CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Suy Tôn Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên A – Mt 28,16-20


Suy Tôn Lời Chúa
Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên A – Mt 28,16-20
Thứ Tư – 28/5/2014
CẦU NGUYỆN VÀ XIN ƠN THÁNH THẦN
Lạy Chúa Giê-su, nguyện xin Chúa ban Thánh Thần xuống trên cộng đoàn chúng con, giúp chúng con hiểu và sống Lời Chúa qua bài Tin Mừng chúng con suy niệm hôm nay để xứng đáng là Ki-tô hữu, là môn đệ của Chúa. (Cộng đoàn hát: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến…)
GỢI Ý TÌM HIỂU TIN MỪNG Mt 28,16-20
A.    LỜI MỞ ĐẦU
Kính thưa cộng đoàn! Chủ đề của bài Tin Mừng chúng ta vừa đọc là…
SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Và Giáo Hội sẽ công bố bản văn Tin Mừng này vào Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên vài ngày tới đây.
B.     TÌM HIỂU CHI TIẾT
Bản văn chúng ta vừa đọc là đoạn cuối của Tin Mừng Mát-thêu, chỉ có 5 câu, chúng ta cùng nhau lần lượt tìm hiểu.
1/ Giới thiệu bối cảnh: Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Chúa Giê-su đã truyền cho các ông đến (Câu 16). Theo lệnh truyền của Chúa, các ông đã đúng hẹn. Nhưng khi gặp Người, trong số các ông vẫn có người hoài nghi (câu 17); Đọc Tin Mừng Phục Sinh rải rác đây đó, chúng ta thấy rõ là Nhóm mười một và các môn đệ khác không dễ dàng tin Chúa Phục Sinh, trường hợp tông đồ Tô-ma là một điển hình. Lần hiện ra cuối cùng này được kể là đơn sơ, không đột ngột và cũng chẳng gì khiến nhóm mười một phải hoảng sợ.
2/ Lệnh truyền 1: (Câu 18-19):
Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” Đây là một khẳng định vì quyền của Người là do Thiên Chúa Cha ban. Dựa vào quyền đó, Người sai các môn đệ đi đến với muôn dân:
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
Trước khi tìm hiểu rõ câu 19, chúng ta nên trở về chương 10 để nắm vững điều các môn đệ đầu tiên đã hiểu. Đó là trong lần sai đi thứ nhất, sứ mạng của các môn đệ được giới hạn vào “các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” và các ông được dặn rõ là đừng đi về phía dân ngoại hoặc vào thành của người Samari. Nhưng khi Đức Giê-su phục sinh, các hạn chế đó không còn nữa, và Người dạy các ông đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su, người ta phải chịu phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha – Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các tín hữu trở nên thành viên của Giáo Hội, mặc dù ở đây không dùng từ ngữ này.
3/ Lệnh truyền 2: (Câu 20): Tiếp đó, Chúa Giê-su dặn Nhóm mười một tiếp như sau: “Anh em hãy dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em (câu 20). Rõ ràng, sau khi chịu phép rửa, Nhóm mười một bắt đầu quá trình dạy cho các môn đệ mới này hiểu và sống giáo huấn của Đức Giê-su đã ban vào những năm trước khi Người chịu thương khó và chịu chết. Như vậy có điều gì khác với những dự tòng hôm nay: Học giáo lý để biết lịch sử cứu độ của Chúa Giê-su trước rồi với niềm xác tin của mình, họ mới được Giáo Hội cử hành bí tích khai tâm, trong đó có bí tích rửa tội, đón nhận ơn Thánh Thần.
Đơn giản, trong đoạn Tin Mừng này, sứ mạng mà Nhóm mười một lãnh nhận nơi Chúa Giê-su phục sinh là như thế, nhưng chúng ta có thể tìm hiểu rõ hơn sứ vụ của các ông trong Sách công vụ tông đồ, chương 1: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ria và cho đến tận cùng trái đất.” Và Nhóm mười một đã bổ sung chọn ông Mát-thi-a thay thế cho ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt để thực thi sứ mạng Chúa Giê-su phục sinh giao phó.
4/ Lời hứa của Chúa Giê-su Phục Sinh (câu 20): “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Đây là một xác quyết mà danh xưng Em-ma-nu-en diễn đạt (1,23): Chúa Giê-su là Thiên - Chúa - ở - cùng - chúng – ta.
…cho đến tận thế: Các tín hữu thế hệ đầu tiên những tưởng không bao lâu nữa Chúa Ki-tô sẽ trở lại, nhưng vào thời Tin Mừng này được biên soạn, họ đã hiểu ra rằng, lịch sử hãy còn dài; dân tộc Ít-ra-en đã chối từ ơn cứu độ họ được tặng ban và chỉ có một số nhỏ đã tin mà thôi. Chính với số nhỏ này mà giờ đây Chúa Giê-su nói lên lời cam kết này, cũng như với các Tông Đồ và Hội Thánh của Người.
Tóm lại, lệnh truyền của Chúa Giê-su Phục Sinh trong bài Tin Mừng Mt 28,16-20 không chỉ là lệnh truyền dành cho các tông đồ mà chính là lệnh truyền dành cho mỗi Ki-tô hữu tin Chúa, theo Chúa, trong đó có mỗi người chúng ta đang ngồi đây. Chúng ta cùng nghe lại lệnh truyền của Người:
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và hãy dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”
GỢI Ý ÁP DỤNG
Giáo Hội Việt Nam chọn năm nay là Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình, và Giáo Xứ chúng ta cũng tiếp tục sống Định Hướng Truyền Giáo.
Nhìn thấy vấn đề Hội Thánh không loan báo Tin Mừng thì không còn là Hội Thánh nữa, do vậy Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam trong ba ngày 20/5, 21/5 và 22/5/2014 đã tổ chức Hội Thảo Truyền Giáo cho khoảng 120 tham dự viên khắp mọi miền đất nước thuộc các điểm truyền giáo của DCCT gồm cả Linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân về tham dự với ba đề tài:
o   Đối thoại liên tôn (Cha Giuse Đinh Ngọc Lâm)
o   Truyền giáo trong hoạt động truyền thông (Cha Antôn Lê Ngọc Thanh).
o   Tân Phúc Âm hóa (Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông).
Ba đề tài trên mang tính chuyên môn cao, tuy nhiên dựa vào các gợi ý theo ba đề tài này, xin nêu lên ba áp dụng sau:
Một là: Mỗi người nên mua một quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo loại nhỏ, dạng hỏi đáp để đọc mỗi ngày, đọc liên tục để có vốn hiểu biết về đạo Công Giáo mình đang tin theo. Rồi nhờ đó, khi có cơ hội giao tiếp với người chưa biết Chúa, chúng ta giới thiệu Chúa cho họ tùy theo hoàn cảnh sống mỗi người.
Hai là: Giáo Hội rất chú ý đến vấn đề Truyền Giáo trong hoạt động truyền thông, nghĩa là Giáo Hội dùng các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Blog… để loan báo Tin Mừng, trong khi đại đa số giới trẻ, con em của chúng ta với chiếc điện thoại thông minh nối mạng, lại dùng các trang này để tán gẫu, lừa đảo, hoặc những kẻ Phản Ki-tô cũng dùng nó để phá đạo, chống Giáo Hội. Vậy, là phụ huynh, chúng ta đã làm được gì đối với công cuộc truyền giáo loại này.
Cụ thể, ngày Thứ Bảy cuối tháng này, 31/5/2014, Tổng Giáo Phận Sài-gòn sẽ tổ chức Ngày Truyền Thông Thế Giới tại Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận, tham dự viên sẽ là đại diện của các Giáo Phận khắp cõi VN về tham dự để hiếu được Giáo Huấn của Hội Thánh về vấn đề này. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng dùng Twitter để truyền giáo, để nói chuyện với dân Thiên Chúa, đặc biệt là nói chuyện với giới trẻ.
Ba là: Chủ đề Phúc Âm Hóa Gia Đình, có hai từ rất quan trọng, tôi tạm chọn một từ để gợi ý. Đó là từ Phúc Âm hay Tin Mừng. Linh mục giảng thuyết là Cha Đaminh Nguyễn Đức Thông có nhắc đến cuộc chiến giữa Chúa Giê-su với Satan trong hoang địa 40 đêm ngày trước khi Chúa thực thi sứ mạng công khai Loan Báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su đã dùng Lời Thiên Chúa để chiến thắng ma quỷ. Vậy mỗi Ki-tô hữu hãy học cho thuộc Lời Chúa, trước hết trong bốn Sách Tin Mừng, mỗi ngày học thuộc một câu, nên chăng học thuộc một câu theo lịch phụng vụ mỗi ngày của Hội Thánh dù có tham dự Thánh lễ hay không. Mỗi người chúng ta nên tập thói quen đạo đức này. Có trang bị Lời Chúa, có trang bị Tin Mừng thì mới nói đến chuyện chiến thắng bản thân, chiến thắng ma quỷ, và xa hơn là rao giảng Lời Chúa cho người muốn nghe.
LỜI CHÚA ĐỂ SUY NIỆM
1. “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần(Mt 28,19)
2. “Hãy dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28,20)
LỜI NGUYỆN
1. Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin giúp chúng con tha thiết với sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân mà chính Chúa đã truyền lệnh cho các môn đệ, đã truyền lệnh cho mỗi người chúng con. Là Ki-tô hữu, chúng con không được thoái thác, chúng con không được bàng quan đứng ngoài, chúng con không được đổ trách nhiệm lên các linh mục, tu sĩ. Xin Chúa giúp sức cho mỗi người chúng con, xin Chúa ban Thánh Thần của Ngài hỗ trợ chúng con.
2. Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin giúp chúng con có lòng quyết tâm thực hiện các gợi ý, dù chỉ một gợi ý thôi để tỏ thiện chí của chúng con trong việc Loan Báo Tin Mừng cho muôn dân. Chúng con cũng có thể cố gắng sống chứng nhân, sống tốt trong gia đình, trong khu xóm, ngoài phố chợ, tại cơ quan, trường học v.v… miễn sao người khác nhìn vào cách sống của chúng con, họ nhận ra chính Chúa đang sống trong chúng con, bằng cách đó, chúng con cũng giới thiệu được Chúa cho họ. Chúng con cũng có thể cầu nguyện, hy sinh, hãm mình cho công cuộc truyền giáo đang diễn ra khắp nơi trong lòng Hội Thánh.
3. Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin cho chúng con ý thức rằng, chính Chúa Thánh Thần mới là Đấng đang hoạt động trong lòng Giáo Hội để Tin Mừng đến với muôn dân, còn chúng con chỉ là những người được Chúa sai đi và được đỡ nâng. Chúng con phải ý thức dấn thân hết mình, còn kết quả, cứ để Chúa Thánh Thần định liệu. Chinh Thánh Thần sẽ soi dẫn chúng con mỗi người một cách rằng phải loan báo Tin Mừng thế nào tùy hoàn cảnh của mình. Nhớ lại, Thánh Nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, ngài chỉ ở trong bốn bức tường của Tu Viện, lại ốm đau luôn, thế mà được Giáo Hội tôn phong là Bổn mạng các xứ truyền giáo; Thánh nhân không làm những công cuộc vĩ đại, chỉ thực hiện những việc bình thường với lòng yêu mến Chúa thẳm sâu và kêu xin Chúa cứu các linh hồn. Mỗi người chúng ta có thể thực hiện nhẹ nhàng theo cách thức ấy của Thánh nữ, đặc biệt những ai đang ốm đau bệnh tật.
Nhóm Tông Đồ Thánh Kinh

Gioa-kim Phạm Văn Lượng

Không có nhận xét nào: