CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Bản Tin Giáo Xứ Công Lý SỐ 15.A CHÚA NHẬT 1 Mùa Chay Năm A 05-03-17





 Lời Chúa : Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Chúa Giêsu và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” (Mt 4,3)
Lời Chúa : St 2,7-9; 3,1-7; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11
NHỮNG CƠN CÁM DỖ – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.
 Có nhiều người thắc mắc: Ăn chay là gì? Phải chăng là để dằn vặt thân xác, hành khổ con người cho Chúa vui lòng? Hỏi như vậy là chưa hiểu đạo, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc ăn chay. Chúa đâu phải quá độc ác, bệnh hoạn, vui lòng khi thấy con người chịu khốn khổ. Ăn chay một phần để hy sinh đền tội, nhưng mục đích chính của việc ăn chay là để thao luyện tâm hồn chống lại quỷ dữ.
Ngày nay người ta quên sự có mặt của ma quỷ. Nhưng ma quỷ vẫn có đó và và vẫn tích cực hoạt động nhằm phá huỷ thế giới, tiêu diệt con người. Ma quỷ rất tinh ma xảo quyệt nên người ta khó nhận ra âm mưu, dấu vết của chúng.
Nhìn vào ba cuộc ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu, ta thấy ma quỷ rất tinh khôn. Nó có kế hoạch, có chiến thuật, tấn công nhiều đợt, nhiều bước.
Thoạt tiên ma quỷ tấn công vào những bản năng sơ đẳng nhất nơi con người: bản năng sinh tồn, bản năng thống trị, bản năng đối nghịch. Những bản năng ấy gắn liền với những nhu cầu căn bản, chính đáng của con người.
Kéo chú ý của người ta vào những nhu cầu rồi, ma quỷ tiến bước thứ hai, đó là phóng đại những nhu cầu đó lên, làm cho người ta lầm tưởng rằng, đó là những nhu cầu cấp bách, phải thoả mãn ngay tức khắc.
Khi ta đã hoàn toàn mê mẩn vì cái bẫy nhu cầu, ma quỷ mới đẩy ta đến bước thứ ba, đó là tìm thoả mãn những nhu cầu theo ý riêng mình. Cách giải quyết đó ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa. Mục đích sau cùng của ma quỷ là xúi giục ta phản loạn, không sống tâm tình người con hiếu thảo với Chúa, chống lại Chúa và sau cùng lìa xa Thiên Chúa.
Ông bà nguyên tổ đã rơi vào bẫy của ma quỷ nên đã không sống tâm tình của người con hiếu thảo, muốn lìa bỏ cha mình, muốn ngang bằng cha mình, muốn chống lại cha mình.
Chúa Giêsu, trái lại, đã sáng suốt vạch trần âm mưu của ma quỷ và kiên quyết sống tâm tình của người con hiếu thảo.
Khi ma quỷ phóng đại nhu cầu, muốn cho Chúa Giêsu tưởng rằng con người chỉ là vật chất, chỉ sống nhờ bánh vật chất, vật chất là tất cả đời sống. Chúa Giêsu đã sáng suốt chỉ cho ta thấy vật chất không phải là tất cả, bánh vật chất của trần gian là cần, nhưng bánh tinh thần của trời cao còn cần hơn.
Khi ma quỷ thúc giục Chúa Giêsu hãy thoả mãn tức khắc nhu cầu của mình, Chúa Giêsu đã biết kiên nhẫn chờ đợi. Khi ma quỷ khích Chúa Giêsu dùng quyền năng riêng của mình để thoả mãn nhu cầu, Chúa Giêsu đã từ chối. Người muốn vâng phục Đức Chúa Cha, tin tưởng phó thác vận mệnh trong tay Chúa Cha, để mặc Chúa Cha quyết định.
Tuy đã thắng trong cuộc đọ sức đầu tiên, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị ma quỷ cám dỗ trong suốt cuộc đời. Cơn dỗ khi thì đến từ những người tin theo Chúa, muốn tôn Chúa làm vua để được ăn no nê bánh vật chất, khi thì đến từ những người chống đối đòi xin phép lạ từ trời xuống. Có lúc ma quỷ mượn chính những người thân tín như Phêrô để ngăn cản Chúa Giêsu thực hành ý Chúa Cha. Có lúc ma quỷ dùng cái chết ghê sợ để uy hiếp tinh thần, mong Chúa Giêsu lùi bước để tìm ý riêng mình. Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ vì Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha. Dù khi phải chiến đấu trong mồ hôi pha máu, Người vẫn nói: "Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, xin vâng theo ý Cha mà thôi".
Ma quỷ vẫn đang tiếp tục tạo nên những cơn cám dỗ. Và nhiều khi chúng ta đã mắc bẫy ma quỷ. Ta mắc bẫy ma quỷ khi mải mê đuổi theo những nhu cầu tiêu thụ quá đáng. Ta rơi vào âm mưu ma quỷ khi ta muốn có tất cả và có tức khắc. Ta hoàn toàn nằm trong vòng tay ma quỷ khi ta dùng mọi phương tiện để thoả mãn những nhu cầu, bất chấp ý Thiên Chúa.
Thay vì tuân phục ý Chúa, tôi luôn luôn bắt Chúa làm theo ý tôi. Thay vì vâng lời Chúa, tôi luôn luôn muốn sai bảo Chúa.
Mùa Chay này, Chúa kêu gọi tôi trở về với Chúa. Muốn trở về với Chúa, tôi phải chiến đấu chống lại ma quỷ. Muốn đủ sức chống lại ma quỷ, tôi phải luyện tập bỏ ý riêng mình và tìm vâng phục ý Chúa.
Hãy đặt ra cho mình một chương trình sống Mùa Chay bằng tăng cường hy sinh, cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái.
Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đón tôi trở về, và sẽ ban sức mạnh để tôi đủ sức chống lại mọi chước cám dỗ, nếu tôi biết sống trọn tình con thảo, tin cậy phó thác vào Người.
Lạy Thiên Chúa là Cha của con, xin đón nhận tâm hồn khiêm nhường sám hối của con. Amen.

 GIÁO LÝ :  Mục vụ gia đình: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân
§  Câu Giáo lý 352: H./ Hiệu quả của Bí tích Hôn Phối là gì? 
T./ Bí tích Hôn Phối tạo nên mối dây liên kết vĩnh viễn/ và độc chiếm giữa hai người phối ngẫu./ Vì thế,/ hôn nhân thành sự và hoàn hợp/ giữa những người đã được rửa tội/ không bao giờ có thể tháo gỡ được./ Bí tích Hôn Phối/ còn ban ân sủng cần thiết/ để họ đạt tới sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân [346].

TRÒ CHƠI… TRỜI CHO TRONG MÙA SÁM HỐI
Lm. Giuse QUANG UY, DCCT       
Mùa Sám Hối có một Trò chơi … trời cho để “giữ chay” bằng nhiều cách: chỉ chọn một hoặc hai cách thôi, hoặc làm hết các cách dưới đây, hoặc có thể chế biến thêm nhiều cách khác nữa, càng tốt, miễn là đã chơi thì chơi thật tình, chơi hết mình.
Thiết nghĩ, nói là Trò Chơi để người tham gia thấy nhẹ nhàng phấn khởi, không quá ràng buộc áp đặt, chứ thật ra có thể nghiêm chỉnh coi đây như một thực hành rất cụ thể và giản dị cho Mùa Sám Hối. Mà không chỉ các bạn trẻ có thể áp dụng, chúng tôi xin mời tất cả mọi người không trừ ai, cùng tham gia “giữ chay”.
Chúng ta sẽ nhận ra nó hội đủ cả ba chiều kích cần thiết để “Metanoia” trong Mùa Sám Hối : Cao lên với Thiên Chúa – Rộng ra với tha nhân – Sâu vào với bản thân.
Và hơn nữa, nó không dừng lại ở chỗ khuyến cáo chính mình không được làm điều xấu, mà cố gắng thay vào đó bằng lời mời gọi hãy làm điều tốt. Cái tốt sẽ đẩy dần cái xấu đi. Ánh sáng sẽ chiếm chỗ của bóng tối…    Nào, xin mời…
Nói chay: Mỗi ngày bớt đi một lời nói không hay về một người vắng mặt nào đấy, ngược lại, hãy tìm ra được một nét tốt đẹp nào đấy để nói về họ, cho dù là nói sau lưng họ cũng được !
Nghĩ chay: Trong ngày, khi có một tưởng tượng… bậy bạ hoặc mờ ám, tiêu cực gì đấy hiện lên trong đầu, hãy thay thế ngay bằng một sáng kiến hữu ích cho nhóm của mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng, cho người nghèo !
Làm chay: Tự nhủ hôm nay mình sẽ không lười biếng đùn việc khó chịu cho người khác, nhưng hãy tìm ra một việc dễ thương nho nhỏ để làm ngay một cách âm thầm cho người thân…
Viết chay: Nếu có viết một cái gì đấy, như viết báo, viết nhật ký, viết Blog, Facebook, viết Mail, sẽ không viết tào lao vớ vẩn nữa, nhưng cố gắng viết ra một nội dung tử tế, hoặc tìm đọc một Entry của bạn bè, bấm Like một cách có ý thức và nhớ để lại một comment chân thành khích lệ người ta…
Đi chay: Lúc rảnh rỗi, không chạy lang thang vô định phí giờ phí xăng, tăng thêm ô nhiễm khói bụi ngoài đường phố, hãy gửi xe rồi vào một công viên tử tế, ngồi chơi thong dong, hoặc ghé thăm một người bạn, một thầy cô giáo cũ…
Ngủ chay: Mỗi tối hãy bớt chát chít, gửi message, inbox với nhau, nhưng ngủ sớm đi nửa tiếng. Rồi mỗi sáng, thay vì ngủ nướng thêm 15 phút, hãy dậy sớm để tập mấy động tác thể dục và cầu nguyện, đến với một Thánh Lễ ban mai ở một Nhà Thờ nào đấy gần nhà càng hay !
Cười chay: Thôi không cười cầu tài, cười ngoại giao, cười khinh khỉnh, cười chế giễu, cười mỉa mai, cười nham nhở, cười thô lỗ, cười vô duyên, cười gượng, cười mếu… Nhưng hãy cười cho ra cười với người mình không ưa hoặc đang bất hòa, cười với một ai đấy đang cần một nụ cười để được vực dậy !
Ăn chay:  Bớt một tô phở, bớt một dĩa bột chiên, bớt một cốc bia, bớt một ly cà-phê, bớt một que kem, bớt một điếu thuốc độc hại… Mỗi ngày sẽ nhín ra được ít ra cũng 15.000 VND. Cuối tháng kiểm lại sẽ thấy có thêm được mấy trăm ngàn để dành giúp một ai đấy đang gặp hoạn nạn !
Nguyện chay: Bớt đọc kinh lê thê ê a một cách máy móc, nhưng hãy tập ngồi ngồi thinh lặng ở trong một Nhà Nguyện, một Nhà Chầu, một Nhà Thờ ấm áp nào đấy, hay bất cứ nơi đâu tương đối thanh vắng, đọc một đoạn Tin Mừng ngắn, rồi dâng một lời cầu nguyện cho một ai đó từ bỏ ý định… phá thai !
Chỉ “chay” vậy thôi, thiết nghĩ đã tuyệt vời lắm rồi !
MÙA CHAY XƯNG TỘI, MỘT NÉT VUI!
Tứ Quyết SJ
Xuân đến xuân đi, mùa chay tới. Ít người nghĩ đến niềm vui của việc sám hối khi xưng tội. Nhiều người nghĩ rằng, câu hỏi “Cần xưng tội không?” thường dành cho những con chiên khô khan nguội lạnh. Còn tôi, dù là thầy tu, tôi vẫn thường tự hỏi câu hỏi này; và khi ấy, tôi cảm thấy một chút vui.
Tâm hồn tựa căn phòng
Mỗi lần sắp rời xa căn phòng nhỏ, tôi dọn dẹp nó sạch sẽ ngăn nắp. Thế mà, sau 2 tuần hoặc 1 tháng, trở lại căn phòng mình, tôi lại nhận thấy sự “hoang dã” của nó. Bởi lẽ, bụi bẩn, mạng nhện… khắp phòng. 1 lần, 2 lần, nhiều lần như thế, tôi chẳng động lòng.
Cho đến lần kia, tôi chợt nhớ lời của vị thầy lão luyện trong lĩnh vực huấn luyện tâm hồn: cần quan tâm chăm sóc linh hồn mình, cơ thể đói còn dễ nhận ra, linh hồn đói không phải ai cũng có thể nhận ra, nhiều khi linh hồn chết đói, người ta mới nhận ra thì đã quá muộn.
Không chỉ là tội thì cần sám hối và xưng thú, mà ngay cả những lỗi, và càng khó sửa là những nết xấu, những tật xấu. Cần làm gì đây! Nếu như tôi cần một kế hoạch để cải thiện sức khỏe thân thể, thì tôi cũng cần phương án cụ thể cho sức khỏe tâm linh.
Một cảnh tượng phác họa trước mắt tôi: không chỉ là bụi bẩn và mạng nhện, mà có thể là căn phòng hoang tàn sụp đổ. Tội trọng cũng khủng khiếp như thế! Việc tôi cần làm chắc chắn là phải xây dựng lại ngôi nhà.
Ngôi nhà gạch, tôi có thể nhờ người khác xây; nhưng ngôi nhà tâm hồn, nếu tôi không muốn, chẳng ai có thể xây cho tôi. Nếu tôi có muốn, tự tôi không thể xây dựng lại. Hầu như ai cũng kinh nghiệm sự bất lực này, khi tội lỗi cứ ám ảnh cứ tái phạm liên miên. Ai thực sự tin Thầy Giêsu, sẽ có kinh nghiệm vượt qua. Sự cao quý của bí tích Hòa Giải là ở chỗ đó.
Tâm hồn tựa cục xốp
Khi nguồn nước không đảm bảo để uống, để sinh hoạt, thì cần được lọc. Trước khi nước được xử lý ở những công đoạn phức tạp và tinh vi, nước thường được xử lý thô bằng cách cho qua cục xốp để chặn lại bụi bẩn và đất cát.
Nếu như cần quan tâm tới sự hòa giải nội tâm bản thân với Thiên Chúa trong bí tích, thì tôi cũng cần quan tâm giúp người khác trong việc hòa giải trong cuộc sống. Khi giúp người khác, tôi tự nhắc lòng mình: tôi chỉ như cục xốp.
Cục xốp giúp gạn lọc dòng đời, nhưng cục xốp cũng đồng thời bám vào mình đầy bụi đời. Nếu cục xốp mãi là cục xốp và chỉ như thế. Chẳng mấy chốc, cục xốp sẽ đen đúng như dòng nước đục, và sẽ mất tác dụng lọc nước.
Sau thời gian làm việc, cục xốp cần được tắm gội trong dòng nước trong mát, để được giũ sạch bụi đời. Cục xốp cũng cần được phơi dưới ánh nắng tươi mới, để được thơm tho, để sạch mùi đời. Dòng nước trong lành ấy, ánh nắng tươi mới ấy chính là sức mạnh Chúa Giêsu ban trong bí tích Hòa Giải.
Tuyên xưng trong tình yêu
Tên gọi “xưng tội” thường được nhiều người nhắc tới. Tuy nhiên, dễ quên một thực tế là: tôi chỉ nói “tội” của mình, chỉ nói điều “kín ẩn” của lòng mình, cho người mà tôi tin tưởng, cho người mà tôi yêu mến. Em bé sẽ chẳng nói tội của bé cho cha mẹ, nếu em biết chắc cha mẹ sẽ ghét và đánh mình. Trong sợ hãi, em buộc phải nói dối, cho dù lòng không muốn nói dối. Trong gia đình đầy tình yêu mến, sẽ không có chỗ cho sự dối trá, mà chỉ có chỗ cho lòng cảm thông tha thứ; có thể có đổ vỡ, nhưng chắc chắn có hàn gắn.
Có người quá nhấn mạnh vào nét “xưng thú tội lỗi” mà quên chưa nhớ tới nét “tuyên xưng tình yêu”. Khi xưng tội, tôi không chỉ nhớ tới tội của mình, mà còn nhớ tới tình yêu mến Chúa dành cho tôi. Tuyên xưng tình yêu, tuyên xưng lòng thương xót của Chúa thì quan trọng hơn.
… Có lần kia, khi xưng tội với cha xứ nọ, tôi làm cha mất kiên nhẫn, cha đã mắng tôi. Trong thâm tâm, tôi vẫn vui vì biết rằng, chắc chắn Chúa tha thứ cho tôi. Thế là đủ! Xin cho con bắt đầu và lại bắt đầu. Amen.
Vui.. vui. : KHÔNG LẼ.
   Một hôm cô vợ đứng ngắm nghía hồi lâu trước gương rồi bật khóc.
- Không lẽ em đã già và xấu xí như thế này rồi sao ?
- Anh chồng ngồi cạnh an ủi : Thi thoảng em mới soi gương một lần mà đã thương tâm đến thế này rồi, ngày nào anh cũng nhìn thấy em không lẽ anh phải khóc cạn nước mắt...
- Cô vợ !!!
CHÊ SÁCH ĐỨC MẸ, BỊ QUỶ LÔI XUỐNG HỎA NGỤC
 Tại Cividale gần Udine, một tỉnh thuộc nước Ý, có một thanh niên cao bồi du đãng, chẳng tin tưởng gì hết, đến 1 hiệu sách Công giáo trước nhà thờ, y vào xem thấy toàn sách đạo, y lẩm bẩm: 
- Lúc nào cũng gặp toàn là sách nhảm nhí.
Mở một cuốn sách tường thuật các lần Ðức Mẹ hiện ra ở Salette năm 1846, y lắc đầu tỏ vẻ khinh bỉ: 
- Toàn chuyện bày đặt khéo của tụi theo Giáo Hoàng với mục đích lừa bịp kẻ ngu dốt và đàn bà con nít.
Nói xong y cầm sách liệng xuống đất, vừa dẵm lên vừa lấy gót dầy nện. Bỗng nhiên, y ngã vật xuống đất, miệng xùi bọt, da mặt xám xịt. Mọi người chứng kiến đều tái mặt.
Một lát sau, y dẫy dụa rất mạnh, như đang gỡ mình khỏi xiềng xích trói buộc mà không nỗi. Sau đó y có vẻ như thoát nạn, thở ra rất mạnh, rồi mở mắt nhìn chung quanh, đoạn bò ngỏm dậy khúm núm quỳ gối, chắp tay khóc sướt mướt. Y xin lỗi mọi người xung quanh vì tội lộng ngôn phạm thượng đến Chúa, Đức Mẹ và kể:
- Tôi đã bị Chúa phạt, ma quỉ túm lấy tôi lôi xuống hỏa ngục, nhưng Ðức Mẹ đã hiện đến can thiệp và giải thoát tôi khỏi tay quỉ. Xin mọi người hợp lời cùng tôi tạ ơn Chúa Mẹ, và cầu cho tôi được thành tâm trở lại”.
Nói xong y vào nhà thờ gặp cha sở xưng tội và thuật lại mọi sự. 
(Trích Sách Những Ơn Lạ Mẹ ban)
Uống nhiều nước ngọt dễ làm gan nhiễm mỡ
Nghiên cứu của các nhà khoa học Ý thuộc Bệnh viện Bambino Gesù mới được công bố trên tờ Journal of Hematology nêu thêm bằng chứng về tác hại của việc dùng nhiều nước ngọt ở trẻ em.
Theo đó, việc dùng quá nhiều thức uống này dễ bị chứng gan nhiễm mỡ không do rượu.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 271 trẻ em và thanh thiếu niên béo phì bị gan nhiễm mỡ, yêu cầu họ cung cấp chi tiết về việc ăn uống hằng ngày. Sử dụng dữ liệu được cung cấp, các nhà khoa học tính toán khẩu phần đường fructose của những người này và nhận thấy nước uống có ga cùng các dạng nước ngọt khác là nguồn fructose chính mà họ dung nạp. Khoảng 90% trong số này dùng nước ngọt ít nhất 1 lần/tuần. Sinh thiết gan cho thấy 37,6% trong số này bị viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.          
Tỉ lệ uric acid cao trong máu của nhóm bị viêm gan nhiễm mỡ là 47% so với mức chỉ 29,7% ở nhóm còn lại. Quan trọng hơn, nhóm nghiên cứu nhận thấy những trẻ dùng nhiều đường fructose dễ có mức độ uric acid cao trong máu đồng thời cũng dễ bị viêm gan nhiễm mỡ hơn so với trẻ ít dùng đường fructose.
Gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng tích tụ mỡ ở gan không do dùng thức uống có cồn. Trong khi đó, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu là gan nhiễm mỡ không do rượu có kèm theo chứng viêm và tế bào gan bị tổn hại. Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu có thể dẫn tới biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan.
 
Theo NLD

CÁO PHÓ - Trong Niềm Tin Yêu Vào Đức Kitô Phục Sinh
Giáo Phận Phan Thiết Trân Trọng Kính Báo
+ ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG

- Giám Mục Chính toà Giáo phận Phan Thiết đã được về cùng Chúa lúc 8g00, thứ Tư ngày 01- 3 - 2017 tại Sài Gòn
- Hưởng thọ 65 tuổi, 32 năm Linh mục, 16 năm Giám mục.
Văn phòng TGM/PT.
Lm. G.Vianney Dương Nguyên Kha

các ngày lễ trong tuần :

07/03/17  THỨ BA     : Th. Pe-pê-tua va Phê-li-xi-ta, tử đạo
08/03/17  THỨ TƯ      :Th. Gio-an Thiên Chúa, tu sĩ
09/03/17  THỨ NĂM : Th. Phan-xi-ca Rô-ma-na, nữ tu
           

06/03/17          THỨ HAI TUẦN 1 MC
            Mt 25,31-46
CON NGƯỜI ĐÃ QUÊN NÓI VỀ…
“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.” (Mt 25,34)
Suy niệm: Người ta hào hứng nói về đủ thứ chuyện trên đời: nào là chuyện giật gân về đời tư của các ngôi sao trong làng giải trí, nào là những vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em, người già, người bệnh, những mảnh đời éo le, những tai nạn giao thông, những cái chết thương tâm… Nhưng người ta đã quên hoặc cố tình tránh né nói đến cái chết. Theo nhà nghiên cứu Bằng Giang, người ta đã có hơn 1.000 cách diễn đạt để “kiêng” nói đến từ “chết”. Đức Ki-tô không chỉ nói đến cái chết như cánh cửa mà ai cũng phải bước qua; Ngài còn hé mở cho chúng ta biết những gì xảy ra sau đó, đó là sự phán xét và thưởng phạt đời đời: “những kẻ dữ thì chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính được hưởng sự sống muôn đời.” Và để được phần thưởng muôn đời ấy, thì đây Ngài chỉ cho biết bí quyết: làm những nghĩa cử bác ái cho người anh em: “vì mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất, là các ngươi làm cho chính Ta vậy.”
Mời Bạn: Người ta thường quen nói, vòng đời của con người gồm sinh-lão-bệnh-tử. Như thế, vẫn còn thiếu sót, bởi vì sau cái chết, còn có phán xét, thưởng phạt. Bạn chuẩn bị như thế nào cho cái kết chung cuộc đó của đời bạn?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: luôn tiếp đón, gặp gỡ người khác cách trân trọng vì đó là tiếp đón, gặp gỡ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cám ơn Chúa đã ban Lời hằng sống mỗi ngày, để nhắc nhở con về những sự sau hết của cuộc đời. Xin giúp con thực hành lời Chúa dạy, để điểm đến cuộc đời con là Chúa, được thuộc về Chúa.
07/03/17          THỨ BA TUẦN 1 MC
Th. Pe-pê-tua va Phê-li-xi-ta, tử đạo   Mt 6,7-15
THIÊN CHÚA THẤU HIỂU
“Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,8)
Suy niệm: Một yếu tố hết sức quan trọng và không thể thiếu để làm nên hạnh phúc gia đình, đó là sự hiểu biết lẫn nhau của các thành viên. Hạnh phúc và tuyệt vời biết bao khi vợ chồng thấu hiểu lẫn nhau, cha mẹ thấu hiểu con cái và ngược lại. Chính sự quan tâm và thấu hiểu này sẽ tạo nên mối tương quan gia đình khắng khít, không thể tách rời, một tương quan tin tưởng và hướng đến người mình yêu thương. Thiên Chúa cũng muốn con người được hạnh phúc trong cộng đoàn gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi như thế. Chính Chúa Giê-su đã tỏ lộ cho con người biết về một Thiên Chúa là Cha. Người là Cha hằng luôn yêu thương và thấu hiểu con cái mình. Người biết rất rõ con cái mình cần gì ngay cả trước khi họ cầu xin. Và chắc chắn, Người luôn quảng đại trao ban mọi điều cần thiết cho sự sống của họ.
Mời Bạn: Niềm hạnh phúc thật sự trong gia đình giữa Thiên Chúa và con người chúng ta đã được thắp lên. Và Người muốn chúng ta, bạn và tôi, là con cái của Người, tiến sâu hơn vào trong tình yêu mến, niềm tin tưởng và phó thác vào Người. Và đó là chìa khóa cho một niềm hạnh phúc thật sự, một niềm hạnh phúc đặt căn bản trên niềm tin vào Thiên Chúa là Cha luôn thấu hiểu con người.
Chia sẻ: Đâu là tâm tình của bạn khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa? Người là gì đối với bạn trong cuộc sống?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày đọc kinh Lạy Cha ít là một lần và đọc cách khoan thai, với ý thức và tâm tình sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương và thấu hiểu con cái mình, xin lôi kéo chúng con đến cùng Cha. Amen.

08/03/17          THỨ TƯ TUẦN 1 MC
Th. Gio-an Thiên Chúa, tu sĩ   Lc 11,29-32
TẠI SAO TÌM “DẤU LẠ”?
Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” (Lc 11,29)
Suy niệm: Bấy nhiêu phép lạ Chúa Giê-su đã làm trước mắt họ không đủ để chứng thực cho những người Pha-ri-sêu rằng Ngài chính là Đấng Thiên Sai. Họ còn thách thức Ngài làm “một dấu lạ từ trời”. Thật không khác gì tổ tiên họ ngày xưa trong hoang địa đã “dám thử thách Chúa, dù đã thấy những việc Chúa làm” (Tv 95,9). Lời thánh vịnh than vãn: “Dòng giống này làm Ta chán ngán” cũng chưa đủ để diễn tả, Chúa còn gọi họ là “thế hệ gian ác” bởi vì sự thách đố của họ quả thật đã tái hiện cơn cám dỗ của quỷ ngày nào: “Nếu ông là Con Thiên Chúa” thì ông hãy làm những dấu lạ để khẳng định quyền lực của mình đi! Khi ví mình với Gio-na, Chúa Giê-su cho biết dấu lạ là chính Ngài sẽ phải chịu đau khổ, chịu chết và sẽ sống lại để đem ơn tha tội cho những ai có lòng sám hối.
Mời Bạn: Con người ngày nay đang đặt ra một thách thức khác. Họ đua nhau tìm kiếm “dấu lạ” không phải từ trời mà là trong việc hưởng thụ vật chất. Cuộc sống nhìn lui thì trống rỗng chán chường, nhìn tới thì bế tắc, lạc hướng, thế nhưng cơn khát “ham mới chuộng lạ” vẫn quay quắt không bao giờ thoả mãn. Ngay từ đầu mùa Chay, Hội Thánh mời gọi mỗi người bắt đầu việc canh tân từ tâm hồn mình: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Lộ trình của việc sám hối là lần theo những dấu chỉ đường của dấu lạ Gio-na, tức là con đường thập giá của Đức Ki-tô.
Sống Lời Chúa: Nhắc nhở mọi người trong gia đình đi tham dự Sám hối và lãnh nhận Bí tích Hòa giải sốt sắng.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.
09/03/17          THỨ NĂM TUẦN 1 MC
Th. Phan-xi-ca Rô-ma-na, nữ tu          Mt 7,7-12
CẦU NGUYỆN HỮU HIỆU
“Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ  gõ cửa thì sẽ được mở cho.” (Mt 7,7)
Suy niệm: Chúng ta bị ảnh hưởng bởi cơ chế xin-cho tràn lan trong xã hội, nên trong lãnh vực tôn giáo, nhiều lúc đâm ra nghi ngờ: Xin gì? Điều này có đáng xin không? Xin với ai? Liệu có được không? Chúa Giê-su dạy ta khác: “Cứ xin, cứ tìm, cứ gõ,” và kết quả là: “sẽ được, sẽ thấy, sẽ được mở cho”; bởi vì Đấng mà ta khấn xin là Chúa và là Cha ta. Chúa nói với ta cầu nguyện không phải với quan hệ trên-dưới, có quyền-không có quyền, cho-không cho..., mà là trong quan hệ thân thiết cha-con. Ngài chỉ mong chúng ta cầu nguyện với cả tấm lòng, với trọn niềm tín thác.
Mời Bạn: Bạn có nhận thấy rằng đã bao lần mình cầu xin mà không được không phải tại Chúa hẹp hòi, là tại vì chúng ta thiếu niềm tin-cậy-mến, và hơn nữa chúng ta đã không cầu nguyện với tư cách người con “xin cho ý Cha được thể hiện”.
Chia sẻ: Bạn hãy duyệt lại cách cầu nguyện qua việc đọc kinh có thật là “khẩu niệm tâm suy”, “trí-lòng hòa hợp” chưa? Hay bạn đọc cách máy móc, kiểu “dân này thờ kính ta ngoài môi miệng, còn lòng trí chúng thì xa ta” (Mt 15,8)?
Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm Lời Chúa trong thư Gia-cô-bê: “Anh em phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm” (Gc 1,6-8).
Cầu nguyện: Mượn lời viên đại đội trưởng người Rô-ma nói với Chúa: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa vào nhà con, nhưng xin Chúa chỉ nói một lời là tôi tớ Chúa được lành mạnh.”   (Mt 8,8)

1o/03/17          THỨ SÁU TUẦN 1 MC
            Mt 5,20-26
LÀM CHO NGƯỜI: LÀM CHO CHÚA
“Hãy để của lễ lại đó, trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,24)
Suy niệm: Người ta kể chuyện bà nọ mất con gà, nghi ngờ mấy cậu thanh niên hàng xóm bắt trộm, nên chửi ra rả từ sáng đến chiều. Nghe chuông nhà thờ, bà mặc áo dài đi lễ. Hết chửi tập một! Xong lễ, bà vội vàng về nhà, thay áo dài, để tiếp tục chửi tập hai! Câu chuyện đùa nhưng không vui này có thể đang diễn ra trong cuộc sống, mỗi khi ta tạm gác việc “ăn thua đủ” với người anh em, để đi lễ đọc kinh, và sau đó, tiếp tục chuyện hận thù trả đũa. Đối với Đức Giê-su, không phải khi gây đổ máu mới là giết người, nhưng lúc giận, ghét, mắng, chửi, là một cách nào đó ta đã “giết” người anh em, vì đã khai trừ họ ra khỏi trái tim, cuộc đời, và thế giới. Loại bỏ người khác là loại bỏ chính Chúa, vì “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là làm cho chính Ta”.
Mời Bạn: “Cát nặng, đá nặng, nhưng cơn giận của người ngu còn nặng hơn nhiều” (ngạn ngữ Nga). Thật vậy, khi nóng giận, người khôn cũng hoá ra ngu. Đức Giê-su mời gọi bạn giải thoát mình khỏi cơn nóng giận, để lòng bạn thanh thản, nhẹ nhõm và có được sự khôn ngoan của người công dân Nước Trời.
Sống Lời Chúa: Xét mình xem lòng bạn đang giận ghét ai, để tối nay cầu nguyện cho họ, và tìm cơ hội để hoà giải trong Mùa Chay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con hay lỗi phạm trong điều răn yêu thương, bởi vì không nhận ra Chúa nơi khuôn mặt người anh em. Xin cho chúng con sống những ngày Mùa Chay thánh với tâm tình hoà bình, cụ thể qua việc loại trừ những thái độ và hành vi giận ghét, mắng, chửi người khác. Amen.

11/03/17          THỨ BẢY TUẦN 1 MC
            YÊU NHƯ CHÚA YÊU Mt 5,43-48
“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”  (Mt 5,48)
Suy niệm: Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi ki-tô hữu đều được mời gọi nên thánh, và nên thánh như Chúa Cha trên trời là Đấng Thánh. Phương thế tuyệt hảo để đạt được sự thánh thiện đó là yêu thương; nhưng không phải bất cứ tình yêu thương nào, mà như Chúa Giê-su cho biết, phải là YÊU NHƯ CHÚA YÊU. Yêu như Chúa yêu là yêu hết mọi người không loại trừ ai; đó là yêu cả kẻ thù, là cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ thù ghét, ngược đãi mình. Yêu như Chúa yêu là trở nên tôi tớ phục vụ anh em, là yêu mà không cần đáp trả, là hiến thân chịu chết, đền bù tội lỗi cho muôn người. Chúa Giê-su sống và chịu chết để thực hiện điều Ngài giảng dạy; Ngài đã truyền lại cho chúng ta giới răn yêu thương của Ngài, và mời gọi chúng ta thực hiện để trở nên giống Chúa, bởi vì đó chính là dấu hiệu nhận biết chúng ta là môn đệ của Ngài.
Mời Bạn: Là môn đệ của Chúa Ki-tô, chúng ta học nơi gương Ngài đã sống để thực hành giới răn yêu thương trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Yêu thương vô vị lợi, dám hy sinh cho người khác mà không cần đền ơn.
Chia sẻ: Trong tương quan với người thân cận, bạn đã sống giới răn yêu thương như Chúa dạy chưa: tha kẻ dể ta nhịn kẻ mất lòng ta… và cầu bình an cho họ…
Sống Lời Chúa: Trong cuộc sống hôm nay, bạn và tôi, chúng ta có thể đang có điều phiền lòng với ai đó: Hãy cầu nguyện cho họ; tha thứ và hòa giải với anh chị em mình để được trở nên hoàn thiện hơn trong Chúa và sống giống như  Chúa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến       .

Không có nhận xét nào: