CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Giáo Xứ Công Lý - SỐ 49.C CHÚA NHẬT 31 TN C 30-10-16




CHÚA NHẬT 31 TN C 30-10-16
Học thuộc lòng đoạn Kinh Thánh
Lời Chúa: 10Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."
Lời Chúa: Kn 11,22–12,2; 2Tx 1,11–2,2; Lc 19, 1-10
Cầu Nguyện theo ý  Đức Giáo Hoàng / Tháng Mười Một
Ý chung: Cầu cho số đông người di cư và tị nạn, được các quốc gia đón tiếp và trợ giúp, trong nỗ lực thể hiện tình liên đới với họ.
Ý truyền giáo: Cầu cho tại các giáo xứ, các linh mục và giáo dân cộng tác nhiệt thành với nhau để phục vụ cộng đoàn.

PHỤNG VỤ THÁNG MƯỜI MỘT đặc biệt mời gọi Kitô hữu sống mầu nhiệm "các thánh thông công".
Trong tháng này có ba ngày lễ hướng đến ba thành phần của một Giáo hội duy nhất, đó là lễ các thánh (1/11) mừng giáo hội khải hoàn; lễ các linh hồn (2/11) hướng về giáo hội thanh luyện; và lễ cung hiến đền thờ Latêranô (9/11) hiệp thông với giáo hội lữ hành. Cả ba ngày lễ chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng đại lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ, vào Chúa Nhật kết thúc năm phụng vụ.

***

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
Câu chuyện của Giakêu tưởng chừng như tình cờ, nhưng thật sự Chúa Giêsu đã đến tìm ông, dù ông đã leo lên cây để muốn gặp Chúa khi Người đi ngang qua. Nhờ việc ông mở lòng ra đón nhận Chúa vào nhà mình, ông được biến đổi.
Chúa đi bước trước.
Không có gì ngoài ý muốn của Chúa. Bởi vì Người là Đấng tự mở ra cho con người, để con người có thể tiếp cận với Chúa. Chúa đến trong một con người cụ thể, bằng xương bằng thịt, như cách nói của thư Do Thái: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1 – 2). Đấng tự trao ban cho con người, không phải chỉ là Đấng Tối cao nhưng còn như một người bạn hữu, như Chúa nói với các Tông Đồ: “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe nơi Cha thầy, thì thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).
Thiên Chúa tự thông ban chính mình là Đấng đón nhận tất cả mọi sự thuộc về con người, Người mang lấy lịch sử của nhân loại, đón nhận một nền văn hóa, được sinh trưởng trong môi trường knh tế và chính trị. Cuối cùng cũng chịu sự bất công và đón nhận cả sự bạo tàn, tội ác của nhân loại, chịu chết trên thập giá. Sự dữ đã bị tiêu diệt bởi sự phục sinh của Chúa. Chúa đón nhận tất cả để biến đổi tất cả: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.” (1Pet 2, 24). Chính vì vậy, mọi người có thể tìm thấy câu trả lời của Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời mình.

Giakêu tìm gặp Chúa.
Con người trong tự nhiên với lương tâm ngay thẳng luôn quy hướng tìm về chân lý, sự thiện và vẻ đẹp hoàn mỹ, hay nói cách khác trong tâm hồn họ luôn hướng về Thiên Chúa, Đấng có thể gọi với nhiều Danh xưng.
Giakêu đi tìm gặp Chúa bởi nghe biết nhiều điều tốt đẹp về Người. Dù ông chịu người khác liệt vào hàng tội lỗi, vì cũng đã cộng tác với chính quyền đô hộ trong ngành thuế. Nhưng không phải ai cũng bị chai lỳ lương tâm, dù ở chức nghiệp nào vẫn có người tốt, người xấu. Ông Giakêu thiết tha với chân lý, với sự thiện, ông đã cố gắng tìm mọi cách để gặp Chúa, dù với chức quyền như ông vẫn chấp nhận trèo lên một cây ven đường nhìn xem Chúa đi ngang qua.
Lòng khao khát được Chúa lấp đầy. Giây phút gặp gỡ có lẽ là giây phút ngỡ ngàng nhất với ông, (đớ người ra) vì Chúa lại nhận lời mời của ông vào nhà dùng bữa. Đức tin, đối với ông Giakêu, giống như nhiều người đã lãnh nhận đức tin, đó là (hành vi bị quyến dụ) như cảm nghiệm của Giêrêmia: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. (Gr 20, 7).
Đức tin trỗi dậy và ngay lúc ấy dẫn tới một quyết định: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." (Lc 19, 8). Đức tin của ông được Giáo hội dẫn giải là một bước nhảy do một tình yêu lớn mạnh thúc đẩy (hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn) dấn thân cách triệt để, như lời thưa “Amen” một cách long trọng sau lời vinh tụng ca trong Thánh lễ: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người…)
Đức tin là một hành động của lý trí và ý chí. Ông Giakêu lãnh nhận đức tin bởi được chạm đến lòng thương xót của Chúa Giêsu. Có nhiều người chứng kiến nhưng không hẳn mọi người đều được thuyết phục lòng thương xót của Chúa, “mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! " (Lc 19, 7). Đức tin được triển nở nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động nơi nội tâm con người, tuy nhiên cũng cần sự cộng tác của con người là sẵn sàng mở lòng ra đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần.
Chính Chúa là Đấng hoàn tất hành trình của đức tin bằng hoạt động Chúa Thánh Thần, Đấng đổi mới con tim, giúp con người hoán cải tận căn: “Chúa khiến con quay về với Chúa” (Augustine) và hành trình này luôn lại được bắt đầu bằng việc “đi tìm gặp Chúa”.
Để kết, xin mượn lại lời cầu nguyện của Thánh Augustine: “Xin cho con hướng mọi nỗ lực của con theo quy luật của đức tin. Con đã tìm kiếm Chúa, chừng nào con có thể, chừng nào Chúa cho con khả năng đó; con đã ước ao nhìn thấy bằng trí hiểu điều con tin… Xin nhận lời con, vì con sợ rằng, do mệt mỏi, chán chường, con không còn muốn tìm kiếm Chúa nữa” (De Trinitate)
******
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh gia nhập Đạo Công Giáo



Hôm 19/10/2016, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã được Đức Giám Mục Mai Thanh Lương làm phép Thánh Tẩy gia nhập Đạo Công Giáo tại nhà thờ Saint Bonaventure Church ở Huntington Beach, California, nhận tên Thánh là Anphongsô. Ông cũng đã được lãnh nhận bí tích Thêm Sức và Thánh Thể cùng ngày. Hiện diện trong dịp trọng đại này có gia đình thân quyến và các bạn hữu lâu năm của ông đến từ xa, và Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ là người đỡ đầu trong nghi thức Thánh Tẩy. Trong thánh lễ đồng tế có Cha Mai Khải Hoàn, Cha Cao Phương Kỷ, Cha Trần Đức, phó tế Chu Bình.
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là nhà toán học, nhà khoa học không gian xuất sắc của Hoa Kỳ, nhà văn và nghệ sĩ. Ông cũng là cựu Đại tá Tư lệnh Không Quân Việt Nam (1958-1962). Sau khi từ nhiệm quân vụ, ông sang Hoa Kỳ du học.
Ông sinh năm 1930 tại Yên Bái, sinh viên khoa học Hà Nội, động viên theo học Khóa 1 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tháng 9.1951; thi đậu vào Trường Võ Bị Không Quân Pháp ở Salon de Provence, 1952; và sau ba năm được huấn luyện ở Pháp và Bắc Phi, tốt nghiệp sĩ quan phi công với nhiều văn bằng đại học trước khi trở về nước phục vụ trong Quân Đội Quốc Gia.
- Tiến sĩ Khoa học Hàng không và Không gian tại Đại Học Colorado vào năm 1965; 
- Tiến sĩ Quốc gia Toán học tại Đại Học Paris VI vào năm 1972;
Ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Quốc Gia về Hàng Không và Không Gian(Académie Nationale de l' Air et de l'Espace) của Pháp, từ 1984; và Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) từ năm 1986.
Trong suốt hai mươi năm (1979- 1999) là phó chủ bút đặc trách môn Cơ Học Vũ Trụ (Astrodynamics) cho nguyệt san Acta Astronautica là tờ báo khoa học chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế.
Năm 1986 là viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).
Năm 1998, khi về hưu, được Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư danh dự vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.
Trong nhiều năm ông đã được tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại rất nhiều đại học lớn cũng như hội nghị quốc tế khắp nơi trên thế giới bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc.
Về văn học, ông Nguyễn Xuân Vinh lấy bút hiệu Toàn Phong và là tác giả Đời Phi Công, một cuốn sách bán rất chạy và được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961.
Ông cũng là tác giả cuốn Gương Danh Tướng do Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng, in năm 1957 và tập tùy bút Theo Ánh Tinh Cầu do nhà sách Đại Nam xuất bản năm 1990.
Khi còn trong quân đội, Toàn Phong đã viết bốn cuốn Sách giáo khoa Toán học bằng tiếng Việt trong đó có hai cuốn do Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam xuất bản.
Ông đã viết hàng trăm tiểu luận về toán, động học không gian (astrodynamics) và tối ưu hóa quỹ đạo (trajectory optimization). Các sách viết bao gồm:
Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics. 1980. Vinh, N. X.; Busemann, A.; Culp, R. D. University of Michigan Press.
Optimal Trajectories in Atmospheric Flight 1981. Vinh N. X., Studies in Astronautics 2, Elsevier Scientific Publishing Company, Amsterdam.
Flight Mechanics of High-Performance Aircraft. 1993. Nguyen X. Vinh. Cambridge Aerospace Series. ISBN 052134123X
TẠM DỪNG CHÂN ĐỂ VƯỢT QUA


Cụ GB. Nguyễn Văn Viện (86 tuổi) đọc bản thảo

Đ
ược sinh ra là con người, dù nam hay nữ, sau bao nhiêu tháng năm mệt mỏi lo cho cuộc sống, cơm áo gạo tiền, quyền lợi danh vọng, Tất cả đều có kết thúc giống nhau: Hai Tay Buông Xuôi. Buông xuôi để trở về với tro bụi, để nằm yên dưới ba thước đất là điều không ai có thể chối bỏ. Nhưng trước khi trở về với tro bụi hay trở về lòng đất mẹ, dù là Kitô Hữu, dù là đạo hữu các tôn giáo khác nhau, dù tin có mai sau hay cho rằng chết là hết, lại có một việc giống nhau, tìm đến tạm dừng chân để vượt qua, đi tiếp.
Đây là nơi thể hiện rõ nét nhất cảnh giàu nghèo của mỗi người. Giàu thì chả có gì phải lo, nghèo thì có gì phải giấu, vì giấu giàu không ai giấu nghèo. Vì thấy được cảnh nghèo, Cha Bề Trên Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Linh mục Tôma Trần Quốc Hùng CSsR), với ưu tư một mục tử, ngài có Thư Ngỏ kính gửi Ông Bà Anh Chị Em thuộc Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ngày 7/6/2016.
Người viết bài này, xin mạn phép trích đăng nội dung Thư Ngỏ này. “Sau thời gian đi thăm các Xóm Giáo, tôi nhận thấy Giáo Xứ chúng ta hiện nay có 1752 hộ gia đình công giáo với nhân số là 5916 người, mà đa số là các hộ lao động nghèo, nhà cửa chật chội, đường hẻm thì nhỏ bé, những khi có người được Chúa gọi, gia đình phải nhờ đến Nhà Nguyện của các Xóm Giáo hoặc vỉa hè trong khu vực để quàn thi hài người thân, thật là thương tâm, đó là chưa kể các gia đình lương dân trong khu vực cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát cần nhờ Giáo Xứ chúng ta giúp đỡ”.
Giáo Xứ đạo đạt nguyện vọng lên Cha Giám Tĩnh, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã cho mượn khu đất ở góc đường Bà Huyện Thanh Quan và hẽm 62, được Nhà nước chấp thuận cho xây dựng. Với những thuận lợi này, trong Thư Ngỏ, Cha Bề Trên Chánh Xứ đã viết tiếp: “Nay tôi gửi thư này đến Ông Bà Anh Chị Em để thông báo cho Ông Bà Anh Chị Em biết và qua đó cũng xin Ông Bà Anh Chị Em rộng lượng tiếp tay đóng góp với Giáo Xứ trong việc phục vụ tốt đẹp này”
Sau gần bốn tháng chung lưng đấu cật, thiết kế xây dựng, công trình phục vụ người nghèo của Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp theo tôn chỉ thánh Tổ Phụ An Phong đã hoàn thành mỹ mãn với tên gọi là Nhà Vượt Qua và được khánh thành. Đúng 8 giờ 15 sáng chủ nhật 30 thường niên năm C, trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót.
Cha Bề Trên Giám Tỉnh bước vào Nhà Vượt Qua. Cùng đi với ngài, có Cha Bề Trên Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Cha Giuse Phạm Văn Bảo. Cha Giám Tỉnh chủ sự nghi thức làm phép Nhà Vượt Qua, ngài chia sẻ: “Nhà Vượt Qua có được hôm nay là do ý Chúa, khang trang hơn, đẹp đẽ hơn Nhà Vuợt Qua trước kia của Giáo Xứ”.
Nghi thức làm phép Nhà Vượt Qua hoàn tất. Cha Bề Trên Chánh Xứ rạng rỡ hân hoan, ước nguyện đã thành hiện thực, Cha cảm ơn Cha Giám Tỉnh đã dành ưu ái để Giáo Xứ có niềm vui hôm nay. Sau cùng, ông Chủ tịch Ban thường vụ thay mặt cộng đoàn hiện diện (Ban Điều Hành các Xóm Giáo, Ca đoán xóm giáo 6, và chắc chắn có sự hiệp thông của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân của Thư Ngỏ), cảm ơn Cha Giám Tĩnh, Cha Bề Trên Chánh Xứ. Để đánh dấu niềm vui, Giáo Xứ đã chiêu đãi bữa ăn nhẹ buổi sáng và kết thúc lúc 9 giờ 15.
Mọi người ra về mang theo hy vọng là Nhà Vượt Qua sẽ là niềm an ủi cho nhiều gia đình trong ngoài Giáo Xứ.
Nguyện xin Chúa qua Thánh Tổ Phụ Anphong chúc phúc cho Nhà Vượt Qua để Thiên Chúa hiển trị



Ngày Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có Nhà Vượt Qua 23/10/2016  (G.B Nguyễn Văn Viện)


Dịp lễ các Linh Hồn: Tòa Thánh Vatican lưu ý tro của người hỏa táng không được rắc rải.



 (EWTN News/CNA) Thánh Bộ Đức Tin Tòa Thánh vừa đưa ra một hướng dẫn vào hôm Thứ Ba về việc chôn cất và hỏa táng, nhắc lại rằng Giáo Hội không khuyến khích việc hỏa táng, nhưng cho phép trong những hoàn cảnh đặc biệt và rằng việc rải tro sau khi hỏa táng là điều cấm.
Tài liệu Ad Resurgendum cum Christo nghĩa là “ Để sống lại với Chúa Kitô” được phát hành vào ngày 25 tháng Mười cho biết rằng việc hỏa táng người chết “không bị cấm” nhưng Giáo Hội khuyến khích “việc chôn xác kẻ chết theo truyền thống, bởi vì điều này bày tỏ sự tôn trọng đối với người đã khuất.”
Tài liệu này cũng giải thích thêm rằng sau khi có những “lý do chính đáng” để thực hiện hỏa táng, thì tro của người hỏa táng phải được đặt để ở một nơi thánh thiêng như là nghĩa trang hay nhà thờ. Không được phép giữ tro trong nhà hay rải trong không khí, rải trên đất, trên sông, trên biển cũng như không được cất giữ trong những vật lưu niệm, đồ trang sức hay những hình thức tương tự.
Đức Hồng Y Gerhard Muller, Chủ tịch Thánh Bộ viết rằng “Việc chôn xác, nghi thức phụng vụ cuối cùng của chúng ta nói lên niềm hy vọng sống lại của người tín hữu, do đó Giáo Hội khuyến khích việc chôn xác người chết.”
Tài liệu giải thích rằng “bằng cách chôn xác người tín hữu, Giáo Hội khẳng định niềm tin vào sự sống lại của thân xác và bày tỏ sự kính trọng đối với thân xác như là một phần không thể thiếu để làm nên nhân cách của họ.”
“Do đó Giáo Hội không cho phép những hình thức hay nghi lễ an táng mang tư tưởng sai lầm về sự chết, chẳng hạn như coi cái chết là sự hủy diệt hoàn toàn của con người, hay chết là thời điểm trở về với thiên nhiên hay vũ trụ.
“Việc chôn cất tại một nghĩa trang hay một nơi thánh thiêng là một hình thức thích hợp để tỏ lòng kính trọng đối với thân xác của các tín hữu đã qua đời, những người đã chịu phép Rửa Tội và trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần và cùng với Chúa Thánh Thần họ đã thực hiện nhiều việc tốt đẹp.”
Tòa Thánh đã cho phép hỏa táng vào năm 1984, nhưng đến nay việc rải tro của người hỏa táng một cách tùy tiện hay giữ tro tại nhà đã càng ngày càng phổ biến, do vậy việc đưa ra một hướng dẫn mới cho các giám mục là một điều cần thiết.
Bản hướng dẫn nhấn mạnh rằng “ theo như truyền thống xa xưa của Kitô Giáo, Giáo Hội thiết tha kêu gọi chúng ta hãy chôn xác người chết.”
Theo cha Thomas Bonino, một thành viên của Thánh Bộ Đức Tin thì việc tôn trọng thích hợp dành cho thân xác giúp chúng ta nhận chân được rằng đời sống con người gồm cả thể xác và linh hồn. Cùng với linh hồn, thể xác làm nên con người chúng ta, giáo huấn này “phải được tái khẳng định” trong việc giảng dạy và trong sách giáo lý.
Việc rải tro vào trong thiên nhiên được xem như là chấp nhận thuyết phiếm thần, coi thiên nhiên là Thiên Chúa, nói lên tư tưởng sai lầm rằng “chết là hoàn toàn hủy bỏ, không còn gì nữa cả, thân xác trở về với đất và thế là hết.”
Có những phản ứng khác nhau cho rằng cái chết chỉ là việc của cá nhân hay của gia đình thân tộc, nhưng “cái chết của một người cũng là vấn đề của cộng đồng mà người chết là thành viên.”
Tài liệu này cũng nhấn mạnh đến những lý do quan trọng về việc chôn xác kẻ chết trong đó bao gồm việc Giáo Hội coi việc chôn cất là một trong những việc làm phúc đức.
“Từ xa xưa, các tín hữu mong muốn rằng khi mình chết sẽ được cộng đoàn tín hữu cầu nguyện cho và tưởng nhớ tới. Ngôi mộ của họ sẽ trở thành nơi cầu nguyện, tưởng nhớ và nhắc lại những việc lành họ đã làm.”
Khi đặt để tro của người chết ở nơi thánh thiêng, chúng ta tin tưởng rằng họ sẽ luôn được nhớ tới trong kinh nguyện của gia đình và cộng đồng tín hữu, cũng như một dấu hiệu lâu dài cho hậu thế, đặc biệt là khi thế hệ của họ đã qua đi.
Đức Hồng Y Muller nói “Là tín hữu Công Giáo… chúng ta phải hiểu được tất cả những yếu tố của đời sống mình trong đức tin Kitô Giáo. “
Chúng ta tin tưởng vào sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và chúng ta cũng hy vọng vào sự sống lại của thân xác chúng ta… Và do đó truyền thống tốt lành của người tín hữu là luôn được chôn cất trong mồ.”

Tháng 11, Nghĩ Về "Các Thánh Thông Công"

D
òng đời cứ mãi trôi, và sẽ trôi mãi về đâu? Đời sống của mỗi chúng ta trên thế gian này là một cuộc hành trình rất dài. Cuộc hành trình đó, chúng ta không độc hành trên xa lộ tối đen, nhưng chúng ta hiệp thông sâu đậm trong Đức Kitô để cùng nhau tiến bước: “Hết thảy mọi người chúng ta, từng cấp bậc và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến Chúa yêu người, cùng hát lên một bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta” (GLCG số 954).
Trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công”. Xin được chia sẻ vài tư tưởng về tín điều các thánh thông công trong tháng 11 này để chúng ta ý thức hơn về cuộc sống của mình trong mối hiệp thông với mọi phần tử trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.
 Suy nghĩ về tín điều các Thánh thông công, tôi chọn cho mình một hình ảnh rõ ràng, gần gũi, và dễ hiểu nhất: Thập Giá ( + ) mà trong đó mối tương quan ngang - dọc đều như nhau cho mọi phần tử, thống nhất, liên hệ, và bổ sung đồng đều cho nhau làm thành Hội Thánh Chúa Kitô:
Hội thánh khải hoàn được xem như nửa trên của +, là các thánh và những linh hồn thánh thiện đang hưởng mặt Chúa trên Thiên Đàng;
Hội thánh đau khổ được xem như nửa dưới của +, là những linh hồn còn đang thanh luyện trong luyện ngục; và thanh ngang của + là hội thánh chiến đấu (hay còn gọi là hội thánh lữ hành), bao gồm tất cả các tín hữu trên khắp hoàn cầu, đang còn phấn đấu liên tục trên cuôc hành trình đức tin.
Tất cả mọi tín hữu nhờ bí tích Thánh Tẩy được sát nhập vào Chúa Kitô là đầu nhiệm thể và hiệp thông với nhau trong một tình yêu và một sự sống bắt nguồn từ Chúa Kitô.
Các thánh thông công có nghĩa là “hiệp thông trong các sự thánh (hiệp thông trong đức tin, trong bí tích, trong đức ái, và trong sự cầu nguyện…) và hiệp thông giữa những người thánh (trong ba giáo hội hàng dọc và hàng ngang theo hình thánh giá vừa nêu trên)”. Là thành phần của dân Chúa, trong hội thánh chiến đấu của Ngài, chúng ta đã sống hiệp thông với nhau, với các thánh trên trời và với các linh hồn trong luyện nguc cách đầy đủ chưa?
2. Hiệp thông với giáo hội khải hoàn (các thánh trên trời):
Mỗi người trong chúng ta đều đã chọn (hoặc cha mẹ chọn) cho mình những vị thánh quan thầy khi chịu phép rửa tội và thêm sức để cầu bàu cho ta trước mặt Chúa và để làm gương sáng cho ta. Nếu vì bận rộn hay lơ là mà chúng ta đã quên đi vai trò các ngài trong đời sống mình thì dịp tháng 11 về, ngày Lễ các thánh nam nữ, chúng ta hãy nhớ đến các ngài, mở lại sách hạnh thánh để nhìn lại gương nhân đức của các ngài. Sau cùng xin các ngài cầu thay nguyện giúp vì “các ngài đã phục vụ Chúa trong mọi sự và hoàn tất trong thân xác mình những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, hầu mưu ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl. 1, 24).
  3. Hiệp thông với giáo hội đau khổ (các linh hồn trong luyện ngục):
Chắc hẳn trong mỗi gia đình chúng ta đều đã có người ra đi trước: ông bà, cha mẹ, chồng vợ, chú bác, cô dì, anh chị em…Chúng ta dâng kinh nguyện và những việc lành phúc đức hằng ngày của mình để cầu cho các linh hồn thân nhân và hết các linh hồn đang cần đến lời cầu của chúng ta. Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hôi Thánh lữ hành đã “kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã chết vì cầu nguyện cho những người đã chết để họ được giải thoát là một ý nghĩa lành thánh và hiếu thảo” (2Mcb 12, 46). Lời cầu nguyện ấy không những giúp ích người đã chết được giải thoát khỏi tội lỗi, nhưng chính chúng ta cũng được hưởng nhờ lời chuyển cầu của các ngài sau khi các ngài về trời.
Thiết nghĩ chúng ta nên ngồi nhớ lại và viết xuống tên họ, tên Thánh và ngày ra đi của người thân trong gia đình mình để nhớ xin Lễ, cầu nguyện, và dâng nhiều việc hy sinh cho người thân mình trong những ngày đó.
Riêng tháng 11 này, chúng ta nên nhớ xưng tội, rước lễ sốt sắng và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng để hưởng ơn đại xá và nhường lại cho các linh hồn.
4. Hiệp thông với nhau trong giáo hội chiến đấu (các tín hữu trên khắp thế gian): Nói trên khắp thế gian thì nghe có vẻ bao la quá, chúng ta hãy trở về với thực tại gần gũi nhất trong đời sống mình là mái ấm gia đình mình, là cộng đoàn, là giáo xứ, là hãng xưởng làm việc, là hàng xóm láng giềng của mình. Qua sự đoàn kết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, qua cử hành phụng vụ, qua việc chia sẻ của cải thiêng liêng cũng như vật chất, chúng ta cùng nhau xây dựng cuộc sống tươi vui, hạnh phúc. Đời sống thánh thiện và gương sáng của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến người khác rất nhiều. Cuộc sống hiệp thông sâu rộng đó sẽ là phương cách tốt nhất để giới thiệu và làm chứng Tin Mừng Đức Giêsu: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35)
Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria giúp chúng ta sống hiệp thông trong giáo hội thật trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa, nhất là trong tháng 11 này.
****
Ngày 1/11 - Lễ Các Thánh Lm Giuse Maria Nguyễn Huy CMC
Các thánh là ai? Làm thế nào để nên thánh?
Nói theo Thánh Phaolô là “Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (Rm 8,29). Nghĩa là càng giống Chúa Kitô bao nhiêu thì càng là thánh bấy nhiêu.
Nói theo Thánh Don Bosco “Nên thánh là chu toàn bổn phận cách vui tươi”.
Nói theo Thánh Têrêsa Hài Đồng “Nên thánh là làm mọi việc tầm thường với lòng yêu mến Chúa phi thường”.
Nói theo Sách Khải Huyền của Thánh Gioan: “Đó là những người đã trải qua những thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong Máu Con Chiên” (Kh 7,14).
Nói theo Chúa Giêsu là: “Hãy theo Ta” (Ga 12,26).

Truyện vui: Đã Quá Đủ Để Vào Thiên Đàng



Cổng thiên đàng luôn tấp nập đông người. Thánh Phêrô tra xét lý lịch rất cẩn thận, cân nhắc công tội rõ ràng nên có người được vào, có người không. Nhiều người đã bị từ chối vào phút chót. Đến lượt 1 cụ già, cụ ái ngại vì thấy nhiều người bị loại. Cụ vừa khai vừa run, không chút hy vọng:
- Con đã trải qua 60 năm cuộc đời thành hôn, luôn bị vợ áp chế đến đờ đẫn cả người ra...
Ông còn đang ấp úng thì Thánh Phêrô đã quát:
- Mở cổng! Cho vào! 60 năm ở với vợ đã quá đủ để đền bất cứ tội nào. Tội nghiệp con quá. Cả đời bị vợ bắt nạt, thôi vào thiên đàng đi con.
Tái bút: Bị vợ bắt nạt thì vào thiên đàng, còn bắt nạt vợ thì lại là chuyện khác. Hihi.                 

                                          “TÔI XIN ... VÀ CHÚA BAN"


Tôi xin Sức Mạnh... Và Chúa ban những Khó Khăn để tôi được mạnh mẽ.
Tôi xin Khôn Ngoan... Và Chúa ban các Vấn Đề để cho tôi giải quyết
Tôi xin Sung Túc... Và Chúa ban Trí Tuệ để cho tôi làm việc

Tôi xin Can Đảm... Và Chúa ban Hiểm Nguy để cho tôi vượt qua.
Tôi xin Tình Yêu... Và Chúa ban những Người Khốn Khổ để cho tôi giúp đỡ
Tôi xin Ân Huệ... Và Chúa ban các Cơ Hội.
Tôi không nhận được một điều nào tôi muốn... Tôi nhận được mọi thứ tôi cần!”


Một người họa sĩ vẽ tranh bán dạo nhưng thật ế ẩm. 

Một chiều kia trên đường về nhà anh bất ngờ bị tai nạn lấy mất đi đôi tay của anh. HỌA SĨ CỤT CẢ HAI TAY Lm. Dân Chài
Kể từ đó đời anh thật là buồn chán vì không biết làm gì. Anh yêu nghề nhưng lại bị mất đôi bàn tay rồi. Để bớt chán nản anh cắn cây cọ và tập vẽ bằng miệng.
Tin đồn mau lan toả về một họa sĩ cụt cả hai tay vẽ tranh bằng miệng. Những bức tranh vẽ bằng miệng của anh dù không đẹp gì lắm nhưng được nhiều người mua với giá cao. Các bức tranh ế ẩm trước đó người ta cũng mua hết. Đơn giản là hiện tại anh đang cụt hai tay và vẽ tranh bằng miệng.
(Ảnh mang tính minh họa)

THÔNG TIN:

*Lễ các Thánh      01.11(thứ Ba):  Lễ I : 17.30 & Lễ II: 19.30.
*Lễ các Linh Hồn 02.11(thứ Tư) :  Lễ I : 06.00;    Lễ II: 17.30; Lễ III : 18.00.
Từ 12 giờ trưa Ngày 1/11  đến nữa đêm 2/11,  các tín hữu viếng nhà thờ sẽ được ơn Đại Xá chuyển cho các linh hồn.
Trong tám ngày kế tiếp 1-> 8/11  các tín hữu viếng nghĩa trang, phòng hài cốt cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục sẽ được 1 Ơn Đại Xá trong ngày.  * Điều kiện - Xưng tội - Rước lễ hằng ngày - Đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Tin Kính; cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.


·         Thứ Sáu đầu tháng 4- 11: Thánh lễ 1: 17g30 và Thánh lễ 2 : 19g30 (dành cho Giới trẻ liên xứ)

Không có nhận xét nào: