CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Hội Thảo Truyền Giáo DCCT.VN ngày 26/9/2013




PVL (27/9/2013) – Khóa Hội Thảo Truyền Giáo 2013 do Tỉnh DCCT.VN tổ chức đã bước sang ngày thứ ba, 26/9. Cha GB. Nguyễn Minh Phương, Trưởng ban tổ chức giới thiệu Cha Giám Tỉnh DCCT.VN Vinh Sơn Phạm Trung Thành tiếp tục hướng dẫn tham dự viên hông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế (REDEMPTORIS MISSIO) với chủ đề gồm:
Chương VI: Các vị lãnh đạo và nhân viên của việc tông đồ truyền giáo.
Chương VII: Việc cộng tác trong hoạt động truyền giáo.
Với Chương VI, Cha Giám Tỉnh đã nêu một số ý tưởng chính như sau. Ngài lưu ý ngay vai trò của người giáo dân trong việc truyền giáo: “Tất cả giáo dân là thừa sai theo phép rửa”. Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, giáo dân với tư cách cá nhân, gia đình, cộng đoàn đã cùng nhau chia sẻ, quảng bá đức tin. Trong thời hiện đại, người giáo dân, đặc biệt là phụ nữ đã góp mặt ở nhiều lãnh vực xã hội cũng như Giáo hội. Điều thú vị, khi ngài nhận xét về người dân tộc, giáo dân ở miền rừng núi. Họ nói Lời Chúa, cầu nguyện, làm chứng sao thật dễ dàng, thoải mái!
Ở Chương VII, Cha lại hướng đến hoạt động “Cầu nguyện và hy sinh cho các nhà thừa sai”. Đây được xem là sức mạnh nâng đỡ các nhà truyền giáo. Ngài còn lưu ý giáo dân việc cổ võ ơn gọi: Muốn có các nhà truyền giáo ưu tuyển thì cha mẹ phải hy sinh, dâng cho Hội Thánh những người con ưu tuyển trong gia đình mình. Ơn gọi tại Việt Nam hiện nay, thường đến từ các vùng ven đô, những vùng sâu, vùng xa, những nơi được xem là nghèo, thiếu thốn mọi mặt. Ngôn ngữ bản địa cũng là một khó khăn mà nhà truyền giáo phải vượt qua. Ngôn ngữ ở đây không chỉ là tiếng nói mà là cả một nền văn hóa của dân tộc. Người truyền giáo phải cùng ăn, cùng ở, cùng sống với dân bản địa thì việc truyền giáo mới có nhiều cơ may. Cha cho biết, người giáo dân dấn thân truyền giáo cũng phải chăm lo phục vụ ơn gọi, đặc biệt cho giới trẻ. Họ có thể hành hương, thăm viếng các điểm truyền giáo, có thể có những trại sáng tác dành cho anh chị em làm nghệ thuật Thánh. Chỉ khi đến những nơi này, cảm xúc của người giáo dân, của người nghệ sĩ mới có cơ hội trào dâng, mới có những thao thức đóng góp cho Giáo Hội.
Sau phần hướng dẫn, chia sẻ của Cha Giám Tỉnh, như thường lệ, tham dự ghi nhận các câu hỏi thảo luận như sau:
Buổi sáng:
Câu 1: Bản chất của Hội Thánh là truyền giáo, nhưng hiện nay, chỉ một số ít tín hữu thực hiện. Vậy, chúng ta phải làm gì để thu hút nhiều ơn gọi truyền giáo?
Câu 2: Để có những nhà truyền giáo nhiệt thành, chúng ta phải huấn luyện họ theo những tiêu chí căn bản nào?
Lưu ý: Cả hai câu, cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Buổi chiều, Cha Giám Tỉnh cho biết, khi nghe tham luận các Tổ, ngài có hai góp ý:
Một là: Sự quãng đại của mỗi người, mỗng cộng đoàn trong việc dâng con cái cho Hội Thánh cũng như sự cổ võ ơn gọi của họ về mọi mặt.
Hai là: Việc đào tạo người giáo dân các khoa học Thánh để họ phục vụ Hội Thánh.
Ngoài ra, ngài cũng chia sẻ ƠN GỌI CÁC THỪA SAI. Nhìn chung, ơn gọi này không thiếu, nhưng để có những nhà thừa sai giỏi, giàu phẩm chất thì công việc đào tạo cũng là cả một vấn đề.
Ngài “bật mí”, sắp tới đây, ngày 14/10/2013. DCCT.VN sẽ khai mở NĂM ƠN GỌI THỪA SAI với lứa tuổi 14, 15 để đào tạo lâu dài. Qua đó, ngài mời gọi giáo dân cộng tác tham gia, đặc biệt những giáo dân sống theo linh đạo DCCT.
Cuối cùng, Cha Giám Tỉnh lướt qua chương VIII: Linh đạo truyền giáo để kết thúc Thông Điệp. Và sau đây là câu hỏi thảo luận:
Câu 1: Anh chị hãy cho biết kỹ năng tiếp cận đối tượng truyền giáo?
Câu 2: Anh chị hãy nêu sáng kiến, hiệp thông, chia sẻ về truyền giáo?
Kết thúc ngày hội thảo 26/9, tham dự viên Chầu Thánh Thể tại Nhà Thờ, cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam thoát khỏi quyền lực sự dữ, sự ác đứng đầu là Sa-tan. Sau đó, mọi người đọc Kinh Tối, nhận phép lành Chúa.
Tạ ơn Chúa, cảm ơn Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp và Thánh Tổ Phụ Anphong vì  ngày Hội Thảo thứ ba diễn ra tốt đẹp.

Không có nhận xét nào: