CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Cám dỗ



Hình ảnh: CƠN CÁM DỖ THỜI @
 
Đã mang thân phận con người, chẳng ai thoát khỏi cám dỗ. Cám dỗ tựa như tấm mạng nhện khổng lồ sẵn sàng chụp xuống để bao bọc và giết chết con mồi. Vậy cám dỗ là gì? Thưa, cám dỗ là khơi dậy lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã. Cám dỗ là tìm mọi cách quyến rũ làm việc không tốt. Như thế, động lực của cám dỗ là xấu, là đi ngược lại với luân thường đạo lý; và để lại những hậu quả không tốt nơi bản thân cũng như những người xung quanh. Thực vậy, cám dỗ chẳng buông tha ai. Những cơn cám dỗ rất đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Cám dỗ thường núp bóng dưới những ngôn từ bóng bẩy và những lời mời chào đường mật. Cha ông ta nói “Mật ngọt chết ruồi” mà! Biết bao người đã dại dột ảo tưởng nghe theo những lời đường mật. Đến khi tỉnh ngộ thì đã quá muộn. Trong thời buổi kinh tế thị trường, những cơn cám dỗ còn kèm theo một “nghệ thuật quảng cáo và tiếp thị” trên cả tuyệt vời, đầy ma lực hấp dẫn. Tôi xin kể ra đây vài cơn cám dỗ trong cuộc sống hôm nay.
 
Cơn cám dỗ thứ nhất là phủ nhận sự có mặt của Thiên Chúa. Núp dưới những danh từ rất ấn tượng như là “nhân bản”, “tự do”, “giải phóng”, một số người đã muốn phủ nhận Thiên Chúa và tuyên dương chủ nghĩa vô thần. Họ hô to khẩu hiệu: “Thiên Chúa đã chết”, hoặc “Tôn giáo là thuốc phiện mê dân”. Trong khi đó, họ lại coi con người là “thượng đế”. Họ phủ nhận mọi tôn giáo cũng như các thần linh.
 
Cơn cám dỗ thứ hai là tôn thờ của cải vật chất. Trong nền kinh tế thị trường, xã hội bị biến đổi thành cái chợ rộng mênh mông. Chợ là nơi mà lợi nhuận là mục đích hàng đầu. Chợ cũng là nơi mà người mua kẻ bán chẳng ai tin ai, dù có là xóm làng hay thân thích. Khi cuộc sống này đã biến thành cái chợ, thì mọi sự đều là hàng hoá. Từ đất đai, nhà cửa cho đến tình nghĩa vợ chồng; từ con cá mớ rau cho đến tình thân huyết nhục. Tất cả đều là món hàng để người ta mua đi bán lại. Hậu quả là tiền bạc vật chất lên ngôi, gây ra biết bao xung đột, khiến tình huynh đệ tương tàn, vợ chồng xa cách. Người ta vì vật chất mà dám đánh đổi cả tương lai. Người ta vì vật chất mà chấp nhận những cuộc hôn nhân như một canh bạc đỏ đen may rủi, hên xui.
 
Cơn cám dỗ thứ ba là sự hận thù, chia rẽ. Theo tâm lý thông thường, người ta dễ tin dư luận xấu hơn là dư luận tốt. Những thông tin tiêu cực về một cá nhân lại được loan truyền nhanh hơn những thông tin tích cực. Không ít người đã cả nể dễ tin và rơi vào cạm bẫy của những cơn cám dỗ này. Hậu quả là bao gia đình tan nát, bao trái tim trở nên chai đá, hận thù, lạnh lùng. Không thể một sớm một chiều mà nguôi ngoai.
 
Xưa kia Chúa Giêsu đã đối diện với các cơn cám dỗ và Ngài đã chiến thắng. Chúng ta cũng sẽ chiến thắng cám dỗ, nếu ta sống đời nội tâm sâu xa và thực thi Lời Chúa. Chúa luôn mời gọi chúng ta: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,38). Hôm nay Ngài vẫn đang hiện diện bên cạnh chúng ta, để nâng đỡ chúng ta trong cuộc chiến cam go trên hành trình nên thánh.
 
Lạy Chúa! Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ.
 
TẬP SAN TĨNH TÂM THÁNG 3 NĂM 2014
GP LONG XUYÊN
PVL (9/3/2014) – Hôm nay là Chúa Nhật Thứ I Mùa Chay – Năm A, Giáo Hội công bố Tin Mừng Mt 4,1-11 với nội dung ma quỷ cám dỗ Đức Giê-su trong hoang địa. Cám dỗ:
1/ Cái đói (tự hóa bánh mà ăn).
"Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra."
 
2/ Gieo người xuống từ trên nóc đền thờ (ảo thuật).
"Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."
 
3/ Vinh hoa phú quý lợi lộc thế gian nhưng phải bái lạy Satan.
"Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."  
 
Với ba cơn cám dỗ ấy, Đức Giê-su đã chiến thắng dựa vào Lời Chúa, vào quyết tâm của Người không thỏa hiệp với thần dữ. Ngày hôm nay, ba cơn cám dỗ ấy vẫn tồn tại trên thân phận người, dù họ có tin Chúa hay không! Cám dỗ, với người này thì bị quật ngã, với người kia có thể vững vàng, nhưng tựu trung, ai kêu cầu danh Chúa khi bị cám dỗ, tôi nghĩ rằng, lẽ nào Chúa bỏ mặc làm ngơ.

Tôi tìm hiểu thêm để biết được bằng cách nào con người có thể vượt qua cơn cám dỗ?

Thứ nhất, kiến thức về Thiên Chúa và về con người là điều kiện chủ yếu để vượt qua cám dỗ. Để có kiến thức này, các tín hữu cần bỏ thời giờ để học hỏi về Thiên Chúa qua Thánh Kinh và những giáo huấn của Giáo Hội. Không biết Kinh Thánh là không biết Thiên Chúa và không biết những dự tính và đường lối của Thiên Chúa dành cho con người. Biết những điều này, con người sẽ nhận ra ngay những cạm bẫy gian dối của ma quỉ và không dễ rơi vào. 

Thứ hai, niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa cũng không kém quan trọng. Con người phải vững tin Ngài sẽ không bỏ mặc con người phải đương đầu với ma quỉ, nhưng sẽ sai các thiên thần và những người tốt lành đến giúp đỡ và bảo vệ các con cái của Ngài, như đã sai các thiên thần đến nâng đỡ và bảo vệ Chúa Giêsu sau cuộc cám dỗ. 

Thứ ba, nhược điểm của con người là nghi ngờ sự hiện hữu, tình thương, và sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhiều người lo sợ không biết có Thiên Chúa hay không, và nếu có, không biết Ngài có để mắt săn sóc đến họ không; vì thế, họ nghĩ phải tự mình lo liệu lấy cho chắc ăn.

Lạy Chúa Giê-su, cám dỗ quanh quẩn bên con hằng ngày, hằng giờ, xin giúp con đủ sức vượt qua như Chúa đã từng vượt qua. Tự sức con, con khó lòng chiến thắng ma quỷ, như nguyên tổ xưa, nhưng nhờ ơn Chúa, con tin chắc ma quỷ không làm gì được con. Xin thương giúp con, lạy Chúa. Amen.

Không có nhận xét nào: