CHÂN THIỆN MỸ MẾN CHÀO CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Bản Tin Giáo Xứ Công Lý SỐ 51.C CHÚA NHẬT 33 TN C 13-11-16





LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Học thuộc lòng đoạn Kinh Thánh
Lời Chúa: Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. (Mt 10, 22)
Lời Chúa: Kn 3,1-9; 2Cr 4,7-15; Mt 10,17-22

CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU ĐTGM:Ngô Quang Kiệt


Thánh lễ hôm nay đỏ một mầu máu. Máu của hơn 100 ngàn anh hùng tử đạo. Máu của 117 vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh. Máu ngập tràn chảy suốt hơn 3 thế kỷ truyền giáo tại Việt Nam.
Có điều máu lênh láng nhưng không tanh tưởi bởi không phải là thứ máu oan khốc nơi chiến trường tuôn chảy trong hờn căm oán ghét. Máu đẹp như những cánh hoa vì phát xuất từ tình yêu cao quí. Máu dường như toả hương thơm bởi khơi nguồn từ những trái tim chan chứa yêu thương. Máu không gây ghê tởm nhưng gợi lòng kính trọng. Máu không tạo oán thù nhưng vực dậy yêu thương. Đó là những dòng máu làm chứng cho tình yêu.
 Tình yêu Thiên Chúa. : Các thánh Tử Đạo Việt Nam có lòng tin mạnh mẽ. Lòng tin của các ngài không biểu lộ trong những hành vi cuồng tín, nhưng diễn tả trong thái độ chan chứa yêu thương. Đã nhận biết Chúa, các ngài yêu mến Chúa tha thiết. Đã cảm nhận được tình yêu của Chúa các ngài mong muốn được đáp đền tình yêu đó.
Tình yêu của các ngài là tình yêu hy sinh. Nên các ngài đã từ bỏ tất cả: cuộc sống yên ổn, danh vọng tiền tài, kể cả mạng sống vì Chúa. Thánh Hồ đình Hy sẵn sàng chịu mất chức trong triều đình. Thánh Tôma Thiện vui lòng dâng hiến tuổi xuân xanh với những lời hứa hẹn chức quyền của vua quan. Thánh nữ Anê Lê thị Thành mạnh dạn từ bỏ gia đình êm ấm với những người con ngoan ngoãn dễ thương. Tất cả vì tình yêu Chúa.
Tình yêu của các ngài là tình yêu chung thuỷ. Các ngài yêu mến Chúa khi bình an, các ngài càng yêu mến Chúa trong những gian nan thử thách. Các ngài đã thực hiện lời thánh Phao-lô: Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki tô Giê-su, Chúa chúng ta (Rm 8,35-39).
Tình yêu của các ngài là tình yêu cao quí. Đáp lại tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã hiến thân vì các ngài, các ngài cũng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu với Chúa. Đúng như lời Chúa nói: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).
Tình yêu cuộc sống. : Các ngài là những người yêu mến cuộc sống. Không phải một cuộc sống tầm thường nhưng là cuộc sống với tất cả những chiều kích cao đẹp của nó. Cuộc sống với những giá trị thiêng liêng như lý tưởng, như tình yêu, lòng trung tín. Một cuộc sống không nô lệ cho vật chất. Một cuộc sống trung thực không giả dối. Một cuộc sống không bị đóng khung trong thế giới hữu hạn mau tàn nhưng mở ra đến vĩnh cửu. Một cuộc sống không hạ con người xuống nhưng nâng con người lên ngang với các thần thánh. Thật sự yêu mến cuộc sống nên các ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng, để bảo vệ và xây dựng.
Tình yêu nhân loại. : Cái chết của các ngài minh chứng một tình yêu vô biên đối với nhân loại. Các ngài không chỉ yêu mến Chúa mà còn yêu mến gia đình. Hãy nhìn cảnh thánh Lê văn Phụng hoặc thánh nữ Lê thị Thành an ủi con cháu trước khi ra pháp trường. Tình yêu thương của các ngài lan cả tới lính gác, cai tù và lý hình. Thánh Lê văn Phụng chữa bệnh cho người cai tù của mình. Tất cả các thánh vui vẻ ra đi chịu chết. Không có ai tỏ lòng oán hận. Và nhất là không có vị nào thù ghét các lý hình.
Tình yêu của các ngài phát xuất từ tình yêu Chúa nên rộng rãi toả lan tới mọi người, mọi nơi các ngài sinh sống. Tình yêu ấy là tình yêu nguyên tuyền nên không biết đến sự thù ghét, nên sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Tình yêu ấy như bông hoa vẫn toả hương trong tay kẻ vò nát nó. Tình yêu ấy giống như loài gỗ quí vẫn phả hương thơm cả đến chiếc rìu bổ vào nó (Fulton Sheen).
Động lực hướng dẫn cuộc đời các ngài là tình yêu. Cái chết của các ngài làm chứng cho tình yêu. Đó chính là điều mà ta có thể bắt chước các ngài. Trong hoàn cảnh hiện nay, ta không có hy vọng được phúc tử đạo, nhưng ta vẫn có thể noi gương các thánh Việt Nam làm chứng cho đạo Chúa. Nếu ta không được chết cho tình yêu, ta vẫn có thể sống cho tình yêu. Có lẽ ngày nay Chúa cũng không mong ta chết vì đạo mà mong ta hãy sống vì đạo.
Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho chúng con. Amen

Thánh nữ tiên khởi Việt Nam
Nhìn lại lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, số chị em phụ nữ góp phần xương máu làm chứng đức tin không phải là ít. Tuy nhiên tinh thần kiên cường bất khuất vì Đức tin Kitô giáo của thánh nữ Anê Lê Thị Thành là một mẫu gương hiếm có.
Chính quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh nổi tiếng là "hùm xám tỉnh Nam" (Nam Định) cùng đành phải bất lực trong việc thuyết phục bà chối đạo. Quan áp dụng nhiều phương thế, từ khuyên dụ ngon ngọt đến tra tấn nhục hình, gông xiềng, đòn đánh đến tan nát thân mình, cũng không thể lung lạc đức tin trung kiên của thánh nữ. Những giọt máu tung toé vì đòn vọt đã trở nên những bông hoa hồng kết thành triều thiên tử đạo, phần thưởng tuyệt hảo Thiên Chúa trọng ban: Anê Lê thị Thành, thánh nữ tiên khởi của Giáo Hội Công giáo Việt Nam.  
Người mẹ gương mẫu
Anê Lê Thị Thành sinh khoảng 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Tục lệ địa phương thường gọi tên cha mẹ bằng tên người con đầu lòng, vì thế người địa phương gọi Thánh nữ và chồng là ông bà Đê, vì người con trai đầu của ông bà tên Đê. Ông bà Đê sống hiền lành đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái.
Từ bác ái đến tử đạo
Ông bà Đê có lòng bác ái hay thương giúp đỡ người, nhất là giúp đỡ các linh mục gặp khó khăn trong thời cấm đạo. Ông bà dành một khu nhà kín đáo để các linh mục thừa sai trú ẩn.
Tháng 3/1841 đời vua Thiệu Trị, có cha Thành trú ở nhà ông bà Đê. Một người tên Đễ theo giúp cha Thành muốn lập công và tham tiền đã mật báo tin các linh mục trú ẩn cho quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Binh lính bất ngờ bao vây làng Phúc Nhạc vào đúng sáng ngày lễ Phục sinh (14/4/1841). Quan truyền tập trung giáo dân lại để quân lính lục soát từng nhà. Cha Thành may mắn trốn thoát kịp. Cha Lý được ông Trùm Cơ đưa sang trú ở vườn nhà bà Đê sát bên. Bà Đê chỉ cho cha đường mương khô ở sau vườn cạnh một bụi tre: "Xin cha ẩn dưới rãnh này, Đức Chúa Trời gìn giữ thì cha thoát, bằng không cha và con đều bị bắt". Nói xong bà cùng con gái Lucia Nụ lấy rơm và cành khô che phủ lên, nhưng quân lính đã trông thấy cha chạy qua vườn nhà bà, nên họ đến bắt cha Lý và bà Đê, chủ nhà. Ông Trùm Cơ, bốn hương chức trong làng và hai nữ tu Mến Thánh Giá Anna Kiêm và Anê Thanh cũng bị bắt. Tất cả bị trói mang gông điệu ra đình làng. Khi bị bắt, bà Đê rất sợ hãi, nhưng khi điệu bà ra đình làng thì gương mặt bà vui tươi và không có vẻ gì là sợ sệt nữa.
Mặc áo hoa hồng
Quân lính áp giải các nạn nhân về Nam Định. Họ phải đi suốt đêm rất cực nhọc. Bà Đê sức yếu, không chịu nổi gông quá nặng, phải có người nâng đỡ nhiều lần. Sáu ngày sau ra trước công đường, quan tòa bắt bà chối đạo, bà đáp: "Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời…" Các quan truyền đánh đòn bà.
Đến lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba, thấy bà Đê vẫn một lòng trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà qua Thánh Giá. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để để cưỡng bách con đạp lên Thập Giá".
Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm tay áo lại rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê vẫn giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra.
Cô Lucia Nụ đến thăm Mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lỗ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan: "Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?"  Bà còn khuyên: "Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng."
Ngoài những cực hình tra tấn nặng nề và ăn uống kham khổ, bà còn chịu thêm đau đớn của bệnh kiết lỵ. Hai nữ tu tận tâm săn sóc bà, các linh mục gởi thuốc đến thăm, ban Bí tích Giải tội, xức dầu cho bà. Trong giờ hấp hối, người ta thường nghe bà cầu nguyện: "Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con". 
Cuối cùng bà dâng lời sau hết: "Giêsu Maria Giuse! Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa, xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự". Bà Anê Đê đã về nhà Cha trên trời trong tinh thần thánh thiện ấy. Hôm đó là ngày 12/7/1841, sau ba tháng bị giam cầm hy sinh vì đức tin. Bà hưởng thọ 60 tuổi. 
Theo tục lệ, người lính cho đốt ngón chân bà để kiểm tra nạn nhân còn sống hay không. Họ tẩm liệm thi hài vào quan tài do Nhà Chung đem tới, rồi an táng tại pháp trường Năm Mẫu. Sáu tháng sau, giáo hữu cải táng về Phúc Nhạc. 
Ngày 2/5/1909, Đức Piô X đã suy tôn Chân phước cho bà Anê Lê Thị Thành. Bà thật xứng danh là gương mẫu và là các bổn mạng các bà mẹ Công giáo Việt Nam. Ngày 19/6/1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn bà lên bậc Hiển thánh.
(Tổng hợp Hạnh các Thánh)

 NHỮNG LỜI NÓI SAU CÙNG CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO





– Thánh Anê Thành, một người mẹ của 6 đứa con. Trong cơn đau đớn vì bị tra tấn đã nhắn nhủ cô con gái đến thăm người trong tù rằng: “Con chuyển lời mẹ nói với các anh chị em con : Hãy coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, đọc kinh sáng tối, dâng lễ mỗi ngày, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên Đàng”. Lời sau cùng của bà là: “Giêsu Maria Giuse, con phó thác hồn con và thân xác con trong tay Chúa, xin ban cho con trọn niềm tin ở Chúa.”
– Thánh Luca Thìn, 39 tuổi, cai tổng. Người đã viết khi bị bắt bước qua thánh giá: “Tôi là một Kitô hữu. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ”.
– Thánh Giuse Lựu, trùm họ Mặc Bắc (Vĩnh Long) đã tâm sự với một linh mục bạn tù rằng: “Xin cha cầu Chúa ban sức mạnh và lòng can đảm cho con. Con sắp phải đi đày. Con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con. Con bằng lòng dâng cho Người hy sinh lớn lao hơn hết là gia đình, vợ con của con”.
– Thánh Matthêu Gẫm, 34 tuổi, một thương gia giàu có, dù bị hành hạ, bị gông xiềng nhưng vẫn luôn bình tĩnh vui tươi. Ngài nói: “Tôi có ăn trộm, ăn cướp gì đâu mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm”.
– Thánh Laurensô Ngôn, 22 tuổi, một nông dân, đã trả lời khi các quan bắt ngài bước qua thánh giá: “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thánh giá là phương thế Chúa dùng để cứu độ nhân loại. Tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Tôi sẵn lòng chịu chết vì đức tin vào Thiên Chúa của tôi”.
– Thánh Matthêu Phượng, trùm họ, đã nói với các con mình rằng: “Các con của cha ơi! Đừng khóc, đừng buồn làm chi vì cha đang gặp được vận hội may mắn”.
– Thánh Đaminh Ninh, 21 tuổi, nông dân, đã hiên ngang phát biểu: “Nếu làm con cái không được phép sỉ nhục cha mẹ mình, thì làm sao người Kitô hữu lại có thể chà đạp hình ảnh của Đấng tạo thành trời đất? Xin các quan thi hành điều các quan muốn. Còn tôi không bao giờ xúc phạm thập giá Chúa tôi đâu”.
– Thánh Phêrô Dũng yên ủi vợ: “Hãy vui mừng vì tôi được hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô”.
– Thánh Emmanuel Phụng, trùm họ, trước khi bị siết cổ đã trao cho con gái một ảnh thánh giá và nói: “Con hãy nhận lấy kỷ vật của cha. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này quí giá hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé”.

TRÀNG CHUỖI ĐẦU TIÊN CỦA MỘT MỤC SƯ TIN LÀNH



 Sau khi trở lại đạo Công giáo, nhưng bị gia đình từ bỏ, ông đã lần hạt một cách ngượng nghịu… Và phép lạ xảy ra.
    Fernando Casanova, người Puerto Rico, sinh trưởng trong môi trường phái Ngũ tuần rồi làm mục sư phái Phúc âm. Năm 2008, việc ông cải sang đạo Công giáo là một sự kiện được loan truyền rộng rãi.
Kể từ lúc đó, ông là một nhà biện giáo Kitô giáo sáng giá với kiến thức đầy ấn tượng về các tham khảo kinh thánh và tài hùng biện phong cách Latinh đầy lôi cuốn.
Ông thường nói về tiến trình chậm rãi và đau đớn trong 5 năm của mình, trở lại Công giáo sau nhiều năm phục vụ và có danh tiếng trong giáo hội Tin Lành.
Khi thấy hoang mang trước việc liên tục nảy sinh các nhóm và giáo hội Tin Lành mới, ông bắt đầu công cuộc nghiên cứu kinh thánh để tìm kiếm Giáo hội Duy nhất và Hiệp nhất do Chúa Giêsu Kitô thiết lập. Nhiệt tâm của ông dành cho cuộc nghiên cứu này, bắt rễ từ một khao khát chứng minh rằng mình có thể “không cần là người Công giáo.”
Nhưng dần dần ông nghiệm ra, và rồi một cảm nghiệm với Chúa Kitô trong Bí tích thánh thể trong một nhà thờ Công giáo, là cú hích cuối cùng để ông đi đến quyết định trở lại.
Khi quyết định trở lại đạo Công giáo, ông đã kể cho vợ mình, một người Tin Lành đầy xác tín về đạo của mình. Do đó, họ ly thân.
Trong vài tháng tiếp theo, ông không được gặp gia đình mình, và với một người cha gia đình và người chồng chung thủy như ông, thật không thể nào hiểu được vì sao Thiên Chúa lại để ông nhận lấy hậu quả này khi mà ông đã theo đúng con đường con đường phải đi.
Ông kể lại chuyện một ngày nọ, khi đi vào nhà nguyện để xin Chúa nâng đỡ cho nỗi đau buồn của mình, ông thấy một hàng chuỗi ai bỏ quên trên ghế, và hiểu rằng Chúa muốn ông cầu nguyện bằng tràng chuỗi này. Dù cho ông quyết tâm trở lại Công giáo, nhưng nền tảng Tin Lành lâu năm khiến ông rất khó chấp nhận việc lần hạt, nhưng rồi ông hướng về Đức Mẹ và nói với mẹ là ông sẵn sàng lần hạt với hai điều kiện:       – “Con và vợ sẽ giải hòa.”
– “Con, vợ con, và con cái con được thông hiệp trọn vẹn với Giáo hội của Con Mẹ.”
Ông đã lần hạt, theo lời ông là, “một cách ngượng nghịu và không có đức tin, và thậm chí sau khi lần xong chục đầu tiên, tôi còn xin Chúa tha thứ nếu như Chúa không thích việc con đang làm.”
Nhưng rồi, chỉ trong ngày hôm ấy, ông được gặp gia đình và giải hòa với vợ.
Một năm sau “tràng chuỗi mân côi ngượng nghịu đó,” tiến sỹ Casanova, cùng vợ và con cái, được rước Mình Thánh Chúa trong Nhà thờ chính tòa Puerto Rico.
Ông rất tiếc nuối vì đã để lại tràng chuỗi trong nhà thờ hôm đó, bởi ông muốn lần hạt mỗi ngày với tràng chuỗi đó, để ghi nhớ phép lạ Đức Mẹ đã ban cho ông và gia đình ông.
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn08.11.2016/
Aleteia | Javier Ordovas)

THÁNH NHÂN VÀ MÔI TRƯỜNG...



Chuyện hi hữu là có một con chim chào mào hạng cao cấp đến đậu và ăn những thức ăn trên cái dĩa của bức tượng bằng đá được đẻo khắc hình thánh PHAN XI CÔ ASSISI...chưng ở một khu vườn... Ai cũng biết thánh Phanxicô Assisi là một vị thánh yêu thiên nhiên, yêu môi trường... Ngài sống gần gũi với môi trường, hô hào yêu thương, gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên, coi đó là nền tảng cho hạnh phúc và hoà bình... Ngài thân thương gọi những động vật, thực vật, sinh vật chung quanh là anh em, chị em , cô, dì, chú, bác, ông, bà...
Hình ảnh tuyệt vời giúp ta có một khái niệm, một cái nhìn khá đơn giản nhưng rất cơ bản về thiên nhiên, môi trường trong quan niệm Kitô giáo...
Lười cầu nguyện  - Lm. Dân Chài


Người thanh niên lười biếng cầu nguyện.


 Anh ta nói với mẹ của anh: - Không có phải cầu nguyện làm gì cho mệt. Nếu có Chúa thì Chúa đủ khôn ngoan và biết phải giúp chúng ta những gì.
Sau khi nói với mẹ như vậy, anh ta dắt chiếc xe máy ra khỏi cửa nhà. Mẹ anh ta gọi và hỏi anh ta: - Con đi đâu vậy?
- Con đi hỏi xin việc làm chứ đi đâu nữa.
- Không có phải đi đâu làm gì cho mệt. Nếu có Chúa thì Chúa đủ khôn ngoan và biết phải giúp con những gì.
- Chúng ta phải đi tìm xin việc chứ! Làm gì tự nhiên công việc tự đến ngay được.
- Thì cũng phải cầu nguyện, đối thoại, thể hiện sự cộng tác, xin ơn Chúa ban chứ! Làm gì mà cứ để mặc Chúa được.


Vui … vui : HỎA NGỤC: Chỉ Là Giờ Giải Lao
Ảnh có tính minh họa
Một người sau khi chết được dẫn tới tham quan hỏa ngục.
Anh thấy mọi người ở đó đang đứng trong một bể bùn ngập ngang bụng. Người thì đang hút thuốc, người thì đang uống bia vẻ khoái chí.
Anh ta buột miệng thốt lên: “Hỏa ngục mà cứ như là đi du lịch
tắm bùn thế này thì đã quá. Thế mà mình cứ tưởng…”
Vừa nói đến đó thì viên cai ngục tiến đến và ra lệnh: “Hết giờ nghỉ giải lao. Bây giờ tất cả mọi người ở yên tại chỗ, cắm đầu xuống đất và chổng hai chân lên trời!”  

Thấy vậy, anh chàng đi thăm quan… xỉu liền!!!

Không có nhận xét nào: