Ẩm thực miền Tây Nam Bộ
(canthonay) - Miền
đất sông nước Tây Nam Bộ luôn lưu giữ mãi cái nét hoang sơ đặc trưng
của một vùng văn hóa đậm dấu ấn của lịch sử khai phá mở đất mở cõi, mang
đầy tính cách phóng khoáng
nhưng dũng cảm kiên cường của người dân phương Nam. Và điều đó đã thể
hiện rất rõ trong phong cách ẩm thực nơi đây.
Cá lóc nướng đất sét: Con
cá lóc được bọc kín bằng đất sét và đặt trên bếp than hồng hoăc lửa rơm
cho đến khi chuyển sang màu vàng. Khi thưởng thức, đập đất sét lấy cá
ra, dùng nóng với bánh tráng cuốn rau sống, khế, chuối chát, dứa, chấm
mắm nêm thêm một chút ớt, gừng. Vị tươi ngon của cá vừa chín tới hòa
quyện với vị cay nồng của món mắm nêm rấ ngon và hẫp dẫn thực khách.
Chuột đồng xào sả ớt: Món
ăn độc đáo này được chế biến từ thịt chuột đồng đã tẩm ướp ngũ vị hương
thơm ngon, hòa quyện vị bùi béo của đậu phộng rang và vị cay thanh của
hạt
tiêu
Cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đất:
Món ăn này rất nổi tiếng ở vùng
Đồng Tháp Mười, gồm thịt rắn hổ đất hầm nhừ cùng với gạo và đậu xanh.
Khi cháo vừa chín, xé thịt rắn nhỏ như thịt ga, trộn với nước chanh và
rau răm, bên trên rắc thêm chút tiêu, hành.
Dơi
quạ hấp chao: Món ăn được chế bến từ thịt dơi quạ đã ướp gia vị và chao
ớt được đánh nhuyễn. Dơi quạ có rất nhiều ở miệt rừng U Minh thượng và
hạ. Thịt dơi quạ sau khi tẩm ướp đợi ngấm, đem hấp cách thủy có công
dụng bổ thận.
Ba Khía ngâm muối: Ba
khía là loại sinh vật sống ở vùng cửa sông, ven biển. Hình dáng giống
con cua và lớn hơn con còng. Sau khi ướp muối, người ta cho ba khía vào
đậy kín chừng một tuần ba khía sẽ chín. Món ăn này có thể
chế biến thành rất nhiều món ngon khác nhau. Lúc ăn, chỉ cần ngâm ba
khía với nước sôi khoảng năm phút để tách yếm, bẻ càng. Trút ba khía vào
tô, ướp với tỏi, ớt, chanh, đường, bột ngọt cho thấm đều. Hoặc có thể
chiên giòn ba khía rồi vắt chanh để thưởng thức, sẽ rất ngon. Món ba
khía này thường ăn kèm với cơm nguội là hợp khẩu vị nhất.
Cá bống kho tiêu: Cá
bống trứng thường xuất hiện vào mùa mưa dầm ở miệt đồng bằng Nam Bộ,
đặc biệt chỉ cần kho với nước mắm đồng, thêm chút đường và bột ngọt sẽ
rất tuyệt. Khi nước kho cá vừa cạn, rưới
lên ít mỡ hoặc dầu và rắc tiêu cho thơm, dọn kèm với cơm nóng.
Bánh
bèo cắc chú: Được làm từ bột gạo pha bột mì, nước cốt dừa, thêm tí
muối, đường, quấy đều rồi lược sạch cặn mang đi hấp cách thủy. Nhân bánh
gồm: tôm khô, thịt nạc thái mỏng, xắt nhỏ, hành phi, tỏi băm, củ sắn
xắt hạt lựu… cùng các gia vị. Khi dọn lên, dùng dao xắt từng miếng chừng
3 ngón tay, dày mỏng tùy thích cho vào đĩa, trên rắc nhân, chan nước
mắm tỏi ớt. Món này dùng nóng rất ngon, đậm đà hương vị Bến Tre.
Dừa sáp Cầu Kè: Món
này chỉ có tại Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, hay còn gọi là dừa đặc ruột, du
nhập từ Campuchia những năm 60. Cơm dừa sáp này rất dày và dẻo, phần còn
lại sền sệt như kem.
Cháo
cá lóc nước cốt dừa: Món cháo cá lóc nấu nước cốt dừa mang hương vị đặc
trưng của xứ dừa Bến Tre. Cháo có vị thơm bùi của gạo, vị ngọt của cá
hòa với vị béo ngậy của nước cốt dừa cùng với vị cay của gừng.
Trái mây gai:
Là đặc sản của tỉnh An Giang, có xuất xứ từ Thái Lan, mỗi trái dài
chừng 4 đốt ngón tay. Hình dáng và màu sắc trái giống như củ khoai lang,
vỏ giống vỏ trái vải nhưng có rất nhiều gai ngắn xù xì hơi
mềm, mọc thành từng chùm khoảng 14 trái và có màu tím nổi gân lấm tấm.
Sau khi bóc lớp vỏ, bên trong là một đến ba múi thịt màu vàng như thịt
trái chuối già nấu chín. Cơm trái mây gia có vị chua ngọt dịu, lạ miệng.
Tắc Kè xào lăn: Là
món ăn phổ biến của Nam Bộ, được chế biến rất công phu từ thịt tắc kè
ướp với đại hồi, tiểu hồi, tỏi phi, nước cốt dừa, đậu phộng rang vàng.
Món ăn này có vị bùi béo của thịt xào chín tái, mùi thơm dịu đầy quyến
rũ của nước cốt dừa, mùi đặc trưng của gia vị, tỏi phi… rất ngon.
Mắm còng Châu Bình: Món
đặc sản của vùng Giồng Trôm – Ba Tri (Bến Tre), được
chế biến từ còng lột muối cùng ớt hiểm, dọn kèm với thịt luộc, cá
nướng, rau thơm mang hương vị dân dã miền sông nước. Ở Nam Bộ, chỉ có
Châu Bình (Bến Tre) và Tân Thới (Gò Công) mới có loại còng lửa. Đặc biệt
con còng lột vỏ vào ngày mùng 5 tháng 5 được bắt về làm mắm sẽ rất
ngon.
Xem thêm: Món ăn độc đáo từ còng
Cá linh kho: Là
món đặc sản của Vĩnh Long, được chế biến từ thịt cá linh non thịt ngọt,
mềm và béo, kho với hành, tiêu hoặc mía lau, nước dừa tươi. Khi ăn,
thưởng thức được hương vị rất riêng của thịt cá, ăn cùng với cơm nóng.
Lẩu mắm cá linh: Món
lẩu được chế biến từ mắm cá linh và cá linh tươi, ngoài các loại gia vị
thông thường còn bắt buộc phải có cà tím và nấm rơm để ngọt nước. Khi
ăn, dọn kèm với các loại rau như cải đất,
rau dừa, bông điên điển, bông súng, rau nhút, đậu rồng, cù nèo, đọt
sộp, bắp chuối, chuối non… Lẩu sẽ càng thơm ngon hơn nếu thưởng thức
cùng hương rượu làng quê.
Rau đắng nấu canh: Món
canh được chế biến từ rau đắng đồng hay rau đắng biển nấu cùng mấy con
cá rô mề. Hái về sau cơn mưa, cọng rau no và mập mạp, chỉ cần cho vào
nước sôi trần sơ vài con mắm sặc, hương vị sẽ lan tỏa, đậm đà. Có thể
thưởng thức món canh rau đắng ngon nhất vào khoảng tháng 10-11 âm lịch.
Gỏi cá cháy:
Là món gỏi câu kỳ, gồm đủ thứ rau ghém, rau thơm, chuối chát, khế chua
để chuốn chung với thịt cá cháy Trà Ôn – Vĩnh Long bằng bánh tráng Mỹ
Lồng, dùng kèm với nước chấm đặc chế riêng. Con cá cháy
nặng chừng ba, bốn ký, hai buồng trứng vàng ươm, thịt cá vừa thơm, vừa
ngọt.
Tung lò mò đặc sản của An Giang: Món
ăn được chế biến từ thịt bò rất độc đáo của đồng bào Chăm. Thịt bò phải
là loại thịt ngon, lọc sạch gân băm nhuyễn, ướp với tiêu, tỏi, bột canh
và một chút gia vị, đặc biệt có thêm cơm nguội. Nhồi thịt vào ruột bò
đã rửa sạch, mang phơi nắng cho đến khi mỡ chảy hết, lớp ruột bên ngoài
căng tròn là có thể ăn được. Có 2 cách ăn món Tung lò mò: nướng (khiele)
hoặc rán (chuh).
Xem thêm: Đặc sắc ẩm thực của người Khmer
Bánh pía Sóc Trăng: Có
hình tròn, dẹt nhiều lớp da mỏng bao lấy phần nhân đậu
xanh (hoặc khoai môn, mứt các loại), mỡ heo, lòng đỏ trứng vịt muối…
Mỗi phong bánh pía gồm có bốn cái, được gói theo hình trụ. Khi ăn, thực
khách sẽ thưởng thức được từng lớp bánh mềm, thơm ngọt cùng mùi sầu
riêng đặc trưng quệt với đậu xanh, mỡ heo béo ngậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét