CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Những điều người Công giáo cần biết về Thánh Kinh (1): Nguồn gốc chủ nghĩa cơ yếu



VRNs (11.03.2015) – Sài Gòn – Tùy theo cách tiếp cận Thánh Kinh, mà mỗi người đọc sẽ có những kết quả khác nhau, tuy vẫn cùng xác nhận giá trị tuyệt hảo của Thánh Kinh. Điều này một mặt khuyến khích gia tăng tri thức tôn giáo, nhưng mặc khác cũng là cớ để gây chia rẻ tôn giáo.
Hưởng ứng lời mời gọi học hỏi Thánh Kinh của Đức thánh cha Phanxicô, và cũng giúp người Công giáo, nhất là giới trẻ, có được những hiểu biết quan trọng về cách tiếp cận Thánh Kinh, nhờ đó không bị xao động bởi những nhận xét và kết luận sai lầm về thực hành niềm tin Công giáo của những anh chị em không thiện chí, VRNs xin giới thiệu một số chương sách của tác phẩm Biblical Fundamentalism: What Every Catholic Should Know do cha Ronald D. Witherup, S.S. do The Liturgical Press, Collegeville, Minnesota xuất bản, đã được cha Lê Công Đức, giáo phận Đà Nẵng chuyển ngữ.
Tác phẩm này được cha Rev. Paul P. Zilonka, C.P. đọc duyệt và Đức cha Most Rev. W. Francis Malooly cho phép phổ biến.
CÁC NGUỒN GỐC CỦA CHỦ NGHĨA CƠ YẾU THÁNH KINH (1)
Chủ nghĩa cơ yếu Thánh Kinh là một hiện tượng đa dạng không phải bỗng dưng từ trên trời rơi xuống. Nhiều gốc rễ thâm sâu trong lịch sử đã góp phần định hình nó như hiện nay. Không xem nhẹ tính phức tạp này, chúng ta cần mô tả nó một cách chính xác, biện phân các nguồn gốc, và hiểu tại sao nó tồn tại.
Chủ Nghĩa Cơ Yếu Thánh Kinh Là Gì? Nó Phát Xuất Từ Đâu?
Chủ nghĩa cơ yếu là một thực tại phức tạp hơn nhiều so với những gì ta nhận thấy qua các nhà thuyết giảng Phúc Âm trên radiô hay truyền hình. Tuy nhiên có thể nêu một mô tả căn bản cho chủ nghĩa này, có lẽ khá quen thuộc với phần đông chúng ta, một mô tả thường được áp dụng rộng rãi và được chấp nhận bởi chính những người theo chủ nghĩa này. George Marsden, một thần học gia Tin Lành lỗi lạc và là một chuyên gia về phong trào cơ yếu, đã mô tả chủ nghĩa cơ yếu Thánh Kinh một cách căn bản như sau:
…[đó là một] chủ trương duy Tin Mừng Tin Lành chiến đấu kịch liệt chống duy tân…., một liên hiệp rộng thoáng, đa dạng và biến hóa của những người bạn chiến đấu hợp nhất với nhau trong tinh thần chống đối mạnh mẽ các cố gắng của những người duy tân muốn hội nhập Kitô giáo vào trong tư tưởng hiện đại.[1]
Ơng cũng có phỏng lại một mô tả rằng một người cơ yếu là “một nhà thuyết giảng Phúc Âm tức giận về một cái gì đó”.[2] Marsden nhấn mạnh rằng giữa những yếu tố khác như duy Tin Mừng, cầu nguyện, sự thánh thiện cá nhân, và việc trao các sứ mạng là những đặc điểm chủ nghĩa cơ yếu, thì sắc thái nổi bật nhất của nó nằm ở chỗ nó kịch liệt phản đối tính hiện đại. Jerry Falwell, nhà lãnh đạo của phái cơ yếu Báp-tít đầy tên tuổi và là người đã thành lập phái Đại Chúng Đạo Đức (the Moral Majority) vào cuối thập niên 1970, cùng với các đồng sự của mình, ông đồng ý với việc đặc điểm hóa chủ nghĩa cơ yếu là “phong trào của thế kỷ 20 gắn chặt với truyền thống thức tỉnh đức tin của xu hướng Tin Lành duy Tin Mừng vốn kịch liệt chống đối thần học duy tân và những thay đổi xã hội gắn liền với thần học đó”.[3] Một cách thiết yếu, những người cơ yếu tự coi mình là những chiến sĩ đang bảo vệ Kitô giáo đích thực chống lại các sự dữ của đời sống hiện đại. Tính hiện đại là kẻ thù lớn. Nó phá hoại các giá trị Kitô giáo truyền thống và phải bị chống trả quyết liệt bởi những Kitô hữu trung thành. Nói tắt, nó là vũ khí của Satan – kẻ thù nghịch tất cả những gì thanh cao và tốt lành.
Hầu như từng chữ trong định nghĩa súc tích của Marsden đều rất quan trọng để giúp hiểu chủ nghĩa cơ yếu. Mấy chữ “chiến đấu kịch liệt” nói lên khát vọng nơi những người cơ yếu muốn tác động tích cực đến sự chuyển biến chính trị đồng thời vạch chiến lược và tổ chức một cách kỹ lưỡng. Họ tự xem họ là đạo binh của Thiên Chúa có nhiệm vụ bảo vệ sự thật và phong cách Mỹ (theo như họ hiểu). Thế nhưng, ta ghi nhận một điều nghịch lý, đó là một số giá trị Mỹ lại gắn chặt với chủ nghĩa cơ yếu (đề cao cá nhân, tự do …). Về xã hội và chính trị thì chủ nghĩa cơ yếu rõ ràng gắn bó mật thiết với nền văn hóa Mỹ. Đồng thời rất nhiều những ý tưởng hiện đại, bị phản kháng bởi những người theo chủ nghĩa cơ yếu, là những ý tưởng vốn phát xuất từ lối sống Mỹ. Lập trường chống duy tân giải thích khuynh hướng của chủ nghĩa cơ yếu vừa chống lại những phát triển hiện đại vừa lý tưởng hóa quá khứ. Cách riêng họ lý tưởng hóa cộng đoàn Kitô hữu sơ khai như được mô tả trong Tân Ước, nhất là Sách Công Vụ Tông Đồ. Trong cách nhìn của họ, những phát triển hiện đại đã làm hư hỏng tổ chức Kitô giáo tinh khôi thời nguyên thủy. Những người theo chủ nghĩa cơ yếu tin rằng họ phải đem cộng đoàn Kitô giáo trở về với những sắc thái tinh khôi của buổi phôi thai Kitô giáo. Trở về với “các nền tảng cơ yếu” là khẩu hiệu đấu tranh của họ. “Hãy cho tôi tôn giáo của thời xưa”, đó là một biểu ngữ được ưa thích khác.
Đặc tính Tin Lành duy Tin Mừng của chủ nghĩa cơ yếu cũng rất quan trọng. Các chuyên gia nghiên cứu chủ nghĩa cơ yếu trên khắp thế giới đã ghi nhận sắc thái độc đáo của chủ nghĩa cơ yếu Thánh Kinh Mỹ được cắm rễ không chỉ trong tư tưởng Tin Lành nói chung mà cách riêng là trong phái duy Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng ta cần ghi nhận rằng trong khi tất cả những người theo chủ nghĩa cơ yếu đều duy Tin Mừng, thì không phải tất cả những người duy Tin Mừng đều theo chủ nghĩa cơ yếu. Phái duy Tin Mừng, chiếm khoảng 25% các nhóm Tin Lành ở Mỹ, bao gồm rất nhiều phương pháp tiếp cận Thánh Kinh khác nhau. Một số là những người thuộc phái Ngũ Tuần nhấn mạnh đến hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của họ – và nhấn mạnh các đặc sủng được Thánh Thần đổ tràn, như chữa bệnh, nói tiên tri, nói tiếng lạ (từ chuyên môn gọi là “glossolalia”). Những người khác thuộc các nhóm “thánh thiện” như Giáo Hội Nazarene và Giáo Hội của Thiên Chúa, nhấn mạnh đến một số phương diện cá nhân và có tính phục hưng đức tin Kitô giáo. Những nhóm khác nữa là những Cộng Đoàn Báp-Tít, Môn Đệ Đức Kitô, và nhiều nhóm Tin Lành cựu trào tự nhận mình là những người theo chủ nghĩa cơ yếu trong cách tiếp cận đức tin và tôn giáo. Một số người duy Tin Mừng chấp nhận sự nghiên cứu của khoa học hiện đại trong những cách thế mà những người theo chủ nghĩa cơ yếu sẽ không chấp nhận. Nhưng vẫn có nhiều học thuyết của chủ nghĩa cơ yếu nổi lên từ các giáo huấn Tin Lành truyền thống.
Hơn nữa, chủ nghĩa cơ yếu đã nhận ảnh hưởng từ các hiện tượng Tin Lành khác gắn chặt với nó, chẳng hạn phái sùng tín, phái phục hưng đức tin, phái chủ trương thiên niên thuyết, và phái thủ cựu Báp-tít. Tất cả đều có để lại dấu vết của mình nơi phong trào chủ nghĩa cơ yếu nhưng không trực tiếp đồng nhất với chủ nghĩa này. Sự kiện chủ nghĩa cơ yếu là một phong trào rộng thoáng, đa dạng và biến hóa cho thấy đặc tính cá nhân chủ nghĩa rất cao của nó. Rất nhiều nhóm khác nhau tự xếp mình đứng dưới cái phạm trù chung là chủ nghĩa cơ yếu. Mỗi nhóm có khuynh hướng tự xác định chính mình, và không có thẩm quyền bao quát nào quản trị các cộng đoàn những người theo chủ nghĩa cơ yếu. Việc phạm trù hóa một số nhóm cũng có thể là một việc rất khó khăn, do bởi những vành đai khá rộng thoáng được dùng để phân biệt những người theo chủ nghĩa cơ yếu với những người duy Tin Mừng khác.
Cuối cùng, những người theo chủ nghĩa cơ yếu chống lại việc hòa giải Kitô giáo với tính hiện đại – sự kiện này cho thấy họ có vẻ như là những người phản trí (anti-intellectual) và phân lập (separatist); và trong một số hình thức thái quá thì họ tỏ ra đúng là như thế. Vì theo quan điểm của họ, tính hiện đại đồng nghĩa với hư hỏng và đồi bại, nên một số những người theo chủ nghĩa cơ yếu tin rằng thái độ duy nhất có thể chấp nhận được là phải tách mình ra khỏi xã hội. Quan điểm của họ được đặt điểm tựa trên cơ sở sự giải thích của chính họ về một số bản văn Thánh Kinh kêu gọi tách mình ra khỏi những người không tin (ví dụ, 2Cr 6,14-18; Rm 12,1-2). Ý niệm rằng Kitô giáo là một tôn giáo phản lý (anti-rationalist) và phản nhân bản (anti-humanistic) là một động lực trong nhãn quan của chủ nghĩa cơ yếu, động lực này có thể đi đến chỗ gán cho những người khác là kỳ cục – hay thậm chí là đần độn – một cách đầy tai hại.
Ở đây tôi tưởng cũng cần phải lưu ý bạn đọc một điều nữa. Việc định nghĩa chủ nghĩa cơ yếu và xác định tầm vóc của nó có thể là một công việc rất phiêu lưu – bởi những lý do cả về lịch sử lẫn về thần học. Xuyên qua lịch sử của nó, phong trào cơ yếu đã có khuynh hướng phân tán ra thành nhiều phái khác nhau, kết quả là một số nghiêng về bảo thủ và một số khác lại có chiều hướng phóng khoáng, dẫn đến những mâu thuẫn nội bộ về việc tự xác định căn tính của mình. Phái Báp-tít – phái Tin Lành lớn nhất ở Hoa Kỳ – là một ví dụ điển hình. Một số tín đồ Báp-tít rõ ràng rơi vào mạng lưới chủ nghĩa cơ yếu do bởi cách tiếp cận Thánh Kinh của họ và những vấn đề giáo thuyết khác. Tuy nhiên nhiều người Báp-tít khác không thể được xếp vào loại chủ nghĩa cơ yếu và họ sẽ phản đối nếu bị xếp loại như vậy. Chẳng hạn, Đại Hội Báp-tít miền nam đã có những bất đồng nội bộ về những vấn đề như thế. Thật không dễ xác định ai thuộc về phái nào trong cái toàn cục của chủ nghĩa cơ yếu. Vì vậy, một số tín đồ Báp-tít phân vân không biết có phải mình thuộc về phái duy Tin Mừng – hay thuộc về một nhóm nào đó khác. Tự định danh mình, đó là một tiêu chuẩn để mô tả những người theo chủ nghĩa cơ yếu, nhưng tôi tin rằng cũng có những tiêu chuẩn khách quan khác có thể được vận dụng. Để phòng tránh nguy cơ sa vào chỗ quá đơn giản hóa, tôi đề ra bản phác họa lịch sử sau đây về quá trình phát triển của chủ nghĩa cơ yếu Thánh Kinh trong phạm vi Tin Lành Mỹ, bản phác họa này sẽ giúp để nhận ra bằng cách nào chủ nghĩa cơ yếu trở thành một sản phẩm tự nhiên của nền văn hóa Mỹ.
Các gốc rễ của chủ nghĩa cơ yếu đã bắt đầu từ thế kỷ 18. Bắt đầu với thời đại Aùnh Sáng, đứng trước những khám phá của khoa học về thế giới, một số Kitô hữu cảm thấy bị đe dọa bởi những kiến thức mới dường như xoi mòn các yếu tính hiện hữu của Kitô giáo. Việc nghiên cứu khoa học về Thánh Kinh bắt đầu chất vấn ngay cả tính chân xác theo mặt chữ của một số dữ kiện Thánh Kinh. Trước thời này, Thánh Kinh vốn được hiểu hoàn toàn sát chữ về tất cả những gì mà Thánh Kinh đề cập. Các nghiên cứu khoa học bắt đầu cho thấy những bất tương hợp trong Thánh Kinh, thế là chính bản chất của tư liệu Thánh Kinh bị chất vấn. Những đường kết nối không trơn tru giữa các bản văn Thánh Kinh cho thấy nguồn gốc của chúng trong tiến trình phức tạp gồm các truyền thống truyền khẩu, ghi chép và biên tập qua nhiều thế kỷ đã bắt đầu xói mòn lòng tin đối với “chân lý Tin Mừng”. Lý luận của con người vươn lên địa vị thượng tôn trên tôn giáo. Một ảnh hưởng tôn giáo chủ yếu ở Mỹ vào thời này là chủ trương Tin Lành duy Tin Mừng. Nó tự thể hiện cách chủ yếu nơi ba hình thức: phái Calvin, phái Thanh giáo và phái phục hưng đức tin. Tất cả những truyền thống tôn giáo này, theo cách thức riêng của mình, đã cố gắng bảo toàn (hay khôi phục) các giá trị Kitô giáo theo như mình nhận hiểu.
Thế kỷ 19, bất chấp những cố gắng để đạt được sự chặt chẽ, một số yếu tố đã dẫn đến sự suy vi ảnh hưởng của những Kitô hữu duy Tin Mừng. Cuộc cách mạng kỹ nghệ nổi lên cùng với tất cả những hệ quả của nó đã có tác động sâu xa đến đời sống Mỹ. Những người mới nhập cư tràn vào đất Mỹ, nhiều người trong họ là Công Giáo, Do thái giáo và Tin Lành Luther – họ có những nhãn quan tôn giáo khác nhau. Sự bộc phát của những nền công nghiệp khác nhau và hiện tượng đô thị hóa kèm theo đó bắt đầu ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả lối sống lẫn nhịp sống. Nước Mỹ đang chuyển hóa nhanh chóng từ một xã hội thôn quê và nông nghiệp thành một xã hội đô thị hiện đại và thế tục hóa. Thêm vào đó, lãnh vực khoa học, nhân danh Charles Darwin và thuyết tiến hóa của ông, bắt đầu tung ra những lý thuyết mới và nghịch chướng về các nguồn gốc của chính sự sống con người. Luận đề nổi tiếng của ông, Nguồn Gốc Của Các Loài (Origin of Species, 1859), đã tạo ra một sự khuấy động lớn lao mà một số người đã đúc kết cách lém lỉnh trong khẳng định rằng loài người bởi khỉ mà ra. Nhãn quan Thánh Kinh về sáng tạo được trình bày trong Sách Sáng Thế dường như bị tấn công trực tiếp. Nó xoi mòn ngay cả sự chấp nhận rằng Adam và Eva là những khuôn mặt có sử tính.
Thật ra, sự phát triển của việc nghiên cứu phê bình lịch sử về Thánh Kinh ngay từ khoảng đầu thế kỷ 19 vốn đã bắt đầu gây ra xu thế này. Thành ngữ “phê bình lịch sử” dùng để dịch một thuật ngữ của tiếng Đức ám chỉ sự nghiên cứu khách quan, khoa học về các bản văn Thánh Kinh trong bối cảnh lịch sử. Năm 1835, David Friedrich Strauss, một học giả Thánh Kinh, đã cho xuất bản một quyển sách có tựa đề Đời Sống Của Đức Giêsu Được Khảo Cứu Theo Khoa Phê Bình, khẳng định rằng Tân Ước chứa những yếu tố “huyền thọai” được phát minh bởi Giáo Hội sơ khai để tô son điểm phấn cho cuộc đời Đức Giêsu. Điều đó có nghĩa rằng các Sách Tin Mừng không thể được tin tưởng về mặt giá trị theo mặt chữ, theo sự kiện thực tế. Vì thế, không chỉ Cựu Ước bị đặt vấn đề, mà cả các Sách Tin Mừng cũng bị khoa học cày xới tung tóe.
Sự khám phá ra “thần thoại” và “thần học” trong Thánh Kinh bắt đầu tác động đến các công trình nghiên cứu khoa học về Thánh Kinh. Theo các lý thuyết khoa học về Thánh Kinh, cốt lõi sử tính của chân lý chất chứa trong Thánh Kinh bị ẩn khuất trong những yếu tố khác được thêm vào để phản ảnh đức tin của Giáo Hội sơ khai đúng hơn là phản ảnh một truyền thống thực sự vững chắc. Tính xác thực lịch sử nhường quyền ưu tiên cho những yếu tố khác. Chủ nghĩa hoài nghi lịch sử trùm phủ cả những niềm tin căn bản nhất trong số các niềm tin Do thái Kitô giáo. Đối với các Kitô hữu duy Tin Mừng, tất cả những điều này phát xuất từ ảnh hưởng của một xã hội đa nguyên và tục hóa. Họ cảm thấy họ đang chứng kiến sự bào mòn các giá trị “truyền thống” vốn bị truất phế bởi các giá trị nhân bản. Hơn nữa, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa tự do trong các Giáo Hội Tin Lành kỳ cựu bắt đầu dấy lên. Những người Tin lành tự do muốn chuyển dời tiêu điểm đức tin Kitô giáo từ các chân lý theo giáo thuyết và Thánh Kinh tới hành động xã hội. Những người duy Tin Mừng bắt đầu cảm thấy rằng chính đạo Tin Lành Mỹ đang đánh mất chuẩn mực luân lý của mình và đang lạc xa chân lý.
Cho tới thế kỷ 20, một số Kitô hữu duy Tin Mừng cảm thấy rằng khuynh hướng nhân bản thế tục đã đi xa quá mức. Cần phải có một cái gì đó thật ấn tượng để điều chỉnh sự lệch hướng của đất nước và phục sinh “tôn giáo xưa” của một thời hoàng kim đã qua rồi. Giữa những năm 1910 và 1915, hai cư dân giàu có tại California là Milton và Lyman Stewart (vốn gốc ở Pennsylvania), đã tài trợ cho việc xuất bản một bộ 12 tập sách mỏng có tên là The Fundamentals of the Christian Religion (Những Nền Tảng Cơ Yếu của Kitô giáo – gọi tắt là The Fundamentals). Bộ sách này chứa 90 bài, 27 bài trong đó được dành cho Thánh Kinh, phác họa rõ ràng những gì được cho là các niềm tin thiết cốt của Kitô giáo bất khả khoan nhượng. [4] Hai bài trong đó bàn đến những sự xấu xa của Công Giáo Rôma và nêu lý do tại sao Công Giáo Rôma không đại diện cho đức tin Kitô giáo đích thực. Năm 1920, một nhà báo Bap-tít miền Bắc ký tên là Curtis Lee Laws đã tạo ra thuật ngữ “fundamentalist” (người theo chủ nghĩa cơ yếu) khi đề cập đến những ai gắn chặt với các giáo thuyết tôn giáo cơ yếu này, và một nhóm Bap-tít đã nhận từ ngữ ấy để tự mệnh danh mình. Tên gọi fundamentalist bắt đầu được sử dụng phổ thông từ đó.
Cố nhiên trên đây chỉ là một toát lược ngắn gọn về lịch sử của chủ nghĩa cơ yếu Thánh Kinh – một chủ nghĩa trong thực tế vốn phức tạp hơn nhiều. Dù sao, toát lược trên cũng cung cấp các dữ kiện đủ để xác định các gốc rễ Mỹ của nó và những khuynh hướng vẫn còn đặc trưng nó như là một phong trào tôn giáo thời nay.
Những người theo chủ nghĩa cơ yếu thường tự hào khi được gọi bằng danh nghĩa ấy, mặc dù có một số phản đối vì cho rằng gọi họ như vậy là xúc phạm. Một từ điển đã định nghĩa chủ nghĩa cơ yếu theo hai khía cạnh của danh hiệu này, một khía cạnh chuyên biệt và một khía cạnh chung. Định nghĩa thứ nhất bao hàm rộng rãi “một phong trào Tin Lành được đặc trưng bởi niềm tin vào chân lý Thánh Kinh theo nghĩa đen.” Định nghĩa thứ hai, rộng rãi hơn nữa, nhằm nói đến “một phong trào hay quan điểm được đặc trưng bởi sự gắn chặt vào các nguyên tắc căn bản hay cơ yếu”. [5] Tuy nhiên, theo cách hiểu thông thường, chủ nghĩa cơ yếu nhằm chỉ một sự gắn chặt có tính nghiệt ngã, bảo thủ, cố chấp và thô cục với những nhãn quan lỗi thời, phi khoa học và phản trí. Phân tích của chúng ta về chủ nghĩa cơ yếu trong quyển sách này chủ yếu nhắm đến định nghĩa thứ nhất, không phải định nghĩa theo cách hiểu rộng. Thật vậy, các học giả không đồng ý với nhau về vấn đề nên hay không nên áp dụng thuật ngữ “fundamentalist” một cách loại suy cho các nhóm khác vốn được đặc trưng rõ rệt hơn trong tư cách là những người theo chủ nghĩa giáo điều và thủ cựu cách cứng nhắc. Dù sao đi nữa, cái tên fundamentalist được dùng để hướng chỉ bất cứ ai khư khư cố chấp. Đó là lý do tại sao người ta có thể nói về những người cơ yếu tả khuynh hay hữu khuynh. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đặt tiêu điểm của mình nơi phong trào cơ yếu của Tin Lành Mỹ vốn vẫn tiếp tục có uy lực mạnh mẽ ở thời điểm bước vào thế kỷ 21 này.
Năm 1909, học giả Thánh Kinh duy Tin Mừng Cyrus I. Scotfield (1843-1921) đã có một cú đẩy mạnh phong trào cơ yếu qua việc xuất bản quyển Thánh Kinh: The Scotfield Reference Bible,[6] chủ trương rằng bản dịch King James Version là bản dịch Anh ngữ duy nhất đáng tin cậy. Bản King James Version được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1611, dịch từ các bản thảo viết tay bằng tiếng Hi lạp và Do thái vốn có sẵn vào thời ấy. Bản hiệu đính Scotfield cung cấp rất nhiều ghi chú để giải thích Thánh Kinh nghiêm ngặt theo các nguyên tắc của chủ nghĩa cơ yếu. Cách riêng, nó giới thiệu một cách đọc Thánh Kinh có tính phân thời (dispensationalist, như được mô tả sau đây trong chương 4) – tính cách này đã trở thành đặc trưng cho chủ nghĩa cơ yếu Thánh Kinh. Mặc dù từ ấy đến nay quyển Thánh Kinh này đã trải qua ba lần biên tập, nó vẫn là bản dịch Thánh Kinh được sử dụng chính thức bởi những người cơ yếu, và bản dịch của nó hiện nay hầu như  không khác gì với bản nguyên thủy hồi thế kỷ 17. Bản hiệu đính thứ ba, được hoàn thành bởi một nhóm học giả Thánh Kinh theo chủ nghĩa cơ yếu, bổ sung một số lượng đáng kể các chú giải cho bản văn, hiệu đính một số ngôn ngữ cổ, và mở rộng một số giải thích của bản nguyên thủy, nhưng vẫn nằm trong chiều hướng căn bản của bản nguyên thủy.[7]
Một biến cố phân giòng trong phong trào cơ yếu đã xảy đến nhanh vào năm 1925 với “vụ xử án khỉ” khét tiếng liên quan đến Scopes được tổ chức tại Dayton, Tennessee. Cuộc đối chất pháp lý ồn ào này giữa các luật sư nổi tiếng Williams Jennings Bryon và Clarence Darrow, được minh họa sân khấu bởi vở kịch Inherit The Wind năm 1955 (và dựng phim năm 1960), đã gây tranh cãi xôn xao trong dư luận Mỹ giữa tính hiện đại và những người theo chủ nghĩa cơ yếu. Vụ xử án này liên quan tới một giáo viên trung học, John Thomas Scopes (1900-1970), người bị kết án tù vì giảng dạy lý thuyết tiến hóa theo khoa học đối lập lại giáo huấn của Thánh Kinh về sáng tạo, chống lại luật pháp của Tennessee. Bản án đó về sau được lật ngược lại, nhưng phiên tòa này đã làm cho cả nước chú ý đến hiện tượng trào lên của chủ nghĩa cơ yếu và cách tiếp cận Thánh Kinh theo sát chữ của chủ nghĩa này. Trong hình dung của đại chúng, vụ xử án nói trên đã trở thành biến cố biểu tượng cho chủ nghĩa cơ yếu Thánh Kinh ở Mỹ. “Nguồn gốc khỉ, thảo nào luân lý cũng khỉ”, một người theo chủ nghĩa cơ yếu đã mô tả tầm quan trọng của vụ xử án nói trên như thế.
Xuyên qua toàn bộ quá trình phát triển của trường phái tôn giáo cơ yếu, có một khuynh hướng phân tán thành những nhóm khác nhau. Điều này làm nên tính phức tạp của hiện tượng. Không đi vào những chi tiết không cần thiết, chúng ta có thể nói rằng chủ nghĩa cơ yếu bao gồm nhiều cộng đoàn Tin Lành duy Tin Mừng độc lập – đó là những cộng đoàn hiệp nhất với nhau chủ yếu nơi sự chống đối ảnh hưởng thế tục, tự do và hiện đại trong xã hội. Mặc dù các cộng đoàn này có những cách tiếp cận tương tự nhau đối với Thánh Kinh, chúng cũng phân biệt nhau khi chú giải một số khía cạnh của Thánh Kinh. Nói riêng, các cộng đoàn này bất đồng về cách giải thích thiên niên kỷ, tức triều đại một nghìn năm của Đức Kitô được mô tả trong Sách Khải Huyền (20,2-7). Một số người theo chủ nghĩa cơ yếu đã trở thành những amillenialists (những người chống lại quan điểm của phái thiên niên kỷ), họ cho rằng triều đại ngàn năm có tính biểu tượng cho chiến thắng của Đức Kitô trên Satan đúng hơn là hiểu theo nghĩa mặt chữ. Những người khác thì trở thành postmillenialists, cho rằng triều đại của Đức Kitô sẽ xảy ra sau giai đoạn một ngàn năm hòa bình và thịnh vượng đã trở lại trên mặt đất. Cũng có những người khác nữa giữ vững quan điểm của đa số những người theo chủ nghĩa cơ yếu, đó là những người premillenialists, tin rằng Đức Kitô sẽ trở lại trong vinh quang để tái tạo Israel đích thực trước triều đại ngàn năm thịnh vượng, nhằm để khai mạc triều đại ấy. Tuy nhiên, tất cả những người cơ yếu cùng hiệp nhất với nhau trong nhu cầu khẩn bách loan báo Tin Mừng cho thế giới và giúp người ta hoán cải đích thực, trở về với Đức Giêsu Kitô – để được cứu độ.
Vậy Đâu Là “Những Điểm Cơ Yếu”?
Như được hàm chứa trong chính tên gọi, những người theo chủ nghĩa cơ yếu quan tâm về các điểm cơ yếu của đức tin Kitô giáo. Ở trọng tâm giáo huấn của họ là niềm tin rằng có một số giáo thuyết cốt lõi làm căn bản cho đức tin Kitô giáo. Những giáo thuyết cốt lõi này được dẫn giải chi tiết trong các tập sách mỏng gọi là The Fundamentals (Những Điều Cơ Yếu). Theo quan điểm của những người cơ yếu, những chân lý này có tính căn bản và cần thiết đến nỗi chúng phải được tuyệt đối giữ vững và không có sự chế giảm nào. Cụ thể có 5 điều cơ yếu như sau:
(1)     Niềm tin thiết yếu nhất của những người theo chủ nghĩa cơ yếu là tin rằng Thánh Kinh không sai lầm trong tất cả những điều mà Thánh Kinh dạy. Nghĩa là, Thánh Kinh không có chứa một sai lầm nào trong đó cả. Chúng ta sẽ khám phá chủ đề này đầy đủ hơn trong chương kế tiếp. Ở đây chỉ cần ghi nhận rằng niềm tin này nhấn mạnh vì Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa, nó không thể chứa bất cứ sai lầm nào thuộc bất cứ loại nào, ngay cả không có sai lầm nào về khoa học hay lịch sử, càng không có sai lầm nào về thần học.
(2)     Sự kiện Đức Maria thụ thai và sinh hạ đồng trinh Đức Giêsu là một tiêu điểm trọng yếu trong đức tin của những người cơ yếu. Điều này thật thiết cốt để bảo toàn sự nhìn nhận rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa.
(3)     Điều tin tưởng thứ ba, đó là Đức Giêsu Kitô, qua cuộc khổ nạn và cái chết thập giá của Ngài, đã đền thay cho tội lỗi của loài người. Chỉ một mình hành động của Ngài đã cứu chuộc thế giới và đem lại ơn cứu độ cho những ai đi theo Ngài như là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa. Chỉ một mình Ngài chuộc tội loài người. Ngài là Đấng đã chết cho hết mọi người. Ngài là Đấng chết thay cho chúng ta, cứu chuộc sự gian ác của chúng ta.
(4)     Niềm tin vào sự sống lại của thân xác thể lý Đức Giêsu cũng rất quan trọng trong đức tin của những người theo chủ nghĩa cơ yếu. Sự phục sinh Đức Giêsu là hành động tột cùng của Thiên Chúa chứng minh rằng Đức Giêsu là Mêsia, là Con Thiên Chúa. Giáo thuyết này gắn kết chặt chẽ với niềm tin rằng thân xác người chết cũng sẽ được sống lại khi Đức Kitô trở lại trong vinh quang để thiết lập Vương Quốc chung cục của Thiên Chúa.
(5)     Điểm cơ yếu cuối cùng là niềm tin vào cuộc quang lâm (Hy ngữ: parousia, sự đến), hay việc Đức Kitô đến lần thứ hai bằng xương bằng thịt để phán xét thế gian. Nhiều người cơ yếu đi xa đến chỗ giải thích chi tiết cuộc trở lại thể lý của Đức Kitô đến trái đất này, nêu ra cách mà họ phải chuẩn bị chờ đón sự trở lại ấy, và những gì sẽ xảy ra cho những người trung thành trong đức tin và cho những tội nhân không hối cải khi Đức Giêsu trở lại trong vinh quang. Trong ngôn ngữ rối rắm của họ, đây được gọi là sự kiện “được chụp bắt và đem đi”, dựa trên một bản văn không sáng tỏ ý nghĩa của Thánh Phaolô (1Tx 4,16-17) mà chúng ta sẽ xem xét sau.
Cần ghi nhận rằng ngoại trừ giáo thuyết đầu tiên có nhiều hàm chứa về cách giải thích Thánh Kinh, những niềm tin cốt thiết này của những người theo chủ nghĩa cơ yếu vốn được chia sẻ bởi phần đông các Kitô hữu, mặc dù từ nhiều quan điểm khác nhau và với những khác biệt nhau trong cách giải thích hay trong ngôn ngữ mô tả. Ngay cả giữa những người theo chủ nghĩa cơ yếu cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với ý nghĩa của những giáo thuyết này. Tuy nhiên, nỗi sợ của những người theo chủ nghĩa cơ yếu nằm ở chỗ họ sợ rằng tư tưởng tự do hiện đại xem ra đang xoi mòn các giáo thuyết chủ yếu này do việc quá đề cao những giải thích khoa học duy lý, nhất là liên quan đến cách chú giải Thánh Kinh. Vì thế, họ nại đến thẩm quyền của Thánh Kinh để bảo vệ quan điểm của họ. Vì Thánh Kinh được hiểu là Lời của Thiên Chúa, nên những người theo chủ nghĩa cơ yếu xem giáo huấn Thánh Kinh như là phán quyết cuối cùng về vấn đề. Thật khó mà có một thẩm quyền nào cao hơn Thiên Chúa! Đó là lý do tại sao cái nhìn của họ về Thánh Kinh có tầm rất quan trọng và cần phải được tìm hiểu. Tiêu điểm của quyển sách này là xoáy vào cái nhìn đó.
Các Nguyên Tắc Đức Tin Của Những Người Cơ Yếu
Những niềm tin nói trên của những người theo chủ nghĩa cơ yếu gắn liền với một số nguyên tắc quan trọng được rút ra từ chính các niềm tin ấy. Những nguyên tắc này vạch đường lối hành động cho họ. Tôi sẽ liệt kê 6 trong số các nguyên tắc đó.
(1)    Thánh Kinh là thẩm quyền duy nhất cho đời sống người Kitô hữu. Thánh Kinh có khả năng chuyển thông thánh ý Thiên Chúa một cách sáng tỏ. Bất cứ ai cầm Thánh Kinh trên tay đều có thể nhận được sứ điệp trực tiếp và chính xác của Thiên Chúa. Không cần phải có một trung gian nào. Một số cộng đoàn những người theo chủ nghĩa cơ yếu từ chối gọi mình là “giáo hội”, thay vào đó họ thích gọi là “hội đồng” hay “cộng đoàn” hơn. Trong cách nghĩ của họ, chính ý niệm Giáo Hội gợi lên một tổ chức đầy tính cơ cấu và độc đoán, xa lạ với Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Không cần phải có Giáo Hội hay thẩm quyền bên ngoài nào khác để giúp rút ra ý Thiên Chúa từ Thánh Kinh. Một số thậm chí xem các Giáo Hội chính thức như là sự cản trở ơn cứu độ và xem các giới chức trong Giáo Hội là không cần thiết hay thậm chí chỉ là những mô ụ gây ách tắc cho ơn cứu độ. Sự nhấn mạnh được đặt nơi đức tin cá nhân. Thánh Thần của Thiên Chúa ban đặc sủng cho các vị lãnh đạo – đó là những vị am hiểu Thánh Kinh và có khả năng giảng Lời Thiên Chúa một cách đầy hiệu quả, nhờ đó đem những người khác đến với đức tin.
(2)     Ơn cứu độ vĩnh cửu chỉ đến qua sự chuộc tội do Đức Giêsu Kitô thực hiện. Đó là lý do tại sao cần phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ riêng của mình. Phần đông những người theo chủ nghĩa cơ yếu tự gọi mình là “những Kitô hữu được sinh lại”. Họ tin rằng họ thấm nhập vào trong tim mình sứ điệp “hãy sinh lại” của Đức Giêsu (Ga 3,3), và họ đồng hóa hành động hoán cải này với một thời gian và nơi chốn đặc biệt khi người ta chấâp nhận cụ thể bằng lời rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa và Đấng Cứu Độ của riêng mình. Có bảy bước cụ thể để được “sinh lại”:[8]
¨    Nhìn nhận rõ tội lỗi mình
¨    Thống hối và dứt khoát từ bỏ tội lỗi
¨    Thỉnh cầu Chúa Giêsu đi vào trong đời sống mình để hướng dẫn đời sống đó
¨    Tuân phục thánh ý Thiên Chúa
¨    Chế ngự các đau khổ nơi mình và vượt thắng các vấn đề
¨    Cảm nghiệm sự săn sóc trực tiếp của Thiên Chúa
¨    Chấp nhận trong hiện tại ơn cứu độ mà Thiên Chúa mở ra cho mình
Những hành vi ấy được xem là để chuyển hóa đời sống con người một lần cho tất cả.
(3)     Mọi Kitô hữu phải Phúc Âm hóa (Hy ngữ: euaggelizomai, “loan báo tin mừng”) thế giới bằng chứng tá cá nhân của mình. Bởi vì sứ điệp Tin Mừng rất quan trọng cho ơn cứu độ, nên mọi người nhận sứ điệp ấy có trách nhiệm phải chuyển nó tới cho người khác. Những người theo chủ nghĩa cơ yếu vì thế rất duy Tin Mừng trong đức tin của họ. Họ nhận thấy nhu cầu phải Phúc Aâm hóa thế giới, phải cứu toàn thể loài người khỏi tội lỗi. Họ không thể ngồi thúc thủ nhưng trái lại cảm thấy phải dấn thân tích cực truyền bá sứ điệp của Chúa Giêsu đến cho toàn thế giới. Nhiều nhóm người theo chủ nghĩa cơ yếu rất giỏi truyền giáo tại những nước đang phát triển như ở Nam Mỹ hay Phi Châu, nơi mà họ gặt hái những thành công ngoạn mục trong việc chuyển hóa người ta theo đức tin của họ. Họ cũng quan tâm nhiều đến việc giúp chuyển hóa những người Do Thái giáo và những người ngoài Kitô giáo khác mà họ ước ao đem về đoàn chiên của Đức Kitô.
(4)     Mọi Kitô hữu phải sống một đời sống luân lý nhiệm nhặt. Điều này thường được kèm theo bởi những cấm đoán nghiêm ngặt về việc hút thuốc lá, uống rượu, chơi ma túy, cờ bạc,… Một câu khẩu hiệu phổ biến: “Chúng ta không hút thuốc, không rượu bia, nhậu nhẹt, không chơi bời trác táng.” Dĩ nhiên thái độ này không làm cho họ trở thành miễn nhiễm đối với tội lỗi. Trong đa số các giáo phái đều đã có những xì căng đan gây ồn ào khi người ta bắt gặp một số giới chức lãnh đạo của giáo phái ngoại tình hoặc có những hành động vô luân khác. (Chẳng hạn, những xì căng đan tình dục của Jimmy Swaggert hay Jim Bakker vào cuối thế kỷ 20). Đôi khi qui tắc luân lý nghiêm ngặt này thậm chí đi xa đến nỗi người ta phải tránh tham gia vào một số lễ hội chính thức công cộng, chẳng hạn lễ Halloween (được gán là thờ Satan, có tính tà thuật,…), tránh dùng cây thông giáng sinh để trang hoàng dịp Nôen (được cho là nghi thức ngoại giáo), hay tránh đọc những câu chuyện Harry Potter của J.K. Rowling (được gán là phù thủy, ma quái).
(5)     Các Kitô hữu phải chiến đấu không khoan nhượng để bảo vệ chân lý. Những người cơ yếu tự xem mình như những người lính gác gìn giữ đức tin Kitô giáo chân thực. Vì thế họ phải cực lực chống lại tất cả những gì mà họ nghĩ là đối nghịch với Kitô giáo đích thực. Họ thường sử dụng thứ ngôn ngữ đầy sát khí của chiến tranh (chẳng hạn: “Xông lên! Hỡi các chiến sĩ Kitô giáo” – bản hành khúc được soạn ra ở Anh vào năm 1864, để tạo khí thế dấn thân mạnh mẽ cho sứ điệp Kitô giáo). Họ dấn thân sâu sắc vào một cuộc chiến tranh toàn diện giữa thiện và ác. Họ phản đối khoa nghiên cứu phê bình Thánh Kinh hiện đại, chống lại trào lưu tục hóa, chống cả chủ nghĩa nhân bản bởi vì những thứ đó tấn công và thực sự hủy diệt các giá trị cốt tủy của Kitô giáo. Ngay cả trong nội bộ các tổ chức của mình, một số giáo phái theo chủ nghĩa cơ yếu đã phân rã nghiêm trọng do đấu tranh nội bộ khi có phát hiện ra rằng giới lãnh đạo không triệt để chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Một số nhóm cơ yếu đã quyết định đứng hẳn ra ngoài xã hội để bảo toàn đức tin đích thực. Những người tách biệt này đôi khi thiết lập trường học tại nhà cho con em mình để chúng không bị hư hỏng bởi các giá trị thời thượng của Mỹ. Dù vậy, chúng ta nên ghi nhận rằng ngay cả một số người theo chủ nghĩa cơ yếu cũng cho rằng những người bạn quá khích ấy của họ là “cơ yếu thái quá”, do bởi tính cứng nhắc và khuynh hướng tách biệt quá mức của những người bạn ấy.
(6)     Cuối cùng, phần đông những người theo chủ nghĩa cơ yếu đều có một cái nhìn cánh chung[9] đặc thù về các biến cố sẽ xảy ra vào hồi tận thời. Họ nôn nóng mong đợi Đức Giêsu đến lần thứ hai. Viễn tượng cánh chung của họ càng tăng thêm tính khẩn trương cho sứ điệp của họ, vì họ cảm thấy thời gian không còn nhiều và họ được mời gọi truyền bá sứ điệp của Đức Giêsu xa rộng ngần nào có thể trước khi các biến cố của buổi tận thời xảy ra. Về nguyên tắc này, những người theo chủ nghĩa cơ yếu dựa vào một số bản văn mấu chốt của Thánh Kinh tập chú vào những kỳ vọng có tính khải huyền,[10] chẳng hạn Sách Khải Huyền. Sự giải thích của họ đối với những bản văn này đôi khi đưa ra những cảnh tượng rất chi tiết của những gì sẽ xảy ra ở hồi kết cục khi Thiên Chúa thiết lập vương quốc vĩnh cửu của Ngài.
Sáu nguyên tắc hành động trên đây là nền móng của chủ nghĩa cơ yếu và là định hướng thực hành cho các nỗ lực truyền bá sứ điệp của họ.
Những Chủ Nghĩa Cơ Yếu Của Thế Giới
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về cách tiếp cận Thánh Kinh của chủ nghĩa cơ yếu, tôi tưởng cần phải nói đôi lời về chủ nghĩa cơ yếu trong các cảnh vực khác của thế giới. Các phương tiện truyền thông đại chúng thường nói về những loại chủ nghĩa cơ yếu khác hiện đang tồn tại và rất đậm màu sắc chính trị. Chẳng hạn, đã nhiều trường hợp, tại một số nước thiên hạ bàn tán xôn xao khi những “người cơ yếu” Hồi giáo hay Do thái giáo cực đoan đưa ra những tuyên bố hay thậm chí dính líu vào các hành động khủng bố và bạo lực. Ở đây có mối liên hệ nào với chủ nghĩa cơ yếu Thánh Kinh không?
Câu trả lời là vừa có vừa không. Rõ ràng, người ta có thể chỉ ra một số nét tương đồng trong bất cứ chủ nghĩa cơ yếu tôn giáo nào, bất kể xu hướng của giáo phái ấy là gì. Giáo sư Martin E. Marty, một chuyên gia lịch sử Giáo Hội, chỉ ra 11 yếu tố chung có thể được tìm thấy nơi các nhóm “cơ yếu”:[11]
¨       Nguồn gốc nằm ở các nền văn hóa truyền thống và bảo thủ
¨       Một cảm giác mơ hồ về tình trạng bị đe dọa bởi các lực bên ngoài
¨       Không thoải mái và không hài lòng với cuộc sống
¨       Có thái độ phản ứng tự vệ
¨       Hướng tới việc tách biệt khỏi những người khác
¨       Có ý muốn bêu xấu những người ngoài
¨       Đề kháng lại những gì mâu thuẫn và hàm hồ
¨       Tạo ra một nền văn hóa nhị nguyên rạch ròi
¨       Có khuynh hướng bộc trực thái quá để giữ quan điểm của mình
¨       Thu tóm tương lai vào hiện tại qua cái nhìn đăm đăm vào chiến thắng của tương lai.
Những đặc điểm kể trên cho thấy các loại chủ nghĩa cơ yếu khác nhau trên khắp thế giới. Các nghiên cứu xã hội học và nhân loại học gần đây xác nhận một số mối liên hệ chung giữa những người theo chủ nghĩa cơ yếu. Những người cơ yếu dù thuộc bất cứ loại nào cũng đều dựa vào những bản văn thánh viện dẫn thẩm quyền thần linh. Vì thế, những người Hồi giáo có Kinh Coran và những người Do thái giáo có Tanak hay Thánh Kinh Do thái của họ. Trong các tôn giáo này đều có những người cơ yếu – họ đọc Thánh Kinh của họ cũng tương tự như cách mà những người cơ yếu Mỹ đọc Thánh Kinh Kitô giáo. Chủ nghĩa cơ yếu nào cũng đọc và hiểu các bản văn thánh theo sát chữ. Thường thì các bản văn ấy củng cố một số quan điểm chính trị hay cảm hứng – từ quan điểm của họ, dĩ nhiên – và thẩm quyền thần linh thì khó có ai có thể phủ nhận. Nếu Thiên Chúa bảo phải “thánh chiến”, thì ta thánh chiến, thế thôi. Phải như thế mới bảo vệ được chân lý.
Thêm vào đó, có một thực tại khác có lẽ nên gọi là chủ nghĩa thủ cựu hay giáo điều, gắn chặt với chủ nghĩa cơ yếu. Đây xem ra là một khuynh hướng tâm lý muốn hành động một cách xác thực tuyệt đối và không cho phép có sự nhượng bộ hay linh động nào. Một số quan điểm đầy tính tiên kiến giáo điều đóng vai trò hướng dẫn hành động của người ta, và không có một luận lý nào có thể bứng người ta khỏi chiều hướng đã được chọn lựa này. Thật vậy, nơi mọi hình thức của chủ nghĩa cơ yếu đều có phơi bày những yếu tố cứng nhắc về tâm lý. Tôi đã đề cập trên kia rằng chủ nghĩa cơ yếu thuộc loại này có thể hiện lộ ra nơi bất cứ khuynh hướng chính trị nào, từ hữu khuynh tới tả khuynh, từ tự do tới bảo thủ.
Tuy nhiên, nhiều hiện tượng chủ nghĩa cơ yếu trên khắp thế giới vốn quá đa dạng và do đó thách đố mọi sự phạm trù hóa dễ dãi. Không có sự phân tích nào có thể giải thích cách đồng nhất mọi khía cạnh của chủ nghĩa cơ yếu. Việc điều tra xã hội học kỹ lưỡng đòi phải khám phá những trường hợp đặc biệt vốn đóng vai trò định hướng các loại chủ nghĩa cơ yếu. Quyển sách này không phải là một nghiên cứu xã hội học hay nhân loại học, cũng không phải là một nghiên cứu tâm lý. Trước hết quyển sách này là một hướng dẫn về Thánh Kinh, nhằm đối chiếu và đối lập giữa một bên là phương pháp tiếp cận Thánh Kinh của những người theo chủ nghĩa cơ yếu và bên kia là phương pháp của những người không theo chủ nghĩa này, đồng thời cũng so sánh một lập trường cơ yếu đối với Thánh Kinh với một lập trường Công Giáo.
Vì thế, tôi sẽ không nhằm đề cập đến chủ nghĩa cơ yếu như một hiện tượng tôn giáo phổ biến. Các chuyên gia khác đã khám phá lãnh vực này trong những nghiên cứu công phu (xin xem bộ sách nhiều tập The Fundamentalisms Project trong thư mục). Thay vào đó, tôi sẽ giới hạn tiêu điểm nơi chủ nghĩa cơ yếu Thánh Kinh của Tin Lành Mỹ – vốn vẫn còn tồn tại hiện nay ở Hoa Kỳ và đã được xuất khẩu sang nhiều khu vực khác của thế giới bởi những người Kitô hữu duy Tin Mừng sôi sục nhiệt huyết. Đây là một hình thái chuyên biệt của chủ nghĩa cơ yếu mà xem ra người Công Giáo phải đương đầu và bị gây nhiều băn khoăn. Bây giờ chúng ta hãy đi vào chủ điểm của chủ nghĩa cơ yếu Thánh Kinh – tức cách mà chủ nghĩa này đọc Thánh Kinh.
Ronald D. Witherup, S.S.
Lê Công Đức Chuyển ngữ
—-
[1] Marsden, Fundamentalism and American Culture, 4
[2] Cohen, The Fundamentalist Phenomenon, 22
[3] Falwell, The Fundamentalist Phenomenon, 3
[4] Hiện đang có lưu hành một bản hiệu đính, có tựa đề The Fundamentals: The Famous Sourcebook of Foundational Biblical Truths, R.A. Torrey, Grand Rapids, Mich.: Kregel 1990
[5] The American Heritage Dictionary, 2nd college ed., Boston: Houghton Mifflin, 1991, 539.
[6]  New York: Oxford University, 1909; 2nd ed., 1917
[7] The New Scotfield Study Bible, 3rd ed., New York:Oxford University, 1967
[8] Xem Eric Gritsch, Born Againism: Perspectives on a Movement, Philadelphia: ortress, 1982, 91-92
[9] Hy ngữ: eschaton, “thời tận cùng”
[10]  Hy ngữ: apokalypsis, “vén màn, bộc lộ”
[11] Fundamentals of Fundamentalism, 18-23


Không có nhận xét nào: