Hiện nay, trên
thị trường bày bán loại povidone iodine với trên 40 biệt dược khác nhau chia
làm nhiều loại: dùng ngoài, súc miệng, thuốc phụ khoa. Đây là phức hợp của iod
với polyvinyl pyrrolidon dễ tan trong nước và trong cồn, phóng thích iod từ từ
và liên tục do đó kéo dài tác dụng. Thuốc có phổ rộng diệt các vi khuẩn, virut,
nấm động vật đơn bào kén và bào tử, trùng roi. Đặc điểm của thuốc là dễ dùng,
không bị kháng thuốc, không tổn hại da và niêm mạc, không gây nóng rát vết
thương, ít độc hơn chế phẩm iod tự do.
Thuốc có tác dụng: sát
khuẩn da và niêm mạc trước và sau khi mổ, sát khuẩn khi tiêm truyền. Tẩy uế dụng
cụ trước khi tiệt trùng, dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn vết bỏng, vết thương
hở, điều trị phối hợp những trường hợp nhiễm khuẩn, nhiễm virut đơn bào nấm ở
da và niêm mạc: nấm da, tưa miệng, zona, nước ăn chân; trong sản phụ khoa: sát
trùng tầng sinh môn khi sinh, làm sạch âm đạo trước khi phẫu thuật.
Điều trị viêm
âm đạo do candida, trichomonas, nhiễm khuẩn không đặc hiệu hoặc nhiễm khuẩn hỗn
hợp. Thuốc súc miệng: nhiễm khuẩn ở miệng, viêm thanh quản, viêm họng, chảy máu
chân răng.
Thuốc không
dùng đối với các trường hợp: có tiền sử không dung nạp hoặc mẫn cảm với
iod, có rối loạn tuyến giáp, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 24 tháng tuổi, phụ nữ có
thai (thuốc qua nhau thai) hoặc thời kỳ cho con bú (bài tiết qua sữa).
Cần thận trọng
trong các trường hợp:
- Iod hấp thụ
qua da và thải trừ qua nước tiểu nên có nguy cơ đi vào máu, gây tác động toàn
thân, nhất là khi bị thương tổn thượng bì lan rộng, dùng dưới băng kín, trẻ
sinh non và trẻ đang bú. Mức độ hấp thụ toàn thân phụ thuộc vào vùng và diện (rộng,
hẹp) dùng thuốc. Nếu thấy kích ứng hoặc sưng phồng tại chỗ thì phải ngừng thuốc.
- Tránh dùng
trên vết thương rộng, lặp lại nhiều lần, hoặc dùng trong thời gian dài.
- Nếu thật cần
với trẻ em dùng liều thấp trong thời gian thật ngắn rồi rửa ngay bằng nước, bệnh
nhân có tiền sử suy thận.
Liều lượng và
cách dùng: Liều dùng phụ thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn, dạng thuốc, nồng
độ và vùng nhiễm khuẩn, chủ yếu là dùng ngoài.
- Dùng nguyên chất:
để bôi lên vết thương (có thể bôi nhiều lần một ngày) khi khô tạo thành một lớp
che vết thương, dễ rửa sạch bằng nước.
- Pha loãng:
pha loãng 10 lần với nước sạch (hoặc nước muối sinh lý) để rửa vết thương.
- Để tưới lên vết
thương dùng dung dịch pha loãng 2%.
- Vệ sinh tay:
3ml dung dịch nguyên chất bôi một phút trước khi làm việc.
- Tiệt khuẩn để
phẫu thuật: bôi dung dịch nguyên chất vào lòng bàn tay trong 5 phút. Sau đó rửa
bằng nước đã khử khuẩn.
- Trước khi
tiêm hoặc phẫu thuật: bôi trước một phút với da ít tuyến bã nhờn, với da nhiều
tuyến bã nhờn cần bôi trước 10 phút, luôn luôn giữ da ẩm.
- Trong sản phụ
khoa: Xoa dung dịch nguyên chất trong và ngoài âm đạo. Bơm, thụt dung dịch: (2
thìa canh (30ml) trong một lít nước ấm). Đối với người lớn và người cao tuổi,
buổi tối trước khi đi ngủ đặt sâu vào âm đạo một viên 0,20g liên tục trong vòng
14 ngày. Có thể làm ẩm viên thuốc trước khi đặt để thuốc khuếch tán tốt và
không gây kích ứng tại chỗ.
- Tẩy uế dụng cụ:
Pha loãng thuốc với nước sạch theo tỷ lệ 1/10, ngâm dụng cụ trong 30 phút, vớt
dụng cụ ra rửa lại bằng nước sạch, lau khô đem tiệt trùng.
- Bệnh nấm da,
nước ăn chân: Tẩm thuốc vào bông sạch, bôi lên vùng da bị tổn thương ngày 1-2 lần.
- Thay gạc hằng
ngày hoặc cách ngày.
- Thuốc súc miệng:
Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi: dung dịch nguyên chất hoặc pha loãng 50% với
nước ấm. Mỗi lần súc 10ml trong 30 giây, không được nuốt. Ngày có thể súc 4 lần
trong 14 ngày.
Khi dùng thuốc
cần lưu ý:
Cần phân biệt
các loại thuốc để sử dụng cho thích hợp: (súc miệng, dùng ngoài, sản phụ).
- Thuốc có tính
chất diệt tinh trùng, khi muốn có thai không nên dùng betadin phụ khoa 10%.
- Để ngoài tầm
tay trẻ em.
- Có thể dùng
thuốc trong kỳ kinh nguyệt.
- Nói chung thuốc
dung nạp tốt nhưng có thể gây kích ứng tại chỗ đối với một số bệnh nhân nên phản
ảnh với bác sĩ tác dụng không mong muốn của thuốc để được xử trí kịp thời.
- Tránh phối hợp
với các thuốc sát khuẩn chứa thủy ngân, bạc vì thuốc sẽ tạo phức chất iod thủy
ngân, iod bạc có thể hủy hoại da (trừ ôxy già).
- Tùy theo loại,
tuổi thọ có thể từ 24 tháng đến 3 năm. Cần chú ý xem kỹ hạn sử dụng trước khi
dùng.
- Không dùng
thuốc khi bị biến màu, bao bì bị thủng hoặc bong nhãn.
Lưu ý: Dùng thuốc
quá liều (diện rộng, dài ngày) gây tác dụng không mong muốn như tăng tiết nước
bọt, đau rát họng và miệng, tiêu chảy, khó thở. Khi điều trị cần chú ý đặc biệt
đến chức năng thận và tuyến giáp.
Dược sĩ Lã Xuân
Hoàn
(Theo Sức khỏe
đời sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét