CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

VÂNG LỜI TIẾNG LƯƠNG TÂM



Mùa Chay, nếu chỉ nhìn bề ngoài thì khó ai có thể nói là vui thích được, bình thường đó là bốn mươi ngày chúng ta phải từ bỏ những gì chúng ta ưa thích, cho dù điều đó là do chúng ta tự ý làm hay do một sự ép buộc nào đó.  Chung qui, chúng ta cũng phải từ bỏ một điều chúng ta thích.  Và ngay cả trên bình diện đức tin, chúng ta tự ý để cho mình phải chịu một chút hy sinh, từ bỏ những tiện nghi và có thể những đau đớn một chút với mục đích là chúng ta muốn thanh luyện, thánh hóa toàn thân và canh tân tinh thần, canh tân tâm hồn.

Lý do nền tảng của những việc mà chúng ta làm trong tinh thần sám hối của mùa Chay là vì chúng ta chiêm ngắm những đau khổ của Chúa Giêsu đã chịu vì yêu thương chúng ta.  Vì thế mà Ngài đã bị hành hạ đau khổ đến mức tột cùng để cứu chuộc chúng ta và Ngài đã chết trên thập giá vì chúng ta. Chúa Giêsu đã mang lấy tất cả những đau khổ đó vì nhân loại và vì bản thân của mỗi chúng ta.  Người không phải chịu đựng những đau khổ đó nhưng Người đã phải cưu mang tất cả vì chúng ta.  Chính nhờ sự cứu chuộc của Người mà chúng ta được chung hưởng vinh phúc trên thiên đàng, niềm vinh phúc mà Ađam và Eva đã đánh mất khi sa ngã phạm tội và cắt đứt tình nghĩa với Chúa.

**********************************
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta gặp những người phải chịu nhiều đau khổ.  Chúng ta muốn giúp họ nhưng chẳng biết phải nói làm sao, cũng chẳng biết phải làm gì để gúp họ vơi đi những khổ đau.  Ðứng trước những hoàn cảnh như thế, chúng ta cảm thấy mình vừa bất lực vừa lo âu, nhất là khi chúng ta đối diện với sự qua đời của một người thân.  Có lẽ lúc đó điều chúng ta có thể làm là khóc với họ.

Có lần tôi đã chứng kiến cảnh người mẹ trẻ quá bối rối vì không thể làm gì hơn là cứ phải đứng nhìn đứa con nhỏ của cô đang khóc lóc, vì bàn tay bị bỏng phỏng giộp lên.  Cô không biết làm cách nào để xoa dịu nỗi đau của con.  Cô đã lấy hòn đá đập bị thương ngón tay của mình rồi cô khóc tức tưởi hơn cả đứa con của cô.  Có lẽ chúng ta không hiểu được hành động của người mẹ, nhưng có thể nói chính vì yêu mà người mẹ đã có thể làm như vậy.  Và trong hoàn cảnh cụ thể của cô, có thể đó là giải pháp, là cách thức để cô chia sẻ với nỗi đau của người con mà cô yêu thương.

Tình thương không cho phép người ta chứng kiến cảnh người mình yêu bị đau khổ, người ta phải làm đủ mọi cách trong khả năng của họ để làm sao giúp người mình yêu thoát khỏi khổ đau.  Có thể nói đó chính là những ý tưởng định hình cho những công việc hy sinh của chúng ta trong mùa Chay một cách nào đó, để tỏ bày lòng sám hối.  Ðó cũng là những cách thức, những việc làm cụ thể, để chúng ta bày tỏ tâm tình yêu mến và chia sẻ những khổ đau của chúng ta với Chúa Giêsu.  Ðó là bước đầu chúng ta đi vào con đường của tình yêu tự hiến, con đường mà Chúa Giêsu đã đi.  Ðó là yêu thương trọn vẹn, hy sinh cho tất cả, trao hiến tất cả cho người mình yêu.

Ðể được như thế, trước hết chúng ta phải tập sống từ bỏ vì yêu thương, từ bỏ một chút tiệc ly, một chút của cải vật chất, từ bỏ một chút gì là của riêng mình: sở thích, tư tưởng, lập trường.  Cụ thể hơn nữa, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc vâng lời.  Vâng lời cha mẹ, bề trên, anh chị em trong gia đình, vâng lời thầy cô giáo, những người có bổn phận trách nhiệm dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta bằng việc chúng ta sẽ tập trung lo chu toàn những công việc bổn phận, những nhiệm vụ được trao một cách trọn vẹn.

Xa hơn một chút, chúng ta thực hành những luật lệ chính đáng và công bình, nhằm đem lại lợi ích cho tha nhân chẳng hạn như giữ nghiêm ngặt luật giao thông, bảo vệ cảnh quan những nơi công cộng cho sạch đẹp, giữ luật vệ sinh chung, v.v... việc hy sinh của chúng ta có thể đi xa hơn bằng việc thực thi bác ái vào những việc làm cụ thể để giúp đỡ những người khác, đó cũng là một hình thức chúng ta vâng lời, vâng lời tiếng lương tâm của chúng ta cũng chính là tiếng Chúa.  Ðây chỉ là một vài điều được nêu lên trong khi mỗi chúng ta có thể làm vì vâng lời, vì tiếng nói cũng là mệnh lệnh sau cùng chúng ta tuân theo là tiếng nói yêu thương của Thiên Chúa.  Ðồng thời, chúng ta đáp trả lại bằng những hành động diễn tả tình yêu dưới nhiều hình thức khác nhau, để chúng ta chia sẻ với Ngài, tỏ bày tình thương và sự cảm thông của chúng ta với nỗi đau mà Ngài đã chịu vì yêu thương.  Thánh giá là dấu hiệu đánh động chúng ta nhất để chúng ta luôn nhắc nhớ mình hãy làm một điều gì đó để xoa dịu nỗi đau của Chúa Giêsu và thân thể của Người là anh chị em chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu,
Xin ban ơn trợ lực để chúng con can đảm bước theo con đường Ngài đã đi.

R. Veritas


Không có nhận xét nào: