PVL (25/11/2013) – Lời
Chúa hôm nay trích Tin Mừng Lc 21,1-4 nêu lên việc Chúa Giêsu quan sát người
giàu bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền và một bà goá túng thiếu kia bỏ
vào đó hai đồng tiền kẽm. Chúa Giê-su đánh giá cao hành vi dâng cúng của
bà:
"Bà này, thì rút từ
cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống
mình." (Lc 21,4)
Tôi thử soi chiếu xem mình
giống ai trong việc dâng cúng cho Thiên Chúa: Người giàu có hay bà góa?
Giàu tiền lắm của thì tôi
không bằng kẻ giàu sang phú quý, còn nghèo như bà góa thì tôi không đến nỗi. Vã
lại, tôi cũng không có thói quen giữ tiền. Từ khi ra đời làm việc, quỹ đen, quỹ
đỏ… tôi đều giao hết cho mẹ tôi, khi tôi chưa lấy vợ; đến khi có vợ thì giao
hết cho “một nửa của mình”. Ngay cả đồng lương hưu khiêm tốn của tôi hiện nay,
tôi cũng không giữ lại đồng nào.
Đang nói về đồng tiền
dâng cúng, hay mở rộng ra là những phẩm vật về vật chất lẫn tinh thần dâng cho
Thiên Chúa, tôi đã thấy:
Nhiều người gọi là đại
gia đã dâng cúng cho Thiên Chúa dưới nhiều loại hình khác nhau như xây nhà thờ,
giúp chủng viện, hỗ trợ ơn gọi, cứu tế dân nghèo theo lời mời gọi của Giáo Hội
v.v…, và đúng thực, đó là của dư của để của họ, đó có thể là một hình thức rửa
tiền để mua danh vì họ muốn có tên trên bảng vàng dâng cúng. Ngược lại, với
những người khác, có thể họ là Việt kiều nước này, nước nọ, họ lập ra những hiệp
hội, những nhóm nhỏ, những công việc ngoài giờ để giúp cho Giáo Hội Quê Hương
được phát triển, nhưng việc của họ, tay phải không biết việc tay trái làm. Tôi
may mắn nghe được những sự thật như thế trong một vài chuyến đi.
Tôi lại còn thấy dân
nghèo thôn quê, nhất là ở vùng sâu vùng xa, tiền bạc không có, họ dâng cúng cho
Thiên Chúa dưới hình thức xin lễ: khi thì một nãi chuối, khi thì con gà, con
vịt, lúc thì vài ba trứng gà, trứng vịt, con cá, con tôm, con ếch, lúc thì một
quả đu đủ, quả mít, vài ba trái xoài v.v…nói chung là những trái cây họ trồng
được. Một Cha xứ ở vùng quê hẻo lánh cũng đã từng kể cho tôi nghe như thế khi
tôi mạn đàm về Thánh Nhạc tại tư gia của Nhạc Sĩ Ngọc Kôn gần Nhà Thờ Bình
Triệu những năm tôi đến dạy nhạc cho các nữ tu bên cạnh Nhà Thờ Fatima.
Ở đây, tôi xin mở ngoặc
để kể một câu chuyện có thật những ngày sau năm 1975. Những năm đó, tôi vốn là “tài xế dân
biểu”, nghĩa là tôi đạp xích lô, dân gọi và biểu đưa đến đâu thì tôi đưa họ đến đó.
Có lần trên đường, tôi ghé một quầy bán báo, một tu sĩ Phật giáo áo nâu nói
chuyện với chủ quán báo, thầy nói rằng, chùa gì mà chẳng ai tới dâng cúng,
khiến thầy phải…. rã ruột! Tôi nghe mà cảm thông, vì đó là những năm khó khăn,
dân ta còn đói, và lương thực thì thiếu.
Trở lại việc dâng cúng
cho Thiên Chúa. Bản thân tôi, tôi biết rằng, mình chỉ có khả năng tinh thần, vì
tôi vốn sinh ra, lớn lên chỉ quen với nghề cầm viết, cầm phấn, chỉ có vốn liếng
tri thức chia sẻ cho thế hệ đàn em về giáo dục trong xã hội, và những người tôi có trách nhiệm trong
Giáo Hội. Tôi đã đem hết tâm ý của mình để truyền đạt, dạy dỗ, góp phần khai
hóa, tiến đức cho thế hệ trẻ. Tôi vốn từng ao ước hoàn tất đại học trước 1975
và du học tại các nước phương Tây về âm nhạc để dùng âm nhạc mà giáo dục thanh
thiếu niên, nhưng mộng không thành do biến cố 30/4/1975. Nay tôi muốn dâng cúng
phần tinh thần này để phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Hội Thánh của Chúa Giê-su,
nhất là tại Giáo Hội địa phương nơi tôi đang là thành viên.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa
biết con thực sự là một người nghèo của Chúa. Chúa đã trao ban cho con tài
năng, trí lực, con xin dâng lên Chúa với tâm thành của con để phục vụ Hội Thánh
Ngài. Xin giúp con biết phó thác vào sự quan phòng của Chúa cuộc đời con. Xin
giúp con dâng cúng khả năng tinh thần của con trong từng giây phút hiện tại với
tất cả lòng thành của con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét