Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Thứ Hai Tuần II MC
Bài đọc: Dan 9:4-10; Lk 6:36-38.
1/ Bài đọc I: 4 Tôi đã
cầu xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của tôi, đã thú nhận và thưa Người rằng:
5 chúng con đã phạm tội, đã
lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh,
phán quyết của Ngài.
6 Chúng con đã không nghe lời
các tôi tớ Chúa là các ngôn sứ. Các ngài đã nhân danh Chúa mà nói với vua chúa
quan quyền, với cha ông chúng con và toàn dân trong xứ.
7 Lạy Chúa Thượng, Chúa là
Đấng Công Chính; còn chúng con thì đáng phải hổ mặt hổ mày như ngày hôm nay -
chúng con là những người Giu-đa, cư dân thành Giê-ru-sa-lem và toàn thể
Ít-ra-en, những người ở gần cũng như ở xa, trong mọi xứ Ngài đã đuổi đến vì tội
bất trung đã phạm chống lại Ngài.
8 Lạy Đức Chúa, chúng con
đáng phải hổ mặt hổ mày, cũng như vua chúa quan quyền và tổ tiên chúng con, vì
chúng con đã đắc tội với Ngài.
9 Chúa Thượng là Thiên Chúa
chúng con có lòng xót thương và hay tha thứ, vì chúng con đã phản nghịch cùng
Ngài.
10 Chúng con đã không nghe
tiếng của ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chúng con, để sống theo các luật lệ Ngài đã
ban cho chúng con nhờ các tôi tớ Ngài là các vị ngôn sứ.
2/ Phúc Âm: 36 "Anh
em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
37 Anh em đừng xét đoán,
thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị
Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.
38 Anh em hãy cho, thì sẽ
được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc
và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên
Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tha thứ
như Thiên Chúa đã tha thứ.
Nhiều người hôm nay đã đánh mất
ý thức tội lỗi; và như một hậu quả, họ phải chịu nhiều hình phạt do tội lỗi
mang lại cho cá nhân, cho gia đình, cũng như cho xã hội. Hậu quả xảy ra cho cá
nhân có thể thấy qua sự nóng nảy, ghen tương, và nghiền ngập đủ lọai. Hậu quả xảy
ra cho gia đình có thể nhận ra qua những cãi vã, giận hờn, và chia ly cách biệt.
Hậu quả xảy ra cho xã hội có thể nhìn thấy qua những tội ác, nghèo đói, và khủng
hỏang kinh tế trầm trọng. Những điều này cho con người thấy tội lỗi không phải
chỉ gây thiệt hại cho cá nhân, nhưng gia đình và xã hội cũng phải chịu thiệt hại.
Vì thế, mọi người trong xã hội đều có bổn phận khuyên bảo, dạy dỗ, và tạo một
môi trường lành mạnh cho các cá nhân được lớn lên trong đó.
Người tín hữu Công Giáo có một bảo
vật quí giá để giải quyết những vấn đề này là Bí-tích Giải Tội mà nhiều tín hữu
đã không biết lợi dụng. Việc xét mình thường xuyên sẽ giúp cho các cá nhân nhận
ra những thói quen xấu và sửa trị kịp thời. Tất cả các mặc cảm tội lỗi được tha
thứ khi họ thú nhận tội với vị linh mục nơi tòa Giải-Tội. Xét mình còn giúp cho
các cá nhân nhìn ra những yếu đuối và tội lỗi của tha nhân, họ cũng là người yếu
đuối và tội lỗi như mình. Nếu mình đã được Thiên Chúa tha thứ tất cả các tội,
mình cũng phải tha thứ tất cả cho anh chị em như vậy. Điều này sẽ dẫn tới việc
hàn gắn các mối liên hệ trong gia đình cũng như ngòai xã hội.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng
ta nhận ra sự quan trọng của việc ăn năn xám hối. Trong Bài Đọc I, tiên tri
Daniel nhìn rõ tất cả mọi con dân Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và xứng
đáng lãnh nhận mọi hình phạt trong nơi lưu đày. Họ đã vi phạm Lề Luật của Thiên
Chúa nhiều lần, và quay lưng lại với các tiên tri mà Ngài đã liên tục gởi đến
cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có lòng nhân từ như
Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Để thực hiện điều này, các môn đệ phải nhận ra lòng
nhân từ của Thiên Chúa đối với chính họ qua việc tha thứ các tội lỗi; trước khi
họ có thể tỏ lòng nhân từ với anh em.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời thú tội của
tiên tri Daniel
Trong nơi lưu đày, người Do-Thái
có nhiều thời gian và cơ hội nhìn lại quá khứ, để tìm hiểu ra lý do họ phải sống
cực khổ xa quê hương. Họ là dân riêng của Thiên Chúa, và Ngài hứa sẽ yêu thương
và bảo vệ họ nếu họ tuân giữ các Lề Luật Ngài ban qua Moses. Tiên tri Daniel là
người sống nơi lưu đày, khi xét mình đã nhận ra hai lỗi lầm lớn của tòan dân
như sau:
(1) Tòan dân đã không tuân giữ Lề
Luật của Thiên Chúa: TT Daniel thú nhận với Thiên Chúa: “Chúng con đã phạm tội,
đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh,
phán quyết của Ngài.” Những tội chính các tiên tri đã tố cáo Israel trước khi bị
lưu đày là bất trung, cúi đầu thờ lạy các thần ngọai và quay lưng lại Thiên
Chúa; giả hình, dâng lễ vật và cầu nguyện cho qua lần chiếu lệ; bất công, dùng
luật lệ để cướp của dân nghèo.
Nhận ra tội lỗi của mình cũng là
lúc nhận ra sự công chính của Thiên Chúa: Ngài không vi phạm giao ước Ngài đã
ký kết, chính Israel đã xé giao ước này khi phạm tội: “Lạy Chúa Thượng, Chúa là
Đấng Công Chính; còn chúng con thì đáng phải hổ mặt hổ mày như ngày hôm nay -
chúng con là những người Judah, cư dân thành Jerusalem và toàn thể Israel, những
người ở gần cũng như ở xa, trong mọi xứ Ngài đã đuổi đến vì tội bất trung đã phạm
chống lại Ngài.”
(2) Tòan dân đã không vâng lời
các tiên tri Thiên Chúa gởi đến: Thiên Chúa không sửa phạt các cá nhân hay tòan
dân Israel ngay lần đầu sau khi họ phạm tội; nhưng Ngài kiên nhẫn gởi nhiều
ngôn sứ tới, miền Nam cũng như miền Bắc, để kêu gọi họ ăn năn xám hối. Không những
họ đã không nghe lời, lại còn đối xử tàn tệ với các tiên tri. TT Daniel thú tội:
“Chúng con đã không nghe lời các tôi tớ Chúa là các ngôn sứ. Các ngài đã nhân
danh Chúa mà nói với vua chúa quan quyền, với cha ông chúng con và toàn dân
trong xứ.”
Mặc dù tòan dân đã xúc phạm đến
Thiên Chúa, và xứng đáng đón nhận mọi hình phạt Ngài dùng để sửa trị; TT Daniel
vẫn tin lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn các tội phản nghịch của Israel:
“Chúa Thượng là Thiên Chúa chúng con có lòng xót thương và hay tha thứ, vì
chúng con đã phản nghịch cùng Ngài.” Tiên tri tin tưởng, nếu tòan dân biết ăn
năn xám hối, Thiên Chúa sẽ xót thương và tha thứ.
2/ Phúc Âm: Hãy có lòng nhân từ,
như Cha anh em là Đấng nhân từ.
2.1/ Xét mình và xưng tội thường
xuyên giúp con người trở nên nhân từ: Nhân đức là thói quen tốt được dùng để sửa
trị tội lỗi, là những thói quen xấu. Để có lòng nhân từ, con người phải qua một
tiến trình như sau:
(1) Nhận ra yếu đuối và tội lỗi
của mình: Xét mình là việc đầu tiên phải làm để nhận ra tội mình đã xúc phạm đến
Thiên Chúa và tha nhân. Người không thường xuyên xét mình sẽ không nhận ra tội
cần sửa chữa; và vì vậy, họ coi mình tốt lành, và dễ kiêu ngạo để phán xét và
lên án tha nhân. Người thường xuyên xét mình dễ nhận ra tội lỗi để thú tội và
lãnh nhận ơn tha thứ; đồng thời việc xét mình cũng giúp họ sửa trị kịp thời những
thói quen xấu: “năng xét mình, năng chừa” là vậy. Ai cũng biết thói quen xấu để
lâu ngày rất khó chừa.
(2) Nhận ra yếu đuối và tội lỗi
của tha nhân: Xét mình không chỉ giúp cho sự thăng tiến cá nhân, nhưng còn giúp
cho sự thăng tiến gia đình và xã hội. Xét mình giúp con người nhận ra sự yếu đuối
của con người: “thánh nhân ngày còn ngã 7 lần;” không ai không có tội. Nếu mình
cũng có đầy khuyết điểm tội lỗi, tại sao lại bắt người khác phải tốt lành,
thánh thiện, điều không ai có thể làm nổi! Vì thế, con người dễ dàng nhân từ và
tha thứ cho tha nhân hơn. Nếu Thiên Chúa đã nhân từ tha thứ cả núi tội của
mình, không có lý do gì mình lại giữ những tội nhiều khi quá nhỏ của tha nhân,
như Chúa Giêsu cảnh cáo: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên
Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em
hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.”
2.2/ Ăn ở rộng lượng với mọi người:
Nguồn gốc của tình yêu nhân từ và tha thứ đến từ Thiên Chúa. Ngài thương yêu và
tha thứ khi con người vẫn còn là tội nhân, và chẳng ra điều kiện gì trước khi
tha thứ. Vì thế, khi con người đã được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa, con
người cũng phải đối xử nhân từ với tha nhân như vậy: đừng tha thứ nửa chừng,
cũng đừng đòi điều kiện nào cả, như Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy cho, thì sẽ được
Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy
tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ
đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nhận ra mình là tội nhân giúp
chúng ta hai điều: Chúng ta cần được Thiên Chúa tha thứ và chúng ta sẽ dễ dàng
thông cảm và tha thứ cho anh chị em hơn. Ngược lại, nếu không nhận ra mình là tội
nhân, chúng ta sẽ dễ dàng kiêu ngạo coi mình là hòan thiện; và rất dễ phê bình,
xét đóan, kết án, và không tha thứ cho người khác.
- Nếu chúng ta nói chúng ta
không có tội, chúng ta biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối, và Máu Cực Thánh của
Chúa Giêsu đổ ra sẽ không sinh ích lợi cho chúng ta.
- Bí-tích Gỉai-Tội không thể thiếu
cho việc thăng tiến cá nhân và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Gia đình nào năng
cùng nhau lãnh nhận Bí-tích này sẽ dễ dàng giải quyết các xung đột.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét