CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Tỉnh thức chờ Chúa lại đến


"Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về." (Mc 13,35)


Lạy Chúa Giê-su, Mùa Vọng, mùa trông chờ Chúa Giáng Sinh lại đến. Thật sự Ngài đã đến lần thứ nhất trong hang đá Bê Lem, nhưng nay, con trông chờ Chúa đến lần thứ hai vào ngày tận thế của nhân loại, tận thế của riêng con. Xin Chúa giúp con luôn tỉnh thức, sẵn sàng trong việc sống đẹp lòng Chúa. Amen.

Cầu nguyện để được sống



"Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!" (Lc 21,36)



Lạy Chúa Giê-su, xin cho con chuyên chăm sống đời cầu nguyện để linh hồn con được sống như thân xác cần không khí để thở. Amen.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU CHÚA NHẬT THỨ I MÙA VỌNG – NĂM B (30/11/2014)



LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
CHÚA NHẬT THỨ I MÙA VỌNG – NĂM B (30/11/2014)
(Mc 13,33-37)
Chủ tế: (Tùy nghi)

Anh chị em thân mến!
Bước vào một chu kỳ phụng vụ mới, Giáo Hội mời gọi chúng ta phải luôn tỉnh thức sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Đây chính là tâm tình để sống Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh và hướng về ngày Chúa quang lâm. Trong tâm tình hân hoan chờ mong Chúa đến, chúng ta cùng hiệp ý dâng lên những lời cầu xin:

1/ Mùa Vọng giúp chúng ta hướng về ngày Đức Ki-tô đến lần thứ hai trong vinh quang để ban ơn cứu độ cho mọi người tin vào Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Cha ban cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết hướng về ngày Chúa đến, không phải bằng sự chờ đợi thụ động mà bằng thái độ tích cực chuẩn bị tâm hồn, canh tân đời sống, chu toàn tốt đẹp mọi trách vụ đã được Thiên Chúa ủy thác.

Xướng: Chúng con nguyện xin Cha!      

2/ Giáo Hội muốn chúng ta có thái độ sống tích cực, chủ động trong Mùa Vọng. Cộng đoàn cùng cầu n xin Cha cho mỗi người biết chu toàn các bổn phận của mình, trong tư thế sẵn sàng sống tốt giây phút hiện tại với tâm tình canh thức.

Xướng: Chúng con nguyện xin Cha!      

3/ “Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về”. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện xin Cha cho mọi Ki-tô hữu, luôn ý thức có thái độ tích cực là sống chủ động trong trạng thái chuẩn bị sẵn sàng, luôn chu toàn bổn phận của mình trong cuộc sống hiện tại.

Xướng: Chúng con nguyện xin Cha!  

4/ ‘Trong Đức Giê-su Ki-tô, anh em được tràn đầy mọi ơn. Chúng ta cùng cầu nguyện xin Cha cho giáo dân trong năm “Tân Phúc Âm hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống thánh hiến” này, không ngừng canh tân đời sống và tích cực góp phần xây dựng cộng đoàn.

Xướng: Chúng con nguyện xin Cha!      
Chủ tế:

(Tùy nghi) Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn biết tỉnh thức sống tư cách là con cái Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hiện tại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.

HƯỚNG NGHIỆP – ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI



HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ
(Từ 15 giờ 00 đến 17 giờ 00 Thứ Bảy 29/11/2014).
HƯỚNG NGHIỆP – ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI
(Khoảng 45 phút).
ĐỀ CƯƠNG
*Trước Lời Mở Đầu, thực hiện trò chơi trên giấy: “Em ước mơ hay thích làm nghề gì sau này? Vì sao?”
A.   LỜI MỞ ĐẦU
“HƯỚNG NGHIỆP, ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI” là đề tài khá rộng, không thể nói trong một buổi cho thỏa đáng hầu đáp ứng sự mong đợi nơi các em là những thính giả đang lắng nghe. Vậy với đề tài này, Thầy không có tham vọng đi sâu vào TÂM LÝ LỨA TUỔI, đặc biệt lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy, mời các em cùng lắng nghe HƯỚNG NGHIỆP, ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI theo nội dung dưới đây. (Đọc lướt qua các đề mục).
B.   NỘI DUNG
I/ CÁC ĐỘ TUỔI (Lướt nhanh).
1. Ăn ngủ (thể lý): Trẻ sơ sinh còn trong vòng tay của mẹ, chỉ ăn và ngủ để thân xác mau lớn.
2. Ăn học (thể lý + tinh thần): Ngoài việc ăn cơm và những thực phẩm trong bữa ăn thường ngày để thân xác phát triển theo luật tự nhiên, còn phải học để tinh thần, tâm linh phát triển hài hòa với thân xác. Dưới đây là các độ tuổi tương ứng với từng cấp học từ mầm non, mẫu giáo đến Đại Học.
a)  Mầm non + Mẫu giáo: ...tháng tuổi (tùy trường) + 3 tuổi đến 5 tuổi
b)  Cấp I: Lớp 1 – Lớp 5 (6 tuổi đến 10 tuổi)
c)  Cấp II: Lớp 6 – Lớp 9 (11 tuổi đến 14 tuổi)
d)  Cấp III: Lớp 10 – Lớp 12  (15 tuổi đến 17 tuổi).
e)  Trung Học Chuyên Nghiệp – Cao Đẳng – Đại Học (18 tuổi trở lên).
3. Làm ăn: (tuổi lao động). Làm để có ăn hoặc ăn để có sức làm là chu kỳ sống và làm việc theo luật tự nhiên mà Thiên Chúa ban cho loài người.
a)  Tốt nghiệp ra trường với sự nghiệp, hoài bão trước mắt.
b)  Hoặc RA ĐƯỜNG cũng phải làm ăn, nếu thi rớt không được tốt nghiệp.
4. Tuổi nổi loạn & ăn chơi bỏ bê việc học: Trong độ tuổi ăn học, tuổi nào cũng có thể nổi loạn gây bất ổn cho việc học tập, đặc biệt tuổi dậy thì (nữ: 9 – 13 tuổi; nam: 10 – 16 tuổi). Phụ huynh, học sinh cần cảnh giác. Ví dụ minh họa:
a) Bất mãn với cha mẹ, bỏ nhà đi hoang, bỏ học.
b) Bất mãn với thầy cô giáo, cương quyết “một đi không trở lại” vì tâm lý bị ức chế, hoặc vì một lý do tiềm ẩn nào khác mà đương sự không hé lộ cho bất kỳ ai.
Chú thích quan trọng:
1)  Học có phương pháp tùy theo từng môn. Những phương pháp này có thể do Thầy Cô trao lại cho học sinh, hoặc do chính bản thân học sinh tự mày mò tìm lấy để sao cho việc học của mình khả quan, tiến bộ từng ngày. Ví dụ: Cách nhớ các công thức toán học, cách nhớ các từ ngữ có quan hệ ngữ nghĩa với nhau cả môn Ngữ Văn lẫn môn Ngoại Ngữ.
2)  Tập trung lắng nghe khi Thầy Cô giảng bài, hướng dẫn làm bài tập. Như vậy, các em sẽ nắm được ít nhất 50% kiến thức ngay tại lớp.
3)  Văn ôn võ luyện. Việc học sẽ không thể thành công nếu SIÊNG NĂNG BẤT THƯỜNG, học chí chết trong một thời gian ngắn để rồi sau đó buông lơi, chểnh mảng, thờ ơ, không đều đặn, không còn tha thiết. Sự học đòi kiên nhẫn, bền chí luôn mãi suốt quá trình ngồi trên ghế nhà trường, thậm chí suốt đời nếu còn gắn bó với sự nghiệp. Chẳng những học ở trường học mà còn học ở trường đời, và tu nghiệp hằng năm theo qui định của ngành.
4)  Biết cân đối thời gian hợp lý cho mỗi môn, môn chính lẫn môn phụ. Hoàn thành xong bài học, bài làm đúng kỳ hạn không để nước tới chân mới nhảy. Còn thời gian, nên ôn lại các môn chính như Toán, Văn, Ngoại Ngữ. Nên ôn môn chính mỗi ngày, không đợi đến ngày có trong thời khóa biểu mới học. Và nên chuẩn bị trước một bài mới cho mỗi môn học.
5)  Biết giữ sức khỏe thể lý (tránh nhịn đói vào buổi sáng hoặc ăn không đủ no vì sẽ giảm trí thông minh), ngủ đủ giấc, không ngủ nướng, không để thiếu ngủ (ít nhất ngủ 8 tiếng / 1 ngày), tránh bạ đâu nằm đó, lúc nào cũng muốn nằm, thích nằm, đây là dấu hiệu tỏ ra người kém nghị lực, thiếu ý chí, trừ khi ốm đau bệnh tật, và sức khỏe tinh thần (tránh những đam mê xấu, tư tưởng xấu, buồn vui thất thường khiến thiếu sự tập trung trong học tập) để việc học có kết quả.
6)  Biết phối hợp giải trí lành mạnh với việc học. Ví dụ: Đọc truyện các thánh, sách nhân bản, xem phim giáo dục, bóng đá, văn nghệ, múa hát, diễn kịch, đặc biệt nên biết một môn năng khiếu. Nam có thể chơi Guitare, Organ, Piano, kèn, sáo, nữ có thể nấu ăn, cắm hoa, múa hát v.v...
7)  Nhận biết sở trường (điểm mạnh), sở đoản (điểm yếu) của bản thân đối với từng môn học, với ngành nghề đã chọn. Ví dụ biết mình dễ hiểu, dễ học môn này nhưng khó hiểu, khó học môn  kia. Biết mình có khiếu nhớ về số liệu nhưng khó nhớ tên danh nhân lịch sử cùng địa danh. Biết mình có khiếu nấu ăn, nấu ăn ngon nhưng cắm hoa lại không khéo, hoặc ngược lại v.v… Sở trường thể hiện ở sự đam mê, thích thú, miệt mài dù có lao nhọc. Sở đoản thường gây chán nản, buông xuôi, không tha thiết. Biết mình làm việc này dễ thành công vì có năng khiếu còn việc kia dù mất công sức, mất thời gian nhưng thành quả cũng chẳng tới đâu.
8)  Tuyệt đối không “ghét bỏ” môn nào theo qui định của Bộ Giáo Dục để tránh rơi vào điểm liệt, điểm khống chế, ví dụ điểm 0. Những môn học mà điểm xếp loại càng yếu kém lại càng phải được quan tâm. Phải vượt qua giai đoạn phổ thông để chuyên sâu vào giai đoạn chuyên nghiệp.
9)  Không để bạn xấu cuốn hút vào những tệ nạn xã hội hiện hành, phải tuyệt đối tránh xa cạm bẫy với ơn Chúa, với quyết tâm, ý chí cao, dù chỉ một lần cũng không thử. Chẳng hạn xì ke, ma túy, hút chích, ngay cả “thói nghiện game” cũng có nguy cơ hủy hoại con người về cả tinh thần lẫn thể xác. Học sinh, sinh viên ở thành phố dễ rơi vào những cạm bẫy này mà cuộc đời họ không thể ngóc đầu lên. Chẳng hạn, đã một thời báo chí đăng tin một nam sinh viên trường y đã vướng vào nghiện ma túy khiến cho tiêu tan sự nghiệp. Một ngàn trường hợp may ra cứu được một theo PHƯƠNG PHÁP GIÊ-SU TRỊ LIỆU nếu tuyệt đối cầu khẩn danh Ngài với quyết tâm của bản thân và của người thân. Một trường hợp khác, một nhóm nam nữ học sinh phổ thông cấp III cùng nhau đến trường học, cùng nhau biến mất, nhà trường không biết, cha mẹ không hay. Khi cha mẹ đến trường tìm con thì hỡi ơi, chẳng thấy con đâu. Cha mẹ lo cuống cuồng, nhà trường lo sốt vó, tới tấp gọi điện thoại đây đó… Khoảng một tuần lễ sau, các anh chị từng cặp từng cặp ngồi trên xe gắn máy đủ loại lao vút từ Vũng Tầu về Thành phố Sài-gòn sau thời gian du hí với nhau mà không cần biết cha mẹ lo lắng đến nỗi ruột gan bời bời như thế nào, nhà trường “nóng như lửa đốt” ra sao.
10)   Không hướng ngoại, không chạy theo thị hiếu của quần chúng, của đám đông, của bạn bè trong việc chọn trường, chọn nghề, đặc biệt những nghề “hot” hiện nay mà thiếu suy nghĩ chín chắn rằng, trường ấy, nghề ấy có phù hợp với mình không?
II/ MỘT SỐ TÁC ĐỘNG TỪ TÌNH BẠN, TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG.
1. Tình bạn: Chọn bạn như thế nào?  (Một triết gia có nói: “Hãy nói cho tôi biết về những người bạn của bạn. Tôi sẽ nói bạn là người như thế nào?”)
2. Tình yêu: Nên hay không nên yêu trong giai đoạn này?. Hướng giải quyết những tình cảm đã và đang nảy sinh?
3. Quan hệ trong gia đình (những sự hỗ trợ, xung đột từ gia đình đã và đang chi phối):
4. Nhà trường: Có chương trình hướng nghiệp? Thầy cô định hướng như thế nào?
III/ HƯỚNG NGHIỆP (Thực hiện trắc nghiệm “Lựa chọn ngành nghềphù hợp” trước khi triển khai chi tiết Phần II).
1. Học sinh chọn Khối A, B, C hoặc D  v.v... sau khi thi đậu tuyển sinh lớp 10. Chọn khối thi là giai đoạn đầu của việc hướng nghiệp.
2. Các Khối Lớp:
a)   Khối A: Toán – Lý – Hóa 
b)   Khối A1: Toán – Lý – Tiếng Anh (Số 1,2,3,4 chỉ môn ngoại ngữ nhà trường có dạy như Anh, Pháp, Trung, Nga).
c)   Khối B: Toán – Hóa – Sinh  (Khối B, C, D cũng có B1, C1, D1 v.v... nghĩa là có môn ngoại ngữ).
d)   Khối C: Văn – Sử – Địa
e)   Khối D: Toán – Văn – Tiếng Anh.
3. Khối thi đặc biệt:
a) Bên cạnh 4 khối thi thông thường là A, B, C, D còn có 7 khối thi khác được gọi là khối thi đặc biệt gồm: V, T, M, N, H, R, K. Các môn thi của các khối này cũng rất khác so với khối thi thông thường.
b) Cụ thể:
Khối V: Toán, lý (đề thi khối A), vẽ mỹ thuật (nhân hệ số 2).
Khối T: Sinh, toán (đề thi khối B), năng khiếu thể dục thể thao (nhân hệ số 2).
Khối M: Văn, toán (đề thi khối D), năng khiếu (nhân hệ số 1, thi môn hát, kể chuyện, đọc diễn cảm).
Khối N: Văn (đề thi khối C, 2 môn năng khiếu nhạc (nhân hệ số 2, thi môn thẩm âm, tiết tấu, thanh nhạc).
Khối H: Văn (đề thi khối C), năng khiếu - mỹ thuật (nhân hệ số 2, thi môn hình họa chì, vẽ trang trí màu).
Khối R: Văn, sử (đề thi khối C), năng khiếu (nhân hệ số 2).
Khối K: Toán, lý, môn kỹ thuật nghề.
c)  Hầu hết, các khối thi đặc biệt đều có môn nhân hệ số 2 (trừ khối K, M) nên điểm chuẩn đầu vào của những khối này thường cao vọt hơn hẳn điểm chuẩn của các khối thông thường.
4. Lưu ý:
a) Cách chọn Khối như trên là theo hướng dẫn của Bộ Giáo Dục năm học   2013 – 2014.
b) Năm 2015, thi Tốt Nghiệp THPT và Đại Học sẽ gộp lại thành một được gọi chung là Kỳ Thi Quốc Gia. (Tham khảo tài liệu của Bộ Giáo Dục:
VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG ÁN THI TỐT NGHIỆP THPT VÀ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC CAO ĐẲNG TỪ NĂM 2015.)
o  Nếu em nào chỉ thi tốt nghiệp THPT thì sẽ phải thi bốn môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ (tùy thuộc vào ngoại ngữ từng trường giảng dạy, có thể là Anh, Pháp, Trung, Nga) và một môn tự chọn trong năm môn còn lại là Hóa, Lí, Sinh, Địa, Sử.
o  Nếu thi Đại Học thì ngoài ba môn bắt buộc và một môn tự chọn thì thí sinh phải thi thêm hai môn trong khối thi mình chọn.
o  Đầu năm 2015, Bộ Giáo Dục sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.
c)  Các bước chọn:
o  Chọn khối thi: Dựa trên sở thíchkhả năng của các em vào các môn học.
o  Chọn nhóm ngành, chọn ngành (dựa trên bản “Trắc nghiệm lựa chọn ngành nghề phù hợp”)
o  Chọn trường: Ưu tiên công lập, rồi đến ngoài công lập. Chọn hệ Đại học – Cao đẳng – Trung cấp… học phí và điều kiện một số trường tiêu biểu (đặc biệt là trường năng khiếu).
5. Vai trò của Giáo Viên Chủ Nhiệm và Các Trường Đại Học đối với công tác HƯỚNG NGHIỆP HỌC SINH...
a) Giáo Viên Chủ Nhiệm: Nhà tư vấn khá hiệu quả vì nắm rõ học lực của học sinh xuyên  suốt quá trình học tập.
b) Ban Giám Hiệu mời các trường đến giới thiệu chương trình đào tạo (có quà tặng để chiêu dụ học sinh).
c) Những ai khác nữa có thể hỗ trợ các em trong tiến trình hướng nghiệp, bởi vì hôm nay chỉ là đủ thời gian để tạo cho các em biết mình cần thao thức thế nào cho tương lai của mình. (Các Sơ, Thầy Cô, gia đình, hoặc Thầy Lượng – Email: pvl030575@gmail.com)
IV/ THCN – CAO ĐẲNG – ĐẠI HỌC: BẬC HỌC MỞ RA CHO HỌC SINH MỘT NGHỀ TRONG TƯƠNG LAI.
*Một số ngành nghề tiêu biểu hiện nay dựa vào chương trình đào tạo của các trường (Tham khảo tài liệu internet – In phổ biến mỗi Khối thi một bộ).
V/ ƠN GỌI HAY ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI.
1. Đời sống thánh hiến: Đời sống tu trì, dâng mình cho Chúa để phục vụ Hội Thánh theo linh đạo của Hội Dòng với ba lời khấn truyền thống của Giáo Hội: Vâng phục – Khó nghèo – Khiết tịnh.
2. Đời sống hôn nhân – gia đình: Hôn nhân tự nhiên hoặc Hôn nhân Công giáo.
3. Đời sống độc thân: Sống độc thân giữa đời nhưng không đi tu.
4. Vỗ cánh bay xa.
a) Nghĩa đen (cụ thể): Không còn sinh sống tại “Gia đình Thiên Phúc” vì những lý do riêng.
b)  Nghĩa bóng (tinh thần): Dấn thân phục vụ Giáo Hội, phục vụ người nghèo, loan báo Tin Mừng v.v... ở những vùng đất mới, ở những môi trường mới theo đặc sủng Chúa mời gọi mỗi người.
C.   LỜI KẾT
Hãy tự biết mình, biết mình giỏi môn nào, dở môn nào, biết mình thích hay có khả năng ngành nghề nào hoặc ngược lại, biết mình không có khả năng về ngành nghề nào (dựa vào bản trắc nghiệm lựa chọn ngành nghề phù hợp), và tự quyết trong việc hướng nghiệp, định hướng tương lai cho bản thân. Hướng nghiệp, định hướng tương lai cho bản thân phải được khởi sự từ lúc có trí khôn, có ước mơ, từ lúc bước chân đến trường học, đặc biệt là từ lớp 6 trở lên; ví dụ một học sinh lớp 6, khi hỏi ước mơ sau này, em trả lời rằng, em ước mơ làm bác sĩ chữa bệnh cho bệnh nhân, đặc biệt cho bệnh nhân nghèo, và em đã thực hiện được ước mơ của mình. Ở cấp III, đặc biệt lớp 12, chỉ là bước cuối cùng ở bậc học phổ thông. Giáo viên, cha mẹ, hay người có trách nhiệm chỉ tư vấn, gợi ý. Là Ki-tô hữu, người tin Chúa, đi theo Chúa, các em phải biết phó thác vào bàn tay Chúa quan phòng để Ngài dẫn dắt các em trên bước đường tương lai, tương lai trần thế dấu chỉ tương lai Nước Trời. Vấn đề là các em có  biết chìa đôi tay của mình ra cho Chúa dẫn dắt hay không, nghĩa là các em phải có sự đóng góp phần của mình, phải có sự nỗ lực của bản thân. Ở đây, Thầy muốn nói đến sự cố gắng trong học tập theo bổn phận của người học sinh – sinh viên nói chung, và cách riêng bổn phận của từng người trong các em đang hiện diện nơi đây trong giờ phút này.
Kết thúc chuyên đề, Thầy chúc các em được mọi sự may lành theo thánh ý Chúa trong vấn đề học tập, luôn hăng hái tiến thân để phục vụ Giáo Hội, phục vụ quê hương Việt Nam trong khả năng Thiên Chúa ban.
*Cuối phần thuyết trình, mỗi em ghi thắc mắc rồi gửi lại Thầy Lượng.
D. CÂU HỎI THẢO LUẬN (Phân 02 NHÓM – Thời gian thảo luận: 30 phút).
Câu 1: Bạn dự kiến chọn Khối thi nào khi đặt chân bước vào Cấp III, hoặc đã chọn Khối nào khi đang học Cấp III, tại sao? (Nêu lý do càng chi tiết càng tốt.)
Câu 2: Với việc chọn Khối thi như vậy, bạn dự định sẽ học hoặc đã học chuyên ngành nào, trường nào? Bạn có thể nêu lên hai ngành học bạn thích theo thứ tự ưu tiên.
Câu 3: Bạn nghĩ rằng, bạn sẽ ở lại Gia Đình Thiên Phúc Củ Chi mãi mãi hay sẽ bay xa đến một nơi nào khác theo ước vọng hoặc ơn gọi của bạn, dĩ nhiên bạn phải có ít nhất một nghề bỏ túi và nếu có thể thì thêm một nghề dự phòng để tự kiếm sống, nuôi sống bản thân và để phục vụ Giáo Hội, xã hội?
*Biên Bản thảo luận của nhóm, xin ghi trên giấy và nộp lại Thầy Lượng.
E. ĐÚC KẾT THẢO LUẬN (Thời gian còn lại, khoảng 45 phút).
1.   Mỗi nhóm cử đại diện phát biểu ý kiến chung của nhóm.
2.   Thầy Lượng giải đáp thắc mắc, nhận xét, đúc kết chung.
3.   Ý kiến của Sơ Hoa.
Người hướng dẫn: GIOAKIM PHẠM VĂN LƯỢNG

Chân thành cảm ơn tất cả những ai đã đóng góp ý kiến để tôi thực hiện chuyên đề này.
PVL

Đọc thêm:

6- Khoảnh khắc chọn định khoa, ngành học


Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

CON RÙA ĐẮC Ý





Có một con rùa rất ngưỡng mộ chim ưng tự do bay lượn trên bầu trời, thế là hắn ta yêu cầu chim ưng có thể mang hắn cùng bay lượn trên trời cao được không ? Chim ưng đồng ý và yêu cầu con rùa ngậm thật chặt chân của nó và không được mở miệng nói chuyện.
Khi chúng nó bay trên trời cao, thì rất nhiều động vật trên mặt đất tấm tắc khen ngợi là thần kỳ, chúng nó không những ngưỡng mộ bằng ánh mắt mà còn thốt ra những lời khen ngợi hết ý, con rùa nghe được thì lấy làm đắc ý vô cùng, lúc ấy nó nghe có tiếng người hỏi:
- “Người nào mà thông minh quá vậy, nghĩ ra được phương pháp tuyệt vời ?”
Lúc này con rùa trong lòng như nở hoa, nó không còn nhớ những lời căn dặn của chim ưng nữa, e rằng sợ không kịp nói cho người ấy biết phương pháp đó là do nó nghĩ ra, nên vừa mới mở miệng thì từ trên trời cao rơi xuống...
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Có rất nhiều người Ki-tô hữu cũng ngưỡng mộ các thánh nam nữ, nhưng họ chỉ ngưỡng mộ “tài” làm phép lạ của các ngài, mà không ngưỡng mộ các nhân đức anh hùng của các ngài đã thực hành khi còn sống ở trần gian.
- Họ ngưỡng mộ thánh tu sĩ da đen Martin de Porres hay làm phép lạ, thế là ngày nào cũng đến nơi tượng của ngài mà rờ rờ thoa thoa bàn chân của ngài đến tróc sơn mòn đá, thế nhưng họ không bắt chước đời sống rất yêu người của ngài.
- Họ ngưỡng mộ thánh bổn mạng của mình, nhưng không hề bắt chước các nhân đức anh hùng trổi vượt của các ngài.
- Họ ngưỡng mộ Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị, Đức Mẹ Fatima ở Bình Triệu, Đức Mẹ Tà Pao ở Phan Thiết, ngưỡng mộ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế Saigon.v.v...nên thường hay đi hành hương hoặc đến cầu nguyện xin ơn này ơn nọ với Mẹ, nhưng không hề xin Mẹ ban ơn cho mình được ơn bắt chước các nhân đức khiêm nhường kính Chúa yêu người của Mẹ.
Ngưỡng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a và các thánh rồi đắc ý nói với những người khác: đạo Công Giáo của tôi có người Mẹ tuyệt vời rất yêu thương và ban ơn, có ông thánh này bà thánh nọ hay làm phép lạ, nhưng chính họ thì lại vẫn cứ không sửa đổi cách sống của mình cho phù hợp với niềm tin của mình thì có ích chi !
Ngưỡng mộ tài đức của người khác không gì khác hơn là học hỏi tài đức của họ, đó mới là sự ngưỡng mộ thật sự. Cũng vậy, người Ki-tô hữu đắc ý ngưỡng mộ và yêu mến các thánh nam nữ thì nhất định phải học hỏi gương lành của các ngài mới phải.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư
------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Một góc riêng tư ( 8 )



 1:
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, chúng ta hãy nhìn tất cả mọi người bằng ánh mắt yêu thương.
Trường học là ngôi nhà thứ hai của em, nơi đó, em đã được trang bị kiến thức để vào đời.
Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi luôn được tham dự Thánh lễ.
Cuộc sống sẽ tươi đẹp khi ta biết cho đi những gì ta có.
Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nếu ta biết cho đi mà không mong nhận lại.
Là Ki-tô hữu, chúng ta phải nêu gương sáng và làm chứng nhân cho Chúa phục sinh dù ở bất kỳ môi trường nào.
Khi phạm lỗi với ai, ta phải biết xin lỗi họ, đó là nét đẹp của người có giáo dục, có văn hóa.
Khi được người khác giúp đỡ, ta phải biết nói lời cảm ơn họ.
Ta phải biết nói lời cảm ơn khi ai đó giúp đỡ ta.
Âm nhạc giúp cho ta bớt căng thẳng đầu óc trong công việc.

 2:
Ảnh có  tính minh họa

Xa nhà từ năm học mẫu giáo, tôi được ba mẹ gửi vào vào sống ở một cộng đoàn của một dòng tu. Nơi đây, các Sơ nuôi những em nhỏ mẫu giáo bị suy dinh dưỡng bẩm sinh, trong đó có tôi. Ba mẹ tôi hy vọng nhờ sự chăm sóc tận tình của các Sơ, tôi sẽ được mạnh khỏe như bao đứa trẻ khác. Đúng vậy, nhờ công ơn nuôi dưỡng của các Sơ, tôi ngày càng khỏe mạnh, khôn lớn và thích nghi dần với cuộc sống hiện tại. Đời sống trong cộng đoàn đã dạy tôi, rèn luyện tôi từ nhân cách cơ bản như biết cám ơn, biết xin lỗi đến cuộc sống của Ki-tô hữu, làm con Chúa. Tôi rất vui vì mọi người ở đây, ai cũng yêu thương tôi, luôn lo lắng cho tôi.

 3:

Lạy Chúa Thánh Thần, con xin dâng lên Ngài cuộc sống của con đây. Ngày hôm nay, con xin dâng lên Ngài công việc cũng như những lời ăn tiếng nói của con cho Ngài. Xin Ngài đồng hành với con mọi ngày trong cuộc sống. Amen.

Lạy Chúa Thánh Thần, ngày hôm nay, con xin dâng lên Ngài cuộc sống, công việc cũng như lời ăn tiếng nói của con. Xin Ngài thánh hóa con, đổi mới con, và đồng hành với con. Con xin chúc tụng, tạ ơn Chúa. Amen.
                                                   13/6/2014                          
                                            MARIA THỊ NI-en

THÔNG BÁO CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B 30/11/2014


THÔNG BÁO
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B
30/11/2014
VPGX trân trọng thông báo:
1/ Thứ Hai đầu tháng 01/12/2014,  vào lúc 6 giờ 00, có Thánh lễ tại Lễ Đài, cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, đặc biệt quí Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và quí ông bà đang an nghỉ tại Phòng hài cốt.
2/ Thứ Ba đầu tháng 02/12/2014, trước Thánh lễ 18 giờ 00, có 30 phút học hỏi về     Thông Điệp SỨ VỤ ĐẤNG CỨU THẾ  của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
3/ Thứ Năm đầu tháng 04/12/2014, có Thánh lễ Giới Gia trưởng và Hiền mẫu lúc 18 giờ.
4/ Thứ Bảy 13/12/2014 vào lúc 19 giờ có Hội Thảo Chuyên Đề Hậu Kết Hôn
-      Đề tài: “TÌM LẠI NIỀM TIN VÀO THIÊN CHÚA”.
-      Thuyết trình viên: Linh mục Giuse Lê Quang Uy DCCT.
-      Địa điểm: Lầu 3, Phòng 01 (dãy A sau Nhà Thờ).
5/ Giáo Xứ sẽ mở Lớp Giáo Lý Vỡ Lòng cho các em ở độ tuổi từ 9 đến 12 tuổi (tức sinh năm 2003 – 2004 – 2005 – 2006).
Lớp học sẽ học vào các ngày Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu trong tuần từ 18 giờ 15 đến 19 giờ 45. Thánh lễ khai giảng vào lúc 19 giờ Thứ Hai 05/01/2015 tại Nhà Thờ Giáo Xứ.
Đăng ký:
-      Tại Giáo Xứ: Các em ở Xóm Giáo đăng ký trực tiếp với Ban Điều Hành Xóm kể cả các em sinh hoạt trong Xứ Đoàn Thiếu Nhi dưới 01 năm.
-      Tại Xứ Đoàn: Các em sinh hoạt trên 01 năm gồm các em trong Giáo Xứ và      ngoài Giáo Xứ.
-      Thời gian đăng ký: Từ 20/11/2014 đến 20/12/2014.
6/ Giáo Xứ sẽ mở lớp Giáo Lý Hôn Nhân Khóa 92, ghi danh kể từ ngày 02/12/2014.   Khai giảng ngày 04/01/2015 (Học vào ngày Chúa Nhật lúc 14 giờ 30).
Xin hỏi thể lệ và ghi danh tại Văn Phòng Lớp Giáo Lý Hôn Nhân hoặc Văn Phòng Giáo Xứ sau Nhà Thờ vào giờ làm việc trừ ngày Thứ Hai.
Kính xin quí cộng đoàn quan tâm tham dự, đăng ký cho các em theo học Lớp Giáo Lý Vỡ Lòng và các bạn trẻ sắp sửa bước vào đời sống gia đình đăng ký học Lớp Giáo Lý Hôn Nhân.

      VPGX