ làm bất cứ điều gì để có tiền, chỉ cách nhau một bước
chân.
Có lẽ nhiều người nghĩ rằng điều Chúa
nói hôm nay – ‘Đừng lo lắng về ngày mai’ – chỉ là lý thuyết và không sát thực
tế. Song, nếu đi sâu vào giáo huấn của Chúa dưới ánh sáng Thập giá, chúng ta
mới có thể cảm thấu những chân lý sâu xa mà Chúa muốn diễn bày. “Hãy tìm kiếm
nước Thiên Chúa và đức công chính của Người… Đừng lo lắng về ngày mai. Ngày nào
có sự khốn khó của ngày đó”.
Tin tưởng vào tình yêu quan phòng của
Thiên Chúa, không phải là một thái độ ỷ lại trong biếng nhác, nhưng chính là
tinh thần làm việc không mệt mỏi để kiếm tìm những giá trị trường tồn, chứ
không phải hướng đến những của cải chóng qua. Thánh Augustinô đã nói: “Điều
linh thánh nhất trong mọi điều linh thánh, là làm việc vì thiện ích các linh
hồn. (Divinissimum divinorum est opere ad lucrum animarum).
Kết luận Trong tập sách ‘Lạy Chúa, tại
sao Ngài vẫn thinh lặng’, Cha Giuse Đinh Thanh Bình, SDB có ghi lại cảm nghiệm
của Ngài để chia sẻ với chúng ta. Tác giả viết:
“Vào năm 1986, khi nghe tin bố tôi qua
đời, tâm hồn tôi chết lặng. Một người cha mà tôi hết lòng quý mến đã không còn
nữa. Hai tháng sau, khi niềm đau chưa nguôi, tôi lại nhận được một hung tin
khác như sét đánh ngang tai – Em trai tôi chết trong một tai nạn giao thông
khủng khiếp.
Từ phương trời xa, tôi gào thét, vật
vã trong đau đớn tột cùng. Đây là đứa em trai mà cả gia đình tôi đều thương yêu
và đặt trọn niềm hy vọng. Cả một bầu trời như sụp đổ dưới chân tôi. Cho đến hôm
nay, khi mẹ tôi nhắc đến bố và em trai tôi, bà vẫn khóc. Sau khi em tôi chết,
tôi vào nhà thờ một mình lúc tan lễ, khi không còn một bóng người. Tôi đứng
dưới chân Thánh giá và gào thét thật lớn : “Chúa ơi, sao Chúa gửi đến cho con
những đau khổ lớn lao và dồn dập như vậy?”.
Đáp lại câu hỏi của tôi chỉ có một sự
tĩnh lặng hoàn toàn. Trên thập giá, Chúa không nói gì, đôi mắt Chúa nhắm nghiền
và đôi tay vẫn luôn giang rộng. Suốt 2000 năm qua, Chúa vẫn mãi lặng thinh như
thế, nhưng qua sự im lặng ấy, tôi biết Chúa vẫn đang nói, đang trả lời cho câu
hỏi của tôi”.
Tôi cảm nhận rằng Chúa vẫn luôn thương
yêu tôi. Chúa luôn quan phòng che chở cho tôi. Tôi còn cao quý hơn những con
chim sẻ hay những cánh hoa đồng nội. Chúa luôn mời gọi tôi hãy đặt Ngài vào chỗ
tối thượng, và Chúa còn nói với tôi ngày hôm nay: “Đừng lo lắng về ngày mai…
Ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy”.
Xin Chúa dạy con luôn biết tín thác,
cho dù cuộc sống con có tràn ngập cay đắng hay bầm dập. Đừng lo lắng chi cả.
Quả thật, ngày nào vẫn luôn có sự khốn khổ của ngày đó.
GIÁO LÝ : Mục vụ gia đình: Chuẩn bị cho người trẻ bước
vào đời sống hôn nhân
§ Câu Giáo lý 351: H./ Khi
một trong hai người phối ngẫu không phải là công giáo, cả hai phải làm gì?
T./ Khi người công giáo kết hôn với một người đã được rửa tội ngoài công giáo,
thì cả hai cần có phép của thẩm quyền Hội Thánh; Còn khi kết hôn với người
không được rửa tội, thì cả hai cần có phép chuẩn [345].
Cầu nguyện như phương thế tha thứ cho
kẻ thù
ROMA. ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu
hãy cầu nguyện như phương thế thực thi lời Chúa Giêsu dạy phải tha thứ cho kẻ
thù.
ĐTC đã diễn giải
bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (Mt 5,38-48) trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ
hãy ”nên thánh như Cha các con trên trời là Đấng Thánh, và hãy tha thứ cầu
nguyện cho những người bách hại các con”.
Ngài nói: ”Tôi đề nghị anh chị em hãy
bắt đầu từ điều nhỏ. Tất cả chúng ta đều có kẻ thù; tất cả chúng ta đều biết
người này người kia nói xấu mình, hoặc oán ghét mình... Tôi gợi ý với anh chị
em: hãy dành một phút hướng về Chúa và nói: ”Người này người kia là con Chúa,
xin Chúa thay lòng đổi dạ họ. Xin Chúa chúc lành cho họ”. Hành động này gọi là
cầu nguyện cho những người không thích các con, cầu nguyện cho kẻ thù... Có lẽ
oán hận vẫn còn trong chúng ta, nhưng chúng ta đang cố gắng đi theo con đường
của Chúa là Đấng nhân lành, từ bi, thánh thiện, trọn hảo”.
MỞ MẮT RA BẠN MUỐN THẤY GÌ? Lm. Dân
Chài
Mấy thằng bạn ngồi chém gió với nhau:
Đứa đạo đức nói: - Tớ mở mắt ra là
nhìn thẳng lên tường nơi có bàn thờ để tạ ơn Chúa và Mẹ Maria đã cho tớ ngủ
một giấc ngủ an lành.
Đứa tích góp nói: - Tớ mở mắt ra là nhìn
vào ngay cái két sắt ở bên giường, nó an toàn thì tớ cũng bình an.
Đứa làm nghề tài xế: - Tớ mở mắt ra mà
không thấy mình đang ngồi lái xe, hay không nằm trong bệnh viện là tớ mừng lắm
rồi.
Đứa bị chột nói: - Tớ mở mắt ra mà
nhìn được bằng cả 2 con mắt thì đó là phép lạ, là hạnh phúc mà tớ mong ước.
Tên trộm lành nói: - Tớ mở mắt ra mà
thấy ông thánh Phê-rô cho qua cửa là niềm hy vọng lớn nhất đời tớ.
Thứ tư Lễ Tro: HÃY XÉ LÒNG TGM
Ngô Quang Kiệt
Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức
xức tro trên đầu. Nghi thức này bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do
Thái. Trong Cựu Ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do Thái thường
xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.
Cựu Ước nói nhiều đến tập tục
này. Nhưng dễ nhớ nhất là truyện dân thành Ninivê. Ninivê là một thành phố lớn.
Nhưng dân chúng ăn chơi truỵ lạc, phạm nhiều tội lỗi. Thiên Chúa muốn tiêu diệt
thành này. Trước khi phạt, Chúa sai ngôn sứ Giona đến báo động. Ngh vị ngôn sứ
này nói Chúa sắp trừng phạt, dân thành sợ hãi bảo nhau bỏ đàng ăn chơi tội lỗi,
tha thiết ăn chay cầu nguyện, mặc áo vải thô, ngồi trên đống tro. Thấy dân
chúng có lòng ăn năn sám hối, Chúa đã tha phạt cho thành.
Việc
xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội
lỗi. Tội nhân tự nhận mình không xứng đáng được kính trọng, chỉ xứng đáng với
tro bụi nhơ bẩn, với áo rách tồi tàn, đáng bị khinh miệt, bị chà đạp như cát
bụi bên đường.
Việc xức tro và xé áo cũng làm
cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai
như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ
xoá sạch vết tích. Cuộc đời giống như manh áo, hôm qua còn mới đẹp, hôm nay đã
cũ kỹ xấu xí, hôm qua còn lành lặn, hôm nay đã sờn rách.
Như thế, việc xức tro và xé áo
có một nội dung ý nghĩa rất sâu xa. Nhưng với thời gian, do những cử hành máy
móc, các việc này dần dần rơi vào thái độ hình thức bên ngoài. Người ta làm cho
qua lần chiếu lệ, chẳng còn có ý thức thống hối. Chính vì thế, ngôn sứ Giôen đã
kêu gọi dân chúng: “Hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Hãy xé lòng
chứ đừng xé áo” (Ge 2,12b-13a).
Nghi thức phải diễn tả tâm tình thì
việc cử hành mới có ích lợi. Việc xức tro sẽ vô ích nếu trong lòng ta không
dâng lên tâm tình sám hối. Việc xé áo sẽ trở thành giả dối nếu tâm hồn ta không
tan nát vì hối hận tội lỗi.
Xức tro trên đầu không quan
trọng bằng xức tro trong tâm hồn. Hãy xức tro vào tâm hồn cho tâm hồn xót xa
đau đớn vì tội lỗi. Hãy xức tro vào thói kiêu căng để nó biết hạ mình xuống
trong khiêm nhường bé nhỏ. Hãy xức tro vào thói phô trương để nó biết chìm vào
âm thầm nghèo hàn. Hãy xức tro vào thói hận thù ghen ghét để nó đau đớn vì đã
không biết yêu thương. Hãy xức tro vào những mối chia rẽ bất hoà để tẩy sạch
vết thương, hàn gắn tình hiệp nhất. Hãy xức tro vào tính ích kỷ để nó biết mở
ra chia sẻ. Hãy xức tro vào thói lười biếng để nó tỉnh thức chăm lo việc đạo
đức. Xức tro như thế có khác gì xát muối vào lòng, sẽ gây nên đau đớn xót xa,
nhưng sẽ tẩy rửa linh hồn nên trong trắng.
Xé áo chẳng có ích lợi gì nếu ta
không xé lòng ra. Lòng ta bấy lâu đã gắn bó với tội lỗi. Tội lỗi ăn sâu dính
chặt hầu như trở thành một phần của tâm hồn. Muốn dứt lìa tội lỗi, phải xé nó
ra.
Hãy xé lòng ra khỏi những đam mê dục
vọng bất chính. Hãy xé lòng ra khỏi thói tham lam tiền bạc.
Hãy xé lòng ra khỏi thói nô lệ danh
vọng chức quyền.
Hãy xé lòng ra khỏi thói ham mê ăn
uống, rượu chè, cờ bạc.
Hãy xé lòng ra khỏi thói tự mãn tự
tôn. Biết bao thứ đã trở thành thiết thân. Những quan hệ, những tiền bạc của
cải, những chức tước danh vị, những thú ăn chơi, những tự ái, những giận hờn,
tất cả đã gắn chặt vào đời ta. Giờ đây phải xé nó ra. Đau đớn lắm. Vết thương
sẽ nặng lắm. Máu sẽ chảy nhiều lắm. Nhưng khi đã cắt bỏ được hết những ung nhọt
độc hại, linh hồn sẽ nhẹ nhàng, trong sạch và lớn mạnh vì được đầy tràn ơn phúc
và tình yêu của Chúa.
Lạy Chúa, xin hãy ban thêm sức
mạnh cho con, để mùa Chay năm nay con thực sự biết xức tro vào tâm hồn, biết xé
tâm hồn trong đau đớn vì tội lỗi. Lạy Chúa, xin đổi mới tâm hồn con. Amen.
ĂN CHAY, KIÊNG THỊT TRONG GIÁO HỘI
CÔNG GIÁO
Linh mục. Đoàn Quang, CMC
1. Xin cho biết Mục đích và Ý nghĩa
việc ăn chay kiêng thịt trong GHCG: Ăn chay là hình thức đền tội của Cựu Ước và
Tân Ước.
Chúa Giêsu giữ chay 40 đêm ngày để làm gương cho các tín hữu.
Chúa Giêsu giữ chay 40 đêm ngày để làm gương cho các tín hữu.
Trong GHCG, ăn chay kiêng thịt có mục
đích và ý nghĩa như sau:
1/ Bỏ mình, hãm mình, hi sinh, đền tội, dẹp tính mê ăn uống, đó là một trong 7 mối tội đầu (Thứ 5 Kiêng bớt chớ mê ăn uống).
2/ Tỏ lòng Sám hối tội lỗi,
3/ Thông cảm Sự Thương khó của Chúa Kitô.
Mỗi người chúng ta, chẳng ai là không phải đền tội, tội đầy đầu trong tư tưởng, lời nói, việc làm sai, thiếu sót bỏ không làm việc tốt phải làm..."lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng".
1/ Bỏ mình, hãm mình, hi sinh, đền tội, dẹp tính mê ăn uống, đó là một trong 7 mối tội đầu (Thứ 5 Kiêng bớt chớ mê ăn uống).
2/ Tỏ lòng Sám hối tội lỗi,
3/ Thông cảm Sự Thương khó của Chúa Kitô.
Mỗi người chúng ta, chẳng ai là không phải đền tội, tội đầy đầu trong tư tưởng, lời nói, việc làm sai, thiếu sót bỏ không làm việc tốt phải làm..."lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng".
Do đó, nếu Giáo hội không buộc ăn chay
kiêng thịt, thì tự mình cũng nên tìm cách hãm mình đền tội cách nhẹ ở đời này,
hơn là để đền tội "cách nặng" trong luyện ngục đời sau!
2. GHCG dạy ăn chay kiêng thịt bao
nhiêu lần trong một năm?
a-Giáo hội toàn cầu chọn các Thứ Sáu quanh năm làm ngày đền tội (Gl khoản 1250), nhưng để tùy mỗi Giáo hội địa phương xác định ăn chay kiêng thịt, Hội đồng Giám mục được chọn hình thức khác thay thế.
b-Giáo hội chỉ buộc các giáo dân toàn cầu ăn chay và kiêng thịt một năm 2 lần (Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh)(Gl 1251).
a-Giáo hội toàn cầu chọn các Thứ Sáu quanh năm làm ngày đền tội (Gl khoản 1250), nhưng để tùy mỗi Giáo hội địa phương xác định ăn chay kiêng thịt, Hội đồng Giám mục được chọn hình thức khác thay thế.
b-Giáo hội chỉ buộc các giáo dân toàn cầu ăn chay và kiêng thịt một năm 2 lần (Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh)(Gl 1251).
c-Cũng khoản 1251 này, Giáo hội dạy:
" Vào các ngày thứ sáu , nếu không trùng với ngày lễ Trọng, thì
phải kiêng thịt hay kiêng một thức ăn khác theo Hội đồng Giám mục đã
qui định (Gl 1253)".
3. Mấy tuổi thì ăn chay, kiêng thịt?
- 18 tuổi trọn tới hết 59 là tuổi ăn chay (Gl 1252).
- 14 tuổi trọn (không nói kết thúc, nghĩa là trọn đời) là tuổi kiêng thịt.(Gl 1215)
- 18 tuổi trọn tới hết 59 là tuổi ăn chay (Gl 1252).
- 14 tuổi trọn (không nói kết thúc, nghĩa là trọn đời) là tuổi kiêng thịt.(Gl 1215)
4. Cách ăn chay: Được ăn một bữa
trưa no (nếu bữa trưa là bữa chính, thì bữa sáng và bữa chiều cũng được ăn ít
hơn bữa trưa.
Phẩm và lượng đồ ăn tùy phong tục địa phương (Đức GH Phaolô VI, Tự Sắc về Đền tội Paenitemini ngày 17.2.1966).
Phẩm và lượng đồ ăn tùy phong tục địa phương (Đức GH Phaolô VI, Tự Sắc về Đền tội Paenitemini ngày 17.2.1966).
Nhưng trong ngày chay không được ăn
vặt như kẹo, bánh v.v.
Cần để ý đến tinh thần hi sinh, hãm
mình, khắc khổ, tự chế.
5. Cách kiêng thịt: Kiêng
các thứ thịt loài vật máu nóng (loài có vú và chim) kể cả bộ lòng...
Nhưng được ăn trứng và các thứ biến
chế từ sữa, được ăn những đồ gia vị, những thứ biến chế từ mỡ loài vật
(Paenitemini 3,1).
Được ăn cháo lỏng có mùi thịt (meat
gravy and sauces). (Catholic Alamnac 1989 Coi Abstinence).
6. Được tha giữ
chay: - Giáo hội không buộc người không thể giữ những luật
buộc như ăn chay, kiêng thịt. Giáo hội tha chung cho những người sau:
a/Những người vì sức khỏe, bệnh
nhân...
b/Những người phải làm việc nặng nhọc,
c/Những người nghèo khó vẫn khổ sở vì
đói,
d/Những người được cha xứ, Bề trên
Dòng, Giám mục tha (Gl 1245)
7.Được tha kiêng thịt: a/ Tha chung
Ngày Thứ Sáu gặp lễ Trọng (Gl 1251) (ví dụ lễ Thánh Cả Giuse trong mùa Chay
2010, nhưng nếu địa phương cứ giữ "kiêng thịt ", thì cứ theo địa
phương.
b/ Người vì sức khỏe, hay công việc nặng nhọc cần phải ăn thịt,
c/ Người mà chủ nhà, chủ nhân, nhà thương không cho đồ ăn khác...
Ngoài ra, ai cần tha thì xin phép linh mục xứ, cộng đoàn nơi mình đang ở.
b/ Người vì sức khỏe, hay công việc nặng nhọc cần phải ăn thịt,
c/ Người mà chủ nhà, chủ nhân, nhà thương không cho đồ ăn khác...
Ngoài ra, ai cần tha thì xin phép linh mục xứ, cộng đoàn nơi mình đang ở.
Sứ điệp Mùa Chay 2017 của Đức Thánh
Cha Phanxicô
Dưới đây là toàn văn Sứ điệp Mùa Chay
2017. Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An.
Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân.
Anh Chị Em thân mến,
Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân.
Anh Chị Em thân mến,
Mùa Chay
là một khởi đầu mới, là một con đường dẫn đến mục tiêu nhất định là lễ Phục
Sinh, là chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết. Mùa Chay khẩn thiết kêu gọi
chúng ta hoán cải. Kitô hữu được yêu cầu quay về với Thiên Chúa “với tất cả tâm
hồn họ” (Joel 2:12), để từ khước việc hài lòng với những điều tầm thường và lớn
lên trong tình bạn với Chúa. Chúa Giêsu là người bạn trung thành, là người
không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngay cả khi chúng ta phạm tội, Ngài kiên nhẫn
chờ đợi sự trở lại của chúng ta; và qua sự trông đợi kiên nhẫn như thế, Chúa
cho chúng ta thấy sự sẵn sàng tha thứ của Ngài (x Bài giảng, 08 tháng 1 năm
2016).
Mùa Chay là mùa thuận lợi cho việc đào
sâu đời sống tinh thần của chúng ta qua các phương tiện thánh hóa mà Giáo Hội
mang đến cho chúng ta như ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Cơ sở của tất cả những
điều này là Lời Chúa, mà trong suốt mùa này, chúng ta được mời gọi lắng nghe và
suy ngẫm sâu sắc hơn. Giờ đây tôi muốn suy tư trên dụ ngôn người đàn ông giàu
có và ông Ladarô (Lc 16: 19-31). Chúng ta hãy để mình được linh hứng trong câu
chuyện đầy ý nghĩa này, vì nó mang lại chìa khóa để hiểu những gì chúng ta cần
phải làm để đạt được hạnh phúc chân thật và sự sống đời đời. Câu chuyện này
khích lệ chúng ta hãy chân thành hoán cải.
Tha nhân là một hồng ân
Dụ ngôn bắt đầu bằng việc giới thiệu
hai nhân vật chính. Người đàn ông nghèo được mô tả chi tiết hơn: ông đã thê
thảm đến mức không còn sức để đứng dậy. Nằm trước cửa nhà người đàn ông giàu
có, ông sống nhờ những mảnh bánh vụn rơi xuống từ bàn của người nhà giàu. Người
ông đầy những vết lở lói và chó đến liếm các vết thương của ông (x. 20-21). Đây
là một hình ảnh thật quá khổ đau; nó mô tả một con người bất hạnh và đáng
thương.
Cảnh này thậm chí còn gây ấn tượng hơn
nữa nếu chúng ta để ý rằng con người nghèo khổ này được gọi là Ladarô: một cái
tên đầy hứa hẹn, Ladarô có nghĩa là “Thiên Chúa hộ trì”. Nhân vật này không
phải là vô danh. Danh tính của ông được mô tả rõ ràng và ông xuất hiện như là
một cá nhân với câu chuyện của mình. Trong khi ông hầu như là vô hình đối với
người giàu có, chúng ta nhận ra ông như một ai đó quen thuộc. Ông trở thành một
khuôn mặt, và như thế là một hồng ân, một kho tàng vô giá, một con người mà
Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc, mặc dù tình hình cụ thể của ông không hơn gì
một kẻ bị ruồng bỏ (x Bài giảng, ngày 08 Tháng 1 2016).
Ladarô dạy chúng ta rằng tha nhân là
một hồng ân. Tương quan đúng đắn với con người bao gồm việc nhìn nhận giá trị
của họ với lòng biết ơn. Ngay cả một người nghèo nơi cổng nhà của người giầu
cũng không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi
hoán cải và thay đổi cuộc sống. Dụ ngôn này trước hết mời gọi chúng ta mở cửa
lòng mình cho tha nhân vì mỗi người đều là một hồng ân, dù cho người ấy là láng
giềng của chúng ta hay một người ăn xin vô danh. Mùa chay là mùa thuận tiện để
mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa
Kitô. Mỗi người trong chúng ta gặp gỡ những người như thế mỗi ngày. Mỗi cuộc
sống mà chúng ta gặp gỡ phải là một ân sủng đáng được đón nhận, tôn trọng và
yêu thương. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự
sống, nhất là khi sự sống ấy yếu ớt và mong manh. Nhưng để làm được như thế,
chúng ta phải suy tư nghiêm chỉnh về những gì Phúc Âm nói với chúng ta về người
giầu có.
Tội lỗi làm chúng ta đui mù
Dụ ngôn mô tả không thương tiếc những
điều ngược lại khi nói về người đàn ông giàu có (x v. 19). Không giống như anh
Ladarô nghèo, ông không có một cái tên; ông chỉ đơn giản được gọi là “một người
đàn ông giàu có”. Sự sang trọng của ông đã được nhìn thấy nơi chiếc áo choàng
lộng lẫy và đắt tiền. Vải màu tím thậm chí còn quý hơn vàng và bạc, và do đó đã
được dành cho các thần linh (Giêrêmia 10: 9) và các vị vua (x. Thủ Lãnh 8:26),
trong khi vải len mịn được dành cho một nhân vật gần như là thánh thiêng. Người
đàn ông rõ ràng phô trương về sự giàu có của mình, và có thói quen biểu diễn nó
hàng ngày: “ông ngày ngày yến tiệc linh đình” (câu 19). Nơi ông, chúng ta có
thể thoáng thấy sự băng hoại của tội lỗi, tiến triển qua ba giai đoạn kế tiếp
nhau: yêu mến tiền của, phù hoa và tự hào (x Bài giảng, ngày 20 tháng 9 2013).
Thánh Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta
rằng “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tim 6:10). Đây
là nguyên nhân chính của tham nhũng và một nguồn mạch dẫn đến ghen tị, xung đột
và nghi ngờ. Tiền bạc có thể thống trị chúng ta, thậm chí đến mức nó trở thành
một thứ ngẫu tượng độc tài (cf. Evangelii Gaudium, 55). Thay vì là một khí cụ
phục dịch chúng ta để làm điều thiện và thể hiện tình đoàn kết với người khác,
tiền bạc có thể xiềng xích chúng ta và cả thế giới vào một thứ luận lý ích kỷ
không còn chỗ cho tình yêu và gây trở ngại cho hòa bình.
Dụ ngôn sau đó cho thấy sự tham lam
của người đàn ông giàu có làm cho ông ta ra hư không. Tính cách của ông ta được
thể hiện qua dáng vẻ bề ngoài, nơi việc khoe khoang cho người khác thấy những
gì ông có thể làm. Nhưng vẻ bề ngoài ấy chỉ che đậy một sự trống rỗng bên
trong. Trong cuộc đời mình, ông chỉ là một tù nhân cho dáng vẻ bên ngoài, cho
các khía cạnh hời hợt và phù du nhất của đời người (x. thượng dẫn., 62).
Bậc thấp nhất của sự suy thoái đạo đức
này là niềm tự hào. Người đàn ông giàu có này ăn mặc như một vị vua và hành xử
như một vị thần, mà quên rằng ông chỉ đơn thuần là một sinh linh hay chết. Đối
với những người bị băng hoại vì mê mải sự giàu sang, không có gì tồn tại ở
ngoài cái tôi của riêng họ. Những người xung quanh không có trong tầm mắt họ.
Hậu quả của việc bo thiết với tiền bạc là một loại mù lòa. Người đàn ông giàu
này không thấy những người nghèo, những người đang đói, đang bị thương, nằm ở
cửa nhà mình.
Nhìn vào nhân vật này, chúng ta có thể
hiểu tại sao Tin Mừng thẳng thừng lên án lòng yêu mến tiền của: “Không ai có
thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với
chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi
Tiền Của được” (Mt 6:24).
Lời Chúa là một hồng ân
Trình thuật Phúc Âm về người đàn ông
giàu có và anh Ladarô giúp chúng ta chuẩn bị tốt để tiến tới Lễ Phục Sinh.
Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro mời gọi chúng ta đến với một kinh nghiệm khá tương tự
như kinh nghiệm của người đàn ông giàu có. Khi linh mục đặt tro trên đầu chúng
ta, ngài lặp lại những lời này: “Hãy nhớ rằng mình là tro bụi, một mai rồi sẽ
trở về bụi tro”. Cuối cùng, cả người đàn ông giàu có và người nghèo đều qua
đời, và phần quan trọng của dụ ngôn này nằm ở đoạn nói về những gì diễn ra ở
thế giới bên kia. Hai nhân vật đột nhiên phát hiện ra rằng “chúng ta đã chẳng
mang gì vào cõi đời này, thì cũng chẳng mang ra được gì” (1 Tm 6: 7).
Chúng ta cũng thấy những gì xảy ra ở
thế giới bên kia. Ở đó người đàn ông giàu có nỉ non cùng Abraham, là người mà
ông gọi là “cha” (Lc 16: 24,27), như một dấu chỉ cho thấy ông ta thuộc về dân
Chúa. Chi tiết này làm cho cuộc sống của ông ta xem ra mâu thuẫn đến tột cùng,
vì cho đến thời điểm này, chưa hề có chỗ nào đề cập về mối quan hệ của ông với
Thiên Chúa. Trong thực tế, không có chỗ cho Thiên Chúa trong cuộc sống của ông.
Thần minh duy nhất của ông là chính mình.
Người đàn ông giàu có chỉ nhận ra
Ladarô giữa những đau khổ của thế giới bên kia. Ông muốn người đàn ông nghèo
này làm giảm bớt đau khổ của mình bằng một giọt nước. Những gì ông van xin
Ladarô cũng tương tự như những gì ông đã có thể làm nhưng không bao giờ làm.
Abraham nói với ông: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước
của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô
được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.” (c. 25). Trong thế giới
bên kia, một loại công lý đang được phục hồi và những điều bất hạnh trong cuộc
đời được cân bằng bởi điều tốt lành.
Dụ ngôn tiếp tục với việc đưa ra một
thông điệp cho tất cả các Kitô hữu. Người đàn ông giàu có xin Abraham gửi
Ladarô về cảnh báo các anh em của mình, là những người vẫn còn sống trên dương
thế. Nhưng Abraham trả lời: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe
lời các vị đó” (câu 29). Bác bỏ lời phản đối của người đàn ông giàu có, Abraham
nói thêm: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có
sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (câu 31)..
Vấn đề thực sự người đàn ông giàu có
vì thế được đặt lên hàng đầu. Cội rễ của tất cả căn bệnh của ông là sự thất bại
không chú ý đến lời Thiên Chúa. Kết quả là, ông không còn yêu mến Thiên Chúa và
càng ngày càng coi thường người láng giềng của mình. Lời Chúa sống động và mạnh
mẽ, có khả năng chuyển đổi trái tim và dẫn chúng ta trở về với Chúa. Khi chúng
ta đóng kín con tim chúng ta trước hồng ân Lời Chúa, chúng ta cũng đóng kín con
tim của chúng ta trước ân sủng là các anh chị em của chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là mùa thuận lợi cho việc đổi
mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô, cho việc sống trong lời Ngài, trong
các phép bí tích và nơi những người láng giềng của chúng ta. Chúa, là Đấng đã
chiến thắng sự lừa dối của tên cám dỗ trong bốn mươi ngày trong sa mạc, chỉ cho
chúng ta thấy con đường chúng ta phải đi. Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa
chúng ta vào một cuộc hành trình thực sự của hoán cải, qua đó chúng ta có thể
tìm lại hồng ân lời Chúa, được thanh tẩy khỏi những tội lỗi làm mờ mắt chúng
ta, và phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi những anh chị em cùng quẫn của chúng ta.
Tôi khuyến khích tất cả các tín hữu thể hiện tinh thần đổi mới này bằng cách
chia sẻ trong các Chiến dịch Mùa Chay được thúc đẩy bởi nhiều tổ chức Giáo Hội
tại những miền khác nhau trên thế giới, và nhờ thế sẽ làm thuận lợi cho nền văn
hóa gặp gỡ trong cùng một gia đình nhân loại của chúng ta. Chúng ta hãy cầu
nguyện cho nhau để khi chia sẻ trong chiến thắng của Chúa Kitô, chúng ta có thể
mở cửa lòng chúng ta đối với người yếu thế và người nghèo. Khi đó chúng ta sẽ
có thể trải nghiệm và chia sẻ đầy đủ niềm vui Phục Sinh.
Từ Vatican, ngày 18 tháng 10 năm 2016
Lễ Thánh Luca Tông Đồ Thánh Sử
LŨ TRỘM VÀ CON LỪA
Có hai tên trộm
đánh nhau vì con lừa mới lấy cắp được. Một kẻ muốn giữ nó lại, tên kia lại muốn
bán nó đi. Hai bên lời qua tiếng lại mãi rồi xáp vào đánh nhau, thì có tên kẻ
trộm thứ ba xuất hiện tự xưng là ông chủ của con lừa. Thế là con lừa giống như
một mảnh đất đáng thương bị tranh giành bởi các vị hoàng tử của các nước. Món
hàng giờ đây đã bị chia làm ba thay vì làm hai phần như lúc đầu. Rồi cuối cùng
chẳng ai trong số họ lấy được trọn vẹn phần chia của mình, vì lại có tên kẻ
trộm thứ tư xuất hiện và đòi chia phần.
Sống trên đời tranh giành với nhau
cái, vốn không là của mình, chỉ là trò cười cho thiên hạ mà thôi.
TỰ LÀM NƯỚC RỬA CHÉN SẠCH không hóa
chất
Tự làm
nước rửa bát tại nhà là cách đơn giản để bát đĩa sạch bong kin kít nhưng vẫn
lành tính vì không có bất kỳ hóa chất nào..
Nguyên liệu:
Nguyên liệu:
Bồ kết + sả cây + vỏ bưởi (vỏ cam, cỏ
chanh)
Cách làm:
Cách làm:
Đầu tiên bồ kết rửa sạch để khô ráo
nước, rồi nướng thơm lên.
Bước kế tiếp sả đập dập, cắt thành
nhiều khúc.
Tiếp theo vỏ bưởi (cam,chanh) cắt
thành miếng bằng 2 đốt ngón tay.
Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi, đổ
nước ngập mặt nguyên liệu, đun cho đến khi các chất trong nguyên liệu tiết ra
nước hết và phần nước sắc đặc lại.
Sau khi đun, đổ qua rây lọc để bỏ bã
đi, đổ vào chai dùng dần.
Mỗi lần rửa bát, chỉ cần xả nước qua
cho sạch dầu mỡ, sau đó dùng nước rửa bát tự làm vừa làm thấm vào mút rửa bát
rồi rửa như bình thường rồi xả lại với nước. Bát đĩa được rửa bằng loại nước
rửa bát này vừa thơm vừa sạch, rất lành tính vì không có bất kỳ hóa chất nào. Theo
Kienthuc.net
Thứ Tư 1-3: Lễ tro xức tro - ĂN CHAY
KIÊNG THỊT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét