Lễ Đức Mẹ Lên Trời
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
Bài đọc: Rev 11:19a,12:1-6a,
10ab; I Cor 15:20-27; Lk 1:39-56.
1/ Bài đọc I: 19 Đền
Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ. 1 Rồi
có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp
mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. 2 Bà có thai,
đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con. 3 Lại có điềm khác
xuất hiện trên trời: đó là một Con Mãng Xà, đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng,
trên bảy đầu đều có vương miện. 4 Đuôi nó quét hết một phần ba các
ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt
người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. 5 Bà
đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt
mà chăn dắt muôn dân. Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người. 6 Còn
người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở,
để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày. 10 Và
tôi nghe có tiếng hô to trên trời: "Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn
cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Ki-tô của Người giờ
đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ
trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.
2/ Bài đọc II: 20 Nhưng
không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an
giấc ngàn thu. 21 Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì
cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. 22 Quả thế, như mọi người
vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô,
cũng được Thiên Chúa cho sống. 23 Nhưng mỗi người theo thứ tự của
mình: mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ
thuộc về Người. 24Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi
quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên
Chúa là Cha. 25 Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi
Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. 26 Thù địch cuối cùng bị
tiêu diệt là sự chết, 27 vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức
Ki-tô. Mà khi nói muôn loài, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân
Đức Ki-tô.
3/ Phúc Âm: 39 Hồi ấy,
bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà
vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét
vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy
tràn Thánh Thần, 42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được
chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc
phúc. 43Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44 Vì
này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui
sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì
Người đã nói với em."
46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. 48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái
thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. 49 Đấng
Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí
tôn! 50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương
sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. 52 Chúa hạ bệ những ai
quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. 53 Kẻ đói nghèo, Chúa
ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. 54 Chúa độ trì
Ít-ra-en, tôi tớ của Người, 55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì
Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến
muôn đời." 56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi
trở về nhà.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khiêm nhường
làm theo thánh ý Thiên Chúa để phục vụ tha nhân.
Thiên Chúa luôn yêu thương, chúc
lành, và mong muốn mọi sự tốt lành cho con người; ngược lại, ma quỉ luôn ghen
tương, phá hủy, và mong muốn con người làm nô lệ cho chúng. Để thực hiện điều
này, chúng luôn tìm mọi cách để đề cao sự tự do và tính kiêu hãnh nơi con người.
Trong Vườn Địa Đàng, chúng đã cám dỗ cặp vợ chồng đầu tiên, ông Adong và bà
Evà, dùng tự do để bất tuân lệnh Thiên Chúa. Hậu quả của sự bất tuân làm con
người xa cách Thiên Chúa và phải chết. Để chuộc tội cho con người, Mẹ Maria và
Đức Kitô là Adam và Eve mới, đã chọn một phương cách hoàn toàn ngược lại: tuyệt
đối khiêm nhường và vâng lời làm theo mọi ý định của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung
trong những gì Mẹ Maria và Đức Kitô đã vâng lời làm theo thánh ý Thiên Chúa, để
mang lại sự sống mà con người đã đánh mất. Trong Bài Đọc I, Sách Khải Huyền nói
về cuộc tranh chấp giữa Người Phụ Nữ và Con Mãng Xà: Con thú dữ đứng chực sẵn
trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con
bà. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô so sánh và mặc khải Kế Hoạch Cứu Độ của
Thiên Chúa: "Nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một
người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Adong mà
phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống."
Trong Phúc Âm, khi được chị họ khen ngợi là người có phúc hơn mọi phụ nữ, Mẹ
Maria đã khiêm nhường tuyên xưng: tất cả những gì Mẹ có được đều do bởi Thiên
Chúa. Mẹ chỉ là người nữ tỳ hèn hạ được Đấng Tối Cao cho cộng tác vào chương trình
cứu độ của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Kẻ ngày đêm tố cáo
anh em của ta trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.
1.1/ Cuộc giao chiến giữa Thiên
Chúa và ma quỉ: Tác-giả Sách Khải Huyền tường thuật thị kiến ông thấy xảy ra
trên không trung: Hai nhân vật chính ông thấy xuất hiện là người Phụ Nữ đang
mang thai và con Mãng Xà đang chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ, để khi bà sinh
xong là nó nuốt ngay con bà.
Hầu như mọi người đều cho con
Mãng Xà này là hiện thân của Satan vì những đặc tính mà tác giả đã đề cập tới:
"đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi
nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất." Nhưng
ai là người Phụ Nữ mà tác giả mô tả ở đây? Có hai ý kiến khác nhau:
(1) Người Phụ Nữ là Đức Mẹ và
Người Con sắp sinh là Chúa Giêsu: Ý kiến này rất phổ thông trong thời Trung Cổ,
đặt căn bản trên sự kiện sau: Trước hết, tác giả đề cập đến sự hiện diện của
Thiên Chúa trong Hòm Bia của Cựu Ước để so sánh với Hòm Bia của Tân Ước là cung
lòng Mẹ Maria khi cưu mang Đức Kitô, Người Con của Thiên Chúa. Thứ đến, tác giả
mô tả vinh quang tuyệt đỉnh của Đức Mẹ: "mình khoác mặt trời, chân đạp mặt
trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao." Ngoài Đức Mẹ, không một
ai được mô tả có vinh quang tuyệt đỉnh như thế. Sau cùng, tác giả cũng đề cập đến
sứ vụ và uy quyền của người con: "người con trai này sẽ dùng trượng sắt mà
chăn dắt muôn dân."
(2) Giáo Hội và các tín hữu: Ý
kiến này có từ thời sơ khai của Giáo Hội, cho người Phụ Nữ là Mẹ Giáo Hội và
người con là mỗi tín hữu. Con Mãng Xà tượng trưng cho đế quốc Rôma, vì luôn tìm
dịp để bách hại đạo thánh Chúa. Người theo ý kiến này trưng dẫn các lý do thần
học: Đức Mẹ có thể bị đau đớn và quằn quại khi sinh con như câu số 12:2 mô tả
không? Đức Mẹ có phải trốn vào sa mạc trong thời hạn 1,260 ngày như câu 12:6 mô
tả không? Sau cùng, phải cắt nghĩa câu 12:17 thế nào khi con Mãng Xà "đi
giao chiến với những người còn lại trong giòng dõi của Bà, những người giữ lời
chứng của Đức Giêsu!" Ngoài ra, hình ảnh người Phụ Nữ rất phổ thông trong
văn chương cổ điển của Đông Phương và Kinh Thánh (Isa 50:1, Jer 50:12), được
dùng để chỉ một dân tộc, một quốc gia, hay một thành phố.
Ý kiến thứ nhất được nhiều người
đồng ý hơn; tuy nhiên, ý kiến này không hoàn toàn đối nghịch với ý kiến thứ
hai, mà còn bao hàm nó, vì Đức Mẹ là hiện thân của Giáo Hội; các tín hữu là môn
đệ của Đức Kitô và cũng là con cái của Mẹ. Ma quỉ không những muốn nuốt chửng Đức
Kitô mà còn tất cả những ai tin vào Ngài. Tác giả có thể có hai hình ảnh khi mô
tả thị kiến: cá nhân như Mẹ Maria và Đức Kitô, tập thể như Giáo Hội và các tín
hữu.
1.2/ Quyền lực Thiên Chúa chiến
thắng quyền lực của ma quỉ: "Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó
Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một
ngàn hai trăm sáu mươi ngày." Sa mạc là chỗ ẩn phổ thông cho các tín hữu
khi bị bách hại. Hình ảnh con cái Israel trong sa mạc dường như được nhấn mạnh ở
đây. Con số hay được dùng trong Kinh Thánh: 1,260 ngày tương đương với 42 tháng
hay 3 năm rưỡi, để chỉ một thời gian khá lâu, nhưng không vĩnh cửu.
Tác giả nghe có tiếng hô to trên
trời: "Thiên Chúa chúng ta thờ, giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương
uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền
bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay
bị tống ra ngoài." Đây là lời báo trước kết quả của cuộc giao chiến: Thiên
Chúa và Đức Kitô sẽ toàn thắng quyền lực của ma quỉ. Satan và các đồng bọn của
chúng sẽ bị trừng trị và tiêu diệt.
2/ Bài đọc II: Nếu tại một người
mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại.
2.1/ Đức Kitô cứu nhân loại khỏi
nọc độc của sự chết: Thánh Phaolô so sánh hai sự kiện lịch sử quan trọng: sự sa
ngã của ông Adong trong Vườn Địa Đàng và sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô
trong mồ thánh để nói lên hậu quả xảy ra cho con người. Vì ông Adong đã bất
tuân Thiên Chúa và phạm tội, nên nọc độc của tội di truyền đến mọi người, và hậu
quả của tội là sự chết. Hậu quả này được đảo ngược bởi Đức Kitô, vì Ngài đã
vâng lời Thiên Chúa gánh lấy hậu quả tội lỗi cho con người; và vì Ngài đã sống
lại vinh hiển nên con người không còn phải chết nữa.
2.2/ Đức Kitô sẽ trao lại vương
quốc cho Cha Ngài: "Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết
mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho
Thiên Chúa là Cha." Thoạt đọc, một người có thể cho Đức Kitô không ngang
hàng với Thiên Chúa Cha; nhưng sự thực không phải như thế.
Chúng ta có thể dùng một hình ảnh
để suy luận điều thánh Phaolô muốn diễn tả ở đây: như một vị tướng lãnh nhận sứ
vụ từ nhà vua để chinh phục quân thù, Đức Kitô cũng lãnh nhận sứ vụ từ Chúa Cha
để thi hành. Khi Ngài đã hoàn tất sứ vụ tiêu diệt thù địch cuối cùng là sự chết, Ngài
trao lại con người đã được cứu chuộc cho Thiên Chúa; giống như vị tướng trao lại
lãnh thổ đã bị xâm lấn cho vua mình.
3/ Phúc Âm: Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới.
3.1/ Làm theo thánh ý Thiên Chúa
là lý do được Thiên Chúa chúc phúc.
(1) Chị họ Elisabeth nhận ra sự
cao trọng của Mẹ Maria: Khi Mẹ Maria vào nhà ông Zachariah và chào hỏi bà
Elisabeth, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà Elisabeth được đầy tràn Thánh
Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ
nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu
Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa
con trong bụng đã nhảy lên vui sướng." Người con bà Elisabeth đang cưu
mang trong lòng là Gioan Tẩy Giả, hai thai nhi đã nhận ra nhau do Thánh Thần
tác động; và Bà Elisabeth cũng nhận ra diễm phúc được làm Mẹ Thiên Chúa của
Maria, người em họ mình.
(2) Lý do của sự cao trọng và được
chúc phúc: Bà Elisabeth nhận ra lý do Maria được chúc phúc, và nói: "Em thật
có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."
Con người được chúc phúc là vì niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa, chứ không vì
bất cứ việc gì con người làm. Mẹ Maria tin vững mạnh nơi Kế Hoạch Cứu Độ của
Thiên Chúa, và Mẹ đã thưa lời "Xin Vâng" với sứ thần Gabriel.
3.2/ Khiêm nhường phục vụ Thiên
Chúa và phục vụ tha nhân: Theo sự quan phòng của Thiên Chúa, người tín hữu cao
trọng là người biết khiêm nhường phục vụ tha nhân.
(1) Khiêm nhường phục vụ Thiên
Chúa: Mẹ Maria biết nguồn gốc của sự cao trọng của Mẹ là nơi Thiên Chúa; Mẹ chỉ
là nữ tỳ hèn hạ của Ngài. Vì thế, Mẹ Maria đáp trả lời khen ngợi của chị họ
Elisabeth như sau: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở
vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương
nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho
tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!"
Ngược lại với cách đáp trả của Đức
Mẹ, là cách con người kiêu hãnh nhận những gì Thiên Chúa và tha nhân đã làm
cho, là của mình. Họ nghĩ vì họ có tài đức, hay có vận may, hay nhờ những cố gắng
riêng, mà họ được như hiện tại. Bài kinh Magnificat là một thức tỉnh cho loại
người này, họ phải biết khôn ngoan nhận ra và cư xử thích đáng trước khi quá muộn:
"Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ
tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai
quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy
dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ
phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời."
(2) Khiêm nhường phục vụ tha
nhân: Lòng yêu mến Thiên Chúa phải được bày tỏ qua những việc làm cụ thể cho
tha nhân. Mẹ Maria đã chọn đi thăm viếng và ở lại phục vụ người chị họ mình ba
tháng, vì Mẹ biết chị họ đã cao niên và son sẻ, dù Mẹ có thể chọn ở nhà để dưỡng
thai. Người kiêu hãnh có thể nghĩ: chị họ phải đi thăm và phục vụ mình, vì mình
là Mẹ của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Chúng ta cần sáng suốt để nhận định:
- Thiên Chúa là Đấng uy quyền và
khôn ngoan: Ngài phác họa và điều khiển toàn bộ Kế Hoạch Cứu Độ cho con người
qua sự vâng lời và khiêm nhường thực hiện của Đức Kitô.
- Mẹ Maria đã khôn ngoan nhận ra
Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và khiêm nhường cộng tác để cung cấp cho Đức
Kitô một thân xác, cần thiết cho Kế Hoạch Cứu Độ.
- Noi gương Mẹ, chúng ta cầu xin
để chúng ta cũng nhận ra thánh ý Thiên Chúa, và khiêm nhường cộng tác để mưu cầu
phần rỗi cho chúng ta và cho tha nhân. Đừng bao giờ rơi vào bẫy kiêu hãnh của
ma quỉ để đánh cắp những ơn lành của Thiên Chúa và lạc xa đường cứu độ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét