CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

THIÊN CHÚA VÀ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI


Bạn thân mến,
Một trong những trở ngại lớn nhất làm cho con người thời đại này không chấp nhận có Thiên Chúa, phải chăng vì người ta sợ rằng có Thiên Chúa sẽ ngăn cản, hạn chế, nếu không muốn nói là tước đoạt hoàn toàn tự do của con người. Và như vậy là Thiên Chúa sê làm tổn thương đến phẩm giá cao quý của con người, vì con người chỉ thực sự xứng đáng là người khi có một cuộc sống hoàn toàn tự do mà thôi?
Chắc bạn cũng thấy ngay là thái độ ấy không phải là không có lý do của nó. Thực vậy:
1. Một số không ít các giới răn của Thiên Chúa (nhất là dưới khuôn khổ một nền giáo dục gò bó, khép kín, quá thiên về tiết chế dục vọng) được xem như là những ngăn cấm: CHỚ làm điều này, CHỚ làm điều nọ… khi ấy Thiên Chúa chẳng khác nào viên cảnh sát công lộ.
2. Và ngay những giới răn mang hình thức tích cực, khuyến thiện: HÃY làm điều này, HÃY làm điều nọ… cũng được xem như là hạn chế tự do của con người vì con người buộc phải hướng về một cái THIỆN do Thiên Chúa áp đặt, chứ không phải do chính con người mình tự thiết định ra (J.P.Sartre là tiêu biểu cho xu hướng muốn con người có quyển tự mình đặt ra nấc thang giá trị cho riêng mình, chứ không phải phục thuận một nấc thang giá trị tự do mà mọi lương tri phải phục thuận).
Phải chăng, quả thật Thiên Chúa hạn chế, tước đoạt tự do của con người, hay trái lại, chính Thiên Chúa là nguồn mạch, là nền tảng cho tự do ĐÍCH THỰC của con người?
Nhưng Tự do là gì? Và thế nào TỰ DO ĐÍCH THỰC?
1/ Tự do bên ngoài: thường được hiểu như là không bị bất cứ một cái gì bên ngoài cản trở, muốn làm gì thì làm: tôi muốn nằm ngủ hay muốn cuốc đất hoặc muốn vào nhà người ta mở tủ họ lấy tiền xài chơi… đều làm được, không bị ai ngăn cấm, không bị ai cản trở cả… thế là tôi có tự do bên ngoài. Theo nghĩa này thì một dòng nước chảy xuôi từ nguồn ra biển không bị cản trở; một nồi nước đun sôi, hơi nước bốc lên không bị nắp vung chặn lại… cũng có thể xem như là được tự do bên ngoài. (Và một người sống buông thả theo dục vọng, không bị điều kiện vật lý hạn chế, không bị luật lệ xã hội ngăn cấm, cũng được xem như là có tự do bên ngoài).
Muốn có tự do này, con người phải đấu tranh về hai mặt:
a. Kỹ thuật: để phá tan những ngăn cấm do vật lý tự nhiên. Ví dụ: bắc cầu qua sông, xẻ núi làm đường, bắt dây điện thoại để nói chuyện với người ở xa…
b. Xã hội chính trị: lật đổ cường quyền áp bức…
2/ Tự do bên trong: (có nhiều xu hướng triết học phủ nhận, cho rằng con người không có thứ tự do này vì con người cũng như các vạn vật khác đều do luật tất định chi phối hoàn toàn. Ta tạm gác vấn đề này, vì như vậy thì mọi vấn đề luân lý, luật pháp, chân lý, tín ngưỡng đều ra vô nghĩa, và vấn đề trao đổi hôm nay cũng vô ý nghĩa vì tất cả mọi sự đều đã tất định cả rồi). Ở đây ta đi từ GIẢ SỬ là con người có thứ tự do này để xem như vậy thì Thiên Chúa có cản trở hay tước đoạt tự do này của con người hay không.
Nhưng tự do này là gì? Là con người khác hẳn các vật khác ở chỗ con người có KHẢ NĂNG KHỞI ĐẦU TUYỆT ĐỐI, không bị tất định bởi bất cứ cái gì trước đó, NGAY CẢ ĐỐI VỚI CHÍNH MÌNH TRONG QUÁ KHỨ CŨNG KHÔNG. Tự do này không phải là ở chỗ muốn gì làm nấy, mà ở chỗ: có thể muốn cái gì tự mình khởi điểm ngay trong hiện tại chứ không có ngoại vật mà cũng không có quá khứ bản thân tất định (“Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”: cái tôi trong hiện tại, chứ không tại bất cứ cái gì khác, không tại ngoại cảnh, không tại huyết thống, không tại di truyền, không tại thói quen, không tại giáo dục, không tại gì cả, chỉ tại TÔI, cái TÔI như là khởi đầu, hoàn toàn tuyệt đối, ngay chính lúc tôi lựa chọn muốn cái này hay cái nọ. Khi con người đấm ngực nhận tội hay vỗ ngực kể công, khi xã hội tuyên án một phạm nhân hay tuyên dương một vĩ nhân, tức là đã mặc nhiên nhìn nhận con người là hữu thể đặc biệt, có thứ tự do bên trong này, vì thế mới có trường hợp gia trọng, trường hợp giảm khinh, nhưng không bao giờ nghĩ rằng con người mất hẳn thứ tự do này, trừ trường hợp điên khùng).
Thứ tự do này (nếu có) chính là cái làm cho con người vượt lên trên tất cả mọi loài gần như sánh ngang với Thiên Chúa, vì sự tự do này làm cho con người có khả năng sáng tạo (nghĩa là làm ra cái mới hoàn toàn, không có cái gì có trước làm nên cả chẳng khác gì Thiên Chúa sáng tạo từ hư không). Vì vậy có kẻ bảo rằng Thiên Chúa tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài tức là tạo nên con người TỰ DO theo nghĩa này. Mà quả vậy, ta sẽ thấy ngay cả sự TOÀN NĂNG của Thiên Chúa cũng phải bó tay trước sự TỰ DO của con người, và rồi sự CHÍ ÁI của Ngài cũng đành bất lực trước sự TỰ DO của con người, khi mà con người trả lời “KHÔNG” trước ân sủng của Tình Yêu Thiên Chúa.
Đáng lẽ phải nói đến một nghĩa thứ ba nữa, tức là thứ tự do theo nghĩa như của J.P. Sartre: con người có quyền quyết định lấy nấc thang giá trị cho riêng mình, nhưng suy cho cùng thì đó là một thứ tự do bất nhân, phi lý vô nghĩa (liberté d’indifférence) nào có khác gì sự hờ hững của một người mù trước hai bức tranh, người điếc trước hai bản nhạc, rồi quờ quạng, võ đoán chẳng căn cứ vào đâu mà tuyên bố, quyết định rằng bức tranh A là đẹp hơn bức tranh B, bản nhạc M hay hơn bản nhạc N. Vả lại đòi cho con người thứ tự do này là đòi con người phải như Thiên Chúa tự mình là tiêu chuẩn của CHÂN, THIỆN, MỸ. Ai còn có chút lý trí thì chắc cũng biết mình không phải là Thiên Chúa, cũng không dám nghĩ rằng mình có thứ tự do này. Tuy nhiên!!! Cơn cám dỗ trong vườn địa đàng chính là mơ ước muốn bằng Thiên Chúa, muốn tự mình định chuẩn cho Thiện Ác, Chân Giả qua việc ăn trái cấm.
I. Trước hết, chúng ta thử xét xem Thiên Chúa có hạn chế sự tự do bên ngoài của con người không?
Sở dĩ chúng ta có cảm tưởng Thiên Chúa hạn chế, tước đoạt tự do bên ngoài của con người, là vì chúng ta thấy rằng nhiều ước muốn của chúng ta bị các giới răn cản trở. Chúng ta phải nhìn nhận rằng vì những thiếu sót sai lầm trong nến giáo dục mà các “điều răn” của Thiên Chúa đối với một số tâm hồn chưa trưởng thành đủ, còn mang một bộ mặt áp chế, thường kèm theo sự hăm doạ, thưc ra mà nói, trong một giai đoạn nào đó, hình thức “răn đe” đôi lúc cũng cần thiết và hữu ích (trong chúng ta ai có lòng thành thực khiêm tốn mà lại không nhìn nhận rằng, dẫu già đầu rồi, có khi chúng ta vẫn còn là một đứa bé “sợ roi vọt” là thứ hàng rào ngăn cản cuối cùng giúp ta khỏi bị cơn lốc dục vọng lôi cuốn vào vực thẳm sa đoạ) để từ từ huấn luyện con người đi đến chỗ làm chủ lấy chính mình để tự mình lựa chọn và trung thành với nấc thang giá trị làm tiêu chuẩn cho cuộc sống để trở nên người tự do, bên ngoài không bị ngoại vật chi phối, bên trong không bị dục vọng lôi cuốn nhận chìm. Mới nhìn qua thì hơi mâu thuẫn, những mục đích của răn đe, chính là để hướng dẫn con người từ từ tiến lên trình độ tự điều khiển chính mình không cần ai răn đe nữa. Tại sao như thế? Chính là vì con người có tự do (bên trong) vậy!
Chúng ta có thể nói vốn là như thế này: Tất cả vạn vật trừ con người ra đều đạt tới cứu cánh của mình, thể hiện được chính mình một cách trọn vẹn tuyệt hảo vì chúng đều do luật tất định chi phối: một tảng đá, trọng lượng bao nhiêu đó, nằm trên một mặt nghiêng với một độ dốc bao nhiêu đó, thì nhất định sẽ lăn xuống với một tốc độ nào đó, và sẽ ngừng ở một điểm nhất định nào đó, vào một thời điểm nào đó. Một búp hoa nào đó, với độ nắng mưa nào đó, đã được vun quén phân bón với mức độ nào đó, thì nhất định sẽ nở ra như thế nào đó, và cuối cùng sẽ tàn rụng lúc nhất định nào đó… Nhất nhất mọi dự đều tuyệt hảo, không sai một ly tấc nào cả! Có lẽ vì vậy mà khi tạo nên mọi sự (trừ con người), Thiên Chúa đều thấy là “tốt lành” (xem St 1,1-31) vì tất cả đều răm rắp hiện ra trong sự hữu hình của mình vẹn toàn, hoàn hảo đúng y như quy luật do bản chất của mình, thể hiện chính mình một cách tuyệt mức, không hơn được mà cũng không kém được. Nhưng có một điều là chúng không TỰ thể hiện chính mình, mà hoàn toàn BỊ THỂ HIỆN, BỊ chi phối theo luật tất định! Vì vậy, chẳng ai khen một cột trụ chịu đựng được sức nặng ngàn cân, cũng chẳng ai chê một chiếc đòn gánh gãy vì quá yếu không kham nổi một trọng lượng quá sức chịu đựng, chẳng ai cười một bông hoa nở muộn, chẳng ai hoan hô một chồi non mọc sớm v.v… cũng vì vậy mà Thiên Chúa chẳng phải răn đe khuyến khích, mời mọc hay hăm doạ gì cả, mà cũng chẳng ai mất công hô hào hay đe doạ để cho một cành hoa đào nở đúng ngày xuân.
Với con người thì khác hẳn! Một mặt con người cũng chỉ đạt được cứu cánh của mình, thể được chính mình bằng cách sống đúng theo bản tính trung thực, đích đáng của mình, tức là sống đúng theo phẩm giá con người, nghĩa là cũng phải theo những quy luật phù hợp với bản tính, với cứu cánh của mình mới đạt được hạnh phúc đích thực của mình (tức là cứu cánh của mình, thực hiện chính mình) cũng tương tự như vạn vật đều tuân theo các quy luật tự nhiên vậy! Nhưng phúc thay, vinh thay, hoặc là khốn thay, những quy luật của con người, không tất định chi phối con người, mà phải DO con người TỰ nhận thức lấy, TỰ chọn lấy và TỰ thực hành lấy! Biết đâu chẳng phải vì vậy mà Thiên Chúa đã thấy “TỐT LÀNH QUÁ ĐỖI” sau khi dựng nên con người (xem St 1,31).
Con người có khả năng TỰ chọn lấy, TỰ làm lấy những điều ngược lại với quy luật của mình, và như thế TỰ đi lệch ra ngoài con đường đúng đắn, và hụt mất cứu cánh của mình, tự huỷ lấy mình, tự đánh mất chính mình: mất linh hồn là vậy đấy! Thiên Chúa vì không muốn con người bị tất định (và tất định thì vô tri, vô giác, đâu còn là con người nữa) mà để cho con người HOÀN TOÀN TỰ DO, TỰ quyết định lấy, TỰ lựa chọn lấy, để hoặc là tựTỰ thể hiện chính mình, đạt được cứu cánh – hạnh phúc thật của mình, hoặc là TỰ đánh mất, TỰ đày ải mình, TỰ mình làm hụt mất cứu cánh hạnh phúc của mình.
Những giới hạn của Thiên Chúa là những mũi tên chỉ đường cho con người biết đâu là đường sống, còn theo hay không, Thiên Chúa nhường quyền hoàn toàn cho con người TỰ DO quyết định. Mà chính vì đã nhường quyền quyết định cho con người nên Thiên Chúa mới phải in sâu những giới răn ấy vào bên trong chính lòng con người: tức là tiếng nói của lương tâm, và NHẮC LẠI bên ngoài bằng các giới răn (Mười điều răn Đức Chúa Trời, sáu điều răn Hội Thánh…).
Thật ra, các giới răn tiêu cực (ngăn cấm) và tích cực (khuyến khích) được minh thị, thì nào có khác gì các nhãn hiệu dán trên các chai thuốc độc và các chai thuốc bổ, để cho con người đã trưởng thành biết đọc, biết suy nghĩ, muốn sống thì lựa chọn chai có nhãn đề thuốc bổ, muốn chết thì tìm chai thuốc độc mà dùng! Chứ không còn là trẻ con, phải do người lớn chọn thay và cạy miệng đổ vào!
Các giới răn chẳng những không vi phạm đến tự do con người, mà còn giúp cho con người nhận thức đúng để TỰ mình chọn lấy con đường sống hay con đường chết một cách có ý thức: Tiếng nói lương tâm đâu có phải là một mệnh lệnh độc đoán áp chế, trái lại đó là lời cảnh tỉnh, là tiếng chuông báo động, là mũi tên, bảng hiệu vẽ đường chỉ lối, là lời mời mọc ân cần, âu yếm nhưng nghiêm túc đứng đắn (chứ không phải đường mật quyến rũ, dụ dỗ) để con người tự do mà chọn lựa; con người có toàn quyền tự bịt mắt, bưng tai, ngoảnh mặt lại đi vào chỗ chết mà! Chẳng những Thiên Chúa không cưỡng bức ép buộc, mà Ngài cũng không hề doạ dẫm: Ngài chỉ nói rõ cho biết là hậu quả sẽ ra sao, rồi mong con người tỉnh ngộ mà thôi. Cuối cùng khi không biết làm sao được nữa, Ngài chỉ còn có cách là hiến chính Con Một yêu dấu của Ngài trên thập giá để kêu gọi chính tự do của con người hãy TỰ mình trở về với con đường sống. Cái chết của Con Thiên Chúa trên thập giá có khác gì cái chết của các trung thần chỉ còn biết lấy cái chết mà can gián hôn quân! Tôn trọng tự do con người, như thái độ của kẻ thần tử can gián bậc quân vương, tiết tưởng đến độ ấy là cùng, không còn ai có thể vượt qua được nữa! Và Con Thiên Chúa đã làm gì trước khi dùng cái chết để can ngăn? – Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ (thật là thái độ của kẻ nài nẳng cầu xin cho người hãy hồi tâm tỉnh ngộ), rồi ngay với chính kẻ dùng cái hôn để bán Ngài, Ngài cũng còn nói một lời như nài nẳng van xin một lần cuối, mong kẻ bán Ngài TỰ mình tỉnh ngộ ăn năn: “Này Giuđa, bạn dùng một cái hôn để nộp Con Người sao?” (Lc 22,48). Và ai biết được những gì chứa đựng trong cái nhìn của Ngài gởi đến cho Phêrô, đã làm cho Phêrô TỰ mình bước ra ngoài và khóc, rồi từ đó đã TỰ mình trở nên con người mới (Lc 22,61-62).
Nếu trong Thánh Kinh có những lời xem ra như doạ nạt, thì cũng như mẹ doạ con vì thương con, chứ bản chất là những lời thiết tha nài nẳng van xin con người hãy tự mình trở lại, của một ngã vị có tự do đến một ngã vị có tự do, tôn trọng chờ đợi lời đáp trả trong tự do tuyệt đối chứ không hề có gì là cưỡng ép cả! Và có thể nói cả chương trình Cứu Độ: lựa chọn dân Do Thái, gởi các tiên tri, gởi chính Con Một của Ngài thành lập Giáo Hội cho đến ngày tận thế, cũng chỉ là những phương thế để gởi lời mời gọi tha thiết đến người tình phụ đã tự do chối bỏ Tình Yêu! Ai đã yêu cũng đều biết tình yêu chỉ có thể có được trong tự do mà thôi, vì nếu phạm đến tự do thì là cưỡng hôn chứ đâu còn có tình yêu nữa!
Và cũng chính để tôn trọng tự do nên Thiên Chúa đã dùng những phương tiện yếu hèn (lịch sử dân Do Thái chỉ là một chuỗi những thất bại! Đời Chúa Giêsu là một cơn tử nạn. Lịch sử Giáo Hội là một chuỗi chìm nổi triền miên). Vì Ngài không muốn dùng quyền uy mà doạ dẫm, cũng không dùng giàu sang mà mua chuộc, không dùng lý luận để thuyết phục, chỉ biết phó dâng chính bản thân mình để mời gọi một sự phó dâng trong tự do tuyệt đối của con người chỉ lấy tình yêu đáp trả tình yêu, chứ không bị chi phối bởi bất cứ một thứ nào khác (Quyền lực, không! Bả vinh hoa phú quý, không! Hứa hẹn hão huyền, không! Và ngay cả thuyết phục bằng lý luận cũng không!). Chỉ có một tình yêu tự do tuyệt đối, tự phó dâng mình để chờ đợi một sự đáp trả của tình yêu cũng tự do tuyệt đối.
Tự cổ chí kim, từ đông sang tây, không một học thuyết nào, không một chủ nghĩa nào mà TỰ DO con người được đề cao đến mức độ ấy. Và ta có thể quả quyết rằng cũng chẳng bao giờ còn có thể được đề cao hơn nữa! Đó là lẽ tất nhiên, rất ĐƠN SƠ, rất DỄ HIỂU vì Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa Tình Yêu (Ga 4,8-16) tạo nên con người vì TÌNH YÊU, để con người qua con đường TÌNH YÊU mà đạt đến cứu cánh là TÌNH YÊU; và ai cũng biết TÌNH YÊU chỉ có thể có khi có tự do mà thôi. Ai có trái tim sẽ hiểu, mà làm người, thiết nghĩ ai lại chẳng có trái tim!
Ngoài ra, ta còn có thể nói rằng: Thiên Chúa đã tôn trọng tự do con người đến độ thà tôn trong tự do con người và vì thế con người CÓ THỂ tự đánh mất chính mình, chứ Ngài không vi phạm tự do con người để cứu lấy con người. Tất cả pho Thánh Kinh đều cho ta thấy rõ điều đó. Điều này có lẽ cũng dễ hiểu thôi! Các vạn vật khác không có tự do nên không tham dự vào chính cuộc sống của Thiên Chúa là tự do yêu mến trong Ba Ngôi. Tạo nên con người là để CON NGƯỜI THAM DỰ VÀO CUỘC SỐNG TỰ DO YÊU MẾN của Ba Ngôi bằng sự TỰ DO đáp ứng TÌNH YÊU TỰ DO của Thiên Chúa nên phải để con người TỰ DO (nghĩa là có thể TỰ MÌNH đáp ứng hay phủ nhận tình yêu Thiên Chúa). Cũng vì vậy mà hầu hết các sử gia chuyên về lịch sử tin tưởng nhân loại đều công nhận rằng chỉ có trong Kitô Giáo là vấn đề tự do con người được đào sâu nhất và được đề cao nhất. Và ai biết đọc Thánh Kinh thì cũng thấy rõ rằng đó là một pho tình sử giữa Thiên Chúa và con người, mà đã nói đến chuyện tình, thì tất nhiên đó là câu chuyện giữa hai ngã vị có tự do trao đổi hoặc từ khước tình yêu, và sở dĩ có chuyện là vì muốn được TỰ DO yêu và muốn được người yêu TỰ DO đáp lại tình yêu mà mình đã tự do dâng hiến.
Nói tóm lại, một Thiên Chúa toàn năng thưởng phạt vô cùng, thì sẽ còn có thể bị hiểu lầm là Ngài hạn chế, hay tước đoạt TỰ DO của con người. Nhưng một Thiên Chúa vốn là TÌNH YÊU (Ba Ngôi trong tưong quan yếu tính là TÌNH YÊU) sáng tạo vì tình yêu, mời gọi con người bước vào thế giới của tình yêu! Tất nhiên là chỉ có thể TÔN TRỌNG tự do của con người, KHƠI DẬY sự tự do của con người vì tự do là điều kiện của tình yêu, và tình yêu là dụng tính (acte) cao nhất, thiết yếu nhất của tự do, vì chỉ có tình yêu, con người mới thể hiện ở mức cao nhất sự tự do của mình. Nếu đem so sánh với vấn đề chân lý, ta có thể nói: vấn đề Tình Yêu hiện diện sự tự do của con người rõ ràng hơn. Một lý trí sáng suốt chỉ có thể kết luận: B nhỏ hơn A nếu A lớn hơn B, chứ không có cách nào khác cả; trong khi trước sự mời gọi của tình yêu (dù là Tình Yêu của Thiên Chúa, và nhất là Tình Yêu của Thiên Chúa) con người vẫn có thể trả lời “Vâng” hoặc “Không”, và chính cái khả năng ấy là điều kiện của tình yêu.
II. Trên nguyên tắc là vậy, nhưng thực tế thì sao?
a. Chính Tình Yêu Thiên Chúa giải phóng ta khỏi mọi sự lệ thuộc bên ngoài.
Tổ phụ Ábraham thường được xem như là Thuỷ Tổ của Dân Chúa, nhưng tiêu biểu cho Tình Yêu giải phóng khỏi ách nô lệ (tức là thể hiện tự do) chính là Môisen. Dân Chúa sống dưới ách nô lệ của Ai Cập (tượng trưng cho mọi sự nô lệ, nhất là những nô lệ do xã hội gây nên). Chính thế, nhân danh sự thờ phượng Thiên Chúa mà Môisen đã đương đầu với Pharaông (tiêu biểu cho mọi quyền uy trần thế) để giải phóng Dân Chúa. Quả vậy, kinh nghiệm của từng cá nhân, cũng như của muôn vàn thế hệ cho ta thấy rằng: con người hết làm nô lệ cho quyền lực này sang làm nô lệ cho quyền lực khác. Lịch sử nhân loại xét cho cùng, là một cuộc đấu tranh oanh liệt cho tự do, chống lại mọi cường quyền (kể cả giáo quyền nếu lạm quyền) nhưng ta thấy loài người thoát khỏi cường quyền này lại rơi vào cường quyền khác! Và xét cho cùng, chỉ có ai nhận quyền tuyệt đối của Thiên Chúa mới thoát khỏi cảnh nô lệ cho cường quyền trần thế. Vì sao? – Vì chỉ có Thiên Chúa mới nâng địa vị con người lên gần ngang hàng với Ngài, nghĩa là đặt con người lên trên mọi quyền lực ở trần gian.
Ta vừa nhắc tới Môisen đương đầu với Pharaông, và lịch sử Dân Chúa đời đạo cũ là một lịch sử đấu tranh của những kẻ chỉ biết thờ phượng một mình Chúa, đối đầu với mọi uy quyền khác của thế trần: hết Ai Cập tới Babylon, hết Babylon đến Assyria, hết Assyria đến Ba Tư, hết Ba Tư đến Hy Lạp, hết Hy Lạp đến La Mã. Và lịch sử Giáo Hội cũng chỉ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ quyền thờ phượng Chúa của những kẻ mang tước hiệu cao trọng làm con cái Đức Chúa Trời, những vị Hoàng tử mà không quyền lực nào ở trần gian có quyền nô lệ hoá cả!
Các Thánh Tử đạo, sở dĩ trở nên những anh hùng thánh nhân cũng đã vì hiên ngang chống lại những ai dám phạm đến quyền tự do thờ phượng Chúa của những người con cái của Chúa Tể càn khôn! Hầu hết mọi sự bách hại đều bắt nguồn từ những bạo quyền muốn bóc lột sự tự do của những người chỉ biết kính sợ Chúa mà thôi: và chính lòng kính sợ Chúa đã làm con cái Chúa trở thành chiến sĩ của tự do tuyệt đối, của lương tâm con người chống mọi quyền lực trần gian hòng khuất phục con người, bắt con người thờ phượng họ như họ là Thiên Chúa vậy!
Suy cho kỹ, ta sẽ thấy mọi sự nô lệ của con người, bản chất là vì con người thờ phượng những Thiên Chúa giả, những thần tượng giả (idolâtrie). Chỉ có sự thờ phượng THIÊN CHÚA THẬT mới giải phóng con người khỏi mọi ách nô lệ do sự thờ phượng các thiên chúa giả, các thần tượng giả gây ra! Tiên tri Êlia, một mình nhân danh Thiên Chúa thật đương đầu với mọi quyền lực trần gian đạp đổ mọi sự thờ lạy ngẫu tượng nô lệ hoá con người để giải phóng con người, đưa con người về với Thiên Chúa thật của Tình Yêu thật là tiêu biểu cho tinh thần tự do chân chính (xem Lc 18-19). Cái gì đã biến Êlia thành chiến sĩ tuyệt vời của tự do? Chính là sự nồng nhiệt của Tình Yêu Thiên Chúa thật Hằng Sống là nguồn động lực thúc đẩy Êlia lên đường kháng chiến, chống lại mọi thứ thần tượng, thiên chúa giả, thiên chúa chết, đang cầm buộc con người trong xiềng xích nô lệ.
Trong kinh Vinh Danh, không có câu nào giải phóng con người thoát mọi thứ nô lệ cho bằng câu: “CHỈ CÓ Chúa là Chúa, CHỈ CÓ Chúa là Đấng Tối Cao”. Câu ấy bao hàm một sự tự do tuyệt đối của con người ném thẳng vào mặt những thế lực trần gian đang tham vọng lên làm chúa để nô lệ hoá con người. Những ai biết tôn thờ Thiên Chúa thật thì mới vạch mặt chỉ trán những tên thiên chúa giả toan chiếm ngôi Thiên Chúa để nô lệ hoá con người: “Các anh, các chị hãy xê ra, lùi bước, chúng tôi CHỈ NHẬN có MỘT Thiên Chúa là Thiên Chúa THẬT, CHỈ CÓ Ngài mới là Thiên Chúa thôi còn tất cả mọi cái khác đều là tạo vật mà thôi, đừng hòng nô lệ hoá, đừng hòng tha hoá chúng tôi; chúng tôi mang hình ảnh Đức Chúa Trời trong người chúng tôi, chúng tôi đội vương miện của ngôi Thiên Tử (Con Đức Chúa Trời) anh em của Ngôi Hai Thiên Chúa mà!”.
Ai là người dám bất tuân lệnh dâng hương thờ cúng của hoàng đế La Mã? – Kitô hữu! Ai là người dám đương đầu với tên hôn quân dâm bôn Henri VIII, tự phong mình làm giáo chủ? – Thánh Tôma More! Ai dám đương đầu với Napôlêông? – Hai ông già yếu đuối: Giáo chủ Piô VI và Piô VII! Ai dám cãi lệnh các vua triều Nguyễn ra lệnh bước chân trên Thánh Giá? – Kitô hữu! v.v…
Con người biết kính sợ Thiên Chúa thật, thì không còn sợ gì ở trần gian này nữa cả! Con người biết yêu mến Thiên Chúa thật, thì không còn cái gì ở trên trần gian này lôi cuốn nữa cả! Con người biết trông cậy ở Thiên Chúa thật, thì không còn ảo ảnh nào ở trên trần gian này quyến rũ được nữa cả! Con người nhận biết chân lý của Thiên Chúa thật, thì không còn bị mưu mô quỷ quyệt, miệng lưỡi xảo trá nào ở trần gian mê hoặc nữa cả! Và thử hỏi một người không sợ gì ở trần gian cả, không mê đắm gì ở trần gian cả, không bị gì ở trần gian lừa bịp cả, không bị một ảo tưởng nào ở trần gian huyễn hoặc nữa cả, thì con người đó không phải là một con người hoàn toàn TỰ DO sao?
Tổng lãnh Thiên thần Micaen, vị Thống soái của đạo binh thiên quốc, khi dẹp các ác thần hằng nô lệ hoá con người, Ngài mang lá cờ hiệu “Quis sicut Deus” (Ai bằng Thiên Chúa) (xem Đn 10,21 phần ghi chú), đó chính là khẩu hiệu của sự tự do tuyệt đối diệt trừ mọi tà thần ác quỷ hòng tiếm ngôi Thiên Chúa để nô lệ hoá con cái của Ngài là chúng ta đây! Chỉ có trở về với Ngài trong một Tình Yêu Tự Do dâng hiến chúng ta mới hồi phục được sự tự do đã bị các tà thần ác quỷ tước lột, ác quỷ và tà thần mà Pharaông, các hôn quân La Mã, các tay cường quyền bạo chúa là công cụ luôn hòng kìm kẹp con người trong mọi thứ xiềng xích nô lệ. Lẽ tất nhiên, đối với sắc dục, tiền tài, danh vọng thì Thiên Chúa thật cũng giải phóng con người như vậy.
b. Chính Tình Yêu Thiên Chúa mới giải thoát khỏi mọi lôi cuốn bên trong.
Có triết gia nhận xét: “Chinh phục cả và thế giới còn dễ hơn là tự làm chủ chính mình”, và thánh Phaolô cũng than thở: “Sự lành tôi muốn, tôi không làm, còn sự dữ không muốn, tôi lại thi hành… Vô phúc thay con người tôi! Ai cứu tôi khỏi cái xác chết này?” (Rm 7, 19.24).
Ai đã có ít nhiều kinh nghiệm trong việc tu thân đều biết rằng, sở dĩ chúng ta nô lệ bên ngoài là chính vì bên trong chúng ta bị lôi cuốn bởi trăm nghìn dục vọng. Thực ra xiềng xích của dục vọng chẳng qua là do tất định của quy luật thể lý và tâm lý cùng xã hội. Con người thật của ta, cái bản ngã sâu xa của ta vốn là tự do, bị gông cùm trói buộc, bị đè nặng giam cầm trong một màng lưới dày đặc do những quy luật tất định ấy tạo nên. Ai trong chúng ta chắc cũng kinh nghiệm rằng cuộc chiến đấu chống lại những lôi cuốn thấp hèn đang làm ta mất hẳn tự do, biến ta thành một “đồ vật”, hoàn toàn bị các định luật thể lý, tâm lý, xã hội chi phối, là một cuộc chiến đấu liên lỉ và vô cùng cam go. Phải có một nghị lực phi thường, một lòng kiên trì bền vững mới khỏi bị buông trôi như một cành lá khô cuốn theo dòng nước lũ. Và kinh nghiệm ngàn đời của nhân loại cho ta thấy rằng chỉ có TÌNH YÊU mới có sức giúp ta chiến thắng được sự lôi cuốn, phá vỡ được gông cùm nô lệ hoá chúng ta! Và ngôn từ thường được dùng để nói lên tình yêu này là HI SINH, chính tình mẹ con, tình cha con, tình anh em, tình bằng hữu, tình quê hương, tình yêu nước, tình yêu khoa học, tình yêu nghệ thuật, tình yêu chân lý, tình yêu giai cấp v.v… đã giúp các bậc anh hùng, thánh nhân, đủ sức phá tan tất cả xiềng xích gông cùm của mọi thứ lôi cuốn, dục vọng thấp hèn… Chính những tình yêu ấy là sức mạnh giải phóng các ngài.
Thực ra sự nô lệ sâu độc nhất chính là nô lệ cái TÔI VỊ KỶ. Và chỉ có tình yêu hướng tha, vị tha, mới giải phóng ta khỏi sự nô lệ chính mình ta. Con người vị tha thật, con người nhờ sự thúc đẩy của tình yêu vị tha, vượt ra khỏi nhà tù nô lệ của cái TÔI vị kỷ. Một con người đã thoát khỏi được sự nô lệ căn bản ấy thì không còn nô lệ cái gì nữa mà làm chủ được chính mình một cách hoàn toàn tức là tự do hoàn toàn.
Chính vì cái tôi vị kỷ đã cưỡng lại sự cố gắng tự giải thoát của ta làm cho ta có cảm tưởng rằng các giới răn hạn chế sự tự do của ta. Thực ra cái bị hạn chế, cái bị ngăn chặn, không phải là cái ta tự do thật, mà là cái tôi, một cái tôi vốn chỉ là tổng kết của màng lưới định luật tất định đè nén, bóp nghẹt cái ta tự do thật. Các giới răn chỉ là phương thế để diệt trừ cái tôi vị kỷ tất định áp chế để giải phóng cái ta tự do thực, khác nào như việc cắt xén cành khô lá úa cỏ dại để mầm non được vươn mạnh, đâm bông kết trái! Các giới răn chỉ là huấn luyện viên tạm thời, hướng dẫn ta đến chỗ tự do hoàn toàn của Tình Yêu. Kỷ luật thực ra chỉ là một thứ kỹ thuật trong cuộc tu thân, trong công cuộc linh thao. Và từ từ để Ngài đi vào Tình Yêu, thì chúng ta sẽ trưởng thành không còn dùng đến luật lệ nữa.
Trong Thư gởi tín hữu Rôma, thánh Phaolô đã nói rõ về vai trò huấn luyện viên của Lề luật, và sự giải phóng về Lề luật do đức tin (và tình yêu). Thánh Augustinô cũng đã nêu cao phương châm của sự tự do hoàn toàn: “Ama et fac quod vis” (Hãy yêu mến, rồi muốn làm gì thì làm!). Và tình yêu, dù yêu gì bất cứ, cũng đưa đến chỗ hiến dâng thờ phượng: “Je t’aime, je t’adore, je m’offre” (Tôi yêu X, tôi thờ X, tôi hiến dâng). Ba mệnh đề ấy bao giờ cũng liên kết chặt chẽ. Kẻ tự do thật là kẻ bỏ mình vì tình yêu, chứ không phải kẻ vơ vét tất cả về cho mình. Kẻ vơ vét, cuối cùng sẽ là nô lệ của những thứ “của cải” (avoir). Còn kẻ hỉ xả, rốt cùng sẽ thênh thang, nhẹ nhõm, tự do với cái “tại” (être) của mình, thể hiện được chính mình, đạt được cứu cánh của mình, vì cái “tại” thực là một tác dụng (acte) ở thể động trong sự tự ban bố chính mình trong tình yêu tự do trao đổi. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là thế: yếu tính của Đấng Tự Hữu là Cha (tức là sinh ra Con, nghĩa là tự ban bố chính mình trong Con) và Con (tức đón nhận Cha và hiến dâng trở lại cho Cha) và Thánh Thần (tức là chính sự trao đổi ấy là tự do tuyệt đối và là Tình Yêu bản thể (amour substantiel). Do đó, con người chỉ có tự do thật trong mức độ thông dự vào mầu nhiệm tự hữu, tự tại, tự hiến, tự ái ấy. Và chương trình sáng tạo và cứu độ cuối cùng chỉ nhằm mục đích khơi dậy những ngã vị tự do như thế mà thôi.
III. Đạo đức với các giới hạn, chỉ là phương thế đào luyện, hun đúc con người trở nên tự do thực sự mà thôi.
Trên đây chúng ta dùng những từ “tu thân”, “linh thao”. Sở dĩ phải dùng đến các từ ấy thật vạn bất đắc dĩ là vì muốn mượn những ngôn từ thông dụng cho dễ hiểu. Nhưng cần phải lưu ý thận trọng phân biệt một quan niệm Duy luân lý (moralisme) với đạo Tình Yêu do Thiên Chúa mặc khải. Chính Chúa đã dạy: “Tất cả lề luật (luân lý) chỉ thu gọn vào có một điều duy nhất: yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (xem Mc 12,34-40; Một 22,34-40; Lc 10,25-28). Sở dĩ ta thường có cảm tưởng Thiên Chúa hạn chế tự do của con người vì Thiên Chúa được xem như là một nhà lập pháp: thiết lập ra một hệ thống ràng bụộc vô điều kiện, tuyệt đối theo kiểu “mệnh lệnh tuyệt đối” (impératif catégorique) của Kant! Không! Thiên Chúa của chúng ta không phải là một nhà lập pháp. Như thánh Phaolô đã dạy rõ là Lề luật chỉ có giá trị tương đối của những phương tiện có tính cách giai đoạn, chứ không có tính cách của những ràng buộc tuyệt đối; chúng chỉ là bờ rào ngăn cản chứ không phải là con đường, là Đạo (xem Rm 7,1-25; Gl 4,21-29 v.v…). Con đường đi, Đạo là một ngã vị mà yếu tính là Tình Yêu chờ đợi sự đáp ứng tự do của những ngã vị có tình yêu: Ta là đường, là sự sống… (Ga 14,6).
Tu thân, linh thao không phải để tự tạo cho ta một nhân phẩm đạo đức cao quý theo kiểu duy luân lý để rồi tự ngắm nghía chính mình, tự thoả mãn với cái đạo đức của mình! (chữ “đạo đức” cũng đã đưa chúng ta vào lối duy đạo đức, và từ đó rơi vào thái độ Pharisêu rất gần). Tu thân, linh thao chỉ nhằm mục đích rèn luyện ta đi đến chỗ quên mình, hiến dâng cho Tình Yêu. Xét về một mặt nào đó, không nên dùng những từ tu thân, đạo đức, thánh thiện vì dễ gây ra ngộ nhận mà nên thay thế bằng các từ: yêu mến, quên mình, bỏ mình, hiến dâng, phục vụ, vì các từ này gợi ý đạo tình yêu, còn các từ kia có thể sa lầy thành một thứ duy kỷ thiêng liêng (égocentrisme spirituel); mà như thế, thì dù thiêng liêng cách mấy, cũng chỉ là duy kỷ, là nô lệ cho cái Tôi, và cái Tôi thiêng liêng nhiều khi còn độc hại hơn cái Tôi nhục thể nhiều! Loài vật chỉ là nhục thể nên vô tội, còn Luxiphe là thuần linh nên mới là trọng tội! Không! Trăm lần không! Đạo Thiên Chúa không nhằm mục đích trau dồi cái Tôi cho nên cao quý, mà nhằm mục đích đưa mọi sự đi vào mầu nhiệm của Tình Yêu tự do hiến dâng trao đổi bằng con đường quên mình, giải thoát mình khỏi mọi thứ nô lệ mà nhất là nô lệ chính cái mình duy kỷ, vị kỷ, dù là cái đạo đức thiêng liêng! Gái giang hồ, trai trộm cướp có thể vào nước Thiên đàng trước bè lũ Pharisêu là vì vậy đó (xem Mt 21,31). Hai người được chính Chúa Giêsu phong thánh đâu phải là những kẻ suốt đời lo tu thân linh thao, mà là một cô gái trắc nết và một tên gian tặc, nhưng trong một phút, đã biết QUÊN MÌNH HOÀN TOÀN vì Tình Yêu Thiên Chúa (xem Lc 7,36-50; 23,39-43).
Trong việc giáo dục con cái của Thiên Chúa Tình Yêu cần phải nêu rõ đặc điểm ấy của đạo Thiên Chúa Tình Yêu, nếu không thì có khác gì các đạo khác (Khổng giáo chẳng hạn), các triết thuyết khác: người ta thường nói đạo nào cũng như đạo nào, đều trừng ác khuyến thiện cả! Nếu vậy thì Con Thiên Chúa chẳng phải mất công xuống thế loan Tin Mừng cứu độ làm gì! Tin Mừng cứu độ là ở chỗ: Thiện không phải là toàn bộ hệ thống những ràng buộc luân lý có tính cách tuyệt đối mà con người phải phục tòng, nhưng Thiện là một ngã vị Tình Yêu mời gọi con người đáp ứng lại sự hiến dâng tình yêu trong cuộc trao đổi tự do hoàn toàn, mặn nồng và tha thiết. Thiện không phải là một bộ đạo đức học mà là một con tim bị lưỡi đòng đâm thâu qua trên thập giá, đổ máu và đổ nước ra để chứng tỏ Tình Yêu và khao khát kêu gọi thiên hạ đáp lại Tình Yêu để cùng nhau đi vào Tình Yêu muôn thuở (xem Ga 19,31-33; 18,9-17; Lc 12,49). Thiên Chúa không phải là một quan toà căn cứ vào một bộ luật để khen thưởng hay trừng phạt. Thiên Chúa là một tiếng gọi của Tình Yêu, vì tôn trọng tự do của con người, nên đành để cho con người tự mình đi vào cõi sống hay cõi chết. Tất cả mọi tội khiên đã được đền tạ và tha thứ một cách sung mãn bởi Ngôi Hai Thiên Chúa. Tiệc cưới trên trời đã dọn sẵn, Tin Mừng đã được tung ra khắp nẻo đường mời TẤT CÀ mọi người không trừ một ai: mời (tự do) chứ không ép buộc, nên có kẻ TỰ DO vào dự tiệc, có kẻ TỰ DO khước từ thoái thác (vì bận mua bò, cưới vợ, đi buôn…, xem Mt 22,1-10; Lc 14,16-24). Cái đó hoàn toàn tự do tự nguyện, tự quyết, thể hiện chính mình hay tự đánh mất mình: Thiên Chúa không hề ép uổng ai cả, Ngài chỉ mời gọi nài xin mà thôi. Vì thế, nguyện cầu có lẽ không phải là để van xin Thiên Chúa (vì Chúa đã cho hết cả rồi, cho đến chính Con Một yêu dấu của Ngài, còn gì đâu nữa mà xin!) mà là để lắng nghe Lời Chúa nài xin mời gọi ta vào dự tiệc!
Trên kia có ví Thiên Chúa với vị trung thần lấy cái chết để can gián quân vương, bây giờ ta có thể ví Thiên Chúa như một kẻ bị tình phụ, lấy cái chết để thức tỉnh kẻ phụ tình, hay như một kẻ hành khất nài xin được bố thí tình yêu! Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã hiểu lời Chúa Giêsu hổn hển kêu khát trên thập giá theo ý ấy: Chúa khát, Chúa xin được uống Tình Yêu của nhân thế. Một Thiên Chúa như thế, có thể vi phạm tự do của ai không? Hỏi tức là đã trả lời!
Thân ái chào bạn.
* PHỤ LỤC
Phần trên, chúng ta có nhắc tới quan niệm về Tự do con người của J.P.Sartre. Đó là cả một học thuyết sâu sắc và tinh vi, nhưng ta chỉ xét đến một luận điểm tóm tắt như sau: TỰ DO phải là tuyệt đối, nếu bị hạn chế, dầu chỉ là một chút thì cũng không còn là tự do nữa. Vậy Thiên Chúa sẽ là một hạn chế rất lớn cho tự do con người, vì con người chỉ có tự do chọn lựa hay từ chối những giá trị siêu việt do Thiên Chúa thiết lập ra trước mà thôi. Trong khi theo Sartre con người chỉ có thể có tự do khi chính tự mình chẳng những chọn lấy hay khước từ những giá trị siêu việt do Thiên Chúa thiết lập ra, mà còn phải được cả quyền thiết lập ra tiêu chuẩn của giá trị đó nữa: nghĩa là cái gì con người cho là giá trị thì giá trị, chứ con người không phải phục tùng một nấc thang giá trị nào có sẵn, từ ngoài, từ trên thiết lập ra trước cả.
Trước quan điểm lý luận này, chúng ta xin góp một vài suy nghĩ như sau:
1. Về vấn đề giá trị siêu việt
Mất tự do không phải ở chỗ là tự phải phục thuận một nấc thang giá trị không do mình đặt ra, mà là ở chỗ bị ÉP BUỘC, CƯỠNG BỨC phải chấp nhận một nấc thang giá trị mà mình không đồng ý. Ví dụ: bắt buộc ta phải khen hay một bản nhạc mà trong thâm tâm ta cho là dở, thế là mất tự do; còn như khen hay một bản nhạc do người khác làm ra, nhưng CHÍNH MÌNH công nhận quả thực là hay và chính mình thực sự lấy làm thích thú, thấy như được nâng cao lên mỗi khi nghe nó và tự hào mình quả là tay sành nhạc khi biết thưởng thức bản nhạc ấy, thì sao lại gọi là bị hạn chế tự do!
Vấn đề thiết tưởng không phải ở chỗ nấc thang giá trị do đâu mà có mà ở chỗ người khác có để cho mình tự dùng ánh sáng lý trí, dùng óc phê phán của mình mà thẩm lượng hay bắt buộc mình nhắm mắt lặp lại theo kiểu nhồi sọ. Thiên Chúa chẳng nhồi sọ ai cả! Thiên Chúa chỉ kêu gọi con người đừng để cho dục vọng làm mờ ám lương tri, mà thẩm lượng sai lầm các giá trị mà thôi! Hơn nữa, Thiên Chúa còn dọi thêm ánh sáng cho con người để con người được sáng suốt hơn trong việc chọn lựa, mà chắc ai cũng đồng ý rằng sáng suốt là một yếu tố căn bản của sự tự do trong lúc chọn lựa. Người gian trá đánh lừa kẻ khác mới hạn chế sự tự do, chứ Đấng chân lý soi sáng trí tuệ con người thì đâu có giới hạn tự do của con người, trái lại còn giải phóng tự do con người khỏi u mê lầm lạc nữa!
2. Có lẽ ảnh hưởng Duy đạo đức phi ngã (moralisme impersonnel) theo kiểu mệnh lệnh tuyệt đối của Kant (impératif catégorique) đã tạo ra một ấn tượng sai lầm cho rằng các giá trị là một mớ hệ thống siêu việt trong một siêu giới phi ngã nào đó, áp đặt lên, in sâu vào lương tri con người một cách ngoại thuộc (hétéronomie) nên mới nghĩ rằng chấp thuận các giá trị là vi phạm tự do con người.
Quả vậy, nếu các giá trị (dù cao siêu mấy như kiểu một linh niệm “Thiện” phi ngã) chỉ là một cái gì trừu tượng phi ngã, ra lệnh một cách tuyệt đối thì con người có tự do, vượt lên trên giá trị. Nếu bắt con người phải phục thuận, phải hướng về cái giá trị ấy thì thực sự đã vi phạm đến tự do con người. Chính vì thế, ta có thể đi đến kết luận này: Chỉ có một Thiên Chúa hữu ngã, tự do mời gọi sự đáp ứng tình yêu trong tự do, mới là nền tảng khả dĩ làm cho cả hệ thống giá trị không vi phạm đến tự do con người. Vì vậy, trong đời sống tín hữu đâu có phải chấp thuận một hệ thống giá trị (lề luật, giới răn) là điều chính, mà điều chính là yêu Thiên Chúa và tha nhân! Tất cả mọi giá trị khác chỉ có giá trị trong mức độ thể hiện tình yêu ấy mà thôi (xem Lc 13,1). Tất cả lề luật chỉ rút gọn vào có một giới răn duy nhất là YÊU MẾN. Thế mà như trên đây ta đã nói: tự do là điều kiện của tình yêu và tình yêu là thể hiện cao nhất của tự do. Thực vậy, đâu phải giá trị là nguồn gốc của tình yêu, trái lại tình yêu mới là nguồn gốc của giá trị. Chúa yêu ta đâu phải bởi ta có giá trị gì, nhưng chính nhờ tình yêu của Chúa mà ta nên giá trị. Cũng một lẽ tương tự, đâu có phải ta yêu Chúa vì Chúa là nơi tập trung các giá trị trừu tượng, song sở dĩ ta phục thuận các giá trị là vì ta yêu Chúa, mà các giá trị thì bắt nguồn từ Chúa mà Chúa là một ngã vị tự do chứ không phải là một giá trị tuyệt đối và phi ngã như linh niệm Thiện của Platon. Thiên Chúa là nguồn mạch các giá trị, tình yêu của ta đối với Chúa là động lực làm cho ta tự do phục thuận các giá trị (như thế một phần nào, chính ta yêu các giá trị qua Thiên Chúa), nên các giá trị mới trở nên giá trị, nghĩa là gần như chính ta có quyền (qua tình yêu Thiên Chúa) tự do định mức định chuẩn cho các giá trị vậy!
Chắc hẳn J.P.Sartre sẽ bằng lòng! Có lẽ J.P.Sartre chỉ nhìn con người qua một nhân sinh quan duy đạo đức nên không thấy rằng: Thiên Chúa Tình Yêu tự do chính là ở chỗ cho con người được tự do hoàn toàn. Cùng với Tình Yêu Thiên Chúa con người vượt lên trên tất cả các giá trị, thẩm lượng các giá trị và giá trị hoá mọi sự. Chính Tình Yêu Thiên Chúa đã giải phóng con người thoát khỏi ngay cả sự nô lệ (theo như J.P.Sartre nói) các giá trị đạo đức! Có lẽ chính nhờ J.P.Sartre mà ta lại thấy rõ hơn chân lý này: Chính sự hiện hữu của Thiên Chúa như một Đấng tự hữu, tự do tuyệt đối ban phát tình yêu mời gọi con người tự do đáp lại tình yêu (yêu Chúa và tha nhân) là nền tảng, là nguồn mạch, là bảo đảm cho tự do con người ngay cả đối với các nấc thang giá trị đạo đức. Trái lại, nếu không có Thiên Chúa, tự do con người có thể bị hạn chế bởi những thang giá trị ấy như J.P.Sartre đã nghĩ rất đúng. Và từ đó ta lại có thể rút ra một kết luận khác: nếu đào sâu về mầu nhiệm tự do con người, chẳng những ta không phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, trái lại chính sự kiện con người có tự do lại là một biểu hiệu, một dấu chỉ của Thiên Chúa ở trần gian này, một chứng cớ cho ta thấy rằng Thiên Chúa hiện hữu.
3. Cuối cùng, chúng ta có thể kết luận như sau:
- Sở dĩ ta tin rằng con người có tự do thật, chứ không phải chỉ là một ấn tượng chủ quan, ảo tưởng, là vì có Thiên Chúa Tình Yêu tự hữu, tự do làm nền tảng, làm nguồn mạch, đã mặc khải cho ta mầu nhiệm tình yêu, tức là mầu nhiệm tự do.
- Còn sở dĩ ta tin có Thiên Chúa Tình Yêu tự hữu, tự do là vì ta có một dấu vết, một hình ảnh, một biểu hiện của sự tự do tuyệt đối ấy, đó là sự tự do của con người chúng ta mà chúng ta trực nghiệm được như một sự kiện ở nơi chúng ta.
4. Nếu bạn muốn suy nghĩ thêm về luận điểm tự do của J.P.Sartre, bạn có thể đọc thêm bài “TỰ DO CON NGƯỜI VÀ VẤN ĐỀ THƯỢNG ĐẾ” trong cuốn “HAY LÀ HUYỀN THOẠI” do Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X xuất bản năm 1975.
[Về mục lục]
V. VIÊN THỤC: HIỆN HỮU, MẾN YÊU VÀ THỜ LẠY
(Phỏng dịch theo bài “MATURITÉ: ÊTRE, AIMER et ADORER” của Rolande Lamarre OSC)
Nhiều lúc chúng ta có cảm tưởng rằng văn minh, khoa học và kỹ thuật ngày nay đưa thế giới chúng ta đi tới chỗ tiêu hao càng ngày càng trầm trọng những nguồn sinh lực căn bản của con người. Con người của thời đại này càng ngày càng cảm thấy tìm lại cho được « CHÍNH LÒNG MÌNH! » nối tiếp lại với những cội rễ sâu xa để tìm thấy lẽ sống, múc lấy những hứng khởi của niềm tin, của lòng kiên trung chung thuỷ là một điều rất khó. Con người săn tìm hạnh phúc ở một chỗ xa xôi nào đâu ấy, đôi khi rất xa, trong những giấc mơ giàu sang, tự do, tình yêu không bao giờ thực hiện được. Trong lúc ấy thì nguồn hạnh phúc lại ở rất gần mình, gần gũi đến nỗi mình không biết nhìn nhận ra nó nữa! Hạnh phúc chính là ở chỗ đón nhận lấy những thực tại đơn sơ, giản dị, tầm thường nhưng « rất thật » của cuộc sống hằng ngày, trong một tâm hồn biết mở rộng ra cho tình yêu Thiên Chúa và anh em.
Người tu sĩ cũng vậy thôi! Nghĩa là ngay trong chính bản thân mình cũng phải « đối đầu » với cái thế giới đang tìm kiếm và cái điều gì là « cốt yếu » ấy! Người tu sĩ cũng là một con người đi tìm ý nghĩa của mình đối với chính mình, đối với kẻ khác, đối với xã hội, và chung quy là đối với Thiên Chúa. Hơn ai hết, người tu sĩ phải là chứng nhân cho thế giới này về một ý nghĩa căn bản sâu xa, một ý nghĩa có tầm mức tiên tri, thiên sứ.
« Điều chính là phải cho đi đến tận cùng chính bản thân mình » (Cha sở họ Ars).
Sự triển nở bản thân là một quyền lợi của nhân vị con người. Còn đối với chúng ta là những Kitô hữu, « vui sống » là một bổn phận. Nhưng!!! Sự triển nở, niềm vui mà chúng ta nói đây là triển nở như thế nào, niềm vui thuộc loại nào? Chúng ta cần phải biết chúng ta hiểu như thế nào về các từ ngữ « thể hiện nhân ngã vị của con người », « hoàn thành bản thân », « trưởng thành », đó là những từ ngữ đã trở thành cái « mốt » mà chúng ta phải hết sức thận trọng khi sử dụng chúng.
« Việc sử dụng một cách bừa bãi những từ ngữ « trưởng thành », « quân bình »… làm cho chúng ta tự mân, nhưng nhiều lúc chỉ giản lược con người theo hình ảnh khuôn mẫu được quy định theo sự đòi hỏi của một sự thích nghi xã hội nào đó thôi! Thực ra, trạng thái trưởng thành và quân bình tâm lý không phải là trạng thái an ủi, không hề có sự xung đột nào, không hề có sự xung đột bên trong nào, không hề có sự căng thẳng bên trong nào, không hề có sự băn khoăn nào! Không phải như vậy! Thành ngữ trưởng thành về cảm tính quá nhiều khi chỉ là cái lý tưởng của cuộc đời phẳng lặng, như một mặt biển lặng như tờ, phóng lên hình ảnh ấy của một giấc mơ, một cuộc sống mình hoàn toàn làm chủ được tất cả, luôn luôn bình an, bình an vô sự! Cái lý tưởng một tâm lý viên thục nhiều khi chứa chấp một thứ « ấu trĩ » rất tinh tế của một người không chịu đựng bất cứ một sự xung đột nào hay một nỗi đau đớn nào về tâm lý ».
Nếu chúng ta săn tìm hạnh phúc như vậy thì chỉ là một điều « không tưởng ». Đó là một sự « thể hiện » không thể có được! Vả chăng cũng quả là một khiếm khuyết chẳng đầy đủ một chút nào cả! Vì chúng ta không thể bằng lòng chỉ làm chứng nhân cho một lý tưởng của một sự quân bình ở tầm mức con người nào đó mà thôi! Một sự quân bình mà với những phương pháp tự nhiên, với sự giúp đỡ của các « kỹ thuật gia » tâm lý, người ta có thể đạt tới được. Đành rằng, trong việc tìm hiểu lại ý nghĩa đời sống tu trì của chúng ta, chúng ta phải thâu nhận những cái gì là có giá trị trong quan niệm về con người trong thời nay. Những năm gần đây, tất cả chúng ta đều tin quyết rằng cần phải có những sự thay đổi để đem lại cho các cộng đồng của chúng ta một bầu không khí lành mạnh thực sự về mặt nhân bản để giúp chúng ta tìm gặp Thiên Chúa một cách thuận lợi hơn, vì kinh nghiệm cho ta thấy rằng: ở đâu có sự hiện diện của tình người, một cách súc tích, thì ở đó có sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trong nhiều lãnh vực, đã thực hiện những cải cách theo chiều hướng mềm dẻo, nhất là ở những điểm mà có những trở ngại cho việc thể hiện nhân bản cũng như siêu nhiên của người tu sĩ. Nỗ lực lớn lao ấy dựa vào những phát kiến gần đây của các khoa học nhân văn về các điều kiện thể lý, tâm lý và xã hội của con người chúng ta. Sự soi sáng ấy cần phải có: đó chẳng những là hữu ích mà còn là cần thiết nữa. NHƯNG! Sự soi sáng đó đòi hỏi một sự soi sáng khác, mà nếu không có sự soi sáng thứ hai này thì chúng ta mới chỉ đi được một nửa chặng đường mà thôi! (Vả chăng trong giới tu sĩ có một sự không được thoả mãn khá phổ biến làm cho chúng ta phải xem xét vấn đề một cách nghiêm túc). Chúng ta phải đi tìm kiếm xa hơn những điều kiện hoá chỉ ở bình diện nhân bản mà thôi! Nếu không thì chúng ta sẽ không gặp được câu trả lời đang âm ỉ trong thâm tâm chúng ta, câu trả lời duy nhất có thể cứu độ chúng ta.
Đối với những tu sĩ sống đời chiêm niệm trong khung cảnh một tu viện kín (và đối với những tu sĩ nào cũng tương tự như vậy), chúng ta phải thận trọng kẻo rơi vào cái tệ biến đổi cái nhu cầu được phát triển đích thực trong bàn tay Thiên Chúa trở thành những sự thoả mãn không đích thực. Có lẽ chúng ta đã từng tưởng rằng sự triển nở, sự hạnh phúc của chúng ta sẽ mang hình thức một sự nghỉ yên phúc lạc trong sự yên ủi và sự bình an của nội tâm! Và một sự ngộ nhận như vậy vẫn còn ăn khá sâu trong đầu óc của một số đông sống ở ngoài viện tu. Đối với họ (và có lẽ với chúng ta nữa!) « Phần tốt nhất mà chúng ta đã chọn » sẽ bị giản lược thành một thứ an toàn và bình an đáng thèm và sở dĩ có được là ở chỗ trốn thoát khỏi những xáo trộn tranh chấp của trần gian, một sự bình an mà trong đó chúng ta nghỉ ngơi và nếm hưởng sự an ủi dịu ngọt trong sự thân mật với Thiên Chúa! Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên về sự ngộ nhận ấy, vì sự ảo tưởng ấy vẫn còn ăn sâu, ngay cả đối với chúng ta. Và cứ như thế cho đến lúc chúng ta sẽ đau đớn đụng chạm với thân phận của kiếp người! Và rồi cho đến ngày ân sủng sẽ cho ta được, ngay trong chính chốn sâu thẳm của lòng ta cũng như trong đời sống cộng đồng, san chia nỗi khắc khoải, những xung đột, những phấn đấu và niềm cậy trông của cái trần gian bị đảo lộn là cái trần gian của chúng ta hết thảy chẳng trừ ai! Chúng ta, người tu sĩ, cũng phải lao khổ dựa vào cuộc chiến đấu cam go của tất cả mọi người (và tu sĩ vốn là đội quân cảm tử tiên phong lại càng phải gặp gay go hơn nữa!).
Sự giáp trận với cái thực tại tầm thường ấy nhiều khi là cả một sự thức tỉnh khá phũ phàng đối với nhiều kẻ trong chúng ta. Một vài người sẽ tưởng rằng: Thế là tất cả đều sụp đổ: nghỉ ngơi, bình an, tĩnh mục và ngay cả tình yêu Thiên Chúa nữa! Nhưng thực ra đó chỉ là một vết nứt rạn, nhưng chính xuyên qua đường nứt rạn ấy mà một luồng gió mới sẽ được thổi vào: một cái nhìn mới về chính mình và về kẻ khác sẽ xuất hiện, và cái nhìn mới ấy sẽ lật nhào rất nhiều những điều xác quyết của chúng ta trước kia. Nếu đời chúng ta quả thật sẽ trở nên đúng bản chất của nó thì nào chúng ta phòng trước được gì. Đời chúng ta là một sự gặp gỡ: « Đấng không ngờ trước được », là sự trả lời cho một « Ai nào đó tự do tuyệt đối » mà những ý nghĩ không phải là ý nghĩ của chúng ta và đường đi cũng không phải là đường đi của chúng ta. Nếu là như thế thì ta còn lo dự trù tính toán trước nỗi gì?
« Lề luật đời sống chúng ta có thể tóm tắt như sau: Hãy trở nên chính mình » (T.Merton: Mình như thế nào hãy trở nên như thế ấy). Vật nào cũng mang trong mình quy luật của sự hoàn thành chính mình. Quy luật ấy được ăn sâu vào từng thớ nhỏ của cơ cấu bản thân. Hạnh phúc, đời sống chân thực cốt yếu là ở chỗ vươn lên, hướng tới cứu cánh mà Tạo Hoá đã quy định một cách trung thực hướng tới những nhu cầu sâu xa của bản tính.
Quy luật ấy được xác nghiệm ở tất cả mọi giai tầng của mọi tạo vật. Tiểu sử của một con người trong sự diễn tiến của nó, chính là tiểu sử của sự tự do của người ấy. Chân lý ấy chúng ta có thể xét nghiệm được dễ dàng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, Mỗi một giây phút đều mời gọi sự tự do của ta dấn thân để thể hiện. Mỗi một giây phút chúng ta đều nghe một lời kêu gọi, và chúng ta có nhiệm vụ phải trả lời, một câu trả lời luôn luôn mang đầy ý nghĩa. Thế mà thường thường chúng ta ít khi ngờ đến! Dù trong sáng và an vui hay đau thương và đầy hỗn tạp, dù hay thay đổi bất thường và thiếu can đảm thì sự trả lời ấy cũng là đưa bản thân chúng ta vào một cuôc dấn thân.
Điều ấy không phải là một khám phá mới của khoa tâm lý thực nghiệm. Vì xưa thánh Grégoire de Nysse đã dạy rằng: « Mỗi một chúng ta sinh ra do sự tự lựa chọn lấy mình vì chúng ta ‘tự sinh đẻ’ ra chúng ta đúng như chúng ta muốn thế nào, thì ra thế ấy ». Con người được trao cho sự hiện hữu với cái sứ mệnh là tự thể hiện lấy chính mình do sự lựa chọn của chính bản thân mình. Vì chỉ có một cách để sống thực sự tự do của mình, là nhất quyết tự nguyện, tự do ở lại dưới sự chi phối của Đấng đã quy định mình phải tự mình trở nên chính bản thân mình.
Vậy mà, tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm bản thân về sự bất nhất của chính mình, chúng ta đều thể hiện rõ ràng trong một sự kinh hoàng cái khả năng khước từ đáng sợ của chúng ta. Lời kêu gọi sâu xa hướng tới Thiên Chúa không thể nào dồn ép được lời kêu gọi hướng tới thực tại in sâu trong hiện hữu bản thân ta, chúng ta có khả năng từ chối không đáp ứng lại. Và cái nguy hại chẳng những là không tồn tại hoặc làm sai lệch chính hữu thể của chúng ta mà lại còn là phó mặc chính mình ta cho những quyến lực chỉ làm ta trở thành nô lệ mà thôi. – Và sự tự do của ta, mặc dầu nó có thật, nó phải tự nhận mình là yếu đuối không vững chắc và bị phân tán. Trong sự khiêm tốn sâu xa, nó phải ẳm nhận lấy cái trọng trách khủng khiếp của mình với tất cả cái bấp bênh: đó là đưa toàn bộ bản thân của ta đến cứu cánh của nó, dẫn nó tới sự phát triển vẹn toàn, tới chỗ thể hiện đầy đủ bằng cách sở đắc lấy những gì xảy đến trong sự hiện thực của cuộc đời mình. Và tự đáy sâu thẳm của bản thân sẽ luôn luôn tung vọt vọng lên lời kêu gọi vươn lên một vùng tự do rộng lớn hơn, luôn luôn có tính cách thiêng liêng hơn, lời kêu gọi một dự vượt xa hơn một sự ổn định với chính mình một cách quá ổn, lời kêu gọi phó mình theo tiếng gọi của Thánh Linh.
« Mỗi một người sẽ phải tự mình quyết định lấy » (G.Marcel).
Từ cái kinh nghiệm bản thân về sự tự do của chúng ta, dần dần sẽ toát ra một cái « hình ảnh về chính mình ». Cái hình ảnh ấy sẽ tạo thành như một điểm tựa để chúng ta quy hướng về trong mọi tình huống của cuộc sống chúng ta. Và đó là một yếu tố ổn cố thiết yếu giữa những dao động của chính bản thân ta cũng như tất cả những gì ở chung quanh ta. Nhưng đồng thời cũng là một sức năng động luôn tiến hoá và thích nghi, luôn luôn tổ chức đi tổ chức lại chính đời sống nội tâm của ta để làm cho nó đáp ứng đúng với cái thực tại kinh nghiệm của ta. Để có thể đạt tới một sự nẩy nở toàn diện của một bản lãnh được kết cấu vững chắc biết mình là gì, mình muốn gì, mình đi đâu thì điều quan trọng là cái « hình ảnh về chính mình » phải trung thực.
Sự tự do trung thực với chính mình luôn luôn bị đe doạ. Sự thực về chính mình có thể bị bóp méo, và quả thực là có cái nguy hại là chúng ta sẽ biến chuyển theo những tiêu chuẩn và những thang giá trị vay mượn của kẻ khác. Vì kẻ khác luôn trưng bày những khuôn mẫu tiền chế bắt chúng ta tuân theo như là mô phạm của chính chúng ta, chúng ta cũng có thể quan niệm sự thành công theo kiểu như vậy. Chúng ta có thể đánh giá sự thành bại theo dư luận quần chúng thông thường. Chúng ta cho là thành công cái gì đem lại sự kính nể hay những lợi lộc vật chất hay tinh thần. Nếu chúng ta tỏ ra rằng mình là khác với cái gì người ta trông đợi nơi chúng ta, tất nhiên là chúng ta làm mất lòng họ và sẽ bị lôi cuốn vào một chuỗi dài khó khăn. Và lúc đó thì làm sao mà chẳng thấy chi bằng tiện hơn, chắc chắn hơn là cứ trình bày ra cho họ một cái hình ảnh của chúng ta mà họ có thể chấp nhận được và hợp điệu hơn? Nhưng như vậy thì sự trung thực sẽ bị hy sinh, đồng thời sự triển nở thực sự của ngã vị bản thân cũng sẽ bị hy sinh.
Sự tự do của kẻ dám tự khẳng định chính mình đối với những thói quen máy móc của tập thể, đối với sự ích kỷ bè nhóm và đối với tất cả mọi áp lực xã hội là một sự chiến thắng huy hoàng trên một sự nô lệ khủng khiếp, tinh tế và nhiều lúc vô ý thức. Điều quan trọng là luôn giữ cho mình được tự do. Vì sự tự do của chúng ta không bao giờ bị hoàn toàn lệ thuộc vào những sự điều kiện hoá bên ngoài. Trong một vài trường hợp nào đó kiên trì là một điều không phải tầm thường, nhưng chúng ta còn có thể làm hơn nữa. Chúng ta tất cả đều có khả năng để trung thành trong sự khiêm tốn với những gì mà ngày hôm nay, trong sự nghèo nàn của nó còn cho phép chúng ta muốn và làm. Cái ngày hôm nay ấy có thể là có tác dụng tha hoá, nhưng nó cũng có thể giúp chúng ta ngưng tụ hồi quy chính mình vào cái điều cốt yếu dự phòng của cuộc đời nhân bản của chúng ta: trong niềm tin và cậy, chúng ta mở rộng tâm hồn chúng ta hướng về những gì là sự thực của mọi người, mọi vật. Lúc ấy chúng ta sẽ phát hiện ra điều này: Điều quan trọng không phải ta làm gì, mà ta làm như thế nào, và có lẽ chỉ cần biết ở lại sống « cư ngụ bằng an trong hiện tại với một thái độ gần như ‘vô cầu’ », để tìm ra được tất cả những tiềm năng, nguồn mạch của niềm vui thực sự và của sự tự do luôn phát khởi.
Quyết định đời sống chiêm niệm trong một tu viện nào đó, gia nhập vào trong những điều kiện sống nào đó, với những đòi hỏi của một môi trường nào đó, tất cả những yếu tố đó đều có giá trị của nó cả, tuy nhiên những yếu tố ấy cũng hàm chứa cái nguy hại là có thể làm xoá nhoà mất cái bản ngã của mỗi người và biến thành thụ động tuỳ theo môi trường có tác dụng tạo nên những cấu trúc hay làm hư hỏng méo mó. Vì vậy, thật là một điều rất đáng mừng khi thấy ở giữa chúng ta đã tạo nên được một bầu khí tự do, lành mạnh, trung thực nhận lấy trách nhiệm của mỗi bản thân, cho phép mỗi người được trở nên thực sự là chính mình với tất cả sự đơn sơ và chân thực, được sống những giá trị của bản thân đặc sắc đối diện với cách sống của kẻ khác trong sự tôn trọng kính nể lẫn nhau.
Cũng nên ghi nhận rằng những sự trao đổi với nhau giữa chúng tôi có hướng tạo nên những tương quan liên ngã vị, vì chúng trở nên đơn sơ, tự phát, thực sự là « nhân bản » theo cái ý nghĩa tốt của tù ngữ ấy. Nhờ vậy mà bao nhiêu tài năng phong phú đã được phát hiện ra nơi chính các đương sự và cũng đã được lưu thông giữa cộng đoàn nhằm phục vụ lợi ích chung. Sự khôn ngoan của các người đi trước, cùng với tính năng động của kẻ đi sau hoà hợp với nhau trong một sự quân bình theo một sự yêu cầu đòi hỏi sâu xa. Chúng ta có thể nói đến một « bí tích huynh đệ (tỷ muội) » mà qua bí tích ấy sự gặp gỡ Thiên Chúa đã được xét nghiệm một cách nghiêm túc. Thánh Phanxicô Assise vẫn thường nhắc đi nhắc lại rằng: « Đâu có anh em, ở đó có Thiên Chúa ». Đi vào cái thế giới của các mối tương giao, cái thế giới luôn luôn được mở rộng rãi thêm lên hàm chứa một sự xác quyết của đức ái huynh đệ, đức ái ấy đòi hỏi chúng ta phải đối diện với cái thực tại đúng như nó có thật chứ không phải theo như điều ta mơ ước tưởng tượng. Những kẻ khác có thực ở đó, thực là sống động, và với họ là tất cả cái thực tế nó đòi hỏi mời gọi tôi với tất cả những sự phức tạp và bất ngờ. Cái thực tại xâm nhập vào tôi từ mọi phía và qua cánh cửa mở ra hướng về kẻ khác ấy, cái thực tại đó thúc bách tôi phải trở nên trung thực trong một sự trong sáng và một thái độ sẵn sàng luôn luôn mở rộng ra hơn mãi. Không cần phải nói nhiều, nhất là lời nói chỉ là để mà luôn đổ ý nghĩ của ta vào người khác. Nhưng biết lắng nghe, để dành cho kẻ khác hiện hữu đem lại cho họ một niềm vui, do sự đón nhận niềm nở đem lại, do sự hiện diện ưu ái dù là lặng lẽ; như thế mới là mở cánh cửa hướng về kẻ khác, mới là thực sự đi vào mối giao cảm với họ, như thế mới là đi sâu xa hơn vào thực tại, và đi sâu vào cho đến tận cái thực tại to lớn duy nhất tức là đi vào Thiên Chúa vậy.
« Ai muốn sự sống mình sẽ mất sự sống ấy » (Lc 9,24).
Chúng ta được mời gọi đi vào một cuộc mạo hiểm Tình Yêu với Thiên Chúa, một Thiên Chúa hoàn toàn khác, một Thiên Chúa có ngã vị đem lòng yêu mến con người, và lôi cuốn con người đến với Ngài như đến cứu cánh và sự phúc lạc tuyệt đối của chính con người. Cứ để cho cái chân lý đào luyện và hướng dẫn chúng ta, cái chân lý đến từ khắp nơi nhưng chung quy đến từ trái tim Thiên Chúa, đó chính là sự khôn ngoan đích thực. Chúng ta là những kẻ được tạo dựng nên để nhắm đến một động tác duy nhất thực sự là cốt yếu: đó là nhìn nhận ra và đón nhận lấy mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, nhưng chúng ta cũng thấy tất cả sự khó khăn của việc ấy. Chúng ta sợ sự tuân phục và hiến dâng vô điều kiện mà việc ấy bao hàm chứa đựng chúng ta sợ sự khiêm nhượng và lòng quảng đại triệt để mà việc ấy đòi hỏi. Nhìn nhận Thiên Chúa, tức là dấn thân vào một cuộc phiêu lưu bất ngờ choáng váng đối với kinh nghiệm kiếp người chúng ta.
Chấp nhận rằng Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta, thực sự là một sự quyết định làm đảo lộn tất cả, một sự quyết định làm thay đổi hẳn ý nghĩa và phương hướng của cả một cuộc đời. Chấp nhận điều ấy là một việc không phải tức thời mà thực hiện ngay được. Đôi khi phải trải qua một cuộc phấn đấu lâu dài… Nhưng như nhà triết học Paul Ricoeur đã nói: « Ai chưa ‘vật lộn’ với Thiên Chúa, thì chưa thực sự tìm Ngài ». Ngài là Chúa, nói thế là đủ rồi. Tức là có ý nói rằng: Ngài không phải là, không thể nào lại là như chúng ta mong đợi Ngài sẽ là theo như ta muốn. Nghĩa là một Thiên Chúa đặt chúng ta vào nơi an toàn, một Thiên Chúa gìn giữ ta khỏi mọi ảo tưởng, một Thiên Chúa mà ta có thể sử dụng tuỳ thích theo những nhu cầu thiết yếu của ta… Một Thiên Chúa như thế chỉ có ở trong giấc mơ, trong ảo tưởng của chúng ta mà thôi! Một Thiên Chúa như vậy quá giống như chúng ta để có thể là thật có được… Phải đưa tất cả bản thân của chúng ta ra mới có thể chấp nhận, nhìn nhận được rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa, là Chủ, là Thầy, và như vậy phải đi đến một sự lệ thuộc hoàn toàn vào một Thiên Chúa vượt quá chúng ta và làm chúng ta ngỡ ngàng vì Ngài sẽ phá vỡ mọi dự trù của chúng ta.
Vì chúng ta mãi quá lo lắng triển nở một bản ngã chỉ có trong lý tưởng, không hiện thực, và đeo đuổi những mục đích ảo tưởng, chúng ta sống mà giả vờ như không hề biết gì về cái cung cách hành động của Chúa cả. Chúng ta chẳng khác gì những kẻ đui mù trong công việc phải đón nhận cái thực thể của chúng ta, cái thực thể mà Thiên Chúa đã định hướng sẵn cho chúng ta từ muôn thuở, cái thực thể được mời gọi đi vào sự sống, sự ý thức của cái giá phải trả của một sự sinh đẻ đau đớn, một sự từ bỏ đối với những sự hình dung tưởng tượng của chúng ta, tuy đẹp đẽ nhưng hư ảo, và chỉ là những mặt nạ mà chúng ta khoác lấy để trình diện cho nhân thế mà thôi. Mọi việc đều xảy ra khác hẳn, không như điều chúng ta đã trù liệu, và chúng ta chìm ngập trong lo sợ vì chúng ta không biết điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Cái việc phải dẹp bỏ những tính toán của chúng ta để đi vào những dự tính của Thiên Chúa, đối với chúng ta, chúng ta tưởng rằng đó là một sự thất bại không phương pháp cứu vãn. Chúng ta thấy bất cứ gì cũng còn hơn là cái nhảy lao đầu vào khoảng không như vậy. Vì quá ánh sáng rõ ràng thì vẫn hơn bóng tối bao phủ mà chúng ta tưởng đâu phải gặp. Sự bảo đảm của những dự tính khôn ngoan của chúng ta thì vẫn hơn là bước đi một cách phi lý trong cái sa mạc xa lạ!
Dân Do Thái xưa, trong cuộc Xuất hành cũng có lập luận y hệt như vậy: « Xin hãy để chúng tôi yên! Chúng tôi thích làm nô lệ dân Ai Cập! Chúng tôi thấy làm nô lệ thì còn hơn là bị tiêu diệt trong sa mạc… Chớ gì chúng tôi được chết trong tay Thiên Chúa trong lúc chúng tôi ngồi trước những nồi đầy thịt và ăn no nê! Chứ bây giờ Ngài đưa chúng tôi vào cái sa mạc này để làm cho chúng tôi chết đói ». Và Thiên Chúa cũng trả lời như xưa, không bao giờ thay đổi từ cái thuở của đoàn dân cứng đầu không chịu nghe lời Ngài: « Nếu ngươi nhận lấy của ăn mà Thiên Chúa dọn cho ngươi ở trong sa mạc ấy, bánh ăn là sự khắc khoải, nước uống là sự gian nguy thì tức khắc Ngài sẽ không ẩn mình nữa và con mắt ngươi sẽ nhận thấy rõ Đấng dạy dỗ ngươi » (Is 30,20).
Thuận theo Thiên Chúa, như là Chúa, là Chủ, là Thầy của tất cả mọi sự tức là cùng với Ngài bước vào một mầu nhiệm và những tiêu chuẩn quen thuôc của chúng ta không còn có giá trị nữa và không còn có một vai trò nào nữa cả. Thánh Kinh đầy dẫy những con người qua cái kinh nghiệm bị « bắt chụp » bởi Thiên Chúa hằng sống. Bị dồn vào bước ngặt nghèo cùng cực tột độ, Gióp đã chất vấn Thiên Chúa với tất cả sự cậy dựa chắc ăn của sự công chính của ông ta: « Ngài đã trở nên tàn nhẫn đối với tôi! Bàn tay cứng cỏi nặng nề của Ngài đè nặng lên tôi! » (G 30,21). Và Thiên Chúa đã không có câu trả lời nào khác là tỏ rõ cho biết Ngài là ai: « Kẻ nào đó mà lại cả dám lộn xộn xen vào tranh luận bàn bạc với Ta bằng những lời lẽ chẳng có nghĩa lý gì cả? Chứ khi Ta tạo dựng nên quả đất thì khi ấy ngươi ở đâu? » (G38,2.4). Bị thua vì những lập luận dứt điểm của Giavê, Gióp đành phải tuyên xưng: « Tôi biết Ngài là Đấng toàn năng… Tôi đã phát ngôn ngu xuẩn bừa bãi vì những sự kỳ diệu vượt quá tôi rất xa, mà tôi không hiểu nỗi. Trước kia tôi chỉ biết Ngài qua những điều nghe kể lại, nhưng bây giờ thì chính mắt tôi đã trông thấy Ngài.» (G 42,2-5). Câu trả lời của Gióp biểu lộ rằng, mặc dầu ông ta đã được một sự nhận thức tường tận mới, mầu nhiệm của Thiên Chúa vẫn hoàn toàn mầu nhiệm, và con người muốn lãnh nhận mầu nhiệm ấy, đòi hỏi phải có đức tin hoàn toàn vô điều kiện và một tình yêu cũng hoàn toàn vô điều kiện. Chính Ngài là Đấng chỉ đường dẫn lối tất cả mọi sự, và không bao giờ Ngài lại hết không còn làm ta ngạc nhiên, ngỡ ngàng.
Tất cả chúng ta đều có ít nhiều CHƯNG HỬNG, ít nhiều hoảng sợ, trước sự xa lạ đầy đe doạ mà sự chuyển biến của đời tu gợi ra cho chúng ta, mà sự chuyển biến của cuộc đời nói chung hiện nay đem lại cho chúng ta. Chúng ta không cố gắng thử đặt lại những câu hỏi có tầm mức căn bản, chúng ta sợ hãi mà tránh né chúng, vì đó là những câu hỏi làm thay đổi tất cả mọi sự, tỉ như câu hỏi mà thánh Phanxicô Assise đã xoay đi xoay lại trong suốt cả những đêm trường: « Lạy Chúa, Chúa là ai? mà con là ai? » Và rồi bao giờ Chúa cũng sẽ trả lời cho những câu hỏi tương tự như vậy, vì những câu hỏi như thế bao hàm rằng người nào đã đặt nó ra, tức là đã nhìn nhận rằng mình không phải là Chủ, là Thầy nữa, Mà thuận tình chịu để bị dẫn đưa đến nơi nào mình không biết, mình không muốn, trong cái ý hướng về tình yêu đối với Thiên Chúa của mình.
Quả vậy, cuộc tình sử của chúng ta đối với Thiên Chúa, phải kinh qua sự chết, sự chết làm cho ta tưởng rằng ta mất mát tất cả. Nếu không như vậy thì cuộc tình sử ấy chỉ là một sự ảo tưởng miên trường, chỉ là một thứ nhân bản nào đó, đơn thuần nhân bản ở bình diện con người trần thế mà thôi. Một thứ nhân bản như vậy, thì dù có khoác bộ áo tu sĩ vào, cũng không có dính dáng gì với mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô. Bất cứ Kitô hữu nào thực sự dấn bước vào cuộc phiêu lưu của Tình Yêu Thiên Chúa và tình yêu mến anh em đồng loại, thì sẽ phải (hay đúng hơn là sẽ được) sống cái sự nghịch lý không sức nào chịu nổi và sự căng thẳng bên trong tâm hồn vốn gắn liền với thân phận (hay đúng hơn với cái vinh dự) của một tạo vật hữu hạn mà lại bị (hay đúng hơn, được) mời gọi hướng về vô hạn!
« Đây mới thực là sự trở lại… phó thác mình, để buông mình bị lôi cuốn vào con đường của Giêsu Kitô » (D.Bonhoeffer).
Đó là con đường bao dung dẫn tôi tới sự Phục sinh, con đường mà ít người thuận tình để cho mình bị lôi cuốn đi theo, con đường mà trên đó Thiên Chúa, về phần Ngài, nhất định Ngài không chút nhân nhượng đối với sự hèn nhát yếu nhược của chúng ta. Tiếng nói của thập giá vốn là một tiếng khó nghe! Tiếng nói ấy kêu gọi ta một cách nghiêm nghị cứng rắn mà ta không nên pha loãng đi! Qua sự chết của Ngài, Đức Kitô đã cho ta thấy phải rứt mình ra khỏi thế gian và khỏi chính bản thân mình như thế nào mới có thể gặp gỡ được Thiên Chúa và hoán cải « hữu-thể-tự-quy » (pour soi) trở thành « hữu-thể-hướng-thiện ». Sự hoán cải ấy không phải thể hiện được nhờ một sự tinh vi (tinh hoa hoá những khả năng của mình) mà phải nhờ một sự thuận tình để cho hư vô hoá, một sự huỷ hoại cái « hữu-thể-tự-quy » của chúng ta.
Muốn làm chứng nhân về chân lý rằng sự thâm nhập đột nhập của Thiên Chúa vào cuộc sống của chúng ta là nguồn mạch một sự giải phóng chứ không phải là một sự tha hoá thì tất nhiên phải bước qua cái ngưỡng cửa ấy, một ngưỡng cửa khủng khiếp nhưng có năng lực giải thoát, cái ngưỡng cửa của sự tự buông mình ra một cách triệt để, của sự tự bước ra khỏi chính mình, của ly tâm khỏi chính cái tâm điểm là mình, của sự nghèo khó triệt để, ở đó bản thân sẽ trở nên một sự sẵn sàng đón nhận cùng biến đổi với Thiên Chúa và đối với anh em.
Bước lên tới điểm này thì đi xa hẳn khỏi sự lo lắng về sự thành công về mặt con người thuần tuý nhân bản, thì rời bỏ thật đã đành, mà ngay cả sự thành công về mặt thiêng liêng cũng vậy! Vấn đề ở đây là vấn đề nên thánh. Và sự nên thánh có thể tạo thành bởi một số rất nhiều thất bại về tất cả mọi bình diện. Nhìn bề ngoài thì có vẻ chẳng có gì là đẹp đẽ, chẳng có gì là thành tựu, nhưng lại sẽ có sự hiện của một Đấng nào đó (một Ai nào đó) bên trong chúng ta, một sự nhịp nhàng điều hoà thầm kín, nhiệm mầu đang thể hiện nhờ quyền lực của Thánh Linh, là Đấng luôn luôn hoạt đông để đổi mới bộ mặt địa cầu.
« Chúng tôi muốn gặp Giêsu » (Ga 12,21).
Ngày hôm nay mọi sự đều mở ra với nhiều triển vọng cho tu sĩ (nam cũng như nữ) hoặc ngược lại tất cả đều xem như bị bế tắc về mặt văn hoá nhân bản cũng như hoạt động xã hội. Đó là điều đáng mừng. Các việc ấy đem ra để phục vụ ngã vị nhân bản cũng như đời sống siêu nhiên, đó là điều rất đáng mong mỏi. Nhưng chúng tôi xác quyết rằng chúng ta không thể chỉ ngừng lại ở điểm ấy, và sở sĩ như vậy là vì chúng tôi nhân danh những đòi hỏi của bản thể sâu xa nhất của chúng ta, những chờ đợi mong mỏi của thế giới ngày nay, và chung quy là nhân danh những đòi hỏi, những mời gọi của Thiên Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đi đến chỗ mở rộng ra hướng về Ngài để đi tới một nhận thức có tính cách quỵết định dứt khoát về bản ngã nhân vị của chúng ta trong Tình Yêu vẹn toàn và vô hạn.
Đức hồng y Suenens gần đây có viết: « Người đồng thời của chúng ta hiện nay muốn gặp mặt một Đức Kitô sống thực. Họ muốn nhìn Ngài tận mắt, sờ mó Ngài tận tay. Và điều khốn khổ cho những Kitô hũu là chúng ta đây, là ở chỗ họ đòi hỏi nhìn Đức Kitô ở nơi chính mỗi một chúng ta, họ muốn rằng chúng ta phải trong suốt để Ngài chiếu xuyên qua như mặt trời qua một bức kính màu. Tất cả những gì mờ tối đen đặc nơi chúng ta sẽ làm sai lệch méo mó khuôn mặt của méo mó khuôn mặt của Đức Kitô. Điều họ trách chúng ta, không phải là chúng ta là Kitô hữu, mà là ở chỗ chúng ta chưa đủ mức, chưa đúng mức là Kitô hữu ».
Thế giới ngày nay, Giáo Hội ngày nay chờ đợi những sự trong suốt để Thiên Chúa chiếu xuyên qua, chớ không phải những con người thượng thặng, những con người muốn thoát thân cho riêng mình với bất cứ giá nào, những con người cố níu kéo lại những cơ chế đang thoát khỏi tầm tay của mình, bám víu vào những chức vụ đã được đồng hoá với chính bản ngã của mình. Không! Họ không chờ đợi những con người như thế, họ chờ đợi những thiên sai, những người chiêm niệm đã nhìn thấy Thiên Chúa và tuyên xưng điều họ thấy, ý thức được mầu nhiệm họ đang sống và họ mặc khải cho anh em đồng loại.
Bí quyết của hạnh phúc và niềm vui Cha Teilhard de Chardin tóm tắt như sau:
« Ngưng tụ lại nơi bản thể,
Tự ly cách với bản thân huớng về tha thể,
Siêu thăng hướng về một Đấng cao trọng hơn bản thân.
Nói cách khác: trước tiên thì hiện hữu,
Sau đến yêu mến và cuối cùng thờ lạy. »

Nguyễn Khắc Dương
  http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/DucTin/62KhoaHoc-LyTri04.htm

Xin mời đọc thêm:

Kinh Thánh Nói Gì Về Ý Muốn Tự Do Của Con Người Và Sự Thưởng Phạt Của Thiên Chúa?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Không có nhận xét nào: