Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Chủ Nhật 20 Thường Niên,
Năm A
Bài đọc: Isa 56:1, 6-7; Rom
11:13-15, 29-32; Mt 15:21-28
1/ Bài đọc I: 1 ĐỨC
CHÚA phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực, thực hành điều công minh,
vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của Ta sắp được biểu lộ.
6 Người ngoại bang nào gắn
bó cùng ĐỨC CHÚA
để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh,
cùng trở nên tôi tớ của Người,
hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm,
cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta,
để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh,
cùng trở nên tôi tớ của Người,
hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm,
cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta,
7 đều được Ta dẫn lên núi
thánh
và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta.
Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận
những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng,
vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.
và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta.
Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận
những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng,
vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.
2/ Bài đọc II: 13 Tôi
xin ngỏ lời với anh em là những người gốc dân ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các
dân ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi,
14 mong sao nhờ vậy mà tôi
làm cho anh em đồng bào tôi phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó. 15 Thật
vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì
việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?
29 Quả thế, khi Thiên Chúa
đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.
30 Thật vậy, trước kia anh
em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ
không vâng phục; 31 họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa,
vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót.
32 Quả thế, Thiên Chúa đã
giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người.
3/ Phúc Âm: 21 Ra khỏi
đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn,
22 thì này có một người đàn
bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đa-vít,
xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!"
23 Nhưng Người không đáp lại
một lời.
24 Người đáp: "Thầy chỉ
được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi."
25 Bà ấy đến bái lạy mà
thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!"
26 Người đáp: "Không
nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con."
27 Bà ấy nói: "Thưa
Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ
rơi xuống."
28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp:
"Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ
giờ đó, con gái bà được khỏi.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Muôn dân
sẽ được hưởng ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.
Vì tình yêu thương, Thiên Chúa
có kế hoạch Cứu Độ cho muôn dân. Theo kế hoạch này, ơn Cứu Độ sẽ bắt đầu từ số
nhỏ rồi lan ra đến hết mọi người. Chúa chọn dân tộc Do-thái từ đầu làm Dân
Riêng của Thiên Chúa. Từ dân tộc Do-thái, ơn Cứu Độ được lan ra hết các Dân Ngoại
khắp nơi trên thế giới cho đến tận cùng trái đất.
Các Bài đọc hôm nay cho chúng ta
cái nhìn tổng quan về kế hoạch Cứu Độ này. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah nhìn
thấy trước ngày những người ngoại bang nào gắn bó cùng Thiên Chúa, yêu mến
Thánh Danh của Ngài, tuân thủ giao ước... sẽ được Ngài chấp nhận và kể như dân
của Ngài, và lời của họ cầu xin và lễ vật họ dâng sẽ được Ngài hoan hỷ chấp nhận.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô cắt nghĩa cho mọi người biết kế hoạch Cứu Độ của
Thiên Chúa. Trong giai đoạn đầu, Ngài đã chọn dân tộc Do-thái như dân riêng để
chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai tới. Khi Đấng Thiên Sai tới, Ngài bắt đầu giai đoạn
thứ hai là mang ơn Cứu Độ cho tất cả mọi người, chứ không còn bị giới hạn trong
vòng dân tộc Do-thái nữa. Lý do một số người Do-thái không chịu tin Đức Kitô là
để cho Tin Mừng được lan rộng đến Dân Ngoại; nhưng sau cùng, người Do-thái cũng
sẽ trở lại và tin vào Đức Kitô để họ cũng được cứu độ. Trong Phúc Âm, thánh sử
Matthew cho chúng ta một ví dụ cụ thể: Một người đàn bà Canaan có đứa con gái bị
quỉ ám và đến xin Chúa chữa. Sau thử đức tin của Bà, Ngài đã ban cho Bà theo
như ý Bà xin.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nhà của Ta sẽ được
gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.
Trình thuật của Isaiah hôm nay nằm
trong phần mà một số học giả gọi là Isaiah đệ tam (chương 56-66), phần này được
viết bởi môn đệ hay trường phái của Isaiah sau thời gian lưu đày. Hai điểm nổi
bật trong trình thuật hôm nay:
1.1/ Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa gần
đến. Tác giả tuyên sấm: “Đức Chúa phán như sau: Hãy tuân giữ điều chính trực,
thực hành điều công minh, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và đức công chính của
Ta sắp được biểu lộ.”
- Trên phương diện lịch sử, lời
tiên tri này được ứng nghiệm khi Vua Cyrus nước Ba-Tư, sau khi được Thiên Chúa
ban cho đánh bại đế quốc Babylon, đã ra chiếu chỉ ban phép cho dân Do-thái được
hồi hương. Không những thế, ông còn tạo phương tiện để họ có vật liệu cần thiết
xây dựng lại Đền Thờ Jêrusalem. Sự kiện này được sách Erza ghi lại như sau:
“Cyrus, vua Ba-tư, phán thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta
mọi vương quốc dưới đất. Chính Người đã trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho
Người một ngôi nhà ở Jerusalem tại Judah. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân Người,
thì xin Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy lên Jerusalem tại Judah và xây
Nhà Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel. Chính Người là Thiên Chúa ngự tại
Jerusalem. Và mọi người còn lại ở bất cứ nơi nào họ đang trú ngụ, phải được dân
địa phương cấp cho bạc vàng, của cải và thú vật, cũng như lễ vật tự nguyện, để
dâng cúng cho Nhà Thiên Chúa ở Jerusalem” (Erz 1:2-4).
- Trên phương diện của lịch sử cứu
độ, lời tiên tri này được ứng nghiệm khi Đức Kitô, Đấng Thiên Sai của Thiên
Chúa đến để chuộc tội và mang ơn Cứu Độ cho muôn người. Câu này có thể bị cắt
nghĩa sai là vì dân chúng sống công chính nên họ xứng đáng được hưởng ơn cứu độ
của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cắt nghĩa chính xác và rõ ràng hơn: Đức Kitô chính
là sự công chính của Thiên Chúa (Rom 3:22). Con người được cứu độ không phải vì
họ sống công chính; nhưng vì nhờ họ tin vào Đức Kitô (Rom 3:28).
1.2/ Ơn cứu độ không còn bị giới
hạn trong vòng dân tộc Do-thái, nhưng lan rộng đến mọi người: “Người ngoại bang
nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên
tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày Sabbath mà không vi phạm, cùng những ai
tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà
cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và
hy lễ chúng dâng,
vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.”
vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân.”
Nhà cầu nguyện của Thiên Chúa
không còn giới hạn phải là Đền Thờ tại Jerusalem, vì như Chúa Giêsu nói với người
phụ nữ Samaria: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa
Cha, không phải trên núi này hay tại Jerusalem” (Jn 4:21).
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã
giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người.
Thánh Phaolô cũng quả quyết “Cả
người Do Thái lẫn Dân Ngọai đều có thể được hưởng ơn Cứu Độ trong kế hoạch mầu
nhiệm của Thiên Chúa.” Để hiểu bài đọc, chúng ta có thể chia làm ba giai đoạn
chính trong kế hoạch này:
2.1/ Từ ban đầu cho tới khi Chúa
Giêsu đến: Dân Ngoại là những người không tin và vâng phục Thiên Chúa. Thánh
Phaolô lý luận:
(1) Tuy chưa được nghe về Thiên
Chúa, nhưng Dân Ngọai vẫn bị kết tội vì vinh quang của Chúa biểu lộ khắp nơi
qua việc sáng tạo và quan phòng vũ trụ. Họ có thể dùng trí khôn ngoan của họ để
nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và tin vào Ngài (Rom 1:19-21), nhưng họ đã
không làm như thế.
(2) Người Do Thái rất hãnh diện
vì có Chúa Tể trời đất là Thiên Chúa của họ và Ngài ban cho họ Lề Luật; nhưng
có người Do-thái nào tuân giữ tất cả Lề Luật đâu. Vì thế, họ có thể bị luận phạt
nhiều hơn vì có Luật mà không chịu giữ.
2.2/ Từ thời Chúa Giêsu đến cho
tới thời Cánh Chung: Vì người Do Thái không tin, nên Tin Mừng Cứu Độ được rao
giảng cho Dân Ngoại.
Thánh Phaolô được Chúa dùng đặc
biệt để rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Chính người đã thú nhận: “Tôi xin ngỏ
lời với anh em là những người gốc Dân Ngoại. Với tư cách là Tông Đồ các Dân Ngoại,
tôi coi trọng chức vụ của tôi, mong sao nhờ vậy mà tôi làm cho anh em đồng bào
tôi (người Do-Thái) phải ganh tị, và tôi cứu được một số anh em đó.”
Nhưng khi một số Dân Ngoại đã
đón nhận Tin Mừng và tin nơi Thiên Chúa, họ lại kiêu hãnh coi thường hay ghét bỏ
người Do-thái. Thánh Phaolô phải giải thích cho họ biết lý do tại sao họ không
nên kiêu hãnh và coi thường chỗ đứng của người Do-thái trong kế hoạch Cứu Độ của
Thiên Chúa: “Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với
Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết
bước vào cõi sống?”
2.3/ Giai đoạn sau cùng: Chúa sẽ
đưa người Do-thái trở về và cứu họ vì: “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi,
thì Người không hề đổi ý. Lý do tại sao họ không vâng phục Thiên Chúa là để Người
thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót.”
Và thánh Phaolô kết luận: “Quả
thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót
mọi người.” Con người chúng ta không thể hiểu nổi kế hoạch Cứu Độ nhiệm mầu của
Thiên Chúa, chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người, biết cách xử dụng
con người để hoàn tất kế hoạch Cứu Độ của Ngài.
3/ Phúc Âm: "Này bà, lòng
tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy."
Điểm chính trong Bài Phúc Âm
không ở chỗ phép lạ, nhưng ở niềm tin của bà mẹ vào Chúa Giêsu. Bà phải vượt
qua ba trở ngại trước khi con bà được chữa lành.
(1) Trở ngại thứ nhất: thành kiến. Tyre và Sidon (hai
thành phố thương mại phồn thịnh của ANE ngày xưa, Lebanon ngày nay).
Chúa và các tông đồ là người Do Thái, bà là người xứ Canaan, Dân Ngoại. Theo sử
gia Josephus, người Canaan là kẻ thù của người Do Thái. Vì lòng
thương con Bà đã vượt qua hàng rào thành kiến để đến với Chúa vì Bà biết chỉ có
Chúa mới chữa được con Bà. Bà van xin: "Lạy Ngài là con vua David, xin dủ
lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!"
(2) Trở ngại thứ hai: thinh lặng
của Chúa Giêsu và xua đuổi của các môn đệ. Bà đã can đảm vượt thành kiến nhưng
vẫn phải chờ thái độ của Chúa và các môn đệ. Chúa không đáp lại một lời và khi
các môn đệ thúc bách: “Xin Thầy truyền cho bà ấy đi, vì Bà cứ kêu van đàng sau
chúng ta” (câu 23b này có trong bản Hy-lạp, nhưng không có trong bản dịch của
Việt Nam). Ngài đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của
nhà Israel mà thôi." Đây là lần duy nhất mà Phúc Âm Nhất Lãm tường thuật
Chúa đi ra ngòai lãnh thổ Do-thái gặp người ngọai quốc. Nhưng không nản chí trước
những thái độ khước từ, Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài,
xin cứu giúp tôi!"
(3) Trở ngại thứ ba: thử thách của
Chúa Giêsu. Chúa thử đức tin bà trầm trọng khi Ngài nói: “Không nên lấy bánh
dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Thử tưởng tượng phản ứng của chúng ta
thế nào khi nghe người khác gọi con chúng ta là chó! Chúng ta có can đảm để đứng
lại nài van xin ơn? Nhưng bà vẫn không bỏ cuộc và đáp lại: “Thưa Ngài, đúng thế,
nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Chúa
Giêsu phải nhường bước trước đức tin vững mạnh của Bà và Ngài bảo: "Này
bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó,
con gái bà được khỏi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Vì tình yêu thương, Thiên Chúa
muốn mọi người được hưởng ơn Cứu Độ. Chúng ta không được kỳ thị bất cứ một chủng
tộc nào vì họ đều là con cái Thiên Chúa và xứng đáng được hưởng ơn Cứu Độ của
Thiên Chúa.
- Nhân loại ở mọi nơi và mọi thời
đều khao khát được nghe Tin Mừng, sứ vụ truyền giáo phải là sứ vụ của tất cả mọi
người. Niềm tin chúng ta có được là do công sức của các nhà truyền giáo ngọai
quốc, vì thế khi đến lượt, chúng ta cũng phải loan truyền niềm tin này.
- Năm Thánh Phaolô nhắc chở cho
chúng ta biết noi gương Ngài, dám hy sinh tất cả vì lòng yêu mến Chúa Kitô để
rao giảng Tin Mừng cho hết mọi người.
- Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội
phổ quát, dành cho hết mọi người. Chúng ta đừng ngại đối thoại với những người
của các tôn giáo khác và mời gọi họ tham gia phụng vụ của chúng ta; nhưng chúng
ta phải tôn trọng chân lý và không thể cho họ thông hiệp những bí-tích mà họ
không có cùng niềm tin như chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét