Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật XIV Thường Niên A – Mt 11,25-30
Thứ Tư – 2/7/2014
CẦU NGUYỆN VÀ XIN ƠN THÁNH THẦN
Lạy Chúa Giê-su,
nguyện xin Chúa ban Thánh Thần xuống trên cộng đoàn chúng con, giúp chúng con
hiểu và sống Lời Chúa qua bài Tin Mừng chúng con suy niệm hôm nay. (Cộng đoàn
hát: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…)
GỢI Ý TÌM HIỂU TIN MỪNG Mt 11,25-30
LỜI MỞ ĐẦU
Kính thưa cộng
đoàn! Chủ đề của bài Tin Mừng chúng ta vừa đọc là…
MANG ÁCH CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Và Giáo Hội sẽ công
bố bản văn Tin Mừng này vào Chúa Nhật XIV Thường Niên A vài ngày tới đây.
TÌM HIỂU CHI TIẾT
Bản văn chúng ta
vừa đọc có 6 câu, nhưng gồm ba phần rõ rệt. Có lẽ tác giả Mát-thêu đã đặt những
lời này lại một chỗ để nêu bật một ý tưởng duy nhất. Đó là tác giả muốn chúng
ta thấy mối liên hệ sâu xa của Đức Giê-su với Chúa Cha và với các Ki-tô hữu.
1/ Phần thứ nhất (câu 25-26): “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin
ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho
bậc khôn ngoan thông thái biết những
điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là
điều đẹp ý Cha.”
Đây là lời Đức
Giê-su ngợi khen Cha của Người, vị “Chúa Tể trời đất”. Từ ngữ “trời đất” được
dùng để bao gồm toàn bộ các loài thụ tạo. Như vậy, quyền làm chủ của Thiên Chúa
tuyệt đối và bao trùm toàn thể vũ trụ. Đức Giê-su mô tả Thiên Chúa như vậy sau
khi Người nói về những kẻ hoài nghi không chịu tin vào Người, và bảo rằng, họ
không thể nâng mình lên đến tận trời (câu 20-24). Nói cách khác, người ta chỉ
có thể lên trời nhờ tin vào Đức Giê-su.
Niềm tin vào Thiên
Chúa là một ân huệ do chính Thiên Chúa mặc khải. Niềm tin đó không dựa vào
trình độ giáo dục hoặc khả năng học hỏi của chúng ta. Những người bé mọn có thể
tin vào Thiên Chúa, trong khi những người được thế gian coi là khôn ngoan thông
thái lại có thể hoàn toàn không biết gì về Thiên Chúa.
Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này. Dĩ nhiên không phải hễ
thông thái là bị loại ra khỏi thế giới của lòng tin, nhưng có điều làm rạng
danh Thiên Chúa là không bao giờ đức tin bị hiểu là một đặc ân dành riêng cho
hạng người hiền triết và thông minh cả. Cốt tủy cuộc đời không hề do sự khôn
ngoan trí tuệ của người phàm mà tìm thấy được, thường khi nó còn bị những thứ
ấy che khuất nữa. Lúc bấy giờ tại Pa-lét-tin có vài bậc hiền triết và lắm kẻ
được gọi là người khôn ngoan, nhưng họ đâu có đông trong số các môn đệ của Đức
Giê-su. Hạng khôn ngoan thông thái nói tới ở đây có lẽ Đức Giê-su ám chỉ nhóm
biệt phái và pha-ri-sêu, vì đối với người Do-thái, ai tinh thông lề luật, đó là
người khôn ngoan vậy (Cn 9.10;; Hc 1.14-18; 19.20; x. Tl 4.6). Sự khôn ngoan
thông thái của hạng học thức và luật sĩ này càng ngày càng thoái hóa thành một
thứ kiến thức vật chất và thuần lý về lề luật cũng như về các truyền thống của
tôn sư.
…nhưng lại mặc khải
cho những người bé mọn. Bé mọn ở đây ám chỉ những người nghèo khổ, thất học,
bệnh hoạn, tàn tật, tội lỗi… bị gạt ra bên lề xã hội (x. Mt 18,1-14); kẻ bé mọn
đây cũng chỉ các môn đệ của Đức Giê-su (Mt 10.42), những kẻ được Thiên Chúa mặc
khải mầu nhiệm Nước Trời (Đn 2.29; Mt 13.11). Những kẻ bé mọn này không bị
thành kiến, không cậy vào tài trí nên dễ dàng mở lòng đón nhận đức tin. Chúng
ta chỉ có thể hiểu biết Thiên Chúa nếu chúng ta đứng về phe những kẻ bé mọn,
hèn kém ấy.
2/ Phần thứ hai (câu 27): “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi.
Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa
Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”
Câu này nói lên mối
liên hệ có một không hai giữa Chúa Cha và Chúa Con là Đức Giê-su. Mỗi Đấng biết
Đấng kia cách trọn vẹn. Chúa Cha đã giao phó mọi sự cho Đức Giê-su. Trong phần
thứ nhất, Chúa Cha là Đấng mặc khải. Trong phần này, Đức Giê-su là Đấng mặc
khải Chúa Cha. Đức Giê-su tuyên bố rằng, sự hiểu biết về Chúa Cha hoàn toàn tùy
thuộc ở Chúa Con. Đức Giê-su muốn chia sẻ sự hiểu biết này cho ai tùy ý Người
chọn; đó là ân huệ Người ban. Và không ai có thể có tham vọng có sự hiểu biết
đó nếu không được Đức Giê-su giúp đỡ để hiểu hoặc biết Chúa Cha.
Trên hết mọi đặc
quyền, Cha ban cho Đức Giê-su được biết Cha và được Cha biết một cách độc nhất
vô nhị. Đặc quyền này đặt Đức Giê-su lên địa vị trổi vượt mọi thụ tạo, địa vị
ngoại hạng, vì điều quá rõ là chẳng ai có thể biết Thiên Chúa, thế mà Con biết.
Vậy Đức Giê-su là ai, nếu chẳng phải là Thiên Chúa. Thế là đột nhiên, Đức
Giê-su đã mặc khải cho chúng ta biết thiên tính của Người.
3/ Phần thứ ba (câu 28-30): 28 "Tất cả những ai đang
vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh
em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và
khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm
ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."
Phần này, Đức
Giê-su kêu gọi "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” hãy đến với
Người vì Người cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Người mời gọi họ mang lấy ách của
Người. Người ta dùng cái ách để điều khiển gia súc làm việc dưới sự hướng dẫn
của chủ. Hình ảnh này muốn nói rằng Đức Giê-su có trách nhiệm và các môn đệ
phải tuân theo các chỉ dẫn của Người. Nhưng Đức Giê-su hứa là Người sẽ hướng
dẫn chúng ta cách hiền hậu, khiêm nhường và gánh sẽ nhẹ nhàng.
Trong phần này có
những tiếng người Do-thái hay dùng. Đó là “gánh”, “ách” và “nghỉ ngơi”. Đức
Giê-su không sáng chế ra tiếng mới song Người đem đến cho nó một ý nghĩa mới, một
nội dung mới khiến dân chúng nghe là hiểu ngay đồng thời ngạc nhiên vì “chưa hề
có ai nói như ông này”.
Quả thật, dân
Do-thái phải vác nặng cái gánh truyền thống của cha ông giải thích và áp dụng
lề luật cách tỉ mỉ và gắt gao đến nỗi chính Thánh Phê-rô cũng công nhận là vác
không nổi (Cv 15.10; x. Lc 11.46; Mt 23.4). Như vậy, ở trên Đức Giê-su trách
những người vụ tri thức (cc. 25-27), ở đây Người gián tiếp trách các người vụ
luật pháp gây gánh nặng cho dân chúng hèn mọn, dốt nát (x. Mt 23,4). Qua câu nói
này, người ta đoán được tầm mức to lớn của cuộc tranh chấp tôn giáo giữa Đức
Giê-su và quyền bính tôn giáo thời đó, những kẻ dựa vào chính lề luật Thiên
Chúa để áp bức dân ngu, hèn yếu.
Ách là hình ảnh
thông dụng trong Cựu-Ước (Yr 2.20; 5.5; Hs 10.11) và trong Do-thái giáo để chỉ
về luật Thiên Chúa thành văn hay truyền khẩu (Hc 6.24-30; 51,26-27; Yr 2.20; Ys
14.25). Do-thái giáo đã làm cho ách lề luật biến thành nặng nề, chứ người ta
bình thường không mấy khi cảm thấy ách ấy nặng nề hay gây thương tích. Trong
Kinh Thánh có lần còn nói đến “nỗi an nhàn… khi mang ách” (Hc 51.26-27). Như
vậy, chúng ta thấy có hai ách: ách bằng gang thép nghiền nát vai, chảy máu và
ách êm ái nhẹ nhàng như đệm bông. “Ách tôi êm ái”, nói như thế không có nghĩa
là Đức Giê-su đòi hỏi ít hơn nhóm biệt phái, Pha-ri-sêu, trái lại, đòi hỏi
nhiều hơn, nhưng một cách khác, tức là do Thánh Thần là tình mến bên trong thúc
đẩy và làm cho chúng ta thấy nhẹ nhàng. Xin đừng hiểu lầm điều nói ở đây với
chủ trương của một số người đòi bãi bỏ luật lệ trong Hội Thánh, và chỉ còn theo
luật nội tâm, do Thánh Thần soi sáng cho riêng mình.
Hiền lành và khiêm
nhường là đặc tính của Đức Giê-su. Người đã dùng đặc tính này để làm thầy dạy
khôn ngoan cho những kẻ bé mọn. Để minh chứng điều ấy, chúng ta có thể đọc lại
Bài giảng trên núi hay còn gọi là Tám mối phúc của Đức Giê-su cùng những điều
dạy khác của Người trong Tin Mừng.
Lời Nguyện thay cho Kết Luận:
Lạy Chúa Giê-su là
Ngôi Hai Thiên Chúa, là Con của Cha, Chúa đã mặc khải cho chúng con biết thần
tính của Chúa, Chúa đã mặc khải cho chúng con biết tình yêu sâu thẳm của Chúa
với Thiên Chúa Cha, và Chúa cũng đã yêu thương chúng con, những người bé mọn
được Chúa xót thương. Với lòng yêu thương ấy, Chúa đã mặc khải mầu nhiệm Nước
Trời cho chúng con. Xin giúp chúng con mang lấy ách của Chúa trong suốt hành
trình dương thế tiến về Nhà Cha trên trời, vì ách của Ngài luôn êm ái, nhẹ
nhàng, vì Ngài luôn tỏ lòng hiền hậu, khiêm nhường, yêu thương chúng con hết
mực. Amen.
GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Xét mình trước tôn nhan Thiên Chúa: Mệt mỏi có thể là
do lao động (thể xác) hay do sức ép của cuộc sống (tinh thần). Mệt mỏi thể xác
có thể được phục hồi bằng việc nghỉ ngơi; mệt mỏi tinh thần phải được chữa trị
bằng phương cách tâm linh. Chúa chỉ cho con người biết làm sao để tránh những
mệt mỏi tinh thần này.
Tại sao chúng ta đã
cố gắng hết sức mà vẫn không thành công? Có thể chúng ta đã không biết cách làm
việc để đạt kết quả tốt đẹp? Có thể chúng ta lo lắng quá độ những gì không cần
phải lo quá như vậy? Có thể chúng ta đang làm theo ý, theo cách, và theo đường
hướng của chúng ta mà không phải là ý, cách, hay đường hướng của Thiên Chúa?
Đức Kitô mời gọi chúng ta nhìn lại để học cách làm việc sao cho thành công hơn!
Ngài muốn chúng ta quẳng đi những mối lo không cần thiết! Hay chú trọng đến
những gì là quan trọng thay vì những cái quá nhỏ nhặt thiển cận!
Xin mở ngoặc
để nói thêm: Thế giới ngày nay được gọi là có một nền văn minh đầy thú tiêu
khiển. Suốt 24 giờ trong ngày, nào là ca nhạc, phát thanh, truyền hình, phim
truyện, nào là thể thao, bóng đá, bơi lội, xe đạp, mô tô, du ngoạn, chưa kể các
món tiêu khiển khác có những điều khả nghi hoặc thực sự xấu xa. Vấn đề là con
người thời nay có nhờ đó mà được nghỉ ngơi không? Thế nào là một cuộc sống
thăng bằng và hạnh phúc, thoải mái và bình an?
2/ Hai điều quan trọng chúng ta cần học hỏi cùng Chúa Giêsu: Người môn đệ tuy
vẫn phải mang ách và mang gánh nặng; nhưng họ không mang chúng theo cách của
thế gian, mà mang chúng theo cách của Đức Kitô. Để biết mang ách và gánh đúng
cách, họ cần phải học với Đức Kitô. Hai nhân đức quan trọng họ cần học nơi
Ngài:
(1) Hiền lành: Đây là mối phúc thứ hai trong Tám Mối Phúc. Chúa Giêsu là Thiên
Chúa, Ngài có quyền tiêu diệt những ai nói những lời xúc phạm, đánh đòn, và
giết chết Ngài; nhưng Ngài đã không làm những chuyện đó. Ngài chọn con đường
tha thứ: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Ngài
hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Ngài dạy phải thương yêu, cầu
nguyện và làm ơn cho kẻ thù. Con người cũng thường có khuynh hướng yêu thích
những ai hiền lành, nhã nhặn, và tha thứ.
(2) Khiêm nhường: là nhân đức diệt trừ tính kiêu ngạo, tội đầu tiên trong bảy mối
tội đầu. Không ai thích người kiêu ngạo và tâm lý chung chẳng ai thích người
hay “nổ.” Khiêm nhường là biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với
tha nhân. Người khiêm nhường biết mọi sự mình có được là do Thiên Chúa ban, nên
họ không huyênh hoang lên mặt với người khác; nhưng biết dùng tài năng để mở
mang Nước Chúa và phục vụ anh em. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa
và luôn bất an vì sợ người khác hơn họ. Họ bất an khi không nhận được những gì
họ muốn và khó chịu với mọi người.
LỜI
CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1/ “Lạy Cha là Chúa
Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã
giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái
biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt
11,25).
2/ "Tất cả
những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi
bồi dưỡng.” (Mt 11,28).
3/ “Anh em hãy mang
lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ
nhàng.” (Mt 11,29-30).
LỜI
NGUYỆN
1/ Lạy Chúa Giê-su
Thánh Thể, chúng con là những Ki-tô hữu, là những người bé mọn của Chúa, xin
Chúa giúp chúng con luôn biết mở lòng lắng nghe và thực thi lời Chúa để đời
sống đức tin của chúng con triển nở, để lòng cậy lòng mến của chúng con luôn
tăng tiến, để mầu nhiệm Nước Trời luôn hiện diện trong chúng con ngay từ đời
này nhờ tình thương của Chúa.
2/ Lạy Chúa Giê-su
Thánh Thể, chúng con là những Ki-tô hữu, là những người bé mọn của Chúa, xin
Chúa giúp chúng con biết phó thác cuộc sống này vào bàn tay quan phòng của Chúa
để những vất vả của chúng con được Chúa sẻ chia, để những mệt mỏi của chúng con
được Chúa bồi sức và cho nghỉ ngơi.
3/ Lạy Chúa Giê-su
Thánh Thể, chúng con là những Ki-tô hữu, là những người bé mọn của Chúa, xin
Chúa giúp chúng con ý thức mang lấy ách của Chúa với lòng mến sâu xa, với lòng
hy sinh vô bờ để ách ấy trở nên nhẹ nhàng cho chúng con.
4/ Lạy Chúa Giê-su
Thánh Thể, chúng con là những Ki-tô hữu, là những người bé mọn của Chúa, xin
Chúa giúp chúng con học được lòng hiền hậu và khiêm nhường của Chúa mà đối xử
với tha nhân để lòng hiền hậu và khiêm nhường ấy từ chúng con, lan tỏa, gieo
rắc mầm giống tốt, nhờ đó thế giới chúng con đang sống sẽ là thế giới yêu
thương, hoan lạc và bình an.
Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh
Gioa-kim Phạm Văn Lượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét