CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Cuộc sống thay đổi.

Thứ Năm Tuần VI PS
Chi tiết
Viết bởi LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Bài đọc: Acts 18:1-8: Jn 16:16-20.

1/ Bài đọc I: 1 Sau đó, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô.
2 Tại đây, ông gặp một người Do-thái tên là A-qui-la, quê ở Pon-tô, vừa mới từ I-ta-li-a đến, cùng với vợ là Pơ-rít-ki-la, vì hoàng đế Cơ-lau-đi-ô đã ra lệnh cho mọi người Do-thái phải rời Rô-ma. Ông Phao-lô đến thăm hai ông bà,
3 và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều.
4 Mỗi ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp.
5 Khi ông Xi-la và ông Ti-mô-thê từ Ma-kê-đô-ni-a xuống, thì ông Phao-lô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô.
6 Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: "Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại."
7 Ông rời bỏ chỗ ấy đến nhà một người ngoại tôn thờ Thiên Chúa, tên là Ti-xi-ô Giút-tô, ở sát bên hội đường.
8 Ông Cơ-rít-pô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Cô-rin-tô đã nghe ông Phao-lô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa.

2/ Phúc Âm: 16 "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy."
17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: "Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" và "Thầy đến cùng Chúa Cha?""
18 Vậy các ông nói: ""Ít lâu nữa" nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!"
19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: "Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy."
20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cuộc sống thay đổi.

Heraclitus, một triết gia Hy-lạp đã nói: "Không ai bước xuống hai lần trong cùng một giòng sông;" vì nước sông một người bước xuống lần trước khác với nước sông bước xuống lần thứ hai. Cuộc đời mỗi người cũng thế, những gì xảy ra ngày hôm nay khác với những gì đã xảy ra ngày hôm qua, và cũng khác với những gì sẽ xảy ra ngày mai. Ngày nào đều có sự vui tươi cũng như sự khốn khó của ngày ấy. Cuộc đời của mỗi người được dệt bằng một chuỗi những mắt xích nhỏ, là những biến cố xảy ra mỗi ngày. Điều cần thiết là con người phải biết học hỏi từ những biến cố đã và đang xảy ra, để biết cách đối phó với những gì sẽ xảy đến.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra cách cư xử của Phaolô và sự dạy dỗ của Đức Kitô trước những thay đổi của cuộc sống. Trong Bài Đọc I, Phaolô từ Athens, trung tâm văn hóa của Hy-Lạp, đến Corintô sinh sống bằng nghề chế lều; mỗi ngày Sabbath, ông đều vào hội đường để rao giảng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài và cho các môn đệ. Mục đích là để giúp các ông biết cách chuẩn bị và đối phó với những gì sắp xảy ra.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phaolô rời Athens và rao giảng Tin Mừng tại Corintô.

1.1/ Phaolô vừa làm việc để sinh sống vừa rao giảng Tin Mừng mỗi ngày Sabbath: Hành trình thứ hai là hành trình dài và lâu nhất trong 3 cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng của Phaolô. Ông gặp nhiều thành công cũng như thất bại, được chấp nhận cũng như bị từ chối, có lúc an bình và có lúc sóng gió. Trình thuật hôm nay tường thuật những gì xảy ra khi ông bỏ Athens đến Corintô: "Tại đây, ông gặp một người Do-thái tên là Aquila, quê ở Pontus, vừa mới từ Italy đến, cùng với vợ là Priscilla, vì hoàng đế Claudio đã ra lệnh cho mọi người Do-thái phải rời Rôma. Ông Phaolô đến thăm hai ông bà, và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề chế lều. Mỗi ngày Sabbath, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp." Nghề chế lều là nghề cũ của Phaolô trước khi trở lại, chúng ta ngạc nhiên khi Phaolô trở về nghề cũ để sinh sống thay vì dùng toàn thời gian để rao giảng Tin Mừng; nhưng điều này có thể hiểu được, vì Giáo Hội sơ khai chưa có những trợ giúp cụ thể cho những nhà truyền giáo. Phaolô phải tự kiếm kế sinh nhai, nhất là khi mới chân ướt chân ráo đến những thành phố mới.

1.2/ Phản ứng của dân thành Corintô: Khi ông Silas và ông Timothy từ Macedoniaxuống, thì ông Phaolô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giêsu chính là Đấng Kitô.
(1) Những người từ chối không tin: Đa số là những người Do-thái. Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: "Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại." Mặc dù Phaolô được trao sứ vụ đặc biệt là rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại, ông vẫn tìm dịp rao giảng Tin Mừng cho những người Do-thái, vì ông quan tâm đến phần rỗi linh hồn của họ; nhưng không có nhiều kết quả.
(2) Phaolô quay sang giảng cho Dân Ngoại và thu lượm nhiều kết quả: Thất vọng về sự cứng lòng và chống đối từ người đồng hương, "Ông rời bỏ chỗ ấy đến nhà một người ngoại tôn thờ Thiên Chúa, tên là Titius Justus, ở sát bên hội đường. Ông Crispus, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Corintô đã nghe ông Phaolô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa."

2/ Phúc Âm: Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

2.1/ Các môn đệ không thể hiểu Chúa Giêsu biết trước mọi sự sẽ xảy ra: Khi các môn đệ nghe Chúa Giêsu tuyên bố: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy;" vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi nhau: "Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" và "Thầy đến cùng Chúa Cha?" Vậy các ông nói: ""Ít lâu nữa" nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì!"
Đối với chúng ta, những người đã đọc Cuộc Thương Khó, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, đoạn văn trên không có gì khó hiểu; nhưng đối với các môn đệ trước Cuộc Thương Khó, có ít nhất ba điều các môn đệ không thể hiểu:
(1) Các ông không thể hiểu một người biết rõ ngày chết và cách chết của mình, ngoại người tự kết liễu đời mình, như người Do-thái nghĩ về Chúa Giêsu (Jn 8:21-22).
(2) Các ông càng không hiểu một người biết trước mình sẽ sống lại. Truyền thống Do-thái không tin có sự sống lại như Nhóm Sadducees, hay quan niệm sống lại chỉ có trong Ngày Phán Xét (Jn 11:24). Các ông không ngờ Chúa sống lại chỉ ít ngày sau khi chết.
(3) Các ông cũng không hiểu lời Chúa nói "Thầy đến cùng Chúa Cha" có nghĩa gì; vì các ông chưa hoàn toàn tin tưởng mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa.

2.2/ Phản ứng của con người trước Cuộc Thương Khó của Đức Kitô: Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: "Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy." Rồi Chúa Giêsu cắt nghĩa thêm cho các ông hiểu: "Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui."
(1) Các môn đệ sẽ buồn sầu và than khóc về sự đau khổ, cái chết, và sự vắng mặt của Chúa Giêsu trong cuộc đời các ông; nhưng khi thấy Ngài sống lại và hiện đến, những nỗi lo lắng và buồn sầu sẽ biến thành hy vọng và niềm vui. Trong cuộc sống của người Kitô hữu cũng thế: Có những lúc họ sẽ cảm thấy việc theo Chúa đòi hỏi quá nhiều cố gắng và hy sinh, khi bị cám dỗ về những thú vui thế trần; nhưng sẽ tới ngày những cố gắng và hy sinh của họ sẽ đơm bông kết trái, và họ sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu.
(2) Thế gian sẽ vui mừng: Thế gian được hiểu ở đây là những người chống lại Thiên Chúa, kết án, và giết Người Con Một của Ngài; một cách cụ thể là những người trong Thượng Hội Đồng. Họ tưởng là đã tiêu diệt được người quyến dũ dân chúng và làm cho họ mất quyền lợi và thế lực trên dân. Nhưng vui mừng của thế gian cũng chỉ tạm thời, vì sau đó sẽ là thời kỳ than khóc. Ai chạy theo những lạc thú của thế gian cũng thế, họ chỉ có thể vui vẻ trong một thời gian ngắn; nhưng sau đó sẽ là những mệt mỏi, chán chường. Nỗi than khóc bất hạnh nhất của thế gian là không biết, không có, hay đánh mất Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Trong cuộc sống, chúng ta phải đương đầu với nhiều thay đổi; nhưng may mắn cho những người tín hữu chúng ta, những gì chính yếu đã được Chúa Giêsu mặc khải qua Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.
- Chúng ta cần học hỏi lịch sử và Kinh Thánh để biết những điều chính yếu trong cuộc đời, và biết cách chuẩn bị để đối phó với những thay đổi của cuộc đời.
- Mẹ Maria là mẫu gương lý tưởng cho chúng ta nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong những thay đổi của cuộc sống: Mẹ luôn thinh lặng, ghi nhận mọi biến cố xảy ra, và suy niệm trong lòng.



Không có nhận xét nào: