CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Nhịn Nhục Hay Nhẫn Nại


Nhịn Nhục Hay Nhẫn Nại

Nguồn: http://giesu.info/song-voi-thanh-kinh/nhin-nhuc-hay-nhan-nai/

“Phải hết sức khiêm cung, hiền từ, phải nhẫn nại chịu đựng nhau trong tình yêu thương.” (Ê-phê-sô 4:2, TKHĐ)
Câu hỏi suy gẫm: Tại sao Chúa dạy chúng ta phải nhịn nhục? Nhịn nhục đến mức độ nào? Nhịn nhục có làm con người hèn yếu không? Làm sao để có được đức tính này?

Nhịn nhục hay nhẫn nại đều mang tính chất chịu đựng, không báo thù, chậm nóng giận. Ông Gia-cơ dạy rằng: phải mau nghe mà chậm nói, đó cũng là một thái độ nhịn nhục, nhẫn nại. Mỗi khi gặp một chuyện khó chịu thì phản ứng đầu tiên là phải nói một câu. Thường thì câu này mang nhiều tính chất khác nhau. Có khi chửi thề, một câu nguyền rủa, một lời mắng mỏ, trách cứ, châm biếm, than trách, dọa nạt…Đây là câu nói thường gây xúc phạm nhiều nhất, cũng khiến người ta phải đi xin lỗi nhiều nhất.

Tại sao Chúa lại dạy chúng ta phải nhịn nhục? Như vậy có phải theo Chúa là người ta đè nén áp bức, làm khổ làm nhục mà không có quyền phản ứng lại, không có quyền bênh vực cho lẽ phải của mình sao? Thật ra nhịn nhục chịu đựng là phản ứng hay nhất để bênh vực cho lẽ phải, cho quyền lợi của mình. Bạn thử tưởng tượng kẻ thù của bạn tấn công bạn mỗi ngày mà bạn vẫn bình thản, trả lời tử tế, dịu dàng, thì đến một lúc kẻ ấy cũng phải ngừng lại suy nghĩ. Nếu bạn là người của Chúa thì Chúa sẽ bảo vệ vì bạn vâng theo lời Ngài, chịu đựng, nhẫn nại. Nhiều người đã đưa người khác đến với Chúa nhờ tính nhịn nhục của mình.

Hơn nữa nhịn nhục còn là chậm nóng giận. Người ta nói rằng: giận mất khôn. Khi đã nổi giận thì không còn lương tri sáng suốt nữa và có thể hành động sai lầm hay là phạm tội nặng. Nhịn nhục là phương cách giúp ta tránh phạm tội do nóng tính gây ra. Bạn nên nhớ tính nhịn nhục không thể tự nhiên mà có được. Phải nhờ quyền năng tái tạo của Chúa. Phi-e-rơ là một người tính rất nóng, hay nói, hay phát biểu, nhưng khi được Chúa thay đổi, ông đã dạy trong các thư của ông là mỗi người phải thuận phục, phải kiên nhẫn chờ đợi, đừng báo thù. Chỉ có quyền năng của Chúa mới thay đổi được con người Phi-e-rơ.

Bạn thử xét xem mình có đức tính nhịn nhục hay không? Hãy nhớ rằng đây không phải là một đức tính rèn luyện mà được, nhưng là đức tính do lòng kính thờ Chúa, được đổi mới, được thanh tẩy đời sống mà có được.

Xin Chúa đổi mới đời sống con, giúp con mau nghe chậm giận, nhịn nhục và nhẫn nại đối với mọi người.

Mời bạn đọc thêm: (Nguồn: http://www.hpec.vn/tin-cong-ty/228-nhan-nhin-la-suc-manh.html)


Nhẫn nhịn, là một nét trong tính cách của người dân xứ sở hoa Anh Đào. Có nhiều người đánh đồng Nhẫn nhịn với “cam chịu” và nhìn theo góc độ không tích cực, bề nổi. “Nhẫn nhịn” là phẩm chất lớn của con người được tôi luyện trong thực tiễn khó khăn khắc nghiệt. Điều này được minh chứng rất cụ thể qua những thăng trầm của một dân tộc vĩ đại nhất thế giới.

Người Nhật Bản “ nhẫn nhịn” với thiên nhiên!.
Nhật Bản nằm trên bốn mảng kiến tạo địa chất của trái đất, là nơi mà vỏ trái đất không ổn định, động đất diễn ra thường xuyên, núi lửa và sóng thần đe dọa. Sống cùng với những tai họa thiên nhiên có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, người dân Nhật Bản nhẫn nhịn, cần mẫn chinh phục thiên nhiên và họ có một nền khoa học công nghệ phát triển trên thế giới.
“Nhẫn nhịn”, trong khó khăn thử thách!.
Những hình ảnh về trận động đất tại Kobe năm 1995, động đất và sóng thần tháng 3/2011 …tàn phá, hủy diệt thành phố, nhà máy, cơ sở hạ tầng mà không có từ ngữ nào miêu tả hết được. Đối đầu với khó khăn, cả thế giới không thấy tiếng than khóc, không thấy sự hỗn loạn cướp bóc, chỉ có những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài. Từ trên những đống đổ nát, Người dân Nhật Bản nhanh chóng xây dựng lại một thành phố tươi đẹp hơn mà ở những đất nước khác khó có thể làm được trong một thời gian ngắn như vậy.

"Nhẫn nhịn" trong ứng xử ở bất cứ hoàn cảnh nào!.
Câu chuyện về cậu bé Nhật Bản 9 tuổi làm xúc động cả thế giới, cậu bé đã dạy chúng ta bài học làm người, giúp chúng ta hiểu đúng về nhẫn nhin là sự chịu đựng, là đức hy sinh, sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, đoàn kết của cả một cộng đồng dân tộc. Nhẫn nhịn cũng chính là sức mạnh để đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới.
Người Việt nam rất trọng chữ “Nhẫn”, một gia đình mà nhẫn nhịn nhau sẽ là một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Trong một công ty, đức tính nhẫn nhịn sẽ tạo một sức mạnh đoàn kết thúc đẩy công ty phát triển. Các thành viên bớt đi một chút tôi cá nhân, nhường nhau khi cần thiết, để phát huy tối đa ưu điểm của mỗi người, thì bất cứ khó khăn nào, bất cứ thử thách nào cũng vượt qua. Không có công việc kém quan trọng, và cũng không có việc quan trọng nhất bởi công ty là cả một hệ thống, giống như các bộ phận trên cơ thể, không thể thiếu bất kỳ một bộ phận nào. Vậy chúng ta hãy học tập Nhật Bản, hãy nhẫn nhịn nhau, thay vì tranh cãi hãy kiên nhẫn lắng nghe, trao đổi và cùng giúp nhau đi đến mục tiêu thắng lợi.


H-PEC Việt nam.

Không có nhận xét nào: