CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Suy Tôn Lời Chúa Lc 20,27-38 – Thứ Tư 6/11/2013



Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật XXXII Thường Niên C – Lc 20,27-38
Thứ Tư – 6/11/2013
CẦU NGUYỆN VÀ XIN ƠN THÁNH THẦN
Lạy Chúa Giê-su, nguyện xin Chúa ban Thánh Thần xuống trên cộng đoàn chúng con, giúp chúng con hiểu và sống Lời Chúa qua bài Tin Mừng với chủ đề NIỀM HY VỌNG PHỤC SINH chúng con suy niệm hôm nay để xứng đáng là Ki-tô hữu, là môn đệ của Chúa. (Cộng đoàn hát: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…)
GỢI Ý TÌM HIỂU TIN MỪNG Lc 20,27-38
A.   LỜI MỞ ĐẦU
Kính thưa cộng đoàn!
Chủ đề của bài Tin Mừng Lc 20,27-38 chúng ta vừa đọc là…
NIỀM HY VỌNG PHỤC SINH
Và Giáo Hội sẽ công bố bản văn Tin Mừng này vào Chúa Nhật XXXII Thường Niên C vài ngày tới đây.
B.   TÌM HIỂU CHI TIẾT
Dựa trên bố cục của đoạn Tin Mừng, chúng ta có hai suy niệm, trước và sau mỗi suy niệm, cộng đoàn chúng ta cùng hát:
HÁT: TÔI VỮNG TIN RẰNG, ĐẤNG CỨU CHUỘC TÔI HẰNG SỐNG, TRONG NGÀY SAU CÙNG, TÔI SẼ TỪ BỤI ĐẤT SỐNG LẠI. (Cung G).
Suy Niệm 1: Nhóm Xa-đốc đặt ra vấn nạn với Đức Giê-su: “Người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai?” (Câu 27-33).
Trước hết, chúng ta nói về nhóm Xa-đốc. Thời Đức Giê-su, họ là một nhóm có ảnh hưởng về mặt tôn giáo. Họ có ảnh hưởng do việc họ phụ trách đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đức tin và đời sống tôn giáo của họ chỉ dựa trên năm cuốn đầu tiên của Kinh Thánh, tức là bộ Ngũ Thư ban bố Lề Luật. Chúng ta có thể kể tên năm cuốn ấy là: Sách Sáng Thế, Sách Xuất Hành, Sách Lê-vi, Sách Dân Số và Sách Đệ Nhị Luật.
Nhóm Xa-đốc không tin có sự sống lại, trong khi Đức Giê-su và nhóm Pha-ri-sêu chủ trương là có (Cv 23,6-9). Để tìm cách minh chứng quan điểm của họ, họ đặt ra cho Chúa Giê-su câu hỏi lố bịch trên đây (câu 33). Câu hỏi này dựa trên Luật Thế Huynh, là luật về anh em chồng (Đnl 25,5-10): Nếu một người chết đi mà không có con nối dòng, thì anh hay em của người ấy phải lấy vợ góa của người ấy.
HÁT: TÔI VỮNG TIN RẰNG, ĐẤNG CỨU CHUỘC TÔI HẰNG SỐNG, TRONG NGÀY SAU CÙNG, TÔI SẼ TỪ BỤI ĐẤT SỐNG LẠI. (Cung G).
Suy Niệm 2: Đức Giê-su trả lời: “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống.” (Câu 34-38).
Đức Giê-su trả lời là cuộc sống sau phục sinh sẽ không như cuộc sống chúng ta hiện đang sống. Những ai “đáng sống lại từ cõi chết” sẽ giống như các thiên thần và sẽ sống mãi mãi (câu 34-36). Như vậy sẽ không cần có các liên hệ hôn nhân hoặc có con để nối dõi.
Chúng ta không được biết nhiều chi tiết về thân xác của chúng ta sau phục sinh. Chúng ta không biết rằng các môn đệ đã nhận ra Đức Giê-su sau khi Người sống lại, mặc dầu có những người khác như hai môn đệ trên đường đi Em-mau đã không nhận ra Người ngay (Lc 24,13-35).
Đức Giê-su kết thúc lý luận của Người bằng cách dẫn sách Xuất hành, một cuốn sách mà nhóm Xa-đốc công nhận là có thẩm quyền. Người dẫn trường hợp ông Mô-sê để minh chứng rằng người chết sống lại. Khi Thiên Chúa phán với ông Mô-sê từ giữa bụi gai cháy bừng, Người mặc khải chính mình là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-xa-ác và của Gia-cóp (Xh 3,6).
Trong câu sách Xuất hành trên đây, các tổ phụ được trình bày như vẫn đang sống. Các người Do-thái thế kỷ I chắc đã hiểu rằng các tổ phụ chưa sống lại từ cõi chết, nhưng vẫn đang sốn với Thiên Chúa trong khi chờ đợi ngày sống lại sau hết. Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, không phải của kẻ chết.
Ki-tô hữu chúng ta thử nghĩ mà xem: Sự phục sinh là một nền tảng của đức tin Ki-tô giáo. Nếu như Đức Giê-su đã không sống lại từ cõi chết, thì chúng ta không có cơ sở để hy vọng rằng, có sự sống sau khi chết. Chúng ta về nhà, mở thư thứ 1 của Thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô, đọc hết chương XV sẽ rõ được biện luận của vị tông đồ này về sự phục sinh. Chúng ta cùng đọc chung một đoạn nói về…
CÁCH THỨC KẺ CHẾT SỐNG LẠI (1 Cor 15,35-53):
35 Nhưng có người sẽ nói: kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về?36 Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống.37 Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác.38 Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý Người muốn: giống nào hình thể nấy.
39 Không phải mọi thể xác đều giống nhau: của loài người thì khác, của loài vật thì khác, của loài chim thì khác, của loài cá thì khác.40 Lại có những vật thể thuộc thiên giới và những vật thể thuộc địa giới. Nhưng vẻ rạng rỡ của những vật thể thuộc thiên giới thì khác, vẻ rạng rỡ của những vật thể thuộc địa giới thì khác.41 Ánh mặt trời thì khác, ánh mặt trăng thì khác, ánh tinh tú thì khác, bởi vì ánh sáng tinh tú này khác với ánh sáng tinh tú kia.42 Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt;43 gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ,44 gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí.
45 Như có lời đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống.46 Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó.47 Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến.48 Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến.49 Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.
50 Thưa anh em, điều tôi muốn nói là xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được.51 Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến đổi52 trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy mà không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi.53Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử.
HÁT: TÔI VỮNG TIN RẰNG, ĐẤNG CỨU CHUỘC TÔI HẰNG SỐNG, TRONG NGÀY SAU CÙNG, TÔI SẼ TỪ BỤI ĐẤT SỐNG LẠI. (Cung G).
Đoạn thư Phao-lô trên đây được xem như Phần Kết Luận, kết thúc bài chia sẻ theo chủ đề NIỀM HY VỌNG PHỤC SINH. Xin cảm ơn cộng đoàn đã lắng nghe.
GỢI Ý ÁP DỤNG
1. SỐNG CHO CHÚA CHỨ KHÔNG PHẢI SỐNG CHO CÁI TÔI ÍCH KỶ
Sống cho Chúa là sống bởi Chúa, sống bằng sự sống phát xuất từ Chúa, sống bằng Thần Khí của Ngài. Sống cho Chúa là sống vì Ngài, vì vinh quang của Ngài. Hoàn toàn ngược lại với cách sống cho mình. Nguyên lý chủ yếu là Thiên Chúa. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Không còn coi mình là trung tâm. Trung tâm giờ đây là Chúa. Ta đặt Ngài làm trung tâm đời mình.
Đức Kitô như Mặt trời công chính, là trung tâm và ngự trị trên muôn loài muôn vật (Kitô trung tâm). Cái tôi phải khiêm tốn hướng về Ngài, chiêm ngắm Ngài, phục vụ Ngài, nhận nơi Ngài Thần Khí ban sự sống, như trái đất nhận từ mặt trời ánh sáng làm cho muôn vật được sống.
Không một ai làm được gì trước cái chết. Chết là hết, như người ta vẫn nói. Nay không còn như vậy nữa, vì “Sự Sống đã chiến thắng Thần Chết, Thập giá đã chiến thắng Địa ngục”.
Mâu thuẫn lớn nhất mà con người xưa nay đều nghiệm thấy, là mâu thuẫn giữa sự sống và sự chết, thì nay mâu thuẫn này đã bị vượt qua. Giờ đây, đối với ta, mâu thuẫn lớn nhất, triệt để nhất, không còn phải là giữa sự sống và sự chết, nhưng là giữa sống cho mình và sống cho Chúa. Từ nay, sống cho mình là chết thực, còn sống cho Chúa là sống thực.
Đối với những ai tin, thì sự sống và sự chết chỉ là hai giai đoạn, hai cách thức khác nhau sống cho Chúa và với Chúa. Giai đoạn thứ nhất là sống cuộc đời trần gian, trong đức tin và đức cậy, giống như của đầu mùa, được coi là giai đoạn khởi đầu. Giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ sau cái chết của mình, mới là giai đoạn chiếm hữu trọn vẹn và vĩnh viễn.
Cho nên, cũng thánh Phaolô đã nói: “Tôi tin chắc rằng cho dầu là sự sống hay sự chết… không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,13). Hiểu theo nghĩa trên đây, thì ngay cả cái chết cũng có thể là một mối lợi, vì cho phép ta được sống với Đức Kitô mãi mãi (Pl 1,21tt).
2. CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN TRONG LUYỆN NGỤC
Sự thanh luyện thuộc về “cánh chung trung thời” bởi vì nó sẽ không tồn tại sau ngày tận thệ thế nữa. Luyện ngục chỉ là thời gian tạm trú. Không ai có hộ khẩu thường trú ở đó cả. Luyện ngục chỉ là một chuyến đò ngang. Thiên Chúa mới là bến bờ. Đời sống vĩnh cửu mới là cùng đích, là phần thưởng Thiên Chúa hứa ban.
Đạo lý về sự thanh luyện thúc giục chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Tập tục này đã có từ cuối thời Cựu ước và trong suốt lịch sử Giáo hội (x. GLCG số 1032; 958; 1371; 1689). Ngoài những hình thức cầu nguyện riêng tư, phụng vụ Giáo hội khuyến khích tục lệ này. Khởi đầu từ Thánh lễ, nơi đó Giáo hội hiệp thông với Các Thánh trên trời cũng như với các linh hồn còn đang chịu thanh luyện. Hằng năm, ngày 2 tháng 11 được dành để cầu nguyện cho tất cả các linh hồn đã qua đời tiếp sau lễ kính Các Thánh. Giáo hội còn dành cả tháng 11 nhớ đến các linh hồn và mời gọi con cái mình cầu nguyện, hy sinh hãm mình, làm việc bác ái như là nghĩa cử biểu lộ lòng yêu thương đối với họ cũng như tình hiệp thông trong nhiệm thể Chúa Kitô.
3. CẦU NGUYỆN CHO LƯƠNG DÂN
Giáo Xứ chúng ta trong những ngày cuối Năm Thánh cũng là Năm Sống Định Hướng Truyền Giáo cho lương dân, Cha Chánh Xứ mở ra chương trình gặp gỡ lương dân tại các Xóm Giáo trong tháng 11, tháng cầu nguyện cho các đẳng linh hồn. Trong buổi gặp gỡ này, Xóm Giáo sẽ cầu nguyện cho những người thân của lương dân đã qua đời, đồng thời để giới thiệu Chúa cho họ. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho những buổi gặp gỡ này, vì họ chưa nhận biết Chúa, chưa đặt niềm tin vào Chúa, họ cũng cần đón nhận ơn cứu độ để được sống vĩnh hằng trên Nước Trời.
LỜI CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1.  "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” (Lc 20,34-35).
2.  “Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” (Lc 20,36).
3.  “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp.38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc 20,37-38).
LỜI NGUYỆN
1.  Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa của kẻ sống, là Đấng yêu thương chúng con vô cùng, chính Chúa đã ban cho chúng con niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, đó là niềm hy vọng sống lại, xin Chúa an ủi và cho tâm hồn chúng con được vững mạnh để chúng con làm và nói tất cả những gì tốt lành theo ý Chúa (2Tx 2.16-17).

2.  Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã chiến thắng sự chết, phục sinh vinh hiển và hứa ban cho chúng con sự sống đời đời, xin Chúa hướng dẫn tâm hồn chúng con, để chúng con biết yêu mến Chúa và biết chịu đựng như Chúa. (2Tx3,5).

3.  Lạy Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, chúng con tin vào lời Chúa: Quê hương thật của chúng con ở trên trời. Chúng con nóng lòng mong đợi Chúa cứu độ chúng con bằng cách giúp chúng con vượt qua cuộc lữ hành trần gian. Chúa có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng con nên giống thân xác vinh hiển của Chúa. (Pl 3,20-21).

4.  Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin Chúa đoái nhìn đến các linh hồn còn đang đền tội trong luyện ngục, xin Chúa giúp họ chóng được về an nghỉ trong Chúa, và xin Chúa thương giúp Giáo Xứ chúng con đang kết thúc Năm Thánh với việc Sống Định Hướng Truyền Giáo, cụ thể là sẽ có những ngày gặp gỡ lương dân tại các Xóm Giáo, tại Giáo Xứ để chúng con có điều kiện giới thiệu Chúa cho họ, để giải gỡ những thắc mắc của họ. Xin Chúa giúp những buổi gặp gỡ này mang lại kết quả như lòng Chúa mong muốn, để lương dân cũng nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa dành cho họ.
Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh
Gioa-kim Phạm Văn Lượng

Không có nhận xét nào: