Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng
hoặc tải xuống
Thứ Tư Tuần I MC
Bài đọc: Jon 3:1-10; Lk
11:29-32.
1/ Bài đọc I: 1 Có lời
ĐỨC CHÚA phán với ông Giô-na lần thứ hai rằng:
2 "Hãy đứng dậy, đi đến
Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền
cho ngươi."
3 Ông Giô-na đứng dậy và đi
Ni-ni-vê, như lời ĐỨC CHÚA phán. Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi
ngang qua phải mất ba ngày đường.
4 Ông Giô-na bắt đầu vào
thành, đi một ngày đường và công bố: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị
phá đổ."
5 Dân Ni-ni-vê tin vào
Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
6 Tin báo đến cho vua
Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.
7 Vua cho rao tại Ni-ni-vê:
"Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và
chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước.
8 Người và súc vật phải
khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường
gian ác và những hành vi bạo lực của mình.
9 Biết đâu Thiên Chúa chẳng
nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi
phải chết."
10 Thiên Chúa thấy việc họ
làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã
tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.
2/ Phúc Âm: 29 Khi dân
chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ
gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu
lạ ông Giô-na.
30 Quả thật, ông Giô-na đã
là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu
lạ cho thế hệ này như vậy.
31 Trong cuộc Phán Xét, nữ
hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết
án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua
Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.
32 Trong cuộc Phán Xét, dân
thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy
đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ai cũng có thể
ăn năn trở lại.
Mùa Chay là mùa của xám hối ăn
năn. Biết bao nhiêu câu truyện của những người sống hoang đàng trở về với Chúa,
giúp chúng ta hy vọng vào lòng thương xót của Chúa, và trở về với Ngài. Ví dụ,
không ai có cuộc đời ăn chơi trác táng như Augustine, đến nỗi mẹ ông đã phải
khóc lóc van xin với thánh Ambrose để xin ngài cầu nguyện và khuyên bảo con
mình trở lại. Một cuộc đời cuồng tín, đang trên đường bách hại các tín hữu như Phaolô,
sau khi bị ngã ngựa, đã trở thành một người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng hơn
hết mọi người. Hay sự trở lại của người trộm lành trên Thập Giá: “Lạy Ngài, khi
nào về vương quốc của Ngài, xin nhớ đến tôi.” Và Chúa Giêsu hứa với anh: “Ngay
hôm nay, anh sẽ được ở cùng ta trên Thiên Đàng.” Những gương trở lại anh hùng
này chứng minh cho chúng ta thấy: ai cũng có thể ăn năn trở lại.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự
trở lại của tòan thành Nineveh sau biến cố rao giảng của tiên-tri Jonah. Trong
Bài Đọc I, Nineveh là một thành dân ngọai cực kỳ rộng lớn và rất tội lỗi. Tuy
không tin và thờ phượng Đức Chúa của Israel, thế mà khi nghe tiên-tri Jonah rao
giảng mới một ngày rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Nineveh sẽ bị phá đổ;” cả
thành: từ Vua đến dân, từ lòai người đến súc vật, đều ăn chay, nằm trên tro bụi,
và ăn năn xám hối. Họ hy vọng Thiên Chúa sẽ xót thương và đình chỉ hình phạt của
Ngài trên thành, và xảy ra như thế. Trong Phúc Âm, thánh Luca cho một hình ảnh
ngược lại, những người Israel tin tưởng Đức Chúa, mặc dù đã được thấy tỏ tường
những việc Ngài làm và lắng nghe những lời Ngài rao giảng, đã cứng lòng không
chịu ăn năn trở lại, lại còn thách thức Chúa làm những gì họ muốn trước khi có
thể tin vào Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự trở lại của dân
thành Nineveh
1.1/ Thiên Chúa thương xót và
cho dân thành cơ hội trở lại: Nineveh là Baghdad, Iraq, ngày nay. Trong thời của
Jonah, đây là thành phố của Dân Ngọai, những người không phải Do-Thái và không
tin Thiên Chúa. Không những thế, họ còn là kẻ thù của dân Do-Thái, vì đã mang
quân đội phá bình địa Jerusalem, và bắt từ vua tới dân lưu đày qua Babylon. Đây
chính là lý do tại sao tiên-tri Jonah bất tuân Thiên Chúa lần nhất không chịu
qua Nineveh rao giảng. Tiên tri không thể hiểu nổi tại sao Thiên Chúa lại tỏ
lòng thương xót cho một thành Dân Ngọai và là kẻ thù không đội trời chung của
Do-Thái. Ông không hiểu Thiên Chúa là Cha của mọi người: Do-Thái cũng như Dân
Ngọai. Nếu Ngài là Cha, Ngài phải thương đồng đều tất cả các con: đứa ngoan
ngõan cũng như đứa cứng đầu. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta không muốn kẻ gian ác
phải chết, nhưng muốn nó ăn năn xám hối để được sống” (Eze 33:11).
1.2/ Dân thành Nineveh tin vào
Thiên Chúa: Tiên-tri mới chỉ rao giảng có một ngày, kết quả rao giảng được ghi
lại như sau:
- Dân Nineveh tin vào Thiên
Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.
- Tin báo đến cho Vua Nineveh;
Vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.
- Vua cho rao tại Nineveh:
"Do sắc chỉ của Đức Vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và
chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước.
Người và súc vật phải khoác áo vải
thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và
những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý
định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết."
1.3/ Thiên Chúa không phạt dân
thành nữa: “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại,
Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không
giáng xuống nữa.” Tác giả Sách Jonah không chú trọng đến thần học về các bản
tính của Thiên Chúa, nên Bản Bảy Mươi dùng động từ “hối tiếc;” trong khi bản của
Do-Thái dùng động từ ở thời thụ động (Niphal): Thiên Chúa động lòng thương và
đình chỉ tai họa Ngài định giáng xuống trên họ. Điểm tác giả chú trọng tới là
tình thương của Thiên Chúa dành cho tội nhân khi họ biết ăn năn trở lại.
2/ Phúc Âm: Hậu quả phải chịu nếu
không biết ăn năn trở lại.
2.1/ Niềm tin không chỉ dựa vào
dấu lạ: Người Do-Thái thích dấu lạ, nên họ hay đòi hỏi phải có dấu lạ để bảo đảm
niềm tin. Chúa Giêsu không đả phá dấu lạ, vì chính Ngài đã làm rất nhiều phép lạ,
nhưng phép lạ chỉ khơi mào niềm tin mà thôi. Niềm tin vững chắc không thể chỉ dựa
trên phép lạ, vì rất nhiều người đã chứng kiến phép lạ mà vẫn không tin. Còn đối
với những người đã có niềm tin vững mạnh, phép lạ không còn cần thiết nữa. Đó
là lý do tại sao Chúa nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu
lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật,
ông Jonah đã là một dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ
là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” Dấu lạ Chúa muốn nói ở đây chính là sự
chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài.
2.2/ Niềm tin phải đặt căn bản
trên sự khôn ngoan: Con người phải dùng trí khôn suy xét để nhận ra sự thật. Đó
là lý do tại sao Chúa Giêsu không chỉ làm phép lạ, nhưng Ngài còn mặc khải và dạy
dỗ dân để họ biết suy xét tìm ra sự thật. Rất nhiều lần Ngài đã sữa chữa những
niềm tin sai lầm của dân chúng, nhất là của các kinh sư và biệt phái. Con người
yêu mến sự thực và sự khôn ngoan, đó là lý do tại sao Nữ Hòang Phương Nam đã
không quản ngại đường xa mang biết bao lễ vật đến để học hỏi sự khôn ngoan của
Vua Solomon. Thế mà có người khôn ngoan hơn Solomon, Người đã ban khôn ngoan
cho Solomon, đang đứng trước mặt họ để dạy dỗ. Họ vẫn khinh thường không chịu lắng
nghe Ngài!
2.3/ Đạo trên danh nghĩa không bảo
đảm được cứu độ: Tin Chúa là phải làm những gì Ngài dạy dỗ; niềm tin trong trí
sẽ không giúp được gì cho con người. Điều trớ trêu trong cuộc đời là những con
cái trong nhà như dân tộc Israel, những người được học hỏi nhiều như những người
Công Giáo; thế mà khi phải biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa, họ còn thua cả những
Dân Ngọai. Chúa Giêsu cảnh cáo dân Do-Thái, và chúng ta nữa: “Trong cuộc Phán
Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa
dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Jonah nữa.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Ai cũng có thể trở lại và ai
cũng cần phải ăn năn trở lại. Chúa cho mọi người cơ hội đồng đều để ăn năn trở
lại. Chúng ta cũng phải hy vọng và cầu nguyện cho tha nhân được ăn năn trở lại.
- Chúng ta phải nắm lấy cơ hội để
học biết Thiên Chúa và ăn năn trở lại; vì chúng ta không biết cơ hội có tới nữa
hay không. Đức tin không thực hành sẽ không mang lợi ích gì cho chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét