CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Bản Tin Giáo Xứ Công Lý SỐ 08.A CHÚA NHẬT 2 Thường Niên Năm A 15-01-17






Học thuộc lòng đoạn Kinh Thánh
Lời Chúa:  29 Khi ấy, ông Gioan thấy Ðức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian. (Ga 1,29)

Lời Chúa: Is 49,3.5-6; 1 Cr 1,1-3; Ga 1,29-34
Đây Chiên Thiên Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Trong Thánh Lễ, ta đọc Chiên Thiên Chúa nhiều lần. Có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa của cụm từ “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng khi Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ.
Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo đức. Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê. Chiên ở bên phải, dê ở bên trái.
Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt Chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu. Nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhớ đến con chiên. Con chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.
Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là con chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại.
Chúa Giêsu là con chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông. Người khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại.
Bản tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Từ ngữ “xóa” là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn. Xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người.
Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Nhưng nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp.
Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.
Người tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa.
Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Ước mong những con chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con, xin thương xót con.
GIÁO LÝ :  Mục vụ gia đình: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân
Câu Giáo lý 346:
H./ Hôn nhân Công giáo có mục đích nào?
T./ Hôn nhân Công giáo có hai mục đích:/ Một là trọn đời yêu thương nhau;/ Hai là sinh sản và dưỡng dục con cái [338].

ĐỨC TIN CẦN ĐƯỢC LÀM CHỨNG VÀ TRẢI NGHIỆM

"Đức tin không chỉ đọc Kinh Tin Kính, nhưng cần sống và làm chứng cho Đức tin, chính tiếng khóc là bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu", Đức Phanxico khẳng định.
Vào Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại nhà nguyện Sistine trong đó ngài đã ban bí tích Rửa Tội cho 28 trẻ sơ sinh, 15 bé trai và 13 bé gái. Sau khi đọc bài Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng đã giảng cách bộc phát như sau:
"Chúng con xin đức tin của con cái của mình, đức tin ấy sẽ được trao ban trong Phép Rửa Tội - Đức Thánh Cha khẳng định. Đức tin, có nghĩa là đời sống đức tin, bởi vì đức tin phải được sống; bước đi trên con đường đức tin và làm chứng cho đức tin. Đức tin không phải là đọc Kinh Tin Kính vào ngày Chủ Nhật, khi chúng ta đi lễ: không chỉ có như vậy thôi".
 Trong thực tế, Đức Phanxico nói thêm, "Đức tin là tin vào những gì là Sự Thật: Thiên Chúa Cha đã sai Con của Ngài, và Chúa Thánh Thần Đấng ban cho chúng ta sự sống". Nhưng đức tin cũng là "niềm tin vào Thiên Chúa, và điều đó chúng con phải dạy cho con cái, bởi việc làm chứng của chúng con, với cuộc sống của chúng con." Và "đức tin là ánh sáng: trong lễ rửa tội, chúng con sẽ được trao một ngọn nến thắp sáng, như trong những ngày đầu của Giáo Hội." Và vì vậy mà "phép rửa tội lúc bấy giờ được gọi là "chiếu sáng", bởi vì đức tin soi sáng trái tim, làm cho nhìn thấy mọi sự với một ánh sáng khác: chúng con xin đức tin, Giáo Hội trao ban đức tin cho con cái của chúng con bằng phép rửa tội, và chúng con có nhiệm vụ làm cho nó tăng trưởng, bảo vệ nó, và nó sẽ trở nên một chứng tá cho tất cả những người khác".
Đức JORGE Bergoglio nhấn mạnh rằng đó là "ý nghĩa của buổi lễ này, và cha chỉ muốn nói với chúng con điều này: Hãy gìn giữ đức tin, làm cho nó lớn lên, và ước gì Đức tin được làm chứng cho những người khác".
Và trong khi các em bé khóc, Đức Giáo Hoàng vừa nói vừa cười: "Chúng bắt đầu hòa nhạc rồi đó! Và "chính vì trẻ em đang ở một nơi mà chúng không biết, chúng phải dậy sớm hơn thường lệ. Bắt đầu một đứa bằng một nốt thì những đứa khác hùa theo như "vượn" bắt chước. Một số em khóc đơn giản chỉ vì đứa kia đã khóc". Ngài tiếp tục: "Chúa Giesu cũng đã làm như vậy, chúng con có biết không? Cha thích nghĩ rằng bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong máng cỏ chính là một tiếng khóc, đó là bài giảng đầu tiên. Và rồi, vì buổi lễ có hơi dài, thì một số em khóc vì đói".
Bởi vậy, "nếu chúng nó có khóc, thì chúng con, hỡi các bà mẹ, hãy tự nhiên cho con bú, đừng sợ, với tất cả bình thường, giống như Đức Mẹ xưa kia cũng cho Chúa Giêsu bú vậy". Và "chúng con đừng quên: chúng con đã xin đức tin, thì chúng con có nhiệm vụ bảo vệ đức tin, làm cho nó phát triển, đó là làm chứng cho tất cả chúng tôi, tất cả chúng tôi: ngay cả đối với chúng tôi là các linh mục, linh mục, giám mục, tất cả mọi người. Xin cảm ơn".    (Lm Nguyen Van Agostino dịch)

Chắc đã có lần bạn từng thắc mắc khi thấy chữ IHS trên bánh lễ, tại bàn thờ hay nhà tạm Thánh Thể. Những chữ đó là viết tắt của các từ nào và có ý nghĩa là gì. Có nhiều cách giải thích tùy theo ngôn ngữ bạn chọn.
Theo tiếng Việt sẽ là Giêsu Hằng Sống.Tiếng La tinh, Jesus Hominum Salvator, nghĩa là Chúa Giêsu Đấng cứu độ nhân loại.
Còn có cách giải thích khác nữa, là do các chữ La tinh In Hoc Signum (Vincit) trong chuyện hoàng đế Constantin, hoặc theo chữ viết Hi lạp thì thuần túy là chữ viết tắt Danh của Chúa Giêsu.
Biểu tượng X và P  : một biểu tượng rất thông dụng trong các vật dụng của Thánh Đường, như: giảng đài, bàn thờ, giếng rửa tội và nhà tạm.
Biểu tượng này cũng rất thường xuất hiện trên bìa sách tôn giáo, trên áo lễ hay dây vai của các linh mục, đó là hai chữ X và P.Thoáng nhìn ta thấy giống chữ P và chữ X Có người nói Pax nghĩa là bình an. Cách giải thích này không chuẩn xác.
Thực ra đó là hai mẫu tự Hy Lạp: Khi (X = Kh) và Rô (P = R),là những mẫu tự đầu của Danh Đức Kitô  Khristos.
Chữ này xuất hiện ngay từ thời các tín hữu phải ẩn náu tại hang toại đạo, thời tử đạo Roma (trước năm 313), được hoàng đế Constantin vẽ trên hiệu kỳ Labarum, khi tiến chiếm thành phố Rôma và in trên đồng tiền Lamã hồi thế kỷ thứ IV.

KITÔ HỮU ĐẶT CHÚA GIÊSU LÀM TÂM ĐIỂM ĐỜI MÌNH

Cuộc sống Kitô hữu đơn giản thôi. Một Kitô hữu không cần phải làm những chuyện lạ mắt hay khó khăn, nhưng chỉ cần đặt Chúa Giêsu làm tâm điểm mọi chọn lựa hằng ngày của mình.
Đây là thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ hai 09-01 tại Nguyện đường nhà trọ thánh Marta.
“Chúa Giêsu Kitô tự biểu lộ mình, chúng ta được mời gọi biết Ngài, nhận ra Ngài trong cuộc đời mình và trong rất nhiều hoàn cảnh sống.
Các vị thánh và những cuộc hiện ra cũng quan trọng, nhưng nếu không có Chúa Giêsu thì tất cả đều vô nghĩa.
Do đó, chúng ta phải tự đặt cho mình câu hỏi này: “Chúa Giêsu Kitô có phải là tâm điểm cuộc đời tôi không? Và mối liên hệ giữa tôi với Chúa Giêsu Kitô như thế nào? ‘ Để có thể đặt Chúa Giêsu làm tâm điểm đời mình, chúng ta phải làm 3 việc.
Thứ nhất là bảm đảm là chúng ta biết Ngài và có thể nhận ra Ngài. Vào thời Chúa Giêsu, nhiều người đã không nhận ra Ngài. Họ đã bắt bớ và đã giết Ngài. Chúng ta cũng phải hỏi mình một câu nữa: “Tôi có thích thú được biết Chúa Giêsu không?” Hay tôi thích xem những bộ phim truyền hình, thích ngồi lê đôi mách, theo đuổi tham vọng hay đàm tiếu về người khác?”
Để biết Chúa Giêsu, thì cần cầu nguyện, và cần Chúa Thánh Thần. Có Phúc âm nữa, chúng ta có thể mang Phúc âm theo và mỗi ngày đọc một đoạn. Đấy là cách duy nhất để biết Chúa Giêsu. Rồi Chúa Thánh Thần sẽ hành động cho chúng ta. Chúa Thánh Thần làm cho hạt giống đâm chồi và nảy nở.
Thứ hai, là thờ phượng Chúa Giêsu. Chúng ta không chỉ xin ơn và tạ ơn Chúa, nhưng chúng ta cầu nguyện chúc tụng Chúa trong thinh lặng và gạt đi những thứ khác đang chiếm lấy lòng trí chúng ta. Tất cả chỉ hữu dụng khi tôi có thể thờ phượng Chúa.
Chúng ta hãy biết đọc kinh Sáng Danh: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần.”
Mà thường chúng ta lại hay đọc vẹt kinh này. Anh chị em hãy nhớ, kinh này là một lời chúc tụng. Đây là cách để thờ phượng Ba Ngôi Thiên Chúa. Và cầu nguyện trong thinh lặng nhỏ bé trước sự cao cả của Thiên Chúa là một cách để thờ phượng Chúa Giêsu. “Chúa là Chúa độc nhất, là khởi đầu và mục đích mọi sự, và con muốn ở cùng Chúa suốt đời con, đến tận thế.” Đây là cách chúng ta loại bỏ những sự ngăn cản mình thờ phượng Chúa Giêsu.
Thứ ba là theo Chúa. Theo Chúa như các môn đệ trong bài đọc ngày hôm nay vậy. Nghĩa là đặt Chúa Giêsu làm tâm điểm đời mình.
Cuộc sống Kitô hữu đơn giản thôi, nhưng chúng ta cần ơn Chúa Thánh Thần để đánh thức khao khát muốn biết, thờ phượng và theo Chúa Giêsu. Chính vì thế mà chúng ta xin Chúa cho biết mình được kêu gọi làm gì, và xin Chúa cho chúng ta sức mạnh để làm việc đó.
Kitô hữu không cần làm những chuyện lạ mắt, khó khăn hay thừa thãi. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta ơn biết, thờ phượng và theo Chúa Giêsu.”                              J.B. Thái Hòa chuyển dịch/ phanxico.vn

ĐỪNG MANG ĐÁ ĐẶT TRONG TÂM  Thính Tánh Tuệ

Muộn phiền từ tâm mà sinh ra. Nếu muốn một cuộc đời không phiền muộn, hãy học theo 7 bài học của ông bà xưa.
1. Hãy ngưỡng mộ thay vì ghen tị
Đố kị sẽ khiến cho tâm hồn bạn nhiều buồn phiền. Sao không thử mừng thành công của người khác bằng sự ngưỡng mộ chân thành? Không chỉ giúp tâm bình an, lấy cái tốt của người khác làm gương còn khiến bạn dễ dàng phấn đấu, học tập theo người khác.
Đố kỵ chỉ làm cho bạn thêm nặng lòng, tâm không lúc nào yên bình, thậm chí vì đố kị con người có thể biến chất, hành động xấu xa mà đôi khi chính bản thân mình cũng không ngờ tới.
2. Suy nghĩ sẽ định hình con người bạn
Suy nghĩ luôn luôn có tác động rất lớn đến mỗi chúng ta. Mình nghĩ như thế nào thì dần dần con người mình cũng thành thế ấy.
Bạn nghĩ bạn không làm được, chắn chắn bạn sẽ không làm được. Còn nếu nghĩ mình sẽ thành công thì bạn sẽ có được thành công vì tự bản thân bạn sẽ biết cách tạo nên điều đó.
Tương tự như thế, chỉ cần suy nghĩ tích cực thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp, cuộc sống cũng ít buồn phiền, vì lúc nào bạn cũng sẽ có khả năng biến mọi thứ bạn gặp phải trong cuộc sống thành niềm vui riêng cho mình.
3. Tức giận là một cục than hồng có thể làm đau người khác, nhưng người bị bỏng đầu tiên chính là bản thân bạn
Trong cuộc sống, sẽ có nhiều thời điểm mà bạn sẽ tức giận, cáu gắt với người khác nhưng sự tức giận đó có thể làm hại chính bản thân mình. Vì thế, đừng bao giờ nói bất kì câu gì khi bạn tức giận, đừng thốt ra bất kì lời cay nghiệt nào.
Người xưa thường nói: “Giận quá mất khôn” là rất chính xác. Bạn có thể thốt ra những lời rất kinh khủng khi bạn tức giận. Lúc đó, bạn có thể làm tổn thương người khác mà không hề hay biết.
4. Sự thanh tịnh nằm ở trong tâm
Bạn luôn tìm kiếm sự thanh tịnh từ những yếu tố bên ngoài. Một nơi vắng vẻ, một cuốn sách hay, một bản nhạc nhẹ nhàng… nhưng thực sự là thanh tịnh chỉ xuất phát từ chính bản thân bạn mà thôi.
Nếu tâm của bạn bớt sân si, bớt ganh đua thì tự khắc bản thân sẽ thấy thật thanh thản và thấy đời bỗng nhẹ nhàng làm sao.
5. Biết người là thông minh, biết mình là sự giác ngộ
Một điều thật hiển nhiên là chiến thắng bản thân còn khó khăn hơn là chiến thắng cả ngàn trận đánh. Đó là một bài học sâu sắc mà ai cũng cần biết. Tự chinh phục chính mình chính là cửa ải khó khăn nhất mà con người phải trải qua.
Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu về chính bản thân mình thông qua các phương pháp thiền định. Hiểu được bản thân thích gì, và cần phải làm gì để thỏa mãn nó chính là cách để bạn sống vui hơn mỗi ngày.
6. Nhân từ với mọi người
Nhân từ là luôn luôn nhẹ nhàng với trẻ con, kính trọng người già, đồng cảm với người cùng khổ, độ lượng với kẻ yếu thế và người lầm lỗi.
Hãy nhân từ vì biết đâu một ngày nào đó, bạn cũng sẽ rơi vào những hoàn cảnh giống như họ. Đừng chỉ trích người khác, người giàu cũng như người nghèo ai cũng có nỗi khổ. Có người chịu khổ nhiều, có người chịu khổ ít.
Nhìn người bằng con mắt nhân từ đời bạn sẽ luôn đẹp. Tâm can bạn sẽ được thanh lọc bởi những hành động mà bạn dành cho người khác.
7. Mọi việc tùy duyên
Cái gì của mình thì nó sẽ thuộc về mình, còn cái gì không phải thì nó mãi mãi sẽ không thuộc về mình.
Trong tình yêu cũng vậy. Bạn có thể cố gắng theo đuổi nhưng có lúc bạn cũng phải biết buông bỏ nếu mọi chuyện đã quá giới hạn và không còn khả năng cố gắng. Cứ nắm giữ chỉ làm bạn đau khổ rồi vấn vương muộn phiền sẽ là điều không thể né tránh.
Tâm sẽ nhẹ nhàng nếu bạn để mọi thứ tùy duyên. Đó là cách để bạn có thể chấp nhận cuộc sống dễ dàng hơn.

LỜI KINH CỦA NGƯỜI ĐAU KHỔ

Lạy Chúa,
Con cầu xin ơn mạnh mẽ
Ðể thành đạt trong cuộc đời,
Chúa lại làm cho con ra yếu ớt
Ðể biết vâng lời khiêm hạ.
Con cầu xin có sức khỏe
Ðể mong thực hiện những công trình lớn lao,
Chúa lại cho con chịu tàn tật
Ðể chỉ làm những việc nhỏ tốt lành.
Con cầu xin được giàu sang
Ðể sống sung sướng thoải mái,
Chúa lại cho con nghèo nàn
Ðể học biết thế nào là khôn ngoan.
Con cầu xin được có uy quyền
Ðể mọi người phải kính nể ca ngợi,
Chúa lại cho con sự thấp hèn
Ðể con biết con cần Chúa.
Con xin gì cũng chẳng được theo ý muốn.
Nhưng những điều con đáng phải mơ ước,
Mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin,
Thì Chúa lại đã ban cho con
Thật dư đầy từ lâu.
Lạy Chúa,
Hóa ra, con lại là người hơn hết trên đời nầy,
Bởi con đã nhận được ơn Chúa vô vàn
“Lời Kinh Của Người Ðau Khổ” (Paradoxes Of Prayers)
trong sách Lời Kinh Đẹp Nhất Thiên Niên Kỷ

Dành cho các Bà vợ : HÔN NHÂN VIÊN MÃN


Để HÔN NHÂN VIÊN MÃN nên thực hiện những điều sau: 
1. Không to tiếng với chồng, mấy ổng không có điếc. 
2. Những chuyện nếu không làm cũng không có chết thì nên bỏ qua, đừng bắt bẻ nhau 
3. Hãy cho chồng cảm giác được tôn trọng: dạ anh, vâng anh... Ngọt ngào cũng không có chết. 
4. Cho nhau không gian riêng: 1-2 tiếng riêng với bạn bè. Chồng gặp bạn của chồng, vợ xem phim, mua sắm với bạn của vợ. Xa nhau 1 chút cũng không có chết. 
5. Mỗi tuần kéo nhau vào phòng, đóng cửa lại, làm những việc cần phải làm, 1-2 lần gì đó. Không làm/không đủ... có thể chết. 
6. Trong nhà có con nhỏ thì nên thường xuyên mang áo quần đẹp và sạch sẻ cho con. Đi làm về mệt mà nhìn con lôi thôi, lết thết...có khi ổng nghĩ: phải con mình không, sao nhìn ghê thế? 
7. Con nhìn tươm tất còn Vợ thì nên nhìn tươi mát... À, không. Tươi mát quá lại tưởng gái bia ôm. Thôi, sạch sẽ là đủ rồi. Đi ngủ thì hãy tươi mát. 
8. Rãnh rỗi thì massage cho ổng. Không ổng đi ra ngoài đứa khác xoa bóp thì vừa mất tiền, có thể mất chồng. Mất chồng cũng không sao, có thể kiếm chồng khác...tuy nhiên, cũng hơi mất công. 
9. Nên yêu thương và tôn trọng gia đình bên chồng. Không thương hết được tất cả thì chọn ra những ai dễ thương mà thương. Nếu không ai dễ thương hết thì hãy trở thành kịch sỹ. Diễn cho giỏi vào. Giải thưởng sẽ không là Oscar nhưng sẽ được chồng vô cùng trân trọng.
Là người đứng ở giữa, một bên vợ một bên gia đình khó lắm. Thương nhau thì đừng bắt anh phải chọn. Mà nếu chọn, lỡ mình thua thì quê lắm. Trận chiến nào không nắm chắc 100% thắng thì tốt nhất không nên bắt đầu. 
10. Nếu dữ như bà chằn lửa mà vẫn được chồng quý chồng yêu thì chắc ... ca này không phải ...người. 
Hôn nhân không ai giống ai nhưng hôn nhân thành công thì bắt đầu với yêu thương và kết thúc cũng ở đó.( Fb Cha Martino Nguyen)

Bài văn Làm chứng về Chúa JESUS của em học sinh

ĐỀ BÀI: Tả lại chân dung người Mẹ (hay Bố của em)
BÀI LÀM : Tôi có một người cha, Ngài là một người rất vĩ đại, Ngài đã chịu hi sinh chết cho cả nhân loại. Tên Ngài là Jesus.
  Ngài có vóc người gầy gò, mái tóc dài nâu, mũi Ngài cao, hai mắt Ngài hiền từ nhân hậu. Đôi tay Ngài đã chịu nhiều đau đớn, đôi chân Ngài đã đi rất nhiều nơi, Ngài có nước da ngâm và những chiếc răng trắng ngà. Ngài đã đi khắp nơi để rao truyền Phúc Âm, đôi chân Ngài đặt đến đâu thì nơi đó là nguồn sống cho nhiều người. Bàn tay Ngài làm những dấu kỳ phép lạ. Những lời Ngài nói ra đem đến sự sống cho nhiều người.
  Từ khi cuộc sống tôi có Ngài, thì tôi không còn buồn bã nữa. Những ngày mới của tôi đều rất vui vẻ và rất hạnh phúc.
Vậy mà tại sao những người có cuộc sống khó khăn nghèo khổ lại không tìm đến Ngài. Vì ai ở trong Ngài sẽ rất giàu có, phước lành của Ngài tuôn đổ trên cuộc sống họ. Tình yêu Ngài lớn hơn cả thiên đàng và sâu thẳm hơn cả đại dương. Ngài dạy tôi nhiều điều qua Kinh Thánh. Ngài cho tôi sự khôn ngoan, lòng nhường nhịn, biết tiết độ và lòng thành tín. Ngài xóa bỏ tất cả tội lỗi của tôi và cho tôi trở lại với Ngài. Một đứa con công chính trong Ngài. Ngài yêu thương trẻ nhỏ và tất cả mọi người. Ngài giúp đỡ tôi trong mọi việc kể cả việc mà không ai làm được. Ngài không ghét bỏ một ai, dù là người thậm tệ đến đâu. Nhưng Ngài rất ghét những người tham lam, không trung thực.
  Mỗi sáng, chúng tôi cùng nhau quây quanh học lời Ngài. Ngài luôn có kế hoạch trên mỗi con người. Khi các bạn đến với Ngài thì sẽ thấy sự thay đổi trên đời sống các bạn. Ngài chịu hạ mình xuống để chết cho cả nhân loại, thậm chí Ngài đã hy sinh trên cây thập tự.
  Tôi nghĩ mỗi người trong các bạn đều nên biết đến Cha của tôi, vì người này sẽ yêu thương, chăm sóc và che chở cho các bạn và các bạn sẽ nhận sự cứu rỗi từ nơi Ngài. Tôi tin rằng, Chúa sẽ yêu thương tôi suốt đời và Ngài sẽ luôn là một người Cha vĩ đại trong các bạn.

THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VỀ GÀ


Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm: khi không có người chỉ huy, kẻ xấu làm bậy
Con gà tức nhau tiếng gáy: Tính ganh đua, không chịu kém người khác
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau: Khuyên đoàn kết, gắn bó với nhau
Gà nhà lại bới bếp nhà: Chê cùng phe cánh lại phá hoại lẫn nhau.
Gà què ăn quẩn cối xay: Chê những người không có ý chí.
Lép bép như gà mổ tép: Chê người ngồi lê mách lẻo.
Lờ đờ như gà ban hôm: Quáng gà, chê người chậm chạp, không hoạt bát.
Lúng túng như gà mắc tóc: Chê người thiếu bình tĩnh, bối rối.
Mẹ gà, con vịt: Cảnh của những trẻ em sớm mồ côi mẹ, phải sống với dì ngẻ.
Mèo gả, gà đồng: Chỉ những kẻ vô lại, sống lang thang, làm bậy.
Một tiền gà, ba tiền thóc: ý nói món lợi thu về không bằng công sức bỏ ra.
Nhìn gà hoá cuốc: Chê người không nhìn rõ sự thật, lẫn lộn phải trái.
Trấu trong nhà để gà ai bới: Việc trong nhà lại để cho người can thiệp.
Trói gà không chặt: Chê kẻ hèn yếu, không làm được việc gì nên thân.



CHỮA ĐAU HỌNG BẰNG GỪNG VỚI MẬT ONG


Gừng và mật ong là sự phối hợp tuyệt vời để chữa viêm họng.
Cách 1: Chọn 1 nhánh gừng tươi, đem gọt vỏ rồi đập dập ngâm với mật ong và ngậm trong miệng, nuốt từ từ. Bạn cũng có thể ép lấy nước gừng hòa với mật ong ngậm trong miệng rồi nuốt chậm cũng giúp con đau họng giảm đi rõ rệt.
Cách 2: Lấy 10g vỏ quýt,10g vỏ gừng, 10g vỏ chanh (cam),3 quả ô mai và 30g mật ong cho vào chén sứ đem chưng cách thủy. Khi chín, chắt lấy nước uống hằng ngày chữa ho, trị viêm họng, đau họng rất hay.

SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

Y học chứng tỏ rằng bạn có thể bảo dưỡng sức khỏe bằng niềm tin tôn giáo.
Bạn muốn sống thêm 7 năm nữa? Hãy cầu nguyện. Ở đây chúng tôi không nói đùa đâu. Theo nhiều cuộc nghiên cứu, bạn có thể sống thêm 7 năm nếu bạn nuôi dưỡng tâm hồn và sức khỏe qua lời cầu nguyện, niềm tin, và những gì liên quan tôn giáo.
Nghiên cứu cho thấy có mối tương quan chặt chẽ giữa sức khỏe của trái tim và niềm tin tôn giáo. Nghiên cứu khác cho thấy những người chịu phẫu thuật mở tim đều nói rằng họ cảm thấy mạnh mẽ và thoải mái nhờ tôn giáo của họ gấp 3 lần so với những người có thể sống qua phẫu thuật mà không có nền tảng tâm linh. 
Nếu hiệu ứng giả dược tác dụng ở đây – nếu người ta khỏe hơn vì tin mình sẽ khỏe, và ai sẽ tranh luận với các lợi ích?     
Dù việc cầu nguyện có làm tâm hồn bạn lắng đọng hay không, có cho bạn niềm hy vọng hay không, hoặc có giúp bạn hướng đến nội tâm hay không, nếu bạn cảm thấy bạn đang đạt được điều gì đó thì đó là lúc bạn sống thanh thản vậy.    
Chúa Giêsu đã trách người ta kém tin và Ngài chứng minh cụ thể: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’, nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17:20).     
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Reader’s Digest)

NGÀY LỄ TRONG TUẦN:
17/01/17          THỨ BA    : Th. An-tôn, viện phụ
18/01/17          THỨ TƯ    : Tuần lễ cầu cho các Ki-tô hữu hiệp nhất
20/01/17          THỨ SÁU  : Th. Pha-bi-a-nô, giáo hoàng, tử đạo
21/01/17          THỨ BẢY  : Th. A-nê, trinh nữ, tử đạo                    



Không có nhận xét nào: