CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Bản Tin Giáo Xứ Công Lý SỐ 06.A CHÚA NHẬT LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA A 01-01-17




Học thuộc lòng đoạn Kinh Thánh
Lời Chúa: Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. (Lc 2,16-21)

Lời Chúa: Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21

NHÂN LOẠI MỚI - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
 Ngày đầu năm mới là một ngày thiêng liêng. Ai cũng mong ước năm mới mọi sự sẽ đổi mới. Sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống. Nhất là được sống bình an. Các bài Sách Thánh đặc biệt bài Tin mừng hôm nay mời gọi ta hãy tìm đổi mới trong Chúa Giêsu. Chính Người sinh ra một nhân loại mới. Đó là nhân loại được chúc phúc, được cứu độ và sống trong an bình.        

Đó là một nhân loại được chúc phúc. Khi Chúa Giêsu ra đời nhân loại được chúc phúc. Có nhiều dấu hiệu loan báo phúc lành của Chúa. Một làn ánh sáng từ trời soi sáng cánh đồng Bêlem. Xuất hiện muôn vàn thiên sứ hát mừng trên trời cao. Chúa Giêsu đem phúc lành của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Chúa Giêsu chính là phúc lành tuyệt hảo của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là món quà cao quí nhất Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Mang lấy bản tính nhân loại, Chúa Giêsu làm cho nhân loại được chúc phúc bằng những phúc lành phong phú nhất của Thiên Chúa.   
Đó là một nhân loại được cứu độ. Con trẻ được đặt tên là Giêsu. Tên Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu. Chúa Giêsu đi vào tận những tù ngục giam hãm để giải cứu con người. Người sinh ra làm một trẻ thơ để nâng đỡ những con người bé nhỏ. Người sinh trong cảnh thiếu thốn để nâng lên những ai nghèo hèn. Người bị bạo vương Hêrôđê săn đuổi để đứng về phía những người bị áp bức. Người sinh ra trong chuồng súc vật tăm tối để trân trọng những ai bị loại trừ. Người là Con Thiên Chúa xuống thế làm người để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Thật là một cuộc đổi mới không ai có thể ngờ tới.
Đó là một nhân loại sống trong hòa bình. Đêm Chúa Giáng Sinh trời đất giao hòa. Trời Bêlem sáng lên. Thiên nhiên trở nên xinh đẹp. Các thiên thần làm đầy không gian bằng những bài ca tuyệt diệu của cõi thiên đàng. Các mục đồng vui tươi hớn hở loan truyền tin vui. Cả một bầu khí hòa bình tỏa ra chung quanh Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến tái lập trật tự. Trật tự đó là con người và vạn vật vâng phục Thiên Chúa. Luật lệ phát xuất từ con người luôn gây ra tranh chấp. Vì con người chỉ nghĩ đến tư lợi hạn hẹp của riêng mình.
Mọi luật lệ muốn công bằng và lâu bền phải qui về Thiên Chúa. Thiên Chúa ban hòa bình thực sự. Hòa bình trong công lý. Công lý là những người bé nhỏ, yếu ớt phải được tôn trọng. Chúa Giêsu tự nguyện làm trẻ nhỏ sơ sinh chính là một nền hòa bình trong vâng phục Thiên Chúa và là công lý kêu gọi kính trọng bảo vệ những kẻ yếu hèn.           
Hòa bình như thế không phải là một trật tự im lìm. Trật tự im lìm chỉ có trong nghĩa địa hay nhà tù. Đó là trật tự chết chóc, tàn lụi. Trái lại hòa bình là một năng động, là một sức sống, là sự phấn đấu không ngừng.    
Ta hãy chiêm ngắm tấm gương của các mục đồng. Các mục đồng đã biết lắng nghe sứ điệp hòa bình dù giữa đêm hôm mùa đông đang say ngủ. Nghe biết sứ điệp hòa bình rồi, các mục đồng vội vã đi tìm Chúa Giêsu là nguồn mạch hòa bình, dù phải bỏ giấc ngủ, dù phải đi ngoài trời lạnh giá. Sau khi gặp Chúa, các mục đồng ra đi loan truyền sứ địêp hòa bình cho mọi người. Đó chính là những phấn đấu không ngừng cho hòa bình.     
Chúng ta đặt năm mới này vào tay Đức Mẹ. Xưa Đức Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Thế mở đầu một nhân loại mới, nay xin Đức Mẹ cũng cho năm mới này được chúc phúc, được cứu độ và được hòa bình. Chúng ta cũng cầu nguyện cho mọi người biết noi gương mục đồng, luôn lắng nghe sứ điệp hòa bình, luôn phấn đấu đi tìm đến nguồn mạch hòa bình và luôn phấn khởi loan tin mừng hòa bình.       
 Lạy Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con. Amen.       


Lời khuyên của một Giám Mục: KHI TÌNH YÊU HÔN NHÂN NHẠT DẦN, HÃY CHẠY ĐẾN VỚI MẸ MARIA.


 (EWTN News/CNA) - Trong thư mục vụ gởi tín hữu, Đức Giám Mục Tây Ban Nha Demetrio Fernandez Gonzalez nói rằng tình yêu hôn nhân ví như rượu cưới tại tiệc cưới Cana, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria khi gặp khó khăn để xin Mẹ canh tân rượu tình yêu trong mỗi cặp cũng như trong mỗi gia đình.
 Một khi tình yêu không còn nữa thì dường như mọi sự chấm dứt và cách giải quyết duy nhất là xa nhau thôi. Không phải thế, hãy chạy đến Mẹ Maria để Mẹ xin Chúa Giêsu “Họ hết rượu rồi. Khi Chúa hiện diện trong hoàn cảnh ấy, Ngài sẽ hóa ra rượu… như rượu ngon ở tiệc cưới Cana.”
ĐGM nói rằng “Khi tình yêu trở nên lạnh lẽo, hãy khiêm nhường kêu xin Chúa Giêsu và Ngài sẽ đến để bằng mọi cách đổ đầy tình yêu trong lòng chúng ta, nhất là tình yêu trong hôn nhân.”
Nhắc đến đoạn Phúc Âm nói về việc Chúa làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu tại Cana, ĐGM nhắc lại tầm quan trọng của hôn nhân là “nền tảng của gia đình theo kế hoạch của Thiên Chúa”, sự kết hợp giữa người nam và người nữ được Thiên Chúa chúc phúc, họ sống kết hợp với nhau, tương trợ nhau cho đến hết đời.
Chính Chúa đã lập ra bí tích hôn phối do vậy hôn nhân là một phép bí tích được thánh hóa với quyền năng của Chúa Thánh Thần để đôi vợ chồng trao trọn cuộc đời cho nhau trong một tình yêu tận hiến, và tình yêu đích thực ấy họ dành cho nhau từng ngày trong cuộc sống.
ĐGM Fernandez nhắc các cặp vợ chồng hãy khiêm nhường van xin để “ không bị thiếu rượu an vui trong gia đình, để có đầy rượu tình yêu mà Chúa đã ban cho gia đình trong ngày cưới của họ.”
Tình yêu hôn nhân được chính Chúa thiết lập và thánh hóa sẽ giúp cho các cặp vợ chồng có thể trung thành với nhau suốt đời, yêu nhau suốt đời và mãi mãi hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta phải biết khiêm nhưòng, tin tưởng van xin ơn ấy mỗi ngày.
Đây là phép lạ mà Chúa Giêsu tiếp tục làm trong thời đại của chúng ta, do vậy sẽ không bao giờ chúng ta bị thiếu rượu để canh tân tình yêu trong mỗi người và trong mỗi gia đình.

Đức Maria – Mẹ của chúng ta

Ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Đức Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa Tôrinô. Đang giảng, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với bổn đạo:
“Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Đức Mẹ là ai?”
Có người thưa ngay: “Thưa Cha, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa”.
Thánh Gioan Bosco gật đầu, nói tiếp: “Đúng thế, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Đức Mẹ Maria.”
Liền sau đó, bổn đạo thi nhau kể ra tất cả những tất cả những tước hiệu của Đức Mẹ: Đức Mẹ là cửa Thiên Đàng, Đức Mẹ là Đấng an ủi những kẻ có tội, Đức Mẹ là Đấng phù trợ các tín hữu, Đức Mẹ là Đấng cứu chữa kẻ bệnh tật, v.v…
Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta dâng kính lên Đức Mẹ Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nói tiếp:
      “Đức Mẹ Maria có tất cả những tước hiệu mà anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn anh chị em nói thêm về Đức Maria.”
Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân liền nói:     “Tôi xin được nói với anh chị em về Đức Mẹ Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta.  Phải, Đức Maria là Mẹ chúng ta.   
Đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn mẹ chúng ta. Cũng thế, trên Thiên Đàng, không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Đức Mẹ Maria là Mẹ chúng ta.”

GIÁO LÝ : Mục vụ gia đình: 
     Chuẩn bị cho người trẻ bước vào  đời sống hôn nhân
Câu Glý 344: H./ Đức Kitô đem lại cho hôn nhân điều mới mẻ nào?
T./ Đức Kitô không những lập lại quy định từ ban đầu của Thiên Chúa,/ mà còn nâng hôn nhân lên hàng bí tích,/ nghĩa là thành dấu chỉ về tình yêu phu thê của Ngài đối với Hội Thánh [341]

ÐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA LM Hồng Phúc, CSsR
Thiên Chúa đã chọn Maria là Mẹ để nhờ Mẹ trở nên một người giữa loài người chúng ta.
Mẹ là người cưu mang, sinh dưỡng, giáo dục, tác thành cho con. Mẹ Maria đã cưu mang, sinh dưỡng, giáo dục, tác thành Chúa Giêsu là Thiên Chúa, thì Mẹ đã trở nên Mẹ Thiên Chúa. Ðó là điểm chính yếu và căn bản khi nói đến Mẹ Maria.
I. DANH TỪ VÀ LỊCH SỬ
Danh từ "Mẹ Thiên Chúa" không có trong Tân Ước của Thánh Kinh. Danh từ ấy lần đầu tiên được nói lên do thánh Hippolytus ở Rôma năm 235.
Sau đó, Giám Mục Nestorius, Giáo Chủ Constantinople (năm 428) đã phản đối việc áp dụng danh từ ấy cho Ðức Mẹ. Ông phản đối vì ông có một quan niệm rằng Con Thiên Chúa là một đơn vị và con Bà Maria là một đơn vị khác. Nói một cách khác, Chúa Kitô có hai ngôi vị, là Ngôi Thiên Chúa (Ngôi Lời - Logos) và ngôi vị một người là Giêsu. Hiệu quả là, theo Nestorius, không thể gọi Ðức Mẹ là "Theotokos", Mẹ Thiên Chúa được.
Công đồng Êphêsô năm 431 đã khẳng định lại giáo lý của Giáo Hội dạy rằng Chúa Giêsu có hai bản tính: Một là bản tính Ðức Chúa Trời, hai là bản tính loài người. Hai bản tính ấy kết hợp trong một Ngôi duy nhất là Ngôi thứ hai Ðức Chúa Trời.
Công Ðồng kết án Nestorius và những người theo ông. Ðồng thời các nghị phụ đồng thanh chấp nhận nội dung của bức thư thứ hai của Thánh Cyrilô gửi Giám Mục Nestorius và chính thức công nhận tước hiệu Mẹ Thiên Chúa dành cho Ðức Mẹ.
Quyết định quan trọng ấy của Công Ðồng Êphêsô lại được tuyên bố minh bạch thành Tín Ðiều do Công Ðồng Calceđônia năm 451.
II. NỘI DUNG TÍN ÐIỀU
Tước hiệu Mẹ Ðức Chúa Trời bao hàm những gì?
Sau đây là lời công bố của Công Ðồng Ephêsô năm 431:
"Các nghị phụ không ngần ngại gọi Ðức Trinh Nữ Maria là "Mẹ Ðức Chúa Trời". Không phải vì Mẹ đã sinh hạ thiên tính của Ngôi Lời Thiên Chúa. Mà vì nhờ Mẹ mà Ngôi Lời Thiên Chúa mang một thánh thể với một linh hồn có trí năng mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hiệp với trong một Ngôi duy nhất khi sinh hạ trong thể xác.
Nếu ai không tuyên xưng rằng Thiên Chúa chính là Emmanuel và vì thế, Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, kẻ ấy bị vạ tuyệt thông. Vì Ðức Mẹ đã sinh hạ "Ngôi Lời hóa thành nhục thể" khi ban đời sống thể xác". (Công Ðồng Ephêsô).
Thánh Truyền xưa nay vẫn liên kết ba giáo điều sau đây: Chúa Giêsu là Thiên Chúa - Vậy Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa - Nhưng vẫn đồng trinh tuyền vẹn.
Và tín điều đó Công Ðồng long trọng tuyên bố bao hàm những điểm sau đây:
1. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải là Mẹ sinh ra bản tính Thiên Chúa mà là Mẹ một người Con chính là Thiên Chúa.
2. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải là Mẹ của một người con đã kết hợp với Thiên Chúa hay là đã trở nên Thiên Chúa, mà là Mẹ của Ðấng là Thiên Chúa từ thuở ban đầu.
3. Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa: không phải chỉ là Mẹ sinh hạ thể xác Ðức Giêsu mà thôi, mà là Mẹ của Ðấng đã mặc lấy thân xác nơi Mẹ, là Ðấng có trước Mẹ là Chúa Giêsu.
Ðiều đáng chú ý là khi Công Ðồng bênh vực tước hiệu Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, Công Ðồng không nhắm chỉ đề cao Ðức Mẹ mà cách riêng chú trọng và gìn giữ sự duy nhất Ngôi vị nơi Ðức Kitô.
Công Ðồng Ephêsô lên án những ai muốn tách rời, phân chia Ðức Kitô, chỉ coi con người của Ngài mới sinh ra, mới chịu chết cho chúng ta, còn chính Ngài là Con Thiên Chúa thì không. Như vậy, chỉ có một Thiên Chúa và một con người kề sát nhau, chứ không phải là một Ðấng duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Con của Ðức Mẹ. "Tình yêu của Ðấng Cứu Thế bị lột hết ý nghĩa. Ðức Giêsu chỉ là một con người múa rối do Thiên Chúa dựt giây, chớ không phải là Thiên Chúa làm người" (R. Laurentin).
Việc Thiên Chúa mặc xác phàm nhân loại, chịu đau khổ và chịu chết nói lên tình yêu như điên dại của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Loại bỏ điều đó, đức tin không còn gì, chương trình cứu độ sẽ sụp đổ.
Tuy nhiên, có người nói, Thiên Chúa là Ðấng siêu việt, làm sao một thụ tạo lại có thể sinh ra Ðấng dựng nên mình? Thật là một lời lộng ngôn phạm thượng!
Không! Việc làm Cha làm Mẹ không phải chỉ hướng nguyên về thể xác con mà về cả con người. Các Bà Mẹ không ban cho con trí khôn, bản lĩnh. Ðó là công cuộc của Chúa, nhưng các Bà vẫn là những bà mẹ, không phải chỉ là mẹ của thể xác mà các bà cưu mang sinh nở thôi mà là Mẹ của những con người các Bà sinh ra. Ðối với Mẹ Maria cũng vậy. Mẹ là Mẹ của một ngôi vị Thiên Chúa. Mẹ không ban cho Chúa linh hồn thiêng liêng hay ngôi vị Thiên Chúa. Mẹ là Mẹ, không phải chỉ sinh hạ thể xác thôi mà Mẹ đã sinh ra một người con đồng thời chính là Ngôi Hai Con Thiên Chúa. Việc mẫu tính ấy tạo nên một liên hệ duy nhất giữa Mẹ và Con: Ấy là Ðức Chúa Con có thể và phải gọi Mẹ là "Mẹ".
Ðó là ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Mẹ sinh con mà vẫn còn đồng trinh: Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu và Mẹ là Mẹ Ngài, Con Thiên Chúa nhập thể mà Mẹ đã sinh ra mà vẫn còn đồng trinh toàn vẹn.
Theotokos. Maria là Mẹ Thiên Chúa.
Nhưng chúng ta phải thêm: Maria là Mẹ Thiên Chúa về tính nhân loại. Mẹ không sinh ra bản tính Thiên Chúa. Nhưng Mẹ đã được tuyển chọn để ban cho Thiên Chúa một đời sống thể xác, một thánh thể mà Ngài muốn đảm lãnh để trở nên một người giữa chúng ta "vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi" như chúng ta đọc trong kinh Tin Kính.
"Ðó là một cuộc phiêu lưu cuồng dại" của Thiên Chúa làm cho chúng ta hiểu Ngài thương yêu chúng ta biết chừng nào khi xuống trần gian vì phần rỗi nhân loại.
Thiên Chúa đã đảm nhận thân phận con người, nhưng không làm giảm bớt sự siêu việt, không biến tính sự hằng hữu của Ngài.
  (Trích dẫn từ Tác Phẩm "Mẹ Maria" của Lm Hồng Phúc, CSsR, Nhà Sách Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp tái bản năm 1992)


Uống nước theo kiểu người Nhật :   phòng ngừa và chữa nhiều Bệnh tật



Theo healthyveganstyle, con người không thể sống thiếu nước. Nước là thành phần vô cùng quan trọng với sức khỏe.
Nếu thiếu nước, bạn sẽ mắc nhiều bệnh tật đáng sợ, thậm chí tử vong.  Uống đủ nước mỗi ngày giúp bạn phòng ngừa được nhiều bệnh nguy hiểm, đồng thời cải thiện sức khỏe toàn diện.
Xin giới thiệu cho bạn phương pháp uống nước của người Nhật, được sử dụng trong hàng ngàn năm qua để phòng ngừa và chữa nhiều bệnh tật.  Người dân xứ sở hoa anh đào là dân tộc sống thọ nhất thế giới. Bí quyết của họ nằm ở việc uống nước đúng thời điểm và đúng cách.


Sau đây là phương pháp uống nước giúp người Nhật sống khỏe mạnh cả đời:        
Ngay khi thức dậy buổi sáng, hãy uống 4 ly nước lọc  (1 ly = 160ml) trước khi đánh răng.Tiếp theo, đánh răng và vệ sinh răng miệng nhưng không được ăn hay uống gì trong 45 phút.


Sau 45 phút, bạn có thể ăn uống bình thường. Sau khi ăn sáng, ăn trưa và ăn tối, không được ăn hay uống gì trong 2 giờ tiếp theo.
Ví dụ: Bạn thức dậy vào lúc 6h, hãy uống ngay 4 cốc nước nhỏ, sau đó 6h30 uống thêm một cốc và 7h ăn sáng. Từ 7h-9h không uống nước, phần ngày còn lại uống bình thường.
Những người già hoặc bệnh không thể uống 4 ly nước buổi sáng có thể uống ít hơn và tăng dần số lượng lên.
Phương pháp này sẽ giúp bạn chữa được nhiều bệnh tật để có cuộc sống khỏe mạnh. Theo nghiên cứu, sau khi áp dụng cách này, bạn sẽ thấy cải thiện rõ rệt với các bệnh và thời gian uống như sau :
Cao huyết áp (30 ngày) – Tiểu đường( 30 ngày) – Dạ dày. (10 ngày).
–  Táo bón (10 ngày).        – Ung thư (180 ngày).    – Bệnh Lao (90 ngày)
Với những bệnh nhân viêm khớp, chỉ nên áp dụng phương pháp trên trong 3 ngày của tuần đầu tiên. Sau đó thì áp dụng hàng ngày khi qua tuần thứ hai.
Phương pháp này không có tác dụng phụ, chỉ có điều là bạn có thể cần đi tiểu nhiều hơn. Các chuyên gia khuyên bạn nên tập cho mình thói quen này để có cuộc sống không bệnh tật.


THÔNG TIN:   THỨ SÁU đầu tháng 06. 01. 2017  :
 T.Lễ 17g30 và  19g30(dành cho giới trẻ liên xứ)
Các ngày lễ trong tuần:
*  THỨ HAI      02. 01.2017 :Thánh Basiliô Cả & Grêgôriô Nazianzênô, giám mục, tiến sĩ. Lễ nhớ.
*  THỨ BA        03. 01. 2017  :Danh Thánh Chúa Giêsu
*  THỨ TƯ        04. 01. 2017  :Thánh Elizabeth Ann Seton 
*  THỨ NĂM     05. 01. 2017  :Thánh Gioan Neumann, Gm
*  THỨ BẢY      07. 01. 2017  : Thánh Raimunđô, linh mục.
*  CHÚA NHẬT  08. 01. 2017 : Chúa hiển linh. Lễ trọng


Không có nhận xét nào: