VRNs (24.09.2014) -Sài Gòn-
Theo news.va- Trong bài giảng hôm thứ Ba 23.09, tại nguyện đường Santa Marta, Đức
Thánh Cha nói đến căn bản của đời sống Ki-tô hữu là gì? Đó là lắng nghe Lời
Chúa và đem ra thực hành.
Lời giảng của Chúa Kitô có tác động
mạnh đến dân chúng, đó là lý do tại sao rất đông dân chúng đã đi theo để nghe Lời
Ngài. Lời của Chúa Kitô có “sức mạnh cứu rỗi”. Dù vậy, đã có những người
đi theo Ngài “vì lợi ích cá nhân”, hoặc “không ngay chính trong tâm hồn”, hoặc
mong được “một chút lợi nào đó” mà thôi. Điều ấy vẫn lặp lại trong hai
ngàn năm qua. Thậm chí ngày nay, vẫn tái hiện hình ảnh 9 người phong hủi
trong Tin Mừng được Chúa chữa khỏi bệnh đã “quên” mất ơn nghĩa với Chúa.
Tin Mừng (x.Lc 8,19-21) kể: Chúa
Giêsu đang giảng dạy dân chúng, những người vây quanh Chúa và được Chúa yêu, đến
nỗi Ngài nói “đây là mẹ tôi và đây là anh em của tôi.” Chúa Giêsu giải
thích: “đó những người lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.” Và đây là hai
điều kiện để theo Chúa Giêsu: lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Đời
sống Kitô không có gì hơn ngoài hai điều đó. Đơn giản vậy thôi! Có thể
chúng ta đã làm cho Lời Chúa thêm rắc rối, giải thích dài dòng đến nỗi người ta
không hiểu. Nhưng đời sống Kitô hữu là gì: Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực
hành.
Như được kể trong Tin Mừng Thánh
Luca, Chúa Giêsu đã trả lời cho người đến nhắn với Ngài là có người thân đến
tìm Ngài như sau: “Mẹ tôi và anh em tôi là những người lắng nghe lời Chúa và
đem ra thực hành”. Nghe Lời Chúa không phải nghe theo kiểu bình thường: tai này
lọt tai kia, nhưng phải chăm chú lắng nghe, suy gẫm, phải nghi nhớ điều này “Lắng
nghe Lời Chúa”, nghĩa là “đọc Lời Chúa và tự chất vấn” rằng: “Lời ấy đang nói
gì với tôi? Lời ấy nói trong tâm hồn tôi ra sao? Chính Thiên Chúa đang nói gì với
tôi qua Lời của Ngài”. Cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi khi chúng ta tự
chất vấn trước Lời của Chúa như thế.
Mỗi khi chúng ta mở trang Tin Mừng
đọc một đoạn và tự chất vấn mình: “Thiên Chúa đang nói với tôi điều gì? Có
phải Ngài đang nói gì đó với tôi không? Và nếu Ngài đang nói điều gì đó,
thì đó là điều gì?” Đây là cách chúng ta lắng nghe Lời Chúa: lắng nghe bằng
tai và bằng tâm hồn. Hãy mở rộng tâm hồn mình cho Lời Chúa. Những kẻ
thù ghét Chúa cũng nghe Lời Chúa nhưng để tìm chỗ sai, để bắt bẻ nhằm hạ
nhục Ngài. Họ không bao giờ tự chất vấn mình: “Thiên Chúa đang nói gì với
tôi trong Lời này?” Lời của Thiên Chúa không chỉ nói cho tất cả chúng ta
nhưng còn cho từng người một trong chúng ta.
Đem ra thực hành những gì đã
nghe không phải “dễ dàng”. Có thể chúng ta sẽ dễ chịu hơn khi không
phải lo lắng, bận tâm đến nhu cầu cấp bách của Lời Chúa.
Chúa Giêsu đón nhận tất cả mọi
người, thậm chí những kẻ đã nghe Lời Chúa nhưng sau đó phản bội Ngài. Hãy
suy nghĩ về Giuđa. Chúa Giêsu đã nói với Giuđa khi ông chuẩn bị phản bội
Ngài: “Này bạn!”
Chúa Giêsu luôn luôn gieo Lời của
Ngài và đòi hỏi chúng ta cần có một tâm hồn rộng mở để có thể đón nhận, lắng
nghe và đem ra thực hành. Vì vậy chúng ta hãy cầu nguyện với Thánh Vịnh
119: 35 rằng: “Lạy Chúa, xin dẫn con đi trong đường lối huấn lệnh của Chúa”. Đường
lối của Chúa là lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.
Hoàng Min
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét