VRNs (11.09.2013) – Quảng Ngãi – Hôm nay ngày 11/9/2013 Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ (tỉnh Quảng Ngãi) tố chức mừng kỷ niệm 50 năm thành lập.
Nhân dịp này, VRNs xin giới thiệu chương
24 quyển Lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam của Linh mục Rôcô Nguyễn Tự
Do, C.Ss.R, nhan đề “Nguồn gốc Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ” (2007).
Cha Denis Paquette có viết như sau: “Ngày
24-1-1964, Đức Giám Mục Phêrô Phạm Ngọc Chi đã có lời yêu cầu chúng tôi
chính thức nhận giáo điểm trong Địa Phận của ngài. Ngài ấn định cho
chúng tôi cánh đồng truyền giáo CHÂU Ổ, một địa điểm ở cách Saigon 500
dặm về hướng bắc. Đó là một trung tâm nông nghiệp và thương mại có 4000
dân mà chỉ có 300 người Công giáo.”
“Cha Bề trên phụ tỉnh phấn khởi nhận
lời và tôi có vinh dự được cử làm bề trên giáo điểm này, cùng với 2 Linh
Mục và 3 thầy người Việt-nam.”
Trước
đó một năm, sau khi nhận được lời yêu cầu của Đức Cha Phạm Ngọc Chi
(ảnh), đã có một cuộc tham quan để tìm hiểu về Châu Ổ. Cha Đaminh ĐỖ VĂN
THỪA kể lại: “Đầu tiên, Đức cha đề nghị lập ở Tam Quan, cách Trà
Bồng 6 cây số thuộc tỉnh Bình Định, nhưng nhận thấy ở Quảng Ngãi, quận
Bình Sơn có 22 xã ở đất liền và 2 xã (Bình Vĩnh và Bình Yên) ở đảo Lý
Sơn (Cù lao Ré) và quận Trà Bồng một nửa là người kinh một nửa là người
Dân Tộc…. Vì thế Đức Cha đổi ý kiến muốn Dòng Chúa Cứu Thế đến ở Châu Ổ
thay thế Tam Quan.”
“Cuối năm 1962, có cha Giám phụ Tỉnh, cha Paquette, cha Do và tôi- cha Thừa- đi tham quan Châu Ổ…
“Cha Denis Paquette, cha Đaminh Đỗ Văn Thừa, thầy Marcô Đàn được chỉ định ra truyền giáo ở Châu Ổ.
“10 ngày trước Lễ Truyền Tin nhóm truyền giáo đến Châu Ổ và ngày 25-3-1963 chính thức nhận sở Châu Ổ.”
Cha Bùi Quang Diệm, Bề Trên Phụ Tỉnh có
mặt. Về phía Giáo phận, có Đức cha Hoàng Văn Đoàn, Giám mục Qui Nhơn,
Đức cha Phạm Ngọc Chi lúc ấy đã là Giám mục Địa phận Đànẵng mới thành
lập dịp thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt-nam 1960.
Từ đó cho đến nay, “Thiên hùng sử Giáo điểm Châu Ổ”
đã trải qua những lo âu do cuộc chiến và những đổi thay chính trị,
những hoàn cảnh mới khi Mỹ đổ quân vào Việt-nam, với những bước đi mạo
hiểm trong một vùng đất còn mới mẻ với hy sinh tính mạng của hai người
anh em trong Dòng, một Linh Mục là cha Anphong Nguyễn Đức Điềm và một
thầy, thầy Phaolô Phạm Mẫn. Truyền giáo luôn là giá của mồ hôi, nước mắt
và máu.
HOÀN CẢNH RIÊNG BIỆT TẠI CHÂU Ổ
Không những chỉ vì lòng ưu ái và tình cảm
riêng của Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi đã mời gọi Dòng Chúa Cứu Thế đến
Châu Ổ, nhưng điều đã thúc đẩy các Bề trên nhận khu truyền giáo này,
chính là vì nhận thấy ở nơi đây, có tình trạng mà Chúa Giêsu đã bảo
trước cho các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít oi….” Lời
kêu gọi của vị Giám Mục Địa phận, chính là lời Chúa mời gọi Dòng Chúa
Cứu Thế, và Châu Ổ đã có ưu tiên trong lựa chọn của Dòng.
Chúng ta hãy trở về với những bối cảnh
lịch sử của vùng truyền giáo này, nơi Chúa đã dành sẵn cho Dòng Chúa Cứu
Thế, nơi không hề thiếu vắng những túng bấn, những khổ đau, những hy
sinh, nơi được đánh dấu bằng Thập Tự Giá, dấu cứu chuộc cho mọi thế hệ.
Đã từ cả 10 năm qua, trước hiệp định
Genève 1954, Cộng sản đã chiếm lĩnh nơi đây, áp đặt một quyền thống trị
theo chủ trương của họ. Tôn giáo không được trọng vọng, do những hiểu
lầm và chủ thuyết Mác-Lê. Trong hoàn cảnh chiến tranh, người dân phải
chấp nhận nhiều hạn chế thiệt thòi.
Sau hiệp định Genève 1954, quân đội hai
phe thường được gọi là Cộng sản và Quốc gia phải rời bỏ những căn cứ,
những ổ kháng cự, để rút về hai phía của vĩ tuyến 17. Quân đội và chính
quyền “Quốc gia” ở miền Bắc từ các thành phố lớn như Hải Phòng,
Hanội… phải rút về phía Nam của Bến Hải. Quân Việt-Minh đang rải rác ở
trong Nam sẽ phải lui về miền Bắc vĩ tuyến 17. Cuộc di cư diễn ra. Đúng
ngày ấn định, Việt-Minh “tiếp thu” miền Bắc. Quốc gia “tiếp thu” miền Nam, coi như không còn Việt-Minh ở những thành, tỉnh của miền Nam. Vùng Quảng Ngãi qua nhiều năm trước đã là “miền giải phóng”
và sau 1954 thì bên Quốc gia đưa chính quyền vào các thôn xóm xa xôi từ
trước vẫn không đặt chân đến được. Cùng với thể chế mới, các Linh Mục
Việt-nam và cả thừa sai có thể đi đến các vùng cấm địa đó. Với hoàn cảnh
mới và nhờ ơn của Thiên Chúa, Đạo Công Giáo đuợc biết đến, và có nhiều
người xin tòng giáo. Con số giáo dân tăng một cách nhanh chóng. Năm
1954, số giáo dân là 80.000 người. Chỉ đến 1961, con số ấy đã tăng vọt
lên đến 180.000, tăng 100.000 người, tức là 125%. Dĩ nhiên là con số
tăng đó lệ thuộc một phần vào những người di cư từ miền Bắc, khoảng
70.000 người kia là một số lớn gồm những người tân tòng. Những người xin
theo đạo và đang học đạo là 60.000 người.
Trước sự kiện đó, Địa phận chỉ có một số Linh Mục rất hạn chế. “Thợ gặt thì it oi…”
Đức cha Phêrô M. Phạm Ngọc Chi, cha Bùi Quang Diệm, Bề trên Phụ Tỉnh và cha Denis Paquette
Cha Denis Paquette viết: “Từ trước đến
giờ, đám đông dân chúng vô cảm đối với cuộc sống và sinh hoạt của người
Công giáo nay đã khác. Họ đã quan tâm đến đạo, trước là do tọc mạch.
Nhờ những cuộc Đại phúc trong giáo xứ và có khi trong cả vùng do các cha
Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức và giảng đã làm sống lại cả vùng này là những
nơi mà dưới chính quyền Cộng sản đã phải qua thời gian thầm lặng của
Giáo Hội. Những đoàn người tựu họp, lòng sốt sắng, sự phấn khởi, các
cuộc tiếp xúc, sự thay đổi cách sống của người Công Giáo tất cả đã kéo
sự chú ý của người lương. Họ đặt vấn đề, mon men đến nghe lời
Thiên-Chúa, chiêm ngưỡng những đoàn rước kiệu Thánh giá, Đức Mẹ. Họ còn
tham gia vào những cuộc biểu dương đó, tập hát… và rồi những người
nghèo, những người già cả và những gia đình, có khi là cả một làng đến
xin học “cái đạo lạ lùng” này là đạo làm cho người ta bình an hơn, sống
trong sạch hơn, bác ái hơn, thoát tục tầm thường hơn và biết hy sinh cho
kẻ khác, và chắc chắn cho con người chiếm lĩnh được Thiên đàng vĩnh cửu
và rất tốt đẹp…. Như thế đó, dần dần, lời mời gọi lạ lùng và không thể
cưỡng lại được lan tràn đến cả tỉnh. Trong tháng 1-1958, người ta có thể
dự tính hơn 170.000 người xin nhập Giáo Hội. Lễ Phục sinh vừa qua, Đức
cha Chi, Giám Mục Qui Nhơn cho biết là trong một buổi lễ, có 2.000 người
nhận Bí tích Thanh Tẩy. Ngài nói: “Nếu Giáo phận có đủ số Linh Mục và
giáo lý viên thì ngày nay, không chỉ 2.000 mà là 20.000 người được lãnh
nhận phép Rửa. Và nếu tôi có được 100 Linh Mục thì giáo phận sẽ có 2
triệu người tân tòng trong 10 năm.”
Đức cha và nhiều người nói đến “một Lễ Hiện xuống mới” tại Giáo phận Qui Nhơn, lúc ấy còn gồm cả tỉnh Quảng Nam- Đànẵng.
Để đáp ứng nhu cầu nói trên, phải có Linh
Mục, và Đức Giám Mục Địa phận đã tín nhiệm kêu gọi đến Dòng Chúa Cứu
Thế. Dĩ nhiên, trước lời kêu gọi đó, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã mau
chóng đáp ứng, và Giáo điểm Châu Ổ là nơi đã được trao phó cho Dòng.
CÁNH ĐỒNG CHÂU Ổ
Cha Denis Paquette nhận Giáo điểm Châu Ổ
Theo thống kê, vào thời gian này, giáo điểm Châu Ổ có những con số như sau:
Diện tích: Vùng Châu Ổ rộng từ 20 đến 25 dặm. Giáo họ xa nhất cách trung tâm 18 dặm.
Số dân: 40.000 người.
Người có đạo gốc: 200
Người tân tòng: 3.983
Dự tòng: 2.945
Giáo họ: 26. Làng đông nhất có 300 tân tòng.
Cha Denis Paquette và các thừa sai Châu Ổ
Con số những người muốn tìm hiểu Đạo Chúa
tại vùng này rất đông mà số Linh Mục, giáo lý viên lại quá ít, thời
gian lại không được kéo dài, nên việc học giáo lý thường không được sâu
sắc. Đa số người tân tòng chỉ biết đạo một cách nông cạn và những truyền
thống Công giáo không đủ nền tảng và môi trường để in sâu vào tâm hồn
đơn sơ chất phát và có thể còn thấm những thói quen dị đoan. Phong trào
trở lại thúc đẩy quần chúng và ảnh hưởng của số đông thường có tính nhất
thời và nếu không được giúp đỡ, nhiều người dễ dàng chiều theo những
lời mời mọc có sự trợ lực rất đáng kể của sự sợ hãi cũng như của lợi lộc
vật chất. Điều này đã được chứng minh bằng những gì xẩy đến về sau, khi
có những nghịch cảnh khách quan xẩy đến.
Vì đã nhận thức được những nguy cơ do sự
hiểu biết nông cạn về tín lý nơi những người tân tòng, mà các vị bản
quyền cũng như các Bề trên trong Dòng Chúa Cứu Thế đã có quyết định kêu
gọi đến những tu sĩ có trình độ về tín lý cũng như có đời sống tu đức
cầu nguyện để tiếp tay với hàng giáo sĩ ít oi lại phải đương đầu với quá
nhiều nhiệm vụ và đòi hỏi của một thế hệ sau những hạn chế gò bó đủ
mặt.
Dĩ nhiên, các đấng bề trên cũng luôn tin
tưởng vào sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa, như đã thấy ở buổi đầu của
Giáo Hội mà các nhà truyền giáo rõ ràng không đủ số, đủ phương tiện và
thì giờ để đáp ứng mọi đòi hỏi của niềm Tin mới. Thiên Chúa vẫn mãi là
chủ động cho mọi cuộc trở về hướng về Ngài và ơn Cứu độ của Chúa. Nhưng
dầu sao thì với một số nhân sự và hậu thuẫn của cả một Hội Dòng, các tu
sĩ Dòng Chúa Cứu Thế vẫn có nhiều bảo đảm trong việc tiếp nối chương
trình cứu chuộc được thực hiện nơi đây, mà Thiên-Chúa vẫn mãi là tác giả
đầu tiên và quyết định.
THỰC TẠI CƠ SỞ CHÂU Ổ
Một nhà thờ ở Châu Ổ khi DCCT nhận giáo điểm
Miền này rất nghèo. Đất đai không mầu mỡ. Do đó về vật chất, các cơ sở được trao cho Dòng Chúa Cứu Thế không có gì là đáng kể.
Tại chính trung tâm Châu Ổ, có một nhà
thờ bằng vật liệu nặng, nhưng chỉ đủ cho khoảng 300 người, một nhà
trường cho 100 học sinh, một nhà xứ 2 gian, tạm cho 6 người ở. 6 làng có
nhà thờ nhỏ bằng gạch. 7 giáo điểm khác chỉ có nơi thờ phượng bằng
tranh. 12 làng khác không có gì. Các buổi lễ, hội họp, học giáo lý
thường phải nhờ đến nhà dân.
An ninh trật tự trong vùng không mấy bảo
đảm. Tuy phải rút đi, nhưng Việt Cộng vẫn để lại những nhóm nằm vùng đợi
thời cơ mới lại tiếp tục hoạt động để đạt được những mục đích riêng
trong cuộc tranh dành lợi thế. Nhóm ngừơi này lén lút có những hành động
gây sợ hãi, đặt người dân vào bất động vừa không hợp tác với chính
quyền miền Nam, vừa có thể phải tích cực gia nhập hay giúp đỡ các phong
trào “giải phóng”. Các cuộc đe dọa và cả ám sát là lợi khí. Nhiều người tân tòng hay đang học đạo bị giết đó đây để ngăn chặn lại làn sóng “theo đạo”. Cha Paquette kể: “ Ngày
chúng tôi thăm Châu Ổ, họ đã ám sát hai người Công giáo trong một làng.
Trong mấy năm vừa qua, có 120 người Công giáo bị giết. Cha NGỢI ở Quảng
Nam bị giết cách đây 2 tháng.”
Một nhà thờ mới ở Châu Ổ
Trước tình thế làng mạc bị xâm nhập, nhà
nước miền Nam đã tổ chức các “ấp chiến lược”, với hàng rào, tháp canh và
tự vệ, buộc mọi người phải vào làng ban đêm. Do đó thì dân chúng khó
tập họp vào ban đêm và việc đi lại của các thừa sai cũng không dễ dàng
thực hiện được. Thăm và hoạt động nơi những làng mạc xa xôi đã trở nên
khó khăn. Nhiều nơi bị bỏ rơi. Dầu thế tinh thần của những người Công
giáo vẫn rất cao. Những giáo điểm có nhà thờ, nhà giáo dân được trang
trí với nhiều hình ảnh đạo và việc truyền giáo vẫn tiến hành.
TINH THẦN THỪA SAI
Cha Denis Paquette xem ra như là một con
người tiền định cho các sứ mệnh đòi hỏi sự khôn ngoan và nhất là sự can
đảm phi thường và lòng tín thác vô bờ vào Thiên-Chúa. Ngài tượng trưng
cho tinh thần thừa sai của Dòng Chúa Cứu Thế, nhất là trong những sứ
mệnh lắm bất ngờ của đời truyền giáo giữa lương dân và ngay giữa những
thù nghịch từ mọi phía.
Trong thư gửi các ân nhân ngày 23-3-1963, cha viết những lời cảm động sau đây: “Tôi
vinh dự được chỉ định cho giáo điểm thừa sai truyền giáo này, giữa
lương dân…. Mặc dầu phải mang trách nhiệm bề trên, tôi là người sung
sướng nhất trong loài người. Cuối cùng thì tôi đã ở “trong rừng”, sau 27
năm thừa sai. Từ trước đến nay, tôi luôn được chỉ định làm một việc gì
nơi tu viện, giờ đây hơn khi nào hết tôi cảm thấy mình được hoàn toàn là
người thừa sai. Giấc mơ của tôi từ 14 tuổi hôm nay đã thành sự thật.
Tôi đi qua những con đường bùn lầy, vượt các thửa ruộng, tôi nghỉ chân
dưới các rặng tre. Lúc trời mưa, tôi thường vác xe đạp lên vai. Các chòi
lá vừa là nhà nguyện vừa làm nhà ở. Tôi ăn cơm với nước mắm và khoai
lang. Trong rừng không có bánh mì trắng như ở nhà chúng ta đâu. Nhưng
đừng tưởng rằng tôi phải vì đó mà khốn cực đâu.”
Cha kể về các cuộc hành trình đến thăm
các nơi: uống trà, nói chuyện. Nhiều người thiện cảm. Cha vui sướng được
như người chăn chiên lành đi đến với những con chiên xa bầy. Cha nói
đến cảm nghiệm sự bất lực của mình trước bao công việc phải làm, trước
những khó khăn vật chất và tinh thần, do con người của mình, do người
khác. Như Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23, các thừa sai xác tín rằng: vì
là một tín thư yêu thương, Giáo Hội Công Giáo không có ai là kẻ thù. Mọi
người đều là anh em một Cha, và mọi người cũng đều được tình thương của
Cha trên Trời. Có những người coi Giáo Hội là kẻ thù, coi các vị lãnh
đạo trong Giáo Hội là kẻ thù và tìm cách loại trừ, nhưng họ vẫn nhận
được tình thương bao la và chân thật bởi ngay chính những người là nạn
nhân của họ. Giáo Hội đã làm theo Lời Chúa là không lên án đoán xét ai.
Đó là quyền của Thiên-Chúa. Cha Denis Paquette, bề trên tiên khởi của
Châu Ổ đã viết trong bức thư nêu trên những lời độc đáo này: “Khi đọc
lại lịch sử các cuộc truyền giáo, tôi nhận thấy rằng bách hại luôn có ở
mọi thời đại. Như thế thì tình trạng của chúng tôi là bình thường.
Chính nhờ phương cách đó mà Giáo Hội bén rễ và tăng trưởng. Nhờ ý tưởng
đó, tôi tự khích lệ mình và người khác.”
NHỮNG NGƯỜI TRUYỀN GIÁO CHÂU Ổ
Chúng tôi muốn nói đến từng anh em trong
số những người truyền giáo Châu Ổ. Chúng tôi chỉ xin kê khai danh sách
các thừa sai, hy vọng không quên một ai. Người phụ trách Giáo điểm Châu Ổ
và Cộng đoàn Nhà Châu Ổ, được chính thức thành lập năm 1964 là cha
DENIS PAQUETTE. Cha lãnh trách nhiệm cho đến năm 1965.
Nhiều anh em Linh Mục và tu sĩ đã đến tại Châu Ổ và phụ trách các giáo điểm vào năm 1965.
Các cha Đaminh Thừa, Phaolô Thiện và
thầy Marcô Đàn phục vụ tại chính Châu Ổ, nơi có 3000 bổn đạo. Cha Giuse
Châu Xuân Báu và thầy Anphongsô ở Mỹ Tây.
Cha Đaminh Đỗ Văn Thừa
Cha Giuse Hoàng Diệp và thầy Aimé ở Lý Sơn, nơi chưa có người có đạo nào vào thời đó.
Cha Anphongsô Nguyễn Đức Điềm tại An Điềm….
Đó là nhân sự vào giữa năm 1965.
Cuộc sống của các thừa sai và cộng đoàn
tín hữu là một chứng tá hùng hồn để Tin Mừng được đón nhận. Một cụ già
ít nói, một ngày kia đã thú rằng: “Thấy quí ngài thì chúng tôi hiểu hơn thế nào là được làm con cái của Thiên-Chúa.” Nhìn thấy và được dự mấy buổi liên hoan, một người 40 tuổi đặt câu hỏi: “Niềm vui của các người đến từ đâu? Đâu là gốc gác niềm vui của các ngài?”
Một người đàn bà bị đánh và ngất đi như
chết. Thầy Philip Thanh đã dùng phương pháp nhân tạo để làm cho bà tỉnh
lại. Mọi người xem đó là một sự lạ phục sinh kẻ chết, và từ đó, ngừơi ta
đưa đến cho thầy những người bệnh. Cuối năm 1964, từng ngàn người di cư
đến nương tựa Trung tâm Châu Ổ. Chỉ trong năm tháng đầu năm 1965, các
thừa sai Châu Ổ đã phát 120 tấn thực phẩm lương thực, 4 tấn quần áo.
Bộ mặt Châu Ổ có biến chuyển, một tiểu
đoàn lính đến đóng ở trên đồi gần đó và đại bác nổ suốt ngày đêm. 200
gia đình đến trú ở trung tâm.
Mặc dầu chiến tranh, công việc xây dựng các nhà thờ, nhà trường vẫn đươc tiến hành tại nhiều địa điểm
Căn cứ Chu Lai được thành lập vào cuối
tháng 7-1965 với 6500 lính Mỹ. Các trận đánh thường xuyên xảy đến với
nhiều tổn thất. Việt Cộng tổ chức những cuộc xung kích, cả vào dân
chúng, các nhà thờ và cơ sở các thừa sai. Và Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ đã
hiến dâng cho Chúa những của lễ đầu tiên: cha Anphongsô Nguyễn Đức Điềm
ngày 23-2-1969 và thầy Phaolô Simon Phạm Mẫn ngày 21-3-1969.
LINH MỤC ANPHONGSÔ NGUYỄN ĐỨC ĐIỀM (1934-1969)
Cha Anphongsô Nguyễn Đức Điềm
Nguyễn Đức Điềm sinh ngày 31-5-1934 trong
một gia đình không công giáo gồm 6 anh em, 4 nữ và 2 nam. Thân phụ là
Bác sĩ Nguyễn Đức Khởi, giám đốc bệnh viện Huế, nơi các cha Dòng Chúa
Cứu Thế làm tuyên úy. Lúc 11 tuổi, năm 1945, mồ côi mẹ là bà Lê Thị
Nguyệt. Năm 1946 thân phụ được đưa ra Bắc. Ông nhờ một người dì trông
coi con cái trong khi chờ đợi có thể đem cả gia đình về tụ họp. Thời
cuộc đã không cho cha con gặp nhau. 6 anh em được học tại trường các Nữ
tu Thánh Phaolô thành Chartres, trường các Sư Huynh Lasan, và được Thanh
tẩy bởi chính vị Giám Mục Huế Đức cha J.B. Urrutia Thi là bạn thân của
gia đình ngày 8-12-1950,. Điềm đã có chí hướng làm Linh Mục nên đã chọn
thánh Anphongsô làm bổn mạng. 3 người chị vào Dòng Thánh Phaolô, một
người đi truyền giáo ở Madagascar. Bác sĩ Khởi làm giám đốc viện Pasteur
và không bao giờ gặp lại các con. Thư từ cũng chẳng được dễ dàng như
mong muốn.
Nguyễn Đức Điềm vào Dòng Chúa Cứu Thế,
khấn Dòng tại Nha Trang 15-8-1959. Chịu chức linh mục 19-12-1964 bởi tay
Đức cha P. Nguyễn Kim Điền, tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Cùng lớp
có cha Phêrô Đỗ Văn Nhân (qua đời vì tai nạn giao thông trên đèo cả
25-6-1971). Cha Điềm được cử về Trung tâm truyền giáo Châu Ổ, và giáo
điểm An-Điềm, nơi có từng vạn người xin tòng giáo.
Cha Anphongsô Nguyễn Đức Điềm, thừa sai Châu Ổ
Đúng với tên của ngài, cha Điềm luôn bình
thản, nhân hậu và nhiệt thành trong công việc tông đồ, tiếp xúc với mọi
người. Trong 4 năm, cha đã chinh phục được lòng quí mến của mọi người
lương giáo.
Năm 1968, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Lính “quốc gia”
đến lập đồn gần nhà thờ An Điềm. Cha Điềm có tiếng nói để xin người
ta dời đồn đi chỗ khác, nhưng không được theo ý muốn. Nhiều người khuyên
cha nên về nghỉ đêm tại Châu Ổ, nhưng cha không đồng ý. Cha quyết định ở
An Điềm, để cùng chia sẻ cuộc sống với người dân, bất chấp mọi khó
khăn nguy hiểm. Đêm 22-23 tháng 2-1969, mùng 6 Tết, Việt Cộng tấn công
An Điềm. Hôm sau là Chúa nhật. Các em Hùng Tâm Dũng Chí sinh hoạt tại
nhà thờ. Cho đến 10 giờ, một số trẻ em ra về, còn ở lại với cha khoảng
20 em nhà ở xa. Cha Điềm đã có buổi trao đổi về khuya với mấy em thủ
lãnh. Ngài nói với một em có tên là Trần Nhu: “Khi bình an, cha sẽ không làm cha sở đâu. Cha sẽ đến ở giữa một nơi không ai có đạo để rao giảng Tin Mừng.” Cậu Nhu đáp lại: “Còn con, con cũng theo cha để tận tụy làm việc với cha.” Đó là câu chuyện cuối cùng. Hai cha con đã giao ước với nhau sống chết vì công việc truyền giáo.
Theo thói quen, cha vẫn mặc áo Dòng mà
ngủ. 2 giờ đêm, tiếng súng nổ. Mọi người chạy núp trong hầm. Cha vẫn
bình thản, nhưng khi được biết là tốp lính ở đồn đã rút đi chiều hôm
qua, cha có vẻ ái ngại. Các em la lên: “Đừng bắn, chúng tôi là dân mà”.
Lệnh truyền: “Nếu là dân thì hãy bước ra đây.” Cha Điềm và một người
bước ra, hai tay giơ cao trên đầu. Một lệnh truyền vang lên: “Hãy trói
chúng lại và bắn chết đi.” Cha Điềm nói to: “Tôi không phải là lính, tôi
là Linh Mục.” – “Linh Mục hay không, bắn chúng nó”. Các em khác la lên:
“Các ông muốn đem họ đi thì đem nhưng xin đừng giết họ.” Một loạt súng
nổ vang. Cha Điềm và một người nữa ngã xuống. Mấy quả lựa đạn nổ tiếp.
Chị làm bếp và các trẻ được tụ tập lại và phải trả lời cho binh lính
những câu hỏi thắc mắc. Chúng khẳng định cha Điềm không hề cầm súng.
Ngài chỉ giúp đỡ mọi người. Một trẻ em chạy đến bên hai người bị nạn để
giúp đỡ, lính ngăn cản dọa giết luôn những ai dám đến cứu giúp cha.
Khi Việt Cộng bỏ đi, mọi người đến giúp
cha và cậu Nhu đã bị bắn trọng thương. Nhu xin cha ban phép giải tội cho
mình. Vì tay phải bị bắn gẫy, cha ban phép giải tội cho anh bằng tay
trái. Nhu nói với cha: “Cha ơi, cha về trời, con sung sướng được cùng đi lên đó với cha.”
Đến 5 giờ thì cha Anphongsô Nguyễn Đức
Điềm trút hơi thở cuối cùng. Cha đã chịu đau khổ tột cùng trong 3 tiếng
đồng hồ. Một giờ sau Nhu cũng chết theo cha. Cha xứng đáng được chúng ta
nhớ đến và cảm phục. Cha đã bình tĩnh lãnh nhận cái chết vô cùng đau
khổ, sau khi thi hành nhiệm vụ “người cha” với một người trẻ cũng chứng tỏ lòng trung thành đến cùng.
THẦY PHAOLÔ SIMON PHẠM MẪN (21-3-1969)
Thầy Phaolô Simon Phạm Mẫn
Thầy Phạm Mẫn sinh ngày 15-8-1931. Khấn
Dòng ngày 19-3-1954. Thầy đã phục vụ ở các tu viện trước khi được gửi
đến giáo điểm Châu Ổ. Cha Gérard Trempe có viết về thầy như sau:
“Tôi đã được biết thầy Phaolô từ khi
thầy vào Dòng năm 1954. Thầy là một dự tu đầy hứa hẹn: nghiêm chỉnh, rất
tận tâm giúp đỡ anh em, đạo đức, tính tình ổn định. 15 năm trong đời tu
đã chứng tỏ những điều đó. Được chỉ định về Châu Ổ, lòng nhiệt thành
của thầy, sự khéo tay của thầy đã làm cho mọi người có đạo cũng như
không có đạo quí mến. Khi có những cuộc xâm nhập của Việt Cộng, thầy
luôn tỏ ra can đảm gan dạ, lắm khi đến liều lĩnh. Mỗi khi Việt Cộng xuất
hiện trong giáo xứ thì chính thầy đã là người đầu tiên đến gặp họ,
không hề tỏ ra sợ sệt. Từ vài tháng nay, các cuộc phục kích xảy ra nhiều
hơn và tàn nhẫn hơn. Trong đêm 20 rạng 21 tháng 3, khi nhà Dòng Châu Ổ
đang ngủ cạnh một căn hầm thì thầy Phaolô lại ngủ tại phòng mình, gần
các phòng có các trẻ em đến từ An Điềm. Vào nửa đêm, trận đánh vào làng
bắt đầu. Nhà xứ bị nhắm cách riêng. Thầy Phaolô chạy đến phòng cạnh để
xem các trẻ em có được an bình không. Những mảnh đạn trúng ngực thầy.
Thầy còn nói được mấy lời trước khi ngã qụy trong nơi trú ẩn, giữa các
anh em và đám trẻ kinh hãi. Thầy đã bị thương ở bụng, ngực và cổ. Một
giờ sau, thầy được trực thăng đưa về bệnh viện Quảng Ngãi. Mọi cuộc
giải phẫu đều vô hiệu quả.”
“Thầy đã chết 26 ngày sau cha Điềm là người anh em và là người bạn. Thầy là nạn nhân của lòng nhiệt thành, sau mấy giờ hấp hối.
“Sự chết của hai người anh em đó là một sự mất mát lớn lao đối với Giáo điểm Châu Ổ.
“Sau cái chết của cha Anphongsô Nguyễn
Đức Điềm, thầy Phaolô Mẫn, người đã từng sống với cha trong 4 năm trời
trong đó thầy tận tụy hy sinh không kể sức khỏe, thời giờ và cả an ninh
riêng. Thầy đã tìm biết mọi chi tiết về cái chết của cha Điềm và đã viết
lại bảng tường trình về sự hy sinh cao cả đó.”
Kết bài tường trình về cái chết của cha Điềm, thầy viết: “Tôi
đã khóc rất nhiều người anh em đó, người Linh Mục với cuộc sống thật
đơn giản, hiền hòa và rất mực bác ái. Không hề có một lời bất hòa giữa
anh em chúng tôi trong suốt thời gian 4 năm mà chúng tôi đã chung nhau
làm việc. Tôi nghĩ rằng sự chết của cha Điềm và của em Nhu là những cái
chết lý tưởng. Tôi phân bì những người đó và xin hai người cầu thật
nhiều cho tôi.”
Giáo điểm Châu Ổ đã được tưới bằng máu
của một Linh Mục, một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và một bạn trẻ hoạt động
trong hội đoàn bên cạnh các thừa sai. Phải chăng đó là những cuộc hiến
tế đầy ý nghĩa và là một bảo đảm cho mùa gặt mai sau tại nơi truyền giáo
này.
TRUYỀN GIÁO: NGHÈO GIỮA NGƯỜI NGHÈO
Mộ Thầy Phaolô Phạm Mẫn tại An Điềm, Bình Chương, Bình Sơn, Quảng Ngãi
Cha Denis Paquette, Thầy Phùng Hiệu và các em giúp lễ
Năm 1990, khi có thể dễ dàng đến các cơ
sở của Dòng tại Châu Ổ cho đến nay, tức 17 năm sau, chúng tôi vẫn thấy
cảnh của Trung tâm truyền giáo này với khuôn mặt cũ kỹ, rêu phong, với
ngôi nhà thờ và nhất là tu viện không được bảo trì, mang tác phong của
một khu nhà thô sơ bằng ván tôn. Chúng tôi nghĩ: không phải là nhà Dòng
không muốn xây mới, nhưng tại nơi nghèo khó này thì những ngôi nhà đồ sộ
mặc dầu vẫn đơn sơ không có giá trị gì bao nhiêu để chứng tá cho Tin
Mừng và lời quyết tâm nằm lòng: Được sai đến với người nghèo khổ, thừa
sai Châu Ổ đã sống đời nghèo giữa người nghèo, nơi mảnh đất sỏi đá không
đem lại lợi lộc hoa mầu gì bao nhiêu cho những người làm lụng chật vật
suốt ngày để có miếng cơm manh áo. Hầu như đó là tâm tình và thực tế
chung của các nhà truyền giáo vùng Quảng Ngãi, Quảng Nam, một vùng đất
nghèo Việt-nam, với nhiều bất lợi do đất đai và cả những thiên tai dồn
dập. Chứng tá cuộc sống với người nghèo đó vẫn còn tồn tại đến nay, ở
thế kỷ 21 này và cả sau hơn 30 năm chấm dứt chiến tranh. Những căn cứ
quân đội Hoa Kỳ như Chu Lai đã nuôi sống dân làng vùng sỏi cát này nay
lại trở về với khô cằn sỏi đá. Xem ra như dân chúng miền này phải triền
miên sống nghèo mặc dù có những nỗ lực lớn Dung Quất. Và Tin Mừng cũng
như sự hiện diện của các thừa sai sẽ đem đến cho họ một sức sống mới dựa
trên lòng tin, tình huynh đệ bác ái không đắn đo và đại độ.
Các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế khởi đầu
là cha Denis Paquette, đến các anh em hiện nay đã có phương pháp tông đồ
truyền giáo bởi cuộc sống gần gũi với người nghèo, chia sẻ những bấp
bênh của cái nghèo. Người nghèo thì chỉ có thể nhận chứ không cho được
bao nhiêu. Dĩ nhiên cuộc sống chứng tá này đòi hỏi nhiều can đảm, nhiều
hy sinh, nhiều chịu đựng. Các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế tại Châu Ổ đã
thể hiện tinh thần cứu thế cao độ.
Trung Tâm truyền Giáo Châu Ổ
Trong tập Kỷ yếu được phát hành nhân kỷ
niệm 75 năm Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt-nam, có đoạn nói về phương pháp
tông đồ này của Dòng Chúa Cứu Thế tại Châu Ổ. Xin trích lại: (trang 68):
“Các thừa sai đã mở nhiều trường dạy học trong đó nổi tiếng nhất là
trường Trưng Vương và trường Phụng sự, mở các khu mẫu giáo, lập lưu xá
cho học sinh, kết hợp với Dòng Thánh Phaolô thành lập trung tâm bảo vệ
trẻ em mồ côi, lập nhà văn hóa, mở trường dạy nghề, tạo các
phương thức làm ăn sinh sống cho dân nghèo, như lập nghiệp đoàn xe thồ,
hợp tác xã Lưới Cao…. Sống tại vùng đất thường bị thiên tai lũ lụt, mất
mùa, hỏa họan… các thừa sai truyền giáo đã tích cực thực hiện các hoạt
động cứu trợ, thậm chí còn cứu đói thường xuyên cho biết bao dân chúng
nghèo khổ. Nói chung vùng truyền giáo Châu Ổ đã chọn một đường hướng
truyền giáo chú trọng sự phát triển kinh tế – xã hội – giáo dục – văn
hóa.”
Các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế muốn sống
giữa người nghèo, như người nghèo, để họ được vươn lên trong cuộc sống
đầy đủ, an bình, sung túc hơn, và như thế sẽ cùng họ tạo một cuộc sống
tinh thần dựa trên nỗ lực mồ hôi nước mắt của chính mình và của tất cả
mọi người cùng chung sức trong tình yêu thương bác ái và tương trợ lẫn
nhau.
Trong một vùng đất nghèo, đường xá còn
thô sơ, việc đi lại khó khăn, nhất là đối với những người mà hoa lợi
không dồi dào, việc giữ đạo của con em luôn buộc các thừa sai phải tự
nhân lên để có thêm nhân sự, cơ sở và phương tiện. Phải làm sao để khắp
các địa điểm đều có nơi để tụ họp kinh lễ, nhà trường cho các em. Có
những nơi được xây nhà thờ như Châu Ổ, Bình An, Bình Thạnh…. Nhiều nơi
khác không được sự dễ dàng đó. Riêng tại nơi xa xôi khó đến nhất là đảo
Lý Sơn với cha Trương Văn Hành, và nay với cha Phêrô Phạm Đức Thanh,
việc truyền giáo khởi sự từ thời cha Nguyễn Hoàng Diệp nay đã có những
bước tiến khả quan hơn.
Các thừa sai quá biết rằng: một phương
thế hữu hiệu nhất để giữ vững đức Tin là phải truyền giáo, phải trở
thành những tông đồ. Giáo dân phải ý thức về sứ vụ tông đồ của mình,
giáo dân phải được thúc đẩy, phải được “đoàn ngũ hóa” để trở thành những
chiến sĩ Phúc âm. Do đó mà HIỆP HỘI PHỤ TÁ TRUYỀN GIÁO do sáng kiến của
các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế đã được thành hình, được Đức cha Đaminh
Hoàng Văn Đoàn, Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn chuẩn y ngày 16-5-1971 và
được Bề trên tỉnh Henri Bạch Văn Lộc cho thi hành ngày 25-5-1971. Biến
cố 30-4-1975 đã chấm dứt công cuộc mới mẻ và rất cần thiết này.
Trong danh sách các thừa sai Châu Ổ,
chúng ta luôn nhớ đến các Linh Mục Denis Paquette, Đaminh Đỗ Văn Thừa,
Phêrô Nguyễn Quang Diệp, Giuse Châu Xuân Báu, Phaolô Vũ Văn Thiện, Tôma
Phạm Hữu Thiện, Gioan B. Nguyễn Thế Thiệp, Anphong Nguyễn Đức Điềm,
Hilariô Nguyễn Gia Tước, Gioan B. Hoàng Thanh Huê, Micae Trương Văn
Hành, Phaolô Nguyễn Thọ, Gioan Nguyễn Đức Thống, Giuse Phạm Minh Hảo.
Các thầy Marcô Trần Văn Đàn, Julien Phêrô Phùng Hiệu, Aimée Giuse Phạm
Đức Triêm, Phaolô Simon Phạm Mẫn, Paulin Micae Nguyễn Văn Thiện, Giuse
Ngô Tấn Lực, Anrê Nguyễn Ngọc Dũng…..
Biết bao hy sinh mồ hôi nước mắt và cả
máu đã đổ ra trên đám ruộng Chúa trao cho Dòng. Nhờ đó mà Tin Mừng được
loan truyền trên mảnh đất này của Giáo phận Qui Nhơn. Công việc Truyền
giáo tại Châu Ổ rất lớn lao và đòi hỏi thêm nhiều người nữa. Dầu thế các
cha cộng đoàn này cũng từng tham gia với nhà Huế để làm những kỳ Đại
phúc tại Trà Kiệu, các giáo xứ vùng Hà Tĩnh, Nghệ An….
Ước mong những khổ đau quá khứ và hiện
tại đem lại niềm hy vọng tràn ánh sáng cho nơi truyền giáo này, nơi mà
Dòng Chúa Cứu Thế hiên ngang được góp phần vào ơn cứu chuộc từ Đức Giêsu
Cứu Thế.
Lm. Rôcô Nguyễn Tự Do, C.Ss.R
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét