CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN LỄ THÁNH ANPHONGSÔ (01/08/2013)



GIÁO XỨ ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP
                 BAN PHỤNG VỤ

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN
LỄ THÁNH ANPHONGSÔ  (01/08/2013)
LỜI MỜI (Chủ tế): Hôm nay cộng đoàn chúng ta cùng Dòng Chúa Cứu Thế long trọng mừng lễ kính Thánh Anphongsô, Đấng lập Dòng Chúa Cứu Thế, nhờ lời chuyển cầu của Thánh nhân, chúng ta hãy thành tâm dâng những lời cầu xin Chúa Cha nhân từ:

1/ Nhân lễ kính Thánh Anphongsô - Đấng lập Dòng Chúa Cứu Thế trên toàn thế giới, cách riêng tại Việt Nam luôn biết thực thi tôn chỉ: rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ, cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và dấn thân phục vụ những anh chị em bị bỏ rơi, đặc biệt là những người bị loại ra bên lề của xã hội hôm nay.

X: Chúng con nguyện xin Cha!     Đ: Xin Cha nhậm lời chúng con.

2/ Noi gương Thánh Tổ phụ Anphongsô, Ngài từ bỏ mọi của cải thế gian để trung thành tiếp bước theo Chúa. Cộng đoàn chúng ta cùng hiệp ý cầu xin Cha luôn giữ gìn, soi sáng quý Linh Mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam sống khó nghèo, đơn sơ và luôn trung tín bước theo các lời khuyên Tin Mừng.

X: Chúng con nguyện xin Cha!     Đ: Xin Cha nhậm lời chúng con.

3/ Như lời Thánh Anphongsô đã dạy: “Cầu nguyện là phương thế tuyệt hảo. Ai cầu nguyện thì được cứu, ai không cầu nguyện sẽ bị hư mất.” Chúng ta cùng cầu xin Cha cho mọi giáo dân trong Giáo xứ luôn ý thức giá trị của việc cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh ngõ hầu làm vinh danh Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay.

X: Chúng con nguyện xin Cha!     Đ: Xin Cha nhậm lời chúng con.

4/ Nhân lễ kính Thánh Anphongsô, chúng ta cầu xin Cha ban nhiều ơn lành trên quý Linh mục, tu sĩ và tất cả những ai đã nhận thánh nhân làm bổn mạng.

X: Chúng con nguyện xin Cha!     Đ: Xin Cha nhậm lời chúng con.

LỜI KẾT (Chủ tế): Lạy Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương chăm sóc chúng con, xin thương nhận những ước nguyện của cộng đoàn dâng lên Cha, và ban ơn trợ giúp để chúng con biết noi gương Thánh Anphongsô, sống ngày càng xứng đáng là con cái Cha.   Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.







NHẬT KÝ 30/7/2013

 
TẤT CẢ VÌ VINH DANH CHÚA VÀ PHẦN RỖI CÁC LINH HỒN

  SÁNG:
5 giờ 00 – 8 giờ 00: Phụ việc nhà, làm việc trên mạng: xem tin tức đạo đời, đăng bài suy niệm...

8 giờ 00 - 10 giờ 30: Trực VPGX.
Báo qua ĐT không dạy GLHN / DT  tối nay.
Tiếp một bạn trẻ nữ xin cho bạn học giáo lý dự tòng buổi sáng, một bạn trẻ nữ khác xin gặp Cha Quang Uy.
Hướng dẫn một nam giáo dân ở Thủ Đức gửi hài cốt người thân, một bạn trẻ nam khác gặp Cha ĐHT, phòng CL - HB.
Hướng dẫn đôi bạn trẻ xin học trễ hạn hôn nhân K89 (dài han).
Tiếp một bạn trẻ nữ cùng với bạn trai xin học GLDT ngắn hạn vì 3 tháng nữa lên xe hoa.
Tiếp một bạn trẻ nữ khác đã học Lớp Giáo lý hôn nhân cách đây một năm, nay quay lại xin giấy chứng nhận. Hỏi học Cha nào. Trả lời không biết. Hỏi học ngày nào trong tuần. Trả lời không nhớ. Muốn giúp cũng chẳng được! Ông phụ trách phòng hồ sơ gợi ý học lại hoặc gặp Cha Chánh Xứ trình bày rõ ràng.
Hoàn tất 95% bản thảo BC-0713, in kiểm tra, chưa viết phần Nhận Xét Chung.


 TRƯA: 
Trước giờ cơm trưa, đọc kiểm tra BC-0713. Cơm trưa. Nghỉ trưa ngon giấc.


CHIỀU:
14 giờ 00:Viết thật kỹ phần Nhận Xét Chung BC-0713 theo phong cách viết bản tin.
16 giờ 00: Làm việc trên mạng
17 giờ 30 : Tham dự giờ hành hương mừng lễ Thánh Anphong.
18 giờ 00: Tham dự thánh lễ sau đó.
Bà xã ở lại hỗ trợ Học Sinh Giỏi Xóm Giáo 5 chuẩn bị buổi lễ phát thưởng do Giáo Xứ tổ chức vào tối mai.

TỐI:
 Thư giãn .
 
TẠ ƠN CHÚA MỘT NGÀY ĐÃ QUA BÌNH AN

NHẬT KÝ 29/7/2013


TẤT CẢ VÌ VINH DANH CHÚA VÀ PHẦN RỖI CÁC LINH HỒN

  SÁNG:
5 giờ 00 – 5 giờ 45: Làm việc trên mạng: xem tin tức đạo đời, đăng bài suy niệm...
5 giờ 45 - 7 giờ 30: Tham dự Thánh lễ mừng kính Thánh Martha, bổn mạng Ban Làm Đẹp Thánh Đường. Chủ tế: Cha Chánh Xứ. Hiệp thông tham dự: Ban Thường Vụ và cộng đoàn phụng vụ hiện diện.Sau Thánh lễ, gặp gỡ, điểm tâm.
7 giờ 30 - 9 giờ 00: Nói chuyện, trao đổi với bà xã về trang trí nội thất, sinh hoạt Xóm Giáo / Giáo Xứ, Tam Nhật Mừng Kính Thánh Anphong, Giải tội ...
9 giờ 00: Tiếp tục làm việc trên mạng. Xem bài viết và phóng sự ảnh "Người viết thư xuyên thế kỷ", đưa lên blog....Một bạn blog lương dân ở Gò Vấp muốn tìm hiểu đạo Công Giáo và xin học Lớp giáo lý dự tòng. Họ tên thật: Nguyễn Thị Thủy.
10 giờ 00: Thư giãn.

 TRƯA: Cơm trưa. Nghỉ trưa ngon giấc.


CHIỀU:
14 giờ 00: Làm việc trên mạng, kiểm tra FB.
17 giờ 30: Phụ việc nhà. 
18 giờ 30 : Tham dự thánh lễ Xóm giáo 5.

TỐI:
19 giờ 00: Dạy giáo lý hôn nhân - dự tòng.
 Thư giãn .
 
TẠ ƠN CHÚA MỘT NGÀY ĐÃ QUA BÌNH AN

Học ngôn ngữ giảng thuyết của Đức Thánh Cha Phanxicô


Đại hội Giới Trẻ thế giới 2013 đã khép lại. Có rất nhiều bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô và bài nào cũng đáng giá cả. Trong số đó, người viết để ý đặc biệt đến bài nói chuyện của ngài với hàng giám mục Brazil tại Tòa tổng giám mục Rio de Janeiro, ngày 27-07-2013. Nội dung hết sức phong phú, nên mỗi người cần trực tiếp đọc lại để cảm nhận và suy nghĩ. Ở đây chỉ muốn nhắc đến ngôn ngữ giảng của Đức Thánh Cha, thứ ngôn ngữ mà những ai có trách nhiệm giảng dạy đức tin Kitô giáo phải quan tâm học hỏi.
Đó là thứ ngôn ngữ hình tượng và ẩn dụ. Nói chuyện với các giám mục tại Đền thánh Đức Mẹ Aparecida, ngài lấy luôn sự tích tượng Đức Mẹ ở đây để khai triển suy tư. Điều đáng nói là từng chi tiết nhỏ trong câu truyện có vẻ bình dân ấy đã khơi nguồn cho những suy tư thật sâu sắc. Những người dân nghèo làm nghề thuyền chài rất vất vả để kiếm sống. Rồi tình cờ, họ vớt được tượng Đức Mẹ, bức tượng đã bị vỡ thành nhiều phần. Họ ghép lại, ân cần lau rửa, rồi lấy áo phủ lên và rước về. Từ hình ảnh đó, Đức Thánh Cha khai triển sứ điệp về sự tái hợp, phục hồi, kết nối, và coi đây là nhiệm vụ quan trọng của Giáo Hội tại Brazil.
Cũng thế, khi nhắc lại câu truyện quen thuộc trong Tin Mừng Luca 24,13-15 về hai môn đệ trên đường Emmaus, ngài vận dụng từng chi tiết trong câu truyện và triển khai những bài học đắt giá. Chẳng hạn từ hình ảnh hai môn đệ thất vọng rời bỏ Giêrusalem sau khi chứng kiến “sự trần trụi” của Thiên Chúa nơi sự trần trụi của Đấng chịu đóng đinh, Đức Thánh Cha liên tưởng đến biết bao Kitô hữu ngày nay cũng đang muốn rời bỏ Giáo Hội vì nhiều lý do khác nhau, cũng như biết bao con người đang bước đi trong cuộc sống với trái tim trĩu nặng vì ưu sầu và thất vọng. Và câu hỏi quyết liệt được đặt ra là: Giáo Hội có còn khả năng sưởi ấm những con tim giá lạnh đó không? Giáo Hội có dám đồng hành với họ ngay giữa những tăm tối của cuộc đời?
Còn nhiều lắm, đây chỉ là vài minh họa cho thấy biệt tài vận dụng ngôn ngữ hình tượng và ẩn dụ của vị giáo hoàng người Nam Mỹ. Song hành với những hình tượng và ẩn dụ trên là thứ ngôn ngữ của con tim. Ngài nói với các giám mục Brazil điều mà các giám mục, linh mục, giáo lý viên Việt Nam cũng phải quan tâm: “Nhiều khi chúng ta đánh mất dân vì họ không hiểu những gì chúng ta nói, bởi lẽ chúng ta đã quên thứ ngôn ngữ đơn sơ và nhập khẩu thứ ngôn ngữ trí thức, xa lạ với người dân của mình. Không có thứ ngữ pháp của đơn sơ, Giáo Hội đã đánh mất chính những điều kiện làm cho chúng ta có thể ‘chài lưới người’ trong dòng nước sâu của mầu nhiệm”. Lại chẳng đáng suy nghĩ sao khi chúng ta cũng loan báo Tin Mừng và giảng dạy giáo lý bằng thứ ngôn ngữ cao đạo với những phạm trù triết học và lập luận chẻ sợi tóc làm tư? Đôi khi lại còn khinh thường những hình thức của lòng đạo bình dân, mà không cảm được nhịp đập của những con tim đạo đức nơi những hình thức ấy.
Thứ ngôn ngữ ấy học được không chỉ bằng nghiên cứu nhưng chủ yếu bằng sự gặp gỡ. Gặp gỡ Thiên Chúa Tình Yêu và để cho tình yêu, lòng thương xót của Ngài chạm đến cuộc đời mình, một cuộc đời cũng không thiếu những tăm tối, ưu sầu, thất vọng như hai môn đệ Emmaus. Và gặp gỡ con người trong chính hoàn cảnh sống cụ thể của họ, với những mệt mỏi và chán nản, khổ đau và ưu phiền, thất vọng và giận dữ của họ.
Khi nói đến Tân Phúc Âm hóa, một trong những cái mới là phương pháp mới. Chính ở đây, Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ cho chúng ta thấy phương pháp mới là sử dụng ngôn ngữ hình tượng và ẩn dụ, cũng như ngôn ngữ của con tim, được khơi nguồn từ trái tim mới, nhạy bén trước tiếng thì thầm của Thiên Chúa và tiếng than khóc của con người. Không có thứ ngôn ngữ ấy, Phúc Âm của Chúa vẫn mãi là tin buồn chứ không phải Tin Mừng cho con người ngày nay.

29-07-2013

Ngày 31 tháng 07 : Thánh Ignatiô Loyola Linh Mục

Thánh Ignatiô Loyola Linh Mục, Lễ Nhớ
Don Inigo Lopez de Recalde sinh khoảng năm 1491 tại miền đồi núi Basque gần làng Azpeytia. Ngài là con út trong số 11 người con của một gia đình quí tộc. Được rửa tội với tên Inigo, một vị thánh Tây Ban Nha dòng thánh Bênêdictô, nhưng sau này Ngài thường dùng tên Ignatiô thành Antiokia. Hồi còn niên thiếu, người giúp việc cho một người bạn quí tộc của một gia đình là Giuan Velasquez. Sau khi Velasquez từ trần, Ngài lại phục vụ bá tước Najera, phó vương miền Navarre. Ngài được giáo dục một cách hời hợt. Thời đó, Ngài chỉ ham chơi, thích những chuyện hào hùng, nhất là những ngày lễ duyệt binh.
Trong cuộc chiến Pháp-Tây Ban Nha năm 1521, quân đội Pháp đã vượt núi Pyrênê và tới phong tỏa Pampeluna. Nhiều người đã tính chuyện đầu hàng, nhưng Ignatiô quyết cầm cự. Trong cơn bão tố tại pháo đài, Ignatiô bị trúng đạn pháo ở đùi, Ngài được chuyển về lâu đài ở Loyola. Nơi đây người ta khám phá ra rằng xương đùi đã bị xếp trật, phải mổ ra và sắp xếp lại. Ngài đã can đảm chịu đựng cơn đau. Thời gian dưỡng bệnh lâu dài, không có sách vở gì khác, Ignatiô dùng thời gian để đọc hạnh các thánh. Gương mẫu đời sống các thánh làm mủi lòng Ignatiô. Ngài nói:
- Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phaxicô và Dominico đã làm chăng?
Năm 1522, sau khi bình phục, Ngài đi hành hương kính Đức bà Montserrat. Nơi đây Ngài đã thực hiện cuộc xưng tội trong ba ngày, trao tặng đồ hiệp sĩ cho một kẻ ăn xin, đặt gươm trên bàn thờ Đức Mẹ và tới thành Manresa kế cận để phục vụ trong một nhà thương. Đã một thời Ngài bị nguy hiểm rơi vào một cuộc khổ hạnh quá độ. Ngài đã thoát hiểm nhờ sự vâng phục hoàn toàn đối với cha giải tội. Chính tại Manresa, Ngài được Thiên Chúa soi sáng, sự soi sáng hướng dẫn trọn những ngày còn lại của cuộc đời Ngài. Ngài viết cuốn linh thao, trong đó vạch ra những nguyên tắc mà một người công giáo phải theo để “điều khiển đời sống mình”, một đời sống nhằm ca tụng Chúa, tôn kính và phụng sự Chúa để được cứu rỗi. Ngài phác họa một giáo thuyết của mình về “sự chọn lựa” và đòi hỏi làm mọi sự để “vinh danh Chúa” (Ad Majorem dei gloriam).
Thánh nhân ở lại Manresa khoảng một năm và từ đó hành hương đi Palestina, trên đường đi có dừng lại ở Roma. Sau khi đã kính viếng các nơi thánh ở Palestina, Ngài trở về Barcelona. Nơi đây, dầu đã 30 tuổi, Ngài vẫn đến trường, ngồi chung ghế với các em nhỏ, để sửa chữa lại kẽ hở trong việc học hành, cho tới khi Ngài có thể dự lớp tại đại học Alcala và Salamanca. Tại cả hai nơi này, Ngài đã bị truy tố ra tòa án tôn giáo và bị tống giam ít ngày. Nhưng cuối cùng giáo thuyết của Ngài đã thắng.
Năm 1528, Ngài bỏ Salamanca đi Paris và Sorbonne. Ngài ở Paris 7 năm, nơi đây Ngài tụ họp được sáu môn sinh đầu tiên. Vào ngày lễ Mông Triệu năm 1524, bảy anh em đã long trọng hiến thân phụng sự Thiên Chúa, khấn giữ đức nghèo khó và trong sạch nơi đền thờ thánh Denis tại Montmartre. Lúc đó, họ dự định đi Giêrusalem và hiến thân cho việc cứu rỗi các linh hồn trong các miền còn ngoại giáo.
Ignatiô trở về Tây Ban Nha. Năm1535, tu hội đã lên tới 10 người. Họ gặp nhau ở Vienitia, định cùng đáp tàu đi hành hương thánh địa. Nhưng tình hình miền Đông Địa Trung Hải không cho phép. Bù lại một số đi Roma, để Ignatiô tại Venitia. Đức Giáo hoàng Phaolô III ưu ái tiếp họ. Trở lại Ventia, họ mang theo phép của Đức Giáo hoàng cho Ignatiô và 6 anh em được thụ phong Linh mục. Một năm sau, thấy rằng: không thể tới thánh địa được, Ignatiô kết luận rằng ý Chúa không muốn cuộc hành hương này. Thay vào đó, Ngài đặt tu hội dưới danh hiệu “dòng Chúa Giêsu” dưới quyền sử dụng của toà thánh. Họ đi Roma và Ignatiô dâng thánh lễ đầu tiên ở đó vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1538 tại đền thờ Đức Bà Cả, Ngài soạn thảo hiến pháp mới của dòng và đến trình diện Đức Giáo hoàng Phaolô III. Đức Giáo hoàng đã phát biểu khi gặp họ:
- Đây là bàn tay Thiên Chúa.
Và trong sắc lệnh Regimini Militantis Ecclesioe, ban hành tháng 9 năm 1540 Ngài đã chính thức công nhận Hội dòng. Hội dòng thêm vào đó 3 lời khấn: nghèo khó, vâng lời, trong sạch, lời khấn đặc biệt vâng phục Đức giáo hoàng.
Trong hiến pháp đầu tiên, hội dòng giới hạn con số có 60 tu sĩ. Ignatiô được đồng thanh bầu làm bề trên ngày 7 tháng 4 năm 1541. Luật hạn định tu sĩ vào số 60 được rút lại bởi sắc lệnh của Đức Giáo hoàng ngày 15 tháng 3 năm 1543.
Ignatiô khó rời bỏ Roma cho đến cuối đời. Nhưng Hội dòng đã lan rộng tới mọi miền trên thế giới, dưới quyền hướng dẫn của Ngài như một phép lạ, khi Ngài từ trần vào ngày 3 tháng 7 năm 1556, Hội dòng đã có 12 tỉnh dòng với 101 nhà và gần 1000 phần tử.
Thánh Ignatiô được tôn phong hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622.
Lời nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã cho Giáo hội một chiến sĩ can trường là thánh Ignatiô, để làm cho danh Chúa thêm vinh quang rạng rỡ.
Nhờ gương sáng và ơn phù trợ của thánh nhân, xin cho chúng con ở đời nầy biết hăng say chiến đấu, để đời sau được cùng người lãnh phần thưởng vinh quang Chúa hứa ban.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

Mời bạn đọc thêm
 

Ngày 31/7: Thánh Ignatiô Loyola Linh mục

"Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vui mừng trở về bán tất cả, mà mua thửa ruộng ấy." (Mt 13,44)

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin ban ơn sức mạnh để chúng con can đảm từ khước ước muốn tội lỗi. Xin giúp chúng con biết gìn giữ kho tàng ân sủng của Chúa để nhờ ơn Chúa chúng con luôn biết sống theo đường lối của Chúa. Xin giúp chúng con biết chọn Chúa hơn là những thú vui mau qua đời này. Amen.

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Thiên Chúa sẽ trả lại cho con người tùy theo việc làm của họ.

Thứ Ba Tuần 17 TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Ba Tuần 17 TN1, Năm lẻ

Bài đọc: Exo 33:7-11, 34:5-9, 28; Mt 13:35-43.
 
1/ Bài đọc I: 7 Ông Mô-sê lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý ĐỨC CHÚA thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại.
8 Mỗi khi ông Mô-sê ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Mô-sê cho đến khi ông vào trong Lều.
9 Mỗi khi ông Mô-sê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Mô-sê.
10 Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình.
11 ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau. Rồi ông Mô-sê trở về trại; nhưng phụ tá của ông là chàng thanh niên Giô-suê, con ông Nun, thì cứ ở trong Lều, không rời khỏi đó.
5 ĐỨC CHÚA ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là ĐỨC CHÚA.
6 ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: "ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín,
7 giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông."
8 Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy
9 và thưa: "Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài."
28 Ông ở đó với ĐỨC CHÚA bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn không uống, và ông viết trên những bia các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều.

2/ Phúc Âm: 36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe."
37 Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.
38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.
39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.
40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.
41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,
42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa sẽ trả lại cho con người tùy theo việc làm của họ.

Không ai có thể phủ nhận sự hiện diện của ác thần mà chúng ta gọi là ma quỉ trong cuộc sống. Trong khi người thiện tâm và cầu tiến luôn tìm cách vươn lên; thì có một thế lực luôn kéo ghì con người xuống. Thánh Phaolô đã trình bày kinh nghiệm này như sau: "Điều tôi muốn, tôi không làm; nhưng lại làm điều tôi không muốn... Ai có thể cứu tôi khỏi tình trạng thảm thương này?" Nhiều người lo sợ ác thần đang có cơ hội thắng thế và một ngày sẽ làm chủ thế giới này!
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự đối nghịch giữa tình thương của Thiên Chúa dành cho con người với sự phá hủy của ma quỉ, muốn lôi kéo con người về phía chúng. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Xuất Hành trình bày sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người qua "cột mây" trước Lều Hội Ngộ và sự đàm đạo với ông Moses như một người bạn để mặc khải kế hoạch của Ngài cho dân chúng; trong khi quỉ thần luôn tìm cách khích động dân phản động quay lưng lại với Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ. Thiên Chúa luôn gieo những hạt giống tốt vào thế gian; trong khi quỉ thần luôn tìm cách gieo những cỏ lùng. Ngài sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến Ngày Tận Thế, khi các thiên thần của Ngài sẽ đi gom nhặt tất cả các quỉ thần và đồng bọn của chúng để tiêu diệt muôn đời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa luôn hiện diện với dân Ngài qua "cột mây" trước Lều Hội Ngộ.

1.1/ Thiên Chúa hiện diện với con cái Israel dưới nhiều hình thức: Suốt 40 năm lang thang trong sa mạc, Thiên Chúa luôn tỏ sự hiện diện của Ngài dưới nhiều hình thức khác nhau:
(1) Lều Hội Ngộ và cột mây: "Ông Moses lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý Đức Chúa thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. Mỗi khi ông Moses ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Moses cho đến khi ông vào trong Lều. Mỗi khi ông Moses vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Đức Chúa đàm đạo với ông Moses. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình."
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn hiện diện với con người dưới hình thức khác nhau, nhất là trong Nhà Tạm, nơi Ngài chờ con người đến thăm viếng và tâm sự với Ngài. Giống như con cái Israel, chúng ta cần có thái độ cung kính trước sự hiện diện của Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta đến thăm viếng Thiên Chúa trong nhà thờ.
(2) Thiên Chúa nói với dân qua người lãnh đạo: Trình thuật kể: "Đức Chúa đàm đạo với ông Moses, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau."
+ Đây là một đặc quyền Thiên Chúa ban cho ông Moses, được đàm đạo với Ngài diện đối diện mà không phải chết, dù đây chỉ là kiểu nói của người đời vì Thiên Chúa không có mặt người. Đây cũng là hy vọng tối cao cho mỗi người chúng ta, khi chúng ta được nhìn thấy Thiên Chúa như Ngài là, trong thị kiến tuyệt hảo (beatific vision). Theo mối thứ sáu của Bát Phúc, chỉ có những ai có lòng thanh sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa. Ông Moses phải là người có tâm hồn trong sạch.
+ Thiên Chúa vẫn đang nói với chúng ta qua các nhà lãnh đạo: Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các cha, thầy, sơ, và các cha mẹ chúng ta; để qua họ, chúng ta nhìn thấy rõ hơn những gì Ngài muốn trong cuộc đời chúng ta.

1.2/ Thiên Chúa luôn trung tín và công bằng: Trong thị kiến hôm nay, Đức Chúa mặc khải cho ông Moses những sự thật về Ngài: "Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông."
(1) Tội lỗi và hình phạt: Vì Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, Ngài sẽ tha thứ tội lỗi nếu tội nhân biết ăn năn hối cải; nhưng họ vẫn phải lãnh nhận hình phạt tùy theo tội trạng của mình. Hình phạt có thể là chính những thiệt hại con người gây nên cho mình; ví dụ, tội kiêu căng sẽ bị mọi người xa tránh. Hay con người phải chịu những hình phạt vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; ví dụ, 3 năm tù vì đã gây thiệt hại vật chất cho tha nhân.
(2) Ông Moses bầu cử cho dân chúng: Ông Moses vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: "Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài." Giống như tổ-phụ Abraham bầu cử cho dân thành Sodom, ông Moses cũng bầu cử cho con cái Israel. Ông xin Thiên Chúa luôn hiện diện với dân và nhận họ làm dân riêng của Ngài. Chỉ những người được coi là nghĩa thiết với Thiên Chúa, mới có thể làm được điều này.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ.

2.1/ Nghĩa biểu tượng (allegorical) của dụ ngôn cỏ lùng: Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." Rất ít dụ ngôn có nhiều những nghĩa biểu tượng như Chúa Giêsu cắt nghĩa về dụ ngôn cỏ lùng:
+ Kẻ gieo hạt giống tốt: là Con Người, chính Đức Kitô.
+ Kẻ thù đã gieo cỏ lùng: là quỷ thần, những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa.
+ Ruộng: là thế gian. Nhiều người ví thế gian như một bãi chiến trường giữa thiện và ác.
+ Hạt giống tốt: là con cái Nước Trời, những người muốn sống theo sự thật và sự tốt lành.
+ Cỏ lùng: là con cái Ác Thần, những người từ chối sống theo đường lối của Thiên Chúa.
+ Mùa gặt: Như mùa gặt phải đến với nhà nông, Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến với con người. Thợ gặt là các thiên thần.

2.2/ Ngày Tận Thế sẽ xảy đến: Mục đích của dụ ngôn thường chỉ muốn nói lên một điều chính yếu. Điều chính yếu trong dụ ngôn cỏ lùng là sự hiện diện của quỉ thần trong cuộc sống con người. Chúng cạnh tranh với Thiên Chúa để lôi kéo con người theo chúng; nhưng chúng chỉ có quyền hạn trên con người cho tới Ngày Tận Thế. Trong ngày đó, quỉ thần và con cái của chúng sẽ bị tiêu diệt muôn đời, như lời Chúa Giêsu tuyên bố hôm nay: "Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến Ngày Tận Thế cũng sẽ xảy ra như vậy."
(1) Số phận của ma quỉ và con cái của chúng: "Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng."
(2) Số phận của con cái Nước Trời: "Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả hành động khi còn sống trên dương gian này. Vì thế, chúng ta phải cố gắng hết sức để sống theo những gì Thiên Chúa dạy bảo.
- Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ tới như ngày thu hoạch mùa màng của nhà nông. Trong Ngày đó, quỉ thần và ác nhân sẽ bị tiêu diệt như cỏ lùng; còn người công chính sẽ được hưởng hạnh phúc muôn đời. Chúng ta đừng dại dột để sống theo cám dỗ của chúng để khỏi bị tiêu diệt muôn đời.

Ngày 30/07: Thánh Phêrô Chrysôlôgô (kim ngôn), Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh (+450)


WGPSG -- Thánh Phêrô có biệt hiệu là Chrysôlôgô (kim ngôn) bởi tài hùng biện đặc biệt của Ngài. Ngài sinh vào khoảng năm 405, tại miền Imola, nước Ý. Đức Giám mục Giáo phận Imola là Cornêlliô phong chức phó tế cho Ngài. Dưới sự hướng dẫn của Đức Giám mục, Ngài thực hiện những bước tiến lạ lùng trên con đường trong tu viện.
Năm 430, Đức Tổng Giám mục Gioan của Giáo phận Ravenna từ trần. Trong khi tìm vị chủ chăn mới, hàng giáo sĩ và giáo dân đã xin Đức Giám mục Iomola nhập đoàn cùng họ để đi Roma yết kiến Đức Thánh Cha Sixtô III. Phêrô được Đức Giám mục Iomola coi như người được tiền định để làm giám mục Ravenna. Ngài liền xin đặt Phêrô làm Giám mục Ravenna, kế vị Đức Giám mục Gioan năm 433. Các đại biểu của Giáo phận này lúc đầu tỏ ý bất bình, nhưng rồi đã đổi thái độ khi được Đức Thánh Cha Sixtô III cho biết thị kiến của mình.
Vâng theo ý Chúa, Phêrô thụ phong giám mục và trở về Ravenna. Trong bầu khí tiếp đón nồng nhiệt, Ngài nói:
- Tôi đến với anh chị em như một y sĩ đến chữa trị, như một mục tử để dẫn dắt, như một người mẹ để nuôi dưỡng, như một người cha để bảo vệ và chăm sóc phần rỗi đời đời của anh chị em. Vậy anh chị em hãy mau mắn vâng phục cách thích đáng đối với tác vụ rất thánh của tôi.
Đức Giám mục Phêrô đầy nhiệt thanh trong việc bứng rễ các việc thờ ngẫu tượng còn sót lại, cũng như lên án sự giả tạo của giáo dân. Trong một cuộc lễ vào đầu năm, Ngài đã phá những cuộc diễu hành tội lỗi trên đường phố:
- Ai muốn vui chơi với ma quỉ thì không thể vui hưởng với Chúa Kitô.
Ngài đã nhiệt tâm rao giảng. Ngày nay, chúng ta còn giữ lại được khoảng 180 bài giảng của Ngài. Lời lẽ đơn sơ nhưng đầy nhiệt huyết. Người ta không thể quên được những lời như: “Nằm trong thói hư tính xấu, chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Chúng ta sẽ thực sự đứng thẳng khi biết trỗi dậy để tiến thẳng tới các việc lành.” “Ai biết tìm kiếm trong đức tin, sẽ thấy ngay rằng là Cha đang ở đó vì họ.” “Mọi sự dữ cha mẹ làm cho con cái, Thiên Chúa là Cha của hết mọi người sẽ trả lại cho họ.” “Các tiền nhân sống cho chúng ta. Chúng ta sống cho thế hệ mai sau. Không ai sống cho mình cả.
Người ta cũng còn nhớ lời Ngài kêu gọi sống bác ái:
- Biết nói sao về niềm tin trong lễ Giáng Sinh, nếu người nghèo còn than khóc, tù nhân còn rên siết, dân tị nạn còn than thở, người lưu đày còn thổn thức. Người Do Thái mừng lễ bằng thuế thập phân, còn Kitô hữu nghĩ sao khi họ không mừng bằng một phần trăm của cải? Tôi đau buồn. Phải, tôi rất đau buồn vì các Hiền sĩ Phương Đông đã trải vàng trên nôi Chúa Kitô, trong khi các Kitô hữu để cho thân thể Chúa Kitô trống trải khi mà những người nghèo đang than khóc. Đừng nói rằng tôi không có gì. Thiên Chúa muốn xin cái anh em có chứ không phải cái anh chị em không có. Ngài đã thương nhận hai đồng tiền của bà góa. Hãy tận tâm với Đấng tạo thành và thụ tạo cũng sẽ tận tâm với anh chị em.
Thánh Phêrô Chrysôlôgô đã trở thành danh tiếng, đến nỗi Đức Thánh Cha Lêo I đã trao cho Ngài đọc tại công đồng Chalcedonia một luận án chống lại lạc thuyết của Eutychèr. Ngài cũng viết một bức thư cho kẻ lạc giáo này để khuyên ông ta vâng phục Giáo Hội.
Sau cùng, sau khi cai quản Giáo phận Ravenna trong 18 năm, Thánh Giám mục Phêrô biết rằng mình sắp tới hồi kết thúc các nỗ lực. Ngài muốn lui về Imola để dọn mình chết. Ngày 3 tháng 12 năm 450, Ngài đã từ trần; và năm 1729, ngài được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh.
Nguồn: 
Theo vết chân Người

Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVI Mùa Thường Niên - Năm lẻ

"Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy." (Mt 13,40)

Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con khỏi những thói đời tội lỗi như là gai góc đang quấn quanh cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con sống thanh thoát khỏi những ham muốn tầm thường nhưng luôn biết sống cao thượng, sống thanh sạch theo những đòi hỏi của tinh thần Phúc Âm và của Chúa. Amen.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Dư luận báo chí về Đêm Canh Thức tại Rio

Nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/113129.htm
Dư luận báo chí về Đêm Canh Thức tại Rio
Vũ Văn An7/28/2013

Ký giả Sara Smyth của tờ Daily Mail, London, cung cấp nhiều hình ảnh sống động về Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Bên cạnh các hình ảnh trực tiếp về Ngày này, ta còn được thấy những hình ảnh về sự hiện diện của người hành hương tại những chỗ của người bình thường: các nữ tu với đủ tu phục bên cạnh những thiếu nữ gần như khỏa thân đang phơi nắng trên cát biển... thật nóng của một ngày giữa mùa đông Nam Bác Cầu. Phải chăng đây cũng là một đáp trả cho lời kêu gọi mà hôm Thứ Năm, Đức Phanxicô đã ngỏ với giới trẻ Á Căn Đình đang tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới Rio? Ra ngoài phố rất có thể gặp tai nạn, nhưng Giáo Hội là Giáo Hội đi ra ngoài, đi ra ngoài phố, đi ra cả bãi biển, tới mọi nơi, làm mọi sự nên tương phản, nên thách thức, làm mọi tương phản nên rõ rệt để lương tâm hiện đại đắn đo suy nghĩ tại sao?

Quả vậy, thứ Bẩy qua, trên bãi Copacabana thời danh, người tắm nắng và các nữ tu đã ngồi cạnh nhau trong khi hơn 1 triệu người Công Giáo tụ họp nhau tham dự Buổi Canh Thức sẽ được Đức Phanxicô cử hành.

Vị giáo hoàng người Á Căn Đình, người sẽ trở lại Rôma vào ngày mai, đêm qua, đã tới bãi biển này bằng giáo hoàng xa để cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Ngài chạy qua đám đông, vẫy tay với khách hành hương trước khi lên bàn thờ vĩ đại nơi ngài sẽ cử hành buổi phụng vụ.

Khách hành hương và người địa phương dựng lên những chiếc lều và trải túi ngủ bên bờ biển để tham dự buổi cử hành.

Sau khi nhận chiếc áo thung từ một trong những ngôi sao sáng chói của nền túc cầu Ba Tây, danh thủ Zico, và thăm viếng một trong những khu ổ chuột bạo tàn nhất của thành phố, hôm nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoà mình sâu hơn nữa vào nền văn hóa Ba Tây khi đội thử chiếc nón lông của một tù trưởng địa phương.

Lúc ngài tới, người ta tắt hết đèn và đèn pha của bãi biển đã được chiếu vào xe Đức Giáo Hoàng để mọi người hiện diện có thể thoáng thấy vị giáo hoàng thân thương của họ. Ngài tiến rất chậm qua đoàn người hoan hô vang dậy. Điều thú vị là người Ba Tây rất “hào phóng” trong việc tặng áo thung hay bất cứ vật dụng gì họ có được. Từ đoàn lũ khách hành hương hai bên lối đi, các áo thung hay cờ hiệu được liệng về vào giáo hoàng xa. Ngài cố gắng đích thân lượm chúng, nhưng phần lớn rơi vào tay các phụ tá. Trong một buổi tối, số áo thung ngài nhận được đủ cho ít nhất 100 người mặc!

Phản ứng đối với chuyến viếng thăm một tuần của Đức Giáo Hoàng hết sức thân thiện tại thành phố này. Người Công Giáo ở đây nói rằng Đức Phanxicô đang phá sập các rào cản giữa Giáo Hội và dân chúng.

Daily Mail cũng cho rằng với cờ xí trên không và những chiếc lều đó đây khắp bãi biển, không khí chuẩn bị bước vào buổi canh thức giống như không khí ngày hội. Một biểu ngữ khổng lồ với hình Đức Phanxicô đã được giăng ra đủ phủ cả một đám đông mấy trăm người.

Đức Phanxicô cũng đã gặp các thổ dân Ba Tây tại nhà hát lớn của thành phố, nơi ngài cũng đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế của xứ sở.

Khi xếp hàng để được hôn nhẫn Đức Giáo Hoàng, một người đàn ông thuộc bộ lạc Pataxo đã dâng lên Đức Phanxicô một chiếc nón nghi lễ cổ truyền. Ngài bèn đội chiếc nón này lên đầu khi nói chuyện với bộ lạc, chiếc nón có hình rẻ quạt.

Nay đã là ngày thứ sáu trong chuyến viếng thăm ngoại quốc lần đầu của ngài, nhà lãnh đạo của một trong các Giáo Hội lớn nhất thế giới tiếp tục giảng dạy về nhu cầu phải đối thoại tốt hơn sau nhiều cuộc biểu tình bạo động tại Ba Tây.

Trong bài diễn văn đọc tại Nhà Hát Lớn Thành Phố, nơi ngài được mọi người đứng lên vỗ tay chào đón, ngài nói cần có đối thoại tốt hơn giữa các tôn giáo. Ngài bảo: “giữa dửng dưng vị kỷ và biểu tình bạo động luôn có một giải pháp khác: giải pháp đối thoại. Một quốc gia chỉ phát triển khi có đối thoại xây dựng diễn ra giữa các thành phần văn hóa phong phú khác nhau: văn hóa bình dân, văn hóa đại học, văn hóa tuổi trẻ, văn hóa nghệ thuật và kỹ thuật, văn hóa kinh tế, văn hóa gia đình và văn hóa truyền thông”.

Ngài nói với các nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa của Ba Tây rằng “trong mọi quốc gia, những người nắm các chức vụ có trách nhiệm đều được mời gọi đối diện với tương lai với “một cái nhìn thanh thản của một người biết phải nhìn sự thật ra sao”, như lời tư tưởng gia Ba Tây Alceu Amoroso Lima từng nói. Tôi muốn chia sẻ với qúy vị ba khía cạnh của cái nhìn thanh thản và khôn ngoan này: thứ nhất, tính rành mạch trong truyền thống văn hóa của qúy vị; thứ hai, trách nhiệm chung trong việc xây dựng tương lai; và thứ ba, đối thoại xây dựng khi giáp mặt với giây phút hiện tại”.

Các nhà bình luận cho rằng cuộc thăm viếng Ba Tây của Đức Giáo Hoàng là một thành công trong việc hợp nhất hóa. Kh itới Nhà Hát Lớn để đọc diễn văn, ngài được mọi người đứng dậy chào đón và hô to “vạn tuế Đức Giáo Hoàng!”

Trước đó cùng ngày, ngài cử hành Thánh Lễ với 1,000 giám mục tại ngôi nhà thờ chánh tòa hết sức tân tiến giống như tổ ong. Ngài lặp lại sứ điệp đã nói trước đó với giới trẻ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới rằng phải triệt để đổi mới Giáo Hội đã nhiều bụi bặm, đang mất dần tín hữu ở Âu Châu do nạn thờ ơn phổ quát.

Có người nhận định rằng khi lên tiếng với các giám mục, lúc nào Đức Phanxicô cũng sử dụng thứ ngôn ngữ mạnh mẽ nhất. Không những thế, bài nói chuyện với các giám mục tại Rio còn là bài nói chuyện sâu rộng nhất kể từ ngày ngài được bầu làm giáo hoàng. Có người còn cho rằng đây là một trong những sứ điệp quan trọng nhất của ngài xưa nay. Thực tế, nó cũng là bài diễn văn dài nhất, 9 trang A4, khổ chữ Times New Roman, gồm 4,402 chữ tiếng Anh.

Ngài nói: “ta không thể đóng kín nơi các giáo xứ, nơi các cộng đồng của ta khi có quá nhiều người đang mong đợi Tin Mừng! Chỉ đứng trong để mở cửa mà thôi không đủ, ta phải ra ngoài chiếc cửa kia để tìm và gặp người khác”.

Vị giáo hoàng ổ chuột, người vốn được trọng kính vì nhiều công trình cho người nghèo, đã được nghênh đón hết sức nồng nhiệt tại khu ổ chuột Varginha vào ngày thứ Năm; đây là khu ổ chuột tại bắc Rio tồi tàn đến độ được gọi là Giải Gaza.

Vị giáo hoàng 76 tuổi này hoàn toàn xem ra như ở nhà mình, “lội” qua đoàn người hoan hô, hôn người trẻ người già và cho họ hay: Giáo Hội Công Giáo đứng về phía họ. Cuộc viếng thăm Varginha là một trong các cao điểm của tuần lễ tông du Ba Tây của Đức Phanxicô, cuộc tông du đầu tiên của ngài ra ngoài nước Ý.



Tuy nhiên, một ngạc nhiên đã diễn ra trong cuộc gặp gỡ của ngài với giới trẻ hành hương của Á Căn Đình, chỉ được lên chương trình vào phút chót, một dấu chỉ cho thấy vị giáo hoàng bộc phát này đang lay động thủ tục lễ nghi ù lì và đôi khi ngột ngạt ra sao.

Ngài nói với họ, khoảng hơn 30,000 người đăng ký, phải ra ngoài phố để loan truyền đức tin, cho rằng một Giáo Hội không ra ngoài và truyền giảng nơi đường phố chỉ trở thành một nhóm dân sự hay nhân đạo. “Cha cho các con hay một điều. Cha mong Ngày Giới Trẻ Thế Giới đem lại hậu quả nào? Cha muốn một khuấy động (mess). Ta biết ở Rio này đã có những lộn xộn lớn, nhưng cha muốn có khuấy động tại các giáo phận!”. Ngài nói như thế bằng tiếng Tây Ban Nha bên ngoài bản văn soạn sẵn... Cha muốn được thấy Giáo Hội gần gũi hơn với dân chúng. Cha muốn loại bỏ chủ trương giáo sĩ trị, tinh thần phàm trần, tự khóa chặt ở trong mình, ở trong giáo xứ, trường học hay cơ cấu của mình. Vì tất cả các định chế này cần phải ra ngoài!”

Thu hút 3 triệu người dự đêm canh thức

Có đến hai nguồn tin cho hay Đêm Canh Thức và Thánh Lễ Bế Mạc Ngày Giới trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro thu hút hơn 3 triệu khách hành hương.

Jenny Barchfield và Nicole Winfield của Associated Press cho hay có tường trình quả quyết Đức Giáo Hoàng Phanxicô lôi cuốn 3 triệu tín hữu tay phất cờ tay lần chuỗi Mân Côi tới bãi biển Capacabana để dự đêm canh thức của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, vài giờ sau khi ngài quở trách Giáo Hội Ba Tây đã không ngăn chặn được làn sóng người Công Giáo chạy qua các cộng đồng Tin Lành.

Đức Phanxicô đang bước vào các giờ phút cuối cùng trong chuyến tông du quốc tế đầu tiên của ngài với một làn sóng dâng cao về việc được lòng dân: tới lúc chiếc xe của ngài tiến vào lễ đài của Đêm Canh Thức, phía sau chiếc xe chở ngài đầy những áo thung túc cầu, cờ và hoa do các khách hành hương ngưỡng mộ đứng dọc bờ biển tung vào.

Fiorella Dias, 16 tuổi, một thiếu nữ Ba Tây vừa nhẩy cỡn lên vì vui khi xem lại khúc phim cô quay Đức Giáo Hoàng vừa vượt qua vừa hổn hển “Tao sướng run lên được, nhìn này mày thấy ngài rõ xiết bao! Tao phải gọi má tao mới được!”

Bất chấp việc đánh giá khắt khe của Đức Phanxicô về hiện tình Giáo Hội Tây Ban Nha, việc tiếp đón ngài tại Rio cho thấy ngài có khả năng thu hút một đám đông hết sức đáng kể. Bãi biển Copacabana cát trắng dài 4 cây số chật cứng người để tham dự đêm canh thức, một phần nhờ trời tuy lạnh nhưng không có mưa.

Giới truyền thông địa phương, dựa vào thông tin của tòa thị chính, cho rằng 3 triệu người có mặt trong Đêm Canh Thức. Điện thoại tới tòa thị chính không được hồi đáp ngay. Như thế là cao hơn nhiều so với con số 1 triệu người của Đêm Canh Thức tại Madrid năm 2011 và đông hơn hẳn con số 650,000 người của Đêm Canh Thức Toronto năm 2002.

Trước đó cùng ngày, Thị Trưởng Rio ước lượng có khoảng 3 triệu người sẽ tham dự Thánh Lễ Bế Mạc. Anna Samson, 21 tuổi, sinh viên tại Long Beach, California, nói dỡn: “trong nhà thờ thì có hơi buồn tẻ, nhưng ở đây thì tuyệt diệu... Được thấy Đức Giáo Hoàng, được đi Đàng Thánh Giá trình diễn sống, được thấy mọi người trẻ đến từ khắp nơi, quả là quá sung sướng, quá tguyệt diệu”.

Ký giả kỳ cựu Rocco Palmo cũng cho chạy hàng tít lớn: “Hãy đến với ‘Đức Phapha’ – Trên Bãi Biển Copacabana, Đức Phanxicô lôi cuốn 3 triệu người”.

Đêm Thứ Bẩy, vị Giáo Hoàng thứ nhất của Châu Mỹ La Tinh đã lôi cuốn một đám đông lớn nhất xưa nay của Rio de Janeiro khi các viên chức thành phố xác nhận con số hơn 3 triệu người tới Bãi Biển Copacabana tham dự Đêm Canh Thức của Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Theo Palmo, đây là cuộc tham dự đông thứ hai trong lịch sử 25 năm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Cuộc tham dự đông thứ nhất với 5 triệu người diễn ra tại Manila năm 1995. Cho tới nay, cuộc tham dự đông thứ ba với 2 triệu người diễn ra tại Rôma năm 2000.

Điều đáng lưu ý là hai Ngày Giới Trẻ Thế Giới đông nhất đều đã diễn ra ở ngoài Âu Châu. Nhưng điều còn đáng lưu ý hơn là ở cả hai Ngày Giới Trẻ Thế Giới này số tham dự của Hoa Kỳ được coi là thấp hơn cả.

Thực ra, theo Palmo, con số 3 triệu là con số ước lượng vào đầu tuần, trước khi địa điểm cử hành được di chuyển từ ngoại ô vào trung tâm thành phố. Thành thử có người cho rằng với địa điểm thuận tiện hơn của Bãi Biển Copacabana và thời tiết tốt hơn, con số trên còn có hể lên cao hơn nữa về đêm.

Bản tin của Associated Press được nhiều cơ quan khác trích dẫn như Sydney Morning Herald, Fox News, The Border Mail. Tuy nhiên, Sky News, Yahoo News cũng như SBS của Úc thì dựa vào lời Linh Mục Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, cho rằng con số này là 2 triệu, dù vẫn co rằng theo Thị Trưởng Rio de Janeiro, con số ấy là 3 triệu người.

Thực ra, con số đối với Đức Phanxicô không phải là điều quan trọng. Sứ điệp của ngài là hãy ra ngoài phố, dù gặp tai nạn, nghĩa là dù mình có nguy cơ bị đánh, chứ không thêm được bạn. Sứ điệp ấy dường như đang có hiệu quả ngay trên bãi biển Copacabana như nhận xét bằng hình ảnh của Daily Mail, London, qua đó, người của Chúa đang hòa mình vào giữa thế gian.

Planet Earth

 
                                                     
  Phim dai 13 phut, qua dep, that dang coi ! 

    https://www.youtube.com/embed/6v2L2UGZJAM?rel=0

Lịch Công Giáo tháng 8/2013

Xin được gửi tặng mọi người phần mềm Lịch Công Giáo - Tháng 8 - 2013. Khi click vào từng ngày (số ngày màu cam hoặc màu đỏ) sẽ hiện ra các mục:
+ 5 PHÚT LỜI CHÚA MỖI NGÀY
+ BÀI ĐỌC (bao gồm các Bài Đọc, Alleluia, Đáp Ca, Phúc Âm)
+ HẠNH CÁC THÁNH
+ LẼ SỐNG

Với những ai đang dùng phiên bản của các tháng trước, các bạn có thể click vào nút Update để tải bản Tháng 8/2013 về.

Hoặc download tại link này:
http://www.mediafire.com/download/b7g5nj5cjdtkl8i/Setup_Lich_Cong_Giao_Thang_8_-_2013.exe


Xin Chúa giúp chúng con biết lắng nghe lời Chúa mỗi ngày, cùng nhau suy ngẫm và thực hành, góp phần làm cho Đức Tin của chúng con mỗi ngày thêm sâu sắc và trưởng thành hơn.
Nguyện Chúa và Mẹ Maria chúc lành cho tất cả mọi người chúng con. Amen.
— với Lê Thy Ân49 người khác.

Thánh lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013


Xin click vào hình để xem hình phóng to